Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

Nghêu xào bơ dừa: món ăn lạ miệng ngày tết

Bến Tre, từ lâu được biết đến là một tỉnh nằm cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp với biển Đông, có đường bờ biển dài gần 65km với 03 huyện ven biển là Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Nhờ vào lợi thế về địa hình cùng khí hậu ôn hòa quanh năm, Bến Tre được thiên nhiên ưu ái với rất nhiều đặc sản nổi tiếng từ dừa, các loại trái cây ngon đến nguồn thủy hải sản dồi dào.

Nếu có dịp về thăm quê hương Đồng Khởi, chúng ta hãy một lần ăn thử qua con nghêu của vùng ven biển Bến Tre. Nghêu Bến Tre cho sản lượng gần 5000 tấn mỗi năm với điểm mạnh là thịt dai, sạch và ngọt nên thương hiệu nghêu Bến Tre luôn rất uy tín, chất lượng và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Nhật Bản,…
Đậm đà nghêu xào bơ dừa
Vào những ngày Tết, người dân Bến Tre nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung luôn chuẩn bị rất nhiều món ăn ngon để sum vầy bên gia đình, người thân và bạn bè như: thịt kho trứng, canh khổ qua, bánh tét, mứt dừa,…. Ẩm thực tại Xứ Dừa là vô cùng phong phú và các món ăn chế biến từ nghêu thì cũng nhiều vô kể. Thế nên, dịp xuân Canh Tý năm nay, chúng ta có thể bổ sung vào thực đơn một món ăn mà chỉ cần nghe tên thôi thì cũng biết sẽ rất hấp dẫn, đó chính là: Nghêu xào bơ dừa.

Nghêu xào bơ dừa là một món ăn rất dễ làm nhưng vô cùng lạ miệng và rất thích hợp trong tiết trời se lạnh vào những ngày đầu năm. Chúng ta chỉ cần chuẩn bị những con nghêu thật tươi ngon; sau đó phi thơm sả băm, ớt băm cùng với tỏi rồi cho bơ vào và đợi đến khi bơ tan chảy hết; tiếp theo, chúng ta cho nghêu vào rồi xào sơ qua và nêm các gia vị gồm: đường, muối, nước mắm; cuối cùng, chúng ta cho nước cốt dừa vào và đợi đến khi nghêu chín thì nêm lại gia vị sao cho vừa ăn. Khi dọn ra dĩa, chúng ta có thể trang trí thêm một ít lá rau quế và dừa bào sợi rồi dùng kèm với cơm hoặc bánh mì. Nghêu xào bơ dừa không chỉ có vị ngọt tự nhiên của thịt nghêu mà còn đậm đà các loại gia vị và quan trọng hơn hết là vị béo ngậy của nước cốt dừa, thật xứng danh là một món ăn đặc sắc trong bản đồ ẩm thực Bến Tre.

Về thăm Xứ Dừa nhân dịp xuân Canh Tý năm 2020, du khách không chỉ được tham quan các điểm du lịch nổi tiếng với những cảnh sắc thiên nhiên mang đậm chất miệt vườn dân dã mà còn được thưởng thức biết bao món ăn ngon được chế biến bằng chính cái tâm và cái tình của bà con nơi đây. 

Nếu du khách muốn thưởng thức đặc sản nghêu Bến Tre, chúng ta có thể thưởng thức ngay tại các huyện ven biển như: Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri,… hoặc cũng có thể mua được nghêu Bến Tre ở bất kỳ ngôi chợ nào tại nơi đây với giá cả rất phải chăng nhưng lại vô cùng tươi ngon, nhiều  dinh dưỡng và rất chất lượng./.
Tường Vi

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2019

Bến Tre: Hấp dẫn du lịch Xuân Canh Tý 2020

Trong những ngày này, không khí đón xuân đang tràn ngập khắp cả nước, mọi người đang bắt đầu tất bật chuẩn bị cho một năm Canh Tý 2020 thật sung túc, ấm cúng và đầy ý nghĩa. Buổi sáng sớm, thời tiết tại Bến Tre cũng bắt đầu se lạnh nhưng lại ấm dần về trưa và không khí mát mẻ đã góp phần làm nên một Xứ Dừa vô cùng hiền hòa, trong trẻo vào những ngày đầu năm mới.

