Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Cơ sở lưu trú lý tưởng kết hợp "sân vườn"

Bài cảm nhận của bạn có mail: hoasentrang_hc@yahoo.com gởi đến Trung tâm TTXTDL Bến Tre. Trung tâm chia sẻ đến các bạn gần xa:

Lẽ thường tình, mỗi khi đi du lịch hay đến công tác tại tỉnh/thành phố, mọi người ai cũng chọn cho mình một điểm nghỉ tại khách sạn hoặc nhà nghỉ tại trung tâm để tiện việc đi lại, công tác, mua sắm, tham quan…. Vì thế, mà nhiều lần tôi đến Bến Tre và cũng được bố trí nghỉ tại khách sạn, nhà nghỉ quen thuộc như: Nhà khách Bến Tre, Khách sạn Hùng Vương, Khách sạn Hàm Luông, Khách sạn Bến Tre, Khách sạn Đồng Khởi….

Tôi đến Bến Tre thời “qua sông còn phải lụy phà”, khi ấy đi mất nhiều thời gian, ngán lắm. Bây giờ thì từ thành phố Hồ Chí Minh đến Bến Tre rất nhanh (chỉ mất khoảng 1 giờ 45). Bởi chiếc cầu Rạch Miễu đã nối đôi bờ hai tỉnh Bến Tre - Tiền Giang, Bến Tre đã hoàn toàn phá bỏ thế cách trở của vùng đất cù lao. Và thời ấy đến Bến Tre cũng không có nhiều khách sạn, nhà nghỉ để mà lựa chọn như bây giờ.
Qua sự giới thiệu của bè bạn, lần này đến Bến Tre với gia đình tôi chọn điểm nghỉ ở Khách sạn Sao Mai, số 106C - ấp Bình Thành, xã Bình Phú, thành phố Bến Tre. Cơ sở lưu trú này cũng dễ tìm và nằm ở vị trí khá thuận lợi, cạnh khu vực chợ phường 7 và gần với khu dân cư cao cấp Sao Mai.

Quan sát chung, tôi thấy toàn khu vực khách sạn lấy ý tưởng cảnh sân vườn là chủ yếu, nên không gian rất thoáng mát, kết hợp trang trí bên ngoài cùng màu xanh của cây cảnh rất hấp dẫn. Các vật dụng bàn, ghế đều làm bằng gỗ cao cấp, được bố trí ở những gian nhà ngoài để du khách có thể ngồi ngắm cảnh, thư giãn, trao đổi công việc…. Khung cảnh nơi đây đã thật sự tạo cho du khách sự thích thú khác lạ. Những ngày nghỉ tại đây, tôi gặp một số nhạc sĩ khá nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh đang ở đây đi thực tế sáng tác. Tôi nghĩ với không gian cảnh quan thoáng mát, xanh – sạch - đẹp, yên ả thế này, thì rất lý tưởng cho giới văn nghệ sĩ cảm hứng để làm nên những tác phẩm nghệ thuật hay phục vụ cho đời.

Với tôi, đây là điểm nghỉ ngơi lý tưởng, thích nhất là bữa ăn trưa, ăn chiều rất hợp khẩu vị, ngon miệng, giá bình dân, do khách sạn phục vụ theo yêu cầu của khách. Qua tìm hiểu, Khách sạn Sao Mai hiện có 36 phòng, được trang bị đầy đủ tiện nghi và chia thành nhiều loại phòng để khách có thể lựa chọn. Mỗi phòng nghỉ phía trước hoặc phía sau đều có bố trí bàn uống trà và ghế bố để du khách thư giãn….  Ngoài ra, trong khu khách sạn còn có sân tennis, sân cầu lông để khách rèn luyện sức khỏe hay giao lưu thể thao cùng bạn bè thân hữu mỗi khi đến công tác hay nghỉ dưỡng tại đây. Và khoảng sân vườn trống có bố trí lối đi, du khách đi tản bộ xung quanh. Tại khu khách sạn này có bố trí bãi để xe và xe 50 chỗ thoải mái vào đến nơi.

