Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

Điểm sáng du lịch Bình Đại - Cù lao Tam Hiệp

Bình Đại là một trong ba huyện biển của tỉnh Bến Tre, được du khách biết đến với những điểm tham quan, trải nghiệm nông nghiệp biển và tâm linh khá thú vị như: di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Đình Long Phụng, chùa Vạn Phước, cống đập Ba Lai, bãi biễn Thừa Đức, bãi biển đê ốc viết Thới Thuận, khu du lịch Sinh thái Đê Đông, ruộng muối, làng nghề chế biến cá khô…Ngoài ra, khách du lịch trong và ngoài nước cũng yêu thích các tuyến tham quan sông nước và trải nghiệm ngủ nhà dân trên các cồn, cù lao của huyện nhà.   

Nằm giữa sông Tiền, Tam Hiệp là xã cù lao thuộc huyện Bình Đại, diện tích khoảng 1.300ha với hơn 1.000 hộ dân. Người dân ở đây chủ yếu trồng cây nhãn và bưởi da xanh trên vùng đất phù sa màu mỡ cũng như chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi cá lồng bè, cá da trơn. Cách thành phố Bến Tre khoảng 12km theo hướng đông bắc du khách đến trung tâm xã Long Định và xã Phú Thuận là có thể tiếp cận cù laoTam Hiệp qua bến đò Long Định hay bến phà Phú Thuận - Tam Hiệp.

Cù lao Tam Hiệp được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan sông nước hữu tình, đường làng rợp bóng cây dẫn đến những vườn nhãn hữu cơ nổi tiếng của huyện, cùng các sản phẩm OCOP nhản và tắc sấy; cơ sở làm bánh hỏi truyền thống của người dân địa phương đất cồn.
Homestay Út Trinh trên Cù lao Tam Hiệp (ảnh T.D.)
Từ giữa năm 2019, một số hộ nông dân nơi đây đã tổ chức đón khách quốc tế tham quan trải nghiệm đời sống sinh hoạt, làm nông và nghỉ dưỡng, hòa nhập với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành và ngủ lại nhà dân (homestay) trên cồn. Đây có thể được coi là sản phẩm du lịch mới của năm 2020 cùng những điểm đến của mô hình du lịch nghỉ dưỡng trên cồn, cù lao của xứ Dừa Bến Tre với các hoạt động như: Chèo xuồng trong rạch dừa nước, đi xe đạp tham quan vườn nhãn, bưởi da xanh, vườn Sâm lá (sương sâm) và đặc biệt là ẩm thực với các món ăn đặc sản như tôm luộc nước dừa, các món ăn chế biến với sự kết hợp nguyên liệu từ dừa,… sẽ làm hài lòng du khách.

Hiện nay, chương trình du lịch thường được thực hiện từ thành phố Bến Tre hay từ huyện cửa ngỏ Châu Thành đến xã Phú Thuận hoặc Long Định. Du khách tham quan Đình Long Phụng, Đình Long Thạnh di tích cấp quốc gia, Chùa Thiên Thọ; qua phà Phú Thuận - Tam Hiệp, rẽ trái đi về phía đầu cồn, viếng chùa và thăm mái ấm Đức Quang nơi nuôi dạy trẻ mồ côi, cơ nhở. Tiếp tục đạp xe trên đường quê thăm vườn nhãn Ông Hồ văn Hải, vườn bưởi Ông Nguyễn Ngọc Ẩn và phòng chẩn trị Y học cổ truyền từ thiện. Tham quan, trải nghiệm hái lá sâm nhà anh Cường (sương sâm) 0.5ha, nhiều du khách nước ngoài đến và vô cùng thích thú khi lạc vào khu vườn lá sâm độc đáo, được ăn thử món lá sâm dân dã của người miền Tây. Dừng chân nhà anh Thành nuôi ong mật, thưởng thức trái cây, uống trà mật ong. Chiều đến du khách ngắm hoàng hôn trên sông Tiền, tham gia nấu ăn tối cùng chủ nhà và ngủ đêm homestay Út Trinh và homestay anh Bảy tại cồn.

Ngoài ra, từ Cù lao Tam Hiệp với tầm nhìn hợp tác trong cụm Du lịch phía Đông đồng bằng sông Cửu Long việc xây dựng sản phẩm du lịch liên kết với tỉnh Tiền Giang theo tuyến du lịch Tầm Vu, Chợ Gạo và du thuyền trên sông Tiền đến tham quan và nghỉ dưỡng tại cồn Tam Hiệp là rất khả thi và độc đáo.
Du khách trải nghiệm hái lá sâm (sương sâm) nhà anh Cường (ảnh T.D.)
Xác định được thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng cồn Tam Hiệp kết nối cụm di tích các xã Long Định và Phú Thuận, huyện Bình Đại đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch khảo sát, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, hướng dẫn người dân địa phương từng bước phát triển du lịch Cồn Tam Hiệp theo hướng xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp hữu cơ, du lịch nghỉ dưỡng trên mảnh đất này.
Lớp tập huấn nấu ăn và phục vụ du khách tại dịch vụ homestay (ảnh T.D.)
Từ việc khai thác, kết nối những tiềm năng sẵn có cùng với những nỗ lực của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ, hợp tác du lịch của các đơn vị lữ hành trong và ngoài huyện, Cù lao Tam Hiệp đang là điểm đến lý tưởng cho du khách khám phá du lịch sông nước miệt vườn Bến Tre, những nét đẹp văn hóa truyền thống và cảnh đẹp thiên nhiên đủ để giữ chân du khách. Hy vọng, trong tương lai không xa, huyện Bình Đại sẽ có những bước đột phá trong phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói riêng và ngành Du lịch Sinh thái Sông nước Xứ dừa Bến Tre./.
Thanh Sơn
Nguồn: https://dulich.bentre.gov.vn

