Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

Du lịch Ba Tri không ngừng phát triển

Ba Tri cách trung tâm thành phố Bến Tre 36km (khoảng 45 phút đi xe ô tô hoặc xe máy), nằm trên vùng đất Cù Lao Bảo của tỉnh Bến Tre, giữa 2 con sông Hàm Luông và Ba Lai, với đường bờ biển dài 12km, được thiên nhiên ưu đãi đất đai trù phú, nhiều sản vật cùng với nhiều di tích văn hóa - lịch sử, lễ hội và làng nghề truyền thống. Đặc biệt, ở đây còn lưu giữ loại hình nghệ thuật hát sắc bùa Phú Lễ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đã thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Hiện nay, huyện có 01 di tích văn hóa - lịch sử quốc gia đặc biệt (Di tích Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu), 04 di tích cấp quốc gia, 08 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước như: Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phú Lễ, di tích lịch sử văn hóa nhà ông Nguyễn Văn Cung và Ngã ba cây Da Đôi,… Đây là những di tích có tiềm năng để phát triển du lịch về nguồn, du khách có thể tìm hiểu về lịch sử gắn liền với từng di tích cùng với những câu chuyện lôi cuốn về những vị anh hùng và truyền thống cách mạng của người dân Ba Tri nói riêng và cả nước nói chung.

Huyện Ba tri là địa phương có nhiều lễ hội như: Ngày hội Truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre 01/7, Lễ Kỳ Yên ở đình Phú Lễ được tổ chức vào 18-19 tháng 3 âm lịch hàng năm cầu mưa thuận gió hòa mang đậm tính chất nền văn minh lúa nước, Ba Tri còn hấp dẫn du khách bởi lễ hội Nghinh Ông được tổ chức vào tháng 6 âm lịch hằng năm tại xã An Thủy, huyện Ba Tri mang nét truyền thống văn hóa của cư dân vùng biển, đánh bắt cá có một mùa bội thu.
Di tích Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu (ảnh sưu tầm)
Ba Tri còn được tỉnh công nhận 5 làng nghề thủ công truyền thống gồm: làng nghề bánh phồng Phú Ngãi, làng nghề chế biến rượu Phú Lễ, làng nghề đan đát Phước Tuy, làng nghề sản xuất muối Bảo Thạnh, làng nghề chế biến cá khô An Thủy, đang được du khách đến khám phá, thưởng thức và trải nghiệm. Phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống đang là hướng đi đầy triển vọng của du lịch Bến Tre, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như lưu giữ nét truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay. Đặc biệt, phát triển du lịch nông nghiệp là hướng đi bền vững của Bến Tre trong tương lai.

Về du lịch sinh thái, huyện Ba Tri hiện có Sân chim Vàm Hồ (thuộc xã Tân Mỹ), tại đây mang đậm nét hoang sơ của hệ sinh thái rừng ngập mặn, là nơi sinh sống của trên 100 loài chim, các loài bò sát và thủy sản. Điểm du lịch này thu hút nhiều du khách đến tham quan, khám phá, nghĩ dưỡng, vui chơi. Đến đây, du khách có thể hít thở không khí trong lành, tham quan đường rừng, tìm hiểu tập quán và sinh sống của các loài chim, thưởng thức các món ăn đặc sản như: cá lóc nướng trui, cháo gà xé phay, cá kho tộ,… tại Khu du lịch Hải Vân thuộc Sân Chim Vàm Hồ.

Với việc thiên nhiên ưu đãi cho Ba Tri có đường bờ biển dài 12km (có 2 bãi biển Cồn Hố - xã An Thủy và Cồn Ngoài - xã Bảo Thuận), để khách du lịch đến tham quan 02 bãi biển này huyện đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng như: Xây dựng bờ kè dọc theo bãi biển Cồn Ngoài đã hoàn thành hơn 200m, dự kiến kéo dài 01km với kinh phí khoảng 41 tỷ đồng, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về việc ứng phó với biến đổi khí hậu hoàn thành tuyến đường khoảng 3,5km từ ngã ba Cầu Ngang đến Cồn Ngoài. Việc đầu tư này, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm bãi biển Cồn Ngoài nhiều hơn.
Bãi biển Ba Tri (ảnh XTDL)
Với những sản phẩm du lịch đa dạng hiện có của Ba Tri, các doanh nghiệp lữ hành khai thác các chương trình tham quan hiện có tại huyện Ba Tri, như: Tham quan các di tích văn hóa - lịch sử; tham quan bãi biển Cồn Ngoài và thưởng thức hải sản biển tươi sống; khám phá vườn chim Vàm Hồ; tìm hiểu công trình kiến trúc nghệ thuật đình Phú Lễ, kết hợp trải nghiệm làng nghề truyền thống, tạo nên sự đa dạng sản phẩm du lịch về với vùng đất Ba Tri.
Sân chim Vàm Hồ (ảnh sưu tầm)
Trong thời gian tới, huyện cần có giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả trong phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế của địa phương, như:

1. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để "Mỗi người dân địa phương là một hướng dẫn viên du lịch" nhằm giải quyết việc làm và cải thiện đời sống người dân để góp phần kinh tế huyện ngày càng phát triển.

2. Thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch như: Khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu vui chơi, mua sắm… phù hợp theo hướng bền vững và có hiệu quả để kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

3. Đẩy mạnh phát triển du lịch biển cần khai thác phù hợp tài nguyên sẵn có, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Liên kết hợp tác du lịch với các địa phương khác, xây dựng tour, tuyến kết hợp như: Thành phố Bến Tre - Giồng Trôm - Ba Tri, Ba Tri - Bình Đại, tour về nguồn, tour kết hợp du lịch tâm linh, sinh thái, làng nghề… đa dạng loại hình du lịch, phù hợp với thị hiếu của du khách.

4. Tăng cường công tác thông tin xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch, hình ảnh Đất và người Ba Tri đến công chúng bằng nhiều hình thức như: làm ấn phẩm, video, clip du lịch để tham gia Hộii chợ, tuyên truyền trên các mạng thông tin truyền thông

Với tiềm năng sẵn có cùng với sự đồng lòng của chính quyền địa phương và người dân, cùng những sản phẩm du lịch đặc thù và đa dạng du lịch Ba Tri sẽ tạo nên nét riêng biệt nhằm thu hút khách đến ngày đông./.
Bảo Trâm

Du lịch Bến Tre năm 2019 - năm 2020

Sau 2 năm thực hiện Kế hoạch 4573/KH-UBND, ngày 09/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU, ngày 20/7/2017 của Tỉnh ủy Bến Tre thực hiện Nghị quyết 08-NQ-TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính Trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020. Bên cạnh đó cũng là thời điểm sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020. Ngành Du lịch Bến Tre đã có bước chuyển biến tích cực; từng bước có một vị trí du lịch quan trọng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và trên cả nước nói chung.

Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cùng các ban, ngành và sự tham gia nhiệt tình của các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đưa du lịch Bến Tre trong năm 2019 tăng tốc để bứt phá về đích vào năm 2020 thành ngành kinh tế quan trọng và định hướng đến năm 2030 sẽ trở thành kinh tế mũi nhọn theo cả nước. Nếu năm 2015, Du lịch Bến Tre thu hút được 1 triệu lượt khách và tổng thu từ khách du lịch gần 700 tỉ đồng. Giai đoạn đến năm 2018 lượng khách tăng bình quân hàng năm đạt 13%/năm; doanh thu tăng bình quân tăng đạt 23%/năm so cùng kỳ năm trước. Riêng năm tăng tốc 2019 lượng khách đến Bến Tre là 1.882.025 lượt, tăng 20% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 796.186 lượt, chiếm 42,3%. Doanh thu từ khách du lịch năm 2018 là 1.329 tỷ đồng, năm 2019 là 1.791 tỷ đồng, tăng 34% so cùng kỳ. Đó là con số ấn tượng của năm tăng tốc 2019.

