Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

Chuẩn bị đón khách trong đợt tết Nguyên đán 2017 tại Cồn Bửng

Vừa qua, ngày 10/01/2017, Ông Trần Duy Phương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Quản lý Du lịch và Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch có buổi làm việc với huyện Thạnh Phú về việc công tác chuẩn bị đón khách đến Cồn Bửng - Thạnh Hải - huyện Thạnh Phú. Đến tham dự có đại diện Văn phòng UBND huyện, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện và Ban Quản lý khu du lịch.
Các đại biểu dự họp chụp ảnh lưu niệm trước Văn phòng Ban quản lý khu du lịch vừa được xây dựng tại Cồn Bửng
Sau khi nghe báo cáo tình hình hoạt động và công tác chuẩn bị của Ban Quản lý khu du lịch và địa phương, lượng khách thời gian qua ngày càng tăng hơn, dự đón trong đợt tết năm nay sẽ nhiều hơn so năm trước, cần phải có sự phối hợp của các phòng ban trong huyện; Ban Quản lý khu du lịch cũng đã chuẩn bị lực lượng giữ an ninh trật tự, cứu đuối nước, sinh hoạt những hộ kinh doanh chú ý về an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường khu vực kinh doanh. Công việc tiếp sau đó là tổ chức Lễ hội Nghinh Ông vào rằm tháng Giêng năm 2017 ÂL, phần lễ đã có nhà đầu tư tài trợ tổ chức (Công ty Đại Ngân, nhà đầu tư khôi phục và xây dựng khu lăng Ông Nam Hải tại Cồn Bửng) và phần hội cần phải tập trung giữa Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện cùng UBND xã Thạnh Hải thực hiện những trò chơi dân gian, hội thi, biểu diễn nghệ thuật,... để phục vụ du khách đến với Lễ hội.

Ban Quản lý khu du lịch đã triển khai một số biển báo và 16 cọc trụ cờ báo hiệu cho khu vực tắm an toàn, phân công lực lượng trực có loa tay thông báo đối với những ngày cao điểm như thứ bảy và chủ nhật. Trong đợt tết Nguyên Đán sắp tới sẽ tăng cường thêm lực lương bảo vệ và phòng cứu đuối nước trên bãi biển Cồn Bửng. 

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đánh giá cao khi Ban Quản lý của khu du lịch thành lập đến nay có sự chuyển biến; đã tập hợp được các hộ kinh doanh trong khu vực biển tham gia thành viên cứu đuối nước, thành viên quản lý trật tự, giữ gìn môi trường sạch đẹp, giải tỏa được nơi mua bán trên bãi biển để tạo cảnh quan; cấm cờ báo hiệu khu vực cấm, biển báo và thông tin trên khu vực,... Cần lưu ý thêm việc chèo kéo khách, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có niêm yết giá thức ăn và dịch vụ tại các điểm trong dịp tết, lễ nhằm phục vụ tốt cho du khách phương xa và nhân dân địa phương đến vui xuân./.

Lễ hội Hoa Ban Điện Biên 2017

Hằng năm, vào trung tuần tháng 3 khi tiết trời ấm áp, Hoa Ban lại nở trắng núi rừng Điện Biên. Trong không gian ngập tràn sắc hoa, đó cũng là thời khắc mà người dân và du khách sẽ được chìm đắm trong sắc màu văn hóa của Lễ hội Hoa Ban Điện Biên được tổ chức trên mảnh đất Lịch sử Điện Biên Phủ.
Hoa ban (từ Internet)
Lễ hội và Ngày hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phong phú, hấp dẫn, xuyên suốt như biểu diễn nghệ thuật; triển lãm sách, ảnh đẹp và quà tặng du lịch; trình diễn nghi thức và lễ hội truyền thống; triển lãm văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; Liên hoan dân ca, dân vũ, âm nhạc truyền thống; thi đấu thể thao, giao lưu các môn thể thao dân tộc và đặc biệt là Cuộc thi “Người đẹp Hoa Ban” quy mô cấp khu vực lần đầu tiên tổ chức tại tỉnh Điện Biên. Các hoạt động không chỉ mang đến không khí lễ hội sôi nổi, hấp dẫn mà còn phô diễn vẻ đẹp đặc trưng đầy bản sắc của con người, thiên nhiên, lịch sử, văn hóa vùng Tây Bắc của Tổ quốc.
Một hoạt động trong Lễ hội Hoa Ban năm 2016 (ảnh từ Internet)
Đến với Điện Biên trong dịp này, bạn bè, du khách sẽ có cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm, thưởng thức nét đẹp vùng cao, khám phá sắc màu Tây Bắc trong không gian Lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc, tham quan quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ và đưa mình vào hành trình tìm về lịch sử … Đặc biệt hơn, bạn sẽ có những khoảnh khắc không thể quên khi được hòa mình trong thiên nhiên, đất trời Điện Biên giữa mùa hoa Ban nở. Hoa Ban sẽ điểm trang cho núi rừng Điện Biên, đem những dải mây về trên phố, nở trắng bừng trên những nẻo đường bạn qua … Đó sẽ là những ấn tượng sâu đậm về Lễ hội Hoa Ban và Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch, về thành phố Điện Biên Phủ - Thành phố Hoa Ban!