Thời điểm tôi và gia đình nghỉ tại đây cũng là lúc Khách sạn Sao Mai vừa mới được nâng cấp và đang làm thủ tục đề nghị ngành chức năng công nhận 1 sao, bây giờ chắc đã được công nhận rồi. Và tôi nghĩ rằng với sự phát triển hiện nay của  Bến Tre sẽ còn nhiều cơ sở lưu trú lý tưởng hơn hoặc cỡ như Khách sạn Sao Mai.

Trong khuôn viên khách sạn có hội trường mini khoảng 100 chỗ ngồi, thích hợp để tổ chức những cuộc hội nghị vừa, nhỏ, những cuộc gặp gỡ, giao lưu…, tất cả bàn, ghế và một số trang trí khác trong hội trường chủ yếu làm bằng gỗ cao cấp nhìn rất sang trọng và cổ kính. Khu nhà hàng thiết kế theo dạng nhà sàn, vật liệu chính cũng là gỗ, được xây dựng bên hồ nước, giúp điều hòa không khí đảm bảo thực khách khi dùng bữa ở nhà hàng luôn luôn thoải mái…. Các món ăn đặc sản của vùng sông nước ĐBSCL cũng được khách sạn đưa vào thực đơn phục vụ khách như: Cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ, mắm chưng, mắm kho, canh chua cá bông lau, cá ngát, cá hú, … và còn nhiều món hấp dẫn khác sẽ phục vụ khách.

Nghỉ tại Khách sạn Sao Mai, đêm xuống du khách có thể tản bộ theo hướng vòng xoay Hàm Luông (trên đường tránh QL 60), đây là con đường rộng, khá sang trọng, có nhiều lối kiến trúc xây dựng nhà ở hay các công trình khác rất đẹp, hai bên đường tránh có nhiều quán ăn, uống, các điểm sinh hoạt giải trí…, tạm gọi là “làng ẩm thực – giải trí”. Ở đây, có đủ các món đặc sản để du khách mặc tình khám phá và thưởng thức. Nếu du khách thả bộ theo hướng về vòng xoay Bình Phú, đến cầu Bến Tre 2, tản bộ ngắm cảnh sông Bến Tre về đêm và con đường Hùng Vương nằm bên bờ sông. Con đường này cũng được nhiều du khách chấm là con đường đẹp không thua gì các con đường ở Tp Hồ Chí Minh. Thích thú nhất là được tận hưởng không khí trong lành, thoáng mát, yên ả của vùng sông nước xứ dừa và những nụ cười thân thiện mến khách, tận tình hướng dẫn của người dân nơi đây.
Sau vài ngày nghỉ ngơi thoải mái, từ giã xứ dừa Bến Tre, trả phòng và chia tay Khách sạn Sao Mai, cũng là lúc khách sạn đang tiếp nhận đoàn khách học sinh (gồm 02 xe 50 chỗ ngồi) là con của các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Tp Hồ Chí Minh đến tham quan tại Bến Tre. Bắt gặp được điều đó, cũng có thể khẳng định sự tin cậy, an toàn, lý tưởng của điểm nghỉ kết hợp với sân vườn ở đây. Hy vọng Khách sạn “Sân vườn Sao Mai” tại thành phố Bến Tre sẽ ngày càng thu hút nhiều khách và phục vụ ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Điểm đến khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định

Bến Tre được hình thành trên ba dãy đất cù lao (cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa), thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Bến Tre có 04 con sông lớn bao bọc xung quanh: sông Hàm Luông, Cổ Chiên, Ba Lai và Sông Tiền đã mang nhiều phù sa màu mỡ bồi đắp cho vùng đất Bến Tre nguồn tài nguyên sinh thái phong phú, đa dạng. Vì vậy, mà Bến Tre là một trong những điểm đến du lịch sinh thái – sông nước - miệt vườn đậm chất Nam Bộ rất được du khách ưa chuộng, đặc biệt là đối với du khách quốc tế. Ngoài lợi thế tiềm năng dựa vào thiên nhiên, thì Bến Tre còn là một trong những vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, vùng đất “Địa linh nhân kiệt” với hệ thống di tích khá lớn. Đây cũng là lợi thế để Bến Tre kết hợp khai thác du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch về nguồn…

