Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019

Cụm Du lịch phía Đông ĐBSCL cùng xúc tiến du lịch

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch các tỉnh trong cụm phía Đông (Đồng bằng sông Cửu Long) gồm: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang vừa có gian hàng chung tại Hội chợ Du lịch, Ẩm thực và Thương mại trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang từ ngày 10 đến ngày 16/1/2019.
Trung tâm TTXTDL các tỉnh cụm phía Đông ĐBSCL chụp ảnh lưu niệm trước gian hàng chung (ảnh XTDL)
Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với nhiều hoạt động phong phú và thiết thực, thu hút nhiều du khách đến tham quan, giao lưu và mua sắm. Khu giới thiệu sản phẩm du lịch và hàng lưu niệm du lịch từng địa phương được bố trí phù hợp, được Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch và doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành trong khu vực đến tham gia nhằm giới thiệu tour, tuyến, điểm cũng như hình ảnh đất và người từng địa phương đến công chúng. Đặc biệt là 6 tỉnh cụm phía Đông ĐBSCL có gian hàng chung và giới thiệu những sản phẩm du lịch tỉnh mình; ngoài sự riêng có của từng tỉnh thì có nhiều ấn phẩm giới thiệu đến du khách gần xa về những sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú của một tour du lịch dài ngày tại cụm phía Đông ĐBSCL.
Lãnh đạo Tỉnh và các sờ, ngành tỉnh Tiền Giang tham quan gian hàng chung 6 tỉnh tại Hội chợ (ảnh XTDL)
Qua những ngày tham gia xúc tiến, quảng bá tại đây, sự quan tâm của cộng đồng, của những người đam mê du lịch; đặc biệc là sự chú ý của những Hãng lữ hành đã quan tâm nhiều đến sản phẩm du lịch chung của Cụm. Lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cùng lãnh đạo các sở, ban ngành trong tỉnh cũng đánh giá cao kết quả của việc xúc tiến du lịch trong hoạt động của Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần nầy tại Tiền Giang./.
Lê Luông

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2019

Công bố Bộ Quy chuẩn ngủ nhà dân (Homestay) của ngành Du lịch Bến Tre

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre vừa ban hành Quyết định số 05/QĐ-SVHTTDL ký ngày 08/01/2019 quy định các điều kiện bắt buộc và khuyến khích khi các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ ngủ nhà dân (Homestay) của ngành Du lịch Bến Tre áp dụng nhằm tiêu chuẩn hóa và tiến tới xếp hạng dịch vụ để phát triển hiệu quả và bền vững dịch vụ này.
Cảnh quan xanh - sạch - đẹp của homestay (ảnh XTDL)
Trong bộ tiêu chuẩn homestay 2019 này, nhóm thực hiện dự án khoa học và công nghệ cấp cơ sở: “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với loại hình homestay kiểu mới tại Bến Tre” nghiên cứu và thực hiện qua hai bước:

Bước 1: Dự thảo bộ tiêu chuẩn dựa trên nền tảng của tiêu chuẩn nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê theo tiêu chuẩn ASEAN và TCVN 7800:2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như  bản sắc văn hóa, lịch sử, con người Bến Tre - Xứ Dừa. 

Bước 2: Tổ chức hội thảo vào  ngày 15 tháng 11 năm 2018, tại hội trường Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, lấy ý kiến từ nhiều kênh khác nhau như: Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, phòng Văn hóa Thông tin các huyện và thành phố cùng các công ty hoạt động lữ hành, cơ sở kinh doanh loại hình homestay để làm cơ sở xây dựng hoàn chỉnh Bộ quy chuẩn homestay kiểu mới tại Bến Tre. 

Bộ quy chuẩn gồm 05 phần với 100 tiêu chí (trong đó: 13 tiêu chí khuyến khích) gồm: Vị trí, địa lý; Trang thiết bị, tiện nghi; Dịch vụ và mức độ phục vụ; Tiêu chuẩn về người phục vụ; Bảo vệ môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, phòng chống cháy nổ. 

Bộ quy chuẩn còn quy định khung chương trình đào tạo dành riêng cho loại hình homestay với các kiến thức và kỹ năng như: Tổng quan về Du lịch Bến Tre; Cách thức vận hành homestay; Tiếng Anh giao tiếp; Ứng xử và liên kết trong du lịch; Sơ cấp cứu, phòng chống cháy nổ; An toàn vệ sinh thực phẩm; Kiến thức và kỹ năng bán phòng online...

