Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

Bến Tre tham gia Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du (TTXTDL) các tỉnh trong cụm phía Đông ĐBSCL gồm Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An và Tiền Giang vừa tham gia gian hàng xúc tiến, quảng bá du lịch chung với chủ đề "Năm địa phương, Một điểm đến" tại Ngày hội Du lịch lần thứ XV 2019 TP. Hồ Chí Minh. Qua 4 ngày diễn ra sôi nổi từ ngày 11 đến 14/4/2019 đã khép lại với một khí thế phấn khởi so với năm 2018.  
Quang cảnh Lễ Khai mạc ngày Hội Du lịch TP.Hồ Chí Minh 2019
Xuyên suốt chuỗi sự kiện Ngày hội Du lịch, các chương trình Diễn đàn nguồn nhân lực du lịch Việt Nam; Hội nghị Kết nối, quảng bá vẻ đẹp Xứ Nghệ; Liên hoan Giọng hát vàng ngành du lịch Thành phố, Giao lưu giới thiệu về Startup ứng dụng công nghệ trong du lịch… Bên cạnh đó Ban tổ chức đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp giới thiệu đến khách hàng 70.000 tour du lịch trong và ngoài nước được các Hãng lữ hành cam kết giảm giá “sốc” cho khách hàng khi đăng ký mua tour tại ngày hội. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, các hãng lữ hành, các hãng hàng không năm nay tung ra hàng trăm tour du lịch, vé máy bay với giá khá rẻ để kích cầu du lịch nội địa và thu hút du khách trong nước tham gia du lịch trong nước. 
Du khách tham quan gian hàng Cụm phía Đông ĐBSCL tại Ngày hội Du lịch TP.HCM
Với không khí sôi động đó, gian hàng chung Năm địa phương Một điểm đến cũng đã thu hút hàng chục ngàn du khách tìm hiểu về tour, tuyến điểm du lịch, các sản phẩm đặc trưng của Cụm và của từng địa phương. Đặc biệt là các tỉnh đã chuẩn bị ấn phẩm để giới thiệu quảng bá với số lượng như hàng năm, tuy nhiên đến sáng ngày thứ 3 (13/4/2019) đã không còn ấn phẩm. Đây là tín hiệu báo động sự quan tâm tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước đến sản phẩm miền Tây Nam Bộ ngày càng nhiều./.
Lê Luông

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

Đại sứ Du lịch Bến Tre

Thực hiện chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tại Công văn số 1358/UBND-KGVX ngày 26/3/2019 về việc mời Hoa hậu Trái đất 2018 - Nguyễn Phương Khánh làm Đại sứ du lịch Bến Tre. Chiều ngày 10/4/2019, Lễ ký kết được diễn ra tại điểm du lịch sinh thái Lan Vương (TP.Bến Tre) giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hoa hậu Nguyễn Phương Khánh với nội dung chính là hợp tác truyền thông và quảng bá du lịch tỉnh Bến Tre. Hoa hậu Trái đất 2018 Nguyễn Phương Khánh chính thức trở thành Đại sứ du lịch tỉnh Bến Tre đến ngày 31/12/2021.
Ông Trương Quốc Phong - TUV - Giám đốc Sở VHTTDL Bến Tre và Hoa hậu Nguyễn Phương Khánh ký kết hợp tác truyền thông, quảng bá du lịch
Phương Khánh là cô gái được sinh ra tại vùng đất Đồng Khởi Bến Tre, là người con của quê hương Xứ Dừa; Cô cũng là người đẹp Viêt Nam đầu tiên đăng quang Hoa hậu Miss Earh (Hoa hậu Trái Đất 2018) được tổ chức tại Philipin. Tham gia cuộc thi sắc đẹp toàn cầu, có nhiều uy tín trong những cuộc thi sắc đẹp tương tự. Đây là niềm vui và là niềm tự hào với quốc gia, tự hào là người con gái Bến Tre được ghi danh và đạt danh hiệu cao nhất tại cuộc thi sắc đẹp quốc tế.
Hoa hậu Trái đất 2018 Nguyễn Phương Khánh phát biểu nguyện vọng sau khi chính thức là Đại sứ Du lịch tỉnh Bến Tre
Lễ Ký kết nầy là hoạt động hợp tác truyền thông giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre và Hoa hậu Trái đất Nguyễn Phương Khánh được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, vì lợi ích chung của cộng đồng nói chung, của Bến Tre nói riêng. Với hình ảnh người con gái Xứ Dừa đạt tròn vẹn cả sắc và tài đã đăng quang và đem vinh quang về cho quê hương; Nguyễn Phương tiếp tục phát huy tốt sứ mệnh của Hoa hậu Trái đất, đồng thời "kết nối tốt vai trò Đại sứ du lịch Bến Tre để cùng cộng đồng tham gia các hoạt động vì môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, chung tay xây dựng hình ảnh du lịch Bến Tre xanh, sạch, đẹp” đến toàn thế giới. Trương Quốc Phong - TUV - Giám đốc Sở VHTTDL Bến Tre phát biểu.
Hoa hậu Nguyễn Phương Khánh tham gia trồng cây xanh vì mội trường du lịch
Với nguyện vọng của Hoa hậu Trái đất 2018 Nguyễn Phương Khánh tại buổi ký kết: “Khánh muốn giới thiệu đến với thế giới hình ảnh về quê hương Bến Tre với tiềm năng du lịch xanh, môi trường thiên nhiên trong lành của rừng dừa bạt ngàn; muốn truyền tải hình ảnh về Đất và Người Bến Tre thân thiện, chất phác, hiền hòa, mến khách đến du khách gần xa; muốn đồng hành với các bạn trẻ, các doanh nghiệp để mang hình ảnh du lịch Bến Tre ngày càng vươn xa hơn…” góp phần cho Du lịch Bến Tre ngày càng vươn xa, có tên trên bản đồ du lịch thế giới./.
Lê Luông