Để chuẩn bị cho các hoạt động phục vụ du khách vui xuân Canh Tý, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre đã tiến hành khảo sát, tiếp cận các điểm du lịch, công ty lữ hành,…tại tỉnh Bến Tre. Qua tìm hiểu, các điểm du lịch luôn có sự chuẩn bị chu đáo trong các dịch vụ đang kinh doanh: lưu trú, ăn uống, tổ chức trò chơi dân gian,…; không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư, thiết kế, sáng tạo các cảnh quan rất đẹp mắt nhưng vẫn mang đậm hồn quê tạị các điểm du lịch nổi tiếng như: Lan Vương, Phú An Khang, Hạ Thảo, Xóm Dừa Nước,…
Du khách tham quan homestay Xóm Dừa Nước
Đặc biệt, các doanh nghiệp lữ hành tại tỉnh Bến Tre (Bảo Duyên, Cồn Phụng, C2T, Mekong Stay, Nam Bộ, Nam Mekong, TTC,…) cũng đã chuẩn bị nhiều chương trình tour du lịch vô cùng đa dạng, hấp dẫn cho du khách thỏa sức vui xuân tại Xứ Dừa. Điển hình là các tour du lịch như: “Đón Tết cổ truyền nơi làng quê”, “Sắc vàng nơi vùng quê Chợ Lách”, “Vui Tết Bến Tre”, “Tham quan làng hoa Cái Mơn”, “Xuôi miền sông nước”, “Huyền thoại sông Ba Lai”, “Khám phá chợ Dừa”, “Green tour Bến Tre”,…

Đến với các chương trình tour du lịch này, các du khách không chỉ có cơ hội khám phá trung tâm thành phố Bến Tre mà còn được xuôi về các huyện: Chợ Lách, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm,…với nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút, mang đậm văn hóa miệt vườn như: tham quan vườn dừa và thưởng thức đặc sản dừa dứa tại vườn; tham gia gói và nấu bánh tét, sên mứt dừa cùng người dân địa phương; tham quan làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, lò kẹo dừa và thưởng thức kẹo dừa nóng thơm lừng tại lò; tìm hiểu cách làm đồ thủ công mỹ nghệ từ dừa; chèo xuồng len lỏi qua các con rạch nhỏ và ngắm nhìn những hàng dừa nước duyên dáng hai bên bờ; tham quan vườn hoa vạn thọ, vườn hoa cúc mâm xôi, vườn kiểng hình thú làm từ cây tắc và cây mai vàng; ăn trái cây, uống mật ong tại vườn và nghe đờn ca tài tử,…
Du khách trải nghiệm xe điện tham quan điểm du lịch Phú An Khang
Qua tìm hiểu, các chương trình tour du lịch chào đón xuân Canh Tý 2020 có nhiều điểm mới lạ, đặc sắc hơn các năm trước; chương trình tour được các doanh nghiệp lữ hành thể hiện rõ ràng, cụ thể, đưa du khách đến tham quan tại nhiều điểm du lịch mới, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách; chương trình tour cũng có chủ đề rõ ràng và các hoạt động đều bám sát vào chủ đề xuyên suốt hành trình; du khách được thưởng thức nhiều món đặc sản Xứ Dừa rất phong phú, mang nét đặc trưng của mỗi huyện: bánh xèo hến, cá lóc nướng trui, rau tập tàng luộc, cơm dừa, tép rang dừa,…Ngoài ra, giá cả cũng là vấn đề mà các du khách rất quan tâm, những chương trình tour trong năm mới này luôn có giá cả rất phải chăng vì đã có sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp lữ hành với các điểm du lịch, nhà hàng, phương tiện di chuyển,… xuyên suốt hành trình du lịch tại Xứ Dừa.

Xuân Canh Tý năm 2020, người lao động sẽ được nghỉ 07 ngày, từ ngày 29 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 23/01/2020 đến hết ngày 29/01/2020); với khoảng thời gian này, các du khách sẽ có điều kiện du xuân cùng gia đình, bạn bè và người thân. Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh qua việc tích cực quảng bá, xúc tiến du lịch, tuyên truyền thông tin về các sản phẩm, dịch vụ cho người dân địa phương và du khách trong, ngoài nước. Hãy chọn quê hương Xứ Dừa là nơi du xuân 2020 để trải nghiệm một mùa xuân vui tươi, ấm áp và an lành./.
Tường Vi

Du lịch Thạnh Phú trên đường phát triển

Cách thành phố Bến Tre khoảng 50km, Thạnh Phú là huyện giáp biển của tỉnh Bến Tre. Nếu đi thêm 20 km từ Trung tâm huyện sẽ đến Cồn Bửng. Nơi đây không chỉ có những giá trị truyền thống về mặt lịch sử - văn hóa, thiên nhiên mang đậm vẻ đẹp hoang sơ mà còn có những làng nghề thủ công truyền thống, con người đôn hậu, tất cả đã tạo nên cho Thạnh Phú những tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch.