Bến Tre chính thức đón khách du lịch trở lại

Ngày 28/4/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre đã có Công văn số 934/SVHTTDL-QLDL về việc hướng dẫn thực hiện Công văn số 2022/UBND-KGVX ngày 26 tháng 4 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo công văn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch, gồm: lữ hành, lưu trú du lịch (khách sạn, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê-homestay), khu du lịch, điểm du lịch, nhà hàng, trung tâm hội nghị,… được hoạt động trở lại phục vụ khách du lịch nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và đảm bảo giãn cách khi tiếp xúc.
Các cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh Covid-19 (ảnh: Du lịch Hàm Luông)
Riêng, đối với hoạt động lữ hành và khu, điểm du lịch phải đảm bảo giãn cách khi tiếp xúc, cụ thể như sau:  

- Đối với lữ hành, tổ chức các tour tham quan du lịch không được vượt quá 30 người/đoàn.

- Đối với khu, điểm du lịch, tiếp nhận phục vụ tối đa không quá 50%/ tổng sức chứa của khu, điểm du lịch và hạn chế tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, các trò chơi hoạt náo đông người.

2. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch tiếp tục thực hiện: việc treo, dán thư của Giám Đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại nơi dễ nhìn thấy. Thực hiện nghiêm các nội dung về khai báo y tế, các biện pháp chống dịch bệnh theo quy định; theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của du khách và nhân viên phục vụ, báo cáo kịp thời về cơ quan chức năng đối với các trường hợp có sức khỏe bất thường, nghi nhiễm.
Thư của ngành du lịch Bến Tre gửi đến du khách
3. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch tăng cường, công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Bến Tre là điểm đến an toàn cho du khách; thực hiện các chương trình kích cầu, giảm giá dịch vụ để thu hút khách trở lại; tập trung khai thác dòng khách nội địa.

Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế trong việc đón tiếp khách du lịch, tuy nhiên đây cũng là dấu hiệu đáng mừng của du lịch Bến Tre sau thời kỳ "ngủ đông" vì dịch Covid-19. Với sự chủ động, tích cực của các ngành, địa phương, doanh nghiệp, hy vọng du lịch Bến Tre sẽ là điểm du lịch lý tưởng, an toàn trong dịp Lễ 30/4 và 01/5 sắp tới./.
Bảo Trâm
Nguồn: https://dulich.bentre.gov.vn

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Tiềm năng phát triển "du lịch xanh" tại Xứ Dừa

Du lịch đang là ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang đi theo hướng phát triển ngành công nghiệp không khói này. Trong những năm gần đây, khái niệm "du lịch xanh" ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, thu hút du khách vì đây là loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu thị trường là rất lớn. Bến Tre được biết đến là vùng đất "Ba đảo Dừa xanh", là "Xứ sở Dừa Việt Nam" và có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch xanh. Thật vậy!

Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn với môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Đây còn là loại hình du lịch theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực vào bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa. Ngoài ra, du lịch xanh còn có ý nghĩa trong việc nâng cao dân trí và sức khỏe cộng đồng thông qua các hoạt động giáo dục môi trường, văn hóa lịch sử và nghỉ ngơi giải trí.
Các em học sinh trải nghiệm 1 ngày làm nông tại Xứ Dừa (Ảnh: phuankhang.com)
Bến Tre có diện tích 2.322 km2, dân số gần 1,3 triệu người (Theo Tổng cục Thống Kê 2019), là một trong mười ba tỉnh đồng bằng Tây Nam Bộ, nằm cuối nguồn sông Cửu Long, được bồi đắp bởi 4 nhánh sông lớn là sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên. Bến Tre còn được đông đảo du khách biết đến với tên gọi "Quê hương Xứ Dừa" vì nơi đây có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước - trên 71.000 ha cùng trên 35.000 ha vườn cây ăn trái; tất cả đã trải dài phủ khắp một màu xanh lá trên 3 dải Cù Lao.

Năm 2018, du lịch tại tỉnh Bến Tre thu hút được 1.574.128 lượt khách và tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 1.329 tỷ đồng. Tính đến năm 2019, lượng khách đến Bến Tre đã lên đến 1.882.025 lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 796.186 lượt, chiếm 42,3% và tổng doanh thu từ khách du lịch gần 1.791 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Đây là những con số ấn tượng và cho thấy tiềm năng để phát triển du lịch xanh tại Xứ Dừa là rất lớn.

