Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Tập trung phát triển du lịch giai đoạn 2014-2016 tại huyện Mỏ Cày Bắc

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực du lịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho mỗi cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên và cộng đồng dân cư về vai trò, vị trí, chủ trương của Đảng, pháp lật của Nhà nước về phát triển du lịch, xem du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân;...

Ủy ban nhân dân huyện Mỏ Cày Bắc với sự quan tâm cao và thực hiện theo đề án phát triển giai đoạn 2011- 2015, tầm nhìn 2020 và Chỉ thị 09/CT-TU của Tỉnh ủy giai đoạn 2012-2015 về phát triển du lịch. Huyện đã tổ chức hội nghị thông qua dự thảo kế hoạch phát triển du lịch huyện Mỏ Cày Bắc giai đoạn 2014-2016 vào đầu tháng 6/2014 với gần 100 đại biểu gồm lãnh đạo của huyện, lãnh đạo các phòng ban trong huyện; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh; đại diện Ủy ban nhân dân các xã và thị trấn cùng đại diện các điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch và các hộ dân tham gia du lịch trên địa bàn huyện đến dự trao đổi về hướng phát triển du lịch của huyện nhà.

Kế hoạch cũng nhằm khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ dân trong và ngoài huyện tham gia xây dựng các điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng và các dịch vụ vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu khách du lịch, phù hợp với các điều kiện hiện có mà thiên nhiên đã ban tặng cho huyện; bên cạnh đó phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp các khu di tích lịch sử, các làng nghề nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch, tạo nhiều sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương để thu hút du khách trong và ngoài nước; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư khai thác tốt các lễ hội truyền thống tại địa phương; đặc biệt là quan tâm trong việc xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư du lịch về với Mỏ Cày Bắc;

Huyện Mỏ Cày Bắc là một trong 9 huyện, thành phố của Bến Tre, có tổng diện tích tự nhiên là 15.817,83ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 12.988,04ha, còn lại là đất thổ cư, giao thông và sông rạch; toàn huyện có 2.603ha vườn cây ăn trái trong đó có dừa, bưởi da xanh, ca cao, cây có múi và nhiều loại cây khác như, bòn bon, chôm chôm, măng cục, sầu riêng,...

Đây là huyện tiếp giáp với huyện Chợ Lách, từ đó mà thổ nhưỡng vẫn giống nhau, sông rạch như nhau, cây trái như nhau, nhiều làng nghề, cây giống, hoa kiểng cũng như Chợ Lách, thế nhưng Mỏ Cày Bắc từ lâu nay chỉ là tuyến du lịch đi qua mà không có nơi dừng chân cho du khách; từ các thế mạnh hiện có, để tạo điều kiện cho du khách dừng chân ghé lại và lưu trú dài ngày trên địa phương nầy thì có nhiều vấn đề phải đặt ra, có sự hỗ trợ đồng bộ của các cấp các ngành, các thành phần kinh tế trong huyện; do đó mà UBND huyện đã triển khai kế hoạch với nhiệu nội dung cho sự phát triển du lịch sinh thái, du lịch ở nhà dân (homestay) và nhiều loại hình du lịch khác đã được đưa ra bàn tại hội nghị, nhất là sự đồng hành của Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh đã giúp cho những người quản lý cũng như những người chuẩn bị tham gia làm du lịch trên địa bàn huyện có sự phối hợp tốt, đặt biệt là những định hướng và chỉ đạo của ông Trần Duy Phương - Phó Giám đốc Sở VHTTDL đối với việc phát triển du lịch của huyện Mỏ Cày Bắc trong thời gian tới.

