Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Tham gia xúc tiến du lịch tại MDEC VĨNH LONG 2013

Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch (TTXTDL) đã phối hợp tổ chức tham gia các hoạt động trong khuôn khổ "Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long 2013" tại tỉnh Vĩnh Long diễn ra từ ngày 25 đến 27/11/2013 do Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức;

Tham dự lần nầy Trung tâm đã chuẩn bị chu đáo các ấn phẩm như: Đĩa DVD về Du lịch xứ dừa; quyển "Thông tin cần biết về Du lịch"; quyển "Địa chỉ du lịch"; quyển "Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư về du lịch tại Bến Tre"; các brochure giới thiệu thương hiệu và hình ảnh của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các làng nghề trong tỉnh và các nhà hàng, khách sạn tại địa bàn tỉnh Bến Tre.
Gian hàng chung của tỉnh Bến Tre tại MDEC Vĩnh Long 2013

Trong công tác xúc tiến, giới thiệu quảng bá, Trung tâm TTXTDL đã phối hợp tham gia cùng gian hàng chung của tỉnh gồm có các đơn vị: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương; tập trung trang trí gian hàng được thể hiện qui mô, hoành tráng trong khuôn khổ hội chợ, với nhiều sản phẩm trưng bày tiềm năng thế mạnh của tỉnh; bên cạnh đó Trung tâm TTXTDL cũng có phối hợp tham gia gian hàng chung với bốn tỉnh đã ký kết hợp tác phát triển du lịch cụm Duyên Hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long gồm: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Tiền Giang để trưng bày giới thiệu du lịch của bốn tỉnh trong khu Hội chợ - Liên hoan ẩm thực; 

Đặc biệt là trong chuỗi hoạt động lần nầy, để giới thiệu về ẩm thực Bến Tre, Trung tâm TTXTDL đã vận động năm đơn vị tham gia gian hàng ẩm thực và dự thi liên hoan ẩm thực với chủ đề Hương vị miền Tây gồm: Nhà hàng Đồng Khởi II; Nhà hàng The Champagne; Nhà hàng Nổi Bến Tre; Khu du lịch vườn sinh thái Ba Ngói và bánh xèo hến Chín Nho; kết quả đã được 01 giải nhì, một giải ba và 02 giải khuyến khích về việc thi trang trí gian hàng và thi món ăn ngon vùng miền.
Gian hàng ẩm thực The Champagne
Trung tâm TTXTDL cũng tham dự các diễn đàn hợp tác kinh tế, Xúc tiến đầu tư - An sinh xã hội; Diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL; tại các diễn đàn, những ấn phẩm giới thiệu Du lịch bến Tre, danh mục kêu gọi đầu tư về du lịch cũng được gởi đến quí quan khách, quí đại biểu trong và ngoài nước nhằm xúc tiến kêu gọi đầu tư vào Bến Tre.

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Đình Bình Hòa, Điểm du lịch Giồng Trôm

Du lịch Bến Tre với nhiều tuyến đến các huyện trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó du lịch sinh thái là đặc thù vùng sông nước xứ dừa Bến Tre, bên cạnh đó kết hợp các làng nghề truyền thống cùng hệ thống di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh đã làm phong phú thêm tính đặc sắc cho du khách đến Bến Tre; Đình Bình Hòa là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vừa được trùng tu và tổ chức khánh thành đưa vào sử dụng ngày 22/11/2013, đã góp thêm sản phẩm du lịch cho loại hình du lịch tham quan, nghiên cứu và tâm linh.