Có thể nói rằng, vùng đất Bến Tre là một trong những nơi sinh ra nhiều vị tướng cách mạng, đến năm 2011 đã có 24 vị được phong hàm tướng, trong đó huyện Giồng Trôm có đến 11 vị tướng. Chính vì vậy, chúng tôi muốn đưa du khách đến dừng chân trên mãnh đất Giồng Trôm “Đất thép thành đồng” gắn liền tên tuổi vị Nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Và chẳng biết tự bao giờ trong tiềm thức người dân xứ dừa Bến Tre luôn kính trọng, ngưỡng mộ tôn nghiêm nhớ đến Nữ tướng Nguyễn Thị Định và luôn gọi bằng “Cô Ba” với cả tấm lòng thân thương trìu mến.

Tưởng nhớ về Cô Ba, người dân Bến Tre hình như ai cũng hiểu về Cô: Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ngay từ thuở nhỏ trong mái ấm gia đình Cô đã sớm giác ngộ về lòng yêu nước, thương dân, căm thù thực dân Pháp xâm lược. Năm 1936, Cô tham gia cách mạng, lúc đó mới 16 tuổi. Năm 1938, Cô được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương. Năm 1946, Cô Ba Định là thành viên trong đoàn cán bộ của Khu 8 vượt biển ra Bắc gặp Đảng, gặp Bác Hồ để báo cáo tình hình cách mạng Miền Nam và xin chi viện vũ khí. Cô Ba Định tuy ít tuổi nhưng mưu trí, dũng cảm, nên được phân công làm thuyền trưởng trong chuyến tàu đầu tiên chở đầy vũ khí về đến nơi an toàn. Từ  đó, tên tuổi của Cô Ba Định gắn liền với huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ Cô Ba Định được phân công ở lại Miền Nam và được chỉ định vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy bí mật (tỉnh Bến Tre). Cô Ba đã cùng Tỉnh ủy Bến Tre lãnh đạo nhân dân  nổi dậy phá thế kìm kẹp của địch tại ba xã: Định Thủy, Bình Khánh và Phước Hiệp (huyện Mỏ Cày nay là huyện Mỏ Cày Nam) đã làm thành công phong trào Đồng Khởi vào ngày 17/01/1960 mở đầu cho cao trào đồng loạt nổi dậy trong toàn tỉnh và cả miền Nam lúc bấy giờ.

Tháng 5/1961, Cô Ba Định là Khu ủy viên Khu 8, với nhiều kinh nghiệm trong chỉ huy thắng lợi phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre, Cô tiếp tục xây dựng và phát huy có hiệu quả sức mạnh của “Đội quân tóc dài” làm cho quân thù khiếp sợ.

Đầu năm 1965, Cô Ba là Phó Tư lệnh lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam Việt Nam, Ủy viên Quân ủy Miền Nam Việt Nam phụ trách phong trào du kích chiến tranh, trong đó có nhiệm vụ tiếp tục củng cố và phát triển “Đội quân tóc dài” làm nồng cốt trong lực lượng đấu tranh chính trị trực diện bổ trợ cho quân chủ lực, quân địa phương tiêu diệt sinh lực địch.
Tháng 4/1974, Cô Ba Định với quân hàm thiếu tướng là trưởng đoàn đại biểu Mặt trận quân đội, Hội Phụ nữ giải phóng Miền Nam  ra thăm Miền Bắc. Sau đó cùng đoàn dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ IV và đi thăm các nước trên thế giới, khi trở về Cô Ba cùng với các đồng chí trong Bộ Tư lệnh chỉ huy toàn thắng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Cô Ba Định có 56 năm hoạt động cách mạng kiên cường, liên tục, đã gắn bó với những chặng đường đấu tranh vô cùng oanh liệt của dân tộc. Cô là sự kết hợp hài hòa giữa đức tính can trường, dũng cảm  của một chiến sĩ cách mạng  với lòng nhân ái, bao dung, dịu hiền của một người phụ nữ Việt Nam. Với sự hy sinh cao cả đó Cô Ba đã được nhận nhiều huân, huy chương cao quý trong đó có: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Thế giới, giải thưởng hòa bình quốc tế Lê nin, Huân chương Giron của nhà nước Cuba; Nhà nước - nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Cô vào ngày 30/8/1995.

