Thứ Tư, 22 tháng 1, 2020

Rực rỡ sắc hoa Cái Mơn mừng Xuân Canh Tý 2020

Mỗi dịp xuân về, Làng hoa kiểng Cái Mơn thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre lại nhộn nhịp, đây là địa điểm du lịch không thể bỏ qua mỗi khi Tết đến. Xuân cận kề, sắc hoa nơi đây lại thêm phần rực rỡ, không khí sôi động nhưng không kém phần nên thơ. Làng hoa kiểng Cái Mơn tập trung ở các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa, Phú Sơn, Long Thới, Hưng Khánh Trung B. Làng hoa Cái Mơn có diện tích khoảng 40ha với hơn 3.400 hộ trồng hoa kiểng phục vụ thị trường Tết. Trung bình mỗi năm, Cái Mơn cung ứng cho thị trường khoảng 4 triệu sản phẩm các loại.

Trong tiết trời se lạnh, làng hoa kiểng Cái Mơn như một bức tranh mang màu sắc của hàng trăm loại hoa, hương thơm ngát cả cùng trời. Chính vì thế, cứ đến tháng Chạp, nhiều du khách từ mọi nơi đến đây để tham quan, mua sắm các loại hoa, cây kiểng mang về để trang trí nhà cửa, tận hưởng không khí tươi vui, ngàn ngập màu sắc, lưu lại những bức ảnh lung linh mà chỉ có mùa xuân mới có thể tìm thấy tại nơi đây.
Hoa cúc ở làng Hoa cái Mơn nở rộ (Ảnh: B.T)
Ngoài các loại hoa như: mai vàng, cúc mâm xôi, vạn thọ, tắc kiểng, cẩm chướng, hoa giấy, hoa dừa cạn,… đang rất thu hút khách, nơi đây đặc biệt còn có các loại kiểng lá, kiểng thú được các nghệ nhân với kinh nghiệm và bàn tay tài hoa đã tạo hình rất công phu và tỉ mỉ như hình rồng, lục bình, hình 12 con giáp, hình lục giác, búp sen, thỏi vàng …rất sống động và cuốn hút, thu hút nhiều du khách, người dân và thương lái tìm đến mua. Cái Mơn còn có các vườn mai được các nghệ nhân uốn lượn rất độc đáo. Do đó, Làng hoa Cái Mơn - Chợ Lách được bình chọn là một trong những làng hoa rộng lớn, nhiều chủng loại đẹp nhất Việt Nam.
Mặc dù năm nay xâm nhập mặn sớm, người dân trồng hoa kiểng đã cố gắng cải thiện tình hình, cung cấp số lượng hoa đạt chất lượng để cho ra thị trường vào dịp Tết. Đối với những người dân nơi đây, trồng hoa phục vụ Tết vừa là niềm vui, vừa là công việc để tô thêm hương sắc cho mùa xuân thêm phần rực rỡ, họ là những người nông dân với đôi bàn tay khéo léo, bỏ ra những giọt mồ hôi công sức để làm nên những sản phẩm làm đẹp cho đời, cho chúng ta một cái Tết thật trọn vẹn và ý nghĩa.
Cây kiểng được tạo nhiều hình ấn tượng (Ảnh: XTDL)
Dùng hoa để trang trí nhà là một nét đẹp có từ lâu đời, rất được người dân coi trọng vì ai cũng muốn trang trí ngôi nhà sạch và đẹp hơn để đón khách vào dịp “Tết đến Xuân về” mang đến không khí ấm áp. Hoa được chọn phải có màu sắc rực rỡ, có hương thơm, tên gọi phải thật ý nghĩa. Vì vậy, hoa là vật không thể thiếu mỗi khi Tết đến. Thử một lần đặt chân đến Cái Mơn ngắm sắc hoa vào dịp nầy, chắc chắn sẽ là trải nghiệm không thể nào quên đối với du khách. Đến nơi đây, du khách cũng được tận hưởng không gian thơ mộng, hữu tình, yên bình tránh xa khói bụi nơi thành thị phồn hoa./.
Bảo Trâm

Nhớ món cá bống dừa kho tộ

Cứ mỗi khi có dịp được nghỉ vài ngày, mấy đứa con tôi nằng nặc đòi về quê nội miệt Bến Tre để thưởng thức món cá bống dừa kho tộ với nước dừa tươi. 
Món cá bống dừa kho tộ với nước dừa Bến Tre
Món ăn rất khó tìm kiếm ở chốn thị thành ngay cả ở các nhà hàng, quán ăn. Mẹ tôi kể: Không đâu có cá bống dừa ngon, săn chắc, thơm lừng, béo ngậy như ở Bến Tre.

