Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

Bến Tre khảo sát mô hình du lịch cộng đồng tại Cồn Chim

Ngày 22 tháng 5 vừa qua, thực hiện kế hoạch hoạt động xúc tiến du lịch năm 2020, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh Bến Tre phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre tổ chức Đoàn khảo sát nghiên cứu mô hình du lịch tại Cồn Chim - Trà Vinh nhằm trải nghiệm và học tập xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương; kết nối tour, tuyến sản phẩm du lịch Bến Tre - Trà Vinh. Chuyến khảo sát lần này, với đối tượng tham dự là đại diện doanh nghiệp lữ hành, đại biểu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo chính quyền của Cồn Hưng Phong và Thành Long cùng Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin các huyện trong tỉnh. Đây là dịp để chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi giữa các địa phương về tiềm năng và thế mạnh du lịch của tỉnh Bến Tre và Trà Vinh.

Đoàn Khảo sát đã tham quan điểm vườn dừa kiểu mẫu của ông Đoàn Văn Mười và Lăng Ông Thủy tướng Cồn Thành Long tại xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Đây là một trong những vườn dừa tiêu biểu với môi trường tự nhiên trong lành, là điểm du lịch thu hút nhiều du khách đến tham quan, đồng thời nơi đây thuận tiện cho việc kết nối tuyến du lịch giữa tỉnh Bến Tre và tỉnh Trà Vinh. Sau khi tham quan Cồn Thành Long, Đoàn lên tàu xuôi dòng Cổ Chiên đến Cù Lao Long Trị để đến với Cồn Chim xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Đoàn Khảo sát về Cồn Chim học tập kinh nghiệm mô hình du lịch cộng đồng (ảnh:XTDL)
Cồn Chim là vùng đất hoang hóa, địa hình từ trên cao nhìn xuống có hình con chim hạc nên có tên gọi là Cồn Chim. Người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp, thuận theo 6 tháng nước mặn thì nuôi hải sản như: tôm sú, cua biển, tôm thẻ,… 6 tháng nước ngọt, người dân trồng lúa. Năm 2014,  người dân Cồn Chim thực hiện Quy ước bảo vệ rừng và quản lý nguồn lợi thủy sản, dựa theo tự nhiên để đánh bắt theo mùa, từ tháng 7 đến tháng 12 âm lịch được khai thác và cũng chỉ người dân Cồn Chim mới được phép đánh bắt, cấm các thuyền ghe đến cào, xẹt điện làm ảnh hưởng nguồn thủy sản tự nhiên. Từ đó, các loài tôm cá về trú ngụ nhiều nên môi trường nơi đây phát triển theo hướng bền vững.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Trà Vinh về định hướng phát triển đưa ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế trọng tâm của tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh và Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế Du lịch Việt Nam đã hướng dẫn cho Cồn Chim xây dựng mô hình du lịch cộng đồng theo hướng bền vững của tỉnh. Ngày 9 tháng 9 năm 2019, Cồn Chim chính thức ra mắt du lịch cộng đồng, là điểm du lịch mới đã và đang gặt hái được nhiều thành công.
Đoàn khảo sát trải nghiệm trò chơi đua cua (Ảnh: XTDL)
Sự nhiệt tình và tấm lòng hiếu khách là một trong những yếu làm nên sự thành công của du lịch cộng đồng tại Cồn Chim (Ảnh: XTDL)
Nét nổi bậc du lịch của du lịch cộng đồng nơi đây chính là các sản phẩm du lịch không trùng lắp nhau, người dân đồng lòng cùng làm du lịch, sử dụng những gì sẵn có từ tự nhiên, sạch để phục vụ du khách, không sử dụng chất thải gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp là hướng phát triển bền vững mà Bến Tre đang hướng đến nhằm thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Sự thành công của chuyến khảo sát lần này góp phần học hỏi và đúc kết những kinh nghiệm làm cơ sở cho các địa phương trong tỉnh có cách nhìn  hướng đến phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp từ văn hóa bản địa của từng địa phương trong tỉnh, nhất là phát triển du lịch đặc trưng tại các cồn hiện có để góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch, phát huy các tiềm năng thương xứng với thế mạnh của vùng nhằm góp phần nâng cao thương hiệu Du lịch "sinh thái Xứ Dừa"./.
Bảo Trâm
Nguồn: https://dulich.bentre.gov.vn

Du lịch Bến Tre tìm giải pháp thu hút khách nội địa

Ngày 18/5/2020, Hiệp hội Du lịch (HHDL) tỉnh Bến Tre vừa họp thành viên Hiệp hội tại Khu Du lịch nông trại Hải Vân (Sân chim Vàm Hồ, huyện Ba Tri) để tìm giải pháp kích cầu nhằm thu hút khách nội địa sau thời gian dài tham gia phòng chống dịch bệch Covid-19 tại Bến Tre nói riêng và cùng cả nước nói chung.

Cuộc họp với sự tham gia của Ban chấp hành HHDL mở rộng đến các doanh nghiệp du lịch; đặc biệt là có  sự tham dự của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch - bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc,  đồng chủ trì cùng HHDL tỉnh - ông Trần Duy Phương, Chủ tịch Hiệp hội.
Quang cảnh cuộc họp trao đổi của các doanh nghiệp du lịch tại Khu du lịch nông trại Hải Vân - huyện Ba Tri (ảnh LL)
Qua trao đổi chia sẻ những khó khăn của hoạt động du lịch trong và sau dịch bệnh Covid-19 khi các doanh nghiệp du lịch bắt đầu hoạt động trở lại; đồng thời chủ trì cuộc họp cũng lắng nghe những ý kiến kiến nghị từ các doanh nghiệp để các cơ quan quản lý nhà nước có sự đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian sắp tới nhằm kích hoạt ngành du lịch để tiếp tục đưa Du lịch trở thành nghành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.

