Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Thạnh Phú sơ kết 02 năm thực hiện Đề án phát triển Du lịch 02 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải

Chiều ngày 26 tháng 3 năm 2019, Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Phú đã tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Đề án Phát triển du lịch xã Thạnh Phong và xã Thạnh Hải huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre (giai đoạn đến năm 2030). Chủ trì Hội nghị là ông Nguyễn Ngọc Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú, về phía khách mời tỉnh gồm: Đại tá Cao Tấn Học - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đại diện Phòng Quản lý Du lịch - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, đại biểu tại địa phương có: lãnh đạo Công an huyện, Đồn Biên phòng Cổ Chiên, các phòng - ban huyện, 02 xã (Thạnh Phong và Thạnh Hải), cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Ngọc Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú phát biểu tại Hội nghị
Sau 02 năm thực hiện Đề án ghi nhận được những kết quả khả quan như: Xây dựng tương đối hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng kỹ thuật; đầu tư tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử (gồm: Bia tưởng niệm nơi xuất quân Tiểu đoàn 307 và thành lập Tiểu đoàn 310; Tượng đài Giá Thẻ; Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lích sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre; Lăng cá ông Nam Hải); tập trung đầu tư cơ sở kỹ thuật kinh doanh du lịch và đưa vào hoạt động các điểm như: Nhà hàng Biển Dừa, Nhà hàng Hương Biển, Điểm du lịch sinh thái “Hải Quắn”; Nhà nghỉ Minh Hiếu; Nhà nghỉ Hoàng Lang. Đồng thời làm tốt công tác đào tạo tập huấn nguồn nhân lực cho các cán bộ quản lý du lịch và người dân tham gia hoạt động du lịch. Việc xúc tiến, quảng bá du lịch cũng được chú trọng như in và phát hành ấn phẩm, tổ chức Hội thảo đề tài khoa học cấp tỉnh để phục vụ cho việc nghiên cứu, hợp tác, thúc đẩy nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện, cải thiện sinh kế, phát triển cộng đồng ở địa phương. Thành lập và đưa vào hoạt động Chi hội Du lịch huyện Thạnh Phú thuộc Hiệp hội Du lich tỉnh Bến Tre.

Hiện nay, môi trường du lịch ở Thạnh Phong và Thạnh Hải còn nét nguyên sơ, xanh, trong lành, ẩm thực thủy hải sản phong phú, giá cả hợp lý đã thu hút được ngày càng nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, du lịch nhất là vào các dịp lễ, tết và các ngày nghỉ cuối tuần. Lượng khách và doanh thu từ hoạt động du lịch năm sau tăng hơn năm trước (Tổng lượt khách du lịch năm 2017 đạt 301.500 lượt đến năm 2018 đạt 405.900 lượt, khách ngoài tỉnh chiếm 60%; Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2017 ước đạt 60,3 tỉ đồng, năm 2018 ước đạt 81,18 tỉ đồng)

Trong những kết quả đạt được, huyện Thạnh Phú cũng đã tự nhận thấy có những hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới, với mục đích triển khai thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 20/7/2017 thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu để du lịch huyện Thạnh Phú phát triển, góp phần với tỉnh nhà đưa Du lịch Xứ Dừa phát triển trong tương lai, với mục tiêu: Tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư và người dân tham gia đầu từ các loại hình, sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch, có chương trình nhằm thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư kinh doanh du lịch tại huyện; Nâng cao nhận thức về du lịch cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên toàn địa bàn huyện với mục tiêu “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”; Tạo môi trường du lịch trong lành, sạch sẽ, an toàn, văn minh và giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương, để thu hút du khách đến huyện Thạnh Phú ngày càng đông./.
Hạnh Chi

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

Bình Đại kêu gọi đầu tư phát triển du lịch

Ngày 22 tháng 3 năm 2019, huyện Bình Đại đã tổ chức Hội thảo mời gọi đầu tư phát triển du lịch với sự chủ trì của Ông Lê Văn Răng - TUV - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện; Đến dự Hội thảo, về phía tỉnh có Ông Trương Quốc Phong - TUV - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Trần Duy Phương - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, lãnh đạo Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Khởi nghiệp, đại diện các đơn vị cơ sở kinh doanh trong tỉnh cùng dự.