Bến Tre là tỉnh có điều kiện phát triển du lịch lý tưởng cho các nhà đầu tư khi có cầu Rạch Miễu, Cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên; giúp Bến Tre nối liền mạch giao thông với các tỉnh duyên hải phía Đông ĐBSCL; việc kết nối với sân bay TP.HCM và Cần Thơ là hết sức thuận lợi. Nếu cầu Đại Ngãi qua sông Hậu và cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành xong thì cả các tỉnh duyên hải của ĐBSCL cũng sẽ qua tuyến nầy, đồng thời Bến Tre trở thành trung tâm điểm vùng duyên hải Đông và Tây của ĐBSCL; lúc bấy giờ sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư du lịch về với Bến Tre. Thật vậy! hiện nay các dự án hạ tầng giao thông du lịch đã hoàn thiện 70% trên toàn tỉnh. Dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cũng được đẩy mạnh; toàn tỉnh đã thu hút 27 dự án với tổng mức đầu tư 3.110 tỷ đồng. Đến năm 2019 các dự án đã triển khai thực hiện 1.497 tỷ đồng; đạt 48% so tổng mức đầu tư. Trong đó có dự án vừa kinh doanh vừa đầu tư; có dự án đang đầu tư và có dự án đang chờ chủ trương đầu tư; ngoài ra có nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu để đầu tư phát triển du lịch.
Khách nước ngoài thưởng thức dừa Bến Tre trong chuyến hành trình về quê hương xứ Dừa
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và cơ sở dịch vụ du lịch cũng phát triển khá tốt; trong năm 2019, công ty lữ hành tăng thêm 5 đơn vị, nâng tổng số lên 31 công ty lữ hành. Cơ sở lưu trú tăng thêm 8 cơ sở, nâng tổng số lên 79 cơ sở với 1.455 phòng; trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 3 khách sạn 3 sao và 4 khách sạn 1 sao cùng nhiều khách sạn đạt chuẩn phục vụ du khách. Cơ sở ăn uống tăng thêm 21 cơ sở; nâng tổng số lên 129 cơ sở ăn uống với 34.000 chỗ ngồi. Khu, điểm du lịch tăng thêm 2 điểm, nâng tổng số lên 48 khu, điểm du lịch.

Du lịch "Sinh thái sông nước xứ dừa" là thương hiệu không trùng lấp trong vùng ĐBSCL cũng như cả nước; với những sản phẩm đặc trưng như dừa xiêm xanh, bưởi da xanh có chỉ dẫn địa lý; rừng dừa trên 70.000 hét ta diện tích dừa các loại, chiếm 1/2 dừa cả nước; với sông ngòi chằn chịt trong hệ sinh thái 4 cửa hạ nguồn của dòng sông Mekong (Sông Cửu Long); với trên 33 ngàn hét ta diện tích vườn cây ăn trái đã cho trái quanh năm với mùa nào trái ấy nhằm phục vụ khách du lịch; với các làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử cách mạng phong phú; Chợ nổi Dừa độc nhất vô nhị bên các làng nghề khai thác dừa trên dòng sông Thom ... Tất cả đã vẽ lên bức tranh nhiều màu sắc của quê hương Xứ Dừa.
Du khách trải nghiệm xuồng chèo trong rạch nhỏ rợp bóng dừa nước
Từ đó, sản phẩm du lịch Bến Tre với nhiều loại hình phong phú và hấp dẫn như: Trải nghiệm sông nước xứ dừa, tham quan di tích lịch sử - văn hóa, trải nghiệm du lịch homestay với cộng đồng, du lịch nông nghiệp kết hợp công nghệ cao, du lịch làng nghề, du lịch biển, trải nghiệm rừng ngập mặn, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí,…. Hiện Bến Tre đang xây dựng Làng văn hóa Du lịch Chợ Lách gắn với các làng nghề hoa kiểng cây giống, đây cũng là sản phẩm trong chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) nhằm kích cầu sản xuất và nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp gắn với việc phục vụ khách du lịch.

Nguồn nhân lực trong phát triển ngành du lịch đóng một vai trò rất lớn, với sự nổ lực của người quản lý du lịch, người làm du lịch và cộng đồng tham gia du lịch đã góp sức trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du khách. Năm 2019 Sở VHTTDL đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch, kỹ năng trong du lịch,... tổng số 8 lớp với 450 học viên là cán bộ quản lý du lịch, người lao động tại các cơ sở, hộ cá thể, chủ doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại các địa phương trong tỉnh. Đến nay toàn tỉnh có 5.500 lao động trong ngành du lịch, trong đó lực lượng qua đào tạo chiếm 62%.
Đại sứ du lịch Bến Tre - hoa hậu trái đất Nguyễn Phương Khánh ký kết hợp tác truyền thông,
quảng bá du lịch Bến Tre
Năm qua, công tác tổ chức các sự kiện về du lịch như Hội thảo, chương trình du lịch và liên hoan ẩm thực Nam bộ trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Dừa lần V năm 2019 tại Bến Tre; phối hợp với các tỉnh liên kết trong Cụm phía Đông ĐBSCL tham gia 6 cuộc hội chợ triển lãm trên toàn quốc; phát hành trên 30 ngàn ấn phẩm các loại của tỉnh và doanh nghiệp; đăng tải trên 60 bài viết về đất và người Bến Tre lên các hệ thống truyền thông đại chúng; tổ chức cuộc thi logo và logan về du lịch Bến Tre; tổ chức cuộc thi ảnh đẹp Bến Tre; tổ chức cuộc thi mẫu quà tặng Bến Tre; hỗ trợ huyện Thạnh Phú và huyện Mỏ Cày Nam tổ chức 2 cuộc hội thảo phát triển du lịch "Từ sông ra biển tại Cù Lao Minh" ,... Qua đó du khách trong và ngoài nước đã biết đến Bến Tre nhiều hơn, đặc biệc là tăng được sự nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức; đặc biệt là cộng đồng dân cư về sự phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.

Du lịch Bến Tre với tinh thần bứt phá về đích trong năm 2020 theo sự chỉ đạo chung của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Bến Tre nhằm phát huy những thành quả đạt được trong việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh du lịch thuận lợi, bình đẳng theo qui định của pháp luật. Xây dựng chiến lược phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045; tăng cường mối liên kết hợp tác với các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là với vùng ĐBSCL để mở rộng liên kết vùng, liên kết miền trong phát triển du lịch.

Việc áp dụng công nghệ 4.0 trong phát triển du lịch là vấn đề đặt ra ở năm 2020, Bến Tre thực hiện bản đồ số ứng dụng công nghệ du lịch thông minh nhằm phục vụ du khách tốt hơn trong việc giúp du khách tìm kiếm và tiếp cận với sản phẩm du lịch tại Bến Tre. Mục tiêu thu hút du khách đến với Bến Tre đạt 2.126.000 lượt, tăng 13% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 957.000 lượt chiếm 45%. Doanh thu từ khách du lịch đạt 2.221 tỷ đồng, tăng 24% so cùng kỳ. Đây là con số mà ngành du lịch Bến Tre phải phấn đấu trong năm 2020. 

Để đạt được mục tiêu trên cần phải tuyên tuyền, nâng cao thêm nhận thức đến các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư về Luật Du lịch 2017 và các văn bản qui phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch 4573/KH-UBND, ngày 09/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU, ngày 20/7/2017 của Tỉnh ủy Bến Tre về thực hiện Nghị quyết 08-NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020./.
Lê Luông

Đưa kho báu văn hoá nhân văn của vùng đất Xứ Dừa vào hoạt động khai thác du lịch

Văn hóa là nguồn nguyên liệu để hình thành nên hoạt động du lịch, tức là nói đến vật hút, đối tượng hưởng thụ của du khách. Theo quan niệm của ngành du lịch, người ta xếp các thành tố văn hóa vào tài nguyên nhân văn gọi chung là di sản văn hoá, cụ thể là: các di tích lịch sử - văn hóa, ẩm thực, lễ hội, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, văn học - nghệ thuật, các công trình kiến trúc, ngành nghề truyền thống…

Cùng với tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa là một trong những điều kiện đặc trưng cho việc phát triển du lịch của một địa phương. Giá trị của những di sản văn hóa cùng với các thành tựu kinh tế, chính trị, xã hội là đối tượng cho cho du lịch khai thác và sử dụng. Những tài nguyên này không chỉ tạo ra môi trường và điều kiện cho du lịch phát sinh và phát triển, mà còn quyết định quy mô, thể loại, chất lượng và hiệu quả của hoạt động du lịch. Đó chính là tài nguyên du lịch, là sản phẩm du lịch.

Bến Tre là vùng đất của những sắc màu văn hoá vô cùng độc đáo. Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, Bến Tre hiện nay vẫn còn lưu giữ một bề dày giá trị nhân văn từ thuở các bậc tiền nhân thời kỳ đầu đi mở cõi. Cùng với những sắc thái riêng, đặc trưng của vùng sông nước hữu tình, con người phóng khoáng, đất đai trù phú của quê hương xứ dừa tạo nên một Bến Tre quá đổi thân thương. 

Hiện nay, Bến Tre có hơn 50 di tích cấp tỉnh, 16 di tích cấp quốc gia và 02 di tích quốc gia đặc biệt với các loại hình được công nhận về kiến trúc nghệ thuật, lịch sử cách mạng. Cùng tồn tại với thời gian, có vị trí quan trọng trong đời sống của người dân. Hoạt động du lịch góp phần giới thiệu giá trị nền văn hóa độc đáo thông qua chương trình thông tin xúc tiến bằng những ấn phẩm quảng cáo, pano, áp phích, thông tin trên các mạng truyền thông đại chúng, hội nghị, hội chợ triễn lãm… Các loại hình du lịch văn hoá Bến Tre được định hình và phát triển cả thành thị lẫn nông thôn như: du lịch di sản, du lịch lễ hội, du lịch ẩm thực, du lich nông nghiêp, du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, du lịch MICE… Trong đó có những loại hình nằm trong hệ thống di sản phi vật thể có giá trị văn hoá tinh thần chẳng hạn như đờn ca tài tử, hát sắc bùa Phú Lễ, tìm hiểu làng nghề truyền thống địa phương.

Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc được công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”
(ảnh Nguyễn Sự)
Chỉ mấy con đom đóm lặp loè ẩn mình trên những hàng bần bên bờ sông về đêm, chiếc xuồng ba lá lạch cạch len lỏi khắp các rạch dừa nước hay một rừng dừa, một cái chợ lạ lùng không đâu có được chỉ đơn giản với tên gọi "chợ nổi Dừa" trên dòng sông Thom có một không hai trên đất nước Việt Nam đã hút hồn biết bao du khách. Không cần tiềm kiếm đâu xa, đây chính là khơi nguồn tạo nên nhiều sản phẩm du lịch văn hoá nhân văn gắn liền những phong tục tập quán, truyền thuyết, những giai thoại dân gian, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống… 

Chương trình tham quan tại Bến Tre rất phong phú phù hợp với nhiều đối tượng khách khác nhau. Chẳng hạng, khi du khách qua cầu Hàm Luông, nhìn từ trên cao có thể thấy xung quanh bao quát một bức tranh của rừng dừa hiện lên; Tham quan cơ sở làm chổi cọng dừa; Tham quan làng nghề kẹo dừa; Tham quan cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa. Lênh đênh trên sông Cái Cấm, ra sông hàm Luông vào sông Mỏ Cày bằng tàu. Du khách có thể tản bộ trong vườn dừa, tham quan nhà dân, xem người dân leo dừa, thưởng thức nước dừa xiêm, mứt dừa... Thưởng thức món ăn miệt vườn thứ thiệt như cá bóng kho tiêu, canh chua cá ngát… Tất cả tạo nên nét rất riêng hay nói khác hơn đó chính là cốt lõi tạo nên sự hấp dẫn thu hút du khách đến với Bến Tre mà không đâu có được với những tuyến về biển hay tuyến về vương quốc cây giống, hoa kiểng, cây ăn trái… Du khách sẽ tiếp cận những giá trị tài nguyên du lịch khác nhau.

Với kho tàng giá trị văn hóa như vậy, Bến Tre  rõ ràng có nguồn tài nguyên nhân văn đa dạng và phong phú, đặc sắc để phát triển du lịch. Vấn đề ở đây là phải biết phân loại các giá trị văn hóa để đưa vào khai thác, sử dụng, phục vụ cho phát triển du lịch. Nếu việc phân loại những giá trị văn hóa được thực hiện tốt, thì các nhà kinh doanh du lịch sẽ dễ dàng lựa chọn từng loại hình để lồng ghép vào chương trình du lịch. Mặt khác, các nhà hoạch định chiến lược, quy hoạch du lịch sẽ xác định chuẩn mực các tuyến, điểm du lịch để xây dựng dự án cụ thể, kêu gọi và thu hút vốn đầu tư. Từ đó tạo cơ sở cho những người làm công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tiến hành các hoạt động chuyên môn có hiệu quả, đẩy mạnh tốc độ phát triển của ngành du lịch.

Mặc dù văn hóa có một vai trò vô cùng quan trọng để phát triển du lịch nhưng du lịch không phải là sản phẩm thụ động của văn hóa. Du lịch có những tác động trở lại văn hóa. Hoạt động du lịch không chỉ đẩy mạnh quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá, mà sự phát triển nó còn tác động trực tiếp và gián tiếp đến việc chấn hưng và bảo tồn các di sản, đồng thời tôn vinh giá trị của văn hóa. Doanh thu từ hoạt động du lịch bằng việc khai thác di sản văn hóa được sử dụng một phần cho việc tu bổ di tích, chỉnh lý các bảo tàng, đồng thời khôi phục và nâng chất nhiều làng nghề truyền thống như bánh tráng, bánh phồng, đan đát, nghề làm lu, nghề làm nón, làm muối, làm khô… biến chúng trở thành hàng hóa bán cho khách tham quan. Hơn nữa, đối với các giá trị văn hóa phi vật thể, hoạt động du lịch trong thời gian qua đã phục hồi và làm sống lại những lễ hội dân gian, văn nghệ dân gian, sinh hoạt tín ngưỡng… phục vụ du khách. 

Chính vì vậy, giữa văn hoá và du lịch luôn tồn tại mối quan hệ tương hỗ hữu cơ trong hoạt động bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá và trong đó chính sự phát triển của du lịch đóng vai trò là một ngành kinh tế. Văn hoá du lịch chính là sản phẩm của quá trình hội nhập toàn cầu hoá hiện nay nên việc phát triển du lịch cũng rất cần có sự phối hợp của nhiều ngành, trong đó ngành văn hoá có vị trí rất quan trọng. Ngành du lịch phát triển sẽ tạo điều kiện cho du khách tiếp cận với các giá trị văn hoá, nhưng nếu du lịch chỉ khai thác mà không chú trọng đến việc bảo tồn, gìn giữ các di sản, gìn giữ môi trường thì các giá trị văn hoá dễ dàng xuống cấp. Vì vậy, phát huy kho báu văn hoá nhân văn để ngành du lịch phát triển là hướng đi lâu dài và là nền tản bởi "văn hoá là du lịch và du lịch là văn hoá"./.
Thanh Tâm

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch trực tuyến tại Bến Tre

Dịch vụ trực tuyến là công nghệ liên quan quan đến internet, đã có tác động đến ngành du lịch một cách đầy bất ngờ do sức ảnh hưởng cực kỳ lớn đến sự lựa chọn và đưa ra quyết định cho du khách khi lựa chọn điểm đến, khách sạn, nhà hàng,… bao gồm giá cả. Chính vì thế, làm chủ dịch vụ trực tuyến thông qua nền tảng internet sẽ trở thành một thành phần không thể bỏ qua cho chiến lược phát triển du lịch trong thời gian sắp tới. 

Trước xu thế nền công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tỉnh Bến Tre đang rất chú trọng ưu tiên đưa sự linh hoạt của công nghệ vào hoạt động lĩnh vực du lịch. Lấy lợi thế về hệ sinh thái độc đáo hội tụ ba yếu tố: ngọt, mặn, lợ tạo nên sự đa dạng sinh học về giống loài, bên cạnh đó “văn hóa xứ dừa” luôn tạo nên điểm nhấn thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đây sẽ là cơ hội thuận lợi để Bến Tre quảng bá hình ảnh và thông tin đến nhiều du khách, hứa hẹn tạo ra nhiều bước đột phá về dịch vụ trực tuyến. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn mang lại nhiều khó khăn tiềm ẩn kèm theo nhiều rủi ro kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch.

Thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho thấy trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm các thông tin về du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần. Trong đó, mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt. Năm 2019, Việt Nam sở hữu 61 triệu người dùng Internet, trung bình người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng Internet trên thiết bị di động như điện thoại thông minh (smartphone). Vào những tháng du lịch hè cao điểm, số lượt tìm kiếm có thể lên đến 8 triệu lượt, một con số vô cùng ấn tượng. Tại báo cáo của Google và Temasek, quy mô Du lịch trực tuyến Việt Nam sẽ đạt 9 tỷ USD vào năm 2025. Theo đó, các OTAs (đại lý du lịch trực tuyến) thương hiệu toàn cầu như Agoda.com, booking.com, Traveloka.com, Expedia.com (bao gồm Trivago.com, hotel.com) đang độc chiếm thị trường Việt Nam, với 80% thị phần. 

Thuận lợi
- Nhìn vào bức tranh tổng quát, năm qua ngành du lịch của Việt Nam đang phát triển vượt bậc. Điển hình như: Điểm đến hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019… Đây là những giải thưởng rất đáng tự hào, góp phần khẳng định vị thế du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Riêng Bến Tre, qua các năm đều nằm trong top điểm đến tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể lượng khách doanh thu qua các năm đều có sự gia tăng ổn định, ngành dịch vụ du lịch trực tuyến ngày càng được đầu tư với nhiều hình thức đa dạng. Theo thống kê, Bến Tre đã và đang thực hiện tốt các khâu quảng bá hình hình rộng rãi qua các website và nhiều trang mạng xã hội khác như youtube, facebook, … ngoài ra còn có một số trang fanpage như: Du lịch Bến Tre, Bến Tre Quê Tôi,… hoạt động rất hiệu quả. 

- Hầu hết các doanh nghiệp du lịch Bến Tre đã chủ động tham gia vào các website du lịch OTAs nước ngoài như agoda.com, booking.com, expedia.com,… giới thiệu lượng lớn các sản phẩm phong phú kèm thông tin cụ thể về thời điểm, giá cả, dịch vụ trên website của họ. Tạo sự bình đẳng và cơ hội cạnh tranh cho các doanh nghiệp thông qua các tiện ích trực tuyến như đặt chỗ, đặt chuyến, đổi, xuất vé và thanh toán. 