Tại cuộc họp, cũng đã triển khai chương trình vận động tham gia kích cầu của HHDL Việt Nam, HHDL Thành phố Hồ Chí Minh cùng HHDL tỉnh Bến Tre; đồng thời thông tin các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình kết nối một trong ba tuyến dọc từ thành phố với ĐBSCL, trong đó Bến Tre tập trung vào tuyến "Non Nước Hữu Tình" từ TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu và Cà Mau, tức tuyến các tỉnh ven duyên hải phía Đông của ĐBSCL. Hai tuyến còn lại là trục đường Quốc lộ 1A gồm TP.HCM - Vĩnh Long - Cần Thơ và Hậu Giang; tuyến đọc biên giới là TP. HCM - Long An - Đồng tháp - An Giang và Kiên Giang.

Ông Trần Duy Phương phát biểu tiếp thu ý kiến kiến nghị của các doanh nghiệp, đề nghị phía Sở VHTTDL liên hệ với các cơ quan đơn vị liên quan như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Chi Cục Thuế tỉnh, ... có những thông báo cụ thể đến từng địa phương và thông tin đến doanh nghiệp kinh doanh du lịch để được tiếp cận với chế độ hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp cũng như hộ kinh doanh trong lĩnh vực du lịch gặp khó khăn trong giai đoạn phòng chống dịch Covid vừa qua./.
Lê Luông
Nguồn: https://dulich.bentre.gov.vn

Độc đáo bánh canh bột xắt Bến Tre

Nhắc đến Bến Tre, người ta thường nghĩ về một vùng quê của Xứ Dừa xanh mát, trù phú, với tấm lòng của những con người nơi đây mang sự hào sản nhưng cũng rất đỗi bình dị. Có lẽ chính vì điều đó mà những món ăn xứ này luôn mang sự và hấp dẫn. Một trong những món ăn đem đến hương vị đậm đà làm say lòng du khách là món bánh canh bột xắt độc đáo. Du khách về Xứ Dừa, thì đừng quên thưởng thức món bánh canh đặc biệt này nhé!

Người dân Bến Tre gọi món ăn này là bánh canh bột xắt bởi vì nó được làm hoàn toàn bằng thủ công. Để có được sợi bánh canh ngon, bà con nơi đây thường chọn loại gạo khô, không quá dẻo đem ngâm mềm rồi xay ra thành bột. Sau đó cho tất cả hỗn hợp vào túi vải để lọc bỏ phần nước, chỉ lấy phần bột khô ráo sau khi vắt. Ngoài những gia vị như đường, muối thì món bánh canh này có vị béo hơn là nhờ cho thêm nước cốt dừa vào phần bột và phần nước dùng khi nấu bánh canh. Để có những sợi bánh canh người ta nhồi bột áp lên thân chai thủy tinh; sau đó dùng một con dao sắc, bén cắt ra từng cọng (sợi). Người làm có kinh nghiệm lâu năm thì xắt bột càng nhanh và đều tay, cho ra sợi bánh ngay ngắn và đẹp mắt.

Sợi bánh canh sau khi cắt sẽ cho vào nồi nước dùng, làm cho nước có màu trắng đục và có độ sệt. Đây chính là điểm đặc trưng của bánh canh bột xắt Bến Tre khác với bánh canh thông thường của nhiều địa phương khác, làm nên hương vị độc đáo và lạ miệng cho người thưởng thức.
Bánh canh bột xắt thịt vịt (Ảnh: B.T)
Bánh canh bột xắt Xứ Dừa có nhiều biến tấu khác nhau như nấu với: thịt gà, chân giò heo, tép, nghêu, đặc biệt là hến, mà bánh canh hến nước cốt dừa cũng là đặc trưng riêng của Bến Tre, … nhưng thông thương có thể kể đến món bánh canh bột xắt thịt vịt. Theo nhiều người dân cho rằng thịt vịt xiêm sẽ cho ra món bánh canh đạt chuẩn thơm ngon vì thịt có độ mềm, ít mỡ. Thịt vịt được ướp gia vị và xào cho săn lại trước khi cho vào nồi nước dùng, sau đó xắt bánh canh vào. Khi bánh canh chín múc ra tô thêm ít hành ngò và tiêu, thưởng thức với một chén nước mắm gừng, du khách sẽ cảm nhận được vị ngọt đậm đà từ nước dùng, cái dai dẻo của sợi bánh canh hòa quyện cùng thịt vịt thơm mềm.

Bánh canh bột xắt là một món ăn độc đáo với hương vị đặc trưng của nước cốt dừa, thơm ngon, dẻo dai của bánh, vị ngọt từ thịt vịt, con tép, con hến, con nghêu, … khiến biết bao người xa quê lại nhớ về nguồn cội, kỷ niệm tuổi thơ với tô bánh canh thơm lừng. Mời bạn về Bến Tre quê tôi, một lần thưởng thức món bánh canh bột xắt đặc biệt này để thấy nơi đây ngoài bóng dừa và tấm lòng đôn hậu của bà con còn có những món ngon níu lòng lữ khách phương xa./.
Bảo Trâm
Nguồn: https://dulich.bentre.gov.vn

Quy định về mức thu, nộp phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và nội địa; cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch

Vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 35/2020/TT-BTC quy định mức thu, nộp phí thẩm định Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Mức thu, nộp phí thẩm định Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch được giảm 50% kể từ ngày 5/5/2020 đến hết năm nay theo quy định.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân khi nộp hồ sơ đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và thẻ hướng dẫn viên du lịch nộp phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 33/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; lệ phí cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài.

Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi, nộp phí thẩm định Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch theo mức quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 33/2018/TT-BTC.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 5 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.
Hướng dẫn viên đang hướng dẫn du khách tham quan (ảnh minh họa)
Các nội dung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tổ chức thu phí, mức thu, kê khai, nộp phí và các nội dung khác liên quan không quy định tại Thông tư này thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BTC.
Phương Thy
Nguồn: https://dulich.bentre.gov.vn

Vương quốc cây trái, hoa kiểng đang vẫy gọi

Tại miền Tây Nam Bộ, có một nơi được mệnh danh là "Vương quốc trái cây", "Vương quốc hoa kiểng",… và biết bao mỹ từ khác không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên sông nước hữu tình mà còn là những vườn cây ăn trái mùa nào quả ấy khiến bao du khách say lòng. Tháng 5 âm lịch là bắt đầu trái cây vào mùa vụ, du khách cùng về miệt vườn Chợ Lách - Bến Tre, nơi mà cây lành trái ngọt đang chờ đón.