Hội thảo đã mời nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn trong và ngoài huyện, cùng chính quyền các xã tham gia góp ý cho việc đầu tư phát triển du lịch huyện nhà trong thời gian tới. Các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư, đại diện các phòng ban liên quan và chính quyền địa phương đã nêu lên những tiềm năng, thế mạnh của huyện Bình Đại trong phát triển du lịch, đồng thời cũng nêu lên những hạn chế trong thời gian qua do khách quan và chủ quan trong triển khai phát động về phát triển du lịch theo tinh thần Nghị Quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông Trương Quốc Phong - GĐ sở VHTTDL phát biểu chiến lược phát triển du lịch tỉnh Bến Tre nói chung và Bình Đại nói riêng
Bình Đại là một trong ba huyện biển của Bến Tre, ngoài những sản phẩm du lịch hiện hữu, như Khu lưu niệm Huỳnh Tấn Phát, Chùa Vạn Phước, Các điểm homestay, điểm tham quan biển Thừa Đức, các thiết chế văn hoá của huyện, ... . Biển Bình Đại còn có rừng ngập mặn, các ruộng dưa, ruộng sắn, những Lễ hội truyền thống trong năm của huyện,... . Tiềm năng du lịch biển nguyên sơ của huyện là cơ hội để phát triển du lịch đặc thù như: huyện có chiều dài bờ biển là 27km thuộc 2 xã Thới Thuận và Thừa Đức; ngoài ra có một lợi thế về phát triển du lịch sinh thái biển trên các cồn như: Cồn Chày Mười xã Thới Thuận có con đê chắn sóng từ những con ốc viết mà thiên nhiên ban tặng với chiều dài 7km mà không nơi nào có được; Cồn Tam Hiệp với nhiều loại cây trái sum suê, phù hợp cho phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch biển mà các nhà đầu tư phát triển du lịch trong thời gian tới cần quan tâm.
Điểm du lịch tâm linh (Chùa Vạn Phước) đang thu hút khách du lịch đông nhất tại huyện Bình Đại hiện nay
Qua trao đổi của quý đại biểu tham dự, Ông Lê Văn Răng - Chủ tịch UBND huyện đã nhìn nhận trong thời gian qua, huyện tập trung cho phát triển nông nghiệp và đánh bắt thủy hải sản; việc phát triển du lịch huyện biển Bình Đại là một trong những huyện có xuất phát điểm đầu tiên, tuy nhiên việc về đích là chưa có. Thời gian tới huyện Bình Đại cần có một chiến lược phát triển đồng bộ, phân khu vực phát triển du lịch theo từng loại hình; các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn cần liên kết chặc chẽ hơn. Qua góp ý của quý đại biểu, Huyện sẽ tiếp thu ý kiến và triển khai công nhận Khu, điểm du lịch để thuận lợi trong việc đầu tư du lịch cũng như tiếp nhận du khách quốc tế đến với địa phương thuận lợi hơn; bên cạnh đó có biện pháp cụ thể đối với những dự án triển khai còn chậm và tập trung kêu gọi nhiều nhà đầu tư mới về đầu tư du lịch tại vùng biển nguyên sơ đầy tiềm năng trong tương lai./.
Lê Luông

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Tiến độ thực hiện Đề án tổ chức Lễ hội Dừa lần V năm 2019

Ngày 14 tháng 3 năm 2019, Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Trưởng Ban tổ chức chức Lễ Hội Dừa lần V năm 2019, đã kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện các nội dung của Đề án Lễ hội. Ông Trương Quốc Phong - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) - Phó Ban thường trực Lễ hội báo cáo tình hình qua tập hợp các công tác chuẩn bị thuộc các nhóm công việc đã được giao cho các ngành, tiểu ban.
Ông Nguyễn Hữu Phước- Phó chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban tổ chức chức (phía phải) phát biểu trao đổi trong công tác kiểm tra
Về tiến độ: Sở VHTTDL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản: Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo; Ban tổ chức và các Tiểu ban; thành lập Hội đồng xét chọn kịch bản và lựa chọn nhà thầu Lễ Khai mạc, bế mạc, Hội thi người đẹp Xứ Dừa. Bên cạnh đó lập tờ trình gởi Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VHTTDL tổ chức cuộc thi "Người đẹp Xứ Dừa mở rộng năm 2019"; Tham mưu Ban chỉ đạo tổ chức Hội nghị triển khai Lễ Hội Dừa; Tham mưu công văn gởi Bộ VHTTDL duyệt thư chào mừng Lễ hội; Bộ Công thương duyệt thư chào mừng Hội chợ triển lãm sản phẩm Dừa (Chờ Bộ Công thương phản hồi);....
Các cơ quan, đơn vị được phân công trong các tiểu ban của Đề án Lễ hội Dừa đều lập kế hoạch, dự toán kinh phí gửi về sở VHTTDL tập hợp để chuẩn bị cho các công tác tổ chức đấu thầu như:  Kế hoạch và dự toán tổ chức Triển lãm các sản phẩm Dừa và Hội chợ Thương mại năm 2019; Kế hoạch và dự toán thực hiện Không gian Dừa 2019 trong khuôn khổ Lễ Hội. Kế hoạch Hội thảo và dự toán kinh phí tổ chức cuộc thi tuyển chọn Vườn Dừa kiểu mẫu phục vụ khách Du lịch và tôn vinh những người trồng dừa. Tham mưu liên hệ Đài truyền hình Việt Nam (VTV1) bảo trợ thông tin, tổ chức Họp Báo chí và phối hợp các đơn vị liên quan chuẩn bị cho các đầu việc tuyên truyền quảng bá, phối hợp các Đài, Báo Trung ương và địa phương bảo trợ thông tin. Kế hoạch và dự toán tổ chức Hội thảo "Xây dựng, khai thác, phát triển nhãn hiệu sản phẩm đặc thù tỉnh Bến Tre". Kế hoạch và dự toán trong công tác phối hợp tổ chức "Cộng đồng vui hội làng Dừa". 
Quang cảnh buổi họp kiểm tra; Ông Trương Quốc Phong, GĐ Sở VHTTDL- Phó Ban thường trực (Đứng), báo cáo tiến độ thực hiện
Các hoạt động gắn Tuần lễ Văn hóa , Thể thao, Du lịch và Ẩm thực trong chuỗi hoạt động Lễ Hội Dừa cũng được chuẩn bị xong: Kế hoạch và dự toán Liên hoan ẩm thực Nam bộ; chương trình tham quan Du lịch và kết nối du lịch; Hội thảo 'Trải nghiệm du lịch vườn Dừa Bến tre"; Trò chơi vận động và giải Nông dân đua xuồng; chương trình biểu diễn Nghệ thuật; các hoạt động trên phố đi bộ "Vui hội Xứ Dừa;... tất cả được chuẩn bị và gởi xin ý kiến góp ý từ các ngành có liên quan. 