Mời bạn lên Điện Biên vào mùa Lễ hội để thêm hiểu, thêm yêu về mảnh đất, con người nơi đây và để thêm một lần thấy thân thuộc, gắn bó hơn với hoa Ban - người con gái xinh đẹp của thiên nhiên của núi rừng Tây Bắc!
(ảnh từ Internet)

Các hoạt động trong Lễ hội Hoa Ban năm 2017

1. Chương trình Viếng Nghĩa trang Liệt sỹ A1
- Thời gian, địa điểm: 7 giờ 30, ngày 12/3/2017 tại Nghĩa trang Liệt sỹ A1
2. Khai mạc Lễ hội Hoa Ban năm 2017
- Thời gian, địa điểm: 20 giờ - 21 giờ 30 ngày 12/3/2017 tại Quảng trường 7/5
3. Triển lãm văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên
- Thời gian, địa điểm: Từ ngày 11/3 - 14/3/2017 tại Quảng trường 7/5
4. Liên hoan dân ca, dân vũ, âm nhạc truyền thống các dân tộc
- Thời gian, địa điểm: ngày 12/3/2017 tại Sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ
5. Thi Người đẹp Hoa Ban
- Thời gian: Vòng sơ khảo tổ chức ngày 13/3/2017. Vòng chung kết tối ngày 14/3/2017.
6. Trình diễn lễ hội và nghi thức văn hóa dân gian
- Thời gian, địa điểm: Ngày 14/3/2017 tại Sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ
7. Trưng bày triển lãm ảnh, sách, sản phẩm quà tặng du lịch
- Thời gian, địa điểm: Từ ngày 11/3 - 14/3/2017 tại Quảng trường 7/5
8. Các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao
- Giải bóng chuyền, Giải việt dã, Tung còn, Kéo co, Tù lu, Giã bánh Dày, Tó mák Lẹ, Xe đạp thồ.

Diễn ra từ ngày 10/3 - 14/3/2017. Tại các địa điểm Sân vận động tỉnh Điện Biên, đường Võ Nguyên Giáp; Quảng trường 7/5 - Thành phố Điện Biên Phủ.

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Khám phá nét đẹp cây dừa (Xưa và nay)

Cây dừa không biết có từ bao giờ trên đất Bến Tre mà đến hôm nay lại mang danh quê hương Xứ Dừa!; không ai biết và cứ truyền hỏi nhau theo lời thơ ngọt ngào, êm dịu và hơi mong lung:
Dừa ơi dừa! Dừa bao nhiêu tuổi
Mà lá tươi xanh mãi tới giờ?
Tôi nghe gió ngàn xưa đang gọi
Xào xạc lá dừa hay tiếng gươm khua...

Những dấu hỏi trong bài thơ "Dừa ơi" của nhà thơ Lê Anh Xuân đã viết vào đầu năm 1966. Lúc bấy giờ ....
Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi: Dừa có tự bao giờ?
Nội nói lúc nội còn con gái
Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân,...

