Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Một ngày thú vị trên sông nước xứ dừa


Ngày nghỉ cuối tuần, cả nhóm chúng tôi rủ nhau du hành một chuyến về vùng đất xứ dừa khám phá sông nước, miệt vườn, xứ sở mà nghe người ta nói đi đâu cũng gặp những vườn dừa xanh thẩm bạt ngàn.
Từ thành phố Hồ Chí Minh xe khởi hành lúc 8 giờ sáng, 9 giờ 45 bọn tôi đã đến bến tàu du lịch Tiền Giang; 10 giờ xuống du thuyền và bắt đầu khám phá sông nước – miệt vườn của vùng đất xứ dừa. Từ bờ Tiền Giang sang Bến Tre, du thuyền đưa chúng tôi lênh đênh trên dòng sông Tiền, ngắm nhìn sông nước mênh mông, những tàu thuyền xuôi ngược, những gợn sóng nhấp nhô lắc lư du thuyền, cả bọn khoái chí vô cùng. 

Chỉ một ngày ngắn ngủi trong chuyến hành trình khám phá vùng sông nước Bến Tre, do công ty Cổ phần du lịch Bến Tre tổ chức, thật sự là một ấn tượng đáng nhớ và khó quên của cả nhóm. Điểm dừng chân đầu tiên, chúng tôi được hướng dẫn tham quan các điểm du lịch trên Cồn Phụng (Châu Thành, Bến Tre). Đến đây, ngoài việc tận hưởng khí trời thoáng mát của vùng sông nước, chúng tôi được tham quan các kiến trúc còn hiện hữu như: Sân rồng, tòa tháp với lối kiến trúc độc đáo, có nhiều hoa văn rất đẹp, cũng như tham quan tìm hiểu về lịch sử công trình này, cả đoàn thích thú vô cùng.  


Điểm tiếp theo được hướng dẫn thăm cơ sở sản xuất kẹo dừa và tráng bánh tráng truyền thống. Nhìn những viên kẹo dừa mới ra lò còn nóng hổi, có mùi thơm béo ngậy và nhìn đôi bàn tay khéo léo của người thợ gói kẹo, bọn tôi ngưỡng mộ vô cùng. Chúng tôi được thưởng thức những viên kẹo dừa đặc sản, do chủ cơ sở mời và uống ly trà nóng, bọn tôi cảm thấy nó ngọt ngào, ấm lòng, thâm tình sao sao ấy và khó diễn tả hết được sự mến khách của người dân xứ dừa, điều mà từ lâu bọn tôi đã nghe nhiều người nhắc đến.
Cũng tại Cồn Phụng, hành trình trên những con đường làng quanh co dưới những vườn cây trái rậm bóng mát, chúng tôi tham quan cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa. Cả bọn tôi ai cũng lóe mắt, ngạc nhiên với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hết sức độc đáo này. Phải công nhận rằng từ “cây dừa” sao mà làm ra nhiều thứ quá. Tò mò, tìm hiểu và tiếp xúc với người dân nơi đây, bọn tôi thán phục cái trí óc tưởng tượng phong phú, kết hợp với đôi bàn tay khéo léo của những “nghệ nhân miệt vườn” xứ dừa, cùng các kỹ thuật chế tác tinh xảo, đã sáng tạo ra rất nhiều loại sản phẩm từ dừa, nhất là một số sản phẩm tiêu biểu như: chén, đũa, nĩa, ấm trà, gạt tàn thuốc, hình các con vật,… để mọi người ngắm nghía, chiêm ngưỡng nó. Cả đoàn ai cũng trầm trồ, rồi lựa chọn cho mình những sản phẩm thông dụng yêu thích. Riêng bọn tôi, mỗi đứa chọn cho mình một vài sản phẩm, nhất là các con vật trong bộ giáp, để tặng cho người thân, bạn bè đúng ý nghĩa với tuổi của mỗi người và để làm kỉ niệm nhân chuyến đi tại vùng sông nước, miệt vườn Bến Tre.
Đến Cồn Phụng, ngoài tham quan khung cảnh thiên nhiên, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, các đặc sản truyền thống, chúng tôi thấm mệt nên nằm nghỉ chốc lát trên những chiếc võng đong đưa dưới vườn cây, tán lá xanh mát. Sau khi đã nghỉ ngơi lấy lại sức, chúng tôi tham gia vào trò chơi câu cá sấu, đây cũng là một thú tiêu khiển, thư giãn rất thú vị.

Du thuyền lại xuôi dòng sông Tiền, người hướng dẫn đưa chúng tôi đến điểm Cồn Quy; lênh đênh thưởng ngoạn trên sông nước, vừa ngắm nhìn những sản phẩm ngộ nghĩnh từ dừa trên tay, được ngồi thư thái trên du thuyền, được hít, thở gió trời của vùng sông nước xen lẫn với mùi thơm thoang thoảng của hoa bần, thật là thoải mái, thú vị vô cùng. Theo lời giới thiệu của hướng dẫn, Cồn Quy nhỏ nhất trong các cồn của Bến Tre được khai thác từ những năm 1960, hiện nay Cồn Quy vẫn còn giữ được những nét hoang sơ. Ven bờ Cồn Quy là những hàng bần với bông bần trắng tím là đà mặt nước, đong đưa trong gió và những rặng dừa nước xanh um chạy dọc triền sông nhìn đến hút mắt. Thỉnh thoảng, chúng tôi bắt gặp những mái nhà lá đơn sơ thấp thoáng trong những vườn cây ăn trái trĩu quả.

