Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Kết nối sản phẩm du lịch liên vùng

Được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre (TTXTDL) vừa tổ chức chuyến khảo sát du lịch giữa các tỉnh ven biển ĐBSCL từ 16 đến 19/11/2016, nhằm tạo điều kiện cho Doanh nghiệp du lịch Bến Tre kết nối sản phẩm để liên kết phát triển du lịch không những trong cụm phía Đông mà kết nối giữa cụm phía Đông với cụm phía Tây gồm các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Ông Trần Minh Thanh PGĐ Sở VHTTDL (người thứ 3 từ trái sang) và TTXTDL cùng các doanh nghiệp du lịch Trà Vinh đón tiếp đoàn Bến Tre tại Khu du lịch Huỳnh Kha.
Việc liên kết phát triển là điều cần thiết trong phát triển du lịch vùng, cũng như khu vực, việc tổ chức hội thảo hay tọa đàm được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và một số tỉnh đã tổ chức thường xuyên, nhiều doanh nghiệp từ 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tham gia. Điều cần thiết đặt ra là không thể liên kết và ký kết để rồi sơ kết, tổng kết và sự thật là các doanh nghiệp có gặp nhau, có biết nhau nhưng chưa thấy được thực tế sản phẩm của nhau để kết nối phù hợp của từng lĩnh vực trong kinh doanh du lịch. Bởi đó là điều cần thiết nhất để kết nối mà các doanh nghịêp đang mong muốn.
Ông Phạm Văn Đâu - PGĐ Sở VHTTDL (người ngồi đầu bàn) và TTXTDL cùng các doanh nghiệp du lịch Sóc Trăng đón tiếp đoàn Bến Tre tại Khu du lịch Chùa Dơi
Theo kế hoạch, TTXTDL sẽ tổ chức 3 đợt khảo sát, đây là đợt 1 và dự kiến vào quí I năm 2017 sẽ tiếp tục đợt 2 và đợt 3. Chuyến khảo sát lần nầy với sự tham gia của 12 đơn vị kinh doanh du lịch như: Công ty TNHH Du lịch Hàm Luông; Công ty Du lịch Nam MeKong; Khu du lịch Lan Vương; Công ty Du lịch Cái Cấm; Khu nghỉ dưỡng Mỹ An; Nhà hàng - Khách sạn Việt Úc; Công ty TNHH Du lịch - Thương mại - Dịch vụ Cồn Phụng; Công ty Lập Group; Công ty TNHH MTV Du lịch sinh thái Bảo Duyên; Công ty TNHH TM DV Phú An Khang; Ban quản lý khu du lịch Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre và Trường Trung cấp VHNT Bến Tre cùng Trung tâm TTXTDL và phòng Quản lý Du lịch thuộc Sở VHTTDL. Đây là lực lượng được xem như là những đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch trong lữ hành, lưu trú, đào tạo, dịch vụ du lịch,… của Bến Tre.
Ông Trần Hiếu Hùng - GĐ Sở VHTTDL (người bên trái), PGĐ Sở Hồ Ngọc Tấn và Tạ Hoàng Hiện cùng TTXTDL và các doanh nghiệp du lịch Cà Mau đón tiếp đoàn Bến Tre tại Nhà hàng - Khách sạn Ánh Nguyệt
Đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL, lãnh đạo Trung tâm TTXTDL các tỉnh bạn đã nhiệt tình đón tiếp và giúp đỡ đoàn Bến Tre hoàn thành tốt mục đích chuyến khảo sát. Trung tâm TTXTDL tỉnh bạn đã tổ chức buổi họp báo có mời các doanh nghiệp du lịch của địa phương đến gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch Bến Tre để cùng giao lưu tìm hiểu và đi thực tế để tiếp cận sản phẩm du lịch của doanh nghiệp bạn. Lãnh đạo Sở VHTTDL các tỉnh bạn đánh giá cao chuyến đi thiết thực của đoàn các doanh nghiệp du lịch Bến Tre đã tổ chức lần nầy; TTXTDL các tỉnh bạn cũng đã hứa hẹn sẽ tổ chức cho các doanh nghiệp du lịch đến Bến Tre theo lời mời của Trung tâm TTXTDL Bến Tre để kết nối sản phẩm du lịch tại quê hương Xứ Dừa trong thời gian gần.
Đoàn doanh nghiệp du lịch Bến Tre khảo sát thực tế sản phẩm điểm du lịch Mười Ngọt tại rừng U Minh Cà Mau
Chuyến đi khảo sát đã thành công; Trung tâm TTXTDL Bến Tre đã làm cầu nối đối với các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh tiếp cận sản phẩm du lịch của các tỉnh bạn. Các doanh nghiệp tham gia trong đoàn Bến Tre cũng phấn khởi bởi có một chuyến khảo sát bổ ích; đặc biệc là chuyến hành trình tuy thời gian nắn nhưng đã tạo được sự đoàn kết, thân thiện và gắn bó nhau hơn giữa cac doanh nghiệp đã thể hiện trong chuyến đi. Các doanh nghiệp cũng đã nhìn nhận và trao đổi, hứa hẹn lẫn nhau về sự đoàn kết, hợp sức, học hỏi lẫn nhau, dìu đắt nhau nhằm tạo sức mạnh trong việc phát triển du lịch tỉnh nhà nâng cao thương hiệu “Du lịch sinh thái sông nước Xứ Dừa”, An toàn - Thân thiện và Chất lượng theo mong muốn của nhà đồng hành - Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre./.