 Tuyến du lịch TP. Bến Tre - Giồng Trôm - Ba Tri là tuyến có nhiều làng nghề như Bánh tráng Mỹ Lồng - bánh phồng Sơn Đốc, làng nghề rượu Phú Lễ tại xã Phú Lễ, làng nghề đan đát tại Phước Tuy; bên cạnh đó có nhiều danh lam thắng cảnh và những di tích cấp quốc gia cùng các công trình nghệ thuật như: Di tích Lãnh binh (Nguyễn Ngọc Thăng), di tích nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, di tích Võ Trường Toản, Nhà lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định, đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống, ngoài ra còn nhiều khu mộ của các bật danh nhân như cụ Phan Thanh Giản, cụ Phan Văn Trị và nhiều di tích cấp quốc gia khác; đặc biệt Bình Bình Hòa là di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc cũng nằm trên tuyến tham quan nầy.
Nghệ thuật chạm trỗ Đình Bình Hòa
Ngày 30/7/2012 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Giồng Trôm tổ chức lễ khởi công công trình trùng tu, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật đình Bình Hòa; sau 01 năm thi công, đến nay đã hoàn tất, đảm bảo chất lượng, tiến độ và cơ bản giữ được đường nét kiến trúc xưa, bảo tồn tối đa yếu tố gốc của di tích. Đây là di tích lịch sử, văn hóa, được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 07/01/1993. Di tích đình nằm cạnh đường tỉnh 885, địa phận thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Từ Tp. Bến Tre, du khách đi đến địa phận Giồng Trôm 05 km (Cầu Chẹt Sậy) là đến làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, đi tiếp theo 02 km là đến đền thờ tưởng niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định, rời khu tưởng niệm cách 07 km theo hướng đi Ba Tri là đến đình Bình Hòa; đình có qui mô toàn khu là 9.000m2 (trong đó diện tích xây dựng là 1.760m2), bao gồm các hạng mục: nhà võ ca, nhà hương, nhà chính, nhà tiền sảnh, hành lang, hậu đường, miếu Quan Thánh, tường rào và sân đường nội bộ tổng mức đầu tư là 20,1 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng tôn tạo các hạng mục là: 14,09 tỷ đồng.
Quang cảnh chung của Đình Bình Hòa
Đình Bình Hòa có tuổi thọ đến nay đã trên 100 năm, nguyên thủy được xây dựng vào năm 1831 bằng nguyên vật liệu xây dựng đơn sơ như: cây, lá. Đến năm 1903 ngôi đình được các cụ trong ban khánh tiết đứng ra tổ chức, vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của để xây dựng lại theo kiểu cách qui mô, đồ sộ hơn, lúc này Đình được dời sang vị trí hiện nay. Các bô lão trong làng kể lại rằng ngôi đình từ khi khởi công xây dựng đến khi hoàn thành phải mất trên 10 năm (1903 - 1913). Đó là kết quả lao động rất công phu, cần cù, sáng tạo của các nghệ nhân bậc thầy từ miền ngoài vào, có tay nghề và trình độ mỹ thuật cao đã làm ròng rã suốt một thập niên. 

Đến nay công trình trùng tu, tôn tạo di tích Kiến trúc Nghệ thuật đình Bình Hòa đã hoàn thành, qua đó đã lưu giữ những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của dân tộc, của các thế hệ ông cha để lại, những kiến trúc nghệ thuật ấy thể hiện trên những tác phẩm chạm khắc gỗ độc đáo, tinh xảo, hoa mỹ, đậm đà sắc thái truyền thống dân tộc của những người thợ thủ công tài hoa. Nổi bật là ở nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian cổ truyền rất công phu, có nhiều điểm hết sức lý thú, hấp dẫn. Càng nhìn về giá trị nghệ thuật chạm trổ, chúng ta càng quý trọng sự lao động cần cù, sáng tạo của các nghệ nhân trước đây. Toàn bộ tác phẩm điêu khắc, chạm trổ mỹ thuật ở đình Bình Hòa là một di sản văn hóa quí báu, góp phần to lớn trong việc giáo dục lòng tự hào dân tộc, nâng cao kiến thức phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ và văn hóa, đồng thời cũng là sản phẩm du lịch cho du khách thập phương đến chiêm ngưỡng.

