Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

Sản phẩm tuyến du lịch "Non nước hữu tình"

Vào ngày 18 tháng 9 năm 2020, tại điểm du lịch Làng Xanh, xã An Khánh, huyện Châu Thành đã diễn ra buổi tọa đàm "Hoàn thiện điểm đến, sản phẩm liên kết Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long - Tuyến du lịch "Non nước hữu tình" gồm: Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức tại Bến Tre.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Đức; Lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở VHTTDL), Hiệp hội Du lịch và doanh nghiệp các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng (cụm trưởng cụm phía Tây ĐBSCL). Đặc biệt, còn có sự tham gia của ông Lê Thanh Phong - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và bà Nguyễn Thị Khánh - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh.


Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Đức phát biểu tại buổi tọa đàm (ảnh: T.V.)

Trước ngày tổ chức tọa đàm, đoàn famtrip gồm đại diện các doanh nghiệp lữ hành, du lịch, các cơ quan báo chí của TP. Hồ Chí Minh, các địa phương đã tham gia khảo sát trong 4 ngày từ ngày 15 tháng 9 đến ngày 18 tháng 9 năm 2020 tại các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre. Chương trình khảo sát nhằm đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa đến 13 tỉnh, thành ĐBSCL và kết nối khai thác với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các điểm đến du lịch trên tuyến "Non nước hữu tình" tại khu vực ĐBSCL.


Quang cảnh diễn ra buổi tọa đàm tại điểm du lịch Làng Xanh, xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre (ảnh: T.V.)

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cũng như đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, sản phẩm, dịch vụ du lịch của các tỉnh trong cụm; cần tìm ra những cái riêng đặc trưng từng địa phương; cần chú trọng đến các tiêu chí an toàn trong khai thác sản phẩm du lịch, cách bố trí cảnh quang sao cho hài hòa tại những điểm du lịch và thái độ phục vụ của các nhân viên,…


Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành ký kết hợp tác (ảnh: T.V.)

Đặc biệt, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Khánh đã đề nghị: "Cần phải tăng cường sự gắn kết giữa các Hiệp hội du lịch và các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để làm cầu nối cũng như hỗ trợ tích cực hơn cho doanh nghiệp du lịch. Ngoài ra, nên chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp bằng các khóa ngắn hạn, dài hạn để đáp ứng nhu cầu của du khách...".

Tổng kết chuyến khảo sát của các doanh nghiệp lữ hành TP.HCM, các báo đài đã tìm được nhiều sản phẩm mới, đặc trưng của từng tỉnh đã tạo ra sự phong phú sản phẩm du lịch không trùng lắp trong tour kết nối dài ngày trên tuyến: "Non nước hữu tình" tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra tại buổi tọa đàm, TP.HCM cũng đã tổng kết nhiều số liệu đáng mừng giữa việc liên kết, phát triển du lịch của TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL trong 02 tháng không ảnh hưởng dịch bệnh vừa qua: Khoảng 50.000 lượt khách đã đến ĐBSCL; 1.025 doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM khai thác sản phẩm đến ĐBSCL; 05 chuyến Famtrip đến ĐBSCL; 03 chương trình du lịch liên kết được hình thành và công bố,…

Trước khi kết thúc buổi tọa đàm, 11 doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành của tỉnh Bến Tre cùng với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của các địa phương trong cụm đã tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác trong phát triển du lịch với các doanh nghiệp lữ hành du lịch tại TP.HCM. Điều này đã đánh dấu cho một bước đi mới của du lịch tại các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL và hứa hẹn sẽ ngày càng bức phá trong thời gian tới./.

Tường Vi

Nguồn: https://dulich.bentre.gov.vn

Cồn Đất An Hiệp (Ba Tri) có khả năng phát triển du lịch

Nhìn bao quát Cồn Đất ấp An Bình xã An Hiệp (Ba Tri) giống hình rẽ quạt, nằm giữa sông Hàm Luông hơi chếch về hướng Tây, cách đất liền khoảng 15 phút phà. Cồn Đất có diện tích tự nhiên khoảng 374 ha bao bọc xung quanh bởi 02 loại cây bần và đước, với khoảng 250 hộ gia đình, trên 1000 nhân khẩu. Ngoài điện, hệ thống giao thông, nước ngọt, viễn thông còn khó khăn chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Ấp có 01 nhà văn hóa hơn 100 chỗ ngồi, 01 trạm y tế, 01 phòng học mẫu giáo và 01 trường tiểu học từ lớp 01 đến lớp 04, lớp 05 học sinh phải qua đất liền học. Sản xuất chủ yếu nuôi tôm, trồng lúa nhưng hiệu quả chưa cao. Mức sống của người dân mức thấp, hộ nghèo chiếm trên 23%.