Đến Cồn Quy, chúng tôi được ngắm một khung cảnh thiên nhiên hữu tình thơ mộng, khoái nhất là tham gia tát mương bắt cá, hái trái cây với chủ vườn và thưởng thức các đặc sản của vùng đất nơi đây. Dừng chân ở nhà hàng du lịch xanh Quê Dừa, ngồi trong các gian sàn rộng rãi, gọi là thủy tạ gió mát rười rượi, chúng tôi thư thái ngắm nhìn đám lục bình tràn đầy mặt hồ đã tới mùa nở hoa tím ngát rất đẹp. Theo nhận xét của nhóm chúng tôi, nhà ăn ở đây được cất bằng tre lá nhưng đầy đủ tiện nghi và theo lời giới thiệu của chủ cơ sở ở đây phục vụ khoảng 400 khách cùng một lúc, với những món ăn đặc sản dân dã như: Cá bông lau nấu canh chua bần với rau muống đồng, cá điêu hồng hấp với các loại nấm và bông bí, tép rang dừa, cháo cua đồng, cá rô kho tộ, cá tai tượng chiên xù,…  

Thật hấp dẫn, cả đoàn chúng tôi còn được phục vụ đàn ca tài tử, được đưa đi tham quan quy trình nuôi ong mật, vừa thưởng thức trái cây mới hái,  thú vị nhất là được hớp ly trà mật ong. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết người dân nơi đây sáng tạo nuôi ong lấy mật tại vườn nhà, sau đó pha với trà phục vụ cho du khách. Vị đắng hậu ngọt của trà hòa trong vị ngọt chua của mật ong thật là tuyệt.

Tham quan xong Cồn Quy, từ du thuyền lớn chuyển sang những chiếc xuồng chèo nhỏ đưa chúng tôi len lỏi vào trong các con rạch nhỏ. Càng vào sâu trong rạch, hai bên dừa nước chen mọc dày đặc, xanh um, cùng với những bông, quầy dừa nước lớn, nhỏ, đua nhau khoe sắc trông đáng yêu vô cùng. Hướng dẫn viên thuyết minh, đây là con rạch nhỏ có tên là rạch Xếp thuộc xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, Bến Tre. Nó có tên rạch Xếp, vì càng vào sâu con rạch càng xếp nhỏ lại. Đến đây, chúng tôi được đưa đi xem các lò sấy nhãn nằm dài theo những con đường làng rợp bóng dừa xanh. Chúng tôi bắt gặp hình ảnh của  những người dân mến khách luôn có nụ cười cởi mở và thân thiện làm cho chúng tôi cảm thấy sự gần gũi và gắn bó với nơi đây tự bao giờ.
Tiếp tục chuyến hành trình, chúng tôi đến với điểm du lịch Quới An tham quan ngôi nhà chữ “đinh” làm bằng gỗ dừa rất độc đáo, đây là kiểu nhà truyền thống Nam Bộ. Trong ngôi nhà trưng bày tranh, ảnh, các hiện vật có liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân Nam Bộ, cũng như các sản phẩm quà lưu niệm làm từ dừa. Chia tay điểm du lịch Quới An, tiếp tục thả bộ trên con đường làng rợp bóng dừa xanh với những vườn cây trái xanh mát, chúng tôi càng thích thú hơn khi được ngồi trên thùng xe để “chú ngựa” kéo đi, cảm giác lần đầu đi xe ngựa ngắm đường làng và nhìn thấy sinh hoạt thường nhật của người dân nơi đây cả bọn chúng tôi khoái khoái sao sao ấy. Tiếng ngựa lóc cóc vang lên trên con đường quê rợp bóng dừa xanh, thoang thoảng đâu đây mùi hương của hoa dừa, hoa của những vườn cây ăn trái,… đã làm nên một kỷ niệm khó phai trong lòng mỗi chúng tôi khi tham gia vào một chuyến du hành khám phá vùng sông nước – miệt vườn Bến Tre.
Trong chuyến đi này, nhóm bạn chúng tôi mỗi đứa có một ý nghĩ, một cảm nhận riêng. Song chúng tôi có cùng một sở thích và thích thú vô cùng đó là “xuồng chèo” len lỏi trong những con rạch nhỏ, nhìn dòng nước ròng, nước lớn, có màu đục đục. Có lẽ đây là dòng nước có nhiều phù sa, nên đã bồi tụ cho vùng đất này có rừng dừa xanh thẩm bạt ngàn và phong phú nhiều vườn cây ăn trái tốt tươi. Yêu nhất vẫn là hai hàng dừa nước xanh um tùm, đan xen trong đó là những cây bần trổ hoa thơm ngát. Hương thơm của hoa bần, với những làn gió mát rượi của vùng sông nước xứ dừa, những món ăn dân dã, những món quà lưu niệm xinh xinh làm bằng dừa,… làm cả bọn chúng tôi quên đi mệt mỏi. Đây thật sự là một trải nghiệm đáng nhớ của nhóm chúng tôi trong chuyến hành trình về với quê hương xứ dừa. Hy vọng một lần nữa hành trình đến vùng đất xứ dừa, với tuyến khám phá khác sẽ gặt hái nhiều kỷ niệm đẹp và thích thú nhiều hơn./.
Bài cảm nhận của tác giả: Lê Phương
Mail: lephuongdulich@yahoo.com