Để tri ân công lao đóng góp của Cô Ba Định đối với quê hương, đất nước, ngày 26/12/2000 nhân dân Bến Tre đã khởi công xây dựng đền thờ Cô Ba tại quê nhà và đưa vào phục vụ từ ngày 20/12/2003. Khu đền thờ Cô Ba được đặt tên là “Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định” tọa lạc tại ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, nằm trên đường tỉnh 885, cách thành phố Bến Tre khoảng 09 km. Xã Lương Hòa còn có tên “Làng Môncađa”. Vì theo lời đề nghị của đồng chí Trưởng đoàn Ủy ban Cuba đoàn kết với Việt Nam, Pêtrô Palaxiôt, trong dịp lễ kỷ niệm lần thứ 24 ngày Đồng khởi tổ chức tại Bến Tre (09/01/1984), UBND tỉnh đã quyết định chọn xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm làm địa phương "kết nghĩa" với Cuba mang tên Môncađa - nơi phóng lên phát pháo hiệu mở đầu của cuộc khởi nghĩa giải phóng Cuba khỏi ách thống trị của bọn bù nhìn Batixta. Như vậy, là ở Cuba cũng có tên "Làng Bến Tre", và ở Việt Nam, xã Lương Hòa được mang tên “Làng Môncađa” - biểu tượng đoàn kết của hai dân tộc anh em Việt Nam - Cuba.

Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định rộng gần 15.000m2, cổng được xây dựng theo dạng cổng tam quan của đình làng nông thôn Việt Nam, trụ rào theo kiểu thức thống nhất của cổng, rào bằng thép thông thoáng có hoa văn trang trí ở phía trước. Đền thờ Cô Ba Định cao ráo, thoáng mát xây theo kiểu tứ trụ, cột tròn mái hai tầng chồng diềm uốn cong ở 4 góc, diềm mái đầu cột, đầu hồi có trang trí họa tiết. Đền có 3 cửa ra vào chung quanh có hành lang rộng. Trong đền thờ, tượng đồng chân dung vị Nữ tướng Nguyễn Thị Định trong trang phục áo bà ba khăn rằn quấn cổ, hình ảnh được người dân nhớ nhất khi nghĩ đến Cô Ba được đặt trang trọng trên bệ đá hoa cương. Trước đền là sân lễ, cây kiểng được trồng xung quanh các công trình kiến trúc, các trục đường đi bộ nối với những mảng cỏ xanh đệm ở phía trước, tạo cho toàn khu vực thêm vẻ mỹ quan. Ngoài đền thờ còn có phòng trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu để minh họa về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Cô Ba. Đây là một trong những công trình văn hóa điểm thêm một dấu son trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử của Bến Tre.

Hàng năm, vào ngày 28/7 âl là ngày giỗ của Cô Ba, ngoài sự có mặt của gia đình, người thân, bè bạn…, còn có cả du khách trong, ngoài tỉnh đến đây viếng đền Cô Ba rất đông và tham gia vào các hoạt động: hát, múa lân, sinh hoạt giao lưu, nghe kể chuyện xưa bên các hiện vật cụ thể tại phòng trưng bày. Hiện tại, Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định đã trở thành điểm hẹn về nguồn thật sự có ý nghĩa với mọi thế hệ, là điểm đến lý tưởng cho du khách; là điểm tổ chức các buổi giao lưu, gặp gỡ, tọa đàm, họp mặt của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp; là nơi tổ chức các buổi dã ngoại, hội trại…, và những buổi ngoại khóa cho học sinh, sinh viên về đây tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của Cô Ba.