Đây là một di sản văn hóa và cũng là sản phẩm du lịch góp phần cho du lịch huyện Giồng Trôm nói riêng và cho du lịch tỉnh Bến Tre nói chung sẽ phát triển được loại hình du lịch sinh thái, kết hợp du lịch làng nghề, du lịch về nguồn và du lịch tâm linh,… hy vọng trong thời gian tới, huyện Giồng Trôm sẽ tập trung từ huyện đến xã, từ chính quyền đến tận người dân với quyết tâm cao, tạo nhiều sản phẩm du lịch, nhiều dịch vụ phục vụ khách du lịch nhằm đưa ngành du lịch huyện nhà phát triển ngang tầm xu thế phát triển chung của tỉnh để góp phần trong việc phát triển kinh tế địa phương mà ngành du lịch là ngành công nghiệp không khói sẽ trở thành mũi nhọn đến năm 2020./.

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Ấn tượng về sự đa dạng văn hóa và thiên nhiên sông nước miệt vườn

Sắc màu các lễ hội truyền thống văn hóa Bến Tre:
Mỗi tỉnh thành, mỗi vùng miền có nhiều nét đẹp khác nhau, nhiều nét đa dạng văn hóa và có sự đặc trưng riêng về văn hóa cũng như sản phẩm du lịch. Bến Tre một trong 13 tỉnh thành thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, không nằm ngoài nét văn hóa sông nước miệt vườn vùng Tây Nam Bộ nhưng có nhiều điểm đặc trưng khác so với các tỉnh khác trong khu vực. Đó là một ốc đảo được hợp thành bởi ba dãy cù lao được bồi tụ phù sa bởi 04 con sông lớn: Sông Tiền, Hàm Luông, Ba Lai và Cổ Chiên, nên vùng đất này rất trù phú, thích hợp trồng được nhiều loại trái cây ngon, đặc biệt trong đó có cây dừa, một loại cây rất đặc trưng ở Bến Tre, diện tích trồng dừa của Bến Tre, với 53.000 ha, chiếm 1/4 diện tích dừa cả nước, sản lượng hàng năm khoảng 500 triệu trái, không chỉ cung cấp trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài như các nước: Singapore, Malaysia, Philippin, Ấn Độ, Trung Quốc,…
Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012
Dừa được dùng trong công nghiệp chế biến các loại sản phẩm dừa như: than hoạt tính, chỉ sơ dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, thạch dừa, mặt nạ dừa, kẹo dừa,…. Hiện nay Bến Tre có hơn 40 loại sản phẩm chế biến từ dừa đang được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới, hàng năm sản phẩm dừa chiếm tỉ trọng khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu của Bến Tre. 

Bến Tre với một màu xanh bất tận đó là màu xanh của dừa, của những cánh đồng lúa xanh bát ngát. Vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều, khí hậu mát mẻ quanh năm, cây trái bốn mùa trĩu quả. Hằng năm, Bến Tre tổ chức nhiều lễ hội tiêu biểu như: Ngày hội truyền thống văn hóa nhân kỉ niệm ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu 1/7, lễ hội truyền thống cách mạng Đồng Khởi 17/1, Ngày hội cây trái ngon - an toàn và sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bến Tre vào dịp Tết Đoan ngọ, lễ hội Dừa, lễ hội Nghinh Ông của các cư dân vùng biển như: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú,…

Mỗi lễ hội có một sắc thái riêng, độc đáo riêng tạo nên một sắc màu văn hóa đa dạng. Riêng lễ hội dừa đã trở thành Festival Dừa mang tầm cỡ quốc gia, 2 năm được tổ chức một lần vào thời điểm 30/4 với nhiều hoạt động hấp dẫn, tham quan các sản phẩm được chế tác từ dừa, thưởng thức các món ăn mang đậm hương vị quê dừa, tham quan vườn dừa,…

Trải nghiệm vùng đất nguyên sơ:
Những ai đã từng đến với quê hương xứ dừa đều có những kỉ niệm đáng nhớ với nơi đây, bởi một vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của một vùng quê chỉ có sông nước, cây trái và sự hiếu khách. Đến Bến Tre, qua cầu Rạch Miễu du khách đã đến với tỉnh Bến Tre mà huyện cửa ngõ đầu tiên là Châu Thành, du khách sẽ tham quan các cồn nổi như cồn Phụng, cồn Quy, cồn Ốc để trải nghiệm cuộc sống đời thường của người dân xứ cồn, du khách có thể cùng người dân đi đặt lộp, bắt cá, chế biến thức ăn, làm vườn, trồng lúa, tát mương bắt cá,… để hiểu được những nét văn hóa bản địa của người dân địa phương.