- Đã bắt đầu chú ý đến nhân sự công nghệ thông tin, đặc biệt chú trọng khâu ứng dụng phát triển rất tốt. Các nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch, homestay… từng bước tham gia sâu vào du lịch trực tuyến bằng việc chuyển đổi số, số hóa dữ liệu. Việc số hóa sẽ giúp thống nhất khối dữ liệu du lịch khổng lồ đang tản mát để các thành phần cùng khai thác, qua đó tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ du lịch nhờ khả năng cá nhân hóa xu hướng, nhu cầu của du khách. Số hóa hệ thống dữ liệu du lịch không chỉ giúp chủ động cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu về điểm đến của du khách. Thông qua thiết bị thông minh hướng tới đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quảng bá.

- Không tham gia vào bán hàng trực tuyến tuy nhiên về phía quản lý nhà nước chuyên trang du lịch cũng góp phần đưa hình ảnh và truyền tải nội dung chính thống, đảm bảo nhu cầu tra cứu, tìm kiếm thông tin du lịch của du khách nhanh chống đặc biệt là các sự kiện góp phần thu hút chú ý lượng người theo dõi, độ tin cậy cao như: http://dulich.bentre.gov.vn, http://svhttdl.bentre.gov.vn.

Khó khăn 
- Nền tảng công nghệ đã hỗ trợ rất nhiều cho phát triển du lịch Bến Tre. Các công ty du lịch đều hướng tới để có công cụ tốt nhất, hỗ trợ khách tìm được sản phẩm, dịch vụ nhanh nhất. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ vấn đề du lịch trực tuyến nên vẫn còn nhiều người quan điểm sai lệch chỉ đơn thuần xây dựng một trang mạng xã hội, một ứng dụng trên di động hay website là đã làm chủ công nghệ. Mà còn phải tính đến nhiều yếu tố làm sao đó để thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm, tham gia tương tác để nhiều người cùng biết đến.

- Còn nhiều doanh nghiệp trong tỉnh vẫn chưa nắm bắt và tận dụng được những cơ hội làm ăn trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. Còn thụ động trong việc tiếp cận thị trường trực tuyến nên chưa khai thác tối đa nguồn khách nhất là nguồn khách quốc tế. 

- Việc thực hiện số hóa hoàn toàn các dữ liệu du lịch tại Bến Tre cần phải có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều ngành khác như: an ninh, vận tải, y tế, thương mại… Sản phẩm du lịch được hợp thành bởi một chuỗi cung ứng dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng tới khu vui chơi giải trí, điểm tham quan… nên việc thu thập thông tin chưa đồng bộ.

- Việc quảng bá sản phẩm còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa quan tâm nhiều đến loại hình quảng bá trực tuyến. Một số địa phương cũng đã có đầu tư website riêng tuy nhiên để đáp ứng thông tin về mục đích tìm kiếm cho du khách còn hạn chế. Mặt khác, các thông tin còn nghèo nàn, thiếu đổi mới, chưa tương tác phản hồi từ khách du lịch nên không thu hút được nhiều lượng truy cập cũng như sự quan tâm của đối tượng khách mới.

- Hiện nay, tỉnh Bến Tre nói chung và các tỉnh khách nói riêng vẫn còn lúng túng về quy định du lịch trực tuyến nên gây khó khăn trong quản lý và hướng dẫn. Bên cạnh đó, công tác đào tạo dành riêng cho lực lượng công nghệ vừa đáp ứng chuyên môn công nghệ vừa thỏa các điều kiện nghiệp vụ du lịch rất yếu và thiếu. Nguồn vốn đầu tư công nghệ còn khiêm tốn, chưa dám mạnh dạng thay đổi hình thức kinh doanh nên chưa khai thác được nguồn khách trực tiếp bán hàng trực tuyến.

- Sân chơi dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch với hy vọng tạo sự đổi mới trong hoạt động kinh doanh du lịch tại Bến Tre vẫn chưa có nên việc trao đổi thông tin còn rời rạc, chưa tạo được mối quan hệ liên kết giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp, quản lý nhà nước với doanh nghiệp và người dân những người gián tiếp tham gia vào hoạt động du lịch với doanh nghiệp. 

Từ những nhận định thuận lợi và khó khăn hiện nay, đặt biệt trong năm 2020 dự đoán sẽ là năm khó khăn cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng khi nền kinh tế đang có dấu hiệu giảm sút do dịch bệnh đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Điều này chắc chắn nhu cầu về đi du lịch sẽ giảm về lượng khách cũng  như doanh thu. Tuy nhiên, không vì vậy mà ngành du lịch chịu dặm chân tại chỗ mà ngay bây giờ chính là thời gian để cùng nhau tìm hướng đi mới mà ở đó công nghệ từ dịch vụ trực tuyến sẽ đóng vai trò tiên phong tạo nên bước đột phá đầy ngoạn mục:

- Tại diễn đàn du lịch trực tuyến trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội đã cho thấy 71% du khách quốc tế tới Việt Nam tham khảo thông tin điểm đến trên internet và 64% đặt chỗ, mua dịch vụ trực tuyến. Điều này cho thấy, thói quen tiêu dùng của du khách đang phụ thuộc nhiều vào công nghệ và đây chính là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch dễ dàng nắm bắt nhu cầu thật sự của du khách, từ đó cung cấp sản phẩm đúng, trúng tới từng đối tượng khách hàng mục tiêu. Song song đó, qua tìm hiểu khách du lịch thường bắt đầu nghiên cứu hành trình du lịch của mình qua thiết bị di động và Google chính là công cụ tìm kiếm ưa thích. Như vậy, các doanh nghiệp du lịch cần chú trọng vào việc mang lại những trải nghiệm trực tuyến, đặc biệt là trên thiết bị di động để thu hút du khách.

- Việc chuyển đổi số hóa các dữ liệu du lịch đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và lâu dài của nhiều thành phần dựa trên nền tảng công nghệ thông minh và thống nhất. Công việc này đòi hỏi nhiều nhân lực, vật lực; song thách thức hơn là khi có được hệ thống thông tin số trong tay, làm thế nào để quản lý và sử dụng một cách hiệu quả nhất, giúp các doanh nghiệp du lịch Bến Tre vận hành trơn truôn thì vấn đề đặt ra là phải có người làm đầu tàu kết nối và chịu trách nhiệm điều tiết. Một cách hiểu khác số hóa không có nghĩa là chỉ tổng hợp, chuyển đổi các thông tin du lịch lên môi trường số mà còn là số hóa cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá du lịch…

- Xúc tiến xây dựng bản đồ số về du lịch thông minh. Sự phổ biến của smartphone đã kết nối không gian toàn cầu. Nhờ vậy, khi đi du lịch đến một vùng đất xa lạ, nhất là đối với du khách nước ngoài đến Bến Tre, thay vì họ phải mang theo bản đồ giấy, cẩm nang, sổ tay hướng dẫn du lịch cồng kềnh, thì bản đồ du lịch số được thiết kế với những địa danh giới hạn trong phạm vi trong tỉnh thì chỉ với vài thao tác nhỏ trên chiếc smartphone sẽ giúp du khách tìm được điểm cần đến một cách nhanh chóng với độ chính xác cao. Việc xây dựng bản đồ số sẽ gia tăng tiện ích rất nhiều cho du khách, đồng thời các doanh nghiệp du lịch cũng có thêm công cụ để tăng cường thông tin quảng bá chi tiết về các sản phẩm, dịch vụ của mình.

- Luật Du lịch sửa đổi năm 2017 đưa ra quy định, cơ quan quản lý về du lịch phải có trách nhiệm hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch. Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng nêu rõ yêu cầu đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh. Ðây chính là những định hướng quan trọng để các ban, ngành chức năng sớm có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển du lịch trực tuyến ở Bến Tre, đồng thời khuyến khích, bảo vệ quyền lợi của những công ty du lịch hoạt động dịch vụ trực tuyến. Hỗ trợ quy định cụ thể về du lịch trực tuyến, những chính sách hỗ trợ về vốn, định hướng quy hoạch phát triển...

Tóm lại, phát triển dịch vụ du lịch trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số là cơ hội để tăng trưởng du lịch, cung cấp nhanh và nhiều thông tin, các dịch vụ đa dạng, hấp dẫn thu hút du khách. Ngoài ra, còn tạo cơ hội cho tất cả mọi người có thể tham gia, người cung cấp dịch vụ có thể bán được nhiều sản phẩm hơn và người sử dụng có thể tận dụng được các dịch vụ tốt hơn. Nhìn lại những thuận lợi và khó khăn trên, du lịch Bến Tre cần và sẽ làm nhiều hơn nữa nhằm mang lại các dịch vụ tiện ích, hướng đến xu thế hội nhập công nghệ toàn cầu./.
Thanh Tâm

Mộc mạc hương vị chè thưng nước cốt dừa

Bến Tre được biết đến là vùng đất trù phú với những vườn dừa bạc ngàn, những cánh đồng lúa bao la, bát ngát và những vườn trái cây sum suê, trĩu quả. Đến với Bến Tre, du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên trữ tình tại các điểm du lịch, tham quan hệ thống các di tích lịch sử lâu đời để tìm hiểu về đất và người Xứ Dừa mà còn được thưởng thức các món ăn thơm ngon, mang đậm chất miệt vườn dân dã.

