Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

Top 10 địa điểm tham quan thú vị nhất tại Trà Vinh

Trà Vinh, một mảnh đất đẹp không chỉ về thiên nhiên mà còn đẹp về tình người, sống chan hòa và hiếu khách. Vì vậy, nếu như có cơ hội, bạn hãy dừng chân ghé lại "mảnh đất thần tiên" này một lần mà khám phá cái hay của vùng đất và con người ở đây. Nó không chỉ cho bạn một chuyến đi thú vị về mỹ quan mà còn cả kiến thức về một nền văn hóa lịch sử lâu dài của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa.

Ao Bà Om
Ao Bà Om tọa lạc tại phường 8, thành phố Trà Vinh, là một trong những danh thắng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khí hậu mát mẻ quanh năm, xung quanh ao có những hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi: Sao, Dầu có rễ nổi lên mặt đất trông rất đẹp mắt. Mặt nước ao phẳng lặng với những hoa sen, hoa súng và những đàn chim “vịt trời” bay, lặn tạo nên một phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Đến đây du khách nghe kể lại những truyền thuyết ly kỳ về ao Bà Om.
Khuôn viên Ao Bà Om
Hàng cây cổ thụ xung quanh ao Bà Om
Chùa Âng
Chùa Angorràjapurì còn gọi là chùa Âng tọa lạc phường 8, thành phố Trà Vinh cạnh thắng cảnh ao Bà Om, cách trung tâm thành phố Trà Vinh 5km, là một trong những ngôi chùa cổ nhất của đồng bằng sông Cửu Long được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Kiến trúc chùa được điêu khắc, hội họa rất đặc sắc như: tượng tranh phật, tượng tiên nữ, chim, rắn thần…và được bao bọc bởi hàng trăm cây cổ thụ tạo cho chùa nét hấp dẫn riêng khi viếng thăm.

Năm 1996, quần thể chùa Âng và ao Bà Om đã được Bộ Văn hóa - Du lịch công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.
Chùa Âng
Chùa Ông Mẹt
Chùa Ông Mẹt là một ngôi chùa khá cổ, tọa lạc tại đường Lê Lợi, phường 1, thành phố Trà Vinh.

Ngôi chùa có diện tích 12.900 mét vuông. Chính điện là một tòa nhà hình chữ nhật, mái lợp ngói, góc ngoài của mái chùa đều có hình đuôi rồng uốn lượn lên cao vút. Ngoài hành lang, các đầu cột đều có tượng vũ nữ Kaynor dang tay chống đỡ, một kiểu kiến trúc khá đặc trưng. Cây cột, kèo,... ở chính điện đều được làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng với những hình ảnh chạm khắc hết sức đa dạng và công phu. Vách tường tái hiện lại sự tích phật Thích ca qua các thời kỳ bằng những bức ảnh độc đáo và sinh động.

Chùa là nơi đặt trường Trung cấp phật học Nam tông Khmer, và được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2009.
Chùa Ông Mẹt
Khu Du lịch sinh thái Cù lao Long Trị
Có diện tích 336 ha thuộc xã Long Đức (thành phố Trà Vinh), cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 3km theo hướng Bắc, nằm giữa dòng sông Cổ Chiên thơ mộng. Cù lao Long Trị chuyên canh cây trái đặc sản như: Nhãn, mận, xoài, bưởi…xen lẫn với những chủng loại thực vật đặc hữu vùng bị xâm nhập mặn như bần, dừa nước, cùng nhiều loài chim muông…

Từ bến Phà Long Đức, du khách đi thuyền sang cù lao Long Trị để được đắm mình trong khung cảnh yên bình thơ mộng, thưởng thức món canh chua bần cá bông lau, tôm nướng.
Khu du lịch sinh thái Cù lao Long Trị
Đền thờ Bác Hồ
Đền thờ Bác Hồ “Công trình trái tim” – một biểu tượng của tấm lòng người dân Trà Vinh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh là một địa chỉ văn hóa du lịch nổi tiếng (một di tích lịch sử cấp quốc gia), tọa lạc tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh cách trung tâm nội ô chưa đến 5 km, về hướng Đông Bắc.