Cự ly các điểm đến tại Ba Tri

- Từ thành phố Hồ Chí Minh đến trung tâm thành phố Bến Tre: 86 km
- Từ thành phố Bến Tre đến trung tâm huyện Ba Tri: 36 km. Từ trung tâm huyện Ba Tri đến các điểm du lịch trên địa bàn huyện như sau:
  • Đến Khu di tích lịch sử Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức (01 km);
  • Di tích nghệ thuật Đình Phú Lễ, xã Phú Lễ (04 km);
  • Di tích lịch sử mộ Võ Trường Toản, xã Bảo Thạnh (13 km);
  • Di tích lịch sử Nhà ông Nguyễn Văn Cung và ngã ba Cây Da Đôi, xã Tân Xuân (12 km);
  • Khu lưu niệm Đốc binh Phan Ngọc Tòng, xã An Hiệp (03 km);
  • Miếu thờ cụ Lê Quang Quan (Tán Kế), xã Mỹ Thạnh (08 km);
  • Khu mộ và đền thờ tiến sĩ Phan Thanh Giản, xã Bảo Thạnh (13 km);
  • Làng nghề đan đát Phước Tuy, xã Phước Tuy (08 km);
  • Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Phú Lễ, xã Phú Lễ (mây tre đan và sản xuất rượu nếp), (04 km);
  • Làng nghề “Bánh phồng Phú Ngãi”, xã Phú Ngãi (06 km);
  • Làng nghề “Muối Bảo Thạnh”, xã Bảo Thạnh (13 km);
  • Làng nghề “Cá khô An Thủy”, xã An Thủy (09 km);
  • Sân chim Vàm Hồ, xã Tân Mỹ (14 km);
  • Nhà thờ Cái Bông, xã An Phú Trung (03 km).

Các điểm đến kể trên di chuyển bằng phương tiện xe 04 bánh (từ 30 – 50 chỗ) đều đến được. Riêng sân chim Vàm Hồ, xã Tân Mỹ đi được cả đường bộ và đường thủy./.

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Du lịch lễ hội xứ dừa

“Lễ hội” là sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng và xuất phát từ nhu cầu cuộc sống. Lễ hội diễn ra thường gắn liền với những phong tục tập quán, nghệ thuật truyền thống, môi trường văn hóa và đặc thù của địa phương đó. Bến Tre không có nhiều lễ hội lớn như các nơi khác, song Bến Tre có những Lễ hội tiêu biểu mang sắc thái riêng của vùng đất xứ dừa. Các lễ hội ở Bến Tre cứ “đến hẹn lại lên” và diễn ra rất hấp dẫn. Bởi thế, Bến Tre không chỉ thu hút du khách thập phương với những sản phẩm du lịch sinh thái của sông nước – miệt vườn, những vùng cây trái nổi tiếng, những làng nghề hay những công trình kiến trúc văn hóa - lịch sử và kiến trúc cổ…, mà Bến Tre còn hấp dẫn du khách bởi những lễ hội rất đặc trưng diễn ra hàng năm tại xứ dừa.
Đến Bến Tre vào tháng giêng, trên vùng đất cù lao Minh du khách sẽ tham gia “Lễ hội truyền thống cách mạng” hay còn gọi là “Lễ hội Đồng Khởi”, diễn ra vào 17/01 tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam. Các hoạt động “hội” gắn liền với “lễ” như: Liên hoan, hội thi, hội thao về văn nghệ, thể dục thể thao hay các trò chơi dân gian, truyền thống, hội chợ triển lãm, trưng bày hình ảnh,… Đây là dịp để quân dân Bến Tre ôn lại truyền thống vẽ vang hào hùng, đã làm nên phong trào “Đồng Khởi” vang dội khắp cả nước vào ngày 17/01/1960. Và cũng là dịp để du khách tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của quân dân Bến Tre.
Cũng trên vùng đất cù lao Minh, Chợ Lách là xứ sở nổi tiếng cả nước về cây lành trái ngọt, về sản xuất cây giống, cây cảnh và hoa kiểng. Vì thế, mà nơi đây đã hình thành nên “Ngày hội cây - trái ngon, an toàn và sản phẩm nông nghiệp” vào dịp tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âl) hàng năm. Ngày hội này được phát triển từ ngày hội dân gian, diễn ra trong 05 ngày. Các hoạt động diễn ra trong ngày hội với ý nghĩa thiết thực ghi nhớ công ơn những người đi trước, đồng thời tạo cơ hội giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng của nhà nông trong tỉnh. Ngày hội còn diễn ra với nhiều nội dung phong phú như: Trưng bày, giới thiệu sản phẩm, những thành tựu trong sản xuất, sinh vật lạ, chương trình hội thảo, hội thi trái ngon - an toàn, đấu xảo trái cây to-sai-lạ, hội thi bàn tay vàng ghép cây giống, hội thi hoa lan, đá chim nghệ thuật, trò chơi dân gian, hội chợ thương mại, lễ tạ ơn thần nông…
Du khách đến Chợ Lách vào dịp này sẽ chiêm ngưỡng, khám phá trọn vẹn những gì độc đáo “nhất” mà xứ sở này đã làm nên thương hiệu và trở thành địa chỉ quen thuộc cung cấp cây giống do người dân tự chiết cành, lai tạo lớn nhất Việt Nam; là xứ sở vườn cây trái ngon nổi tiếng như: Sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bòn bon… và các loại cây trái khác; là trung tâm sản xuất các loại cây cảnh, hoa kiểng từ những loại cây ngắn ngày đến các loại cây cổ thụ lâu năm, rất được ưa chuộng tại thị trường trong nước.