Những hình ảnh hoạt động tại “Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định”

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Thú vị khi khám phá sông nước - miệt vuờn vùng ven thành phố Bến Tre


Đã nhiều lần được đến vùng đất miền Tây, xứ sở sông nước - miệt vườn hình như đi đến tỉnh nào của miền Tây cũng gặp. Với Bến Tre, là vùng đất nổi tiếng với rừng dừa xanh bát ngát mà tôi đã có dăm ba lần đến. Nhưng chưa lần nào tôi có một chuyến đi đầy ý nghĩa, thoải mái và thích thú như lần này. Đâu đó trong tôi vẫn còn đọng lại hai câu ca dao:
“Bến Tre nước ngọt lắm dừa 
Ruộng vườn màu mỡ, biển thừa cá tôm….”

Bạn tôi tuy không phải là một hướng dẫn viên du lịch, nhưng tôi hiểu được sự yêu quê hương da diết của bạn ấy, nên bạn đã giới thiệu thao thao bất tuyệt về quê hương xứ dừa như là một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Nhờ vậy, mà tôi được biết thành phố Bến Tre nằm bên bờ sông cùng tên; từ thành phố Hồ Chí Minh theo đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương về đến Bến Tre chỉ mất khoảng 1 giờ 45 phút; đi theo QL 1A cũng chỉ mất gần 2 giờ đồng hồ.

Qua lời giới thiệu của bạn, tôi được biết thành phố Bến Tre là một thành phố trẻ, thơ mộng, yên bình…, đến thành phố Bến Tre sẽ tham quan khám phá và chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc văn hóa lịch sử như: “Tượng đài Đồng Khởi”; “Tượng đài Trần Văn Ơn”; Bảo tàng Bến Tre; “Tượng đài Chiến thắng trên sông” và còn gọi là tượng đài “Cởi sóng Hàm Luông nhận chìm hạm Mỹ”(hay công viên Hùng Vương, công viên “Hoàng Lam”); kiến trúc Đình An Hội, Đình Phú Tự và cây Bạch Mai cổ thụ, Chùa Viên Minh, chùa Viên Giác, Cao Đài Ban chỉnh Nguyễn Ngọc Tương, Nhà thờ Bến Tre; ngắm cảnh hồ Trúc Giang, đường Hùng Vương nằm bên bờ sông Bến Tre… Đặc biệt, thú vị nhất là khám phá trải nghiệm với sông nước, miệt vườn vùng ven thành phố Bến Tre ở các xã: Mỹ Thạnh An, Nhơn Thạnh, Phú Nhuận…. Đây mới chỉ là những điểm đến tại trung tâm thành phố Bến Tre. Nếu khám phá của cả tỉnh thì nhiều lắm, nhất là truyền thống văn hóa – lịch sử hay du lịch sinh thái ở các huyện khác…

Những người bạn Bến Tre giới thiệu cho chúng tôi đi tour do Công ty TNHH Du Lịch Nam Bộ tổ chức tham quan sông nước – miệt vườn vùng ven thành phố xứ dừa. Tour này giới lữ hành đặt tên nghe rất tầm cở “tour liên hiệp quốc”, hỏi ra mới biết đây là tour ghép du khách từ các nước đến, trong đó có cả Việt Nam, do một đơn vị lữ hành ở thành phố Hồ Chí Minh bán tour lẻ. Tên tour nghe thì rất tầm cở, nhưng giới hướng vẫn chuyên nghiệp cho đây là tour bình dân nhất, dễ chịu nhất.

Khởi hành từ bến tàu du lịch Hùng Vương nằm bên bờ sông Bến Tre (đối diện Khách sạn – nhà hàng Hùng Vương). Du thuyền bắt đầu rời bến di chuyển theo hướng cầu Bến Tre 1, cũng là lúc tôi bắt đầu ghi nhật ký kỷ niệm cho hành trình chuyến đi. Không hiểu sao du thuyền ra khoảng giữa sông, trong lòng tôi có cảm giác lâng lâng, thoải mái, phấn khởi và hấp dẫn một có cái gì đó mà mình chưa thể diễn tả được. Từ du thuyền lần lượt cả đoàn được ngắm cảnh đẹp sông nước Bến Tre. Nhìn về phía trái chúng tôi bắt gặp những phố xá và hoạt động nhộn nhịp của  người dân xứ dừa ven sông và những hình ảnh đó không thể quên được như:
Bến du thuyền Hùng Vương