Thế mạnh của du lịch Bến Tre là cảnh sắc thiên nhiên mang nét nguyên sơ phong phú, đa dạng với những vườn dừa xanh bạc ngàn, những vườn cây ăn trái sum suê trĩu quả được phù sa bồi tụ quanh năm cùng khí hậu nắng ấm, mát mẻ và ít chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Đặc biệt, Bến Tre còn có môi trường sinh thái trong lành, là vùng đất vẫn còn lưu giữ được những nét sông nước miệt vườn với sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nguồn thủy hải sản dồi dào,… và nếp sống bình dị cũng như sự gần gũi, chan hòa của người dân gắn liền với thiên nhiên.
Du khách trải nghiệm đạp xe trên đường quê Xứ Dừa (ảnh: T.S.)
Du lịch "Sinh thái sông nước Xứ Dừa", du lịch nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch homestay tại thành phố Bến Tre và các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc,… đều đang hướng đến các mảng xanh, chú trọng bảo vệ môi trường cũng như đưa du khách tham gia nhiều hoạt động đậm chất Nam Bộ: trải nghiệm 1 ngày làm nông, đi xe ngựa đường làng, chèo thuyền trong rạch dừa nước, nghe đờn ca tài tử, tát mương bắt cá, tham quan vườn rau sạch, vườn trái cây, vườn hoa, tham quan lò kẹo, lò gạch, các làng nghề truyền thống khác.

Hiện nay, Bến Tre có diện tích rừng ngập mặn là 3.900 ha, trong đó rừng tự nhiên là 1.000 ha, rừng trồng là 2.900 ha gồm các loại cây chủ yếu: đước, đưng, bần, mắm, phi lao,…được phân bổ ở 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Ngoài ra, tại 3 huyện này còn có du lịch biển rất hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ của những hàng dương, bãi cát mịn: biển Thừa Đức, biển Thới Thuận, biển Ba Tri,… Du khách đến đây không những được hòa mình vào không gian biển cả thơ mộng, thưởng thức đặc sản từ các loại hải sản tươi ngon (nghêu, tôm, cua, sò,…) hay món bánh xèo đặc trưng của vùng ven biển Bến Tre mà còn được tìm hiểu về cuộc sống của người dân địa phương bên những luống dưa, rẫy sắn, cánh đồng lúa hay trải nghiệm các hoạt động bắt các loài thủy sản trong rừng ngập mặn.

Nằm cách thành phố Bến Tre khoảng 35 km, sân chim Vàm Hồ thuộc xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri có diện tích 68 ha, là hệ sinh thái vùng cửa sông ven biển vô cùng phong phú. Quần thể chim nơi đây có hơn 100 loài chim, ước tính khoảng 500.000 con các loại như: cò quắm, cò trắng, vạc, chích chòe, bìm bịp, cúm núm, chèo bẻo,…Đặc biệt, tại đây còn có nông trại du lịch sẽ đưa du khách trở về miền quê dân dã, tận hưởng cuộc sống thanh bình, trong lành với thiên nhiên nên thơ cùng nhiều món ăn đậm chất Xứ Dừa: cá lóc nướng, tép rang dừa, bánh lá rau mơ, chè chuối,…
Sân chim Vàm Hồ, huyện Ba Tri (ảnh: N.D.)
Từ trung tâm thành phố Bến Tre, qua cầu Hàm Luông khoảng 25 km, du khách sẽ đến với huyện Chợ Lách. Đây là vùng đất trù phú với nhiều vườn cây ăn trái đặc sản nổi tiếng khắp cả nước như: sầu riêng Cái Mơn, măng cụt, chôm chôm, bòn bon,…với sản lượng cao, hương vị ngon ngọt, luôn đáp ứng nhu cầu du khách với mùa nào quả nấy. Nét nổi bật của huyện Chợ Lách còn có làng nghề cây giống, hoa kiểng tại các xã Vĩnh Thành, Hưng Khánh Trung B như: kiểng thú, kiểng hình, bon sai,…được tạo dáng độc đáo qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Hơn nữa, nơi đây còn thu hút du khách trong, ngoài nước bởi những vườn hoa, vườn cây giống trải dài trên các tuyến đường trong xã, trong ấp.

Ngoài việc phát triển loại hình du lịch xanh với các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp kết hợp với các làng nghề truyền thống - các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng đã làm nên hấp dẫn và phong phú sản phẩm trong chuyến hành trình trải nghiệm du lịch xanh tại Bến Tre.

Bến Tre là vùng đất Xứ Dừa có tài nguyên thiên nhiên, văn hóa nhân văn rất đa dạng và là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch xanh. Hy vọng, ngành "công nghiệp không khói" tại nơi đây sẽ ngày càng thăng hoa vì Bến Tre luôn xác định phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương./.
Tường Vi
Nguồn: https://dulich.bentre.gov.vn

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

Khúc biến tấu đồng quê bên món cá lóc kho nước cốt dừa

Trải qua hàng thế kỷ, trên mâm cơm gia đình Việt Nam không thể thiếu các món kho. Mỗi vùng miền sẽ có những món kho với hương vị đặc trưng khác nhau. Quê tôi cũng vậy, nơi đây được mệnh danh là “Xứ Dừa” nên các món kho kết hợp với nước cốt dừa luôn khiến thực khách xao xuyến bởi không chỉ đậm đà mà còn béo thơm khó cưỡng. Vào những ngày mưa, cá ngoài đồng rất nhiều, tôi nhớ nội tôi hay làm các món kho từ cá rô, cá trê, cá lóc,…nhưng tôi vẫn ấn tượng nhất là món cá lóc kho nước cốt dừa. 