Chè là một trong những món tráng miệng nổi tiếng và lâu đời tại Bến Tre. Du khách có thể tìm thấy rất nhiều loại chè tại nơi đây như: chè bắp, chè đậu xanh, chè chuối, chè bưởi,…và đa phần các món chè đều có nước cốt dừa để tạo nên hương vị quê hương thật độc đáo, đậm đà. Một trong những món chè có cái tên vô cùng mộc mạc, giản dị nhưng được kết hợp với nhiều nguyên liệu đa dạng và có phần cầu kỳ trong cách chế biến, đó chính là chè thưng.
Chè thưng nước cốt dừa
Chè thưng nước cốt dừa là một món chè nổi tiếng của Bến Tre nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung. Món chè thưng được kết hợp với các nguyên liệu rất dễ tìm trong đời sống hằng ngày như: khoai lang tím, khoai lang vàng, khoai mì, đậu xanh đã bỏ vỏ, đậu phộng, hạt sen khô, bột khoai, bột báng, lá dứa, đường trắng và không thể thiếu một thành phần quan trọng là nước cốt dừa. 

Đầu tiên, chúng ta phải ngâm vào nước khoảng 03 đến 04 tiếng cho mềm các nguyên liệu như: đậu xanh, đậu phộng, hạt sen, bột khoai, bột báng rồi vớt ra và rửa sạch lại. Sau đó, chúng ta cắt khoai lang tím, khoai lang vàng và khoai mì thành những khối vuông nhỏ sao cho vừa ăn; lá dứa thì đem đi rửa sạch và cắt khúc rồi cột lại thành bó. 

Đến công đoạn chế biến, chúng ta nấu đậu xanh, đậu phộng, hạt sen sao cho chín mềm rồi vớt để riêng ra. Tiếp theo, chúng ta đặt nồi nước cốt dừa lên bếp và đun sôi rồi cho bó lá dứa vào, lúc này phải khuấy nhẹ đều tay để lá dứa tiết ra mùi thơm rồi vớt lá dứa ra ngoài. Sau đó, thêm đường vào nồi nước cốt dừa sao cho vừa đủ ngọt rồi cho khoai lang, khoai mì vào nấu đến khi chín mềm; khi khoai mềm, chúng ta cho tiếp phần bột báng, bột khoai vào nấu cùng đến khi hạt bột báng trong và nổi lên trên mặt nồi chè là được. Cuối cùng, chúng ta cho toàn bộ hạt sen, đậu xanh, đậu phộng vào nồi chè, khuấy đều trên lửa nhỏ và nêm nếm lại sao cho vừa ăn thì tắt bếp. 

Nước cốt dừa được xem như linh hồn của món chè thưng, đây là nguyên liệu không thể thiếu và giúp cho chén chè trở nên béo thơm rất đậm đà. Ngày xưa, chè thưng còn được ví như một món ăn của nhà giàu vì có sự kết hợp của nhiều nguyên liệu và cách chế biến cũng hết sức tinh tế, cầu kỳ. Thế nên, chè thưng luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với những ai đã từng thưởng thức, đặc biệt là các thực khách thích ăn đồ ngọt thì chỉ muốn ăn mãi không thôi món chè này.

Du khách có dịp về thăm quê hương Đồng Khởi sẽ rất dễ tìm thấy để thưởng thức chè thưng tại các quán chè, quán ăn, nhà hàng,...Món chè này khi nấu xong thì có thể ăn nóng hoặc thêm đá vào làm chè lạnh cũng rất ngon, để đạt được yêu cầu thì chè thưng phải có sự kết hợp giữa sự mềm dẻo của khoai lang, khoai mì, độ dai của bột khoai, vị ngọt dịu nhưng không quá gắt kết hợp với vị béo ngậy của nước cốt dừa và một chút hương thơm dịu nhẹ của lá dứa. 

Người dân Xứ Dừa thường nấu và thưởng thức chè thưng quanh năm, món chè này cũng rất được ưa chuộng để đãi khách vào các dịp đặc biệt như: đám cưới, đám giỗ, đám thôi nôi,…Trải qua biết bao năm tháng, hương vị của món chè thưng vẫn luôn được gìn giữ và làm say lòng biết bao thực khách. Món chè này còn chứa rất nhiều kỷ niệm tuổi thơ ở Xứ Dừa của biết bao thế hệ và dù có đi xa cách mấy thì người dân Bến Tre nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung vẫn luôn nhớ về chè thưng bởi đây chính là món chè đặc trưng của quê hương./.

Địa chỉ một số quán chè tham khảo tại thành phố Bến Tre:
- Bánh Flan số 14: 14 Đường Lê Quí Đôn, Phường 1;
- Quán Chè 71 Bến Tre: 89 Đường 30/4, Phường 4;
- Chè Tàu 79: 492B Đại Lộ Đồng Khởi, P. Phú Khương.
Tường Vi

Du lịch Bến Tre chủ động phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona xuất phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hiện đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Ngành Du lịch Việt Nam đang quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

Theo đó, ngay trong dịp Tết Nguyên đán, liên tiếp trong các ngày 23, 26 và 28/01/2020 Tổng cục Du lịch đã ban hành 3 công văn khẩn số 76, 77 và 78/TCDL-LH gửi các Sở quản lý du lịch, các doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc với mức độ cảnh báo cao dần theo diễn biến của dịch bệnh. Đồng thời yêu cầu triển khai các biện pháp phòng, từ nắm bắt thông tin, tuyên truyền, vận động, phòng chống lây nhiễm cho khách, không đưa khách đến vùng có dịch, theo dõi tình hình sức khỏe của khách, báo cáo cơ quan chức năng khi có tình huống phát sinh ...

Căn cứ Công văn số 391/BVHTTDL-VHCS ngày 31 tháng 01 năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch "Về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp trong hoạt động lễ hội, di tích"; công điện số 393/CĐ-BVHTTDL ngày 31 tháng 01 năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch "Về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra trong hoạt động lễ hội, di tích"; Công điện số 396/CĐ-BVHTTDL ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch "Về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chuảng mới của vi rút Corona gây ra trong hoạt động lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh"; Thực hiện Công văn số 407/UBND-KGVX ngày 30 tháng 01 năm 2020 của Ủy ban nhân dan tỉnh "Về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút 2019-nCoV"; Triển khai thực hiện Kế hoạch số 420/KH-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh "Về việc đáp ứng với bệnh viêm phối cấp do chủng mới của vi rút Corona"; Công văn số 458/UBND-KGVX ngày 03 tháng 02 năm 2020 "Về việc thực hiện Công điện 156/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ". 

Nhằm tuyên truyền sâu, rộng và thực hiện tốt công tác phòng, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh có thể xảy ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 206/SVHTTDL-QLDL ngày 05 tháng 02 năm 2020 về việc khẩn trương thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virút Corona gây ra.

Điểm du lịch vắng khách trong thời gian dịch bệnh diễn ra
Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona đang bùng phát, lây lan nhanh trên diện rộng. Để đảm bảo an toàn tuyết đối cho du khách và cán bộ, nhân viên trong các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch, đồng thời triển khai thực hiện nghiêm túc các công điện, văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh, Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn khẩn trương thực hiện những nhiệm vụ sau:

1. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và chính quyền địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona.

2. Chủ động tiền hành vệ sinh, khử trùng tại các cơ sở lưu trú du lịch, phương tiện vận chuyển khách du lịch, các khu, điểm du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch và các cơ sở vui trơi giải trí trên địa bàn theo khuyến cáo và yêu cầu của cơ quan chức năng.

Các cơ sở lưu trú đón khách từ khu vực có nguy cơ lây nhiễm vi rút Corona theo khuyến cáo của Bộ Y tế cần bố trí tầng hoặc khu vực lưu trú và dịch vụ riêng cũng như thực hiện các biện pháp y tế dự phòng khác như đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc, rửa tay đúng cách ...Xem xét tạm dừng hoạt động của cơ sở dịch vụ du lịch có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh tại vùng có dịch.

Treo/dán thư bằng tiếng Anh của Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lich tại khu vực lễ tân, khu vực dễ nhìn thấy tại các cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh du lịch.

3. Đề nghị các cơ sở lưu trú tiếp tục phục vụ khách du lịch nước ngoài chưa thể quay trở về nước do yêu cầu tạm dừng bay đi/bay đến các vùng có dịch của Cục Hàng không Việt Nam cho đến khi có thông báo mới nhưng cần bố trị tại các khu vực riêng và giám sát chặt chẽ việc di chuyển cũng như tình trạng sức khỏe của họ. Kịp thời báo cáo với cơ quan chức năng tại địa phương biết về số khách này.