Bảo tàng Bến Tre

Chợ Bến Tre

Trung tâm Thương Mại Bến Tre

Chợ đầu mối nông thủy sản Bến Tre

Một số cơ sở sản xuất và phong cảnh ven sông Bến Tre

Phía bên phải là công viên bờ Nam thành phố Bến Tre, chạy dài song song cùng với công viên Hùng Vương, du khách sẽ bắt gặp những sinh hoạt thường nhật của người dân vùng sông nước như: đánh lưới bắt tôm, cá.... Trên sông Bến Tre tàu thuyền lớn, nhỏ vận chuyển dập dìu qua lại, tạo trên mặt sông liên hồi những đợt sóng to, nhỏ nhìn rất thú vị.

Du thuyền ghé vào tham quan lò gạch nằm ven sông Bến Tre, thuộc địa phận xã Phú Hưng, để cả đoàn cùng khám phá, tìm hiểu từ nguyên vật liệu đến từng công đoạn làm ra từng viên gạch ống, gạch thẻ dùng trong xây dựng. Du thuyền càng  xa dần địa phận thành phố Bến Tre và bắt gặp ven hai bên bờ sông bạt ngạt rừng cây dừa nước và những hàng bần xanh ngắt.

Qua vàm kênh chẹt sậy một đổi, du thuyền rẽ vào một nhánh sông nhỏ (có tên gọi là sông Cái Sơn lớn). Từ đầu vàm sông đến sâu vào bên trong, cảnh hai bên bờ con sông nhỏ này rất đẹp, toàn là cây dừa nước mọc dày đặc, thỉnh thoảng một vài cây bần chen mọc vào giữa đám dừa nước, như làm dáng khoe mình, điểm tô thêm một màu xanh khác. Trên bờ thì ngút ngàn những hàng dừa, bờ dừa, vườn dừa xanh biếc và những loại cây trái khác, tất cả hòa quyện vào nhau tạo thành một không gian xanh yên ả, kết hợp hiện tại với môi trường sinh thái tự nhiên, thỏa sức mà tận hưởng khí trời trong lành mát dịu, dễ chịu vô cùng. Ta hãy thầm cảm ơn ai đó đã có công khám phá ra tuyến sông nhỏ đẹp này, để hướng dẫn và đưa du khách đến đây thư giãn, khám phá, trải nghiệm và tận hưởng những gì thiên nhiên đã ban tặng cho xứ sở này.

Điều lý thú của tuyến trình là bắt gặp được những hình ảnh người dân vùng sông nước: bắt tép, tôm, cá...., mà hình thức dân gian thường gọi: Đóng đáy, làm rập, đặt dớn, 12 cửa ngục, đăng lưới, ghe chày, câu cá, lặn bắt cá, tôm …. Bạn tôi bảo nếu du khách đi vào đợt những con nước rong (lối rằm hoặc nước 30), khi thủy triều xuống sẽ bắt gặp người dân len lỏi trong những hàng dừa nước ven sông, rạch, bắt cá bống dừa trú ẩn trong những bụp dừa nước cũng rất lý thú.
Những hình ảnh bắt tôm, cá, tép  trên sông, rạch

Du thuyền ghé vào tham quan cơ sở làm dừa, xem lột dừa, đập dừa lấy nước, cạy cơm dừa...; thưởng thức mứt dừa, kẹo chuối, kẹo dừa, rượu dừa.... Tiếp tục cuộc hành trình  du thuyền đến chợ Nhơn Thạnh, du khách lên bờ đi bộ, đi trên chiếc cầu dừa, tham quan làng nghề dệt chiếu.... Kỳ thú nhất là du khách sẽ tham gia hành trình với những chiếc xe đạp, hay đi trên những chiếc xe lôi máy ngắm cảnh đường làng dừa, vườn cây ăn trái, mô hình trồng lúa hay những khu vườn, ruộng lên liếp trồng rau màu và sinh hoạt đời thường của người dân nơi đây. Thú vị nhất là được đi xuồng chèo trên con rạch nhỏ, thư giãn nhìn dòng chảy của thủy triều, khoát tay xuống dòng nước mát đầy phù sa lòng cảm thấy mát rượi, dễ chịu vô cùng. Những cái vẫy tay chào du khách, những nụ cười thân thiện của người dân nơi đây thật đáng yêu vô cùng.