Khu di tích đền thờ Bác Hồ rộng 5,4 ha với các hạng mục chính như: Đền thờ Bác Hồ, nhà trưng bày thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, khuôn viên cây xanh, ao cá, khu vui chơi cắm trại…và đặc biệt là mô hình nhà sàn Bác Hồ được thiết kế, in sao và lắp khoa học với tỉ lệ 97% theo nguyên bản nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch ở thủ đô Hà Nội.
Khuôn viên đền thờ Bác Hồ
Chùa Hang
Chùa Hang hay còn gọi là chùa Kom Pông Chrây, là một ngôi chùa cổ kính của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh, tọa lạc tại khóm 4, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Tên gọi chùa Hang bắt nguồn từ kết cấu kiểu mái vòm của cổng chùa trông giống như một cái hang nên người dân vẫn thường gọi như thế. Chùa được xây dựng vào năm 1637. Khuôn viên rộng 7.000 mét vuông. Chính điện được trang trí rộng rãi với nhiều họa tiết, hoa văn độc đáo nổi bật. Mái được cấu tạo gồm nhiều lớp chồng lên nhau, các đầu cột đều có tượng vũ nữ Kẽn Naarr dang tay chống đỡ. Bàn thờ đặt giữa chính điện. Trên cao là tượng Phật Thích ca to lớn, dưới là tượng Phật Thích ca nhỏ hơn với nhiều tư thế khác nhau.

Khuôn viên chùa trồng nhiều cây gỗ lớn và là nơi cư ngụ của một đàn cò khổng lồ, nơi đào tạo ra những nghệ nhân tài hoa làm ra những tác phẩm nghệ thuật khắc gỗ độc đáo từ những rễ cây cổ thụ.

Ngôi chùa không chỉ là nơi chân tu của các vị sư mà còn là nơi bảo tồn giá trị truyền thống nghệ thuật độc đáo của dân tộc đến mãi đời sau.
Cổng chùa Hang
Khuôn viên chùa Hang
Khu du lịch sinh thái Huỳnh Kha Déjavu
Khu du lịch sinh thái Huỳnh Kha thuộc địa phận phường 4, thành phố Trà Vinh. Điểm nổi bật của khu du lịch là sự hài hòa giữa vẻ đẹp nhân tạo bởi những kiến trúc đồ sộ và vẻ đẹp thiên nhiên của cây cỏ. Khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, cách bày trí bắt mắt với nhiều khu phục vụ nhu cầu đa dạng của khách tham quan. Chẳng hạn như khu Cafe, khu Karaoke, khu nhà hàng, khu ẩm thực Việt, khu vui chơi giải trí, khu resort,... đáp ứng mọi nhu cầu vui chơi giải trí. Đặc biệt, Huỳnh Kha còn là trung tâm Tiệc cưới - Hội nghị với tone màu sang trọng, lịch sự. 
Khu nhà hàng ẩm thực Dejavu Huỳnh Kha
Một góc khu du lịch Dejavu Huỳnh Kha
Biển Ba Động
Biển Ba Động là một trong những bãi biển đẹp của đồng bằng sông Cửu Long thuộc xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, cách thành phố Trà Vinh hơn 60 km về hướng Đông Nam, nơi có bãi cát dài và đẹp. Đến đây du khách được tắm biển, nghỉ dưỡng còn được thưởng thức những món đặc sản được chế biến từ hải sản tươi, sống mà chỉ riêng nơi này mới có.
Khu du lịch biển Ba Động
Cù Lao Tân Quy
Cù lao Tân Quy là một trong những cù lao nổi tiếng với nhiều loại trái ngon như: măng cụt, cam sành, sầu riêng, chôm chôm,…. đã đạt nhiều giải thưởng trái ngon cấp khu vực. Cù lao thuộc xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, cách thành phố Trà Vinh khoảng hơn 45 km về phía Tây Bắc và cách thành phố Cần Thơ 50 km, nơi đây rất thích hợp cho các kỳ nghỉ dưỡng, khám phá miệt vườn sông nước.
Cù lao Tân Quy
Vườn chôm chôm tại cù lao Tân Quy
Thiền viện Trúc Lâm
Thiền viện Trúc Lâm tọa lạc tại ấp Khoán Tiều, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với diện tích gần 10 ha trong quần thể Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động.

Thiền viện Trúc Lâm có vị trí đẹp, phong cảnh hài hòa, ngôi chánh điện hướng ra biển Đông, bao bọc bởi nhiều động cát cao, bao phủ hàng dương xanh ngát, rì rào cùng sóng biển.