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Bánh lá dừa - món quà đi cùng ký ức người miền Tây

Miếng nếp dẻo béo thơm cùng nước cốt dừa nằm trong nhánh lá cuốn tròn như chiếc lò xo của bánh lá dừa in đậm ký ức tuổi thơ của nhiều người miền Tây.
Không biết từ khi nào, cùng với bánh tét, bánh ít, bánh ú, bánh lá dừa của người miền Tây đã trở nên quen thuộc trong từng bữa ăn. Không quá cầu kỳ, song bánh lá dừa lại làm vừa lòng người ăn bởi sự hòa quyện tuyệt vời của nhiều nguyên liệu.
Ở miền Tây, bánh lá dừa có mặt ở nhiều tỉnh từ Long An, Tiền Giang, kéo dài cho đến miệt Trà Vinh, Sóc Trăng, nhưng Bến Tre mới chính là thủ phủ của chiếc bánh có lớp vỏ làm từ cánh lá dừa. 
Trước khi gói, lá dừa được vuốt tỉa thành ống, nếp vo sạch trộn với đậu đen, cơm dừa tươi, nước cốt dừa, cứ thế mà cho vào bên trong. Bánh lá dừa thường được gói nhân đậu xanh như bánh chưng, bánh tét, ngoài ra để đổi vị, người miền Tây còn dùng chuối sứ để làm nhân. 
Ngoài lá dừa thì trái dừa khô là nguyên liệu không thể thiếu. Để bánh lá dừa thơm và béo, dừa khô được nạo nhuyễn trộn vào hạt nếp trước khi gói. Nước cốt dừa cũng được hòa cùng để tạo độ bóng sáng cho chiếc bánh sau khi nấu chín.
Để chiếc bánh ngon, người làm bánh cần khéo léo trong việc cho nếp vào bên trong cuốn lá dừa. Nếp nén chặt tay sẽ khiến bánh khô cứng. Nếp nén lỏng tay khiến bánh dễ bị rời. Ngoài ra muốn bánh ngon thì phải chọn loại nếp thật dẻo thơm.
Dây nilon hoặc dây chẻ nhỏ từ gân lá chính là dụng cụ dùng để buộc chiếc bánh sau khi đã gói kín. Người gói thường cắn một đầu dây, tay giữ chặt các nuột dây, cột thật chặt.
Bánh trước khi vào lò được cột chặt thành từng chùm. Mỗi chiếc bánh dài gần gang tay, to bằng quả dưa leo, bánh chuối cột dây xanh, nhân đậu cột dây vàng để dễ phân biệt.
Bánh gói xong được cho vào nồi, đun bằng bếp củi hoặc gáo dừa. Việc nấu chín mất hơn một giờ đồng hồ.
Chưa kịp mở nắp, chỉ cần đi qua nồi bánh đang nấu đã đủ ngửi được mùi thơm của lá dừa, của bếp và mùi nước cốt dừa.
Bánh lá dừa sau khi nấu được vớt ra treo cho ráo nước. Do được gói kín, bánh có thể để lâu được 2-3 ngày mà không bị hỏng.
Với giá bán (5.000 đồng/cái), bánh lá dừa miền Tây nói chung và Bến Tre nói riêng đã trở thành món quà quê bình dân dễ mua, dễ ăn mà lại ngon. Không chỉ được bày bán, bánh lá dừa còn được làm tại nhà. Cứ thấy thèm thèm là lũ trẻ theo tía má đi chặt tàu lá dừa về làm vỏ bánh, rồi ngâm nếp ngâm đậu, soạn cái nồi thật to bắc lên bếp chuẩn bị ngồi chờ. Từ những kỷ niệm đẹp của thời thơ ấu, bánh lá dừa đã trở thành món ăn của ký ức của rất nhiều người con miền Tây.
Mr. True
Nguồn: http://ngoisao.net