Điều rất lạ là người ta không thể nuôi trong ao mương nhà như những loại thủy sản khác mà chỉ bắt chúng trên những mương rạch nước chảy xiết; nhiều bóng râm hay trong những bẹ của bập dừa nước.

Đặc biệt hơn, ở quê tôi muốn bắt chúng thì dùng mồi là con bà chằn (có nơi gọi là con lư) và dụng cụ bắt gọi là sà di (có nơi gọi là lọp, lờ…).

Cách chế biến cũng rất đơn giản với các nguyên liệu: cá bống dừa, nước màu, dừa xiêm, hành, tỏi, hạt nêm… dụng cụ nấu phải là chiếc ơ đất (tộ, nồi đất) mới có hương vị đặc biệt. Nhiên liệu nấu phải là củi than đước mới là đúng cách.

Mẹ tôi bắt đầu món này bằng cách làm sạch cá để ráo nước khoảng 10 phút, sau đó trộn cá với hành, tỏi, ớt, nước mắm… Sau 30 phút ướp cá, chúng được cho vào ơ đất và bắt đầu đun lên.

Lúc này mẹ tôi mới cho vào nồi một ít mỡ heo (không dùng dầu ăn) và trộn đều cá để chúng chín đều, thịt bắt đầu săn chắc rất đẹp mắt.

Công đoạn tiếp là cho tiêu hạt vào ơ đất để tạo mùi vừa cay, vừa thơm. Khoảng 15 phút sau thì cho nước dừa xiêm vào để cá thấm nước dừa vào thịt. Lúc này lửa được giảm xuống tối đa chỉ còn riu riu và 10 phút sau là nhấc xuống.

Món cá bống dừa kho tộ càng thêm ngon khi mẹ tôi cho thêm cù nèo, bông súng, đậu rồng… để chấm với nước cá.

Ngon. Chân chất. Dân dã. Đậm đà. Khó quên. Luôn gợi nhớ về cội nguồn. Đó là cảm giác của tôi cùng gia đình mỗi lúc về quê.
Tác giả: Phục Hưng
Nguồn: Thanhnien.vn

Đến Bến Tre thưởng thức ‘dừa béo dần’

Từ một vùng đất hoang vu, sông ngòi chằng chịt, qua quá trình khẩn hoang và chinh phục thiên nhiên của những người con xứ Dừa, đến nay, Bến Tre đã trở thành vùng đất trù phú “ruộng vườn màu mỡ biển thừa cá tôm”.

Ai đã đến Bến Tre một lần thì chắc chắn sẽ nhớ hoài về con người, về cảnh vật và cả những món ăn ngọt ngào thấm đẫm tình người nơi đây.

Từ những đặc sản từ dừa quen thuộc…
Nếu nói về các món ăn với dừa tại xứ dừa thì người Bến Tre có thể nói tối ngày vẫn chưa hết. Món ăn từ dừa là niềm tự hào của người dân nơi đây - vừa ngon miệng vừa mang hương vị đặc trưng mà không nơi nào có được.

Du khách đến Bến Tre chắc chắn không quên mang những đặc sản xứ dừa về làm quà tặng như bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, chuối đập, kẹo dừa, rượu dừa, bánh tráng sữa, mắm lóc chưng dừa… Có lẽ, biết ơn thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này loại đặc sản dừa và lòng trân trọng với tổ tiên - những người đã dày công hoang hóa để Bến Tre được như ngày nay, nên người dân Bến Tre đã tạo nên những đặc sản từ dừa bằng cả trái tim mình. Không phải chỉ Bến Tre mới có cây này, thế nhưng chọn món ăn từ dừa thì thực khách vẫn luôn chọn món ăn từ dừa của xứ Dừa và ưu ái dành những ngôn từ có cánh cho các đặc sản này.