4. Trong suốt thời gian có dịch, theo dõi chặt chẽ tình hình, có kế hoạch phòng, chống và biện pháp đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng chống dịch bệnh.

5. Tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ, công nhân viên về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona để mọi người chủ động, tích cực và tin tưởng và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do Chính phủ và các cơ quan chức năng đề ra. Hướng dẫn, hỗ trợ khách sử dụng dịch vụ tại đơn vị thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
TTTTXTDL tổng hợp

Sự đồng hành trong công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19)

Ngành Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và rất dễ bị tổn thương mỗi khi có thiên tai, dịch họa. Cho nên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (COVID-19), Du lịch Bến Tre cũng đề cao công tác phòng, chống cho du khách đi và đến du lịch tại quê hương Xứ Dừa, để hạn chế khả năng lây lan virus, giúp bảo vệ chính bạn, gia đình, người thân cũng như cộng đồng. 
Quầy trưng bày sản phẩm lưu niệm vắng khách trong thời gian dịch bệnh Covid-19
Theo VNExpress.net, tính đến ngày 19/02/2020 trên thế giới đã có 75.223 người nhiễm, trong đó 8.243 người trong tình trạng nguy kịch và 2.012 người chết vì dịch bệnh này. 27 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca bệnh xâm nhập. Việt Nam cũng ghi nhận 16 ca mắc (Vĩnh Phúc (11), Thanh Hóa (01), Khánh Hòa (01) và Thành phố Hồ Chí Minh (03)), nhưng đặc biệt Trung Quốc - thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam (khu vực Bắc và Trung Bộ) là đất nước khởi phát và đang lây lan nặng nề, tổn thất và nguy hiểm nhất hiện nay.

Đối với Bến Tre, đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận ca mắc viêm phổi cấp do Covid-19. Tuy nhiên, việc cảnh giác và đối phó với nguy cơ xâm nhập dịch bệnh vào tỉnh cũng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu bởi nó đã và đang ảnh hưởng ít, nhiều đến nền kinh tế của tỉnh - nhất là du lịch, nông sản, trái cây… và cả tâm lý lo ngại của người dân trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở một số tỉnh, thành phố của nước ta và cả thế giới.

Nhằm tuyên truyền sâu, rộng và thực hiện tốt công tác phòng, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh có thể xảy ra và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành 02 văn bản, gồm:

1. Công văn số 206/SVHTTDL-QLDL ngày 05 tháng 02 năm 2020 về việc khẩn trương thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virút Corona gây ra;

2. Công văn số 210/SVHTTDL-QLVH ngày 05 tháng 02 năm 2020 về việc khẩn trương triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona;

Theo đó, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch đã tiến hành khảo sát, tư vấn nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong chiến dịch phòng và chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (Covid-19), cụ thể như sau:

- Đối với du khách đi du lịch ngoài tỉnh: Các đơn vị lữ hành nội địa không tổ chức các tours, tuyến đi tham quan ở các nước và các tỉnh có người nhiễm virus corona (26 nước và 4 tỉnh, thành tại Việt Nam có dịch). Trong quá trình điều hành và phục vụ du khách, hạn chế đưa du khách đến những nơi tụ tập đông người như các lễ hội, đình chùa …. Khuyến khích tổ chức tham quan danh lam, thắng cảnh núi, biển và các loại hình du lịch sinh thái sông nước… Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe và các động thái của du khách để có biện pháp phòng, tránh, cách ly và báo cáo theo hướng dẫn của các cơ quan y tế….
Du khách di chuyển xuống tàu du lịch đi tham quan các điểm du lịch tại Bến Tre
- Đối với khách du lịch đến tham quan tại Bến Tre: Cả du khách quốc tế và nội địa du lịch theo hợp đồng liên kết giữa các công ty lữ hành các tỉnh và thành phố khác với các đơn vị du lịch trong tỉnh và cả du khách vãng lai cũng thực hiện các bước như trên nhưng đặc biệt chú ý không nhận du khách đi và có quá cảnh hay đến tham quan các nước và các tỉnh trong vùng dịch. Du lịch sinh thái sông nước Xứ Dừa là điểm đến an toàn và vẫn hoạt động bình thường.

- Đối với lực lượng quản lý, tổ chức, điều hành và phục vụ du lịch phải nghiêm túc chấp hành chỉ đạo, hướng dẫn của lãnh đạo các cấp. Thường xuyên vệ sinh, khử trùng tại các cơ sở lưu trú du lịch; nhắc nhở đồng nghiệp và du khách cững như công tác thông tin chính xác về dịch bệnh tránh làm hoang mang cho du khách; nâng cao cảnh giác trong công tác phòng và chống dịch của cơ quan y tế; không vì lợi ích kinh tế cá nhân hay công ty, đơn vị mà lơ là, không tuân thủ các quy định, chỉ thị của cấp trên.

Trong quá trình điều hành, tổ chức và phục vụ du khách phải thường xuyên nhắc nhở du khách thực hiện trong điều kiện bình thường và cả trong trường hợp phát hiện hoặc nghi vấn các hiện tượng bất thường cần phải: Cung cấp, khai báo lịch trình đi và đến các địa điểm cho các đơn vị chức năng. Tích cực phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan chức năng, cung cấp các thông tin phục vụ giám sát dịch. Sử dụng khẩu trang y tế đúng cách khi giao tiếp và tránh đi lại nơi đông người. Thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn, không khạc nhổ bừa bãi; Khi ho, hắt hơi phải che kín miệng và mũi bằng khăn giấy. Bỏ khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác rồi rửa tay thật sạch bằng nước rửa tay hoặc dung dịch có cồn. Tránh tiếp xúc với những người có triệu chứng sốt, ho, cảm lạnh hoặc cảm cúm. Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Chỉ ăn thức ăn đã được nấu chín. Không tiếp xúc với động vật hoang dã và vật nuôi. Theo dõi sức khoẻ đủ 14 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh dịch, hoặc đã sống ở vùng có dịch (trong thời gian theo dõi cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với ngưới khác, hạn chế đến chỗ đông người…). 

Mong rằng, với sự đồng tâm, đồng lòng và đồng thuận của cả ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Bến Tre nói riêng, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (2019-nCov) sẽ sớm bị tiêu trừ và hạn chế được thiệt hại thấp nhất cho kinh tế đất nước. Hy vọng Bến Tre Xứ Dừa không bị nhiễm dịch và ngành du lịch sẽ phát triển bền vững cùng thương hiệu “Du lịch Sinh thái Sông nước Xứ Dừa” với tiêu chí: “An toàn - Thân thiện - Chất lượng”./.
Thanh Sơn

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020

Hoạt động du lịch Bến Tre trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020

Dịp Tết Nguyên Đán Canh Tý năm 2020 được nghỉ 7 ngày, người dân có điều kiện đi du lịch nhiều nơi, đây là dịp đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng để mọi người họp mặt sau một năm làm việc và học tập. Các hoạt động du lịch của Bến Tre đã đáp ứng nhu cầu vui chơi, thư giãn trong dịp Tết đảm bảo trật tự, an toàn để người dân hưởng được mùa xuân trọn vẹn và ý nghĩa.
Du khách tham quan và chụp ảnh tại Bến tre Riverside Resort (Ảnh: B.T)
Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch đều có bước chuẩn bị, tập trung xây dựng mới, nâng cấp và mở rộng. Các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu, điểm du lịch như: Bến Tre Riverside Resort, Lan Vương, Cồn Phụng, Phú An Khang, Du thuyền Xoài, Hạ Thảo, Việt Úc, Làng ẩm thực Quê Dừa… đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình phong phú, hấp dẫn, thực hiện nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi kích cầu du lịch, thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài tỉnh đến lưu trú, tham quan, vui chơi giải trí như: tát mương bắt cá, học làm nông dân, viết thư pháp, xiếc kungfu, ẩm thực, thi gà tre đẹp… Ngoài ra, du lịch sinh thái miệt vườn, tham quan làng nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng, vườn cây ăn trái, trải nghiệm gói bánh tết, làm bánh tráng thưởng thức cùng người dân địa phương, hái lộc đầu xuân,… đã tạo được ấn tượng tốt trong lòng du khách.