Qua kiểm tra, Ông Nguyễn Hữu Phước, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các sở, ban, ngành đã được phân công, tuy nhiên vẫn còn một số đầu việc còn triển khai chậm, tất nhiên do nhiều yếu tố, trong đó có khách quan, có chủ quan. Trưởng Ban tổ chức đề nghị các Tiểu ban đã được phân công cố gắng triển khai nhanh một số việc cụ thể, khẩn trương tổ chức đấu thầu, đảm bảo quy định đối với các nội dung như: Chương trình Nghệ thuật của Lễ Khai mạc, Bế mạc, Cuộc thi Người đẹp xứ Dừa và Không gian Dừa. Liên hệ Công ty Dầu thực vật Việt Nam gắn kết mời các nước trong Hiệp hội Dừa tham gia Lễ hội Dừa lần nầy. Những sự kiện liên quan khác cũng tiến hành đồng bộ để triển khai đăng thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng theo qui định Luật đấu thầu. Các tiểu ban liên quan khác như tiểu Ban vận động, tài trợ; tuyên truyền, ... tiến hành khẩn trương theo kế hoạch để triển khai đồng bộ theo tiến độ đặt ra trong Lễ hội Dừa năm 2019./. 
Tg: Lê Luông

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2019

Một vài món ngon trong làng ẩm thực

Mảnh đất ba dải cù lao Bến Tre cho con người muôn ngàn sản vật. Ngoài các loại cây ăn trái, cá tôm... đất còn cho các món ăn hết sức phong phú, độc đáo. Như đuông dừa, đuông chà là, đuông tầm vông... Đặc biệt có món mắm còng Châu Bình. Loại đặc sản này thì quả là không thể “đụng hàng” với bất kỳ loại thức ăn nào.

Họ nhà còng có rất nhiều, nhưng loài còng lửa để làm mắm chỉ xuất hiện mỗi năm một lần vào mỗi dịp mùng 5 tháng 5 (â.l). Xưa kia loại đặc sản này từng được chọn tiến vua nhà Nguyễn. Chừng năm mươi năm trước, ở Sài gòn có ngài bác sĩ Cò. Vị này dân Bến Tre “ghiền nặng” món mắm còng. Nên bệnh nhân nào đến điều trị, có mang theo keo mắm còng Châu Bình là ông miễn phí tất cả.

Xưa tới mùa còng hội, đêm xuống, dân Châu Bình quơ đèn đi bắt còng như trẫy hội. Mang về làm xong, rửa sạch là trộn muối đem ủ vào keo, hũ. Vài tuần, khi mắm ăn được là mang ra trộn với khóm chín, xắt cọng. Món này ăn với cơm nóng, cá kèo nướng vào ngày mưa dầm thì không gì bằng. Tiếc rằng món ăn này không còn vì cống đập Ba Lai ngăn mặn, loài còng này nay hầu như biến mất.

Những rừng dừa ở Bến Tre bạt ngàn. Từ đó cho ra con đuông dừa với số lượng vô kể. Cũng như đuông chà là, đuông tầm vông “ lũ phá hại” này đã góp phần làm nên những món ăn tuyệt hảo cho đất Bến Tre. Thấy lá dừa héo úa rất nhiều, ta hạ cây xuống, tìm bắt mấy chú đuông non trên củ hủ, ngâm muối chừng mươi phút cho chúng được tẩy sạch là đem ra rửa lại, lăn bột pha sẵn gia vị, đem chiên. Món này làm mồi nhậu thì ngon tuyệt. Bởi vị ngọt, thơm, béo của nó rất đặc trưng không lẫn vào bất kỳ món ăn nào. Nhiều nhà hàng ở Bến tre có trong thực đơn có món “độc chiêu” này nhằm phục vụ thực khách thích những món ăn lạ. 

Bến Tre cũng có nhiều món ăn có nước cốt dừa hay nước dừa. Từ kẹo dừa, bánh canh dừa, bánh tráng dừa, bánh xèo, cháo dừa bánh lá dừa... đều có nước cốt dừa. Đặc biệt, món tép rang dừa ăn với cơm nếp là nhớ đời. Đa số thực khách đều cho rằng tép rang dừa phải chọn loài tép bầu mới thượng sách. Bởi tép bầu đeo một lượng trứng lớn. Khi kho sắc lại, lượng cốt dừa đọng ở trứng rất nhiều. Lại vỏ tép giòn hơn các loại tép khác nên vị béo, thơm hơn rất ấn tượng.