Có nhiều nguồn tin cho rằng cây dừa xuất phát từ ông, cha đã đem từ miền Trung (Bình Định) vào gầy giống bởi thổ nhưỡng phù sa của ba dải cù lao do 4 nhánh sông MêKông bồi đắp; có nguồn tin là Bến Tre có 65 km bờ biển giáp biển Đông, dừa trôi giạt từ Phi-Líp-Pin sang và mộc lên tươi tốt, cho trái nhiều, có nhiều dầu và nước uống ngọt thanh, phù hợp với vùng đất phù sa nầy. Qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng ông, cha đã bám đất giữ làng và giữ gìn cho cây phát triển đến tận ngày nay để con cháu được thừa hưởng và trở thành Xứ Dừa quê tôi.
Dừa ngày xưa!  Dừa trong chiến tranh, Dừa trong đời sống.
Cây dừa đã bám chặt với đời sống vật chất, tinh thần của người dân, trong ẩm thực, dịch vụ, du lịch tại Bến Tre; đặc biệt hơn là khi xưa cây dừa cũng tham gia vào phục vụ chống giặc ngoại xâm, một loại vũ khí góp phần thắng lợi trong chiến đấu du kích của quân và dân Bến Tre. 
Tái hiện nhà dừa truyền thống Nam bộ với hình ảnh cây dừa bị bom, đạn thời chiến tranh trước năm 1975 vẫn vươn sức sống đến ngày nay (2015) hiện diện tại khu không gian dừa TP.Bến Tre
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thân cây dừa khi còn sống, quân dân Bến Tre leo lên cấm cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam để giữ đất, giữ làng; Đặc biệt là dưới cán cờ có trái nổ để đánh máy bay trực thăng giặc (gọi là máy bay Bò Nóc, loại máy bay đứng yên trên không được) khi ngưng lại tháo gỡ cờ. Những thân cây dừa hạ xuống được sử dụng trong việc xây hầm tránh bom, đạn. Một kế sách thông minh của Quân giải phóng là dùng nhiều thân dừa kết thành bè dài, được gọi là “bè thần”, thả trôi sông lúc dòng nước chảy mạnh để đánh sập những cây cầu huyết mạch nhằm cắt đứt giao thông của giặc trên các tuyến đường Giồng Trôm- Ba Tri, Mỏ Cày, ... hướng về Thị xã. Cây dừa đã che dấu Bộ đội, du kích khi có giặc ruồng, họ leo lên bó trên đọt mà trốn khi giặc đi càn qua, đồng thời cũng quan sát để tính mưu kế chiến thắng cho cuộc đối đầu giữa hai lực lượng không cân sức; dừa để chế biến thực phẩm nuôi dân và quân trong vùng giải phóng; nước dừa cũng có lúc thay nước biển giúp thương binh qua hoạn nạn lúc chiến đấu thời bấy giờ,... . Đó là những chuyện kể lại của những cha, anh tham gia trong thời chiến tranh (1945 - 1975).

Trong đời sống, người dân nông thôn dùng thân cây dừa có tuổi đời từ 40 năm tuổi trở lên lấy thân xẻ gỗ làm cột, kèo, xiên, đòn tay, đố, vách để làm nhà và lợp mái bằng lá dừa nước, ở rất mát. Nhà dừa tuổi thọ rất cao; nếu ta chọn những đoạn gốc của những cây dừa già để làm nhà thì có thể sử dụng ba, bốn mươi năm là thường (hiện nay những điểm dừng chân tham quan du lịch thường tái hiện lại nhà dừa). Bến Tre là vùng sông ngòi chằng chịt, lúc bấy giờ những cây cầu nước phía sau nhà cũng làm từ thân cây dừa; cây cầu bắt qua mương, qua kênh, qua rạch cũng thân cây dừa; những sào đáy ngoài kênh, ngoài sông, ngoài biển ngư dân cũng dùng thân cây dừa để làm trụ;.... Cái gần giũ nhất với người dân lúc bấy giờ là chất đốt để nung nấu thức ăn hằng ngày từ cộng và lá của cây dừa.

Dừa ngày nay! Mệnh danh quê hương "Xứ Dừa"
Vườn dừa Bến Tre trước năm 1975 có diện tích trên 20.000ha. Do chiến tranh tàn phá, sau ngày sau giải phóng Bến Tre chỉ còn lại 16.000ha; khi khôi phục lại kinh tế sau chiến tranh, cây dừa vẫn bám chặt với người dân nơi đây. Sau 30 năm, diện tích vườn dừa tăng hơn gấp đôi và đạt 37.595 ha; đến năm 2012 thì toàn tỉnh có hơn 53.000 ha và hiện nay diện tích vườn dừa khoảng 67.000 ha, chiếm hơn 1/3 diện tích vườn dừa trên cả nước, được mệnh danh là quê hương Xứ Dừa.