Thiền viện Trúc Lâm sẽ là điểm nhấn du lịch đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch tỉnh Trà Vinh.
Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh
Tin. VTT
http://www.dulichtravinh.com.vn

Về Vĩnh Long trải nghiệm sông nước miệt vườn

Nhắc đến Vĩnh Long, du khách sẽ liên tưởng đến một vùng sông nước mênh mông với kênh rạch chằng chịt. Cư dân nơi đây sử dụng ghe, xuồng là phương tiện đường thủy chủ yếu và phổ biến để đi lại và chuyên chở hàng hóa nông sản, giao thương, hình thành tập quán sinh hoạt mua bán họp chợ trên sông của người dân bản địa. Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức cảm giác lênh đênh trên những chiếc thuyền nhỏ xuôi theo dòng nước vào thăm các làng quê ven sông, tận hưởng cảm giác yên bình khi rảo bước qua các khu vườn cây ăn trái nặng trĩu quả và những cánh đồng xanh mướt trên những dãy cù lao trù phú như: cù lao Minh (huyện Long Hồ), cù lao Quới Thiện (huyện Vũng Liêm), cù lao Lục Sỹ Thành (huyện Trà Ôn)… Những cù lao được phù sa hạ lưu sông Mê Kông bồi đắp nên đất đai rất màu mỡ, tươi tốt, là mảnh đất lý tưởng để phát triển nhiều giống cây trái đặc sản như bưởi, cam, quýt, chôm chôm, ổi, mận, xoài, mít, nhãn, mảng cầu, sầu riêng, măng cụt, vú sữa, thanh trà…
Vĩnh Long còn nổi tiếng bởi các nhà vườn bonsai, các điểm ươm cây giống ăn quả. Du khách sẽ cảm thấy thú vị khi tiếp xúc với chủ nhân của các khu vườn xanh tươi, rộng lớn. Họ rất thạo nghề làm vườn, rất đôn hậu và cởi mở. Du khách sẽ được chủ vườn chào đón thân thiện, mời đi dạo quanh vườn thưởng thức trái chín trên cành, vào nhà nghỉ chân uống trà hoặc ăn trưa bên những rặng cây trong vườn. Nếu muốn, du khách có thể yêu cầu được tham dự một buổi đờn ca tài tử để tìm hiểu thêm về bản sắc văn hóa của những người dân chất phác, hiền lành. “Đờn ca tài tử” là thú giải trí tao nhã của người dân nơi đây sau công việc ruộng vườn thường nhật. Lắng nghe những tài tử miệt vườn say mê thả hồn theo tiếng đàn lời ca, dường như hơi khó tin khi nghĩ rằng họ là những người thợ làm vườn, những nông dân chính hiệu mới vừa ban sáng còn lao động cật lực trên ruộng vườn…

Loại hình du lịch homestay, sinh hoạt trải nghiệm tại nhà người dân bản địa được nhiều du khách ưu tiên lựa chọn khi đến Vĩnh Long. Với lợi thế về du lịch sinh thái, mô hình “nông dân – nhà vườn làm du lịch” rất được nhiều hộ dân tham gia phát triển, mỗi năm thu hút khoảng 200.000 lượt khách du lịch nước ngoài đến tham quan và nghỉ dưỡng. Đến đây, du khách có thể hòa mình sinh hoạt cùng cư dân địa phương như thu hoạch trái cây, cày ruộng trồng lúa, trồng rau, thả lưới câu cá hoặc cùng chủ nhà đi chợ địa phương mua thực phẩm rồi vào bếp tự tay nấu các món ăn mình ưa thích hoặc được hướng dẫn làm bánh dân gian...

Không chỉ tham quan các vườn cây ăn trái hay lưu trú ngay tại nhà bà con nông dân, du khách còn có thể đạp xe dạo quanh đường làng hoặc chèo xuồng trên những kênh rạch nhỏ hay đến thăm các làng nghề truyền thống với các sản phẩm độc đáo như gạch, gốm đỏ (nguyên liệu đất sét nung có màu đỏ); các sản phẩm mỹ nghệ đan lát từ cây lục bình (một loại thực vật thủy sinh, thân thảo); làng nghề làm bánh tráng, cốm, kẹo…

 Vĩnh Long đang hướng tới chương trình du lịch xanh với tiêu chí giữ lại phong vị văn hoá miệt vườn, thời kỳ “ khai phá đất Phương Nam”. Nét đặc sắc của đất trời, cây cỏ, sự mộc mạc bình dị của làng quê đang chào đón du khách… Đến Vĩnh Long, vương quốc của những dòng sông - xứ sở của trái ngon - điểm đến thân thiện an toàn và hấp dẫn, chắc chắn du khách sẽ có cơ hội khám phá một vùng đất trù phú với khung cảnh thanh bình, cùng người nông dân sông nước miệt vườn trải nghiệm cuộc sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Vĩnh Long nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, giữa hai nhánh sông Tiền và sông Hậu thuộc hạ nguồn sông Mê Kông, theo quốc lộ 1A, hướng Bắc, cách TP. Hồ Chí Minh 137km, phía Nam giáp TP. Cần Thơ, diện tích 1.490km2, dân số 1.028.365 người gồm 3 dân tộc Việt, Hoa và Khmer cùng sinh sống.