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Thạnh Phú giai đoạn 2016 - 2020

Để kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Thạnh Phú giai đoạn 2016-2020, ngày 01/11/2016, ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre đã có buổi làm việc cùng UBND huyện Thạnh Phú để nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án sau khi được UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 7/2016 đến nay, nhằm có hướng giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, chỉ đạo tiếp tục thực hiện từ nay đến cuối năm 2016 và cho những năm tiếp theo.

Sau khi nghe báo cáo của đ/c Phó Chủ tịch huyện - Đào Công Thương, Ban quản lý Khu Du lịch địa phương; phòng Hạ tầng; phòng Tài nguyên và Môi trường; phòng Văn hóa và Thông tin; UBND xã Thạnh Hải đã nêu những thuận lợi trong việc triển khai, tuy nhiên vẫn còn vướng một số việc bước đầu, nhất là những vấn đề về đất, giữa đất rừng, đất phòng hộ và đất qui hoạch phát triển du lịch theo quyết định thành lập Khu Du lịch địa phương Thạnh Phong và Thạnh Hải huyện Thạnh Phú chưa giao được cho nhà đầu tư tiến hành thủ tục đầu tư, cũng như tiếp tục kêu gọi đầu tư. Đất rừng giao lại cho đầu tư du lịch thì chưa có đất trồng rừng thay thế. Việc mở rộng đường giao thông vào Cồn Bửng còn tiếp tục vận động hộ dân đồng thuận để tiến độ thi công cầu và đường của tuyến nầy sớm hoàn thành phục vụ cho du lịch. Việc tiếp du khách quốc tế đến với Khu du lịch đã được công nhận vẫn chưa thống nhất giữa ngành Du lịch, ngành Công an và lực lượng Biên phòng đối với vùng biên giới biển; …..

Hiện tại có 4 nhà đầu tư đăng ký đầu tư xây dựng dịch vụ du lịch như doanh nghiệp Bình Long đã có dự án đấu tư; doanh nghiệp Út Thắng dự kiến đầu tư 10ha; doanh nghiệp Bình An sẽ đầu tư xây dựng Lăng Ông và khu dừng chân sinh thái rừng ngập mặn từ 6ha đến 10ha và Nhà Chùa TP.HCM xây dựng Chùa, đã vận động đủ kinh phí và thiết kế xây dựng xong nhằm phát triển du lịch Tâm linh gắn với miếu Bà Chúa Sứ, khu lăng Ông Nam Hải tại khu "Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sử Dường Hồ Chí Minh trên biển". Tất cả đang chờ giao đất.