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2019

Tiềm năng du lịch Bình Đại - Bến Tre

Bến Tre có chiều dài 65km bờ biển, trong đó Bình Đại là một trong ba huyện ven biển, đã chiếm 27km. Bình Đại bao quanh bởi: Phía Tây giáp huyện Châu Thành, phía Bắc giáp sông Tiền (Cửa Đại), phía Nam giáp sông Ba Lai (Cửa Ba Lai), phía Đông giáp biển (hai cửa đổ ra biển là hai dòng hạ lưu sông MêKông). Bến Tre được thêm hai dòng hạ lưu nữa là Hàm Luông và Cổ Chiên, bốn dòng hạ lưu nầy đã bồi đắp tạo thành 3 dải cù lao (Minh, Bảo và An Hóa). Huyện Bình Đại và một phần huyện Châu Thành thuộc cù lao An Hóa, với chiều dài gần 90km, có 3 vùng sinh thái (mặn, lợ và ngọt) phù hợp nhiều loại cây trái 4 mùa, cộng thêm nguồn lợi thủy hải sản phong phú đã tạo nên một tiềm năng du lịch đầy hấp dẫn.

Để đến được Bình Đại, từ thành phố Hồ Chí Minh đi theo đường cao tốc khoảng 65km hay từ thành phố Cần Thơ đi theo Quốc lộ 1 khoảng 90km là đến ngã ba Trung Lương thuộc tỉnh Tiền Giang. Đi thêm 5 phút ngồi xe là đến chân cầu Rạch Miễu bắt qua sông Tiền (Ranh giới của Tiền Giang và Bến Tre) là đến huyện cửa ngõ của Bến Tre; huyện Châu Thành sẽ chào đón quí khách. Từ đây nếu về thành phố Bến tre chỉ 12km, nhưng ta rẽ trái di chuyển gần 40km là đến Thị trấn Bình Đại; muốn ra tới biển phải mất khoảng 15 phút ngồi xe ôtô là tới nơi.