Huyện cũng đã phối hợp với Trung tâm TTXTDL và công ty lữ hành Nam Bộ đã tổ chức cho các cán bộ chủ chốt của huyện và các cơ sở, các hộ dân tham gia làm du lịch có một chuyến khảo sát các tuyến, điểm du lịch tại huyện Châu Thành và Tiền Giang vào ngày 21/6/2014 vừa qua nhằm để học tập những mô hình du lịch sinh thái mà nơi đây là khu vực đã thu hút lượng khách du lịch lớn trong những năm vừa qua để áp dụng trên địa bàn huyện sắp tới. Đây là bước khởi đầu của huyện với sự quyết tâm ở các cấp lãnh đạo của huyện và các ngành liên quan cùng đông đảo bà con nao núng hưởng ứng; hy vọng rằng Mỏ Cày Bắc là nơi mà du khách quan tâm sau khi triển khai thực thi kế hoạch trong giai đoạn 2014-2016./.
Nhà hàng sinh thái trên hồ sen (Cồn Qui)
Nhộn nhịp trên bến tàu du lịch(Cồn Phụng)

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Chương trình du lịch Vĩnh Long

1. Chương trình 1: Văn Thánh Miếu – Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng – Đình Long Thanh.
- Phương tiện đi: xe
- Thời lượng: khoảng 2 đến 3 giờ.

2. Chương trình 2: Bảo tàng Vĩnh Long – Thất Phủ Miếu (chùa Ông) – Công Thần miếu – Đình Long Thanh.
- Phương tiện đi: xe
- Thời lượng: khoảng 2 đến 3 giờ.

3. Chương trình 3: Văn Thánh Miếu – Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng – Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
- Phương tiện đi: xe
- Thời lượng: khoảng 4 đến 5 giờ.

4. Chương trình 4: Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang – Khu di tích cách mạng Cái Ngang
- Phương tiện đi: xe
- Thời lượng: khoảng 5 đến 6 giờ.

5. Chương trình 5: Chùa Phước Hậu – Đình làng Thiện Mỹ - Lăng ông Tiền quân Thống chế Điều bát.
- Phương tiện đi: xe
- Thời lượng: khoảng 6 đến 8 giờ.

6. Chương trình 6: Tham quan cồn du lịch Mêkông – Đồng Phú.
- Phương tiện đi: thuyền máy
- Thời lượng: khoảng 4 đến 6 giờ.

7. Chương trình 7: Tham quan vườn ươm giống ăn quả tại điểm du lịch sinh thái Ông Tám Hổ - Khu du lịch Vinh Sang.
- Phương tiện đi: thuyền máy
- Thời lượng: khoảng 4 đến 6 giờ.

8. Chương trình 8: Tham quan Làng Mai vàng Phước Định – Điểm du lịch Mai Vàng – Cửu Long
- Phương tiện đi: thuyền máy
- Thời lượng: khoảng 2 đến 4 giờ.

9. Chương trình 9: Tham quan điểm du lịch sinh thái Quốc Nam – vườn kiểng ông Sáu Giáo (hoặc vườn du lịch Bảy Thời) – nhà cổ ông Cai Cường – xem biểu diễn đờn ca tài tử.
- Phương tiện đi: thuyền máy
- Thời lượng: khoảng 4 đến 5 giờ.
Nguồn www.xuctiendulich.vinhlong.gov.vn

Giới thiệu Vĩnh Long

Long Hồ dinh, đơn vị hành chính đầu tiên và cũng là thủ phủ của Vĩnh Long, được hình thành từ năm 1732, bao gồm các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và một phần của Cần Thơ. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, tỉnh Vĩnh Long cũng đã nhiều lần thay đổi địa giới hành chính và tên gọi; từ Long Hồ dinh đến Hoàng Trấn dinh (năm 1779), rồi Trấn Vĩnh Thanh (1780-1839), tỉnh Vĩnh Long (1839-1950), tỉnh Vĩnh Trà (1951-1954), tỉnh Vĩnh Long (1954-1975), tỉnh Cửu Long (1976-1992).

Sau 16 năm chung sức xây dựng quê hương Cửu Long, đến tháng 5 năm 1992, Vĩnh Long được tái lập gồm 08 huyện, thị xã với 107 xã, phường, thị trấn và 846 ấp, khóm.