Tôi gọi món ăn này là khúc biến tấu đồng quê vì nội tôi nói món kho này muốn ngon phải kho từ cá lóc đồng thì thịt cá mới có vị ngọt tự nhiên, săn chắc và không bị tanh lại thêm nước cốt dừa được lấy từ trái dừa già màu vàng rơm thì đúng là khúc biến tấu với nhiều cung bậc hấp dẫn. Nấu nướng là cả một nghệ thuật, từ khâu chọn nguyên liệu đến kỹ thuật nấu, chúng ta còn phải đặt cả tâm trí, sự chân thành vào mỗi món ăn thì thực khách mới cảm nhận được và không bao giờ quên.
Cá lóc kho nước cốt dừa
Món kho này làm rất nhanh và đơn giản; đầu tiên, làm sạch cá lóc, cắt cá thành khoanh tròn vừa ăn rồi ướp cá khoảng 30 phút với các loại gia vị như: muối, đường, tiêu, nước mắm, hành tím cùng một ít nước màu dừa để món kho khi hoàn thành có màu sắc bắt mắt. Khi nồi nóng lên liền cho dầu ăn và tỏi băm, sả băm phi cho thơm, đồng thời cho hỗn hợp cá đã ướp vào. Tiếp theo, dùng đũa tre trở nhẹ cá và đợi đến khi thịt cá săn lại thì cho tiếp nước cốt dừa vào. Lúc này, phải đun nồi cá lóc kho trên lửa riu riu và đến khi nước kho trong nồi gần cạn thì tắt bếp, rắc tiêu và hành lá lên trên. Kể đến đây là thấy thèm ăn cơm nóng với cá lóc kho nước cốt dừa rồi đó!

Món cá lóc kho nước cốt dừa vô cùng thơm ngon, nước kho keo lại, có màu vàng sẫm hấp dẫn vì được kho bằng nước màu dừa, mùi thơm thì ngào ngạt. Món ăn này khi ăn với cơm phải dùng kèm với các loại rau củ ăn sống như: diếp cá, hung quế, tía tô, cải xà lách, dưa leo,…Vào những ngày mưa, khi cả nhà ngồi quanh mâm cơm nóng, ăn kèm cá lóc kho nước cốt dừa chấm với các loại rau sống kể trên thì đây không chỉ là khúc biến tấu đồng quê bình dị mà còn là ký ức tuổi thơ của biết bao người con Xứ Dừa.

Cá lóc được biết đến là loại cá có vị ngọt, tính bình, không độc và có tác dụng bồi bổ khí quyết, gân, xương. Món cá lóc kho nước cốt dừa được làm từ những nguyên liệu vô cùng đơn giản, có sẵn tại địa phương, cách nấu cũng không quá cầu kỳ nhưng để cho ra được nồi cá kho ngon, đúng hương vị Xứ Dừa thì đòi hỏi người nấu phải thật cẩn thận và tỉ mỉ. 

Ngày nay, khi du lịch về thăm Bến Tre, các du khách trong và ngoài nước có thể dễ dàng thưởng thức món cá lóc kho nước cốt dừa dùng kèm với cơm trắng tại các nhà hàng, khách sạn, homestay,…của nơi đây. Hương vị mặn ngọt, béo ngậy đậm đà khó cưỡng của món ăn này ắc hẳn sẽ làm du khách nhớ mãi không thôi, đó chính là khúc biến tấu đồng quê dân dã, mộc mạc, là nét đẹp bình dị trong văn hóa ẩm thực của Xứ Dừa quê tôi./.
Tường Vi

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

Khám phá vẻ đẹp bình dị tại Bình Đại

Huyện Bình Đại là 1 trong 3 huyện biển của tỉnh Bến Tre, có 3 vùng sinh thái (mặn, lợ và ngọt) phù hợp nhiều loại cây trái 4 mùa, cộng thêm nguồn lợi thủy hải sản phong phú đã tạo nên một tiềm năng du lịch đầy hấp dẫn. Tới đây du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ của đất xứ dừa mà còn được tắm biển và hòa mình vào các lễ hội truyền thống.

Để đến được Bình Đại, từ thành phố Hồ Chí Minh đi theo đường cao tốc hay từ thành phố Cần Thơ đi theo Quốc lộ 1 về Trung Lương thuộc tỉnh Tiền Giang. Qua cầu Rạch Miễu bắt ngang sông Tiền là đến huyện cửa ngõ của Bến Tre; huyện Châu Thành sẽ chào đón quý khách. Từ đây nếu về thành phố Bến Tre chỉ 12km, nhưng ta rẽ trái di chuyển 40km nữa là đến Thị trấn Bình Đại.
Bản đồ đường đi tới Bình Đại (ảnh chụp từ Google map)
Bình Đại không có được dải cát vàng óng ả hay dòng nước xanh ngắt như những bãi biển miền Trung, nhưng bãi biển Thừa Đức và Thới Thuận của huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) lại có một vẻ đẹp bình dị của biển phù sa; đây là điểm đến lý tưởng để du khách tắm biển, vui đùa ngay trong những mùa hè. Nơi đây, cồn Bà Tư, cồn Chày Mười giáp biển, là nơi trải nghiệm sinh thái rừng ngập mặn như rừng đước, rừng bần, rừng phi lao, cộng với những vườn xoài, nhãn, những rẫy dưa hấu, những ruộng muối, vuông tôm,... đã làm phong phú sản phẩm tham quan trải nghiêm và ngủ đêm tại những homestay để cùng người dân nơi đây đi bắt nghêu, cua, ba khía, sò huyết,... đặc biệt là tham quan ngư dân nuôi hàu và bắt hàu nơi đây.
Bãi biển Thừa Đức, Bình Đại (ảnh cắt từ clip)
Đến với Bình Đại, du khách sẽ có cơ hội tham quan nhiều địa điểm du lịch độc đáo của vùng đất có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái cộng đồng với sự thân thiện, hiếu khách của con người cùng nét nguyên sơ, yên bình của thiên nhiên.