Xác định được tiềm năng và thế mạnh của Thạnh Phú trong việc phát triển du lịch, huyện đang kêu gọi đầu tư, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch trên địa bàn. Trong thời gian vừa qua, Thạnh phú đã đẩy mạnh phát triển du lịch, đề ra các giải pháp phát triển du lịch đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực  thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Sản phẩm du lịch của huyện ngày càng được đầu tư phát triển, chất lượng dịch vụ du lịch được nâng cao, đáp ứng thị hiếu của du khách như: du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch nghiên cứu văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề,… Ngoài ra Thạnh Phú có hệ sinh thái biển vô cùng hấp dẫn với các loại hải sản tươi sống, tạo sức hấp dẫn riêng cho du lịch của huyện cũng như của tỉnh. Cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đang phát triển về chất lượng và số lượng, cơ sở lưu trú được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu của du khách; tính đến thời điểm tháng 11/2019 đã có 07 cơ sở lưu trú với 102 phòng phục vụ du khách, Cồn Bửng hiện có 16 điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Du lịch biển Cồn Bững - Thạnh Phú (Ảnh: P.VHTT Thạnh Phú)
Trên địa bàn huyện Thạnh Phú hiện đang có nhiều dự án được đầu tư với số vốn lên đến hàng trăm tỉ đồng. Dự án bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị Di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại hai xã Thạnh Phong và Thạnh Hải với tổng mức đầu tư 1.500 tỉ đồng, ở giai đoạn I hơn 80 tỉ đồng và hiện nay đang tiến hành giai đoạn II. Tôn tạo Bia di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam trên địa bàn xã Thạnh Phong được đầu tư 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện đã nâng cấp trải nhựa Quốc lộ 57 đoạn từ  Cầu Ván (xã Giao Thạnh) đến ngã ba Cồn Chim (xã Thạnh Phong), đưa vào sử dụng đường từ Nghĩa trang Liệt sĩ Hồ Cỏ đến Cồn Bửng (xã Thạnh Hải), thông xe Cầu Ván nối liền các xã cánh trên của huyện với ba xã ven biển, đáp ứng được nguyện vọng của người dân địa phương và du khách khi đến tham quan tại biển Cồn Bửng. 

Tuy nhiên, du lịch Thạnh Phú cũng gặp nhiều thách thức, khó khăn và hạn chế lớn. Tính đến thời điểm này, huyện chưa có các cơ sở vui chơi, giải trí đáp ứng nhu cầu của du khách. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ. Các sản phẩm du lịch chưa đa dạng, hấp dẫn và bị trùng lắp. Hoạt động du lịch Cồn Bửng chỉ tập trung tại ven biển và đất liền, không gian biển chưa khai thác đúng với tiềm năng hiện có. Các cơ sở lưu trú phần lớn có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu cao của du khách. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay. Tiến độ triển khai các dự án còn chậm, kết cấu hạ tầng còn kém do thiếu vốn đầu tư, …
Lễ hội Nghinh Ông tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Ảnh: P.VHTT Thạnh Phú)
Vì vậy, huyện cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư phát triển, xây dựng sản phẩm du lịch, tạo ra nét đặc thù riêng để không bị trùng lắp nơi khác, khai thác tốt các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc tạo nên sản phẩm khác biệt qua các kỳ lễ hội: Lễ hội Nghinh Ông, viếng Miếu Bà Chúa Xứ…

Liên kết với người dân địa phương để phát triển, hướng đến sự đồng thuận, nâng cao nhận thức về du lịch, giải quyết việc làm cho người dân, xây dựng hình ảnh người dân Bến Tre luôn thân thiện, hiếu khách là ưu điểm để hướng đến sự quay lại của du khách. Đồng thời giáo dục môi trường cho người dân địa phương, bảo vệ tài nguyên biển trong tình hình biến đổi khí hậu có tác động đến du lịch tại địa phương.

Đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch biển, khai thác tốt không gian giữa đất liền và biển. Kêu gọi thu hút đầu tư, có chính sách khuyến khích thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng gần biển để phục vụ nhu cầu của khách du lịch cũng như kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Thực hiện tốt công tác quảng bá, xúc tiến thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khai thác bản sắc văn hóa địa phương trong việc quảng bá hình ảnh đất và người Bến Tre.