Để tìm hiểu về Bình Đại, khi đi hết địa phận huyện Châu Thành, qua cầu An Hóa là đến đại phận Bình Đại. Xã đầu tiên ghé thăm là xã Long Định; một địa danh nghe qua có gì đó ấn tượng với hai từ Long và Định. Một xã có đến 2 di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia là hai Đình Thần có gần 200 năm tuổi (đình Long Phụng và đình Long Thạnh); Hai đình nầy có liên qua gì với Long Định chăng. Có phải xa xưa có vị Vua đã về ngự nơi đây, hay là các vị Vua đã đến đây đóng Ấn phong Thần cho những ông, cha có công với đất nước,... Tới đây, với kiến trúc độc đáo của nét văn hóa cổ được sơn son, phết vàng lộng lẫy đã hút hồn ta vào cõi tiên cảnh đầy tâm linh. 
Du khách tham quan di tích cấp Quốc gia Đình Long Phụng xã Long Định huyện Bình Đại
Rời những di tích Văn hóa lịch sử, ghé thăm và chiêm ngưỡng ngôi nhà cổ của Chú Bảy Ẩn cũng thuộc xã Long Định. Ngôi nhà có trên trăm năm tuổi của ông nội Chú để lại, đến đời cha và giờ Chú Bảy bảo tồn di sản quí giá nầy. Không thể không ngạc nhiên và thích thú với kiến trúc chạm trổ tài hoa của các bậc điêu khắc thời xa xưa đã tỉ mỉ dày công tạo hình tạo dáng trên những khung cửa, khung vách hay những tấm hoành phi, những vật dụng trang trí trong nhà..... Rời nơi đây, đến đình Tân Hưng thuộc xã Châu Hưng. Đình thờ Ông Huỳnh Văn Thiệu là người có công khai phá xưa kia ở vùng nầy được nhân dân tôn sùng và kính thờ đến ngày nay; Cụ là Ông của Huỳnh Tấn Phát. Ngay chung quần thể khuôn viên của Đình có đền thờ Ông Huỳnh Tấn Phát là một kiến Trúc sư tài ba đã có nhiều công trình kiến trúc độc đáo tại TP .Hồ Chí Minh, Đà Lạt, An giang, Mỹ Tho,... Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (1913-1989) là Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1976); Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Phó Thủ tướng); Ông cũng từng kiêm nhiệm Chủ nhiệm Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước; Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam và cũng là tác giả của Quốc kỳ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (lá cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng).

Cồn Tam Hiệp người dân nơi đây còn gọi là cồn Tàu, một nơi yên bình đầy thơ mộng trên dòng sông Tiền, cây trái sum suê; một quang cảnh hữu tình phù hợp cho du lịch trải nghiệm và nghỉ dưỡng. Nơi đây, nhà làm du lịch có cái tên thân thương "Út Trinh" là người con của quê hương đã từng vang danh với Homestay Út Trinh tại Vĩnh Long từ những năm đầu của thập niên thứ I ở thế kỷ XXI nầy; cô đã trở về quê hương để đầu tư xây dựng phát triển du lịch cộng đồng với loại hình homestay, góp phần cho du lịch Bình Đại ngày càng khởi sắc.

Chùa Vạn Phước, nơi du lịch tâm linh với khuông viên 8.000m2 rộng lớn, với công trình kiến trúc đẹp như tranh, cảnh quan tuyệt đẹp, nhiều loài hoa sặc sỡ khoe sắc khắp nơi, ... khiến ta cảm nhận như đang đứng giữa Đà Lạt hay nơi thiên đình nào đó mà không thể nghĩ là Xứ biển, bởi cảnh quan ấy đã kết hợp nhiều viên đá khổng lồ, tượng phật Di Lặc cao 20m; tượng Phật Bà Quan Âm với chiều cao gần 50m cũng được xây dựng đã thu hút du khách rất lớn từ các nơi về chiêm ngưỡng và bái phật, nhiều nhất là từ TP. Hồ Chí Minh. Đến đây du khách sẽ thưởng thức một bữa cơm chay để cảm nhận được hương vị ấn tượng cho thực khách khi tìm hiểu về món ăn chay đồng nội.