Huyện Chợ Lách nằm trên vùng đất cù lao Minh, trung tâm huyện cách trung tâm thành phố Bến Tre hơn 40 km. Đường đến Chợ Lách cũng khá dễ dàng, du khách có thể đi từ hai hướng: một là từ Vĩnh Long qua phà Đình Khao đi theo Quốc lộ 57 gần 13 km sẽ đến thị trấn Chợ Lách; hai là từ thành phố Bến Tre, du khách qua cầu Hàm Luông, hướng về huyện Mỏ Cày Bắc, đi theo Tỉnh lộ 882 nối Quốc lộ 57 khoảng 20 km sẽ đến thị trấn Chợ Lách.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Bến Tre hiện có diện tích cây ăn trái đứng thứ ba của Đồng bằng sông Cửu Long với gần 28.000 ha, sản lượng đạt trên 35.000 tấn/năm. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chợ Lách, Phạm Anh Linh cũng cho biết: "Toàn huyện có hơn 8.000 ha diện tích trồng cây ăn trái; trong đó, có hơn 5.000 ha cây ăn trái đặc sản và hơn 1000 ha sản xuất cây giống và hoa kiểng".
Du khách tham quan vườn sầu riêng tại Cái Mơn - Chợ Lách (ảnh: T.V.)
Từ lâu, huyện Chợ Lách đã được đông đảo người dân địa phương, du khách gần xa ưu ái gọi là "Vương quốc trái cây, cây giống và hoa kiểng". Trong những năm qua, nơi đây ngày càng có nhiều bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là lĩnh vực du lịch, luôn chú trọng phát triển đa dạng nhiều loại hình: du lịch "Sinh thái sông nước Xứ Dừa", trong đó du lịch tham quan di tích lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch homestay, đặc biệt là du lịch trải nghiệm vườn cây ăn trái…Tất cả đã mang đến cho du khách một hành trình thú vị, độc đáo khi về vùng đất cây lành trái ngọt đậm chất miệt vườn.

Dừng chân tại xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, du khách sẽ choáng ngộp trước những vườn cây ăn trái sum suê, trĩu quả của miệt vườn Cái Mơn. Được bao bọc giữa bốn bề sông nước của dòng Cổ Chiên và Hàm Luông, đã làm cho khí hậu nơi đây luôn ôn hòa, mát mẻ, phù sa lại bồi đắp quanh năm nên cây trái luôn xanh mướt, tươi tốt và cho ra nhiều loại trái cây đặc sản nức tiếng khắp cả nước như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, xoài cát, mận, bòn bon, dâu xanh, mít, ổi, măng cụt, nhãn,…

Chỉ cần một lần đến thăm vườn trái cây tại Cái Mơn - Chợ Lách, chắc chắn du khách sẽ vô cùng thích thú và ngạc nhiên. Từ những cây chôm chôm sai trái, phủ một màu chín đỏ, oằn cành cả một khoảng đất rộng đến những trái sầu riêng mà khi tách ra thì cơm sầu riêng vàng óng ả, mùi thơm ngọt ngào cùng hương vị béo ngậy khiến bao người thèm thuồng hay những chùm dâu xanh trĩu quả nhìn rất thích mắt. Khi vào tham quan vườn, du khách sẽ được tự do hái trái cây rồi thưởng thức tại chỗ hoặc cũng có thể mua về làm quà cho người thân, bạn bè. 
Kiểng thú độc đáo tại vườn kiểng Năm Công - huyện Chợ Lách  (nguồn: https://laodong.vn)
Cảm giác được tự tay mình hái những quả chín mộng và dùng ngay tại vườn sẽ mang đến cho du khách những kỷ niệm khó quên. Hiện nay, để tham quan thỏa thích những vườn cây ăn trái Cái Mơn - Chợ Lách, du khách có thể đến các điểm du lịch nhà vườn như: Bảy Thảo, Ba Ngói, Tám Lộc, Năm Vũ, Nguyễn Gia…. Đồng thời, các nhà vườn này cũng có thêm nhiều dịch vụ hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Sau khi tham quan vườn cây ăn trái, du khách có thể thưởng thức nhiều món ăn tươi ngon, đậm chất miệt vườn dân dã của Xứ Dừa: bánh xèo hến, canh chua cá bông lau, cá lóc nướng, cháo gà ta, gỏi củ hũ dừa, cá tai tượng chiên xù,…. Ngoài ra, du khách có thể cùng người dân địa phương tham gia nhiều hoạt động bình dị nơi vùng quê: uống trà mật ong, nghe đờn ca tài tử, đạp xe quanh các con đường làng rợp bóng cây xanh mát,…

Bên cạnh những vườn cây ăn trái trĩu quả, xã Vĩnh Thành và xã Hưng Khánh Trung B còn nổi tiếng với các làng nghề cây giống, hoa kiểng qua các đặc sản kiểng thú, kiểng hình, kiểng bon sai được tạo dáng vô cùng độc đáo, lạ mắt bởi bàn tay của các nghệ nhân giàu kinh nghiệm, điển hình là các vườn kiểng như: Năm Công, Hoàng Duy,…. Đến với nơi đây, du khách không chỉ có dịp được chiêm ngưỡng nhiều loại kiểng được tạo hình lạ mắt mà còn được nghe các nghệ nhân chia sẻ về chuyện nghề, đó đều là những tâm huyết và cũng là nét văn hóa quý báu của Xứ Dừa.
Du khách tham quan vườn dâu tại Cái Mơn - Chợ Lách (ảnh: T.V.)
Hằng năm, nơi đây cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hàng trăm giống cây trồng, hoa kiểng các loại. Đặc biệt, vào mỗi dịp xuân về, Chợ Lách còn là xứ sở của muôn vàng loài hoa được đông đảo người dân địa phương, du khách yêu thích: vạn thọ, cúc mâm xôi, cẩm chướng, hoa hồng,… đã góp phần điểm tô vào bức tranh đầy màu sắc cho vùng đất cây lành trái ngọt này./.
Tường Vi
Nguồn: https://dulich.bentre.gov.vn