Trải nghiệm một ngày khám phá du lịch sinh thái sông nước, lênh đênh trên sông, tham quan cơ sở sản xuất kẹo dừa, làm bánh tráng, thủ công mỹ nghệ dừa, uống ly trà mật ong thơm ngon, thưởng thức trái cây và được phục vụ đàn ca tài tử Nam Bộ với những bài hát ngọt ngào do những cô thiếu nữ xứ dừa xinh thể hiện. 
Nghề sản xuất kẹo dừa ở huyện Châu Thành
Bến Tre cũng có rất nhiều làng nghề truyền thống như: nghề hoa kiểng Cái Mơn - Chợ Lách, bánh tráng Mỹ Lồng - bánh phồng Sơn Đốc thuộc huyện Giồng Trôm, nghề đan đát, nghề bó chổi, làm lu,…Đây là điều kiện thuận lợi để Bến Tre phát triển loại hình du lịch làng nghề gắn liền với du lịch sinh thái và du lịch về nguồn,…

Hiện nay, Bến Tre rất hấp dẫn du khách với du lịch homestay, du lịch cộng đồng, du khách đến Bến Tre tham quan những điểm du lịch sau đó cùng người dân, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt như một thành viên trong gia đình, cùng làm nông dân, cùng chế biến thức ăn, đây là một trải nghiệm thú vị giúp du khách tìm hiểu về những nét văn hóa độc đáo của quê hương xứ dừa. Hiện nay, các công ty lữ hành trong tỉnh đang tập trung khai thác chương trình tour này để thu hút du khách đến Bến Tre nhất là khách ngoại quốc.

Theo ông Lê Văn Luông - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre đã nói: “Bến Tre có cơ hội và tiềm năng để phát triển du lịch, trong đó du lịch sinh thái và du lịch văn hóa - lịch sử, đang ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế, nên việc thông tin, xúc tiến, quảng bá hình ảnh đất và người Bến Tre là hết sức cần thiết, việc xây dựng tour tuyến, tạo sản phẩm du lịch mới cần phải được tập trung đầu tư, kết nối với các hãng lữ hành trong tỉnh và ngoài tỉnh hợp tác đưa khách đến Bến Tre. Vấn đề là làm thế nào để tạo được hình ảnh du lịch Bến Tre độc đáo trong mắt du khách”.

Chính vì vậy, Bến Tre trong những năm gần đây luôn đẩy mạnh việc thông tin xúc tiến du lịch, hiện tại thì việc giới thiệu các ấn phẩm đến du khách như: Cẩm nang hướng dẫn du lịch, địa chỉ du lịch, thông tin du lịch xứ dừa, VCD du lịch xứ dừa,… đã được giới thiệu rộng rãi đến du khách trong nước và quốc tế. Việc tham gia xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư du lịch Bến Tre tại các cuộc hội chợ lớn như: Ngày hội du lịch Tp.HCM, hội chợ du lịch quốc tế, hội chợ Xúc tiến Thương mại - Du lịch các tỉnh trong khu vực,… tổ chức các chương trình famtrip khảo sát điểm đến xây dựng tour tuyến du lịch và tìm ra sản phẩm du lịch mới được tỉnh quan tâm đầu tư nhiều hơn; song Bến Tre với những thuận lợi về tài nguyên thiên nhiên, còn bảo tồn nhiều giá trị văn hóa - lịch sử, có nhiều nét văn hóa đặc sắc luôn hấp dẫn du khách, hy vọng trong một tương lai không xa cùng với sự nổ lực hết mình trong việc phát triển ngành dịch vụ du lịch sẽ làm thay đổi hình ảnh du lịch Bến Tre tạo cho du lịch Bến Tre ngày càng vươn xa đến các nước trên Thế giới./. 