Một số đơn vị công ty du lịch đã xây dựng và chào bán tour với các chương trình mới lạ, hấp dẫn, chất lượng trong dịp Tết như Công ty Cổ phần Du lịch Bến tre, Công ty Cổ phần Du lịch Hoàng Lam tổ chức cho khách tham quan chợ đêm Bến Tre và một số di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn thành phố Bến Tre như Bảo tàng tỉnh, Đình An Hội, Chùa Viên Minh (Chương trình city tour) bằng xe điện. Thành phố Bến Tre xây dựng và đưa vào hoạt động ngôi nhà dừa, triển lãm hành ảnh nhằm giới thiệu về thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội, góp phần đa dạng thêm sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến tham quan, vui chơi và chụp ảnh vào dịp Tết.
Ông Đồ cho chữ ngày xuân tại Điểm du lịch Cồn Phụng (Ảnh: B.T)
Công tác thông tin, tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch của tỉnh trước, trong và sau Tết Canh Tý năm 2020 được cơ quan Quản lý nhà nước và các doanh nghiệp du lịch quan tâm, phát huy hiệu quả hoạt động của Trạm thông tin hướng dẫn du lịch, tạo điều kiện cho du khách tiếp cận tốt về sản phẩm và thời gian diễn ra hoạt động. Chất lượng dịch vụ, thái độ giao tiếp, phục vụ khách hàng ngày càng thân thiện, văn minh, trách nhiệm, tạo sự gần gũi đối với du khách.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch đều chấp hành và thực hiện tốt các quy định về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá công khai, bán đúng giá niêm yết, không xảy ra tình trạng nâng giá. Tình hình an ninh trật tự, an toàn tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn được đảm bảo.
Du khách tham quan Bảo tàng tỉnh Bến Tre vào dịp đầu xuân (Ảnh: Nguyễn Sự)
Ước tính tổng lượng khách đến tham quan trong 7 ngày từ ngày 21 tháng 01 đến ngày 29 tháng 01 năm 2020 (tức 29 tháng Chạp đến mùng 5 âm lịch) đạt trên 195.000 lượt, tăng 22% so cùng kỳ Tết năm 2019, trong đó khách quốc tế ước đạt 68.000 lượt, tăng 44% so cùng kỳ tết 2019. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 164 tỷ đồng, tăng 30% so cùng kỳ tết năm 2019. Cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đạt trên 92%. Lượng khách tăng mạnh vào mùng 3 và mùng 5 tết.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như tình trạng nước mặn, kẹt xe thường xảy ra  tại cầu Rạch Miễu gây khó khăn, ảnh hưởng trong việc đi lại, tham quan của du khách khi đến Bến Tre trong dịp Tết. Sau Tết Nguyên đán, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Nhưng nhìn chung, hoạt động du lịch tại Bến Tre đã giúp cho người dân và du khách có một mùa xuân vui tươi, trật tự, an toàn và hạnh phúc./.
Bảo Trâm

Châu Thành - Tiềm năng của du lịch “sinh thái sông nước Xứ Dừa”

Châu Thành là một trong 08 huyện của tỉnh Bến Tre, phía Đông giáp với huyện Bình Đại, phía Đông Nam giáp với thành phố Bến Tre, phía Tây và Nam giáp với sông Hàm Luông ngăn cách với huyện Chợ Lách và huyện Mỏ Cày Bắc, phía Bắc giáp với sông Tiền ngăn cách với thành phố Mỹ Tho của tỉnh Tiền Giang. 

Nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa nên khí hậu tại huyện Châu Thành quanh năm ôn hòa và ít chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Ngoài ra, với lợi thế về địa hình đồng bằng tương đối thấp và bằng phẳng cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt qua sự bao bọc của 03 nhánh sông: Tiền, Ba Lai, Hàm Luông đã làm cho nơi đây có những điều kiện vô cùng thuận lợi để vừa canh tác nông nghiệp vừa phát triển du lịch.

Đa dạng các điểm du lịch sinh thái sông nước Xứ Dừa
Huyện Châu Thành chỉ cách trung tâm thành phố Bến Tre khoảng 09 km đường bộ, khi đến nơi đây du khách sẽ vô cùng ngạc nhiên, thích thú qua khung cảnh nên thơ, trữ tình và đậm chất Xứ Dừa. Với những thế mạnh mà thiên nhiên đã ưu ái, Châu Thành chào đón du khách bằng những cánh đồng lúa bao la, những vườn dừa xanh thẳm bạc ngàn, những vườn cây ăn trái tươi tốt, trĩu quả; tất cả đã góp phần làm nên những sản phẩm du lịch vô cùng đa dạng nhưng vẫn giữ được nét chân chất của miệt vườn Nam Bộ.

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 47 điểm du lịch, gần 80 cơ sở lưu trú với hơn 1.000 phòng đạt chuẩn; trong đó huyện Châu Thành có 29 điểm du lịch chiếm khoảng 62% tổng số điểm du lịch của tỉnh. Điều này cho thấy tiềm năng du lịch tại huyện Châu Thành là rất lớn và đang dần được khai thác đúng hướng, điển hình là các điểm du lịch như: Forever Green Resort, Cồn Phụng, Quới An, Quê Dừa, Làng Bè, Quê Ta, Làng Xanh, Vườn Dâu, Diễm Phượng, Năm Thành,…

Khi cầu Rạch Miễu được khánh thành vào năm 2009, du lịch tại huyện Châu Thành đã và đang từng ngày phát triển bởi đây là huyện cửa ngỏ của tỉnh Bến Tre tiếp giáp với tỉnh Tiền Giang. Thương hiệu “Du lịch sinh thái sông nước Xứ Dừa” đang dần được khẳng định, lan tỏa và tập trung nhiều ở 08 xã ven sông Tiền như: Quới Sơn, Tân Thạch, An Khánh, Phú Túc, Phú Đức, Tân Phú, Tiên Long và Tiên Thủy. Đặc biệt, các sản phẩm du lịch miệt vườn tại huyện Châu Thành cũng ngày càng phong phú, được du khách rất ưa chuộng nhất là du khách quốc tế, điển hình như: trải nghiệm một ngày làm nông với các hoạt động tưới cây, bắt tôm, bắt cá, chế biến các món ăn dân dã cùng người dân địa phương; nghe đờn ca tài tử; thưởng thức trái cây và uống trà mật ong; tham quan các lò kẹo dừa; đi thuyền trên sông; chèo xuồng trong rạch dừa nước; đi xe ngựa qua các con đường làng rợp bóng dừa…Tất cả đã mang đến cho du khách những kỷ niệm khó quên, vô cùng mộc mạc nhưng lại đậm chất Xứ Dừa.
Sân chín Rồng tại Cồn Phụng
Tại Châu Thành, Cồn Phụng là một trong những điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long, tọa lạc tại ấp Tân Vinh, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành. Đến nơi đây, du khách sẽ được thưởng ngoạn công trình kiến trúc độc đáo của Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam như: sân chín Rồng, tháp Hòa Bình, nhà truyền thống,…và trải nghiệm những hoạt động du lịch miệt vườn hấp dẫn; hàng năm, nơi đây đón hơn 500.000 lượt khách du lịch, trong đó khoảng 20% là khách quốc tế”.

Ngoài ra, huyện Châu Thành nói riêng và Bến Tre nói chung còn tự hào khi có khu nghỉ dưỡng cao cấp Forever Green Resort được khai trương vào năm 2013. Đạt tiêu chuẩn 03 sao, do công ty TNHH Thương mại Lô Hội đầu tư trên diện tích 21 hecta với tổng số vốn hơn 50 triệu USD, Forever Green Resort vô cùng đẳng cấp, sang trọng và thật không ngoa khi nói rằng nơi đây như một “hòn ngọc xanh” nằm trọn trong lòng vùng đất trù phú của huyện Châu Thành, Bến Tre.

Đồng thời, những điểm du lịch mới đi vào hoạt động cuối năm 2019 tại huyện Châu Thành cũng đã tạo được nhiều ấn tượng với du khách, điển hình là Nghênh Xuân Farmstay tọa lạc tại Lộ Thơ, ấp Phước Lễ, xã Thành Triệu, huyện Châu Thành. Đến nơi đây, du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên miệt vườn thoáng mát, thưởng thức nhiều món ăn ngon và các loại trái cây dân dã như: bưởi da xanh, dừa xiêm, gỏi bưởi, lẩu mắm,…
Một góc Nghênh Xuân Farmstay
Nâng cao hiệu quả trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch
Du lịch đang là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre. Riêng Châu Thành là một huyện được thiên nhiên ưu ái với nhiều lợi thế, đang từng ngày đổi mới. Tuy nhiên để du lịch phát triển bền vững cần có một số giải pháp sau: 

Tăng cường quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng: Ngày nay, các phương tiện truyền thông có vai trò rất lớn trong chiến lược marketing của doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Các điểm du lịch tại Châu Thành nên đẩy mạnh việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông trên mọi hình thức như: internet (google search, website, forum,...), truyền hình, báo chí, mạng xã hội (facebook, instagram, youtube, twitter, zalo, mail,…), điện thoại trực tiếp,…để góp phần truyền tải các thông điệp, những sản phẩm, dịch vụ,…đến các khách hàng hiện tại lẫn khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước.

