Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

Sầu riêng Cái Mơn - Đặc sản nổi tiếng nức lòng du khách

“Bến Tre nước ngọt lắm dừa,
Ruộng vườn màu mỡ, biển thừa cá tôm
Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn
Ba Tri muối mặn, Giồng Trôm lúa vàng…”
Ca dao 
Bến Tre là một trong 13 tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long; với 4 dòng hạ lưu của sông Mêkông đã tạo thành nên ba dải cù lao: cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa. Với hệ thống sông ngòi chằng chịt cùng khí hậu ôn hòa quanh năm, đã tạo cho Bến Tre những điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế (nông, ngư nghiệp và công nghiệp không khói).

Là vùng đất được bồi đắp phù sa màu mỡ cùng  những vườn cây ăn trái trĩu quả, Bến Tre đã làm say lòng bao du khách với những đặc sản rất hấp dẫn và nổi tiếng. Một trong những đặc sản đó chính là sầu riêng Cái Mơn, Bến Tre mà xuất phát điểm là xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách.

Câu chuyện về nguồn gốc của giống sầu riêng Cái Mơn
Khi nhắc đến sầu riêng, chúng ta liền nghĩ ngay đến một loại quả có vỏ xù xì, nhiều gai nhọn bên ngoài nhưng thịt quả bên trong lại vô cùng thơm ngon với vị ngọt béo thơm và quyến rũ. Tuy nhiên, với những người không thích sầu riêng thì lại cảm thấy mùi vị của quả này hơi khó chịu.

Từ lâu, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách của tỉnh Bến Tre đã được cả nước biết đến với tên gọi là làng nghề cây giống, hoa kiểng Cái Mơn. Thế nhưng, nơi đây còn nổi tiếng với đặc sản sầu riêng Cái Mơn đã có từ hơn 100 năm qua.
Sầu riêng Cái Mơn sai trĩu quả. Ảnh: Sưu tầm
Về nguồn gốc của giống sầu riêng này thì người dân nơi đây không ai biết chính xác. Tuy nhiên, có một câu chuyện về nguồn gốc của sầu riêng Cái Mơn vẫn thường được lưu truyền cho đến ngày nay. Vào khoảng năm 1910, tại địa phương này có một Thầy nho tên là Nguyễn Duy Lưu (1857 - 1947), trong một lần đi dạy học ở nước bạn (Campuchia) đã tình cờ mang giống cây sầu riêng về trồng. Lúc đó, ông Nguyễn Duy Lưu đặt tên cho giống cây sầu riêng này là cây có vị sữa bò vì vị ngọt và béo thơm. 

Từ đó, danh tiếng của sầu riêng Cái Mơn ngày càng vang xa vì sầu riêng nơi đây rất đặc biệt với nhiều ưu điểm như: vỏ mỏng, gai thưa, hạt lép, cơm dày có màu vàng óng quyến rũ và khi ăn vào thì vị ngọt thanh, béo ngậy như tan ngay trong miệng.
Những múi sầu riêng Cái Mơn cơm vàng, hạt lép. Ảnh: Sưu tầm
Những món ăn ngon khi được kết hợp với sầu riêng Cái Mơn
Sầu riêng Cái Mơn luôn là một món quà quý, là đặc sản nổi tiếng nức lòng du khách mỗi khi có dịp về thăm Bến Tre. Ngày nay, sầu riêng không chỉ đơn thuần là một loại trái cây để tráng miệng mà còn có thể kết hợp tạo ra nhiều món ngon vô cùng hấp dẫn. Chúng ta có thể thêm sầu riêng vào các món ăn như: kẹo dừa sầu riêng, chè Thái sầu riêng, xôi sầu riêng nước cốt dừa, bánh pía sầu riêng, kem sầu riêng, nước mía sầu riêng,…và vô vàng các món ăn thơm ngon khác. 

Từ lâu, sầu riêng đã được mệnh danh là vua của các loại quả bởi sầu riêng không chỉ thơm ngon mà còn chứa nhiều công dụng giúp cải thiện sức khỏe và làm đẹp. Là một người con Bến Tre, tôi  thật tự hào khi quê hương mình không chỉ nổi tiếng với những vườn dừa bạc ngàn mà còn có những vườn cây ăn trái sum suê, đặc biệt là một loại đặc sản có thể níu chân du khách như sầu riêng Cái Mơn.

Sầu riêng Cái Mơn luôn mang lại giá trị kinh tế cao 
Sầu riêng Cái Mơn thường cho quả vào mùa hè, khoảng độ tháng 5 đến tháng hết tháng 7. Tuy nhiên, do áp dụng khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại nên ngày nay sầu riêng Cái Mơn sẽ cho quả quanh năm. Một quả sầu riêng Cái Mơn thường nặng từ 1 đến 3 kg, mỗi cây có thể cho năng suất lên đến hàng trăm ký trên một vụ thu hoạch. Đặc biệt, sầu riêng Cái Mơn được trồng bằng phương pháp ghép cành nên luôn giữ được chất lượng cao và hương vị thơm ngon cho đến tận ngày nay.

Ngoài ra, sầu riêng Cái Mơn cũng thường có giá thành cao, trung bình từ 40 ngàn đồng đến 70 ngàn đồng một kg và sầu riêng Cái Mơn luôn có nguồn tiêu thụ tốt không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang nước ngoài nhờ thương hiệu và chất lượng. Một điều cần lưu ý Chợ Lách - Cái Mơn là nơi sản xuất cây giống - hoa kiểng và vườn cây ăn trái; cho nên cây giống được bán khắp nơi trên cả nước và các nước lân cận. Do vậy sầu riêng Cái Mơn không phải nơi đâu cũng giống sầu riêng tại Chợ Lách do ảnh hưởng thổ nhưỡng của vùng đất này.

Hy vọng trong tương lai gần, sầu riêng Cái Mơn với sự tận tụy chăm sóc cùng cái tình của bà con huyện Chợ Lách sẽ làm nên một loại quả xứng danh trên thương trường trở thành một món đặc sản nức lòng du khách khi đến quê hương sông nước Xứ Dừa./. 
Tường Vi

Đậm đà hương vị tép rang nước cốt dừa

Khi nhắc đến Bến Tre, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến vùng đất trù phú với những rừng dừa bạc ngàn và xanh tốt. Từ lâu, cây dừa không chỉ là biểu tượng mà còn là một loài cây mang lại giá trị kinh tế rất lớn cho người dân Bến Tre trên nhiều lĩnh vực như: kinh doanh, sản xuất, du lịch,…Ngoài ra, cây dừa còn đồng hành cùng người dân nơi đây qua bao cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. 