Cồn Ốc hấp dẫn với khách du lịch và nhà đầu tư du lịch

Cồn Ốc thuộc xã Hưng Phong - huyện Giồng Trôm cách thành phố Bến Tre khoảng 12 km đường bộ, là một cồn nổi lớn nhất trên sông Hàm Luông, với diện tích tự nhiên là 647 ha, cồn Ốc hấp dẫn bởi những vườn cây ăn trái, khung cảnh thiên nhiên sông nước hữu tình, có một rừng dừa xanh thẳm với một bộ sưu tập các loại dừa phong phú, có nhiều làng nghề truyền thống như: sản xuất thủ công mỹ nghệ dừa, đan giỏ cọng dừa. Cuộc sống nông thôn bình dị và yên bình, là điểm tham quan hấp dẫn du khách thập phương.

Đến Cồn Ốc - Hưng Phong, du khách như được tìm về với sự ngọt ngào của đất, của tình người tha thiết như người con xa quê nay được trở về với quê hương yêu mến. Xứ đảo với biết bao vẻ đẹp dịu dàng, như tấm thảm xanh trải dài xuôi theo dòng sông Hàm Luông thơ mộng. Vì vậy, Cồn Ốc là một trong những địa danh khơi dậy nguồn cảm hứng dạt dào của các văn nghệ sĩ, hình ảnh của những vườn cây xanh trĩu quả với nhiều chủng loại trái cây ngon: Cam, bưởi, xoài,… những dòng sông, hàng dừa, bến phà và những con đom đóm lập lòe trên những nhánh cây bần trong đêm hay đêm trăng trên sông,… cũng đủ làm nên những tác phẩm lãng mạn, đậm nét văn hóa miệt vườn của vùng đồng bằng Nam Bộ. Từng con đường làng nhỏ, những hàng dừa nước đung đưa trong gió, những con rạch nhỏ ngoằn ngèo với hai bên là hàng dừa nước, dòng nước chảy êm đềm như một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Hưng Phong thật sự là một điểm du lịch làng quê sông nước đặc trưng hấp dẫn như có sức hấp dẫn kỳ lạ, níu chân biết bao du khách mọi miền đất nước khi về Bến Tre xứ dừa. Tôi đến cồn Ốc - Hưng Phong đã nhiều lần, nhưng vẫn bị cuốn hút bởi nét đẹp dân dã của một vùng sông nước và những vườn cây ăn trái sai trĩu quả. Mỗi khi có dịp về Bến Tre, tôi lại về thăm Cồn Ốc như một nỗi nhớ quê hương da diết đến khó tả. Phải chăng, đây cũng là lý do để các nhà nghiên cứu, người làm công tác du lịch chọn nơi đây làm điểm du lịch xanh, là nơi trải nghiệm cuộc sống nông thôn bình dị và yên bình, các lữ hành du lịch nên khảo sát để tạo sản phẩm dịch vụ du lịch riêng cho mình, các nhà đầu tư du lịch sinh thái nên chọn cồn Ốc để đầu tư du lịch sinh thái sông nước miệt vườn trên vùng đất cù lao.
Một góc Cồn Ốc
Xứ đảo là nơi giàu truyền thống cách mạng trong kháng chiến, là vùng đất “địa linh nhân kiệt” đã làm lay động hàng triệu con tim của những người con quê hương Đồng Khởi trong những năm kháng chiến. Hình ảnh người phụ nữ tên Trần Thị Kế đã đi vào lịch sử đấu tranh hào hùng của quân và dân Bến Tre với câu nói bất hủ: “Chồng con tao ở trong tim tao, bọn bây cứ mổ ra mà lấy”. Tác giả Công Tương (Nguyễn Tấn) đã đem câu chuyện mẹ Trần Thị Kế sáng tác thành nhạc phẩm mang tên “Uất hận dâng trào”. Bài hát được lưu truyền trong vùng giải phóng suốt thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ tạo nên một khúc nhạc hào hùng về tinh thần đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Mẹ Kế tiêu biểu cho ý chí chiến đấu, kiên cường của quân và dân Bến Tre, đã để lại trong lòng người dân cồn Ốc - Hưng Phong và Bến Tranh - Phước Long sự cảm mến và tình yêu thương bất tận, bởi nơi đây là nơi mẹ sống và lớn lên cùng bà con Hưng Phong.