Có được danh hiệu đó bởi Bến Tre sở hữu khoảng 30 giống dừa, trong đó có nhiều nhóm; nhóm dừa lùn như: dừa xiêm xanh, dừa xiêm đỏ, dừa xiêm lục, dừa xiêm lửa, dừa xiêm núm, dừa tam quan, dừa ẻo nâu, dừa ẻo xanh, dừa dứa,...; nhóm dừa cao có: dừa ta, dừa dâu, dừa lửa, dừa sáp, dừa Mã Lai,...; nhóm dừa lai như: dừa lai PB121, dừa lai JVA1, dừa lai JVA2,...
Những dáng dừa lão thướt tha (khoảng 70 năm tuổi) vẫn tươi xanh chào đón du khách thập phương (điểm du lịch "Ba Cây Dừa")
Cây dừa Bến Tre Xưa và Nay là yếu tố làm nên "Dáng đứng Bến Tre" mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí đã sử dụng thông điệp nầy làm tựa đề bài hát ca ngợi quê hương Xứ Dừa; 
"Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió
Có phải người còn đó, là con gái của Bến Tre,...
Ơi tóc ai dài để lại dáng đứng Bến Tre"
Ông ví cây dừa như một người con gái đẹp có mái tóc dài tha thướt như tào lá dừa, dáng người dong dải như dáng cây dừa vẫn đứng hiên ngang, có sức sống mãnh liệt và đầy dũng cảm đã làm nên dáng đứng Bến Tre. 
"Con gái của Bến Tre, năm xưa đi trong đạn lửa
Đi như nước lũ tràn về,..."

Hay nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết: 
"Quê hương ơi, đẹp lắm những cây dừa 
trái xanh ngoài xanh trong trắng,..."

Hoặc 
"Yêu lắm quê tôi, đất Bến Tre, rợp bóng dừa xanh,
Dòng sông Ba Lai, có thuyền ai chở mạ qua đồng"

Tất cả những bài thơ, nhạc ca ngợi cây dừa đã tạo nên hình ảnh hòa huyện cho ta một bản sắc văn hóa đặc thù, dù là đang ở lĩnh vực nào, lao động, tư tưởng hay thiên nhiên, đều làm nên dáng đứng Bến Tre từ anh hùng trong đấu tranh xây dựng quê hương hôm qua đến hôm nay vẫn vững vàng để Bến Tre phát triển đi lên từng bước.

Trong văn hóa miệt vườn tại Đất Bến Tre nầy, cây cầu dừa, đuốc lá dừa, dừa trong mâm ngũ quả, cây đàn cò bằng gáo dừa, quà lưu niệm bằng dừa và nước dừa cùng vị béo của dừa có nhiều trong ẩm thực,... Thật vậy!

Cây cầu dừa là hình ảnh thân thương của vùng Nam Bộ mà Bến Tre là tiêu biểu của nơi lắm sông, nhiều rạch. Ngày nay với cuộc sống sung túc, đường xá lưu thông thuận tiện, công cuộc xóa cầu khỉ cũng đã làm cho cây cầu dừa mai một. Tuy nhiên tại vùng nông thôn vẫn còn giữ nét văn hóa nầy nên trong bài nhạc Cây cầu Dừa của Vinh Sử có đoạn:
"Đã lâu lắm rồi không về thăm lại chốn xưa,
 đã lâu lắm rồi không về đi qua cầu dừa,... "
Nhà ở nông thôn Bến Tre "nhà dừa 3 gian một chái", với cây cầu dừa quen thuộc bắt qua ao cá để du khách tham quan
Đặc biệt là tại những điểm tham quan du lịch thường tái hiện cây cầu dừa để cho du khách trải nghiệm chuyến hành trình về Xứ Dừa có đi qua cầu dừa.

Đuốc lá dừa cũng là nét đẹp nhân văn trong văn hóa ứng xử của người dân nông thôn khi lỡ bước đường khuya; hoặc những ngày tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc Việt Nam, trái dừa có mặt trong mâm ngũ quả ở miền Tây Nam bộ "cầu, dừa, đủ, xoài, sung". Đó là cách nói sử dụng biến âm của phương ngữ Nam bộ "cầu vừa đủ xài và sung túc gia đình, cuộc sống trong một năm mới".