Điểm đến đầu tiên của huyện là Xã Long Định - xã có đến 2 di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia là 2 đình thần có gần 200 năm tuổi (đình Long Phụng và đình Long Thạnh) với kiến trúc độc đáo của nét văn hóa cổ được sơn son, phết vàng lộng lẫy đã hút hồn ta vào cõi tiên cảnh đầy tâm linh. Ngoài ra, du khách có thể dừng chân và chiêm ngưỡng ngôi nhà cổ có trên trăm năm tuổi của chú bảy Ẩn cũng thuộc xã Long Định. Ngôi nhà có kiến trúc chạm trổ tài hoa của các bật điêu khắc thời xa xưa đã tỉ mỉ dày công tạo hình tạo dáng trên những khung cửa, khung vách hay những tấm hoành phi, những vật dụng trang trí trong nhà.....

Cồn Tam Hiệp - Người dân nơi đây còn gọi là cồn Tàu, một nơi yên bình đầy thơ mộng trên dòng sông Tiền đổ ra Cửa Đại (thuộc dòng sông MêKông), cây trái sum suê; một quang cảnh hữu tình phù hợp cho du lịch trải nghiệm và nghỉ dưỡng. Nơi đây, nhà làm du lịch có cái tên thân thương "Út Trinh" là người con của quê hương đã từng vang danh với Homestay Út Trinh tại Vĩnh Long, cô đã trở về quê hương để đầu tư xây dựng phát triển du lịch cộng đồng với loại hình homestay, góp phần cho du lịch Bình Đại ngày càng khởi sắc.
Homestay Út Trinh cồn Tam Hiệp (ảnh B.T.)
Chùa Vạn Phước được xây dựng từ năm 2000 tại ấp Bình Chiến, thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Với khuôn viên rộng 8 ha.

Chùa được xem là một trong những ngôi chùa có lối kiến trúc độc đáo tại xứ dừa. Nằm cách thị trấn Bình Đại khoảng 2 km trên đường ra biển, du khách đến nơi đây sẽ được chiêm ngưỡng ánh đạo vàng lộng lẫy một góc trời đông duyên hải Bình Đại.
Chùa Vạn Phước (ảnh XTDL)
Kiến trúc tổng quan chùa gồm cổng Tam quan với cặp rồng vàng, khu chánh điện, khu vực tượng Bồ tát Quan Thế Âm, khu vực tượng Đức Phật Thích Ca ngồi dưới gốc bồ đề, phòng khách, nhà làm việc, phòng thuốc Nam từ thiện, bàn thờ Tổ quốc với chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, chùa có bức tượng phật Di Lặc cao 12,45m, nặng khoảng 99 tấn do điêu khắc gia Thụy Lam tạo tác. Tất cả những kiến trúc trên được phối hợp với nhau tạo thành một tổng thể hài hòa với các khuôn viên trong sân chùa khiến du khách đã đến tham quan cảm thấy thú vị.

Đến cồn Chày Mười, thật ngỡ ngàng khi nhìn thấy sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này, một bờ đê chắn sóng biển bằng những vỏ ốc viết từ ngoài khơi được sóng đưa vào hàng ngày từ bao đời nay đã hình thành nên một bờ đê ốc viết cao 1,5m, dài từ 6.000 - 7.000m. Đây là sẽ là sản phẩm du lịch đặc trưng của biển Bình Đại sau này nếu các nhà đầu tư du lịch phối hợp cùng địa phương quan tâm qui hoạch đầu tư cho du lịch sẽ là sản phẩm độc nhất vô nhị.
Bờ đê ốc viết tại Cồn Chày Mười (Ảnh: Thanh Đồng - BĐK)
Cống Ba Lai: Xuất phát từ một hạng mục thủy lợi; Đây là đập ngăn mặn chắn nguyên một cửa hạ lưu (sông Ba Lai thuộc sông Cửu Long) đập được xây dựng để phục vụ cho đời sống con người như sử dụng tưới tiêu, giữ ngọt và ngăn mặn cho khoảng 90.000 ha đất nông nghiệp nhưng cống lại thu hút du khách bởi sở hữu lối thiết kế khá đẹp mắt và khung cảnh ở đây khá "hoành tráng". Ngoài ra, tại địa điểm này du khách có thể tham quan trại nuôi cá sấu, heo rừng và mô hình nuôi cá lóc bông ven sông Ba Lai.