Nằm trên vùng đất cù lao Bảo, là một trong ba huyện biển của Bến Tre, Ba Tri là vùng đất không có nhiều danh lam thắng cảnh. Song Ba Tri là vùng đất có nhiều di tích của các danh nhân nổi riếng, di tích lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng và cả môi trường sinh thái rừng và biển. Nếu đến Ba Tri từ ngày 01 - 03/7 dương lịch hằng năm, du khách sẽ tham gia vào “Lễ hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre 01/7” được tổ chức tại khu di tích Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức.

Lễ hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre diễn ra với ý nghĩa tôn vinh những giá trị tư tưởng, nhân cách đạo đức của một danh nhân, một nhà giáo, một người thầy thuốc suốt đời vì nhân dân, đem tài năng và trí tuệ của mình phục vụ cho dân, cho đất nước. Tùy theo năm chẵn, lẻ mà lễ hội được tổ chức qui mô lớn, nhỏ. Nhưng các hoạt động hội vẫn diễn ra như: Sân khấu hóa, liên hoan đờn ca tài tử, dàn nhạc lễ; biểu diễn trống hội, võ thuật; các trò chơi dân gian: thi đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố, đập niêu, kéo tay…; hội thi  mâm xôi - mâm cơm ngày giỗ,… Đặc biệt, là cuộc thi hóa trang các nhân vật trong truyện “Lục Vân Tiên” được rất đông người tham gia. Hay triển lãm ảnh về những thành tựu kinh tế- xã hội của tỉnh Bến Tre và các tác phẩm văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu. Đến với lễ hội truyền thống văn hóa Bến Tre là dịp để du khách tìm hiểu thêm về thân thế và sự nghiệp văn chương cách mạng của Cụ Nguyễn Đình Chiểu; tham quan, khám phá các hoạt động “hội” tại khu di tích, thắp hương tưởng nhớ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.
Cũng như các địa phương khác, Bến Tre không chỉ có lễ hội văn hóa - lịch sử, mà Bến Tre còn có những lễ hội mang đậm nét tín ngưỡng dân gian hết sức độc đáo. Nếu du khách đến vùng biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú vào dịp tháng 6-7 âm lịch du khách sẽ được tham gia trọn vẹn vào “Lễ hội tế thần cá Ông” hay còn gọi là “Lễ hội Nghinh Ông” của cư dân vùng biển cúng “Ông” cầu cho mưa thuận gió hòa và cư dân đi biển gặp nhiều may mắn. Lễ hội này diễn ra hàng năm, chủ yếu tập trung ở vùng đất biển Bình Đại. Du khách đến đây vào 16/6 âm lịch, rất thú vị khi khám phá “Lễ hội Nghinh Ông” tại xã Bình Thắng. Đây là lễ hội lớn nhất, tiêu biểu nhất của lễ hội cúng “Ông” của cư dân vùng biển Bến Tre. Lễ hội Nghinh Ông thường diễn ra hai phần “Lễ” và “hội”. Nghi thức lễ mừng sắc Ông diễn ra tại Lăng thờ cá Ông trên bờ và sau đó tổ chức tàu (thuyền) thành đoàn cùng nhau ra khơi để tiến hành các nghi thức lễ cúng “Ông” trên mặt biển. Phần lễ gồm: Túc yết, Nghinh Ông, tế tiền hiền, hậu hiền, lễ Chánh tế và xây chầu đại bội, vào lễ các thuyền đánh cá đều giăng đèn, kết hoa rực rỡ. Ở đầu mũi của mỗi tàu đánh cá, chủ nhân bày mâm cúng trái cây, xôi thịt, thường là cặp vịt luộc, chiếc đầu heo hay cả một con heo quay cùng với hương hoa. Sau khi du khách tham gia các nghi thức lễ xong, bắt đầu tham gia vào phần hội khá sôi nổi và hào hứng với các chương trình độc đáo như: múa lân, các trò chơi dân gian, xem hát bội,…

Trở lại vùng đất cù lao Bảo, về lại đất biển Ba Tri, đến xã Phú Lễ du khách sẽ được tham gia vào “Hội đình Phú Lễ” diễn ra 02 lần trong năm (lễ hội Kỳ Yên diễn ra từ 18 - 19/3 âm lịch và lễ Cầu Bông diễn ra từ ngày 09 – 10/11 âm lịch). Đây là lễ hội truyền thống hàng năm của nhân dân trong vùng, tưởng nhớ Thành Hoàng và những vị thần có công khai khẩn đất đai, lập làng và cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà no ấm. Đến với hội đình Phú Lễ là dịp để du khách vui chơi thoải mái và hòa cùng không khí nhộn nhịp của lễ hội; tham gia cúng đình, nghe hát sắc bùa Phú Lễ,  nghe hát bội,.... Đó một hình thức tín ngưỡng dân gian độc đáo mà đình Phú Lễ vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay. 