Trong đờn ca tài tử Nam Bộ hay trong cải lương Nam bộ thì không thể thiếu cây đờn cò bằng gáo dừa. Đặc biệt hơn là nghệ nhân Văn Bá còn gọi là ông ba Bá đã cho ra đời một sưu tập đàn bằng dừa và được công nhận kỷ lục guinness Việt Nam với dàn nhạc cụ bằng dừa gốm: đờn cò, đờn bầu, đờn gáo, đờn tranh, đờn kìm, đờn guitar và nhiều nhạc cụ khác.

Trong ẩm thực của người dân Bến Tre không thể thiếu chất dừa, nó đã gắn bó và in sâu vào tâm, huyết mọi người nơi đây; bởi nước dừa nạo là loại nước tinh khiết, ngọt, mát, dùng để uống mà hiện nay khách du lịch đến Bến Tre không thưởng thức nước dừa xiêm là điều thiếu xót. Nước dừa già còn làm ra thạch dừa và sản xuất ra nhiều sản phẩm độc đáo khác để xuất khẩu; nước màu dừa (thắn từ nước dừa) dùng để cho các bà nội trợ kho thịt, cá có một màu tươi đỏ, đẹp mắt. Sửa dừa là nước cốt lấy từ cơm của trái dừa khô để chế biết ra trên 200 loại thức ăn, thức uống mà thông dụng nổi tiếng du khách thường dùng như: thịt kho nước dừa, lươn um dừa, gà ca ri nước cốt dừa, tép đất rang dừa, cơm trong trái dừa, rau câu dừa, gỏi tủ hủ dừa, kẹo dừa, mứt dừa, bánh tráng, bánh phồng và nhiều loại bánh dân gian khác tại Bến Tre đều có nước cốt dừa...

Cây dừa ngày xưa là cây nông nghiệp, ngày nay không những là cây công nghiệp cho ra lượng dầu thô rất lớn để cung ứng khắp các nước mà các nhà đầu tư đã cho ra đời nhiều sản phẩm từ dừa như: nước dừa tươi đóng lon, nước cốt dừa đóng lon, dầu dừa tinh luyện và dầu dừa nguyên chất, mặt nạ dừa dùng làm đẹp cho phụ nữ, than hoạt tính, than thiêu kết... đã được các khách hàng khó tính từ Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác đón nhận.

Trong cây dừa ngày nay, ngoài trái dừa là sản phẩm cho thu nhập chính mà người trồng dừa thu hoạch từ cây dừa, những thành phần khác của dừa không bỏ bất cứ thứ gì từ cây dừa lá đến rễ như: Hàng trang mỹ nghệ đã sử dụng gổ thân dừa, gáo dừa, cọng bông dừa, kể cả dừa điếc không bán được, tất cả sử dụng để ra đời hàng trăm sản phẩm lưu niệm mang tính đặc thù của quê hương Xứ Dừa để làm quà cho khách du lịch khi đến Bến Tre. Cọng lá dừa các làng nghề làm chổi và làng nghề đan giỏ cọng dừa sử dụng làm ra sản phẩm cung ứng cho thị trường. Vỏ trái dừa đập ra lấy sợi chỉ sản xuất các mặt hàng xuất khẩu làm từ chỉ xơ dừa như thảm, vỏ đựng đồ, dây thừng,..; mụn dừa thì làm đất sạch xuất khẩu ra nước ngoài và làm phân trồng cây cho các nhà vườn trong nước....

Các làng nghề hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, làng nghề khai thác dừa, làng nghề chỉ sơ dừa, làng nghề kẹo dừa đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết việc làm cho người lao động và phát triển du lịch tại Bến Tre, bởi đây là những sản phẩm du lịch đặc thù mà không trùng lấp nơi đâu, nó cũng là sản phẩm mà khách quốc tế rất thích khi trải nghiệm sông nước Xứ Dừa kết hợp với những làng nghề đặc trưng nầy.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Sơn Nam, nơi sản sinh ra văn hóa miệt vườn chỉ có ở Tây Nam bộ, có lẽ nơi đây có nhiều vườn và xa phồn hoa đô thị. Vườn là đất có nhiều cây ăn trái, và chắc hẳn là cả nước không nơi nào nhiều như Nam bộ, loại cây sống và cho trái lâu năm nhất (trên 60 mươi năm tuổi) và gắn chặt với đời sống con người thì cây dừa hẳn là cây tiêu biểu. Bởi thế nên, để lý giải cây dừa có trước hay con người có trước trên đất Bến Tre nầy (khoảng 300 năm). Tuy nhiên, những gì mà cây dừa để lại trong văn hóa của con người Bến tre đã chứng minh rằng cây dừa có rất lâu và có giá trị văn hóa rất đặc biệt.