Tăng cường liên kết hợp tác du lịch với các địa phương lân cận tạo ra tuyến tour liên huyện như: Chợ Lách - Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú, Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Thạnh  Phú, tour du lịch văn hóa - tâm linh trên địa bàn huyện …hoặc liên kết tour với các tỉnh lân cận: Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long,…Trong đó, xây dựng mỗi địa phương có sản phẩm du lịch đặc thù để không bị trùng lắp và nhàm chán.

Thạnh Phú là huyện đang có những tiềm năng nổi trội về du lịch. Nếu biết cách phát triển và sự đầu tư đúng đắn theo hướng bền vững thì Thạnh Phú sẽ là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch mỗi lần đặt chân đến Bến Tre./.
Bảo Trâm

Hương vị chuối quết dừa độc lạ

Cùng với cây dừa, chuối là loại cây quen thuộc được nhiều người dân Bến Tre trồng ở quanh vườn. Không biết từ bao giờ, chuối và dừa là “đôi bạn” có sự kết hợp hài hòa, tạo ra những món ăn đặc trưng với hương vị ngọt, béo vô cùng đặc biệt, được nhiều người yêu thích như: chuối đập nước cốt dừa, chuối hầm dừa, chè chuối,… nhưng có một món ăn với hương vị vô cùng đặc biệt, đã in sâu vào ký ức của những người dân nơi đây mà ít ai biết đến, đó là món chuối quết dừa.
Chuối quết dừa dùng cùng rau và nước mắm
Để món ăn ngon nhất, chuối dùng để nấu phải là chuối già, gần chuyển sang chín. Chuối sau khi chặt trên cây xuống được rửa sạch, ngâm nước cho bớt mủ rồi được xếp vào nồi, đổ nước xăm xắp mặ, đem nấu đến khi thấy chuối nứt vỏ, bên trong ngả vàng thì vớt ra. Chuối già nhưng không quá chín khi nấu sẽ cho được độ ngọt, dẻo bùi và hương thơm độc đáo. Sau khi chuối được vớt ra thì lột vỏ, cho vào cối quết cùng dừa đã được nạo, khi quết thêm vào ít muối và đường cho đến khi hòa quyện đều vào nhau sẽ tạo ra hương vị vô cùng đặc biệt.

Đơn giản là thế nhưng hương vị của món này vô cùng độc đáo và cũng có nhiều cách khác nhau để thưởng thức. Nhiều nơi người ta thưởng thức món ăn này với các loại rau quanh vườn nhà như: diếp cá, rau thơm, húng lũi,…chấm với nước mắm pha cùng tỏi ớt và nước dừa tươi. Khi ăn, người ta cuốn chuối quết dừa cùng với các loại rau và chấm nước mắm. Hương vị chát, nồng nàn từ các loại rau, vị béo, bùi, mặn, ngọt từ chuối quết dừa, vị cay, thơm của nước mắm hòa quyện vào nhau, khiến người thưởng thức đã ăn thì phải ăn cho no bụng mới thôi. Còn có nơi ít cầu kì hơn, người ta thưởng thức chuối quết dừa mà không cần kèm thêm rau hay nước chấm, chỉ cho thêm đậu phộng ở trên làm tăng thêm độ béo, thưởng thức trọn vẹn hương vị của món ăn. Dù thưởng thức theo cách nào thì hương vị của món ăn này vô cùng đặc biệt mà không có món nào thay thế được. Ai đã từng thưởng thức cũng nhận xét chỉ có ở Bến Tre mới có thể làm cho món ăn đạt đến độ béo ngậy của dừa, hòa  quyện vào độ mềm dẻo và hương thơm của chuối độc đáo đến như vậy.

Theo dòng thời gian cùng với sự đa dạng của các món ăn hấp dẫn khác, nhưng đối với người dân Bến Tre, đây là món ăn thân thuộc và đặc biệt của mỗi gia đình. Món chuối quết dừa dân dã ấy, đã ăn sâu vào trong tâm thức của mỗi người dân quê. Dù già hay trẻ, lớn hay bé, ai ai cũng mê mẩn cái hương vị của món ăn vì nét độc đáo và vị ngon của nó. Thử một lần về Bến Tre thưởng thức hương vị của món chuối quết dừa, chắc chắn sẽ làm lưu luyến bao thực khách phương xa muốn một lần quay trở lại nơi đây./.
Bảo Trâm