… đến những món “dừa béo dần” ngon quên lối về
Bên cạnh các món đặc sản từ dừa làm quà biếu, khi đến Bến Tre, du khách thường tìm các món ăn được chế biến từ dừa để nếm mùi vị đặc trưng và hấp dẫn.

Tại Nhà hàng Nổi TTC Bến Tre, các món ăn truyền thống của quê hương Đồng Khởi được chế biến và nâng lên tầm cao mới bao gồm rất nhiều món “độc lạ” và luôn luôn được thực khách đánh giá cao về khẩu vị.

Các món ăn được chế biến hoặc có nguyên liệu chính từ dừa tại Nhà hàng Nổi TTC Bến Tre có thể kể đến là Chả giò dừa, Bánh xèo củ hũ dừa, Cháo dừa nấm mối, Cá lóc quay nước dừa, Gà ác tiềm trái dừa, Nấm mối xào lá cách cốt dừa, Cơm trái dừa, Lẩu mắm xứ Dừa, Tép rang dừa… Mỗi món một vị nhưng tất cả đều gây ấn tượng với thực khách theo những cách rất riêng.
Bánh xèo củ hũ dừa thơm béo ngọt ngào…
Nếu nhìn vào thực đơn của Nhà hàng Nổi TTC, thực khách sẽ choáng ngợp với danh sách đến 300 món ăn dân dã và đa phần là những món ăn gắn với dừa. Dù cùng có nguyên liệu chính từ dừa, thế nhưng, chưa thực khách nào cảm thấy “chán” khi thưởng thức bữa tiệc dừa nơi đây.
Lươn um dừa trái bí đỏ
Có dịp “ngoe nguẩy xuống Bến Tre” và khám phá ẩm thực “Dừa béo dần” tại Nhà hàng Nổi TTC Bến Tre, thực khách chắc chắn sẽ có những trải nghiệm ẩm thực thú vị và khó quên.

Tọa lạc ngay bờ sông Bến Tre thơ mộng với không gian 3 tầng, sức chứa lên đến 800 khách, bao gồm 7 phòng VIP và phục vụ các món ăn đặc trưng miền Tây, Nhà hàng Nổi TTC Bến Tre sẽ là điểm đến hấp dẫn cho thực khách khi đến với Bến Tre.

Nhà hàng nổi TTC Bến Tre
Địa chỉ: Công Viên Hùng Vương, đường Hùng Vương, phường 5, TP Bến Tre.
Điện thoại: 0275 3822 492.
Ngọc Quỳnh
Nguồn: http://thanhnien.vn

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2020

Tọa đàm Phát triển du lịch huyện Mỏ Cày Nam và 4 huyện Cù lao Minh

Hòa trong không khí vui tươi, phấn khởi của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đang nô nức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Bến Tre Đồng Khởi (17/01/1960 - 17/01/2020); 100 năm anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Nữ tướng Nguyễn Thị Định (15/3/1920 - 15/3/2020) và 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020) trên địa bàn tỉnh. Hôm qua, 12/1/2020 Huyện Mỏ Cày Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Phát triển du lịch huyện Mỏ Cày Nam và 4 huyện Cù lao Minh". Đây là một trong những hoạt động của Tuần lễ Văn hóa - Du lịch của huyện lần thứ I năm 2020.

Tại khu vực nhà truyền thống Đồng Khởi, xã Định Thủy huyện Mỏ Cày Nam diễn ra các hoạt động hội chợ thương mại, khu trưng bày sản phẩm OCOP của huyện, trưng bày triển lãm hàng nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, các trò chơi dân gian, các hoạt động hội thi, hoạt động văn nghệ hàng đêm,... đặc biệt là Ngày hội Quân - Dân bắt đầu từ ngày 12/01 đến 17/01/2020.