Đặc biệt, những năm gần đây Bến Tre đã sáng tạo ra lễ hội, mang đặc trưng của vùng đất xứ dừa, đó là “Lễ hội Dừa”. Lễ hội này hai năm tổ chức một lần và thường diễn vào tháng giêng, gắn kết với “Lễ hội truyền thống cách mạng 17/01” của Bến Tre. Đến với những ngày lễ hội Dừa, du khách sẽ khám phá những hoạt động và các chương trình đặc sắc như: Sân khấu hóa tái hiện sự hình thành, phát triển, đấu tranh và xây dựng vùng đất cù lao xứ dừa; hội làng nghề truyền thống; các hội thi, liên hoan về dừa; các gian hàng trưng bày các sản phẩm từ cây dừa, các giống dừa mới…; tham quan, mua sắm hội chợ thương mại xuân hay “Tuần lễ Doanh nghiệp vừa và nhỏ”…. Du khách được hòa mình vào không khí sôi nổi hào hứng của lễ hội với tất cả sự nhộn nhịp của một thành phố trẻ nằm bên sông Bến Tre.

Điểm nhấn của lễ hội Dừa là giới thiệu sản phẩm hàng hóa truyền thống của các làng nghề, cũng như tổ chức trình diễn sản xuất một số nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của tỉnh như: thi chế biến và trưng bày các loại bánh, mứt, kẹo, các món ăn, thức uống chế biến từ dừa với sự tham gia của các nhà nông, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh; thi đấu xảo các sản phẩm từ dừa bao gồm các sản phẩm trồng trọt, làm hàng thủ công mỹ nghệ nhanh nhất, đẹp nhất (đan giỏ bằng cọng dừa, se chỉ, làm thảm sơ dừa),…. Lễ hội Dừa, là dịp để tôn vinh những giá trị sáng tạo, những tài năng có tâm quyết của nghệ nhân và người thợ thủ công làm ra những sản phẩm từ cây dừa. Đây cũng là cơ hội để Bến Tre giới thiệu tiềm năng du lịch sinh thái, di tích và văn hóa lịch sử, đặc biệt là tiềm năng kinh tế qua các sản phẩm từ dừa; đồng thời đó còn là cơ hội để khách tham quan thưởng thức những món ngon, vật lạ ở Bến Tre nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Hay xác nhận kỷ lục về những sản phẩm làm ra từ dừa...

Những hình ảnh diễn ra trong lễ hội dừa

Đến xứ dừa du lịch vào các dịp lễ hội diễn ra, du khách sẽ rất ấn tượng, hài lòng với những chương trình, những hoạt động diễn ra trong lễ hội với những nét độc đáo mang đặc trưng riêng biệt của quê hương xứ dừa. Mỗi lễ hội ở Bến Tre đều có ý nghĩa, mang sắc thái riêng và thật sự đã góp phần làm nên phẩm sản du lịch, điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước./.

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Các món ăn biến tấu từ "chuột dừa"

Sưu tra từ các tư liệu và sách “Bến Tre với văn hóa ẩm thực”, ở xứ dừa Bến Tre có món ăn dân dã, thú vị, được chế biến từ một loài vật có sẵn trong thiên nhiên, mà từ xưa đến nay người dân xứ dừa rất khổ sở vì nó. Bởi ít nhiều gì nó cũng làm ảnh hưởng đến kinh tế của chủ vườn. Loài vật này có cái tên gắn liền với loại cây đã bám đất, bám rễ từ lâu và dẻo dai trước bão giông, quật cường cùng con người Bến Tre trong đấu tranh và xây dựng xứ sở cù lao này, đó là “cây dừa”. Ở ngoài đồng thì loài vật này cắn phá ruộng lúa, vào trong vườn thì nó cắn phá trái dừa, nên người dân xứ dừa gọi nó là “Chuột dừa”.

 Cách chế biến đến phương pháp bắt chuột dừa cũng là đề tài cho giới “sành ăn” bàn cải. Theo như lý giải của người chế biến các món ăn này, thì chuột dừa hay chuột đồng thật ra chỉ là một, nhưng do môi trường sống của mỗi loài chuột có khi ở đất vườn trồng dừa, có khi trên đất ruộng cấy lúa nên có tên gọi khác nhau.

Từ xa xưa loài chuột đã được dân gian ví von thành những câu ca dao, tục ngữ, các mẫu chuyện ngụ ngôn hay được những người làm nghệ thuật sáng tác thành những điệu lý, câu hò, bài vè nói về chuột nghe rất hay.

Bắt chuột là một nghệ thuật và còn là nét văn hóa dân dã độc đáo ở xứ dừa, nhưng không phải ai cũng biết đến. Chính vì thế mà trong dân gian truyền miệng những câu ca dao nghe rất bùi tai:

Làm nghề bẫy chuột ít ai theo
Vừa hưởng thú vui lại đỡ nghèo
Chiều gài mỏi cổ bao giờ ngán
Sáng gỡ bầm tay mấy thuở lèo
Mưa nắng lội lầy chân bẩn nhớp
Tháng năm thanh thản ruột trong veo…

Nghề săn chuột dừa xuất hiện một cách ngẫu nhiên, có người nói xuất hiện vào những năm 80 của thế kỉ XX, khi những vườn dừa của Bến Tre được trồng mới sau giải phóng đồng loạt ra trái, thì cũng là lúc dừa Bến Tre bị dòng họ nhà chuột phá tơi tả, rụng nằm ngổn ngang dưới gốc dừa. Cũng vào thời điểm này, xuất hiện những người làm nghề săn chuột dừa chuyên nghiệp.