Tìm hướng đi lên cho Cồn Đất, Đại hội Đảng bộ xã An Hiệp nhiệm kỳ 2020-2025 quyết định chọn phát triển du lịch. Đây là quyết định đúng đắn, phù hợp với chủ trương chung của tỉnh và huyện. Vấn đề đặt ra ở đây là Cồn Đất phát triển loại hình sản phẩm du lịch nào cho phù hợp và cách làm sao cho du lịch phát triển. Chính vì lẽ đó mà vừa qua, Sở VHTTDL, UBND huyện cùng với địa phương có chuyến khảo sát thực tế tại Cồn Đất (ấp An Bình). Qua khảo sát, Đoàn thống nhất nhận định Cồn Đất xã An Hiệp có điều kiện phát triển được du lịch loại hình trãi nghiệm kết hợp homestay.


Miếu thờ Lang lại Đại tướng quân

Thứ nhất, về điều kiện tự nhiên, Cồn Đất giống các Cồn ở Đồng bằng Sông Cửu Long đã phát triển được du lịch như Cồn Chim, xã Hòa Minh (Trà Vinh). Thứ hai, về ẩm thực, Cồn Đất có các món ăn: cá nấu canh chua bầu, cá bông lau, cá út, ba khía. Thứ ba, Cồn Đất có liên quan nhiều đến giai thoại người cõng Vua Gia Long Nguyễn Ánh lánh nạn trốn truy đuổi quân Tây Sơn, "Tích xưa kể chuyện cụ Trần - Cõng chúa Nguyễn Phước ra vào Hàm Luông"; Lang lại Đại Tướng quân "Rái cá lội rạch cứu Vua - Lang lại Đại tướng ghi danh Công thần"; cây Thủy Liễu (cây bần) "Muốn ăn mắm sặc bần chua - Về Cù lao đất món Vua đã thèm"; mối quan hệ sui gia giữa Ông Thái Hữu Kiểm (ông già Ba Tri) với ông Trần Văn Hạc (người cõng Vua Gia Long trốn quân Tây Sơn…). Hiện mộ Ông Hạc, miếu thờ Lang lại Đại Tướng quân hiện hữu trên cồn.


Khu nuôi tôm công nghiệp của người dân Cồn Đất

Tuy nhiên, để phát triển được du lịch cộng đồng ở Cồn Đất An Hiệp cần phải lập Đề án cụ thể. Trước mắt phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế xã hội, về hiệu quả và lợi ích du lịch mang lại cũng như các thách thức đặt ra.

Tranh thủ các nguồn lực đầu tư sớm hoàn thành đường giao thông từ UBND xã đến Bến Phà, đường trục ấp cù lao, đầu tư hệ thống cấp nước ngọt sinh hoạt, quy hoạch phân vùng sản xuất xây dựng mô hình nuôi tôm, cá, cua, khu câu cua, cá và các trò chơi dân gian để phục vụ khách du lịch tham quan. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh huyện khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ công nhận di tích mộ Ông Trần Văn Hạc, miếu thờ Lang lại Đại Tướng quân.

Tổ chức tập huấn, tham quan các mô hình du lịch cộng đồng tại các tỉnh ĐBSCL, vận động nhân dân trồng cây, hoa, cải tạo vườn nhà, chọn từ 5-10 hộ dân có điều kiện xây dựng mô hình phát triển du lịch để nhân rộng khi có điều kiện.

Kỳ Vương

Nguồn: https://dulich.bentre.gov.vn

Tập huấn du lịch cộng đồng tại huyện Mỏ Cày Nam và huyện Giồng Trôm

Sáng ngày 18-19/9/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre phối hợp Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn tổ chức lớp tập huấn du lịch cộng đồng tại huyện Mỏ Cày Nam và huyện Giồng Trôm.

Tham dự lớp tập huấn có hơn 80 học viên là cán bộ phụ trách du lịch Phòng Văn hóa Thông tin huyện; cán bộ văn hóa - xã hội các xã có du lịch phát triển; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch, các hộ dân có ý định hoặc có điều kiện làm du lịch trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và huyện Giồng Trôm.


Lớp tập huấn du lịch cộng đồng tại Coconut Homestay - Mỏ Cày Nam (Ảnh B.T)

Tại lớp tập huấn, các học viên được nghe Ths.Phan Bửu Toàn - Phó Hiệu Trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn báo cáo các chuyên đề về khái niệm du lịch cộng đồng, phương pháp xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, ý thức và trách nhiệm của người làm du lịch đối với du khách, lợi ích về kinh tế - xã hội của việc phát triển du lịch cộng đồng, phân tích các thế mạnh của vùng trong việc phát triển du lịch cộng đồng phù hợp với tình hình thực tế,… nhằm chuyển tải đến người quản lý du lịch, người làm du lịch và người tham gia du lịch một ý thức về phát triển du lịch địa phương.

Qua buổi tập huấn, học viên được hướng dẫn, chia sẽ những kiến thức về mô hình du lịch cộng đồng, giúp cho học viên có nhận thức về du lịch, khai thác tài nguyên bản địa vận dụng vào thực tế, nâng cao chất lượng  phục vụ khách du lịch, góp phần phát triển du lịch địa phương ngày càng bền vững và chuyên nghiệp./.

Bảo Trâm

Nguồn: https://dulich.bentre.gov.vn