Rời khỏi khu vực tâm linh với tinh thần nhẹ nhỏm của chuyến hành trình sau bao ngày làm việc vất vả. Bãi biển xã Thừa Đức, biển Thới Thuận, là nơi không thể bỏ qua khi đến với Bình Đại - Bến Tre. Nơi đây, Cồn Bà Tư, Cồn Chày Mười giáp biển, là nơi trải nghiệm sinh thái rừng ngập mặn như rừng đước, rừng bần, rừng phi lao, cộng với những vườn xoài, nhãn, những rẫy dưa hấu, những ruộng muối, vuông tôm,... đã làm phong phú sản phẩm tham quan trải nghiêm và ngủ đêm lại tại những homestay để cùng người dân nơi đây đi bắt nghêu, cua, ba khía, sò huyết,... đặc biệt là tham quan ngư dân nuôi hào và bắt hào nơi đây.
Ngư dân nuôi và khai thác Hào trên kênh cồn Chày Mười
Đến Cồn Chày Mười, thật ngỡ ngàng không thể hình dung khi nhìn thấy sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất nầy, đó là sản phẩm độc nhất vô nhị trên đất nước Việt Nam mà không trùng lập bất cứ nơi nào; một bờ đê chắn sóng biển bằng những vỏ ốc viết từ ngoài khơi được sóng đưa vào hàng ngày từ bao đời nay đã hình thành nên một bờ đê ốc viết cao 1,5m, dài từ 6.000 - 7.000m. Đây là sẽ là sản phẩm du lịch đặc trưng của biển Bình Đại sau nầy nếu các Nhà đầu tư du lịch phối hợp cùng địa phương quan tâm qui hoạch đầu tư cho du lịch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị đặc biệt ấy tại Cồn Chày Mười.
Bờ đê chắn sóng biển bằng ốc viết dài trên 6km tại được thiên nhiên ban tặng cho cồn Chày Mười (ảnh sưu tầm)
Với những tài nguyên du lịch hiện hữu và những tài nguyên thiên nhiên ban tặng cho mãnh đất quê hương Bình Đại là những tiềm năng vốn có đã gắn bó cùng sự hiền hòa, chất phác của nông dân, ngư dân nơi đây. Những nhà đầu tư du lịch, những nhà làm du lịch, đặc biệt là các hãng lữ hành không thể bỏ đi cơ hội ngàn vàng trong khai thác du lịch và trong phát triển du lịch của địa phương./.
Lê Luông

Ốc bươu nấu ca-ri chuối sáp!

Trong ẩm thực, không ít món ăn thay đổi dần cách chế biến theo nhu cầu khẩu vị, được các đầu bếp “bày vẽ”. Món ca-ri chẳng hạn. Ban đầu món ca-ri dê được “du nhập” từ đất nước của Đức Phật Thích Ca - Ấn Độ. Nhưng khi vào Việt Nam nó biến tấu thành món ca-ri gà, ca-ri vịt… Tại Bến Tre, món ca-ri đã được “Việt hóa” ít cay hơn, nhưng nước lại nhiều hơn, và độ béo (từ nước cốt dừa) cao hơn. Gần đây, loài thủy tộc - ốc bươu cũng được người dân một số nơi ở Bến Tre “cải tiến” thành món ca-ri nấu với chuối sáp chín. Món dân dã này ít nhiều cũng đã để lại ấn tương cho thực khách.

Nếu ai hỏi món gì ngon, bổ, rẻ, thì người viết xin thưa liền: “Món ốc bươu nấu ca-ri chuối sáp”. Vì hiện nay ở các chợ giá ốc bươu dao động từ 20.000đ đến 30.000đ/kg. Chuối sáp thời điểm này giá 10.000đ/kg (đã nấu chín). Bột ca-ri, sả, ớt và các gia vị khác thì không đáng kể. Như vậy nấu món này cho năm, sáu người ăn thì xoong ca-ri dự chi không tống quá 100.000đ đến 150.000đ. 
Món nào ta muốn nấu cho ăn ngon miệng thì cũng phải “có ý” một chút, nhằm nâng lên thành nghệ thuật. Để phân biệt ốc bươu, ốc lác và ốc bươu vàng không khó. Vỏ ốc bươu cũng có màu xám như ốc lác nhưng đít nhọn. Còn ốc bươu vàng vỏ màu vàng, lại mỏng, gõ nhẹ là bể liền. Để đảm bảo vệ sinh ta nên mua ốc bươu về làm thì tốt hơn. Ta không thể luộc ốc chín rồi lấy ra khỏi vỏ, để ướp gia vị. Như vậy tuy có dễ dàng nhưng không được ngon. Ta phải chịu khó lể ốc, lấy thịt tươi rồi ướp gia vị chừng nửa giờ đồng hồ, rồi thấu như nấu các loại cari khác. Nước cốt dừa và các gia vị khác tùy vào khẩu vị của mỗi người. Nhưng riêng độ mặn thì nên vừa phải. Để ta có thể húp nước và chấm ốc và chuối vào muối ớt vắt chanh thì tuyệt. Món này dùng để ăn bún, ăn bánh mì hay ăn cơm cũng được. 