Phát triển tiềm năng du lịch vùng đất thép

Giồng Trôm là huyện nằm giữa cù lao Bảo của tỉnh Bến Tre, được phù sa của hai con sông Ba Lai và Hàm Luông bồi đắp, khí hậu trong lành, mát mẻ, thiên nhiên còn mang nét hoang sơ, thanh bình, con người hiền hòa, hiếu khách; đây là nơi được mệnh danh là vùng đất thép thời chiến tranh giành lại tự do độc lập. Trong du lịch, huyện Giồng Trôm là nơi đa dạng về di tích văn hóa - lịch sử, hấp dẫn với môi trường sinh thái tự nhiên sông nước miệt vườn, phong phú với các làng nghề truyền thống. Hãy làm một cuộc hành trình đến Xứ Dừa, du khách sẽ tìm thấy những điều rất thú vị khi tham quan khám phá du lịch Giồng Trôm.

Đa dạng về loại hình du lịch

Giồng Trôm là vùng đất địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra nhiều danh nhân, anh hùng lực lượng vũ trang mà hôm nay có nhiều công trình kiến trúc văn hóa nổi bậc như Khu tưởng niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định  - người nữ tướng anh hùng của Việt Nam được cả thế giới biết đến (thuộc ấp Phong Điền, xã Lương Hòa); Đền thờ Trung Tướng Đồng Văn Cống - một vị tướng Bưng Biền lừng danh được xây dựng tại xã Tân Hào. Nhiều di tích cấp quốc gia khác như: Di tích nhà Ông Nguyễn Văn Trác - đây là nơi đồng chí Lê Duẩn đã từng ở và làm việc (xã Hưng Lễ); Đền thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (xã Mỹ Thạnh); Khu mộ nhà thơ Phan Văn Trị (xã Thạnh Phú Đông); Di tích các chứng tích về cuộc thảm sát 286 người vô tội do thực dân Pháp tiến hành năm 1947 (xã Phong Nẫm); Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Bình Hòa - đây là ngôi Đình cổ gần 200 năm tuổi, có quy mô kiến trúc tương đối lớn còn giữ đến ngày nay, được xếp trong danh mục 20 ngôi đình lớn và đẹp của tỉnh Bến Tre, là ngôi đình lớn nhất trên mảnh đất cù lao Bảo.
Khu tưởng niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định (Ảnh: XTDL)
Đi cùng những thiết chế văn hóa đó, Giồng Trôm còn là địa phương có làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh), bánh phồng Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng) danh tiếng hơn 100 năm, hai làng nghề đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đến đây, du khách không những được tận mắt chứng kiến quy trình làm bánh mà còn có thể trải nghiệm làm thợ tráng bánh, thưởng thức các loại bánh tráng, bánh phồng ở đây. Để đáp ứng nhu cầu khẩu vị ngày càng cao của du khách, hai làng nghề đã làm nên nhiều loại bánh có hương vị khác nhau như: bánh tráng dừa, bánh phồng sữa, bánh phồng nếp, bánh phồng mì - chuối,…Đi theo đó, còn có làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở xã Phước Long chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đan giỏ cọng dừa và chỉ xơ dừa, làng nghề làm kềm kéo (xã Mỹ Thạnh),… đã góp phần đa dạng sản phẩm du lịch cho vùng đất thép nầy.

Mảnh đất Giồng Trôm còn có thế mạnh về du lịch sinh thái tự nhiên, sông nước miệt vườn, là vùng đất nước lợ trong, ba hệ sinh thái (mặn, lợ, ngọt) của Bến Tre, phù hợp cho nhiều loại cây ăn trái, nổi bậc có thể kể đến khám phá du lịch sinh thái cộng đồng Cồn Ốc tại xã Hưng Phong trên sông Hàm Luông. Du khách đến đây bằng đường bộ hay đường thủy đều thuận lợi. Vùng đất này có nhiều loại cây trồng đặc hữu như: dừa núm, dừa dứa, bưởi da xanh,… với chất lượng ngon hơn các vùng khác; nơi đây còn là nơi cư ngụ của hơn 20 giống dừa khác nhau, là nơi cư ngụ của "Cố Vua Dừa Tám Thưởng"; Nơi đây còn đa dạng các loại cây trái như: cam, quýt, chanh, nhãn, …. Đến Cồn Ốc, du khách còn có thể khám phá làng nghề đan giỏ cọng dừa và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, trải nghiệm các hoạt động như: bắt cá, tát mương, mò tôm càng nuôi quảng canh, đi xe đạp quanh vườn dừa, thưởng thức ẩm thực với các món đặc sản kết hợp với nguyên liệu từ dừa: tôm luộc nước dừa, cá bống kho dừa, gỏi củ hủ dừa,… chắc chắn sẽ cho du khách những trải nghiệm khó quên.