Tuy nhiên muốn có chão tép rang dừa thật ngon phải biết qua các khâu. Từ chọn tép bầu tươi, làm thật khéo để không bể, rớt trứng. Ta nạo dừa, pha nước ấm, vắt cốt cho vào chão, cho đường, muối, bột ngọt vào. Cho lửa riu riu đến khi sôi thì cho tép vào. Như vậy tép sẽ có màu trong và con tép không bị bủn. Hầu như các bà nội trợ Bến Tre nào cũng biết nấu món này. Nhất là lượng nước cốt vừa phải, vừa ngập con tép. Để khi chão tép rang dừa cạn dần không phải bị “ra dầu”, mất ngon. Đây là bí quyết khi ta thực hiện món ăn truyền thống này.

Ngoài những món ăn từ dừa nói trên, người dân Bến Tre còn kho cá, kho thịt heo cũng bằng nước dừa.

Thịt heo ba rọi kho Tàu với trứng vịt, tôm càng xanh (lột vỏ) mà thiếu đi nước dừa thì coi như mất đi một nửa cái sự ngon. 

Ta chọn loại heo ba rọi da mỏng, vì đó là heo còn tơ, thịt mềm. Cùng với tôm thịt chắc và trứng vịt vỏ dày. Thịt ướp đường, muối, bột ngọt xong, đem phơi nắng một vài giờ, mỡ trong, nhìn rất bắt mắt. Đồng thời ta lột tôm tươi, trứng luộc sẵn, bốc vỏ, xâm cho thủng thật nhiều (để thấm nước dừa trong quá trình kho) để sẵn. Ta bắc nước dừa Xiêm lên đun sôi mới cho thịt vào. Thỉnh thoảng vớt bọt để thịt, nước được trong. Lửa riu riu để nước dừa thấm dần vào thịt. Tôm càng, trứng vịt cho vào sau. Cứ vậy là ta đun mãi, khi cạn nước là ta cho nước dừa vào tiếp, đến khi thịt mềm. Chạm đũa là từng thớ thịt bung ra rất hấp dẫn. 

Nước thịt kho Tàu chấm với rau tươi, rau luộc đều ngon. Nhưng món chấm truyền thống là dưa giá. Món này đã được Việt hóa, nên ngày Tết hay giỗ chạp, nhiều gia đình nấu món này dâng cúng ông bà./.
Tác giả: Trác Thuyên