Tại buổi tọa đàm phát triển du lịch với sự chủ trì của ông Trương Quốc Phong, TUV - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Trần Duy Phương - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre; ông Võ Văn Út, Chủ tịch UBND huyện. Đến dự và chỉ đạo có Đ/c Bí thư Huyện ủy huyện Mỏ Cày Nam - Nguyễn Thị Hồng Nhung. 
Quang cảnh buổi tọa đàm
Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh cùng 8 công ty lữ hành du lịch trên địa bàn tỉnh đến dự và chia sẻ cùng hội nghị với những tiềm năng du lịch huyện và những điều cần thiết nhất để từng địa phương trong huyện nhận thấy rõ việc phát triển du lịch tại Mỏ Cày Nam là trung tâm của sự kết nối du lịch với chủ đề: "Một hành trình 4 điểm đến" trên Cù lao Minh. Mỏ Cày Nam còn là trung tâm điểm của tuyến du lịch nội tỉnh và ngoại tỉnh cả đường thủy và đường bộ; Mỏ Cày Nam với một tài nguyên du lịch đa dạng, trong đó có hai sản phẩm đặc trưng của tỉnh nằm tại Mỏ Cày Nam là Chợ Nổi Dừa và Di tích Quốc gia đặc biệt Đồng Khởi. Sản phẩm kết nối từ những làng hoa kiểng Chợ Lách đến Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam rồi về rừng ngập mặn Thạnh Phú; đây là một tour du lịch mang tên “Hành trình từ sông ra biển” tại quê hương Xứ Dừa.

Cù lao Minh đã hội tụ đủ những thế mạnh của du lịch Bến Tre như: Sinh thái sông nước Xứ Dừa, có vườn cây trái, có làng nghề hoa, kiểng, có làng nghề khai thác dừa, cơ sở có kẹo dừa, cơ sở hàng trang mỹ nghệ từ dừa, Di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, có nhà cổ, có rẩy dưa, vuông tôm, rừng ngập mặn,... Đặc biệt có Chợ nổi dừa mà cả nước không nơi nào có được. Với những lợi thế đó mà được sự chú ý của nhiều hãng lữ hành đã và đang xây dựng tour, tuyến, điểm để giới thiệu và phục vụ du khách. Đại biểu tham dự tọa đàm cũng cho rằng khi qui hoạch phát triển cần chú ý bến tàu, bến xe; phát triển du lịch cần quan tâm việc kết hợp với cộng đồng, đặc biệt là lấy dân làm gốc để cùng thực hiện và cùng thụ hưởng;...
Bí thư Huyện ủy  Nguyễn Thị Hồng Nhung phát biểu tại buổi Tọa đàm
Lãnh đạo UBND huyện, ông Võ Văn Út rất tâm huyết cho sự phát triển du lịch huyện nhà nói riêng và cho cụm Cù Lao Minh nói chung, góp phần cho du lịch Bến Tre phát triển theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ông cho rằng huyện phải xác định hành trình từ sông ra biển sẽ bắt đầu từ đâu để xây dựng sản phẩm? sự thống nhất cao việc xây dựng sản phẩm làm mô hình tham quan để từng bước mở rộng; việc qui hoạch phát triển du lịch sẽ tập trung trọng tâm, trọng điểm không tràn lan, sẽ quan tâm triệt để về môi trường phát triển du lịch và giao trách nhiệm từng bộ phận cụ thể để thực hiện./.
Lê Luông

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2020

Chuyển giao Cụm trưởng về liên kết phát triển du lịch phía Đông và Thành phố Hồ Chí Minh 2020

Ngày 27/12/2019 tại tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình liên kết phát triển du lịch Cụm phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tp.Hồ Chí Minh (HCM) lần II, bàn giao cụm trưởng giữa Đồng Tháp và Bến Tre để Bến Tre tiếp tục điều phối hoạt động Cụm năm 2020. 

Cụm liên kết phát triển du lịch phía Đông được hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2014 gồm 6 tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, Long An và Đồng Tháp. Bến Tre là Cụm trưởng đầu tiên và luân phiên hàng năm với các tỉnh trong cụm. Đến hẹn lại lên, qua 6 năm Bến Tre tiếp tục nhận Cụm trưởng lần II (năm 2020) với sự chứng kiến của lãnh đạo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và Sở VHTTDL, Sở Du Lịch của 7 tỉnh, thành (Trong đó có TP.HCM).
Quang cảnh hội nghị
Thời gian qua, du lịch ĐBSCL có sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách đến với vùng và doanh thu cũng tăng; trong đó Cụm phía Đông năm vừa qua đạt 12.460.241 lượt khách, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2018 và doanh thu đạt 5.667 tỷ đồng, tăng 62% so cùng kỳ năm 2018.

Chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch cụm phía Đông và TP.HCM đã thực hiện đạt hiệu quả thiết thực nhiều mặt như: Về công tác quản lý nhà nước, hàng năm đều xây dựng chương trình điều phối Cụm; thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về du lịch nhằm xây dựng những chính sách phát triển phù hợp từng địa phương. Về liên kết quy hoạch phát triển du lịch, kêu gọi đầu tư các dự án du lịch và các sản phẩm du lịch dựa trên Quyết định số 194/QĐ-BVHTTDL, ngày 23/01/2015 của Bộ VHTTDL về phê duyệt Đề án "Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL; dựa trên Quyết định số 2227/QĐ-TTg, ngày 18/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Về Liên kết xúc tiến, quảng bá du lich, Cụm cũng đã tham gia cùng Hiệp hội Du lịch ĐBSCL khảo sát xúc tiến thị trường Hàn Quốc; kết nối với Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên. Các tỉnh trong Cụm tham gia gian hàng chung gần 10 sự kiện Hội chợ, Hội nghị du lịch trong nước....
Ông Lê Thanh Phong, phát biểu điều hành hội nghị
Chương trình điều phối của Cụm phía Đông vào năm 2020, Bến Tre cũng đã trình bày nội dung tại hội nghị và được các tỉnh đóng góp các thỏa thuận hợp tác, liên kết, kế hoạch năm 2020. Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL là cốt lỏi của cơ chế điều hành; tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, chương trình hành động, đề án phát triển du lịch của Trung ương, địa phương; phối hợp với Bộ VHTTDL ban hành tiêu chí đánh giá tài nguyên du lịch để làm cơ sở công nhận khu du lịch cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Chương trình trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch; công tác quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia và xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; việc liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch các địa phương, ... tất cả đều được đặt ra trong năm 2020 phải có bước đổi mới phù hợp với điều kiện trong giai đoạn công nghệ thông tin bùng nổ. Việc liên kết nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch; việc hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch; việc kêu gọi đầu tư các dự án du lịch đặc thù từng địa phương,... Đó là những vấn đề được hội nghị quan tâm.

Vấn đề cần quan tâm là tổ chức sự kiện chung "Tuần lễ Du lịch Cụm mở rộng" luân phiên tổ chức hàng năm trong phạm vi 6 tỉnh trong cụm nhằm tạo điều kiện để các hãng lữ hành, các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài cụm (Đặc biệt là TP.HCM) kết nối sản phẩm. xây dựng tour, tuyến, điểm không trùng lắp và tạo nhiều sản phẩm phong phú khi đến với tour du lịch dài ngày tại khu vực phía Đông ĐBSCL. 
Nhận Cụm trưởng và Cụm phó năm 2020 của 2 tỉnh Bến Tre - Vĩnh Long
Vừa qua, hội nghị cấp cao của 13 tỉnh, thành ĐBSCL và TP.HCM đã tổ chức tại Bạc Liêu để ký kết hợp tác phát triển du lịch vùng ĐBSCL, đây là sự kiện nổi bật cấp vùng, được sự quan tâm của lãnh đạo 14 địa phương quyết tâm xây dựng Vùng du lịch Đồng bằng Tây Nam Bộ lên tầm cao mới để thế giới biết đến miền sông nước Cửu Long. Từ đó việc xây dựng ấn phẩm chung, video clip chung; việc tổ chức những đoàn Famtrip cho các nhà báo chí, các hãng lữ hành (Bắc, Trung, Nam) khảo sát nhằm xây dựng tour, tuyến, điểm chung của Cụm là vấn đề đặt ra trong chương trình điều phối để Bến Tre điều hành trong năm 2020 và những năm tiếp theo./.
Lê Luông