Trong chuyến hành trình về vùng đất thép, du khách có thể dừng chân lưu trú và tham quan sông nước của Du thuyền Xoài (Mỹ Thạnh), nơi đây là khu nghỉ mát nằm cạnh dòng sông Bến Tre thơ mộng. Du khách có thể nghỉ lại tại các homestay như: Cocolodge tại xã Thuận Điền, điểm du lịch Nam Bình (xã Sơn Phú),…. Đồng thời, huyện đang phát triển mới một điểm du lịch sinh thái tại xã Phong Nẫm với tên gọi "Làng Văn hóa Du lịch Asean" đang trong quá trình xây dựng./.
Du thuyền Xoài (Ảnh: XTDL)
Bảo Trâm
Nguồn: https://dulich.bentre.gov.vn

Bến Tre: Hoạt động du lịch trở lại

Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch để từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế; đồng thời giao cho các địa phương chủ động cho phép một số cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ được hoạt động trở lại trên cơ sở đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Tại thời điểm hiện nay, theo số liệu thống  kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch tỉnh Bến Tre đã bắt đầu hoạt động trở lại. Tính đến ngày 01/5/2020, có 69/82 cơ sở lưu trú du lịch (45/47 khách sạn, nhà nghỉ; 24/35 homestay), 10/22 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; 40/47 khu điểm du lịch đã hoạt động trở lại. Bảo tàng tỉnh Bến Tre cũng đã bắt đầu đón khách tham quan trở lại dịp 30/4 và 1/5.  Các di tích bắt đầu hoạt động chính thức từ ngày 4/5.

Tổng khách du lịch đến Bến Tre dịp nghĩ lễ ước đạt trên 40.000 lượt, giảm khoảng 80% so cùng kỳ năm 2019 (210.000 ngàn lượt) trong đó riêng lượng khách du lịch đến Khu du lịch Cồn Bửng xã Thạnh Phong, Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú ước đạt 6.500 đến 7.000 lượt. Phần lớn là khách nội địa, tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 36 tỷ đồng, giảm 85,5% so cùng kỳ năm 2019 (249 tỷ đồng). Công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú du lịch: đạt khoảng 35%.

Công tác chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất, dọn dẹp vệ sinh, cơ cấu lại nguồn nhân lực luôn được đảm bảo. Song song đó là việc tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Bến Tre là điểm đến an toàn cho du khách, thực hiện các chương trình kích cầu, giảm giá dịch vụ, triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ mới.
Du khách đến tham quan tại Cồn Phụng - Châu Thành (Ảnh sưu tầm)
Tình hình an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết,…. tại các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch đảm bảo tốt.

Như vậy, việc khởi động lại ngay trong thời điểm nghỉ lễ 30/4 và 01/5, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã có bước phục hồi sau một thời gian tạm ngưng hoạt động do tham gia phòng dịch Covid-19. Công tác phục vụ khách được các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch chuẩn bị chu đáo. Các chương trình, hoạt động phong phú nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19, đáp ứng được nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí cho khách tham quan./.
Thanh Tâm
Nguồn: https://dulich.bentre.gov.vn

Nét đẹp trong lao động - Điểm nhấn trong du lịch

Với những vườn dừa xanh thẳm bạc ngàn, mỗi khi nhắc đến Bến Tre, các du khách vẫn quen gọi bằng một cái tên hết sức thân thương "Xứ Dừa". Dừa ở đây nhiều vô kể, dừa đã làm ra vô số sản phẩm và cũng từ dừa đã giúp cho cuộc sống nơi đây ngày một cải thiện hơn. Trong đó, không thể không nói đến một nghề truyền thống gắn bó lâu đời với người dân Bến Tre là nghề làm kẹo dừa; một trong những nghề thủ công mang đậm nét văn hóa Xứ Dừa và thu hút đông đảo du khách tham quan.

Nghề làm kẹo dừa có trên trăm năm tuổi. Theo như lời kể của những bậc tiền bối thì nghề này ra đời vào khoảng những năm 30 của thế kỷ XX và được xuất phát tại huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre (tức Mỏ Cày Nam ngày nay). Lúc bấy giờ có tên gọi gắn với địa danh là "Kẹo Mỏ Cày". Từ lâu, kẹo dừa đã trở thành đặc sản nổi tiếng của Xứ Dừa, mang hương vị béo, thơm quyến rũ mà không có nơi nào trên cả nước có thể làm giống được. Thế nên, các du khách trong, ngoài nước mỗi lần về thăm Xứ Dừa thì chắc chắn phải mua cho bằng được kẹo dừa về làm quà cho người thân và bạn bè.

Du khách tham quan mô hình làm kẹo dừa thủ công tại Bến Tre (Ảnh: sưu tầm)
Người dân Bến Tre đã biết làm kẹo dừa từ rất lâu đời và thường làm để ăn trong gia đình hoặc dùng để đãi khách vào các dịp lễ, tết hàng năm. Ngày nay, đời sống ngày càng phát triển, nhu cầu của xã hội cũng ngày càng tăng, nghề làm kẹo dừa cũng dần được cải tiến cả về chất lượng lẫn số lượng và trở thành nhiều làng nghề kẹo dừa mang đậm dấu ấn của đất và người Bến Tre. Đây cũng là một câu chuyện hay, bình dị, mang nhiều ý nghĩa, khiến du khách luôn muốn khám phá và trải nghiệm trong một cuộc hành trình.

Kẹo dừa được làm từ những nguyên liệu vô cùng đơn giản là: nước cốt dừa, mạch nha và đường cát. Mạch nha được làm từ thóc nếp, phải chọn được loại nếp ngon, hạt to đều và đã có mầm hoặc mộng già; nước cốt dừa cũng phải già và có độ thật béo ngậy; đường là loại đường cát vàng. Nghề làm kẹo dừa cũng hết sức vất vả, để làm ra những viên kẹo ngon đòi hỏi người thợ phải thật sự lành nghề và có kinh nghiệm nên từng viên kẹo dừa là chứa đựng cả cái tâm và cái tình của người dân Bến Tre.
Du khách trải nghiệm gói kẹo dừa thủ công tại Bến Tre (Ảnh: sưu tầm)
Ngày xưa, kẹo dừa được làm bằng phương pháp thủ công, từ sáng sớm người thợ phải chuẩn bị nguyên liệu và qua các công đoạn như: nấu mạch nha, nạo cơm dừa, ép nước cốt dừa, trộn nguyên liệu, quay nấu, đổ kẹo, gói kẹo,…Thế nhưng, do khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, nhu cầu tiêu thụ kẹo dừa cũng ngày càng tăng mà nhiều máy móc hiện đại đã ra đời đã đi đến giai đoạn công nghiệp hóa tại các cơ sở sản xuất, tại các làng nghề kẹo dừa.