Thế nên, cây dừa cũng giống như một người bạn, vô cùng thân thiết và luôn gắn bó trong đời sống hàng ngày của bao thế hệ người dân Bến Tre. Đặc biệt, trong ẩm thực, các món ngon từ dừa là vô cùng phong phú (có trên 300 món thức ăn và thức uống) đã góp phần làm cho nền ẩm thực của Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói chung ngày một đa dạng, độc đáo hơn. Một trong những món ăn nổi tiếng, mang đậm hồn quê của Bến Tre chính là món tép rang nước cốt dừa. Đây là một món ăn vô cùng hấp dẫn, hương vị lại đặc trưng không giống với bất kỳ món tép rang nào khác.
Đậm đà hương vị món tép rang nước cốt dừa  (Ảnh sưu tầm)
Nguyên liệu để làm nên món tép rang nước cốt dừa đúng chuẩn Bến Tre rất đơn giản. Đầu tiên, chúng ta chỉ cần chọn được tép là loại tép bạc đất của miền Tây sông nước hoặc nếu không có tép bạc, chúng ta có thể dùng tép bầu, tôm sú nhỏ,…để thay thế cũng rất ngon. Sau khi sơ chế tép bạc, chúng ta sẽ tiến hành ướp gia vị gồm: đường, muối, nước mắm, tiêu,…rồi kế đến là bắt một chiếc chảo phi hành tím cho thật thơm và cho tép vào đảo nhẹ nhàng đến khi tép vàng đều. Tiếp theo, chúng ta cho nước cốt dừa, loại nước cốt đậm đặc (sữa dừa) mà chúng ta vừa vắt từ cơm dừa nạo vào sao cho ngập ngang mặt tép và để lửa riêu riêu cho đến khi hơi keo lại rồi nêm lại gia vị sao cho vừa ăn.

Món tép rang nước cốt dừa cần đảm bảo đủ hương vị đặc trưng, đó là sự kết hợp của vị ngọt mặn đậm đà của tép bạc cùng vị béo ngậy của nước cốt dừa và hương thơm ngào ngạt lan tỏa khiến bao thực khách say lòng. Ngoài ra, món tép rang nước cốt dừa nếu dùng với cơm trắng được nấu bằng loại gạo dẻo thơm và ăn kèm với các loại rau dân dã như: xà lách, rau quế, rau diếp cá,…thì lại càng hấp dẫn hơn. Đặc biệt, món cơm hấp trong trái dừa (cơm dừa) ăn với tép rang dừa còn là 1 trong 100 món ăn, đặc sản tiêu biểu của Việt Nam (2011 - 2016) do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công nhận.

Tép rang nước cốt dừa đã trở thành một món ăn quen thuộc và in sâu vào lòng của mỗi người con Bến Tre. Khi xa quê, tôi luôn nhớ về món ăn này và nhớ những ngày ở quê, mẹ tôi vẫn thường làm món tép rang nước cốt dừa cho cả gia đình. Tuy là một món ăn đơn giản, dân dã nhưng để chế biến thành công khiến cho hương vị lưu luyến mãi thì cần phải có cái tâm và sự tỉ mỉ của người làm bếp từ lúc chọn nguyên liệu cho đến lúc trình bày. Thế nên, sẽ tuyệt vời hơn khi món tép rang nước cốt dừa được làm từ chính đôi bàn tay và tình cảm của mình để hương vị đậm đà được hòa quyện cùng cái tình của miền sông nước Xứ Dừa.

Trải qua bao năm tháng, nền ẩm thực Việt Nam ngày một phát triển, đã có biết bao món ăn ngon ra đời và để lại nhiều dấu ấn trên bản đồ ẩm thực thế giới. Là một người con Xứ Dừa, tôi hy vọng rằng những món ăn ngon, dân dã, mang đậm hồn quê như tép rang nước cốt dừa sẽ luôn được giữ gìn và lưu truyền qua nhiều thế hệ sau này./.
Tường Vi

Đất Bến Tre - đất tị địa

Quăng lưới. Ảnh: Cao Mách
Với hệ thống sông rạch chằng chịt, rồi rừng ngập mặn ven biển dài đến những 65km, rừng dừa nước, rừng chà là khắp nơi… nên vị trí địa lý Bến Tre so với các địa phương khác trong khu vực chỉ toàn là đồng lúa thì tỉnh ta có địa hình, địa vật rất đặc thù. Qua các cuộc chính biến, nội chiến, chiến tranh xâm lược, sự hiểm trở ấy trở thành lợi thế cho những cuộc bôn tẩu, tạm lánh giặc, hay tị địa của rất nhiều nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa, nhà Nho yêu nước…

Điển hình nhất là cuộc bôn tẩu của chúa Nguyễn Ánh, bị sự truy đuổi của toán quân của người nông dân áo vải Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Nguyễn Ánh từng bị đối phương đuổi theo đánh tan tác đoạn đầu nguồn con sông Giồng Trôm. Đang lúc hỗn quan hỗn quân, ông cho đoàn thuyền chiến rẽ vào sông Hương Điểm, xuống tới Long Mỹ thì bị lạc đường. Chính nơi này đang tồn tại địa danh ngã Ba Lạc ghi dấu sự kiện ấy. Sau đó ông lên bờ tẩu thoát. Đến Thạnh Phú Đông, ông đóng vai rằng mình là thương buôn từ miền Trung vào bị cướp chặn đánh, nên được cha con cụ Trương Tấn Khương và Trương Tấn Bửu cho tá túc, nuôi nấng. Sau đó hai ân nhân này đưa ông xuống cồn Đất, xã An Hiệp, Ba Tri cho an toàn. Ở đây, ông trốn trong nhà cha con ông Thái Hữu Xưa và Thái Hữu Kiểm tức “ông già Ba Tri” nổi tiếng với huyền tích đi bộ ra triều đình Huế kiện tụng. Hai người này từng “cơm bưng nước rót” cúc cung tận tụy như nô bộc (Xin nói thêm, khi bị cha con cụ Trương Tấn Khương phát hiện chân tướng, thì Nguyễn Ánh thú nhận rồi xin cụ Trương Tấn Khương cho Trương Tấn Bửu theo phò ông dần dần lên đến chức Phó tướng, cùng với Chánh tướng Lê Văn Duyệt cai quản cả miền Nam -  Từ Bình Thuận xuống tận Hà Tiên. Rồi Thái Hữu Kiểm từ Trùm trưởng chúa Nguyễn Ánh khi lên ngôi (hiệu Gia Long) phong cho ông lên chức Trùm cả).