Là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cách thành phố Hồ Chí Minh 136 km, Vĩnh Long tiếp giáp các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ; với dân số trên 01 triệu người gồm các dân tộc Kinh,  Khmer và Hoa cùng làm ăn và sinh sống trên diện tích 1.487 km2.

Long Hồ dinh - vùng đất "địa linh nhân kiệt" -đã sản sinh ra những người con ưu tú cho đất nước, trong đó có cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa.

Nằm giữa sông Tiền, sông Hậu với hệ thống sông rạch thuận tiện và có 05 Quốc lộ, trong đó Quốc lộ I A về miền Tây đã được nâng cấp, cầu Mỹ Thuận cũng đã nối liền Tiền Giang với Vĩnh Long và các tỉnh phía bắc sông Tiền, sắp tới cầu Cần Thơ sẽ đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi để Vĩnh Long phát triển nhanh và vững chắc.

Khí hậu ôn hòa và đất đai màu mỡ, nên Vĩnh Long thích hợp với nhiều loại cây trồng đặc sản như bưởi Năm roi, cam, quýt, nhãn, xoài, chôm chôm, sầu riêng và các loại thuỷ sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao như tôm càng xanh, cá tra.

Vĩnh Long còn được biết đến với nhiều ngành nghề truyền thống nổi tiếng như gạch, ngói, gốm, thêu dan, dệt chiếu...mà sản phẩm đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới, kể cả những thị trường khó tính. Chương trình du lịch "đi trong màu xanh đồng bằng" mang nét độc đáo của vùng sông nước và sinh thái miệt vườn, chắc chắn sẽ mạng lại những điều lý thú và bổ ích đối với du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan vùng đất  "chín rồng" này.

Là một tỉnh thuộc địa bàn khuyến khích đầu tư và còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, nguồn nhân lực dồi dào và tay nghề cao, có truyền thống đoàn kết, cần cù và sáng tạo trong lao động và sản xuất, Vĩnh Long sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hợp tác sản xuất và kinh doanh, trên tinh thần các bên cùng có lợi.

Cùng với cả nước, Vĩnh Long đã và đang nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh sẵn có, quyết tâm biến mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" theo định hướng Xã hội chủ nghĩa thành hiện thực trên quê hương, đất nước./.
Nguồn xuctiendulich.vinhlong.gov.vn

Các tuyến du lịch tiêu biểu tại Trà Vinh

Chương trình 1: Trà Vinh – Ba Động – Khu di tích bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu - Rừng Đước – Làng bánh tét Trà Cuôn – mua tôm khô Vinh Kim – tham quan làng nghề rượu Xuân Thạnh.

Chương trình 2: Trà Vinh – Chùa Hang – Làng Cá Định An – Luồng tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu (Kênh đào Trà Vinh) – Khu kinh tế Định An – chùa Giồng Lớn.

Chương trình 3: Tham quan thành phố Trà Vinh – Đền thờ Bác Hồ - Thắng cảnh Ao Bà Om – Chùa Âng – Nhà bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer – Cù lao Long Trị - Thưởng thức bánh canh Bến Có.