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2019

Du lịch tâm linh ở Bến Tre

Cụm từ “du lịch tâm linh” chỉ mới xuất hiện thưa thớt thời gian gần đây trên mặt báo của giới nghiên cứu văn hóa, của những người làm công tác quản lý du lịch... Tuy nhiên nó đã “có mặt” từ lâu, khi con người có nhu cầu nội tại nhằm thỏa mãn thế giới nội tâm, bởi đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thúc giục họ. Ở Bến Tre, suốt chiều dài lịch sử cho thấy người dân ở đây có một đời sống tinh thần, đời sống tâm linh, tín ngưỡng rất phong phú. Nên có rất nhiều đình, chùa, nhà thờ… tạo điểm du lịch văn hóa và du lịch tâm linh cho những ai đến đó để hành trì các lễ nghi, tu tập, không thiếu không gian thoáng đãng, yên tĩnh cho con người giao hòa với thiên nhiên. 
Bạch Vân Ni tự ở Tp Bến Tre
Khách du lịch khi qua cầu Rạch Miễu tới địa phận huyện Châu Thành (Bến Tre) muốn đi thăm đình làng sẽ có đến những hai ngôi đình cổ được công nhận Khu di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia. Đó là đình Tân Thạch và đình Tiên Thủy có lối kiến trúc độc đáo, đặc trưng của đình làng Nam Bộ. Ở xã Quới Sơn của huyện này có ngôi chùa Hội Tôn Cổ Tự  thành lập năm 1740, thuộc chùa cổ nhất ở Bến Tre có trên 300 năm tuổi. Ta đi đường bộ đến đó rất thuận tiện. Ngoài ra, Châu Thành còn có Tòa thánh Cao đài Châu Minh mới xây dựng lại gần đây, rất tầm vóc. Ngay ở trung tâm Tp. Bến Tre cũng có nhiều điểm cho khách dừng lại thăm thú, hay thắp nén hương vọng tưởng thần linh, Phật tổ, đức Chúa trời... Như Tòa thánh Cao đài Ban chỉnh đạo Bến Tre, chùa Bạch Vân, chùa Viên Giác hay đình An Hội… Nếu khách từ Tp. Bến Tre xuôi theo đường tỉnh 885 về huyện biển Ba Tri điểm trước tiên là ghé qua đình Phú Tự. Ngoài vãng cảnh đình, khách sẽ thưởng ngoạn cây bạch mai hơn 300 năm tuổi, vừa mới được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Và đi thêm chừng vài km nữa sẽ tới đình làng thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng ở Mỹ Thạnh, Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định, tọa lạc tại xã Lương Hòa, Giồng Trôm cách đó cũng không xa. Nơi đây khuôn viên rộng 13.000m2, trưng bày rất nhiều hiện vật của vị Nữ tướng lừng danh này. Đến trung tâm huyện Giồng Trôm, có ngôi đình Bình Hòa. Ngôi đình cổ này được phong sắc thần năm Tự Đức ngũ niên (1852). Nhưng khởi công xây dựng từ năm 1812, năm 1825 mới hoàn thành. Cũng được cấp bằng chứng nhận Khu Văn hóa lịch sử cấp Quốc gia năm 1993. Gần đây Giồng Trôm có thêm Khu nhà thờ Trung Tướng Đồng Văn Cống ở xã Tân Hào. Mỗi ngày càng đông thêm những người ngưỡng mộ đến thắp hương, viếng ngôi đền vị tướng tài ba này. Cùng với  nhà thờ La Mã được qui hoạch phát triển du lịch. Riêng La Mã là một trong ba điểm đến hành hương của đạo công giáo Việt Nam. Giồng Trôm còn có nhà thờ họ Trương. Ngôi từ đường này ban đầu do vua Minh Mạng cho người xây cất để thờ phụng Phó tướng Long Vân hầu Trương Tấn Bửu. Vị tướng lừng danh này từng dẹp giặc Tàu ô ở biển Quảng Yên (Quảng Ninh) đến những ba mươi sáu lần. Và, ông cũng từng được giao nhiệm vụ cùng với Chánh tướng Lê Văn Duyệt cai quản cả Miền Nam. (Từ Bình Thuận xuống tới Hà Tiên). Nếu du khách đến Ba Tri thì càng thỏa mãn hơn với gần mười điểm du lịch tâm linh. Từ viếng lăng mộ Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, rồi đến viếng ngôi từ đường của dòng họ Thái Hữu. Nơi đây thờ tự cụ Thái Hữu Kiểm, tức “ông già Ba Tri”, với huyền tích đi bộ ra triều đình Huế để kiện tụng, nằm bên đường mang tên Thái Hữu Kiểm. Ở thị trấn Ba Tri có ngôi Chùa Ông đường bệ, trầm mặc bên đường lớn luôn luôn như thể muốn mời khách ghé qua. Nếu khách xuôi ra hướng biển đến xã Bảo Thạnh viếng mộ đại học sĩ Phan Thanh Giản cũng không xa lắm. Gần phần mộ cụ Phan có phần mộ của Nhà giáo lớn của đất Nam Bộ Võ Trường Toản. Nơi đây có một không gian rất yên bình rất đặc trưng của làng quê Việt Nam, từ con đường làng đến bờ tre, giồng cát. Và, Ba Tri cũng là nơi sản xuất ra loại rượu đế Phú Lễ nổi tiếng. Đồng thời xã Phú Lễ còn có ngôi đình cổ nổi tiếng với nhiều giai thoại về lịch sử đấu tranh giữ nước. Phú lễ có làng nghề đan đát truyền thống hàng mấy trăm năm luôn luôn phát triển. Hay về Tân Xuân thăm Di tích Cây da đôi. Nơi thành lập Đảng đầu tiên của tỉnh Bến Tre. Đồng thời xứ Ba Tri có ngôi chùa Kim Cang Cổ Tự ở xã Tân Thủy, cách trung tâm huyện chừng non 10km. (Dân gian còn gọi nôm na là chùa Đất Sét hay chùa Mục Đồng) rất đặc biệt, độc đáo. Vì ngôi chùa này có hơn hai mươi tượng Phật đều được các nghệ nhân dân gian sáng tác từ đất sét và các loại gỗ quí, có tuổi đời gần ba trăm năm. 