Theo ông Trần Đông Phong (Bùi Quang Tôn), nguyên Phó trưởng ban Dân vận Trung ương, hiện về hưu ở Giồng Trôm, tổ tiên bên họ ngoại ông và nhà biên kịch Nguyễn Hồ (nguyên Phó giám đốc Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh) thuộc họ Hồ. Hai ông là lớp hậu duệ đời thứ sáu của bà Hồ Thị Hoa - Chánh phi của vua Minh Mạng. Bà Hồ Thị Hoa có người em trai là Lãnh binh Hồ Văn Thất. Vị quan này từng bôn tẩu ở Giồng Trôm. Khi hai vợ chồng ông qua đời được chôn cất ở xã Phong Mỹ (Giồng Trôm); năm 2003 được gia đình ông Trần Đông Phong và gia đình ông Nguyễn Hồ cải táng về đất nhà (cũng ở xã Phong Mỹ). Cũng từ nguồn gốc đó nên hiện nay ông Nguyễn Minh Chiếm (em ruột ông Nguyễn Hồ) đang lưu giữ chiếc hộp bằng kim loại đựng chiếc ấn của vua Minh Mạng.

Ông Trần Đông Phong cho biết thêm, trong gia phả bên họ nội ông cùng họ tộc với nữ tướng Bùi Thị Xuân - tướng quân tài ba của Nguyễn Huệ. Khi Nguyễn Ánh phục dựng lại quyền thế, rồi lên ngôi bằng mọi cách truy sát kẻ thù. Bấy giờ tổ tiên ông Trần Đông Phong cũng từng chạy trốn sự truy sát, trả thù của vị vua này. Ở Giồng Trôm có ngôi đình Bình Tiên do ông Bùi Văn Trọn đứng ra xây cất. Ngoài ra, ông Trọn còn có người em tên Bùi Văn Hưng, từng hiến nhiều tiền của để xây dựng đình Bình Hòa (ở Giồng Trôm). Ông Trọn và ông Hưng cùng với nhiều người thân đều là người Bình Định có họ hàng với nữ tướng Bùi Thị Xuân, trốn thoát vào đây. Bên cạnh, chắc rằng không ít người thuộc hoàng tộc của Quang Trung - Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân và những họ tộc nào có “nợ” với Nguyễn Ánh phải thay tên đổi họ và trốn vào Bến Tre để tránh sự sát hại. Vì đến cuối triều Nguyễn (thời vua Bảo Đại) cuộc truy sát những ai họ Nguyễn thuộc hậu duệ của Quang Trung - Nguyễn Huệ vẫn còn bị vạ lây.

Không những Bến Tre là nơi cho những ai bôn tẩu mà ngay cả nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, căm thù, chán ghét bọn thực dân Pháp xâm lược cũng đưa vợ con về Ba Tri tị địa. Hay như cụ Phan Thanh Giản khi giặc pháp chiếm Gia Định, cụ không muốn nhà giáo lớn của đất Nam Bộ Võ Trường Toản yên nghỉ ở đây, nên cụ cùng với những sĩ phu yêu nước như Nguyễn Thông, Võ Gia Hội… cải táng phần mộ của cụ Võ, hiền nội và ấu nữ của vị thầy lớn này về làng Bảo Thạnh, Ba Tri.

Năm 1955 đến 1956, nhân dân ta bước vào giai đoạn trường kỳ kháng chiến, bấy giờ, Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng từng về xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm để hoạt động, chỉ đạo cho cuộc kháng chiến của cách mạng miền Nam. Sau khi đất nước thống nhất, Tổng Bí thư đã từng trở về ngôi nhà ông Mười Trác ở Hưng Lễ, nơi ông đã từng được cưu mang nhằm tỏ lộ sự tri ân sâu sắc. Hiện nay, ngôi nhà này được xây dựng lại khang trang, làm Khu lưu niệm của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào Tết Mậu Thân của quân dân ta làm rung chuyển cả miền Nam, thì địch ra sức mở các cuộc tấn công bằng các phương tiện, vũ khí hiện đại khắp nơi. Trong đó, khu ngoại ô Sài Gòn - Gia Định chúng cho đánh pháo, thả bom rất ác liệt. Từ đó, các vị lãnh đạo Thành ủy Sài Gòn Gia Định như Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Mai Chí Thọ cùng với đơn vị bảo vệ có tên gọi Y4 (T4) trong hai năm 1969 và 1970 cũng tạm lánh về xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc) để hoạt động. Trong rừng mua bạc ngàn, tím ngát, được bí mật xây dựng những phòng làm việc, hầm bí mật, hội trường… đều dưới lòng đất rất an toàn. Căn cứ địa cách mạng hơn 1ha đất ở đây đã được phục chế hoàn thành, trở thành khu di tích nổi tiếng.

Từ những sự kiện lớn trong lịch sử nêu trên, cho chúng ta giả định: Phải chăng do hoàn cảnh lịch sử, vận nước ngả nghiêng, trên bước đường gian nguy sống và chiến đấu để sinh tồn mà tiền nhân càng tôi luyện sự tài ba lỗi lạc, để cuối cùng dành trọn cho nơi này những tinh hoa sáng ngời, tích tụ thành đất “Địa linh, nhân kiệt” cho mọi người nâng niu, ngưỡng vọng về những giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần đích thực!
Phạm Bội Anh Thuyên
http://baodongkhoi.vn

Du lịch xứ dừa

Khai thác tiềm năng tự nhiên độc đáo của vùng đất được mệnh danh xứ dừa của miền Tây Nam Bộ, Bến Tre đã tạo dựng những bản sắc đặc trưng cho các sản phẩm du lịch, hướng tới một thương hiệu du lịch xứ dừa độc đáo nhằm thu hút khách.
Vẻ đẹp sông nước xứ dừa Bến Tre luôn thu hút du khách
Ðộc đáo chợ dừa nổi
Nhắc đến Bến Tre là nhắc đến dừa. Những rừng dừa, vườn dừa mênh mông trải dài trước mắt du khách ngay khi đặt chân qua cầu Rạch Miễu nối Tiền Giang với Bến Tre. Tuy vậy, điều gây ấn tượng với chúng tôi hơn cả là khung cảnh rộng lớn của khu chợ nổi mua bán dừa nằm hai bên bờ dòng sông Thom.