Sáng ngời dấu ấn 60 năm ngày Bến Tre Đồng khởi

Đã 60 năm kể từ khi phong trào Đồng khởi diễn ra, giá trị và những bài học quý báu vẫn còn nguyên vẹn, ngấm sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân Bến Tre, trở thành niềm tự hào lớn lao của các thế hệ của hôm nay và cả mai sau. Kỷ niệm 60 năm ngày Bến Tre Đồng Khởi, đây là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, trang lịch sử hào hùng. Phát huy tinh thần cũng như nhắc lại những kết quả đã đạt được trong suốt thời gian qua, Bến Tre kỷ niệm 60 năm ngày Bến Tre Đồng khởi (17/01/1960 - 17/01/2020),  Đây là sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng, mang dấu ấn của trang lịch sử hào hùng về đất và người Bến Tre.
Du khách tham quan Khu Di tích lịch sử Đồng khởi Bến Tre (Ảnh: TTXTDL)
Theo kế hoạch, Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bến Tre Đồng khởi sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 16/01/2020 tại Công viên An Hội, thành phố Bến Tre với khoảng 5.000 đại biểu. Trong khuôn khổ chào mừng Lễ kỷ niệm sẽ có các hoạt động chào mừng như: Tổ chức triển lãm, trưng bày giới thiệu phong trào Đồng khởi 1960, thành tựu phong trào “Đồng khởi mới” 60 ngày (17/11/2019 - 17/01/2020). Tỉnh chọn 60 công trình, sản phẩm, phấn đấu thực hiện, gắn với sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát động phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”; tổ chức chương trình bắn pháo hoa ở thành phố Bến Tre; Phối hợp tổ chức Hội thảo cấp quốc gia về Đồng khởi; giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử kể chuyện phong trào Đồng Khởi 1960; tổ chức Tuần lễ Văn hóa Du lịch Mỏ Cày Nam lần I  đang được triển khai thực hiện.

Vào ngày 22/11/2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre đã phối hợp với Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức khai mạc hoạt động với chủ đề “Hành trình về với xứ Dừa Bến Tre” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Thị xã Sơn Tây, Thủ đô Hà Nội). Thời gian triển lãm phong trào Đồng Khởi Bến Tre và công cuộc xây dựng quê hương qua 23 năm xây dựng và phát triển tỉnh Bến Tre (1997-2020) từ ngày 22/11/2019 đến hết tháng 02/2020 nhằm quảng bá văn hóa - du lịch xứ Dừa tại Hà Nội. Ngoài ra, sẽ trưng bày triển lãm về Đồng khởi Bến Tre tại Đền Bến Dược - Khu di tích Địa đạo Củ Chi từ ngày 09/01/2020 đến hết tháng 3/2020 nhằm quảng bá, giới thiệu đến nhân dân, bạn bè trong nước, quốc tế hiểu biết sâu sắc về lịch sử của phong trào Đồng Khởi năm 1960 và con người Bến Tre anh hùng. 
Bến Tre tham dự Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ảnh: TTXTDL)
Lễ kỷ niệm có ý nghĩa thiết thực và quan trọng của tỉnh, để ôn lại những giá trị lịch sử mà phong trào Đồng khởi đã đạt được, chúng ta càng tự hào hơn là người con Xứ dừa mang trong mình sứ mệnh thiêng liêng làm giàu đẹp cho quê hương. Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đang ra sức phấn đấu học tập, làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cố gắng phát huy truyền thống cách mạng. Thực hiện nhiều phong trào “Đồng khởi mới” trong quá trình công nghiêp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng đến mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Thanh niên quê hương Đồng khởi cống hiến sức mình làm giàu cho quê hương để xứng đáng với những người anh hùng đã không kể xương máu hy sinh vì tự do cho dân tộc, làm nên chiến thắng huy hoàng của cuộc Đồng khởi 1960 xứng danh 8 chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi - thắng Mỹ, diệt ngụy”. 