Nguồn:vtr.org.vn

Phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Ngày 16/01/2017, thay mặt Bộ chính trị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gồm có 8 nội dung chính như: Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Hoàn thiện thể chế, chính sách; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch; Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch;  Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.
Du lịch sông nước Bến Tre ngày càng thu hút nhiều du khách.
Nghị quyết đã nêu lên phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch

Đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. 
(Nguồn: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn)

Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017

Tỉnh Quảng Nam nằm ở miền Trung Việt Nam, nơi có 02 di sản văn hoá thế giới, Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận từ năm 1999, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức 5 kỳ lễ hội di sản vào các năm 2003, 2005, 2007, 2009, 2013. Năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức “Festival Di sản Quảng Nam” lần thứ VI-2017 với chủ đề “Quảng Nam - Hành trình kết nối di sản”.

Festival sẽ diễn ra tại 2 thành phố: Hội An, Tam Kỳ và các huyện, thị xã: Duy Xuyên, Điện Bàn, Phú Ninh, Tây Giang, Nam Trà My. Lễ khai mạc Festival Di sản Quảng Nam 2017 được tổ chức vào 20 giờ 00 phút, ngày 09 tháng 6 tại thành phố Tam Kỳ, và bế mạc vào 20 giờ 00 phút ngày 14 tháng 6 tại thành phố Hội An. Lễ khai mạc và bế mạc là chương trình nghệ thuật hội tụ sắc màu văn hóa của các quốc gia trên thế giới, kết hợp hài hòa văn hoá Việt Nam, văn hoá Quảng Nam. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.

Khởi đầu Festival Di sản Quảng Nam, từ ngày 27 tháng 01 đến ngày 08 tháng 2 năm 2017, sự kiện Lễ hội ánh sáng Hội An chào đón năm mới Tết Nguyên Đán 2017 sẽ tạo nên phố cổ Hội An huyền ảo, lung linh và quyến rũ với sự kết hợp kỹ thuật của ánh sáng và âm thanh. “Hội thi hợp xướng quốc tế Việt Nam lần thứ V - Hội An 2017” từ ngày 7 đến ngày 11 tháng 6 năm 2017 là một đại nhạc hội đầy cảm hứng của âm nhạc, văn hóa và tình hữu nghị với sự tham gia của gần 30 đoàn hợp xướng  với khoảng 1500 nghệ sỹ từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ. Không chỉ là âm nhạc, du khách tham quan phố cổ về đêm trong những ngày này còn được khám phá những nét văn hóa đặc sắc của các quốc gia qua nhạc cụ, trang phục, phong cách trình diễn mang nhiều cung bậc cảm xúc bất ngờ. Song song với đó là “Festival Diều quốc tế”, với sự tham gia trình diễn của khoảng 500 diều trên các bãi biển du lịch tại thành phố Hội An và Tam Kỳ từ ngày 05 đến ngày 9 tháng 6 năm 2017.

Thành phố Hội An là nơi diễn ra nhiều hoạt động Festival. Điểm nhấn mùa lễ hội năm nay là chương trình “Giao lưu các đô thị di sản thế giới”, bao gồm các hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn văn hóa phi vật thể của các đô thị được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Bên cạnh đó, Hội An những ngày Festival sẽ trở thành một không gian lễ hội thực sự hấp dẫn với “Liên hoan Ẩm thực quốc tế” - nơi gặp gỡ của các đầu bếp nổi tiếng trong nước và quốc tế; “Festival tơ lụa Việt Nam và thế giới” - với sự tham gia của các Hiệp hội tơ lụa thế giới, Châu Á,  Nhật Bản cùng các nghệ nhân, các nhà thiết kế thời trang và các đơn vị trực tiếp sản xuất, kinh doanh lụa tơ tằm của trên 10 quốc gia.