Theo kinh nghiệm của những người làm nghề săn chuột, thì khi khí trời nóng lên, đồng áng khô hạn, theo tập quán lũ chuột từ đồng trống lần lượt kéo nhau vào vườn trú ngụ trên những đọt dừa rất mát và những trái dừa là nguồn thức ăn, thức uống sẵn có tại chổ để chúng xơi. Cơm dừa là món mà loài chuột rất khoái khẩu, thường là những trái dừa cứng cạy hay còn gọi là dày cơm, dừa non. Trái dừa còn là phương tiện để chúng đua tài “khoét hang, moi lỗ, thử răng”. Vì thế, vào những ngày tháng này tại những vườn dừa Bến Tre trái dừa bị “chuột khoét” nằm trắng đất.

Tuy có nhiều cách bắt chuột, nhưng cũng không sao tiêu diệt hết được nó. Người dân xứ dừa phải tìm ra nhiều  phương pháp để bắt chúng như: Bẫy lồng, bẫy đập (được gài dưới gốc dừa), mồi nhữ chúng là cơm dừa. Hay người ta còn dùng biện pháp dân gian để bắt như: Dùng sào chọc cho chuột chạy ra tàu lá, rồi dùng giàn thun bắn rơi xuống đất để chó vồ. Cách bắt này người ta cho là trò chơi con nít, mang tính tiêu khiển cho vui là chính, nhưng dần dần về sau lại trở thành một nghề chuyên nghiệp và nghề này hoạt động nhiều nhất là vào mùa khô.

Bắt được chuột dừa, muốn có món ăn ngon phải trải qua các công đoạn chế biến, trước hết là sơ chế, thường có hai cách: thui rồi lột da và lột da không thui. Với cách thui rồi lột da, người ta thường sử dụng lửa rơm thui chuột bằng cách cho một lượt chuột vào trong đống rơm, thui cho cháy lông, nứt da, sau đó lột bỏ da làm sạch lại. Với cách lột da không thui, thường cắt bỏ đầu lột da từ trên xuống đến chân.

Sau khi sơ chế xong thịt chuột dừa, có thể chế biến ra rất nhiều món ăn, nhưng người dân xứ dừa thường chọn các món đơn giản, dễ làm, nhưng lại ăn rất ngon và hấp dẫn, ai cũng có thể làm được:

* Chuột dừa nướng
Ướp thịt chuột với tỏi, hành, sả, ớt bâm nhuyễn; muối, tiêu, bột ngọt, đường và ngũ vị theo yêu cầu, để vài giờ cho gia vị thấm vào thịt chuột, sau đó đem phơi nắng, rồi đem nướng thì càng ngon. Khi nướng thịt chuột phải sử dụng lửa than nướng mới ngon. Chúng ta có thể đặt thịt chuột trên vỉ hay cặp gắp để nướng cũng được; nướng đến khi nào thấy thịt chuột khô, vàng, thơm là có thể dùng được. Chuột dừa nướng chấm với nước tương, muối tiêu hay nước nắm tỏi ớt đều ngon cả. Mùi vị thịt chuột dừa nướng tỏa mùi rất thơm, ngon, hấp dẫn, ăn không ngán. Người dân xứ dừa thường dùng món ăn này với cơm nếp nấu nước cốt dừa hay xôi rất tuyệt.

* Chuột dừa quay nước cốt dừa (hay còn gọi là chuột dừa quay chảo)
Đối với món ăn này sau khi ướp gia vị vào thịt chuột dừa xong, bắc chảo mỡ (dầu) lên khử tỏi cho thơm, sau đó cho thịt chuột vào đảo cho đều đến khi thịt khô, săn lại, rồi cho  nước cốt dừa dão vào nấu lên, tiếp tục cho nước cốt dừa nguyên chất vào và thường xuyên đảo qua, đảo lại cho đến khi nước trong chảo còn hơi sền sệt, nhắc xuống cho ra đĩa, rắc đậu phộng rang lên. Món này khi chế biến có thể dùng trái khổ qua đèo và hành củ loại lớn thêm vào, để phong phú thêm món ăn và khi dùng ít ngán. Món ăn này do có hương vị của nước cốt dừa nên có vị béo, thơm, rất hấp dẫn.

* Chuột dừa xé phay
Thịt chuột dừa làm sạch, để ráo nước (nên chọn con to, mập để có nhiều thịt). Bắt nồi cơm lên bếp lửa than, đợi khi cơm vừa chắt nước xong, lấy lá chuối sạch lót lên trên mặt cơm, rồi để thịt chuột dừa vào đậy nắp nồi lại. Cơm chín thì đồng thời thịt chuột cũng chín tới và bốc mùi thơm; đem thịt chuột ra xé phay trộn với rau răm, chấm với muối tiêu, muối ớt vắt chanh, không thua gì thịt gà tơ thả vườn.

* Chuột dừa xáo lá cách với nước cốt dừa:
Món ăn này, thịt chuột phải được bầm nhuyễn, cách ướp thịt và khử thịt giống như cách làm “Chuột quay nước cốt dừa”, nhưng ở đây ta người dùng lá cách (sắt thành sợi). Cây lá cách là loại cây thiên nhiên, là loại rau sạch, có mùi thơm, ăn rất mát và nên thuốc, dễ tìm, nên người ta rất thích dùng nó xáo thịt chuột với nước cốt dừa. Món này dùng chung với cơm trắng hay bánh mì đều ngon cả.