Nguồn www.dulichtravinh.com.vn

Lễ hội Ok Om Bok tại Trà Vinh

Lễ hội Ok Om Bok, hay còn gọi là lễ hội Cúng Trăng, là một trong ba lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc Khmer. Mặt Trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm. Lễ hội này diễn ra vào ngày Rằm tháng Mười âm lịch, là thời điểm mùa mưa chuyển sang mùa khô, mùa gieo trồng chuyển sang mùa thu hoạch. Do vậy, lễ hội Ok Om Bok có những điểm tương đồng với lễ Thượng Điền của người Việt.
Lễ hội Ok Om Bok của mỗi phum sóc diễn ra tại sân chùa, lễ hội chính của đồng bào dân tộc Khmer diễn ra tại Ao Bà Om. Khi vị thần Mặt Trăng lên cao, người ta dâng cúng các phẩm vật là những loại nông sản vừa thu hoạch như: cốm dẹp, chuối, mía... vừa để tạ ơn, vừa cầu mong thần linh tiếp tục phò trợ cho năm sau mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt. Sau đó, các bậc Bô lão bốc từng nắm cốm dẹp đút vào mồm trẻ con với lời chúc mạnh ăn chóng lớn (Ok Om Bok dịch sát nghĩa là ăn cốm dẹp bằng cách nắm cốm dẹp đút vào miệng).
Trước đó một ngày, trưa ngày 14/10 âm lịch, trên dòng sông Long Bình diễn ra lễ hội đua ghe Ngo sôi nổi giữa tiếng nhạc Ngũ âm vang lừng, tiếng hò reo cổ vũ vang dậy của hàng chục ngàn người dự khán. Các đội đua từ các huyện, thành phố trong tỉnh và các tỉnh lân cận mang đến lễ hội không khí tưng bừng, cuồng nhiệt. Đua ghe Ngo vừa là trò chơi dân gian, vừa tỏ sức mạnh và sự đoàn kết, vừa là nghi thức truyền thống tiễn đưa thần Nước sau mùa gieo trồng về với biển cả, cũng là nghi thức tôn giáo của người Khmer tưởng nhớ rắn thần Nagar xưa từng biến thành đoạn gỗ đưa đức Phật qua sông.
Nguồn www.dulichtravinh.com.vn

Giới thiệu về Trà Vinh

Trà Vinh là tỉnh Duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp với các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng; nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Trung tâm tỉnh lỵ Trà Vinh cách thành phố Hồ Chí Minh 130 km và thành phố Cần Thơ 100 km. Tỉnh Trà Vinh có 01 thành phố và 07 huyện gồm: Thành phố Trà Vinh và các huyện Càng Long, Châu Thành, Tiểu Cần, Cầu Kè, Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải. Diện tích tự nhiên 2.341 km2, dân số 1,1 triệu người với 03 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa, trong đó dân tộc Khmer chiếm 30% dân số. Với trị trí tiếp giáp biển Đông chiều dài 65 km bờ biển đã hình thành nên vùng đất Trà Vinh gồm vùng đất châu thổ lâu đời, bên cạnh vùng đất trẻ mới bồi, có hàng trăm gò, giồng cát và mạng lưới sông ngòi chằng chịt mang nặng phù sa, bồi đắp cho những vườn cây ăn trái. Trà Vinh là tỉnh mưa thuận, gió hoà, nhiệt độ trung bình từ 26 – 27 độ C, hiếm khi có bão, vì thế bất cứ mùa nào trong năm du khách cũng có thể đến miền Duyên hải này.

Trà Vinh được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng phong phú về du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch biển, sông nước miệt vườn, các cồn nổi ven biển chuyên canh vườn cây ăn trái đặc sản...đặc biệt là du lịch khám phá bản sắc văn hóa của vùng đất gắn bó lâu đời của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa với 141 ngôi chùa Khmer có kiến trúc độc đáo trãi khắp các huyện, thành phố trong tỉnh và các lễ hội mang đậm nét văn hóa dân tộc diễn ra quanh năm.

Tỉnh Trà Vinh đã và đang được sự quan tâm của Chính phủ với các dự án đầu tư lớn đang được triển khai như: Dự án xây dựng cầu Cổ Chiên, nâng cấp các Quốc lộ 53, 54, 60, Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu (kênh đào Trà Vinh), Khu kinh tế Định An, Trung tâm điện lực Duyên Hải..., tạo điều kiện cho Trà Vinh khắc phục hạn chế về mặt địa lý trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến các khu vực khác trong nước và trên thế giới bằng đường thủy, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế địa phương.

"Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, điểm đầu tư đáng tin cậy cho doanh nghiệp, nhà đầu tư" là một trong những ưu tiên hàng đầu của Lãnh đạo tỉnh. Bên cạnh các chính sách ưu đãi đầu tư chung, nhà đầu tư khi triển khai dự án du lịch trên địa bàn tỉnh còn được hưởng các chính sách ưu đãi riêng của địa phương.