Trong thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Thạnh Phú, đại diện Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh (TTXTDL) phân tích về du khách đến với Thạnh Phú nhiều trong những năm qua là sự đột biến; địa phương các cấp từ xã đến huyện, tỉnh cùng ứng phó với những gì đã xảy ra mà không có chủ động từ đầu; các công ty lữ hành cũng không đưa khách về với biển bởi chưa có những sản phẩm hoàn chỉnh phục vụ du khách; chưa có tổ chức an toàn, cụ thể,... Vừa qua khi được UBND tỉnh phê duyệt thành lập Khu du lịch địa phương thuộc hai xã Thạnh Phong - Thạnh Hải; Đề án phát triển du lịch huyện Thạnh Phú cũng được phê duyệt; Ban quản lý Khu Du lịch được thành lập.

Hội thảo khoa học cấp tỉnh được tổ chức tại huyện Thạnh Phú vào tháng 9/2016 vừa qua về phát triển du lịch biển kết hợp giáo dục; các chuyên gia Hội thảo, các Giáo sư, Tiến sĩ từ các trường, các công ty lữ hành của tỉnh cũng đã đến góp ý xây dựng cho sự phát triển du lịch địa phương. 
Ông Nguyễn Hữu Phước - PCT UBND tỉnh (thứ hai từ trái sang) đang làm việc với huyện Thạnh Phú
Đến nay có một số công ty lữ hành đã phối hợp cùng Trung tâm TTXTDL triển khai xây dựng sản phẩm du lịch để đưa khách về Thạnh Phú nhằm từng bước vừa xây dựng vừa chỉnh chu để du lịch phát triển bền vững. Trung tâm đề nghị UBND huyện cần quan tâm hỗ trợ các làng nghề như nghề "Bánh dừa Giồng Luông", làng nghề "Nón lá Mỹ An" phát triển và kết nối các công ty lữ hành tạo sản phẩm du lịch gắn với di tích nhà cổ Hương Liêm, hàng cây dầu đẹp trên tuyến đường xã Phú Khánh, gắn với vườn xoài tứ quí, rẫy dưa, ruộng sắn, vuông tôm để phát triển du lịch cộng đồng. Ban quản lý Khu du lịch cần lưu ý đến các dịch vụ hiện có để nâng chất phục vụ nhằm giữ vững lượng khách đã có để tạo đà phát triển về lâu về dài trong khi chờ xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh và chờ các nhà đầu tư đến xây dựng sản phẩm dịch vụ. Lưu ý thêm một số điểm hoạt động trước đây khá tốt, sau đó đã đổi chủ hoặc cho thuê lại đừng để có dấu hiệu tăng giá, giảm chất lượng dịch vụ, cần chỉnh chu cảnh quan môi trường, không nên chèo kéo khách trên tuyến đường ra biển; thậm chí những bãi giữ xe cũng không nên chèo kéo mà phải tạo ấn tượng đẹp ban đầu với du khách khi đến đây.

Ông Nguyễn Hữu Phước phát biểu chỉ đạo đề nghị UBND huyện có văn bản báo cáo rõ về đất rừng trao đổi, đất biên phòng, đất dân cụ thể những vấn đề vướng mắc trình UBND tỉnh xin chủ trương. Phòng Hạ tầng huyện tiếp tục vận động và giải quyết tốt đối với các hộ dân để thực hiện tốt giao thông, tránh trình trạng không đồng thuận. Ban quản lý khu du lịch cần tăng cường thực hiện tuyên truyền về giữ xe, mua bán, môi trường, phục vụ tốt du khách đến tham quan, cần có qui chế phối hợp với tổ nhân dân tự quản, dân phòng, công an, các hộ kinh doanh và nhân dân để thực hiện trên tinh thần xã hội hóa. Hướng phát triển tới xác định du lịch sinh thái kết hợp với tâm linh, chú ý tới các Làng nghề để khai thác sản phẩm du lịch mang tính bền vững; gắn với các nhà đầu tư bắt tay đầu tư vào năm 2017./.