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, các cơ sở làm kẹo tại Bến Tre đã cải tiến và sáng tạo khi kết hợp nhiều hương vị hấp dẫn khác vào viên kẹo dừa như: sầu riêng, đậu phộng, lá dứa, ca cao,…Những viên kẹo dừa tuy nhỏ, nghề làm kẹo dừa tuy bình dị nhưng đó là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự kiên nhẫn, cần mẫn và hết sức tỉ mỉ trong từng công đoạn chọn nguyên liệu và thực hiện của người thợ.

Hiện nay, tại Bến Tre vẫn có nhiều cơ sở làm kẹo dừa cho phép du khách tự do tham quan và tìm hiểu quy trình làm kẹo, đó là những cơ sở tại huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành hay các cơ sở sản xuất kẹo dừa tại phường 7, thành phố Bến Tre. Ngoài ra, du khách trong, ngoài nước có thể chọn cho mình những chương trình tour du lịch sinh thái tại Xứ Dừa để tham quan vườn dừa, uống nước dừa ngọt mát tại vườn và quan trọng hơn hết là trải nghiệm làm kẹo dừa tại các lò kẹo và thưởng thức những viên kẹo mềm ngọt, béo ngậy, nóng hổi mới ra lò.

Trong những năm gần đây, du lịch tại Bến Tre ngày càng thu hút du khách và thương hiệu du lịch "Sinh thái sông nước Xứ Dừa" cũng dần được khẳng định. Đặc biệt, các du khách nước ngoài đến từ những quốc gia: Anh, Mỹ, Pháp,…luôn cảm thấy rất thích thú với sự mộc mạc, bình dị của người dân Bến Tre và luôn hào hứng trải nghiệm, tìm hiểu về nghề làm kẹo dừa nơi đây. Đây là một trong những làng nghề mang đầy tính nhân văn, đậm nét văn hóa Xứ Dừa cần phải được giữ gìn và phát huy vì không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho du lịch tại địa phương mà còn giúp cải thiện đời sống, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bến Tre./.
Tường Vi
Nguồn: https://dulich.bentre.gov.vn

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2020

Du lịch Cái Mơn - Điểm đến du lịch sinh thái cây lành, trái ngọt

Miệt vườn cây trái Cái Mơn thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, được mệnh danh là "vương quốc trái cây, cây giống và hoa kiểng" của tỉnh Bến Tre. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp thơ mộng của vùng quê yên bình với những vườn cây trái xanh mát, trĩu quả, giúp Cái Mơn phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn nổi tiếng. Du khách hãy ghé thăm vườn trái cây nơi đây để cùng trải nghiệm và thưởng thức trái cây thơm ngon chất lượng nổi tiếng cả nước nhé!

Cái Mơn có vị trí địa lý khá thuận lợi, khí hậu mát mẻ, hệ thống kênh rạch chằng chịt, được phù sa của hai dòng sông Hàm Luông và Cổ Chiên bồi đắp. Đó là những yếu tố giúp người dân Cái Mơn phát triển vùng cây ăn trái đặc sản trù phú của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng.
Cái Mơn nổi tiếng với những vườn cây trái xum xuê (ảnh: Bến Tre Quê tôi)
Để đến với Cái Mơn, du khách có thể đi từ thành phố Bến Tre, qua cầu Hàm Luông đến thị trấn huyện Mỏ Cày Bắc sau đó đi thêm khoảng 10km là đến Cái Mơn. Hoặc du khách có thể đi theo tuyến xe buýt (MS 08) từ thành phố Bến Tre - Mỏ Cày Bắc - Chợ Lách - Phà Đình Khao (Vĩnh Long) rất thuận tiện ghé đến Cái Mơn từ hai hướng Bến Tre và Vĩnh Long.

Đến vườn cây ăn trái Cái Mơn, mùa nào trái ấy đều có các loại cây trái để thưởng thức, du khách sẽ bị cuốn hút trước những vườn chôm chôm chín đỏ; vườn bòn bon, dâu xanh trĩu quả từ gốc đến ngọn; vườn sầu riêng sai trái, nặng trĩu thơm lừng; hay những vườn nhãn, măng cụt, vú sữa khe khuất lối đi. Ngoài ra, ở đây còn đa dạng các loại trái cây như: chuối, mít, cam, quýt, bưởi, xoài, đu đủ…Đặc biệt là bưởi da xanh đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý tại Bến Tre. Du khách có thể vào tận vườn, tự tay hái và thưởng thức trái cây chín thơm ngon, nghe chủ vườn giới thiệu, hướng dẫn cách chăm sóc từng loại cây để có được mùa quả với chất lượng và năng suất cao. Không chỉ được hái trái cây và thưởng thức ngay tại chỗ mà du khách có thể tùy chọn mua về làm quà cho người thân. Rất nhiều du khách đến Cái Mơn đều có nhận xét đây là vùng "đất lành chim đậu", "cây lành trái ngọt" và thật khó quên bởi ở đây có những con người hiền lành, hiếu khách, hào sảng đến lạ thường.

Chuyến tham quan vườn cây trái tại Cái Mơn sẽ hấp dẫn hơn nếu du khách được đi qua cầu khỉ, thưởng thức ẩm thực địa phương với những món ăn hấp dẫn và độc đáo như: bánh xèo hến, ốc gạo, gỏi măng cụt, cá tai tượng chiên xù, gà ta thả vườn…tại các quán ăn lợp bằng lá dừa nằm gần các con rạch hoặc trong vườn trái cây, thả hồn theo giai điệu của nghệ thuật đờn ca tài tử ngọt ngào. Những du khách muốn lưu trú lại, có thể nghỉ ngơi tại các homestay, trải nghiệm cuộc sống bình dị, dân dã khi tham gia vào các hoạt động cùng người dân địa phương thân thiện, nhiệt tình. Đây là trải nghiệm thú vị khi du khách đặt chân đến đây.