Phong trào Đồng khởi là niềm tự hào của người dân Bến Tre. Là thế hệ kế thừa, chúng ta cần phát huy những truyền thống hào hùng của cha ông đi trước để ngọn đuốc Đồng khởi vẫn luôn chói sáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước./.
Bảo Trâm

Thông báo thay đổi một số nội dung thể lệ và thời gian Cuộc thi "Ảnh đẹp về Du lịch Sóc Trăng năm 2019"

Thông tin chi tiết tại đây

Ngắm dàn chuột kiểng đón Tết Canh Tý của “vua kiểng thú” miền Tây

Không chỉ nổi tiếng với việc tạo hình ra hàng trăm loại kiểng thú độc đáo, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nghệ nhân Năm Công (Bến Tre) còn cho ra đời cây kiểng hình những chú chuột độc đáo.
Nghệ nhân Năm Công, tên thật là Nguyễn Văn Công, sinh năm 1947, ngụ Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ông được phong là “vua kiểng thú” khi đã cho ra đời những loại kiểng mang hình dáng và nét độc đáo khó nơi nào có được. Trong ảnh: Nghệ nhân Năm Công đang tạo hình kiểng thú. 
Chuẩn bị nguyên liệu làm kiểng thú tại vườn kiểng Năm Công.
Chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nghệ nhân Năm công đã cho ra đời những chú chuột kiểng rất ấn tượng. Trong ảnh: Những chú chuột kiểng trong giai đoạn tạo hình.
Đôi chuột kiểng đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Đôi chuột kiểng chuẩn bị đón Tết Canh Tý.
Cận cảnh chuột kiểng đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Nghệ nhân Năm Công đã cho ra đời hàng ngàn tác phẩm cây kiểng tạo hình theo những con thú rất độc đáo, như: 12 con giáp, voi,… Gần đây ông cho ra đời nhiều kiểu dáng nhà mát như lục giác, bát giác, nhà dài, nhà miền Tây… Trong ảnh: Cặp voi kiểng của nghệ nhân Năm Công đã thành hình.
Cặp “song mã” đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Ráo riết các công đoạn hoàn thiện kiểng phục vụ cho thị trường Tết 2020.
Nếu khách có nhu cầu, chỉ việc liên hệ đến ông Công nói sơ qua về hình dáng, kích thước là ông sẽ phác thảo, làm khung sắt để uống thành hình con vật hay hình dáng đặc biệt theo yêu cầu. Đến nay, chưa có loại hình nào làm khó được nghệ nhân tài hoa này. Trong ảnh: Những cặp lộc bình đã hoàn thiện.
Thành Nhân
Nguồn: https://laodong.vn

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2019

Bến Tre tham dự Hội nghị liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019

Sáng ngày 14/12/2019, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu đã diễn ra Hội nghị lãnh đạo TP. HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL về liên kết hợp tác phát triển du lịch (DL) lần thứ II - năm 2019. Đại diện tỉnh Bến Tre tham dự có ông: Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre; Trương Quốc Phong, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở VHTTDL) tỉnh Bến Tre; Trần Duy Phương, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch; Võ Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Bến Tre. Hội nghị liên kết hợp tác lần này có sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo các Sở DL, Sở VHTTDL và Hiệp hội Du lịch 14 tỉnh, thành; đặc biệt có sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM; Lê Quang Tùng, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Dương Thành Trung đại diện cho các tỉnh, thành phố ĐBSCL nhận định: “Mặc dù có tiềm năng rất đa dạng và phong phú, nhưng nhìn chung DL ĐBSCL vẫn chưa thực sự phát triển, thiếu các trung tâm và điểm đến có tính đặc trưng cao, đẳng cấp chất lượng quốc tế, sản phẩm DL kém đa dạng và gần giống nhau giữa các tỉnh trong vùng; đang thiếu một chiến lược phân vùng và liên kết DL để tạo ra chuỗi toàn vùng…”. Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cũng đã nêu một số lợi thế DL Bến Tre và các vấn đề liên kết vùng: “Bến Tre không ngừng nỗ lực cải thiện điều kiện phát triển DL, xây dựng dịch vụ DL thông minh. Đẩy mạnh liên kết trong thực hiện quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa lịch sử, khai thác tốt tài nguyên bản địa trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Đồng thời, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá DL, đặc biệt là chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm DL đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển DL bền vững. Tăng cường liên kết, phát triển sản phẩm DL theo hướng chuyên nghiệp và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ DL chất lượng; nâng cao hiệu quả và tác phong chuyên nghiệp trong hoạt động DL, tạo ấn tượng và tình cảm tốt đẹp với du khách, góp phần xây dựng hình ảnh DL miền Tây Nam Bộ hiện đại, chất lượng, thân thiện và an toàn”.