Dải cù lao Minh của Bến Tre có ba huyện giáp với Vĩnh Long, Trà Vinh bởi con sông Cổ Chiên, cũng không ít nơi cho du khách tìm đến. Phía Bắc dải cù lao này có Khu nhà bia học giả Trương Vĩnh Ký. Nơi con người thiên tài này được sinh ra đời, nằm bên rạch Cái Tắc thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách. Và cũng ở nơi này có ngôi nhà thờ Thiên chúa giáo được xây dựng từ năm 1730. Qua nhiều lần xây dựng lại rồi trùng tu đến nay nhà thờ thuộc loại lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Hay về Mỏ Cày có khu Di tích Đồng Khởi ở xã Định Thủy để tìm hiểu, tưởng niệm về những con người làm nên cuộc Đồng khởi vang dội ở Bến Tre vào năm 1960. Đặc biệt hơn ở Mỏ Cày có ngôi chùa Phật Tuyên Linh. Nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm 1927 - 1929 trên bước đường bôn ba vì vận nước đã từng ở ngôi chùa này. Bên cạnh, Mỏ Cày còn có ngôi chùa cổ Trà Nồng, sách địa chí Bến Tre từng có hình ảnh và ghi chép, giới thiệu. Gần chùa Trà Nồng có ngôi chùa Soi Ếch (Sãi Ếch). Hai ngôi chùa này có nhiều huyền thoại, du khách đến đây sẽ tìm hiểu thêm. Cũng tuyến đường này khách đến biển Thạnh Phong trù phú. Nơi đón con tàu không số đầu tiên năm 1946 chở vũ khí từ ngoài Bắc vào Nam để chi viện cho chiến trường thời chống Mỹ. Và nơi này đang tồn tại tượng đài lưu niệm sừng sững ở Cồn Tra, minh chứng cho tinh thần bất khuất của người dân Bến Tre nói riêng của nhân dân cả nước nói chung trong cuộc đấu tranh giữ nước vĩ đại. Và còn, còn rất nhiều di tích cho du khách khi cần tìm đến để chiêm bái, tịnh tâm, thư giãn trong chuyến về xứ dừa với những con người giàu lòng hiếu khách và chân thành luôn mở rộng vòng tay thân ái.
Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định - H.Giồng Trôm Bến Tre
Trong quyển sách nổi tiếng “Tay buông ráng hồng” của Thượng tọa Thích Thái Hòa, viết rằng: “Du lịch tâm linh cho ta cả hai: du lịch và tâm linh”. Không những ông khuyên mỗi người nên đầu tư thời gian vào loại hình du lịch này mà thiết nghĩ ngành chức năng và các cơ quan liên đới trách nhiệm ở Bến Tre cũng nên sớm định hướng và tạo điều kiện cho du lịch tâm linh phát triển. Suy cho cùng du lịch tâm linh là con người có lòng hướng thiện, tìm đến đình làng, chùa chiềng… sau những ngày bộn bộ với cuộc mưu sinh để cầu nguyện, nương tựa, trú ngụ cho đời sống tinh thần, ấy là xuất phát từ mạch nguồn của nhân văn, bản ngã rất đáng được cộng đồng ủng hộ, khuyến khích vậy./.
CTV. Anh Thuyên

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2019

Ra mắt Chi hội Du lịch - Một sân chơi hữu ích

Chi hội Du lịch của huyện Châu Thành và huyện Thạnh Phú được thành lập theo Quyết định số 01/QĐ-HHDL ngày 12 tháng 02 năm 2019 và Quyết định số 02/QĐ-HHDL, ngày 04 tháng 3 năm 2019 của Hiệp hội Du lịch tỉnh về việc thành lập Chi hội Du lịch huyện Châu Thành và huyện Thạnh Phú , tỉnh Bến Tre. Hiệp Hội Du lịch tỉnh phối hợp với Sở VHTTDL Bến Tre tổ chức ra mắt chính thức đi vào hoạt động ngày 06/3/2019 tại huyện Châu Thành nhân ngày họp mặt Doanh nhân, Doanh nghiệp tỉnh năm 2019.

Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre được thành lập vào ngày 05/01/2018 với 83 thành viên, đã đi vào hoạt động hơn một năm qua. Đây là một Hội nghề nghiệp mang tính tự nguyện, là một sân chơi hữu ích cho những người tham gia làm du lịch, trong đó có nhà quản lý du lịch, nhà làm du lịch và nhà nông cung cấp sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch. Các hoạt động được các Ban của Hiệp hội phân công cụ thể nhằm vận động các Hội viên thực hiện tốt các quy định của pháp luật, của địa phương và của Hiệp hội Du lịch tỉnh về kinh doanh các loại hình du lịch, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh; vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ liên kết, đoàn kết trong kinh doanh; phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong xây dựng các sản phẩm du lịch mới và khai thác hiệu quả các tiềm năng du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Ông Trần Duy Phương, Chủ tịch HHDL tỉnh Bến Tre trao Quyết định thành lập Chi hội Du lịch cho hai Chi Hội của huyện Thạnh Phú và Châu Thàn
Để đi vào hoạt động trong một sân chơi với đông đảo thành viên tham gia, các huyện có du lịch phát triển mạnh đã tổ chức thành lập Chi Hội trực thuộc Hiệp Hội để tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai các hoạt động cũng như triển khai các thông tin cần thiết. Hai Chi Hội được tổ chức Hội nghị bầu ban chấp hành và bầu Chi Hội trưởng Chi hội Du lịch huyện Châu Thành là ông Nguyễn Văn Vàng (Nhà Hàng Mêkông River); Chi Hội trưởng Chi hội Du lịch huyện Thạnh Phú là ông Phạm Văn Vạn (Du lịch Hàng Dương) chịu trách nhiệm điều hành Chi hội. Hy vọng đây là một sân chơi giúp các doanh nghiệp sát lại gần nhau hơn, sử dụng và chia sẻ sản phẩm của nhau, phục vụ du khách ngày càng phong phú đa dạng hơn nhằm góp phần cho Du lịch Bến Tre trở thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2020 và sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2030./.
Lê Luông

Trao giải thưởng Biểu trưng (Logo) Du lịch Bến Tre

Cuộc thi sáng tác biểu trưng và khẩu hiệu du lịch được tổ chức và thông báo rộng rãi trên trên hệ thống truyền thông khắp cả nước, nhằm thu hút nhiều tác giả tham gia để chọn lọc tìm ra một biểu trưng, khẩu hiệu du lịch đặc trưng cho Xứ Dừa. Logo và slogan sẽ là bộ phận nhận dạng thương hiệu dành riêng cho ngành du lịch Bến Tre. Cuộc thi được sự tham gia của 33 tác giả với 78 tác phẩm dự thi. Sau qua hai lần chấm sơ khảo và phúc khảo, Cuộc thi đã chọn ra 4 tác phẩm để lấy ý kiến của quần chúng nhân dân trên toàn tỉnh. Kết quả đã chọn được 1 tác phẩm đạt giải nhất và 3 tác phẩm đạt giải khuyến khích với nội dung cách điệu hình ảnh sông nước Xứ Dừa rõ nét, đơn giản, đúng thể lệ của cuộc thi.