Người Trà Vinh hồn nhiên, thật thà và mến khách, chính sự thân thiện ấy đã tạo được những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước khi đến với quê hương Trà Vinh.

Trà Vinh diễn ca
Trà Vinh ngày ấy anh đi
Em che vành nón thầm thì bên nhau
Nụ hôn say đắm ngọt ngào
Hành trang anh mãi cất vào trong tim
Nhớ về vùng đất êm đềm
Trăng khuya soi bóng bên thềm vấn vương

Cầu Kè hội ngộ yêu thương
Mời anh dừa sáp vị hương quê nhà
Nghiêng nghiêng ngã bóng chiều tà
Hương thơm lúa mới thướt tha đợi chờ
Tiều Cần xin dệt vần thơ
Gió đưa mây đến ngẩn ngơ nắng hồng

Mái chèo khoan nhặt bên sông
Chạnh lòng lữ khách đứng trông nắng chiều
Hoàng hôn Trà Cú mỹ miều
Trăng thanh say đắm tình yêu chốn này
Trong sương thân vạc lạc bầy
Canh năm đánh thức gió lay ân tình

Thôi đành nhường lại bình minh
Cầu Ngang giữ trọn nghĩa tình bên nhau
Cung hầu cảnh mộng xuyến xao
Hòa vào tình biển ngọt ngào hương say
Càng Long thương nhớ bao ngày
Mùa tôm trở lại nơi này phồn vinh

Đứng nhìn Duyên Hải chuyển mình
Ba Động duyên dáng thắm tình chiều thu
Châu Thành nhớ buổi giã từ
Ngoài trời se lạnh gió đông
Nhìn con én liệng nắng hồng bén duyên
Thu qua đông hết lụy phiền
Xuân về trải lối hoa thêm sắc hồng

(Trích tác phẩm “Diễn ca Việt Nam quê hương tôi” của KLG – Võ Văn Hải)
Theo nguồn www.dulichtravinh.com.vn

Phát triển du lịch sinh thái Hưng Phong và Sơn Phú huyện Giồng Trôm

Nhu cầu phát triển du lịch đi đôi với việc bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, nâng cao trình độ dân trí, nâng cao vị thế Hưng Phong và cù lao Long Thành xã Sơn Phú trong loại hình du lịch sinh thái của huyện Giồng Trôm, thúc đẩy nhiều dịch vụ du lịch, tạo việc làm cho người dân và góp phần xóa đối giảm nghèo ở nông thôn;…

Sáng ngày 18 tháng 6 năm 2014, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm chủ trì tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phát triển du lịch sinh thái Hưng Phong và Sơn Phú giai đoạn 2014-2015 và tầm nhìn 2020, tại xã Hưng Phong huyện Giồng Trôm. Đến dự có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre, Phòng Nghiệp vụ Du lịch, Công ty lữ hành Du lịch Nam Bộ và các phòng ban liên quan của huyện; đặc biệt là sự có mặt của 9 hộ dân tự nguyện đăng ký với tinh thần quyết tâm tham gia làm du lịch trên những thửa đất hiện có của mình mà chứa đựng nhiều tiềm năng để khai thác các dịch vụ phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, nhất là phù hợp cho phát triển loại hình du lịch Homestay.

Đây là bước khởi đầu đầy khả thi đối với sự phát triển du lịch sinh thái của xã Hưng Phong; đây là một xã nằm trọn vẹn trên một cù lao nổi mà được gọi là Cồn Ốc từ lâu đời nay, do phù sa bồi đắp nên sau nầy có thêm Cồn Đeo với diện tích là 1.157ha gắn kết cù lao Long Thành 374ha; có tổng cộng 6.500 nhân khẩu, cuộc sống đa phần là làm nông nghiệp chiếm 80%, còn lại là buôn bán nhỏ lẻ và các nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa; đây cũng là lợi thế cho việc phát triển du lịch sinh thái vườn kết hợp với làng nghề,…