Những hình ảnh khi tham gia tour sông nước miệt vườn vùng ven thành phố xứ dừa


Ngoài tham quan, khám phá, tận hưởng những gì thiên nhiên ban tặng, tại các điểm đến nơi đây du khách có thể tham gia làm kẹo dừa, kẹo chuối; chiêm ngưỡng, chọn lựa những món quà lưu niệm thủ công mỹ nghệ làm từ nguyên liệu dừa có ý nghĩa về làm quà cho người thân, bè bạn. Ấn tượng nhất là thưởng thức nước dừa xiêm thứ thiệt, nguyên chất, được hái tại vườn và những trái cây của miệt vườn Bến Tre (bưởi da xanh, nhãn, mận An Phước, chôm chôm nhãn, chuối cao...); uống trà mật ong; nghe hát và giao lưu đàn ca tài tử. Bữa ăn trưa du khách có thể tùy chọn những món ăn như: Cá tai tượng chiên xù ăn với bánh tráng cuốn rau sống; chả giò; cháo gà ta thả vườn với gỏi bắp chuối, cây chuối; tôm luộc nước dừa; cơm trắng ăn với canh chua cá ngát, cá bông lau; tép rang dừa, cá rô, cá lóc, cá kèo khô tộ; gỏi củ hũ dừa hay các món gỏi khác..... Ngoài ra, còn nhiều món ăn hấp dẫn khác theo yêu cầu của du khách .... Bạn tôi còn giới thiệu nếu du khách muốn trải lòng mình về với vùng quê yên ả, có thể nghỉ đêm tại Homestay Hai Hồ, Dừa Xanh (xã Phú Nhuận).

Kết thúc chuyến đi, chúng tôi về lại bến du thuyền Hùng Vương, thì cũng là lúc nắng ngã về chiều trên sông Bến Tre, đẹp quá! Cảm ơn đất và người Bến Tre, nhất là những người bạn trên đất xứ dừa, đã cho chúng tôi được thư giãn, thoải mái tận hưởng không khí mát mẻ trong lành và những cảnh đẹp thiên nhiên của vùng sông nước – miệt vườn này. Tuy chỉ có khoảng 6 giờ đồng hồ cho một tour du lịch bình dân, nhưng đã để lại trong tôi những hình ảnh đẹp, những tình cảm khó quên bởi sự niềm nở, mến khách, đôn hậu, hiền hòa, chất phác của người dân xứ dừa.

Hình như tôi vẫn còn cảm giác luyến tiếc một điều gì đó mà mình chưa khám phá được. Tự đáy lòng mình, tôi thầm xin mình được cùng với bạn mình làm người con của quê hương xứ dừa thân thương, vùng đất “địa linh nhân kiệt”, xứ sở có vùng sản xuất cây giống, hoa kiểng và vườn cây ăn trái nổi tiếng vùng ĐBSCL. Xin được mượn những câu hát trong bài hát nổi tiếng “Dáng đứng Bến Tre” tôi đã từng nghe, yêu thích và nó đã lắng đọng mãi trong tôi: “Mỗi lúc đi xa dừa ơi! ta nhớ lắm nghen. Vườn trái, trái  xum xuê, biển khơi tôm cá đầy ghe.... Nhớ con sông dài Hàm Luông Bến Tre quen ghé. Lại nhớ tóc ai dài còn mang dáng đứng Bến Tre”.

Chia tay các bạn, từ giã cảnh đẹp thiên nhiên sông nước – miệt vườn xứ dừa. Xin hẹn gặp lại và được khám phá những gì tuyệt vời hơn ở vùng đất bạt ngạt dừa xanh này ở lần sau. Và mong rằng du lịch Bến Tre sẽ ngày càng phát triển, có nhiều điểm đến tuyệt vời, không đơn điệu, trùng lấp và luôn phục vụ du khách tốt hơn với những nơi khác./.

Bài cảm nhận của bạn có địa chỉ mail: thuyvan1982@yahoo.com