Có thể khẳng định rằng, người dân xứ dừa không ưa loài chuột chút nào cả, nhất là loài chuột chuyên phá hại vườn dừa, nên tìm mọi phương cách để tiêu diệt nó. Tuy ghét nó mà nói vậy, nhưng phải công nhận rằng thịt chuột dừa ăn rất ngon, béo hơn chuột đồng, thịt nó trắng và có một mùi thơm đặc biệt. Có lẽ cả đời chúng chỉ ăn, uống chất bổ tiết ra từ trái dừa, nên cái ngon, cái béo của trái dừa đã thấm dần vào thịt của chúng, vì thế mà thịt chuột dừa rất thơm ngon.

Ngoài các món kể trên, chuột dừa còn được chế biến ra nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn khác như: Chuột dừa kho rau râm, chuột dừa xào củ kiệu, chuột dừa xào lăn, chuột dừa chiên rôti, chuột dừa nấu cà ri, chuột dừa nướng muối ớt, chuột dừa nấu cơm mẽ…. Các món ăn được chế biến từ chuột dừa rất giàu chất đạm và bổ dưỡng. Có thể nói, ăn thịt chuột dừa là mắc ghiền! Nếu một lần ghé thăm Bến Tre, du khách đừng quên thưởng thức món ăn dân dã, độc đáo, thú vị, mang đậm hương vị đặc trưng của xứ dừa này nhé!

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

Hương vị quê dừa

Bến Tre được hình thành trên ba dãy cù lao lớn, có hệ sinh thái rất phong phú đa dạng, trong đó dừa là nguồn nguyên liệu dồi dào mà từ lâu người Bến Tre đã biết tận dụng khai thác. Chính cái hương vị thanh ngọt của các loại dừa trên đất Bến Tre đã tạo nên  những đặc trưng riêng, mà khó có thể lẫn lộn ở bất kỳ nơi nào. Nhờ thiên nhiên ưu đãi mà đất của Bến Tre rất màu mỡ, phù hợp phát triển rất nhiều loại dừa khác nhau trên vùng đất này như: Dừa dâu, dừa chùm (trái nhỏ nhưng nước rất ngọt), dừa dứa (thơm mùi lá dứa), dừa xiêm xanh, dừa Tam quan…. Các loại dừa này người ta thường lấy nước để uống; nước dừa cũng là một trong những nguyên liệu góp phần làm nên các món ăn ngon. Ông bà xưa kia ở xứ sở này đã tận dụng cơm dừa, nước dừa để chế biến và làm nên những món ăn hấp dẫn, độc đáo, được lưu truyền từ đời nay sang đời khác, được nhân rộng đến nay và góp phần làm phong phú thêm sắc màu ẩm thực của xứ dừa Bến Tre.
MỨT DỪA
Mứt dừa là món ăn truyền thống khá quen thuộc trong ngày Tết, ngày giỗ… của người dân Nam bộ nói chung và Bến Tre nói riêng. Để làm được mứt dừa ngon, hấp dẫn, thì việc chọn trái dừa ngon là một yếu tố quan trọng nhất. Dừa phải là trái dừa vừa rám tới, chỉ lấy phần cơm bên trong. Cạy cơm dừa ra, gọt sạch lớp vỏ lụa màu nâu đen, sắt mỏng thành sợi dài, đều, rồi rửa sạch lại, để ráo, trộn  vào với đường cát trắng, sau đó để lên bếp lửa riu riu, xào lên liên tục, đến khi mứt dừa khô lại. Mứt dừa làm ra phải khô, ngọt đều thì mứt mới ngon và cũng có thể có dùng nhiều màu sắc khác nhau để pha trộn vào như màu hồng (từ củ dền), màu xanh (từ lá dứa) hay màu tím lá cẩm hoặc màu quả gấc… hay một số màu thực phẩm  khác để mứt dừa thêm màu sắc sinh động.
CHUỐI XÀO DỪA
Chuối xiêm nấu chín, xắc thành từng miếng nhỏ, đem khèo với nước cốt dừa pha với bột mì. Cho vào ít đường, muối, đậu phộng rang, bột khoai, thì món chuối xào dừa sẽ là món ăn tuyệt vời.
CHÈ THƯNG
Lấy cơm dừa non dát thành sợi mỏng, nấu với đậu phộng, đậu xanh, bột khoai, khoai lang, bột bán, nước cốt dừa… ăn với đá đập nhuyễn rất hấp dẫn. Chè thưng dùng nóng cũng rất tuyệt.


CHÈ BÍ NGÔ CỐT DỪA
Là món ăn bổ dưỡng, tăng cường miễn dịch cho cơ thể, làm đẹp da. Món ăn có vị ngọt thanh của bí ngô, cùng với vị béo ngậy của nước cốt dừa tạo nên hương vị đặc trưng của quê hương xứ dừa.

BÁNH XÈO

Bánh xèo là món ăn rất phổ biến của người Nam bộ, nhưng ở Bến Tre món bánh xèo lại được biến tấu ra nhiều hương vị khác như:

- Bánh xèo củ hủ dừa: Củ hủ dừa là phần đọt non của cây dừa xắc thành sợi làm rau để chiên bánh xèo rất thơm và ngọt.

- Bánh xèo hến, đặc biệt là hến vùng Chợ Lách rất ngọt, to nên rất được ưa chuộng.