Kế hoạch được triển khai trong thời điểm Hưng Phong đã chín muồi về việc bắt tay đầu tư khai thác du lịch vì hạ tầng giao thông đã được quan tâm đầu tư rất tốt, đã có phà qua lại thường xuyên không còn khó khăn như trước, đường liên ấp cũng được bê tông hóa khang trang sạch đẹp, cầu nối liền giữa Cồn Ốc và cù lao Long Thành cũng được đầu tư xây dựng xong và đưa vào sử dụng, những vườn dừa, vườn cây trĩu quả phủ kín khắp nơi, những ngôi nhà khang trang ẩn trong những rừng dừa,… đã tạo cho Hưng Phong một màu xanh du lịch đầy hy vọng.
Quang cảnh nhà ông Phan Văn Hy với 3 mẫu vườn dừa đẹp, tham gia làm du lịch tại xã Hưng Phong 
Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cũng sẽ sẵn sàng sát cánh với phòng Văn hóa và Thông tin huyện, đồng hành cùng địa phương, các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh du lịch trên địa bàn thực hiện tốt kế hoạch phát triển du lịch của xã Hưng Phong đã cụ thể hóa từ kế hoạch của huyện.

Ông Trần Duy Phương - Phó Giám đốc Sở VHTTDL đã đánh giá cao sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương cho sự phát triển du lịch theo tinh thần Chỉ thị 09-CT/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2012-2015 và đề án phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015 tầm nhìn 2020 được UBND tỉnh phê duyệt. Ông phát biểu một số ý kiến rất thiết thực cho kế hoạch đã đề ra như: 
  • Các hộ đăng ký tham gia bắt tay vào ngay, nhất là chỉnh trang lại vườn cây, vừa đem lại hiệu quả xanh, sạch, đẹp, vừa hiệu quả kinh tế và đồng thời góp phần không nhỏ việc tham quan của du khách, phát triển dịch vụ kèm theo;
  • Liên kết lữ hành, đặt hàng thêm sản phẩm để quảng bá giới thiệu;
  • Lập tổ điều hành của địa phương để thực hiện kế hoạch;
  • Tài chính huyện nên quan tâm kinh phí cho việc quảng bá điểm đến hàng năm cho lĩnh vực du lịch;
  • Đào tạo nguồn nhân lực cần có chiều sâu, đúng đối tượng;
  • Cần phải bảo vệ an toàn cho du khách, nhất là khách quốc tế;
  • Dịch vụ, giá cả, chất lượng và hợp lý;
  • Quan tâm đến nguồn nước sạch, tiếp tục phát triển hạ tầng như: Chợ, bến sông, viễn thông,… 

Phát biểu ý kiến của lãnh đạo Sở VHTTDL trong hội nghị
Ông Nguyễn Hồng Sơn cũng đã chỉ đạo các phòng ban có liên quan trong kế hoạch cần chú trọng công tác tuyên truyền, nhắc nhỡ nhân dân xây dựng mô hình, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, xây dựng phong cách giao tiếp văn minh trong nhân dân, bảo đảm tình hình an ninh trật tự, đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, bến sông,… nhất là nguồn nước sạch sớm thực hiện.

Với những chỉ đạo và sự quyết tâm của cộng đồng, tương lai không xa Hưng Phong, Sơn Phú, nơi mà thiên nhiên ban tặng cho dãy cù lao nhiều màu mỡ sẽ là nơi chứa đựng nhiều tiềm năng du lịch được đánh thức và bật dậy trong một giấc ngủ dài của bấy lâu nay./.

Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện Đề án Lễ hội Dừa Bến Tre lần IV năm 2015 (Đến 12/6/2014)

Sáng nay, lúc 9 giờ ngày 16 tháng 6 năm 2014, tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch (SVHTTDL) là đơn vị thường trực của BTC Lễ hội đã tổ chức cuộc họp về việc báo cáo tiến độ triển khai thực hiện Đề án Lễ hội Dừa Bến Tre lần IV năm 2015; đến dự cuộc họp có đ/c Trần Ngọc Tam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (Trưởng ban tổ chức Lễ Hội), cùng các đ/c đã được Sở VHTTDL phân công thực hiện một số kế hoạch cho Lễ hội.