Ẩm thực vùng biển Bình Đại: Ngoài việc vui chơi thỏa thích tại bãi biển và thăm quan các địa điểm du lịch, du khách còn được khám phá và trải nghiệm một nền ẩm thực rất phong phú và đa dạng. Vì là một huyện gần biển nên hải sản rất tươi ngon. Những món hải sản nổi tiếng ở đây như cua, ghẹ, tôm,… đều được chế biến theo những công thức đặc trưng của vùng khiến món ăn trở nên ngon và hấp dẫn hơn. Độc đáo nhất là món bánh xèo xứ biển. Chiếc bánh xèo ở đây được chiên lớn, giòn, mùi thơm béo ngậy cùng với các loại rau ăn kèm, nước chấm tỏi ớt chua, ngọt có pha những sợi rối trắng, đỏ được chế biến từ củ cải hấp dẫn vô cùng. Những năm gần đây, bánh xèo tại bãi biển Thừa Đức gần như đã trở thành "thương hiệu" và hầu như ai đến nơi đây ít, nhiều cũng một lần thưởng thức món bánh xèo xứ biển.

Ngoài hải sản ra, du khách còn được nếm thử những trái cây ngon tại Bình Đại. Trong đó phải kể đến bí đỏ Giồng Giếng (Thạnh Phước), mãng cầu Thới Thuận,… Đặc biệt là dưa hấu Cửa Đại từng được bằng khen trong các hội chợ cấp quốc gia. Với những tài nguyên du lịch hiện hữu và những tài nguyên thiên nhiên ban tặng cho mãnh đất quê hương Bình Đại là những tiềm năng vốn có đã gắn bó cùng sự hiền hòa, chất phác của nông dân, ngư dân nơi đây. Những nhà đầu tư du lịch, những nhà làm du lịch, đặc biệt là các hãng lữ hành không thể bỏ đi cơ hội ngàn vàng trong khai thác du lịch và trong phát triển du lịch của địa phương./.
Phương Thy

Cây dừa - Linh hồn trong du lịch Bến Tre

Từ lâu, Bến Tre được mệnh danh là "thủ phủ dừa xanh" vì có diện tích và sản lượng dừa nhiều nhất cả nước, cả tỉnh hiện có 72.000 ha (chiếm gần 1/2 diện tích dừa cả nước); với 200.000 hộ trồng dừa, sản lượng hàng năm đạt gần 800 triệu trái, giá trị các sản phẩm chế biến từ dừa chiếm 20% giá trị sản xuất công nghiệp, 25% giá trị xuất khẩu của tỉnh. Chính vì thế, đây là loại cây trồng chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất và đời sống. Ngoài khai thác cây dừa như một cây trồng nông nghiệp đặc thù với các sản phẩm được chế biến ra từ dừa, thời gian gần đây Bến Tre xác định cây dừa trong hoạt động du lịch là đặc thù của quê hương.

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre, năm 2019 Bến Tre đón 1.882.025 lượt khách đến tham quan, tăng 20% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt 796.186 lượt, khách nội địa đạt 1.085.839 lượt. Khi đến với Bến Tre, đa phần các hoạt động của du khách đều liên quan tới cây dừa.
Bóng dừa rợp mát làm say lòng du khách phương xa (ảnh: XTDL)
So với những địa phương khác ở Đồng bằng Sông Cửu Long, Bến Tre có nét tương đồng nhưng cũng có sự khác biệt đó là "Sông nước Xứ Dừa", điều này tạo nên đặc thù riêng của vùng. Hiện nay, Bến Tre phát triển loại hình du lịch nông nghiệp gắn với cây dừa, giúp con người gần gũi với thiên nhiên vì các sản phẩm du lịch, hoạt động nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí của du khách đều được che chắn dưới bóng dừa xanh, những sản phẩm sinh hoạt được làm từ dừa mang lại sự mới lạ cho du khách. Điều này rất khả quan khi hiện nay ngành du lịch đang chịu nhiều ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, việc tiết kiệm năng lượng bằng cách sinh hoạt trong các loại nhà có vật liệu từ cây dừa, lá dừa và vật dụng từ dừa sẽ trở nên hấp dẫn đối với nhiều du khách. Từ đó, du lịch xanh từ cây dừa hướng đến việc bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Du lịch tại Bến Tre ở các cồn, cù lao giữ được nét nguyên sơ của sông nước miệt vườn, tạo sự cạnh tranh và kích thích phát triển du lịch trong tỉnh. Du khách về với Xứ Dừa đều tỏ ra thích thú khi đắm mình trong những rặng dừa xanh bạt ngàn; được xuôi đò chèo dọc hai bên hàng dừa nước, ngắm nhìn cảnh đời sống sinh hoạt của người dân với không khí trong lành, mát mẻ, tận hưởng những phút giây sảng khoái khi uống nước dừa ngọt lịm giữa trưa hè nóng bức hay thử nghiệm leo dừa, chặt dừa, lột dừa thú vị; tìm hiểu về cách trồng, chăm sóc và thu hoạch dừa của người dân địa phương; tham quan làng nghề bó chổi tàu dừa, đi xe ngựa trên đường làng rợp bóng dừa. Không chỉ vậy, du khách còn được đi tàu trên dòng sông Thom thuyền thoại, trải nghiệm "Chợ Nổi Dừa" có 1 không 2 của Việt Nam du khách sẽ tận mắt chứng kiến hai bên bờ sông có nhiều cơ sở khai thác và sản xuất những sản phẩm từ dừa độc đáo như: lột dừa, cạy dừa, làm thảm từ chỉ xơ dừa, thạch dừa, dầu dừa, kẹo dừa,… cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tất cả các bộ phận của cây dừa đều có thể sử dụng làm ra những sản phẩm có giá trị. Vì thế, cây dừa đã và đang tạo ra việc làm cho người dân nơi đây.