Ngày 06/3/2019 tại  Nhà hành MêKông River Huyện Châu Thành - tỉnh Bến Tre, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức trao thưởng và giấy chứng nhận cho các tác giả đạt giải cuộc thi biểu trưng du lịch Bến Tre.
Ông Trương Quốc Phong - TUV- Giám đốc Sở VHTTDL trao giải nhất cho anh Trần Giang Nam (TP.HCM) đạt giải nhất cuộc thi biểu trưng du lịch Bến Tre
Tác phẩm đạt giải Nhất Biểu trưng Du lịch Bến Tre
Biểu trưng du lịch sẽ được sử dụng làm hình ảnh đại diện trong tuyền tải thông tin quảng bá xúc tiến trên các hình thức như trên Internet, báo, đài, ấn phẩm, video clip, trên các hình ảnh quảng cáo trực quan... đặc biệt là sẽ sử dụng làm những biểu trưng quà tặng khách du lịch để từng bước đưa thương hiệu du lịch Bến Tre với khẩu hiệu "Du lịch Sinh thái - Sông nước Xứ Dừa" đến khắp mọi miền và nhiều quốc gia trên thế giới.

Việc sử dụng biểu trưng mới có ý nghĩa rất quan trọng cho ngành du lịch Bến Tre thể hiện được đặc trưng sông nước xứ của Dừa; là tỉnh đại diện vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long nhưng mang sắc thái riêng của sông nước miệt vườn bao phủ bởi một rừng dừa bao la. Đồng thời nhằm xây dựng hình ảnh du lịch chuyên nghiệp, đưa Du lịch Bến Tre có vị trí trong bản đồ du lịch Việt Nam để du khách Quốc tế đến Việt Nam biết đến Bến Tre và về với Bến Tre./.
Lê Luông

Xúc tiến du lịch qua trang thông tin điện tử

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT) tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.  Internet đã ngày càng chứng tỏ là một công cụ hữu ích, thực sự hiệu quả trong việc cung cấp, tra cứu, trao đổi giới thiệu, quảng bá và thông tin. Xây dựng trang thông tin điện tử xúc tiến du lịch là một nội dung ứng dụng CNTT quan trọng mà ở các tỉnh, thành phố với các mức độ khác nhau, đều đang nỗ lực thực hiện nhằm làm cho hoạt động quảng bá du lịch hiệu quả hơn, làm cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp cận thông tin ngày càng tốt hơn. 

Thực hiện Công văn số 2078/UBND-KGVX ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc cho chủ trương xây dựng trang thông tin điện tử Du lịch Bến Tre và Công văn số 1306/VPUBND-TTTTĐT ngày 07 tháng 9 năm 2018 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh về việc cấp tên miền và tích hợp Trang thông tin điện tử Du lịch Bến Tre trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh Bến Tre. Trung tâm đã phối hợp với Cổng Thông tin điện tử UBND tỉnh, trong một thời gian ngắn đã thiết kế được một website có cấu trúc tương đối hợp lí, có hình thức dễ đọc, dễ xem, nội dung khá phong phú, đã có nhiều cố gắng để bao quát được các lĩnh vực quảng bá ngành du lịch tỉnh nhà và các liên kết với cụm và tỉnh thành trong nước.

Ngày 06/3/2019, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch (TTTTXTDL) chính thức ra mắt website du lịch Bến Tre. Với mục tiêu chính là tạo cửa "thông tin công cộng - diễn đàn du lịch online" của ngành du lịch, website của Trung tâm sẽ cố gắng thực hiện vai trò là cầu nối, duy trì mối quan hệ thông tin đa chiều trong lĩnh vực du lịch với các tổ chức, cá nhân quan tâm và các hoạt động liên quan đến lĩnh vực này. 
Bấm nút khởi động trang thông tin điện tử Du lịch Bến Tre (Từ trái sang phải: Ông Trương Quốc Phong - GĐ Sở VHTTDL; ông Phan Văn Mãi - PBT Thường trực Tỉnh ủy và ông Trần Duy Phương - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh)
Nội dung các chuyên mục trên trang thông tin điện tử có 14 chuyên mục chính gồm: Trang chủ, Giới thiệu chung, Tin tức, Tài nguyên du lịch, Doanh nghiệp du lịch tỉnh, Các tuyến du lịch, Dịch vụ khác, Thông tin du lịch tại địa phương,  Hỗ trợ du khách trực tuyến, Thông tin khác, Ấn phẩm du lịch, Thư viện ảnh, Thư viện video clip, Liên hệ - Hỏi đáp. Đường dẫn truy cập trang TTĐT: http://www.dulich.bentre.gov.vn

Trang thông tin điện tử Du lịch sẽ tiếp tục củng cố và phát triển cộng tác viên; xây dựng quy chế cung cấp, thu thập, cập nhật thông tin, chọn lọc, xử lí, tổ chức thông tin thành hệ thống thông tin hợp lí, khoa học, phong phú, thiết thực cho công tác quảng bá xúc tiến du lịch. 