Mất khoảng 15 km di chuyển từ trung tâm TP Bến Tre theo quốc lộ 60 tới ngã ba chợ Thom, rẽ vào khoảng chừng 500 m, chúng tôi đã có mặt ở cây cầu sắt nối hai huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam trên dòng sông Thom. Ði bộ lên giữa cầu, tại đây có thể phóng tầm mắt bốn phía và cảm nhận rõ hơn một chợ nổi rất quen thuộc ở miền Tây Nam Bộ. Ðiều độc đáo là chợ nổi này chỉ có một sản phẩm duy nhất là dừa, đúng hơn là những gì liên quan đến dừa, từ trái dừa cùng các hoạt động sản xuất như lột dừa, phơi chỉ xơ dừa, bào dừa, cạy dừa, xúc mụn dừa… Từ trên cầu nhìn xuống, cơ man là tàu chở dừa ra vào các vựa. Dừa được bốc lên trên, rồi được bốc trở lại sau khi đã lột vỏ hoặc trên các tàu chỉ chở có lá dừa hay chỉ là xơ dừa…

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bến Tre Võ Thanh Sơn, không rõ chợ nổi dừa xuất hiện từ khi nào, nhưng sông Thom là con sông lưu thông giữa sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông thông qua kênh Mỏ Cày - Vàm Thom được đào từ năm 1905. Sông có chiều dài 15 km, là một cung đoạn giao thông đường thủy quan trọng của tàu khách tuyến Trà Vinh - Vĩnh Long - Bến Tre. Vì thế mà hai bên bờ sông Thom xuất hiện nhiều làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa của các xã Thành Thới B, An Thạnh, Tân Hội, Ða Phước Hội (huyện Mỏ Cày Nam) và Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc). Nếu toàn tỉnh Bến Tre có hơn 250 cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa thì chỉ tính riêng trên toàn tuyến sông Thom đã có khoảng 200 cơ sở, thu hút hàng nghìn lao động. Ðiều đáng nói là ở đây, ngoài những công việc nhẹ nhàng, phụ nữ còn lấn sang làm những công việc nặng nhọc, đòi hỏi sức khỏe tốt và sự dẻo dai chỉ dành riêng cho nam giới như nghề lột dừa.

Nghề lột dừa ở đôi bờ sông Thom diễn ra suốt ngày đêm, thậm chí từ rất sớm để kịp phiên chợ khi trời vừa sáng. Tại một vựa dừa, chị Tuyết Nhung đứng lọt thỏm giữa những quả dừa chất cao quá đầu. Trước mặt chị là những quả dừa khô hay dừa hột đã lột xong vỏ, hai bên là số dừa nguyên quả, phía sau là một chồng vỏ dừa rất cao đã được tách để chờ làm chỉ xơ dừa. Rất khó khăn chúng tôi mới leo xuống được gần chị Nhung mà không bị ngã, để quan sát đôi tay thành thục của chị khi lột từng trái dừa. Dụng cụ tách vỏ dừa là một loại dao sắt bản dày, nhọn, cứng được dựng thẳng đứng gọi là mũi nằm. Những quả dừa sẽ được cắm xuống, đôi bàn tay khỏe mạnh của chị Nhung sẽ tách vỏ ra. Mất bốn lần như vậy mới lấy được dừa hột, nhưng một giờ đồng hồ chị Nhung cũng lột được khoảng 200 quả dừa với tiền công 40 nghìn đồng.

Nếu chăm chỉ và có sức khỏe, trung bình mỗi ngày, một phụ nữ như chị Nhung tách được 1.000 quả dừa và nhận 200 nghìn đồng tiền công. Nếu làm ít khoảng 600 đến 700 quả, tùy thuộc vào số dừa mà vựa thu mua. Riêng với loại dừa mủ, giá tiền công cao gấp hai lần do vỏ rất cứng. Trong trường hợp tham gia đếm dừa đưa xuống ghe, họ sẽ nhận thêm 4.000 đồng cho mỗi lần 200 trái. Tuy nhiên, để có thể làm thành thục công việc này là không dễ. Chị Nhung đã có gần 20 năm trong nghề và gặp không ít tai nạn như đứt tay, gãy dao. Mỗi mũi dao chuyên để tách dừa có giá khoảng 400 đến 500 nghìn đồng và trong trường hợp đó, xem như chị đã mất đi hai ngày công của mình.

Hướng tới một thương hiệu đặc trưng
Cùng với sự phát triển du lịch của đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, Bến Tre từng bước xây dựng thương hiệu du lịch "Sinh thái sông nước xứ dừa" mang đặc trưng riêng của địa phương, nhằm phát triển du lịch bền vững.

Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bến Tre Lê Văn Luông, du lịch đa dạng loại hình, nhưng ở miền Tây Nam Bộ này, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn thì trùng lặp khá nhiều bởi những tiềm năng sông nước tự nhiên tương tự. Ðể tạo sự khác biệt và điểm nhấn, Bến Tre đã hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch "Sinh thái sông nước xứ dừa" khác với du lịch sông nước ở các tỉnh trong khu vực như: Sông nước chợ nổi Cái Bè - Tiền Giang hay chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ hoặc vùng nước nổi "Búp sen hồng" - Ðồng Tháp, sông nước miệt vườn Cù lao An Bình - Vĩnh Long,... Ðây là hướng đi riêng, mang nét đặc trưng độc đáo, để khách du lịch trong nước và ngoài nước đến Bến Tre không còn ám ảnh bởi câu nhận xét quen thuộc của dân lữ hành dẫn khách đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long "đến một tỉnh là biết cả vùng". Ðó cũng là lý do để chợ nổi dừa sông Thom trở thành một phần quan trọng trong việc phát triển du lịch sinh thái sông nước xứ dừa.

Với hơn 70 nghìn ha dừa, Bến Tre chiếm một phần hai diện tích vùng dừa cả nước. Hiện nay, bên cạnh những tua du lịch do các công ty lữ hành tự xây dựng và tổ chức, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bến Tre đã tập trung, quảng bá năm tua du lịch gồm: Châu Thành, TP Bến Tre, Giồng Trôm - Ba Tri, Mỏ Cày Bắc - Chợ Lách và Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú. Riêng tua Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú, du khách có thể đi thuyền trên sông Thom - Mỏ Cày Nam, chèo thuyền trong rạch dừa nước, tham quan chợ nổi dừa, làng nghề chế biến dừa, lò kẹo dừa, thủ công mỹ nghệ từ gỗ dừa; thăm Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ðồng Khởi - Mỏ Cày Nam; nhà cổ Huỳnh Phủ - Ðại Ðiền, Thạnh Phú; Khu di tích lịch sử cách mạng Ðầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam của đường Hồ Chí Minh trên biển tại xã Thạnh Phong và Thạnh Hải cùng khu du lịch sinh thái "rừng ngập mặn" biển Thạnh Phú.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch Bến Tre và không ít đơn vị lữ hành, việc xây dựng thương hiệu "Sinh thái sông nước xứ dừa" không thể do riêng đơn vị nào hay cá nhân nào mà phải có sự đồng thuận, đồng hành trong chia sẻ, quảng bá, góp phần phát triển thương hiệu du lịch chung của Bến Tre. Chẳng hạn như các điểm tham quan du lịch, khu bảo tồn thiên nhiên cần được sự chung tay của các cấp, ngành trong đầu tư chỉnh trang và xây mới; đầu tư trùng tu các di tích văn hóa lịch sử, bảo tồn, phát huy giá trị các làng nghề và nghề truyền thống…

Bên cạnh đó, rất cần sự kết nối tua, tuyến giữa các điểm đến trong tỉnh với các tua, tuyến du lịch, điểm đến trong khu vực... Tất cả sẽ góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, giúp Bến Tre tạo nên một con đường du lịch "Sinh thái sông nước xứ dừa". Ba năm gần đây, tỉnh đón một lượng khách khá lớn so với các tỉnh trong khu vực. Năm 2016 đạt gần 1,2 triệu lượt khách thì đến năm 2018 là gần 1,6 triệu lượt khách, nâng doanh thu từ khách du lịch năm 2016 là 860 tỷ đồng lên 1.057 tỷ đồng năm 2017 và 1.329 tỷ đồng năm 2018...