Phương pháp đánh giá các cơ sở dịch vụ homestay: Áp dụng thang điểm từ 1 đến 5 ứng với 100 tiêu chí: 
+ 85% mức điểm 3/100 tiêu chí được công nhận “Homestay tiêu chuẩn”.
+ 85% mức điểm 4/100 tiêu chí được công nhận “Homestay khá”.
+ 85% mức điểm 5/100 tiêu chí sẽ được công nhận “Homestay tốt”.  
Nội thất homestay Bến Tre (ảnh XTDL)
Ban hành bộ tiêu chuẩn homestay 2019 cùng với các hoạt động du lịch đồng bộ có sự quản lý của nhà nước sẽ làm cơ sở khuyến khích, thúc đẩy cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch homestay, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa, từng bước xây dựng thương hiệu “Du lịch sinh thái sông nước Xứ Dừa” cũng như giúp các cơ sở homestay chủ động sáng tạo, từng bước đi vào hoạt động chuyên nghiệp, đạt hiệu quả cao hơn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới./.
Thanh Sơn

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

Quan tâm của du khách nhân dịp Lễ hội Dừa lần thứ V năm 2019

Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ IV năm 2015 đã thu hút trên 100.000 ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, mua sắm và trải nghiệm. Mùa hẹn lại đến sau 4 năm, Lễ hội Dừa lần thứ V năm 2019 được diễn ra vào tháng 11/2019 sắp tới và ước lượt khách sẽ tăng hơn 50% so với cùng kỳ, trong đó có cả khách trong, ngoài tỉnh và quốc tế. Thông qua Lễ hội ngoài việc giúp Bến Tre có điều kiện phát huy lợi thế xuất khẩu các sản phẩm từ dừa; giúp người dân nhận thức sâu hơn về văn hóa Dừa, về hình ảnh, về tiềm năng và thế mạnh của sản phẩm từ dừa Bến tre; đặc biệt là tạo sự hấp dẫn, thu hút đầu tư cho các hoạt động liên kết, liên doanh phát triển chế biến, tiêu thụ sản phẩm; trong đó thúc đẩy đầu tư cho du lịch, thu hút khách trải nghiệm, tham quan du lịch sinh thái sông nước Xứ Dừa.
Quang cảnh Lễ hội dừa lần thứ IV 2015
Lễ Hội Dừa đã trải qua 9 lần tổ chức cấp tỉnh; 4 lần tổ chức cấp Quốc gia; tuy nhiên để tổ chức cấp quốc gia lần thứ V năm 2019, lãnh đạo Tỉnh ủy chỉ đạo công tác chuẩn bị sẽ nâng lên tầm Quốc tế nhằm gắn kết với những nước có trồng dừa trên thế giới để xứng với tiềm năng và thế mạnh đặc thù của tỉnh Bến Tre. Với sự qui mô của dừa Bến Tre theo thống kê cho thấy, cả nước có khoảng 150.000ha diện tích trồng dừa thì Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 115.000ha, trong đó Bến Tre có 71.000ha chiếm 80% diện tích trồng dừa của ĐBSCL và chiếm gần 1/2 diện tích trồng dừa trên cả nước. Dừa Bến Tre được trải đều trên ba dải cù lao Minh, Bảo và An Hóa đã tạo nên một ruộng dừa lớn nhất thế giới mà không nước nào có một ruộng dừa lớn, sum suê, bao phủ một màu xanh trên diện tích rộng bao la hùng vĩ cả một vùng trời.

Cây dừa có vai trò rất quan trọng đối với đời sống Văn hóa Xã hội; có vị trí rất lớn trong tâm thức của người dân Xứ Dừa - người dân Việt Nam; đồng thời dừa có vai trò kinh tế rất lớn của địa phương cũng như trong phát triển nông - công nghiệp ngày càng được phát huy mạnh mẽ. Từ đó, những người dân Bến Tre gắn bó với nghề trồng dừa được xem như là một sắc thái văn minh miệt vườn, đem lại nét văn hóa truyền thống của quê hương sông nước Xứ Dừa, một nét nguyên sơ, bình dị đã tạo cho Du lịch (ngành công nghiệp không khói) phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại Diễn đàn cấp cao về Du lịch trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) ngày 06/12 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, "Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ ghi nhận tất cả các khuyến nghị để làm sao cho du lịch Việt Nam phát triển; trong đó quan tâm phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng an toàn thực phẩm, xuất khẩu nông sản,...". Bến Tre đang trên đà phát triển du lịch nông nghiệp gắn với công nghệ cao để phù hợp với vùng sinh thái nguyên sơ mang dậm nét văn hóa "Sông nước xứ dừa"; đây là hướng đi đúng theo nhận định của Chính phủ.