Hy vọng rằng các tổ chức, cá nhân đam mê du lịch hãy cùng nhau xây dựng, chia sẻ và gửi bài, ảnh cùng thông tin du lịch tỉnh nhà để trang thông tin điện tử Du lịch Bến Tre ngày càng khẳng định là một trang thông tin có uy tín, đáp ứng yêu cầu quảng bá du lịch một cách hiệu quả và ngày càng phát triển tốt hơn./.
Thanh Sơn

Họp mặt Doanh nhân, doanh nghiệp Du lịch 2019

Ngày 06/3/2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre (VHTTDL) tổ chức buổi họp mặt doanh nhân, doanh nghiệp du lịch nhân dịp đầu năm 2019 tại nhà hàng Mêkông River xã An Khánh, huyện Châu Thành tỉnh Bến tre. Đến dự có ông Phan Văn Mãi, UV BCHTW Đảng - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch Hội Đồng nhân dân tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành là thành viên Ban chỉ đạo Phát triển Du lịch tỉnh, lãnh đạo huyện Châu Thành, huyện Thạnh Phú; Lãnh đạo Hiệp Hội Du lịch tỉnh; Phòng VHTT các huyện, thành phố trong tỉnh và trên 60 doanh nhân, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cùng dự.
Ông Phan Văn Mãi - UV BCH TW Đảng - P.Bí Thư thường trực - Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre phát biểu chỉ đạo tại buổi họp mặt
Ông Trương Quốc Phong, TUV - Giám đốc Sở VHTTDL báo cáo tổng kết tình hình hoạt động du lịch tỉnh năm 2018 và một số phương hướng trọng tâm trong năm 2019. Các đại biểu và doanh nghiệp cũng được nghe báo cáo kết quả đạt được trong công tác thông tin, xúc tiến du lịch tỉnh với sự đồng hành của Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh. Các báo cáo cho thấy sự nổ lực vươn lên của Ngành Du lịch cùng sự phối hợp nhịp nhàng của các sở, ban ngành đã phát huy và nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác phối hợp, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Qua một năm tăng tốc đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, phát triển đồng bộ hơn từ hạ tầng du lịch đến cơ sở vật chất kỷ thuật cho sự phát triển du lịch tỉnh nhà. 

Công tác quản lý nhà nước được quan tâm, chú trọng và đi vào chiều sâu. Những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển du lịch theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Tỉnh ủy cũng như những hướng dẫn quy định mới trong Luật Du lịch 2017. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp về vị trí, vai trò, định hướng phát triển du lịch của tỉnh cũng được nâng lên. Công tác thông tin, tuyên truyền quảng bá du lịch được TT.TTXTDL đồng hành cùng các doanh nghiệp du lịch thực hiện đổi mới thường xuyên, liên tục. Chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa Bến Tre với các tỉnh, thành phố phát huy hiệu quả từ việc liên kết lập quy hoạch đến việc thông tin xúc tiến, quảng bá du lịch trong tỉnh, trong tiểu vùng và cả Đồng bằng sông Cửu Long. 

Từ đó, sự chú ý của các hãng Lữ hành trong và ngoài tỉnh, nhất là ở TP.Hồ Chí Minh, TP.Hà Nội và miền Trung đã kết nối đưa khách về Bến Tre ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước. Thống kê trong năm 2018 Bến Tre đón 1.574.128 lượt, tăng 22% so cùng kỳ; trong đó: khách quốc tế đạt 681.271 lượt, tăng 24% . Tổng thu từ khách du lịch: đạt 1.329 tỷ đồng, tăng 26% so cùng kỳ .
Doanh nghiệp tích cực tham gia góp ý kiến chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động du lịch của tỉnh
Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí Thư thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo Ngành Du lịch cần phát huy kết quả đạt được trong năm 2018, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh du lịch thuận lợi, Tổ chức tốt các sự kiện xúc tiến, quảng bá; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái; Quan tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và chuyên nghiệp. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân địa phương về phát triển du lịch; thực hiện tốt các nội dung trong chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển du lịch; Đặc biệt là tập trung thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính Trị.

Ông Trương Quốc Phong cũng đưa ra một số chỉ tiêu định lượng cụ thể để các nhà quản lý du lịch và các doanh nghiệp làm du lịch phấn đấu trong năm 2019 tổng thu từ khách du lịch đạt 1.632 tỷ đồng, tăng 24 % và tổng khách du lịch đến Bến Tre đạt 1.707.000 lượt, tăng 16% so cùng kỳ. Trong đó: Khách quốc tế: 759.000 lượt, tăng 18%; Khách nội địa: 948.000 lượt, tăng 14% so cùng kỳ./.
Lê Luông