Hội nghị đã nhấn mạnh việc hợp tác giữa TP. HCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL nhằm mục đích phát huy vai trò liên kết giữa các tỉnh, thành trong kết nối giao thông, thương mại, văn hóa, đặc biệt là DL; căn cứ vào tiềm năng, tài nguyên DL và các điều kiện liên quan để thúc đẩy phát triển DL của từng địa phương; từng bước xây dựng thương hiệu DL vùng. Đồng thời, thúc đẩy tạo sự liên kết lan tỏa, tổng thể trên nhiều lĩnh vực theo hướng bền vững, cùng phát triển; phát huy được vai trò then chốt của các đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp DL trong việc xây dựng các sản phẩm DL, xúc tiến quảng bá và đầu tư phát triển DL trong thời gian tới.
Các đại biểu tham quan gian hàng xúc du lịch Bến Tre
Kết thúc hội nghị, đại diện lãnh đạo TP. HCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL đã ký kết thỏa thuận biên bản liên kết hợp tác phát triển DL giai đoạn 2020 – 2025, trong đó nhấn mạnh 5 nội dung liên kết hợp tác:

Một là, tăng cường trao đổi các thông tin về tình hình phát triển du lịch giữa 14 địa phương qua nhiều hình thức.

Hai là, dựa trên lợi thế và tiềm năng của các địa phương, năng lực cạnh tranh chung của vùng để xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch liên kết vùng và cho từng địa phương.

Ba là, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm xây dựng thương hiệu DL cho TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Bốn là, tích cực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho vùng.

Năm là, cùng nhau hợp tác, kêu gọi đầu tư để phát triển các hạ tầng du lịch.

Đây là liên kết hợp tác nhằm khai thác hai chiều giữa TP.HCM và ĐBSCL. TP.HCM sẽ khai thác tiềm năng DL ĐBSCL và DL các tỉnh ĐBSCL liên kết tạo sản phẩm đặc trưng không trùng lắp để có các tour DL dài ngày cho du khách khi đến TP.HCM sẽ chọn ĐBSCL để tiếp tục hành trình khám phá và trải nghiệm vùng sông nước./.
Tường Vi

Bến Tre tham dự Tuần lễ Văn hóa Du lịch Cà Mau

Tuần Lễ Văn hóa - Du lịch Cà Mau năm 2019 với chủ đề “Điểm hẹn Mũi Cà Mau” đã diễn ra tại Thành phố Cà Mau và khu du lịch Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) từ ngày 10 tháng 12 đến ngày 15 tháng 12 năm 2019 với nhiều sự kiện nổi bậc thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch. 

Tham dự sự kiện lần này, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre đã tham gia gian hàng chung của cụm liên kết Đồng bằng Sông Cửu Long với hơn 500 ấn phẩm của Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh giới thiệu về hình ảnh đất và người Bến Tre cùng các tour, tuyến, nhà hàng, khách sạn,… mang đến du khách Cà Mau tìm hiểu về quê hương Xứ dừa hiện đại, thân thiện. Đồng thời, sự kiện lần này góp phần tạo kết nối du lịch giữa Bến Tre với Cà Mau, góp phần, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, liên kết du lịch và thu hút đầu tư.
Gian hàng Du lịch Bến Tre tham dự Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Cà Mau (Ảnh: TTXTDL)

Tại Tuần Lễ Văn hóa - Du lịch Cà Mau với các hoạt động chính như: Hội chợ Thương mại và Du lịch, Liên hoan Ẩm thực, Khánh thành cột cờ Hà Nội, Đền Thờ Lạc Long Quân, Tương mẹ và các công trình tại Đất Mũi, Tọa đàm kết nối du lịch, Liên hoan giao lưu nghệ thuật… Tuần Lễ Văn hóa - Du lịch Cà Mau năm 2019 còn có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài như: Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc,…Đây là sự kiện quan trọng của du lịch tỉnh Cà Mau nhằm thu hút du khách, quảng bá và ngày càng hoàn thiện hơn các sản phẩm du lịch, phát huy các giá trị và tiềm năng của tỉnh Cà Mau. Ngoài ra sự kiện này còn nhằm kêu gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch, nhất là phát triển du lịch sinh thái của Cà Mau nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung./.
Bảo Trâm