Khi đến với các làng nghề ở Xứ Dừa, du khách không chỉ được ngắm nhìn mà còn được trải nghiệm, thưởng thức những sản phẩm nổi tiếng được làm từ nước dừa, sữa dừa (nước cốt dừa), như: bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, kẹo dừa, bánh dừa, thưởng thức cá món ăn từ dừa như: gỏi củ hủ dừa, cơm trong trái dừa, tép rang dừa, lươn um nước cốt dừa, bánh xèo củ hủ dừa, cháo dừa nấm mối,… Tất cả mang lại những khám phá thú vị khi có dịp về thăm đất Bến Tre.
Du khách trải nghiệm lột dừa (ảnh: XTDL)
Bến Tre đã tổ chức 9 lần Lễ hội Dừa cấp tỉnh và 5 lần Lễ hội Dừa cấp quốc gia tính từ năm 2000 đến nay. đây là lễ hội nhằm tôn vinh giá trị, vai trò, tầm quan trọng của cây dừa trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đồng thời phát triển du lịch tỉnh Bến Tre. Những lần tổ chức đã thu hút được hàng trăm nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Đây là những dịp để giới thiệu hình ảnh đất và người Bến Tre, thương hiệu du lịch "Sinh thái sông nước Xứ Dừa" đến với bạn bè gần xa, thu hút đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hợp tác kinh tế và phát triển du lịch.
Khai mạc Lễ hội Dừa lần thứ V (ảnh: XTDL)
Các vườn dừa du lịch ở Bến Tre hoạt động theo mô hình du lịch nông trại. Nổi bậc có thể kể đến mô hình vườn dừa tham quan dã ngoại cho đối tượng học sinh, sinh viên tổ chức hoạt động vui chơi ngoài trời, khám phá thiên nhiên và mô hình vườn dừa trải nghiệm nghỉ dưỡng cho người dân đô thị, khách nước ngoài muốn có cuộc sống ở nông thôn. Ngoài hai mô hình này, Bến Tre còn có nhiều sản phẩm du lịch khác về văn hóa, du lịch thể thao, ẩm thực gắn liền với cây dừa. Nhưng điểm chung của các sản phẩm đều làm cho du khách có trải nghiệm thú vị, giúp kích cầu du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và nhu cầu mua sắm của du khách được tăng lên.

Để phát huy các tiềm năng và giá trị của cây dừa vào trong hoạt động du lịch, cần phải có những giải pháp thiết thực để phát triển du lịch từ cây dừa theo hướng bền vững cần phát huy việc kết hợp du lịch sinh thái dừa với du lịch làng nghề, hoặc các di tích văn hóa, công trình kiến trúc tiêu biểu như Di tích kiến trúc nghệ thuật các đình làng trong tỉnh, Khu di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi (Mỏ Cày Nam) và Di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (Ba Tri) cùng các di tích cấp quốc gia trong tỉnh, từ đó có các chương trình liên kết du lịch với các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long để tạo nên sự phong phú, đa dạng và hấp dẫn cho các tuyến tour du lịch của tiểu vùng trong cụm phía Đông Duyên Hải Đồng bằng sông Cửu Long./.
Bảo Trâm

Giãn thời hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, Nghị định quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất.

Nghị định áp dụng với các đối tượng gồm doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; Xây dựng.

Bên cạnh đó, Nghị định áp dụng cho các đối tượng doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế như vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim...

Nghị định còn áp dụng cho các đối tượng doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm; doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nghị định nêu rõ việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (trừ thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu). Cụ thể, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6/2020 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng) và kỳ tính thuế quý 1, quý 2/2020 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý) của các doanh nghiệp, tổ chức nêu trên. Thời gian gia hạn là 05 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn dẫn đến làm tăng số thuế giá trị gia tăng phải nộp và gửi đến cơ quan thuế trước khi hết thời hạn nộp thuế được gia hạn thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định nêu rõ, việc gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp theo quyết toán của kỳ tính thuế năm 2019 và số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý 1, quý 2 của kỳ tính thuế năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức là người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng Nghị định này. Thời gian gia hạn là 05 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức đã thực hiện nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp theo quyết toán của năm 2019 vào ngân sách nhà nước thì doanh nghiệp, tổ chức được điều chỉnh số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp để nộp cho số phải nộp của các loại thuế khác. Để thực hiện điều chỉnh, người nộp thuế lập thư tra soát (Mẫu số C1-11/NS ban hành kèm theo Thông tư số 84/2016/TT-BTC ngày 17/6/2016 của Bộ Tài chính) kèm theo chứng từ nộp thuế hoặc thông tin liên quan đến nội dung đề nghị điều chỉnh gửi cơ quan thuế.

Đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, Nghị định quy định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2020 chậm nhất vào ngày 31/12/2020.

Đối với tiền thuê đất, Nghị định nêu rõ, gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng áp dụng Nghị định này đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định, Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Thời gian gia hạn là 05 tháng kể từ ngày 31/5/2020.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 8/4/2020.