Mỗi ngày mức sống người dân khá lên dần, rồi đi dự tiệc tùng cũng nhiều nên không ít người đã “chán” thịt mỡ. Vậy nên gần đây không ít cánh mày râu chọn món cari ốc bươu này làm món nhắm trong tiệc nhậu nhằm thay đổi khẩu vị. Tuy nhiên, nhiều thực khách nam không thích vị ngọt tiết ra từ chuối sáp chín cho lắm, nên họ thích nấu cari ốc bươu với chuối già (còn tươi sống), cho có độ cứng, dẽo, bùi bùi rất hấp dẫn, để nhâm nhi vài ly rượu đế; đồng thời cũng là thay đổi không khí bàn tiệc vì món ăn mới được cách tân. Đặc biệt, phụ nữ mang thai gặp món này thì “mê” lắm; vì khi mang thai nhu cầu tăng năng lượng, dinh dưỡng, ốc bươu sẽ đáp ứng rất tốt. Ngoài ra ốc bươu còn bổ xung chất đạm, khoáng chất, mỡ, cacbon hydrate cho cơ thể. Thịt ốc có tính hàn, dễ ăn… Trung bình 100 con ốc sẽ cung cấp 84kcal và 11,2 g chất đạm.

Vậy xin gợi ý, quí bà nội trợ thử làm món ốc bươu cari chuối sáp (hay chuối gìa cho gia đình cùng vui vẻ, ấm áp vào một ngày đẹp trời nào đó đi! Hoặc chiêu đãi thượng khách khi đến nhà. Các nhà hàng tại Bến Tre đều phục vụ khi có nhu cầu của du khách.
Anh Thuyên

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2019

Bến Tre tham gia Hội chợ VITM 2019 Hà Nội

Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM 2019 Hà Nội là cơ hội để Du lịch Việt Nam vươn ra thế giới, Hội chợ lần thứ VII năm 2019 với chủ đề “Du lịch Xanh” được chính thức khai mạc vào sáng ngày 27/3/2019 và kết thúc vào ngày 30/3/2019 vừa qua tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Đến với hội chợ VITM 2019 lần nầy có hơn 45 tỉnh thành, hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tham gia với 500 gian hàng của các doanh nghiệptrong và ngoài nước. Với chủ đề này, VITM muốn gửi đến tất cả mọi người và đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch Việt Nam thông điệp nhằm mong muốn mọi người cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường để phát triển Du lịch một cách bền vững.
Du khách quan tâm, tìm hiểu thông tin, sản phẩm du lịch của các tỉnh trong Cụm phía Đông ĐBSCL
Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre cùng với các tỉnh trong cụm liên kết phía Đông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An) đã phát hành tại Hội chợ trên 5.000 ấn phẩm nhằm quảng bá các sản phẩm Du lịch nổi bậc, đặc thù của từng địa phương nói riêng và trong cụm nói chung, đặc biệt là sản phẩm du lịch “Năm địa phương một điểm đến” - Điểm đến An toàn, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre cùng các doanh nghiệp du lịch Bến Tre tham gia các hoạt động khác của sự kiện như: Hội nghị Xúc tiến Quảng bá Du lịch các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long 2019 tại Hà Nội do Hiệp hội Dư lịch ĐBSCL và sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 13 tỉnh, thành ĐBSCL tổ chức. Tham dự buổi “Tọa đàm liên kết phát triển Du lịch Thành phố Hà Nội và các địa phương” do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức, đồng thời gặp gỡ, kết nối nhiều đối tác trong và ngoài nước về tham gia Hội chợ VITM lần này.