Ban Giám đốc Sở VHTTDL đã báo cáo tiến độ thực hiện Đề án đến ngày 12/6/20014, các đ/c liên quan cũng báo cáo bàn thêm một số vấn đề trong quá trình triển khai và đề xuất nhiều ý kiến trong công tác triển khai sắp tới.

Đ/c Trần Ngọc Tam đã đánh giá cao việc triển khai thực hiện có tích cực và chỉ đạo công việc sắp tới cần phải triển khai nhanh, cụ thể như:
  • Cần bám đề án để triển khai kế hoạch chi tiết cho những việc nào cần làm trước;
  • Hạng mục khai mạc, bế mạc và thi người đẹp xứ Dừa cần phải báo cáo xin chủ trương đấu thầu;
  • Xin ý kiến BCĐ đấu thầu hoặc chọn người làm kịch bản;
  • Lập kế hoạch vận động tài trợ sớm và phân công cụ thể;
  • Tập trung tuyên truyền quảng bá cho Lễ hội;
  • Tuần lễ Văn hóa trong chuỗi hoạt động của Lễ Hội phải làm nhiều hình thức cho mọi đối tượng tham gia lễ hội đều tham gia được;
  • Chợ nông thôn nếu không tổ chức được thì gắn chung với khu ẩm thực;
  • Xúc tiến nhanh việc hội thi sáng tác; …

Quang cảnh buổi họp
Đ/c Trần Ngọc Tam chỉ đạo từ nay đến hết năm 2014, đơn vị thường trực phải báo cáo hàng tháng về tiến độ và từ đầu năm 2015 đến khi diễn ra Lễ hội phải báo cáo hàng tuần về BCĐ để kịp thời chấn chỉnh và chỉ đạo tiếp./.

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Họp triển khai công tác xúc tiến du lịch thời gian tới của Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Long An

Ngày 05/6/2014, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch (Trung tâm TTXTDL) Bến Tre, chủ trì tổ chức buổi họp rút kinh nghiệm trong việc liên kết hoạt động xúc tiến du lịch giữa các tỉnh trong cụm phía Đông duyên hải đồng bằng sông Cửu Long và triển khai hoạt động 6 tháng cuối năm 2014 tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh.

Đến dự họp có sự tham gia của ông Trần Minh Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh, lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ Du lịch của các các tỉnh liên kết, Giám đốc và Phó Giám đốc của các Trung tâm TTXTDL Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh , Long An và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh Tiền Giang. Đặc biệt là cuộc họp triển khai công việc liên kết lần nầy có sự tham gia của TTXTDL Long An gia nhập để cùng hoạt động xúc tiến với cụm “Bốn địa phương một điểm đến” mà thời gian qua Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh đã liên kết.

Ông Lê Văn Luông - Giám đốc Trung tâm TTXTDL Bến Tre báo cáo tình hình hoạt động liên kết đã đặt ra đầu năm 2014 của 04 trung tâm trong 6 tháng đầu năm 2014 và triển khai hoạt động 6 tháng cuối năm cụ thể như sau: Sự liên kết bước đầu sau khi các Trung tâm ký kết và triển khai công việc, đã tập trung vào việc tìm ra sản phẩm chung, bản đồ chung, liên kết đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến chung tại các sự kiện lớn trong nước,… với chủ đề “Bốn địa phương một điểm đến” đã được Tổng cục Du lịch, Hiệp Hội Du lịch ĐBSCL và các tỉnh, thành trong cả nước đánh giá cao và gây sự chú ý rất lớn đối với những lữ hành lớn ở khắp nơi biết đến. 
Quang cảnh của buổi họp
Trong 6 tháng cuối năm cần khắc phục những vướng mắc và  và tiếp tục làm ấn phẩm chung, tham gia gian hàng chung ngày hội du lịch quốc tế ITE TP.HCM, Tuần lễ VHDL tỉnh Long An, MDEC Sóc Trăng do Tây Nam bộ tổ chức, tổ chức khảo sát để lập đoàn Famtrip chung 5 tỉnh nhằm tạo ra sản phẩm mới của toàn cụm./.