Thành phố Tam Kỳ - điểm đến mới của du lịch Quảng Nam với Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, địa đạo Kỳ Anh, làng bích họa Tam Thanh, bãi biển Tam Thanh trong những ngày tháng 6 năm 2017 sẽ thật sự sôi động với  chuỗi các hoạt động như: Triển lãm “Di sản văn hoá biển, đảo Việt Nam”, “Liên hoan dân ca Bài chòi các tỉnh miền Trung Việt Nam” và các di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO vinh danh trong Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề “Tam Thanh - Cảm xúc mùa hè 2017”.

Tháng 6 năm 2017, các bãi biển tại cả hai thành phố Hội An và Tam Kỳ sẽ thêm phần hấp dẫn các hoạt động thể thao quốc tế: “Giải lướt ván buồm vô địch thế giới” và “Giải đua thuyền buồm Việt Nam mở rộng” tại bãi biển An Bàng với sự tham gia của hàng trăm tay đua đến từ khoảng 30 quốc gia trên thế giới. Hồ Phú Ninh sẽ là nơi hội tụ các tay chèo xuất sắc đến từ mọi miền cả nước trong “Giải Canoeing các câu lạc bộ toàn quốc”.

Đến với Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017, du khách sẽ được khám phá thiên nhiên đại ngàn Trường Sơn, rừng cây Pơmu di sản, đường Hồ Chí Minh huyền thoại, truyền thống văn hoá đặc trưng của đồng bào Cơtu, và tham gia tìm hiểu nghi thức dựng cây Nêu của 20 dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam trong chương trình “Hương sắc vùng cao Quảng Nam” tại huyện Tây Giang cũng như tham gia “Lễ hội sâm núi Ngọc Linh” tại huyện Nam Trà My. Du khách có thể tìm hiểu văn hoá Chăm tại không gian trưng bày “Chuỗi di sản văn hóa tháp Chăm các tỉnh miền Trung”, thưởng thức chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Apsara” tại Khu đền tháp Mỹ Sơn; cùng với các hoạt động “Kỷ niệm 415 năm Dinh trấn Thanh Chiêm” tại thị xã Điện Bàn.

Bên cạnh các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, trong khuôn khổ Festival Quảng Nam 2017 sẽ diễn ra Diễn đàn du lịch miền Trung - Tây Nguyên, Hội thảo về bảo tồn, phát huy giá trị di sản các đô thị cổ,… . Các phiên họp này tập trung thảo luận những vấn đề then chốt về cơ chế, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản cũng như phát triển du lịch miền Trung Việt Nam.

Quảng Nam những ngày tháng 6 năm 2017 sẽ là không gian lễ hội đa sắc màu, giàu cảm xúc. “Festival Di sản Quảng Nam” lần thứ VI - 2017 hân hạnh đón chào du khách gần xa!

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Văn phòng Ban Tổ chức “Festival Di sản Quảng Nam” lần thứ VI - 2017
Địa chỉ: số 02B Trần Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: (84-510).3813.579, 0947.355.595;
Fax: (84-510).3859.879
Email: quangnamfestival@gmail.com hoặc festival@quangnam.gov.vn
Website: http://disanquangnam.vn hoặc quangnamheritagefestival.com.

Ngày hội Hoa Hướng Dương 2016 - Sức hút của loài hoa mặt trời

Nằm ngay sát trục đường Hồ Chí Minh, cánh đồng hoa Hướng dương rộng bạt ngàn thuộc xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn. Bắt đầu xuất hiện từ năm 2010, và đã trở thành điểm đến vô cùng thú vị của các bạn trẻ mê chụp ảnh, cũng "chờ ngày đếm tháng" đón các mùa hoa như ở Hà Nội, tuy không phải là mảnh đất đặc trưng về các loài hoa thế nhưng vài năm trở lại đây, cánh đồng hoa hướng dương rộng hơn 60 ha bạt ngàn nở rộ dưới ánh nắng vào tháng 3 - 4 và tháng 11 - 12 thực sự là cảnh sắc khó cưỡng đối với những ai đã có dịp đặt chân đến đây. Và thế là cứ đến những dịp hoa nở, giới trẻ lại có thêm một sự háo hức mới mang tên "hoa hướng dương".
Cánh đồng hoa hướng dương là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong cả nước (http://ngheantourism.gov.vn)
Chính vẻ đẹp mê mẩn, khó kìm lòng của cả cánh đồng phủ vàng bát ngát bởi hoa hướng dương này đã thu hút hàng ngàn du khách từ khắp các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và cả Hà Nội kéo đến để chiêm ngưỡng. Có không ít cặp dodoi cũng lựa chọn nơi đây để chụp ảnh cưới, ghi lại những khoảng khắc tình yêu hạnh phúc và đáng nhớ của cuộc đời mình.