Hằng năm, tỉnh Bến Tre tổ chức lễ hội cây trái ngon - an toàn tại thị trấn Chợ Lách vào mùng 5 tháng 5 âm lịch (Tết Đoan Ngọ), đây cũng là thời điểm lý tưởng, đúng là mùa của cây trái để khách du lịch yêu thích trái cây tìm đến tham quan và thưởng thức tại vườn. Mục đích tổ chức lễ hội nhằm để triễn lãm, quảng bá các loại trái cây, cây giống, hoa kiểng là thế mạnh và tiềm năng của vùng đất được mệnh danh là vương quốc trái cây trái Bến Tre.
Du khách tham quan trưng bày trái cây ngon và nông sản tại Lễ hội Cây, trái ngon - an toàn (ảnh: baodongkhoi.vn) - ảnh mang tính chất minh họa
Cái Mơn là địa danh đã khẳng định ưu thế và thương hiệu "vương quốc trái cây" ngoài cây kiểng, cây giống nổi tiếng cả nước của tỉnh Bến Tre nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Với lợi thế cảnh quan sinh thái miệt vườn hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa Sông nước Xứ Dừa, người dân hiếu khách, đôn hậu. Tin rằng tương lai không xa, Cái Mơn sẽ là điểm chính trong hành trình khám phá Bến Tre./.
Bảo Trâm
Nguồn: https://dulich.bentre.gov.vn

Lễ hội - Nét đặc trưng văn hóa Xứ Dừa

Đối với người dân Bến Tre, lễ hội là một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của con người, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa bản địa, ghi nhớ công ơn của các bậc hiền nhân; đồng thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân, góp phần không nhỏ vào việc hình thành nhân cách, phẩm chất, phong tục tập quán của người dân qua từng thế hệ. Một số lễ hội riêng có và đặc sắc ở Bến Tre trong năm như sau:

Lễ hội truyền thống cách mạng

Đây là một lễ hội nhằm kỷ niệm ngày chiến tích lẫy lừng của người dân Bến Tre vào thập niên 60 của thế kỷ XX. Sự kiện Đồng Khởi ngày 17 tháng 01 năm 1960 được tổ chức hằng năm tại Khu di tích Đồng Khởi vào ngày 17 tháng 01 (xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam). Lễ hội là dịp để ôn lại trang lịch sử hào hùng của dân tộc, chiến thắng vẻ vang của phong trào Đồng Khởi mang ý nghĩa lớn trong đấu tranh giải phóng dân tộc; là tấm gương sáng để thế hệ mai sau ra sức học tập và gìn giữ quê hương.

Lễ hội nhằm ôn lại truyền thống cách mạng của "Đội quân tóc dài" với lực lượng đông đảo là phụ nữ, đã khẳng định những giá trị lịch sử và vai trò của nữ thanh niên xung phong, những mẹ Việt Nam anh hùng, những người đã đóng góp không nhỏ trong công cuộc thống nhất đất nước. Ngày nay, lễ kỷ niệm đã được tổ chức quy mô, với sân khấu lớn, nhiều hoạt động phong phú liên quan đến những ca khúc bất diệt trong hình ảnh ngọn đuốc cháy rực sáng tỏa khí thế hào hùng của ngày Đồng Khởi năm xưa. Nay nơi đây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt đã thu hút nhiều du khách, học sinh, sinh viên đến tìm hiểu.

Lễ hội cây trái ngon - an toàn

Lễ hội thường niên diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch (Tết Đoan Ngọ), tại huyện Chợ Lách, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Mục đích tổ chức lễ hội nhằm để triễn lãm, giới thiệu các loại cây trái, cây giống, hoa kiểng và tôn vinh những nghệ nhân, nông dân tiêu biểu của vùng đất thiên phú này. Sự kiện này còn là diễn đàn để các cơ sở, hộ kinh doanh miệt vườn, các chuyên gia cùng bà con nông dân có cơ hội giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để phát triển theo xu hướng hiện đại với nông sản sạch, hữu cơ, an toàn và thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người dân. Bên cạnh đó, lễ hội cũng là lời mời gọi thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hợp tác về nông nghiệp, mô hình liên kết phát triển sản xuất các sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhằm phát triển du lịch của tỉnh. Hiện huyện Chợ Lách đang phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh và các sở ban ngành tỉnh thực hiện đề án Làng Văn hóa du lịch nhằm góp phần đưa du lịch huyện Chợ Lách phát triển đúng theo tiềm năng hiện có và đưa sản phẩm du lịch đặc thù Bến Tre tạo sự khác biệt trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Lễ hội cây trái ngon - an toàn thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách (ảnh: vietgiaitri.com)
Lễ hội Nghinh Ông

Là lễ hội truyền thống của ngư dân làm nghề biển có tục thờ cá voi (cá Ông) với mong muốn bày tỏ lòng biết ơn đến sinh vật linh thiêng nầy, hy vọng cho vị thần luôn cứu giúp lúc gặp nguy hiểm, giúp sóng yên biển lặng, đánh bắt bội thu. Lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, là niềm tự hào lớn đối với người dân Bến Tre; đặc biết là ngư dân vùng biển.

Toàn tỉnh Bến Tre có 12 lăng thờ Ông được thờ tự nhiều nơi, nhất là các huyện ven biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú. Trong đó, lễ hội Nghinh Ông ở xã Bình Thắng, huyện Bình Đại thường tổ chức vào ngày 15 - 16 tháng 6 âm lịch được xem là lễ hội Nghinh Ông có sự tổ chức quy mô lớn và tiêu biểu ở Bến Tre, Lăng thờ Ông nằm trong làng chày được xây dựng và khánh thành vào năm 1951 với kiến trúc ba gian quay mặt về hướng Đông. Điểm đặc biệt của lễ hội là được diễn ra trên biển, phần lễ với nhiều nghi thức long trọng gồm: lễ Túc Yết, lễ Nghinh Ông, lễ Chánh Tế và xây chầu đại bội; trong đó, lễ Nghinh Ông là phần quan trọng nhất. Sau phần lễ sẽ là phần hội sôi nổi và hào hứng với các trò chơi dân gian: kéo co, múa lân,…. Khi đến đây, du khách sẽ cảm nhận được sự nồng hậu và hiếu khách của những con người, hòa mình cùng không khí nhộn nhịp.
Lễ hội Nghinh Ông tổ chức tại xã Bình Thắng, huyện Bình Đại (ảnh: XTDL)
Hiện nay, lễ hội Nghinh Ông là nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc của những ngư dân vùng biển, có sức ảnh hưởng sâu rộng, thu hút được nhiều ngư dân địa phương khác và khách du lịch đến tham gia, góp phần làm đa dạng và phong phú thêm các hoạt động lễ hội tại Xứ Dừa.