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Món ăn xứ dừa cùng Liên hoan ẩm thực Đất Phương Nam lần IV năm 2014

Chiều ngày 29 tháng 5 tại Khu du lịch văn hóa Đầm Sen, liên hoan “Ẩm thực Đất Phương Nam” lần IV năm 2014 đã khai mạc do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Cục Công tác phía Nam – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và công ty Du lịch Phú Thọ tổ chức.

Năm nay, có hơn 30 doanh nghiệp là công ty, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch của các tỉnh, thành phía Nam với hơn 100 gian hàng ẩm thực trang trí bắt mắt, thể hiện thế mạnh từng địa phương. Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre lần này đã đồng hành cùng 2 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống, tham gia hơn 40 món ăn quê hương xứ dừa như: Công ty Cổ phần Du lịch Bến Tre, nhà hàng The Champagne và công ty TNHH SX-DV-TM Ngọc Thanh (với sản phẩm trưng bày là bánh kẹo và nước giải khát đặc sản Bến Tre). Ngoài ra, các đơn vị tham gia liên hoan của tỉnh Bến Tre cùng dự thi “Gian hàng ấn tượng” thể hiện đặc trưng, màu sắc quê hương sông nước xứ dừa và thương hiệu doanh nghiệp hay thi tài “Món ngon Phương Nam” với thế mạnh ẩm thực dừa như: cá bóng dừa kho nước cốt dừa, lương um nước cốt dừa trong trái bí rợ hay cơm trong trái dừa … giới thiệu cho thực khách các nơi đặc trưng truyền thống của Bến Tre qua nguyên liệu dừa, cách chế biến, trình bày và thuyết minh ý nghĩa của từng món ăn.

Đây là sự kiện văn hóa ẩm thực độc đáo tổ chức định kỳ hàng năm của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Nam bộ nói chung nhằm tôn vinh và giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước các giá trị văn hóa ẩm thực của vùng đất phương Nam. Liên hoan ẩm thực lần này cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống của các vùng miền giới thiệu, quảng bá thương hiệu ẩm thực, những đặc sản độc đáo của từng địa phương có tham gia gian hàng.

Bên cạnh đó, liên hoan “Ẩm thực Đất Phương Nam” 2014 còn giới thiệu phong cách ẩm thực xứ biển, tây nguyên, ẩm thực Sài Gòn. Biểu diễn nghệ thuật cắt tỉa, điêu khắc và sắp xếp rau củ quả thành mô hình nghệ thuật có sức sáng tạo cao trong văn hóa ẩm thực. Hàng đêm, trong liên hoan Ban tổ chúc còn tái hiện Không gian văn hóa Cồng Chiên Tây Nguyên và sắp đặt Góc trời Phương Nam với đờn ca tài tử Nam Bộ cùng trưng bày các gian hàng trái cây đặc sản sông nước miệt vườn Cửu Long. Bến Tre tham gia gian hàng trái cây Cái Mơn với nhiều loại đặc sản như sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, bòn bon, măng cục …

Đặc biệt, trong sự kiện này, Ban tổ chức cũng đã ủng hộ 100.000.000 đồng cho đồng bào và chiến sĩ Hoàng Sa – Trường Sa ngày đêm canh giữ biển đảo Việt Nam. Mong rằng, kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, chính trị Việt Nam ngày càng ổn định, vững bền để du lịch Việt Nam ngày càng thu hút nhiều du khách đến và lưu lại lâu hơn trên mãnh đất hình chữ S thân yêu này./.

Doanh nghiệp Bến Tre tham gia Liên hoan “Ẩm thực Đất Phương Nam” 2014
Lễ khai mạc Liên hoan “Ẩm thực Đất Phương Nam” 2014