Nhằm tuyên truyền quảng bá giới thiệu tiềm năng, thế mạnh văn hóa và du lịch của miền Taya Nghệ An, tạo thêm sản phẩm du lịch mới mang tính đặc thù, gắn kết với các tuyến điểm du lịch miền Tây, góp phần giám tính mùa vụ của du lịch Nghệ An. UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tập đoàn TH True Milk, UBND huyện Nghĩa Đàn xây dựng Kế hoạch tổ chức Ngày hội Hoa Hướng Dương, quy hoạch biến cánh đồng hoa rực rỡ thành điểm tham quan du lịch với sản phẩm du lịch trải nghiệm mới phục vụ nhu cầu chiêm ngưỡng cánh đồng hoa Hướng Dương của du khách gần xa.

Hoa hướng dương chỉ nở trong một quãng thời gian ngắn, nên khi vào những ngày hoa nở, cánh đồng hoa "đẹp như tranh vẽ" lại làm mưa, làm gió, khiến du khách nô nức kéo đến đây rất đông. Năm nay, để kéo dài thời gian hoa nở nhằm phục vụ khách du lịch, Công ty Sữa TH True Milk đã gieo trồng hơn 80 ha chia thành 3 đợt, gối thời gian hoa nở, cánh đồng hoa này tàn sẽ có cánh đồng hoa khác nở rộ.

Hoa hướng dương hay còn gọi hoa mặt trời (Loài hoa luôn hướng về mặt trời) là biểu tượng của lòng trung thành, sự thủy chung, kiên định, niềm lạc quan, hy vọng nên dù có trong những ngày đông rét buốt xám xịt, vùng đất Nghĩa Đàn - Nghệ An vẫn rực sáng bởi hàng triệu bông hướng dương khoe sắc, cả cánh đồng bạt ngàn sắc vàng khiến bầu trời mùa đông trở nên ấm áp hơn. Những bông hoa vàng ươm kiêu hãnh vươn mình trong cái lạnh khiến khung cảnh nơi đây trở nên sinh động lạ lùng. Hoa nối tiếp hoa, lá chen vào lá càng làm nổi bật lên sắc vàng quyến rũ giữa màu xanh ngun ngút của đại ngàn. Thật khó có thể tin rằng, mảnh đất miền Trung khô cằn và bỏng rát nắng gió lại "vẽ" nên thảm hoa tươi sáng khiến người ta ngất ngây, mê mẩn đến như vậy.

Một số hoạt động chính diễn ra trong Ngày Hội Hoa Hướng Dương 2016:
1. Khai mạc Ngày hội hoa Hướng Dương năm 2016 gắn với đêm hội "Sắc Xuân Miền Tây"
Thời gian: 20 giờ - 22 giờ, Chủ nhật ngày 25 tháng 12 năm 2016 (tức ngày 27/11/2016 âm lịch).
Địa điểm: Quảng trường huyện Nghĩa Đàn và không gian Ngày hội hoa Hướng Dương.

2. Thi người đẹp Ngày hội hoa Hướng Dương năm 2016
Thời gian: 19 giờ 30, thứ Hai ngày 26 tháng 12 năm 2016 (tức ngày 28/11/2016 âm lịch).
Địa điểm: Quảng trường huyện Nghĩa Đàn.

3. Trưng bày ảnh đẹp về cánh đồng hoa Hướng Dương và đất nước, con người vùng miền Tây Nghệ An.
Thời gian: Từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 12 năm 2016 (từ ngày 27 đến ngày 29 tháng 11 âm lịch).
Địa điểm: Không gian Ngày hội hội hoa Hướng Dương.

4. Tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu tiềm năng du lịch và bán các sản vật, hàng hóa.
Thời gian: Từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 12 năm 2016 (từ ngày 27 đến ngày 29 tháng 11 âm lịch).
Địa điểm: Không gian Ngày hội hội hoa Hướng Dương.

5. Các hoạt động bên lề Ngày hội:
- Tổ chức các trò chơi dân gian, dân tộc tại Quảng trường huyện Nghĩa Đàn vào lúc 14 giờ - 17 giờ ngày 25/12/2016.
- Đốt lửa trại, uống rượu cần, múa lăm vông, nhảy sạp, đánh cồng chiêng, nhảy múa cộng đồng.