Lễ hội truyền thống văn hóa

Đây là lễ hội văn hóa của tỉnh Bến Tre; nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 01 tháng 7 năm 1822. Hằng năm tỉnh Bến Tre lấy ngày 01 tháng 7 làm ngày văn hóa Bến Tre nhằm kỷ niệm ngày sinh của cụ. Lễ hội được tổ chức tại Di tích quốc gia đặc biệt "Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu" (xã An Đức, huyện Ba Tri) nhằm để kỷ niệm tưởng nhớ ngày sinh Cụ Đồ.

Tuy cụ Nguyễn Đình Chiểu không sinh ra tại Bến Tre nhưng ông đã dành phần lớn cuộc đời để sống và lao động nghệ thuật tại vùng đất này. Ông vừa là nhà giáo, nhà thuốc, nhà thơ lớn của nhân loại; với nhiều tác phẩm thơ ca yêu nước đặc sắc của Cụ Đồ Chiểu đã ảnh hưởng sâu rộng đối với các tầng lớp nhân dân yêu nước thời bấy giờ và cả thế hệ hôm nay.

Phần lễ được tổ chức long trọng với nghi thức cúng theo lễ truyền thống, lễ dâng hương và viếng Khu mộ nhà thơ, phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ như tổ chức hội thi đờn ca tài tử, hội thi nấu ăn, tổ chức bốc thuốc nam, trích đoạn cải lương hóa thân thành Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga (nhân vật trong tác phẩm Lục Vân Tiên nổi tiếng của nhà thơ), biểu diễn trống hội, các hoạt động thể thao với các loại hình truyền thống như biểu diễn võ thuật…thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham dự.
Lễ hội Truyền thống văn hóa thu hút đông đảo du khách đến tham dự (Ảnh: XTDL)
Lễ hội Dừa (Festival Dừa)

Là lễ hội và sự kiện văn hóa đặc biệt của tỉnh được tổ chức tại thành phố Bến Tre với qui mô mang tầm quốc gia; nhằm tôn vinh giá trị của cây dừa, sản phẩm từ dừa và những cá nhân hoạt động kinh tế - xã hội gắn liền với cây dừa, đặc biệt là nghệ nhân, người nông dân đã gắn bó với cây dừa - loại cây gắn với người dân Bến Tre qua bao thế hệ. Lễ hội có các hoạt động như: Vui hội Làng Dừa tại các địa phương trong tỉnh; Triển lãm sản phẩm dừa, hội chợ thương mại, hội thảo về chuỗi giá trị cây dừa, các tour du lịch "Trải nghiệm sông nước miệt vườn Xứ Dừa", kết hợp quảng bá tour, tuyến nhằm xúc tiến thương mại, du lịch….
Lễ hội Dừa là sự kiện đạc biệt và độc đáo của tỉnh Bến Tre (ảnh: XTDL)
Ngoài ra, trong khuôn khổ Lễ hội Dừa còn có các hoạt động mang nét truyền thống, giới thiệu hình ảnh đất và người Bến Tre như: liên hoan ẩm thực, trình diễn thời trang dừa, ngày hội áo bà ba… Bến Tre đã tổ chức Lễ hội Dừa 9 lần cấp tỉnh và 5 lần cấp quốc gia, ngày càng khẳng định được sức ảnh hưởng, thu hút sự tham gia của hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát huy nét đẹp du lịch của địa phương.

Lễ hội Kỳ Yên

Đã có từ rất lâu trong việc lễ thờ thần của người Việt nhằm để tạ ơn Thành Hoàng và các bậc tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, "Kỳ Yên" có nghĩa là cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Toàn tỉnh Bến Tre có trên 100 ngôi Đình phân bổ ở khắp các huyện; một số huyện trồng lúa với số lượng lớn như: Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú.

Đây là lễ hội của cư dân nông nghiệp được tổ chức hai lần trong năm vào dịp thượng điền (trung tuần tháng 11, tháng 12 âm lịch) và hạ điền (trung tuần các tháng 3, tháng 4, tháng 5 âm lịch). Lễ hội này thường diễn ra trong 3 ngày; ngày đầu tiên diễn ra lễ Túc Yết và lễ Tiền Vãng (hai lễ này dùng để cúng các vị tiền hiền, hậu hiền và những người có công với đất nước), lễ Chánh Tế (cúng Thành Hoàng Bổn Cảnh), xây chầu đại bội. Tại đa số Đình làng thờ thần đều được vua sắc phong thì có lễ mở sắc thần, tổ chức vào giữa đêm thứ nhất để tưởng nhớ công lao khai cơ lập nghiệp của các bậc tiền nhân xưa.

Lễ hội này là nhu cầu tâm linh của cư dân nông nghiệp lúa nước, là nét đẹp văn hóa từ thời khai hoang mở cõi; dịp để người dân trong làng có dịp bày tỏ lòng tôn kính đến các vị tiền nhân, đồng thời người dân có thể họp mặt, vui chơi giải trí sau những ngày đồng áng.

Đây là những lễ hội đặc biệt và độc đáo tại Xứ dừa, góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu nét văn hóa truyền thống, hình ảnh đất và người Bến Tre thân thiện và hiếu khách./.
Bảo Trâm
Nguồn: https://dulich.bentre.gov.vn