Hợp tác Phát triển Du lịch giữa Hà Nội và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2016 - 2020

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác liên kết - hợp tác phát triển du lịch trong thời gian tới, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 14 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau cùng thống nhất ký kết Chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 vào ngày 28/10/2016 tại thành phố Rạch Giá tỉnh Kiên Giang do Sở Du lịch TP. Hà Nội chủ trì.
Quang cảnh Hội nghị Chương trình hợp tác phát triển du lịch 14 tỉnh, thành phố (Hà Nội và Đồng bằng sông Cửu Long)
Đến dự buổi ký kết hợp tác có ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Mai Văn Huỳnh - UV BTV TU, PCT UBND tỉnh Kiên Giang và Giám đốc, Phó Giám đốc sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo các phòng Quản lý Du lịch, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch 14 tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp du lịch các địa phương tham gia buổi ký kết hợp tác trên. Đặc biệt là có sự ký kết giữa Hiệp hội Du lịch Tp. Hà Nội và Hiệp hội Du lịch ĐBSCL.

Du lịch Thủ đô Hà Nội là ngành đã đạt nhiều kết quả tích cực trong việc phát triển du lịch Việt Nam; lượng khách du lịch chiếm 1/3 của cả nước, tăng bình quân 10%/năm; trong năm 2015 có 3,26 triệu lượt khách quốc tế và 16,43 lượt khách nội địa; thu nhập từ khách du lịch đạt gần 55.000 tỉ đồng. Đây là trung tâm du lịch của Việt Nam và cũng là nơi tiếp nhận khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất để chi phối ra các vùng, miền, các địa phương trên cả nước.

Việc hợp tác phát triển du lịch là điều cần thiết và đây cũng là sự quan tâm của ngành Du lịch Thủ đô đến các tỉnh, thành ĐBSCL với mục đích phối hợp nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để tăng cường tổ chức hoạt động phát triển du lịch của các địa phương; phát huy tối đa sức sáng tạo, chủ động của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch để phát triển thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và xây dựng các tour, tuyến du lịch liên vùng hoàn chỉnh, hấp dẫn nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi bên, đề cao sự hợp tác, tăng cường trao đổi thông tin trong giải quyết công việc quản lý nhà nước về du lịch giữa Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 14 tỉnh, thành phố.

Đây là chương trình hợp tác được cụ thể hóa bằng kế hoạch chỉ đạo thực hiện hàng năm, có sự phân công theo dõi, kiểm tra, giám sát, đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ, hiệu quả và có tính khả thi cao. Bên cạnh đó các nội dung hợp tác phát triển du lịch giữa 14 tỉnh, thành phố phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các Sở; đảm bảo tính hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, các quy định hiện hành của Nhà nước và của các tỉnh, thành phố.

Hợp tác cùng nhau trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn. Phối hợp triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ quản lý lữ hành, vận chuyển, lưu trú, tài nguyên và các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Định kỳ hàng quý trao đổi thông tin về: kết quả hoạt động kinh doanh du lịch; các sản phẩm du lịch mới; thị trường khách; tình hình hoạt động của các doanh nghiệp; các hiện tượng tiêu cực, vi phạm trong hoạt động du lịch, đặc biệt về kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên, vận chuyển và các thông tin liên quan. 
Lãnh đạo 14 Sở Du lịch, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội và ĐBSCL ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch
Phối hợp tuyên tuyền, quảng bá, mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước với các nội dung cụ thể, gắn với nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường. Chủ động đón các đoàn lữ hành lớn tại các thị trường trọng điểm, các đoàn báo chí, phóng viên quốc tế đến khảo sát sản phẩm, viết bài, tuyên truyền quảng bá về du lịch các địa phương. Liên kết, hợp tác kết nối tour đón khách du lịch từ các tỉnh, thành phố trong nước, Thủ đô, thành phố các nước, các quốc gia, vùng lãnh thổ đến các địa phương và ngược lại với tinh thần “Mười bốn tỉnh, thành phố - Một điểm đến”. 

Phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ du lịch cho nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ du lịch và cán bộ quản lý du lịch của các địa phương. Tham gia các sự kiện du lịch, các hoạt động quảng bá xúc tiến, hội chợ tại các thị trường du lịch trong nước và quốc tế lớn do các địa phương tổ chức. Hàng năm, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 14 tỉnh, thành phố luân phiên phối hợp tổ chức từ 1 đến 2 chương trình, sự kiện du lịch chung. Đồng thời kiểm tra, hướng dẫn và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến bảo vệ môi trường, an ninh, an toàn cho khách du lịch tại các địa phương.

Chương trình liên kết hợp tác cũng đã đặt ra một số vấn đề quan trọng như: Bảo trợ cho Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch thuộc Sở, Hiệp hội Du lịch các địa phương liên kết hợp tác phát triển du lịch theo khả năng và nhu cầu thực tế. Hỗ trợ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, thực hiện các thủ tục hành chính; thủ tục cấp visa; liên kết, xây dựng các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, dịch vụ chuyên nghiệp; Thủ đô Hà Nội có vai trò là trung tâm kết nối các tour, tuyến du lịch quốc tế và các tour, tuyến du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước đảm bảo chất lượng cao, có sức cạnh tranh để phân phối khách du lịch đến với các địa phương.
Các doanh nghiệp của các đại phương ký kết hợp tác trong hoạt động phát triển du lịch với sự chứng kiến của lãnh đạo các tỉnh, thành
Các địa phương bố trí các điểm cung cấp thông tin, hướng dẫn và hỗ trợ khách du lịch. Hướng dẫn khách du lịch ứng xử văn minh khi đi du lịch tại các địa phương, góp phần xây dựng môi trường du lịch an ninh, an toàn, thân thiện, văn minh. Cung cấp mạng Wifi miễn phí tại các khách sạn, nhà hàng phục vụ khách du lịch và một số khu, điểm du lịch của 14 tỉnh, thành phố; bổ sung hoàn chỉnh hệ thống thông tin hướng dẫn du khách, các cơ sở dịch vụ tại các khu, điểm du lịch.

Thành lập bộ phận thường trực hợp tác phát triển du lịch tại các tỉnh, thành phố gồm thành viên là lãnh đạo Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng quản lý nhà nước về du lịch cấp Sở, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch thuộc Sở làm đầu mối liên hệ và định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất, lãnh đạo đơn vị đầu mối của 14 cơ quan có trách nhiệm tổ chức các cuộc trao đổi thông tin, đóng góp ý kiến các vấn đề liên quan đến nội dung phối hợp để rà soát, kiểm tra, đôn đốc, triển khai các hoạt động, tổng hợp tình hình phối hợp và báo cáo Giám đốc các Sở kết quả thực hiện Chương trình hợp tác. Định kỳ mỗi năm 01 lần vào quý III, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 14 tỉnh, thành phố luân phiên địa điểm tổ chức họp kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện kế hoạch và xây dựng kế hoạch phối hợp cho năm sau. 
Tổng cục Trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn phát biểu đánh giá Hội nghị
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch hoan nghênh sự hợp tác phát triển du lịch giữa Hà Nội và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; Ông đã đánh giá năm 2016 có nhiều dấu ấn về Du lịch Việt Nam - Năm Du lịch Quốc gia năm 2016 (Phú Quốc - ĐBSCL) và dự kiến đến hết năm 2016, tổng thu từ khách du lịch đạt 18 tỉ USD. Du lịch Hà Nội cho thấy bước đi trong phát triển du lịch, đã mang lại hiệu ứng tốt cho Du lịch Việt Nam; Ông cũng đánh giá ĐBSCL có lượng khách du lịch là 15 triệu lượt/năm là một thị trường tương đối lớn, tất cả đã góp phần cho Du lịch Việt Nam phát triển. Ông mong muốn rằng sau sự ký kết hợp tác phát triển lần nẩy, nếu năm 2015 có 8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam thì đến năm 2020 sẽ là 15 đến 16 triệu lượt để kinh tế Du lịch Việt Nam trở thành mũi nhọn trong kinh tế xã hội của đất nước./.