Tại buổi lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam phát triển một cách mạnh mẽ, ngày càng khẳng định là ngành kinh tế quan trọng. Năm 2018, Du lịch Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ hơn 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 620.000 tỷ đồng; để đạt được thành tựu này đã có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp du lịch. Hội chợ đã kết thúc thành công tốt đẹp, có khoảng gần 100.000 lượt khách đến tham quan, mua bán sản phẩm du lịch; khoảng trên 30.000 khách đăng ký mua tour nội địa và quốc tế; tổng doanh thu ước khoảng gần 400 tỷ đồng. 
Lãnh đạo HHDL ĐBSCL thăm và chụp hình lưu niệm tại gian hàng cụm phía Đông ĐBSCL
Hội chợ Du lịch Quốc tế là sự kiện đem lại nhiều hiệu quả cho ngành du lịch, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần quan tâm việc giới thiệu quảng bá sản phẩm và thương hiệu của mình trên thương trường quốc tế, nhằm góp phần cho sự phát triển du lịch của địa phương nói riêng, của Việt Nam nói chung. Trong năm 2019, sự kiện du lịch quốc tế sẽ tiếp tục được diễn ra 2 kỳ (Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 15 (ITE HCMC) vào tháng 9/2019 và Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Cần Thơ lần thứ I vào tháng 11/2019). Hy vọng Bến Tre có cơ hội tiếp cận hiệu quả trong xúc tiến du lịch cũng như xúc tiến đầu tư du lịch cho tỉnh nhà./.
Minh Chương

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019

Bến Tre tham gia xúc tiến du lịch cùng các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

Ngày 27/3/2019 Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch tại Khách sạn Công Đoàn (Hà Nội) theo chuỗi sự kiện của Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội từ ngày 27 - 30/3/2019. Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du Lịch; ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (HHDL); ông Trần Việt Phường - Chủ tịch HHDL ĐBSCL; ông Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội; Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiều tỉnh, thành phía Bắc và 13 tỉnh, thành ĐBSCL tham dự.
Quang cảnh Hội nghị (từ trái sang: ông Lê Quang Phong, ông Nguyễn Hữu Thọ, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, ông Trần Việt Phường, ông Trần Đức Hải, ông Nguyễn Thế Triều) - Ảnh L.L.
Hội nghị diễn ra sau ngày khảo sát thực tế để kết nối tour, tuyến, điểm tại Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên. Doanh nghiệp du lịch Bến Tre (Du lịch Nam Bộ, Cái Cấm, Bến Tre Riverside Resort,...) tiếp cận các doanh nghiệp miền Bắc và các nước về dự Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM 2019 để cùng tìm hiểu, trao đổi, tìm đối tác kết nối hoạt động kinh doanh và bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan.

Hội nghị cũng đã giới thiệu sự phát triển du lịch của ĐBSCL trong 5 năm gần đây có sự phát triển tốt, bình quân tăng trưởng hàng năm đạt hơn 10%/năm về lượng khách lưu trú và doanh thu. Các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch không ngừng nâng lên; các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn; du lịch tâm linh; du lịch biển, đảo; du lịch nông nghiệp cộng đồng,... đều được đầu tư xây dựng tạo sản phẩm đặc thù cho từng địa phương trong vùng ĐBSCL. Ngoài ra du lịch MICE (kết hợp Hội Nghị, Hội thảo, Triển Lãm, Hội chợ, Sự kiện, Lễ hội, ....) cũng được tập trung phát triển dòng sản phẩm nầy.
Trên 200 đại biểu và các hãng lữ hành trong và ngoài nước chú ý dõi theo video clip giới thiệu tiềm năng du lịch ĐBSCL (ảnh L.L.)
Thời gian qua, các doanh nghiệp, công ty lữ hành Bến Tre, cũng như các doanh nghiệp du lịch ĐBSCL không ngừng tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Hà Nội để kết nối dòng khách từ thị trường các châu lục. Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đánh giá cao về việc hợp tác phát triển trong thời gian qua; đường bay Hà Nội - Cần Thơ, Hà Nội - Phú Quốc đã đưa khách Hà Nội đến ĐBSCL khá nhiều. Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang đánh giá cao về sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn của ĐBSCL khá khác biệt là hấp dẫn, việc kết nối phát triển du lịch còn hạn chế; ông mong muốn rằng sự kết nối giữa hai vùng đẩy mạnh hơn để trao đổi dòng khách.

Sự tham gia của trên 50 doanh nghiệp du lịch cùng Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL lần nầy đã giới thiệu sản phẩm du lịch từng địa phương và tiếp cận trực tiếp nhiều doanh nghiệp du lịch trên thế giới về tham dự Hội chợ VITM thông qua Hội nghị Xúc tiến lần nầy. Hy vọng trong thời gian tới Du lịch ĐBSCL sẽ được hãng lữ hành các nước trên thế giới chú ý nhiều hơn; đặc biệt là dòng khách nội địa từ miền Bắc, miền Trung sẽ quan tâm hơn đến ĐBSCL./.
Lê Luông