Rời sông Thom với những mái ngói đỏ ẩn hiện trong rừng dừa xanh mướt và trĩu quả, chúng tôi vẫn không quên được hình ảnh cần mẫn, chất phác mà đầy phóng khoáng của những người dân miệt dừa chân chất, nghĩa tình. Chính họ bằng lao động của mình và tình yêu quê hương, tình yêu sông nước, miệt vườn, đã tạo nên sức hấp dẫn với khách du lịch gần xa, để biết và thêm yêu một Bến Tre gần gũi, thân thương.
BÀI, ẢNH: MẠNH HÀO, TUẤN DŨNG VÀ HOÀNG TRUNG
https://nhandan.com.vn

Quyết định Về việc tổ chức giao thông một chiều đối với một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre




Thứ Hai, 19 tháng 8, 2019

Rà soát tiến độ triển khai tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Cần Thơ 2019

Sau quá trình triển khai kế hoạch phối hợp tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Cần Thơ 2019 diễn ra từ 29/11 đến 02/12/2019 tại TP.Cần Thơ; sáng ngày 16/8/2019, tại Khách sạn Ninh Kiều - TP.Cần Thơ có buổi họp Ban tổ chức và các Tiểu ban của Hội chợ do ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (HHDL) và ông Phạm Thế Bường - Chủ tịch HHDL Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chủ trì. Tham dự cuộc họp có bà Nguyễn Thị Khánh - Phó Chủ tịch HHDL TP.HCM và Lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 13 tỉnh, thành ĐBSCL là thành viên Ban tổ chức (BTC).
Quang cảnh buổi họp BTC Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Cần Thơ lần I năm 2019
Các đầu việc trong chuỗi hoạt động Hội chợ đều được ban tổ chức chuẩn bị và đã triển khai như về tuyên truyền; công tác hậu cần; công tác vận động doanh nghiệp du lịch tại địa phương và mời tham gia từ các nước bạn; chương trình văn nghệ phục vụ hội chợ; chương trình Laga Dinner và công tác an ninh trật tự cũng có kế hoạch cụ thể. Chương trình khảo sát các điểm đến nổi bật và điểm đến mới tại ĐBSCL sẽ được tổ chức đoàn Famtrip báo, đài, doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội vào giữa tháng 9/2019 và các hội nghị, diễn đàn cũng được triển khai.

Tại cuộc họp lần nầy, BTC Hội chợ thông qua dự thảo kế hoạch tổ chức Liên hoan ẩm thực tại hội chợ để bổ sung hoạt động nhằm tăng thêm sự qui mô và hoành tráng giúp cho Hội Chợ lần I tại ĐBSCL thành công tốt đẹp tên thương trường quảng bá Quốc tế.

BTC Hội chợ đề nghị các thành viên BTC tiếp tục tập trung toàn lực cho việc phối hợp tuyên truyền, đôn đốc vận động các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đạt yêu cầu theo dự kiến của BTC đề ra với qui mô (8 Quốc gia, 300 gian hàng triển lãm và 80 gian hàng ẩm thực)./.
Lê Luông

Họp báo Diễn đàn kết nối du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 14/8/2019, cuộc họp báo về Thông cáo Báo chí chuẩn bị cho Diễn đàn kết nối Du lịch TP.Hồ Chí Minh(HCM) và 13 tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) tại khách sạn Grand Sài Gòn - Tp.HCM với sự chủ trì của ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc sở Du lịch TP.HCM. Đến dự cuộc họp báo có sự tham gia của lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở Du lịch của 13 tỉnh, thành ĐBSCL cùng các phóng viên Báo Đài Trung ương, TP.HCM và các địa phương để truyền thông nội dung cho sự kết nối du lịch trong diễn đàn sắp tới sẽ diễn ra trong 2 ngày 4 và 5/9/2019. 

Diễn đàn sẽ chính thức tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) theo sự chỉ đạo của UBND Tp.HCM giao sở Du lịch thành phố phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương Mại và Đầu tư thành phố, Tổng CTy Du lịch Sài Gòn, Cty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel và Sở VHTTDL, sở Du lịch các tỉnh ĐBSCL tổ chức Diễn đàn lần I năm 2019.
Đoàn chủ trì buổi họp báo thông cáo báo chí chuẩn bị cho Diễn đàn kết nối Du lịch TP.Hồ Chí Minh và ĐBSCL lần I na9m 2019
Dự kiến Hội nghị sẽ có sự tham gia của 150 khách mời đến từ các cơ quan ngoại giao, các Hiệp hội nước ngoài, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tại buổi họp báo, các phóng viên của các thời báo đã đặt ra nhiều vấn đề xoay quanh làm rõ các nội dung sẽ diễn ra trong chuỗi hoạt động của diễn đàn; Chủ trì buổi họp báo cũng đã làm rõ các nội dung sẽ diễn ra tại diễn đàn lần nầy như:

1- Triển lãm ảnh giới thiệu các tiềm năng đầu tư về hạ tầng văn hóa, thể thao và du lịch - giải trí, điểm đến, sản phẩm du lịch các địa phương;

2- Hội nghị xúc tiến đầu tư vào hạ tầng văn hóa - thể thao; du lịch , giải trí Tp.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL nhằm giới thiệu thế mạnh và sự hấp dẫn của tài nguyên của địa phương để xúc tiến mời gọi đầu tư. Cung cấp những chính sách khuyến khích, thu hút và kêu gọi đầu tư; chia sẻ thông tin về tiềm năng, cơ hội đầu tư chọn hạ tầng, điểm đến, sản phẩm du lịch của các địa phương. Kết nối các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực VHTTDL của các đại phương. 