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019

Miền Tây 'độc nhất vô nhị': Căn nhà làm từ 4.000 cây dừa trong 2 năm

Với khoảng 4.000 cây dừa có tuổi đời từ 80 - 100 năm, hơn 30 nghệ nhân và thợ làm gần 2 năm mới xong căn nhà dừa“độc nhất vô nhị” miền Tây. Chủ nhân là vợ chồng ông Dương Văn Thưởng (79 tuổi, ngụ Vĩnh Long).
Nhà dừa lung linh về đêm - Ảnh nhân vật cung cấp
Căn nhà tọa lạc cù lao An Bình, thuộc xã Hòa Ninh, H.Long Hồ, Vĩnh Long, được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 6 tỉ đồng.
Ông Thưởng kể tuổi thơ của ông gắn liền với cây dừa. Lớn lên, cứ đi đâu thấy dừa là ông có cảm giác vô cùng thân thuộc. Đến khi các con lập gia đình, cócuộc sống ổn định, ông ấp ủ ước mơ xây dựng một căn nhà toàn bằng dừa.
Từ cột, kèo… đến nội thất căn nhà của ông Thưởng đều được làm bằng dừa
Hồ nuôi cá kiểng cũng được trang trí bằng gỗ dừa
Năm 2009, sau khi bàn bạc với vợ là bà Nguyễn Ngọc Giác cùng con gái chị Dương Diệu Hiền, cả gia đình bắt đầu lên ý tưởng. Sau đó tiến hành quy hoạch khu đất rộng 4000 m2 trồng dừa theo hàng, theo lối để tạo cảnh quan đẹp mắt.
Để từng bước hoàn thiện ý tưởng, ông Thưởng đi tìm những cây dừa lão, từ 80 - 100 năm tuổi, mua về xây nhà. Muốn có được nguồn nguyên liệu quý hiếm này, ông phải đi rất nhiều vườn dừa ở các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long... Năm 2017, ông Thưởng mời hơn 30 nghệ nhân và thợ lành nghề về xây dựng ngôi nhà và phải mất gần 2 năm mới hoàn thiện.
“Những cây dừa này cứng dữ lắm, thợ xẻ hư không biết bao nhiêu cái lưỡi cưa. Sau khi xẻ xong thì xử lý xớ dừa, bởi xớ rất bén, thợ phải bào, gọt rồi lấy giấy nhám chà cho đến khi sờ vào không còn thấy xớ gồ ghề thì mới làm được”, ông Thưởng kể.
Khuôn viên được bao bọc bởi những cây dừa được trồng khoảng 10 năm trước khi xây dựng nhà dừa
Ông Thưởng bên tủ thờ được làm từ chất liệu dừa và trang trí bằng các khảm gáo dừa
Một góc trang trí trong nhà ở Vĩnh Long toàn bằng dừa, từ chiếc bàn đến đồng hồ, hộp đựng khăn, bộ tách trà…
Điểm nhấn của căn nhà là xây dựng theo kiểu Nam bộ truyền thống với 3 gian 2 chái. Từ cột, kèo, vách đến nội thất, vật dụng đều làm từ dừa. Ngoài ra còn có 4 tượng phật phúc - lộc - thọ và phật Di Lặc làm từ rễ dừa; tủ thờ, bộ trường kỷ, hoành phi, liễng, đối... cùng các vật dụng bàn ghế, đèn trang trí, màn cửa, tranh ảnh, bộ tách trà... cũng làm từ dừa. “Để hoàn thành quần thể này tôi tốn khoảng 4.000 cây dừa với tổng kinh phí gần 6 tỉ ồng”, ông Thưởng nói.
Một bức tranh làm bằng dừa
Một bức tượng làm từ rễ dừa

Bóng đèn màu trang trí trên cây dừa cũng được làm bằng gáo dừa
Những giò lan làm bằng gáo dừa
Ông Thưởng (giữa) xem việc hoàn thành nhà dừa là niềm vui và tâm nguyện lớn nhất của vợ chồng ông
Hiện nhà dừa được gia đình ông Thưởng mở cửa tham quan. Quần thể nhà dừa vừa có không gian sống vô cùng độc đáo, gần gũi với thiên nhiên. Ông Thưởng xem đó là niềm vui, tâm nguyện lớn nhất của vợ chồng ông.
Chị Lê Thị Mỹ Duyên (23 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) cho biết: “Đi tham quan du lịch tại cù lao An Bình (Vĩnh Long) cùng nhóm bạn, rồi tình cờ biết được khu nhà dừa độc đáo này nên chúng tôi tìm đến tham quan. Đến đây, tôi thật sự choáng ngợp bởi độ hoành tráng của công trình này. Những cây dừa vốn dĩ thân thuộc với làng quê Nam bộ không ngờ có thể xây dựng thành căn nhà đồ sộ đến vậy. Mọi ngóc ngách trong căn nhà đều được làm từ dừa khiến tôi vô cùng kinh ngạc”.
Duy Tân
Nguồn: Thanh niên Online (http://thanhnien.vn)