Ngành công nghiệp chế biến dừa Bến Tre trên đà phát triển, góp phần phát triển song song cho ngành công nghiệp không khói theo hướng bền vững bởi những sản phẩm đặc thù sản xuất từ dừa, kết hợp nguồn tài nguyên thiên nhiên ban tặng cho Bến Tre rừng dừa bao la trên mãnh đất đầy phù sa của 4 nhánh hạ lưu sông MêKông. Hiện Bến Tre có 1.970 cơ sở chế biến dừa, có 30 sản phẩm được chế biến từ dừa, đưa giá trị các sản phẩm sản xuất từ dừa chiếm 15% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và được xuất khẩu đến 84 Quốc gia và Vùng lãnh thổ. 

Được sự chấp thuận của Chính Phủ, sự chỉ đạo chặt chẽ của các Bộ, Ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre, có sự phối hợp tham gia cuả các tỉnh, thành phố trong cả nước và sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp sản xuất chế biến kinh doanh dừa trong và ngoài nước; đặc biệt là mời gọi sự tham gia của các nước trong cộng đồng dừa Châu Á - Thái Bình Dương (APCC). Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ V năm 2019 với chủ đề "Cây dừa trên con đường hội nhập và phát triển"; chương trình hoạt động chính gồm có: 

- Lễ khai mạc, bế mạc (20 giờ ngày 14/11 và 20 giờ ngày 18/11);
- Triển lãm sản phẩm dừa và Hội chợ thương mại (12-18/11/2019);
- Hội thảo trong những ngày diễn ra Lễ hội với các chủ đề:
  • "Xây dựng, khai thác, phát triển nhãn hiệu sản phẩm đặc thù tỉnh Bến Tre";
  • "Chuỗi giá trị cây dừa"; 
  • "Trải nghiệm du lịch vườn dừa Bến Tre".

- Không gian dừa (Con đường dừa) (12 - 18/11/2019);
- Liên quan ẩm thực Nam bộ (12 - 18/11/2019)
- Tuần lễ Văn hóa, Nghệ thuật, Du lịch (12-18/11/219) gồm các nội dung:
  • Không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng; nghệ thuật đường phố; biểu diễn trang phục dừa;
  • Hội thi "Người đẹp Xứ Dừa" mở rộng.
  • Giao lưu văn hóa, nghệ thuật các tỉnh, thành bạn hàng đêm và chương trình đêm nhạc " Những rặng dừa quê hương";
  • Đua xuồng trên sông Bến tre (xuồng có chở dừa)
  • Chương trình trải nghiệm sóng nước Bến Tre hàng đêm trên sông với các dịch vụ hát nhau nghe, đờn ca tài tử, uống nước dừa xiêm;
  • Trò chơi vận động dân gian, truyền thống.

- Cộng đồng vui hội làng Dừa (14-18/11/2019): Tại 986 khu dân cư trên địa bàn tỉnh vời các hoạt động như trò chơi dân gian, truyền thống; liên hoan trang trí từ chất liệu dừa; liên hoan ẩm thực; ca nhạc tài tử, hát dân ca Bến Tre, đồng dao;...
Du khách trải nghiệm dưới bóng dừa tại Nam TP. Bến Tre
Lễ hội Dừa lần thứ V năm 2019 là cơ hội để Bến Tre đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển du lịch trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó cho thấy ý nghĩa và lợi ích thật sự vừa góp phần tăng chuỗi giá trị cây dừa của địa phương, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay. Qua đó xác định cây dừa là "Cây của Sự sống", cây chiến lược công - nông nghiệp của tỉnh nói riêng, của quốc gia nói chung góp phần phát triển kinh tế xã hội từng địa phương; Đây là cơ hội để các nhà đầu tư du lịch, du khách thập phương trong và ngoài nước biết đến quê hương sông nước Xứ Dừa; đồng thời tạo điều kiện để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp trong thời gian tới./.