3- Hội thảo kết nối sản phẩm du lịch, quảng bá du lịch giữa Tp.HCM với các tỉnh, thành ĐBSCL để đánh giá thực trạng liên kết hợp tác phát triển du lịch và định hướng khai thác tài nguyên du lịch của các đại phương để hình thành các sản phẩm du lịch chung; đồng thời quảng bá, giới thiệu du lịch đến các thị trường trong nước và quốc tế.

4- Hội nghị cấp cao về liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL để trao đổi thống nhất quan điểm hợp tác, phát triển du lịch của cả vùng, chính sách kêu gọi đầu tư; thống nhất các nội dung kiên kết, hợp tác; tuyên bố chung về liên kết phát triển và ký kết thỏa thuận hợp tác giữa lãnh đạo Ủy ban nhân dân Tp.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL. 

Hội nghị quan trọng nầy với sự chủ trì của Lãnh đạo Bộ VHTTDL; Bí thư Thành ủy TP.HCM; Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh cụm trưởng của hai cụm phiá Đông và Tây của ĐBSCL và Chủ tịch UBND TP.HCM. Đây là diễn đàn dự kiến sẽ diễn ra 2 năm một lần và xoay vòng các tỉnh, thành ĐBSCL đăng cai tổ chức./.
Lê Luông

Phát triển du lịch từ sông ra biển tại Bến Tre

Bến Tre là tỉnh cù lao, được hình thành từ 4 nhánh hạ lưu của dòng sông MêKông gồm các cửa sông: Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên hình thành nên 3 dải cù lao (Minh, Bảo và An Hóa); với diện tích 2.322 km2; địa lý hành chính gồm 8 huyện và 1 thành phố, trong đó có 3 huyện ven biển (Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú) sở hữu 65 km bờ biển. Đây là biển phù sa từ chín cửa sông của hai nhánh (Sông Tiền và sông Hậu) được gọi là sông Cửu Long. Một vùng đất phù sa thiên nhiên ban tặng, sông ngòi chằng chịt kết hợp với những tài nguyên nhân văn cùng người dân hiền hòa - mến khách... đã hòa quyện, kết hợp nhau giúp cho du lịch từ sông ra biển tại Bến Tre có nhiều khởi sắc.
Thực trạng
Bến Tre chạy dài theo chiều dòng sông Cửu Long gần 100 km từ hướng thượng nguồn đổ ra biển, mang hình rẽ quạt; có 3 vùng sinh thái (mặn, lợ và ngọt); chịu ảnh hưởng bởi hai mùa rõ rệt trong năm là mùa mưa và mùa nắng. Là tỉnh của vương quốc trái cây nên phù hợp với nhiều loại cây trồng và cung cấp trái cây quanh năm với mùa nào trái ấy; đặc biệt là dừa đã có mặt trên mảnh đất cù lao nầy và đi cùng người dân Bến Tre từ bao đời nay. Cây dừa không biết có từ bao giờ trên đất Bến Tre mà đến hôm nay lại mang danh quê hương Xứ Dừa! không ai biết và cứ truyền hỏi nhau theo lời thơ ngọt ngào, êm dịu và mông lung:
          Dừa ơi dừa! Dừa bao nhiêu tuổi?
          Mà lá tươi xanh mãi tới giờ?
          Tôi nghe gió ngàn xưa đang gọi
          Xào xạc lá dừa hay tiếng gươm khua...
Bài thơ "Dừa ơi" của nhà thơ Lê Anh Xuân đã viết vào đầu năm 1966. Lúc bấy giờ nhà thơ cảm nhận....
          Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
          Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
          Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
          Tôi hỏi nội tôi: Dừa có tự bao giờ?
          Nội nói lúc nội còn con gái
          Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân,...
Với hơn 70.000 ha diện tích dừa trên mảnh đất Bến Tre đã phủ một màu xanh của dừa khắp ba dải cù lao; chiếm gần 1/2 diện tích dừa cả nước đã cho thấy rằng rừng dừa Bến Tre là rừng dừa lớn nhất thế giới vì những nước có dừa vẫn không có ruộng dừa lớn như thế (Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ).

Kết hợp với sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); Bến Tre không ngoại lệ là đặc thù chung của vùng sông nước; tuy nhiên với đặc thù riêng của quê hương Xứ Dừa gắn với sông nước là điều khác biệt. Do vậy du lịch "Từ Sông ra Biển" là nét mới của du lịch miền Tây Nam bộ mà miền Trung, miền Bắc không có. Bến Tre đang khai thác lợi thế nầy để phát triển du lịch đặc thù vùng ĐBSCL; đây là vốn có của Bến Tre mà ông cha đã gìn giữ, lưu truyền trên 300 năm để ngày nay nét văn hóa nầy, quang cảnh nầy đã trở thành cơ hội cho du lịch Bến Tre phát triển bền vững với thương hiệu Du lịch "Sinh thái Sông nước Xứ Dừa".
Biển Cồn Bửng - Du khách trải nghiệm biển phù sa
Bến Tre tuy không có núi đồi nhưng có sông có biển; bờ biển phù sa còn giữ nét nguyên sơ, với nguồn tài nguyên thiên nhiên ban tặng từ nguồn nông sản, thủy sản, hải sản rất phong phú; nguồn tài nguyên nhân văn của người dân bản địa; những làng nghề truyền thống, những Lễ hội đặc trưng, những rặng dừa - rẩy dưa - ruộng muối - ao tôm, những vườn trái cây trĩu quả, đã đem lại sự thu hút du khách cũng như thu hút nhiều nhà đầu tư khai thác du lịch trên mảnh đất nầy trong những năm gần đây. Cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên đã nối liền Bến Tre với các tỉnh trong vùng; những tiềm năng du lịch trong nét nguyên sơ đầy hấp dẫn, đây là cơ hội cho du lịch Bến Tre cất cánh. Tất cả còn đang chờ đón nhiều nhà đầu tư của các dự án lớn như: Điện gió, điện mặt trời, công trình lấn biển, khai thác du lịch trên mặt biển hoặc du lịch mạo hiểm trong rừng ngập mặn; Không gian Dừa; ..../.
Lê Luông

Định hướng chiến lược phát triển du lịch trong xây dựng tầm nhìn phát triển kinh tế xã hội của tỉnh

Sáng ngày 09/8/2019, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi vừa có buổi làm việc tại Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL). Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập và đại diện lãnh đạo các Sở, ngành liên quan. Nội dung buổi làm việc tập trung vào việc chuẩn bị cho công tác xây dựng chiến lược phát triển Du lịch của ngành VHTTDL đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Quốc Phong báo cáo một số việc thực hiện của nhiệm kỳ qua và định hướng phát triển ngành trong nhiệm kỳ tới; đồng thời xây dựng chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 theo định hướng làm việc của Bí thư Phan Văn Mãi. Ngành đề xuất tỉnh tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt hơn gắn với việc thực hiện tốt Chỉ thị số 11 của Tỉnh ủy, phát huy các giá trị truyền thống để phát triển toàn diện con người Bến Tre để phát triển lĩnh vực du lịch, cần khai thác triệt các sản phẩm từ dừa để xây dựng thương hiệu du lịch “Sinh thái, sông nước xứ Dừa” và định hướng tới mục tiêu xây dựng sản phẩm đặc thù của địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Sở VHTTDL
Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài chính,... đều xoáy sâu vào việc xem tài nguyên nông nghiệp góp phần cho phát triển du lịch rất tốt; phải xem du lịch song song cùng các ngành kinh tế khác của tỉnh, không nên đầu tư dàn trãi mà phải tập trung. 