Du lịch Bến Tre đang khai thác lợi thế nầy để phát triển du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long bởi tất cả các tỉnh thành đều có điểm chung là miền sông nước; tuy nhiên du lịch sinh thái sông nước miệt vườn Xứ Dừa vẫn là nét đặc thù riêng vốn có của Bến Tre mà ông cha đã gìn giữ, lưu truyền để ngày nay nét văn hóa nầy trở thành cơ hội cho du lịch Bến Tre phát triển bền vững với thương hiệu "Du lịch sinh thái Sông nước Xứ Dừa"./.

Cần gắn kết nhà Bảo tàng tỉnh trong phát triển du lịch

Có thể nói Bảo tàng là một nhịp cầu văn hoá kết nối giữa truyền thống và hiện đại. Theo xu hướng đó Bảo tàng gắn kết với du lịch đây được xem như là một phương thức quan trọng để thực hiện xã hội hoá và phát huy tác dụng của Bảo tàng một cách hiệu quả nhất. Chính từ điều đó cho chúng ta có một nhận định rằng trong bối cảnh hội nhập chủ động cùng xu thế toàn cầu hoá hiện nay, Bảo tàng cần gắn bó mật thiết với du lịch; đây được xem là một thiết chế văn hoá giáo dục đặc biệt, không những là nơi lưu giữ, tuyên truyền quảng bá các giá trị, di sản, văn hoá mà còn là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngoài những chức năng nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống còn được xem như là một trong những trung tâm thông tin, giải trí vì nơi này chứa đựng đầy đủ các giá trị truyền thống về các bản sắc văn hoá - lịch sử bản địa.
Du khách tham quan trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng tỉnh
Xét về bản chất một số giá trị văn hoá - lịch sử chính là một trong những nhân tố cơ bản để tạo ra các sản phẩm du lịch. Đây là nơi có tiềm năng để đáp ứng tốt các yêu cầu của khách du lịch về các giá trị nhân văn …. Chính vì vậy nơi đây có một vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc góp phần phát triển du lịch, trong thực tế Bảo tàng là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với khách quốc tế, nhất là khách Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á …. Trong các chương trình tour du lịch đi nước ngoài, Bảo tàng là một trong những điểm đến không thể thiếu (ví dụ như: Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp, Bảo tàng Acropolis, Athens, Hy Lạp, Bảo tàng State Hermitage, St. Petersburg, Nga) thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm, đem lại nguồn thu lớn....

Đặc biệt Bảo tàng tỉnh Bến Tre hiện nay là di tích cấp quốc gia được công nhận vào ngày 29/6/2015 theo Quyết định số 2243/QĐ- BVHTTDL Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch với tên gọi: “Di tích nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo” là nhà tình báo chiến lược cách mạng, làm công tác nội tuyến với chức vụ Tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Ông là liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trước năm 1975 nơi này là Dinh tỉnh trưởng và cũng là nơi làm việc của Đại tá Phạm Ngọc Thảo.
Lễ công nhận Bảo tàng tỉnh Bến Tre là di tích cấp quốc gia "Nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo”
Trong phát triển du lịch theo các chuyên gia nghiên cứu có rất nhiều lý do làm ảnh hưởng đến sự gắn kết giữa Bảo tàng và du lịch. Dù ở lý do nào đi chăng nữa, tình hình đặt ra yêu cầu cụ thể là Bảo tàng cần phải được đầu tư, khai thác nâng cao hơn nữa về chất lượng để trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch mang lại hiệu quả kinh tế. Đứng về góc độ du lịch đây là một tài nguyên du lịch mang tính nhân văn và là loại hình du lịch tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu, khoa học và giáo dục …. Thực tế Bảo tàng là một trong những nguồn tài nguyên du lịch quí giá, trong các chuyến hành trình, Bảo tàng luôn là điểm đến của du khách bởi qua đó, họ có thể tìm hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán … vùng đất mình đi qua.

Chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng mỗi Bảo tàng dù có lớn đến đâu với số lượng hiện vật có giá trị đến đâu đi nữa, mà chưa có nhà lữ hành đưa khách du lịch đến tham quan nghiên cứu thì chưa phải là sản phẩm du lịch mà vẫn còn ở dạng tài nguyên du lịch. Một sản phẩm du lịch đúng nghĩa khi nó phải đạt một số chuẩn mực về chuyên môn để có thể trở thành một điểm đến, trong hệ thống tour và đáp ứng được các nhu cầu của du khách khi các hãng lữ hành sử dụng sản phẩm này.

Nếu vấn đề đặt ra Bảo tàng chỉ cho học sinh đến nghiên cứu học tập về văn hoá lịch sử; để những lão thành cách mạng về thăm và ôn lại truyền thống cách mạng, những đoàn cán bộ tham quan và chia sẽ thông tin với Bến Tre … mà chưa có khách du lịch thập phương các nơi trong và ngoài nước ghé vào tham quan Bảo tàng thì có gì đó chưa thành công lắm trong công tác bảo tồn, bảo tàng những hiện vật có giá trị của quê hương qua nhiều thời kỳ. Bởi đến Bảo tàng là nơi nghiên cứu, hình dung được cả thời chiến, thời xây dựng đất nước của một địa phương.

Để khai thác tốt Bảo tàng chúng ta cần đa dạng hoá, nâng cao chất lượng, tính hấp dẫn, độc đáo với các giá trị văn hoá - lịch sử nhằm đáp ứng tốt các nhu cầu văn hoá tinh thần đa dạng, phong phú của du khách khi đến tham quan. Ngoài ra chúng ta phải khẳng định là chất lượng sản phẩm du lịch này được quyết định quan trọng bởi những gì thuộc về phần hồn toát ra từ các giá trị ẩn chứa bên trong các giá trị gốc. Còn hình thức trưng bày như một thứ tiếng nói thông qua các hiện vật, nội dung phương pháp thuyết minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, trưng bày sáng tạo giúp cho du khách tiếp cận đa chiều các giá trị văn hoá - lịch sử.

Đề xuất: Cần có một chiến lược phát triển cụ thể, có sự phối kết hợp đồng bộ, gắn kết chặt chẽ nhiều ngành, để trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách. Đổi mới hình ảnh trưng bày, đây là một trong những vấn đề then chốt …. Phải xác định rõ đây là điểm đến không thể thiếu trong các chương trình du lịch của tỉnh, khuyến khích các công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch gắn kết với Bảo tàng và các công ty lữ hành cần quan tâm hơn nữa việc giới thiệu tư vấn với du khách về các giá trị của Bảo tàng đặc biệt cần chọn một thời gian hợp lý cho điểm đến này trong một chương trình tour. 

Ngoài công tác đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực chuyên môn của Bảo tàng thì việc trưng bày cũng cần tham khảo góp ý của doanh nghiệp lữ hành hoặc ý kiến đóng góp của khách tham quan … để đáp ứng được yêu cầu thu hút khách du lịch, Bảo tàng cung cấp nội dung trưng bày cần thiết cho các doanh nghiệp du lịch để nghiên cứu lập các chương trình phục vụ du khách. Công ty du lịch là khách hàng của Bảo tàng và khách du lịch là một phần làm cho Bảo tàng có giá trị. Vì thế cần có sự kết hợp chặt chẽ hơn với Công ty du lịch. Từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ du khách như nơi đỗ xe, khu vực dừng chân, nhà vệ sinh, quà lưu niệm và các dịch vụ khác, …

Ngành du lịch phối hợp giúp đỡ Bảo tàng trong việc định hướng các sản phẩm du lịch, có chiều sâu để phù hợp với nhu cầu của du khách và phân khúc thị trường khách. Trong điều kiện nguồn kinh phí nhà nước còn hạn chế thì cần tạo nguồn thu từ khách du lịch, bởi khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài sẵn sàng bỏ tiền ra khi được hưởng thụ những giá trị văn hoá - lịch sử đúng nghĩa và cách phục vụ của hướng dẫn viên. Phải tạo được môi trường an toàn, thân thiện nhằm tạo ấn tượng tốt để có sự tuyên truyền cho người thân và bạn bè./.