Đến Hưng Phong, du khách sẽ đến tham quan và giao lưu với Ông Đỗ Thành Thưởng thuộc ấp 2 - xã Hưng Phong, người đầu tiên trong tỉnh ra công sưu tầm và lưu giữ trên 20 giống dừa xiêm, dừa ta các loại như: Dừa dứa, dừa xiêm xanh, dừa tam quan, dừa ẻo, dừa bung, dừa dâu,…góp phần tạo nên sự đa dạng cho các giống dừa ở Việt Nam. Đến đây, du khách sẽ được tham quan vườn dừa đặc chủng, thưởng thức nước dừa tươi mát tại vườn, được “Vua dừa” chia sẽ những kinh nghiệm trồng dừa và thưởng thức các món ăn dân dã đồng quê, mà lòng người mến khách xứ đảo thiết đãi cho du khách. Chắc chắc rằng, sau khi rời khỏi nơi đây du khách sẽ mãi lưu luyến với nhiều kỉ niệm khó quên trong chuyến tham quan xứ cồn Ốc này.

Hiện nay xã có trên 700 hộ chuyên sản xuất các mặt hàng giỏ cọng dừa, sản phẩm làm ra rất đẹp mắt dùng để cắm hoa, làm giỏ quà tặng, sản phẩm được thương lái ký hợp đồng tiêu thụ ở trong và ngoài nước. Hằng năm, làng nghề cung cấp cho các tỉnh, thành lên đến hàng chục triệu sản phẩm giỏ cọng dừa và gần hàng trăm mặt hàng mỹ nghệ được sử dụng nguyên liệu từ cây, trái dừa. Hệ thống giao thông trong xã đã được đầu tư nâng cấp tạo nhiều điều kiện thuận lợi để du khách đến với Hưng Phong. Năm 2011, xã được chương trình nguồn vốn biến đổi khí hậu tỉnh đầu tư hơn 70 tỷ đồng để xây dựng tuyến đê bao Hàm Luông, giúp ngăn mặn và làm lộ giao thông. Những con đường đã tạo nên một vòng xoay quanh cồn để du khách có thể ngắm cảnh đẹp miệt vườn. Trong chương trình tour tham quan trên sông MeKong, Cồn Ốc - Hưng Phong sẽ là điểm dừng chân cuối cùng của khách du lịch trong hành trình khám phá du lịch Bến Tre.
Sản phẩm đan giỏ cọng dừa chưa hoàn thành tại Cồn Ốc
Cồn Ốc với nhiều điều kiện để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, với dự án xây dựng khu du lịch sinh thái được quy hoạch thành các khu vực như: Khu ẩm thực, nghỉ dưỡng, sản xuất thủ công mỹ nghệ và sinh hoạt văn hóa - giải trí. Chắc chắn trong một tương lai không xa thì du lịch Cồn Ốc - Hưng Phong sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách khám phá du lịch sông nước miệt vườn Bến Tre, với những nét đẹp văn hóa truyền thống và cảnh đẹp thiên nhiên đủ để “níu chân” những ai đến đây.

Cồn Ốc - Hưng Phong với vẻ đẹp giản dị, luôn mang trong mình nhiều nét đẹp quyến rũ của một vùng quê sông nước miệt vườn. Đến với cồn Ốc du khách sẽ trải nghiệm du lịch sinh thái miệt vườn với biết bao điều thú vị./.