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Lập đề nghị ngành VHTTDL tập trung cho du lịch và cần có sự tham mưu tích cực trong việc quy hoạch chiến lược mà trong đó phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa - xã hội, nền tảng của nông nghiệp, làm sao đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo nội dung chương trình hành động của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi nhấn mạnh giai đoạn đầu xây dựng tầm nhìn chiến lược của tỉnh rất quan trọng. Cần tương tác giữa chuyên gia với các sở ngành, địa phương để hình thành nên tầm nhìn, từ đó mới thảo luận sâu hơn về chiến lược. Bí thư yêu cầu tiếp tục đánh giá hiện trạng, định hướng mục tiêu, tầm nhìn, giải pháp cho các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình để xây dựng và phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa bản địa. Ông đề nghị xây dựng phát triển chú trọng việc "Đầu tư, sử dụng công và đầu tư công sử dụng tư để tạo nét mới trong phát triển kinh tế - xã hội./.
Lê Luông

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

Chương trình thực hiện và thành quả đạt được của du lịch Bến Tre giai đoạn 2010-2019

Du lịch Bến Tre được sự lãnh chỉ đạo của các cấp lãnh đạo; các hệ thống hạ tầng du lịch, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng được đầu tư; song hành cùng các cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Hàm Luông đưa vào hoạt động liền mạch không còn là tỉnh lẻ, phải ngăn sông lụy phà như xưa. Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch được thành lập, chương trình xúc tiến, quảng bá và giới thiệu hình ảnh du lịch Bến Tre ngày càng có nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Hiệp hội Du lịch Bến Tre, Câu lạc bộ Hướng dẫn viên cũng ra đời đã tạo sân chơi hữu ích, tạo sự đoàn kết, gắn kết trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động của các doanh nghiệp, các hướng dẫn viên;... góp phần cho du lịch có những thành quả nhất định trong thời gian qua từ 2011 đến nay.
Hoạt động xúc tiến du lịch tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội
Công tác thông tin, quảng bá, giới thiệu xúc tiến hình ảnh đất, người Bến Tre trên các phương tiện thông tin đại chúng với trên 500 tin/bài được đăng tải; số lượng ấn phẩm xuất bản trên 50.000 ấn phẩm và phát hành 124.000 ấn phẩm của Trung tâm và các doanh nghiệp du lịch; Công tác tuyên truyền quảng bá trên mạng Internet qua các website như: UBND tỉnh; Sở VHTTDL; Hiệp hội Du lịch ĐBSCL; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Tổng cục Du lịch; Trang thông tin điện tử Du lịch Bến Tre; trang web các tỉnh liên kết và thông qua các trang mạng xã hội hội như: Blogger (tiếng Việt và tiếng Anh), facebook và trên 20 diễn đàn về du lịch; 

Sản xuất VCD Du lịch Xứ Dừa (10 tập); DVD Du lịch trên Xứ Dừa thời lượng 25 phút; Phim quảng bá “Du lịch Bến Tre - Tiềm năng và phát triển” thời lượng 7 phút. Ngoài ra nhiều phim phóng sự liên quan đến du lịch trong phát triển kinh tế đại phương. Gồm các ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hoa.

Tổ chức 13 sự kiện về du lịch tại địa phương và 75 sự kiện, hoạt động, hội chợ, triển lãm về du lịch trong và ngoài nước như: Hội chợ du lịch Berlin (Đức); Hội chợ VITM Hanoi; Ngày hội Du lịch TP.HCM; Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM - ITE HCMC; Các kỳ festival tại các tỉnh bạn; các kỳ MDEC trong vùng ĐBSCL và các hoạt động khác của các tỉnh/thành trong cả nước; tổ chức trên 30 cuộc khảo sát để xây dựng, kết nối tour, tuyến, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Tổ chức thực hiện 02 dự án Khoa học và công nghệ gồm: "Nâng cao chất lượng điểm du lịch tỉnh Bến Tre", đã được nghiệm thu và nhân rộng; “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với loại hình homestay kiểu mới tại Bến Tre” đang thực hiện.

Gần 40 lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch ngắn hạn được tổ chức cho các nhân sự phục vụ du khách trên địa bàn tỉnh Bến Tre và các tỉnh trong cụm liên kết như: Tập huấn nguồn nhân lực du lịch; tập huấn du lịch cộng đồng; lớp nâng cao kiến thức quản lý về du lịch; lớp sơ cấp nghiệp vụ bàn; tập huấn nghiệp vụ du lịch phục vụ trên phương tiện thủy nội địa; phương tiện đường bộ (xe ngựa) và đờn ca tài tử; lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và kỹ năng Nhà hàng - Khách sạn; lớp tập huấn du lịch biển, …

Đồng hành cùng với các doanh nghiệp lữ hành thực hiện nhiều cuộc khảo sát xây dựng điểm du lịch, chương trình du lịch tại Bến Tre và liên tỉnh. Hiện tại, các doanh nghiệp đang triển khai thực hiện 05 chương trình chính như sau:

+ Chương trình 1: TP.Bến Tre - Châu Thành, các xã ven sông Tiền.
Du thuyền trên sông Mekong qua cụm cù lao Long - Lân - Qui - Phụng, chèo xuồng trong rạch dừa nước, đi xe ngựa đường làng. Thưởng thức trái cây, trà mật ong, đờn ca tài tử, tham quan lò kẹo dừa, di tích Đạo Dừa tham quan vườn cây ăn trái.

+ Chương trình 2: Thành phố Bến Tre
Du thuyền trên sông Bến Tre, đi xe lam đường làng, chèo xuồng trên kênh rạch nhỏ. Tham quan lò gạch, cơ sở sơ chế trái dừa, lò kẹo dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ dừa, làng nghề dệt chiếu. 