Ngoài ra, các điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch nên xây dựng cho mình một hình ảnh thật chuyên nghiệp qua việc thiết kế bộ nhận dạng thương hiệu riêng (biểu tượng, khẩu hiệu, đồng phục,…) để tạo ấn tượng sâu sắc, giúp các khách hàng dễ nhớ và cũng là để thuận tiện cho việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần phải tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch hằng năm như: các lễ hội, các chương trình xúc tiến du lịch diễn ra trong và ngoài tỉnh bởi đây là những cơ hội vô cùng quý báu để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và giới thiệu thương hiệu của mình. 

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố góp phần thành công cho các điểm du lịch. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thực tế cũng như trong tình hình du lịch phát triển hiện nay cần phải có: kỹ năng mềm, kỹ năng phục vụ khách hàng, kỹ năng quản lý và đàm phán; linh hoạt trong các chính sách việc làm, thu nhập, bảo hiểm,…để đảm bảo cuộc sống cho người lao động; cần chú trọng việc thu thập các ý kiến, phản hồi của khách hàng để góp phần cải thiện các dịch vụ tại điểm du lịch; tổ chức các buổi đánh giá về thái độ, kỹ năng phục vụ của nhân viên để nâng cao tinh thần học hỏi và kịp thời khắc phục những sai sót trong quá trình phục vụ,…

Huyện cần tăng cường liên kết các cấp, các ngành để gia tăng nguồn lực và quan tâm việc xúc tiến quảng bá du lịch là điều tiên quyết. Các điểm du lịch tại Bến Tre nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung nên tăng cường liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp khác để nâng cao hiệu quả cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Đồng thời, các điểm du lịch cũng cần liên kết với các cấp chính quyền địa phương, các ngành liên quan để kịp thời nắm bắt những thông tin hữu ích nhằm phục vụ tốt nhất không chỉ cho việc kinh doanh tại doanh nghiệp mình mà còn cho nền kinh tế chung của tỉnh./.
Tường Vi

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020

Dư âm ngày Tết với các món ăn tại Xứ Dừa

“Phương Nam chuộng nhất giống hoa này
Mỗi độ Xuân về nở đẹp thay
Năm cánh vàng mơ hong gió sớm
Một cành lộc biếc đón ban mai…”
Ca dao

Không khí Tết luôn làm cho chúng ta nôn nao, xao xuyến để tất bật chuẩn bị cho một năm mới thật tươi vui; phải chăng thời gian trôi quá nhanh mà Tết đến và rồi cũng đang qua như một làn gió nhẹ phản phất hương xuân. Tất cả đã đọng lại biết bao cảm xúc, là tâm trạng bồi hồi, lưu luyến bên những kỷ niệm đẹp và còn cả những món ăn đặc sắc mà chúng ta đã thưởng thức cùng gia đình. Đó chính là những dư âm ngày Tết không bao giờ quên tại Xứ Dừa.

Người dân Bến Tre nói riêng và Nam Bộ nói chung quan niệm ăn Tết là phải “xả láng” và rất “chịu chơi” để mừng một năm mới thật sung túc đúng với tính cách phóng khoáng của bà con nơi đây. Kinh tế ngày càng phát triển, những món ăn sang trọng, đẳng cấp cũng đã xuất hiện nhưng ngày Tết cổ truyền ở Xứ Dừa vẫn luôn mang đậm những nét truyền thống đã được tổ tiên lưu giữ qua nhiều thế hệ bởi những món ăn vô cùng giản dị nhưng vẫn đong đầy ý nghĩa, đã tạo nên những nét văn hóa trong ẩm thực ngày Tết tại Bến Tre và vẫn xuất hiện thường nhật trong năm tại các gia đình hay nhà hàng, quán ăn nơi đây.
Món canh khổ qua ngày Tết
Món ăn truyền thống đầu tiên không thể thiếu trong bữa cơm ngày Tết của người dân Xứ Dừa chính là thịt kho nước dừa hay còn gọi là thịt kho trứng, thịt kho hột vịt. Nhớ những cái Tết ngày xưa, khi kinh tế gia đình vẫn còn khó khăn thì vào đúng dịp Tết Nguyên đán mới được thưởng thức món ăn này, từng miếng thịt ba chỉ chín mềm hòa quyện cùng vị ngọt thanh, thơm lừng của nước dừa và ăn với cơm nóng kèm dưa giá, cải chua thì thật là ấm lòng, sảng khoái biết bao. 

Thịt kho nước dừa là một món ăn thuần Việt, mỗi vùng miền sẽ có cách chế biến khác nhau nhưng tại Bến Tre người dân thường phơi thịt qua một nắng trước khi kho để miếng thịt được săn chắc, lớp mỡ được trong hơn và phải kho bằng nước dừa xiêm cùng nước màu dừa tại Xứ Dừa này thì món thịt kho trứng mới có màu vàng nâu sóng sánh, đậm đà và bắt mắt. Món ăn này mang một ý nghĩa cho một năm mới vẹn toàn, sung túc vì miếng thịt kho được xắt vuông tượng trưng cho đất là âm còn hột vịt tròn tượng trưng cho trời là dương theo triết lý vuông tròn, âm dương hòa hợp. 

Đi kèm với món thịt kho nước dừa là món canh khổ qua với vị đắng bên ngoài nhưng đậm đà bên trong. Món ăn này ngoài khổ qua là nguyên liệu chính thì phần nhân, chúng ta có thể dùng thịt heo xay hoặc cá thác lác quết nhuyễn được nhồi cùng với mộc nhĩ, phần nhân phải đảm bảo độ dai, thơm ngon và vị đắng nhẹ, thanh ngọt, đậm đà của nước canh. Món canh khổ qua luôn xuất hiện trên mâm cỗ của các gia đình tại Bến Tre vì người dân muốn gửi gắm niềm hy vọng về sự suông sẻ, những khó khăn, vất vả của năm cũ sẽ đi qua để đón nhận nhiều điều may mắn, thuận lợi cho năm mới.
Mứt dừa non Bến Tre
Khách đến chúc Tết, người dân Bến Tre thường mời khách bằng những viên kẹo, cái bánh tuy giản dị nhưng thấm đậm tình quê. Vào ngày Tết, mỗi gia đình nơi đây đều có bánh tráng, bánh phồng, kẹo dừa và mứt dừa. Bánh tráng, bánh phồng khi nướng trên than củi sẽ rất giòn, thơm ngon khiến cho chúng ta chỉ muốn ăn mãi không thôi vì bánh được làm từ bột gạo cùng nước cốt dừa kết hợp nhiều nguyên liệu đa dạng khác như: sữa, hành lá, mè trắng,…. Mứt dừa cũng là một loại mứt rất dễ gây nghiện tại Bến Tre, từng miếng mứt dừa trắng được kết tinh với đường, sữa cùng nhiều màu sắc bắt mắt như: màu xanh của lá dứa, màu cam của cà rốt, màu đỏ của quả gấc, màu tím của bắp cải tím,… không chỉ đẹp mà còn rất bùi béo, dẻo thơm. 

Ngoài ra, kẹo dừa cũng là loại kẹo truyền thống và không thể thiếu trong mỗi dịp Tết tại Bến Tre. Kẹo dừa được làm từ mạch nha, nước cốt dừa, đường cát và để tăng thêm hương vị, người thợ sẽ cho thêm đậu phộng, lá dứa, sầu riêng,…. Vào những ngày xuân, khi tiết trời se lạnh thì chỉ cần vài viên kẹo dừa ngọt mềm, béo ngậy cùng một bình trà nóng thì đúng là hương vị Xứ Dừa như tan ngay trong miệng, khiến cho những ai lần đầu thưởng thức cũng đều nhớ mãi không thôi. Đây là những món quà đặc sản của Bến Tre thường xuyên có mặt tại các điểm dừng chân tham quan du lịch và mua sắm.

Cứ mỗi dịp xuân về, ngoài những món ăn truyền thống kể trên thì mỗi nhà tại Bến Tre sẽ có thêm một vài món ăn khác tùy vào sở thích và điều kiện kinh tế của từng gia đình như: củ kiệu tôm khô, chả giò, chả lụa, lạp xưởng, cháo gà ta thả vườn, cơm trái dừa, gỏi củ hũ dừa tôm thịt, tép rang dừa, cá tai tượng chiên xù dùng kèm với bún và bánh tráng, canh giò heo nấu măng,…

Những ngày Tết trong mùa xuân Canh Tý năm 2020 đã đi qua nhưng ắc hẳn dư âm bên những món ăn ngon vẫn còn đọng lại tại từng nhà ở Xứ Dừa. Cuộc sống ngày càng hiện đại, chúng ta sẽ không cần phải chờ đến ngày Tết mới có thể thưởng thức những món ngon này mà mỗi nhà tại nơi đây đều sẽ làm và thưởng thức trong năm. Khi du khách đến với Xứ Dừa cũng có thể tìm thấy các món ngon ở các quán ăn, nhà hàng, khách sạn, các điểm du lịch,… tại Bến Tre với giá cả rất phải chăng cùng cách phục vụ thật tận tình, hiếu khách đúng chất miệt vườn dân dã./.
Tường Vi