Nguyên liệu làm nên chiếc bánh xèo ngon hay không còn phụ thuộc vào độ béo vừa phải của nước cốt dừa, cách chiên bánh, … Bánh xèo chỉ ăn ngon khi vừa mới chiên xong nhờ độ giòn, nóng kết hợp với các loại rau vườn như đọt xoài non, rau thơm, …

BÁNH BÒ DỪA NƯỚNG

Bánh bò dừa nướng có nguyên liệu chính là bột mì, bột nổi, trứng gà. Nhân bánh là dừa bào sợi xào với đường cát trắng và đậu xanh. Bánh bò dừa nướng dẻo dẻo cùng với vị béo của nhân dừa, vị thơm của mùi nướng ăn rất hấp dẫn.

BÁNH TÉT

Một loại bánh rất đặc trưng cho đất Bến Tre,  không thể thiếu trong các dịp giỗ, tết cổ truyền dân tộc. Đó là bánh tét. Bánh tét rất đa dạng nên có  rất nhiều sự lựa chọn cho người thưởng thức. Thông thường bánh tét có các loại nhân: đậu xanh, nhân chuối trái, nhân đậu xanh với thịt ba chỉ hay nếp xào với chuối xiêm bóp nhừ ra trộn với dừa rám bâm nhuyễn. Với độ khéo léo của người làm bánh, chiếc bánh tét ngày nay còn được bài trí rất đẹp mắt, người làm bánh tét gọi đó là bánh tét chữ.
     
ỐC SÀO NƯỚC CỐT DỪA 

Ốc sào nước cốt dừa có thể dùng ốc bưu (ốc bưu thì luộc trước sau đó lể ốc ra), ốc hút, …. có hương vị rất độc đáo, vị béo của dừa kết hợp với vị thanh ngọt của ốc làm cho món ăn không gây cảm giác ngán. Chế biến món này khâu ướp gia vị cực kỳ quan trọng, phải đảm bảo để đủ các loại gia vị như: ớt, xả , tỏi, muối, đường, nước mắm để tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn.

TÉP RANG DỪA
Tép rang dừa là món ăn thường ngày của người dân Bến Tre, bởi cách chế biến đơn giản, dễ làm mà lại ngon và đặc biệt là có độ béo của nước cốt dừa. Hiện nay trong các thực đơn, “tép rang dừa” đã trở món ăn quen thuộc không chỉ ở Bến Tre mà còn phổ biến rộng rãi ra ngoài tỉnh. Tép rang dừa ăn với cơm trắng, dẻo thì không thể chê vào đâu hết.

CƠM DỪA
Để làm món này, người ta dùng gạo vo sạch bằng nước dừa, để ráo rồi cho vào trái dừa, đổ nước dừa tươi vào vừa đủ, rồi đậy nắp lại đem chưng. Dừa dùng nấu cơm ngon nhất là dừa xiêm, trái phải ở độ tuổi vừa nạo. Sau khi chọn được trái dừa, người ta gọt cho quả dừa có hình dạng đẹp mắt, rồi cắt ngang một phần trên quả dừa để trút nước ra và lấy miếng cắt đó làm nắp để đậy. Cơm dừa ăn với tôm rang mặn là món ăn vô cùng hấp dẫn, không thể quên.

THỊT HEO KHO NƯỚC DỪA (còn gọi là thịt kho tàu)
“Thịt kho nước dừa” là món đặc trưng của Bến Tre, bởi sau khi ướp thịt thì nguyên liệu chủ yếu để nấu là nước dừa. Nước dừa của Bến Tre có vị thanh ngọt nên khi chế biến xong có mùi vị đặc trưng thơm ngon, không ngán. Món ăn này không chỉ có ở  Bến Tre mà cả vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, thịt kho tàu ở Bến Tre vẫn là “nhất”, bởi Bến Tre là xứ sở rừng dừa, nên người dân ở đây chỉ dùng nước dừa để kho thịt, nước dừa ngấm vào từng miếng thịt và trứng vịt, tạo nên vị ngọt rất thanh. Thịt kho nước dừa đến khi sắc lại sẽ có màu tự nhiên rất đẹp, nhìn rất hấp dẫn.

CỦ HỦ DỪA HẦM VỚI BẮP GIÒ HEO
Đây là món ăn nhiều dinh dưỡng và hấp dẫn,  với hương vị ngọt ngào từ củ hủ dừa được lấy trên ngọn dừa, cùng với vị thơm béo của bắp giò heo hòa quyện vào nhau tạo nên món ăn đầy quyến rũ.



GỎI CỦ HỦ DỪA
Ngoài ra, trên cây dừa còn có một thành phần là “củ hủ dừa” chế biến ra món ăn rất ngon, được nhiều người ưu thích như: món gỏi, xào … rất ngọt, hấp dẫn và lạ miệng. Củ hủ dừa là phần ngon nhất của cây dừa, muốn làm được món ngon này chúng ta cần phải lựa củ hủ “già” tức là cây dừa nào càng lâu năm thì củ hủ dừa càng ngọt thanh và giòn. Món ăn kết hợp giữa củ hủ dừa với tôm, tai lợn ngâm chua, hoặc thịt bò và các loại rau củ khác. Đây là món ăn ít béo, thanh đạm.

Cùng với đất và người nơi đây, cũng như nguyên liệu từ dừa, đã góp phần chế biến đa dạng ra nhiều món ăn, làm phong phú và tô điểm thêm cho ẩm thực Bến Tre những màu sắc mới. Nếu một lần đến đây du khách cũng chưa cảm nhận hết hương vị của xứ sở quê dừa. Xin mời du khách hãy tìm đến xứ dừa lần  nữa để tiếp tục khám phá, thưởng thức và tin rằng du khách sẽ rất hài lòng về các món ăn khác có chất liệu  từ dừa./.