+ Chương trình 3: TP.Bến Tre - Giồng Trôm - Ba Tri (Du lịch về nguồn)
Tham quan Khu tưởng niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng - bánh phồng Sơn Đốc; Di tích quốc gia đặc biệt Khu mộ và đền thờ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu; làng nghề rượu Phú Lễ; làng nghề đan đát Phước Tuy; Vườn chim Vàm Hồ và nhiều di tích, điểm đến khác.

+ Chương trình 4: TP.Bến Tre - Mỏ Cày Bắc - Chợ Lách
Tham quan sản phẩm du lịch TP.Bến Tre; di tích lịch sử căn cứ khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Y4); làng nghề hoa kiểng và cây giống Cái Mơn, vườn cây ăn trái, nhà thờ cổ Cái Mơn lớn nhất vùng, nhà bia tưởng niệm nhà Bác học Trương Vĩnh Ký; các khu du lịch sinh thái và thưởng thức trái cây đặc sản theo mùa…

+ Chương trình 5: TP.Bến Tre - Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú
Du thuyền trên sông Thom - Mỏ Cày Nam tham quan làng nghề khai thác dừa, trải nghiệm chợ nổi dừa, chèo thuyền trong rạch, tham quan lò kẹo dừa, làm hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ dừa; Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Di tích Đồng Khởi; Nhà cổ Huỳnh Phủ - Đại Điền; Khu di tích lịch sử cách mạng đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam (Đường Hồ Chí Minh trên biển) trải nghiệm rừng ngập mặn và tắm biển phù sa, thưởng thức thủy hải.

+ Ngoài ra, Trung tâm cùng Doanh nghiệp xây dựng các tuyến liên kết Bến Tre - Mỏ Cày - Trà Vinh để tiếp nhận khách hai chiều trên tuyến các tỉnh ven biển. Trung tâm làm đầu mối liên kết doanh nghiệp địa phương ký hợp tác sử dụng dịch vụ lẫn nhau với doanh nghiệp của các tỉnh trong tiểu vùng cụm liên kết phía Đông ĐBSCL, Tp. Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Yên, …

Với sự nỗ lực song hành của các Doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đã đưa du lịch Bến Tre phát triển tốt, Du khách trong và ngoài nước biết đến thương hiệu du lịch "Sinh thái Sông nước Xứ dừa". Từ đó đã thu hút được lượng khách ngày càng tăng so với cùng kỳ. Nếu như năm 2010, lượng khách về Bến Tre đạt 500.000 lượt, thì đến năm 2015 đón 1.000.000 lượt, năm 2016 đón 1.153.075 lượt, năm 2017 đón 1.291.444 lượt, năm 2018 đón 1.472.000 lượt; Với lượng khách tăng đều hàng năm đạt 13/% năm đến 15%/năm so cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ khách du lịch năm 2015 đạt 700 tỷ đồng thì đến năm 2018 đạt 1.311 tỷ; Tăng bình quân hàng năm từ 23% đến 25%/năm. Phấn đấu đến năm 2020, khách du lịch đạt 1.800.000 lượt và doanh thu từ khách du lịch đạt 1.890 tỷ đồng./.
Lê Luông

Đoàn kiểm tra 793 Tỉnh ủy làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch việc lãnh đạo, triển thực hiện Chương trình hành động 22-CTr/TU, Chỉ thị 11/CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Chiều ngày 8/8/2019, Ông Bùi Quang Triệu - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre cùng Đoàn kiểm tra 793-QĐ/TU của Tỉnh ủy về việc thành lập đoàn kiểm tra và Kế hoạch số 164-KH/TU ngày 17/4/2019 kiểm tra đối với Đảng ủy Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở VHTTDL) việc lãnh đạo, triển khai thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Tỉnh Ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII gắn với Chỉ thị số 11-CT/TU của Ban Thường Vụ Tỉnh ủy.
Quang cảnh buổi làm việc- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp
Trong quá trình hoạt động, Sở VHTTDL luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, từng bước nâng chất lượng hoạt động trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đảng ủy và Ban giám đốc Sở VHTTDL có sự thống nhất trong công tác lãnh, chỉ đạo đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tổ chức thực hiện tốt Chương trình hành động và Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. 

Đối với Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Sở VHTTDL đã tham mưu ban hành kế hoạch thực hiện số 4753/KH-UBND ngày 09/10/2017 của UBND tỉnh; Sở VHTTDL tiếp tục lập Kế hoạch số 60/KH-SVHTTDL ngày 09/01/2018 về thực hiện Kế hoạch số 4753/KH-UBND của UBND tỉnh; Quyết định số 887/QĐ-UBND ngày 26/4/2018 cảu Ủy ban nhân dân tỉnh vể kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh và Quyết định số 1057/QĐ-BCĐPTDL ngày 21/5/2018 của Trưởng ban Phát triển du lịch phê duyệt Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Đối với Chỉ thị số 11-CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy; xây dựng phong cách, phẩm chất, đạo đức, văn hóa con người và triển khai, tổ chức thực hiện các tiêu chí xây dựng đội ngũ đảng viên, công chức, viên chức trong ngành phát triển toàn diện. Xây dựng môi trường làm việc thân thiện, hài hòa, tạo bầu không khí làm việc năng động, cởi mở, chân tình, khoa học, chuyên nghiệp, an toàn để đảng viên, CC,VC, NLĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Qua báo cáo của Đ/c Trương Quốc Phong - TUV- Giám đốc sở VHTTDL về nội dung thực hiện, kết quả đạt được và sự hạn chế của việc thực hiện; các thành viên Đoàn kiểm tra đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực. 

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Quang Triệu yêu cầu cần báo cáo đậm nét tình hình khó khăn, vướng mắc trong kinh phí cũng như trong điều kiện triển khai thực hiện nhiệm vụ chính Trị. Trong thời gian tới tham mưu đề xuất nguồn vốn cho sự nghiệp Văn hóa và Du lịch riêng; kiện toàn lại tổ chức, bộ máy của BGĐ Sở và Ban thường vụ Đảng ủy Sở để bổ khuyết; tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong phát triển du lịch; cần có giải pháp tìm sân chơi cho du lịch cộng đồng; quan tâm đầu tư tầm nhìn chiến lược cho phát triển kinh tế VHXH nhất là trong phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị. Sở cần quan tâm phát triển du lịch theo quy luật cung, cầu; phát triển trên nền tảng văn hóa Xứ Dừa để tạo thương hiệu cho du lịch tỉnh nhà./.
Lê Luông

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2019

Thông báo cuộc thi "Ảnh đẹp về Du lịch Sóc Trăng" năm 2019

Tìm hiểu thông tin và thể lệ cuộc thi "Ảnh đẹp về Du lịch Sóc Trăng" năm 2019 tại đây.