Tải Nghị định tại đây.
Gia Khôi
Nguồn http://baodulich.net.vn

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020

Bến Tre xúc tiến xây dựng sản phẩm du lịch liên kết

Đi một mình thì có thể đi nhanh nhưng muốm đi xa thì nên liên kết, hợp tác nhau - đó là câu mà những người làm du lịch hay nói với nhau như vậy. Cho nên, liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù trong Cụm du lịch các  tỉnh phía đông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Đồng Tháp, là một trong những nhiệm vụ chính mà lãnh đạo sáu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra trong mục tiêu điều phối của hoạt động liên kết cụm.

Trong cụm Du lịch phía đông ĐBSCL thì Bến Tre và Trà Vinh là hai tỉnh liên kết thuận lợi trong tuyến các tỉnh Duyên Hải của hai cụm Đông và Tây. Trà Vinh và Bến Tre có cùng chung dòng sông Cổ Chiên hiền hòa, có nhiều tiềm năng du lịch mà khi liên kết sẽ tạo nên những sản phẩm độc đáo, không nơi nào có. Một tỉnh đang có nhiều du khách tìm hiểu, trãi nghiệm sông nước Xứ Dừa hơn thập kỷ qua, nay cùng phối hợp, kết nối, mở rộng sang tỉnh Trà Vinh với nền văn hóa Khmer phong phú, đặc sắc càng thu hút và lưu giữ khách du lịch lâu hơn, tạo điều kiện cho cả hai tỉnh và là nền tảng chi phối các tỉnh trong cụm cùng phát triển kinh tế du lịch trong thời gian tới.
Chợ nổi dừa trên sông Thom - Mỏ Cày Nam - Bến Tre (ảnh Bến Tre Quê tôi)
Du lịch "Sinh thái Sông nước Xứ Dừa" muốn nói lên tỉnh Bến Tre sở hữu 04 nhánh sông lớn của dòng Cửu Long, những cù lao xanh tươi và những vườn dừa bạt ngàn, cây trái, hoa kiểng xanh tốt, các làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, Di tích quốc gia đặc biệt - Di tích Đồng Khởi và Di tích Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu cùng trên 50 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh được giới thiệu đến du khách cùng những con người đôn hậu và mến khách đã tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo mà ít địa phương nào có được.
Di tích quốc gia đặt biệt - Di tích Đồng Khởi Bến Tre
Các điểm du lịch của Xứ Dừa đã được hình thành và đưa vào sử dụng phục vụ khách du lịch như: Khu du lịch Lan Vương, Phú An Khang ở thành phố Bến Tre; Khu du lịch Làng bè, vườn cây trái Bảo Thạch tại huyện Châu Thành; Làng Văn hóa Du lịch nổi tiếng với hoa kiểng - cây giống huyện Chợ Lách; Khu du lịch sinh thái ngập mặn và bãi biển Cồn Bửng - Thạnh Phú …đã và đang thu hút nhiều du khách. Các tuyến du lịch sinh thái sông nước Xứ dừa làm mê hồn du khách trên những con sông và đường làng rợp bóng dừa, các vườn dừa xen bưởi da xanh, cây trái, trải nghiệm làng nghề dừa truyền thống, dệt chiếu… và lưu trú tại các homestay tiện nghi, yên bình. Đến Bến Tre, du khách cũng thích thú văn hóa ẩm thực dừa với gỏi củ hủ dừa tôm thịt, cơm trái dừa và tép rang dừa là những món ăn đã được công nhận trong 100 món ăn đặc sản Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để Bến Tre hướng đến liên kết, phát triển cùng các tỉnh trong cụm du lịch, nhất là tỉnh kế cận Tiền Giang, Vĩnh Long hay Trà Vinh để tạo sản phẩm mới nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước lưu lại tỉnh nhà lâu hơn.

Trà Vinh nối liền với Bến Tre qua cầu Cổ Chiên, là hai tỉnh có nhiều nét tương đồng và được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng phong phú về du lịch văn hóa, du lịch biển, sông nước miệt vườn, dừa sáp đặc sản...đặc biệt là du lịch khám phá bản sắc văn hóa, lễ hội dân tộc Khmer, sở hữu với hơn 140 ngôi chùa Khmer có kiến trúc độc.

Du lịch Trà Vinh đáp ứng được nhu cầu của du khách khi tham quan các tuyến như: Cụm Khu Văn hóa - Du lịch Ao Bà Om, Bảo tàng Văn hóa Khmer, Chùa Âng, Chùa Hang; Trãi nghiệm vườn cây ăn trái Cù lao Tân Quy, đặc sản dừa sáp huyện Cầu Kè và các homestays mang bản sắc dân tộc Khmer mộc mạc, hiếu khách; Hay Cụm biển Ba động, Thiền viện Trúc Lâm, nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, rừng ngập mặn Long Khánh… Ngoài ra, điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim thuộc huyện Châu Thành do người dân phục vụ gắn với bảo vệ môi trường, nuôi trồng theo mô hình "con tôm ôm cây lúa"  dần thu hút khách.
Trải nghiệm làm cốm dẹp tại Trà Vinh
Từ tính chất phong phú về tài nguyên du lịch của hai tỉnh, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre và Trà Vinh liên kết các sản phẩm hiện có, các điểm du lịch cùng hướng dẫn và làm cầu nối cho các đơn vị lữ hành của hai tỉnh xây dựng, thiết kế các tours, tuyến liên tỉnh đặc thù 2ngày/1đêm, 3ngày/2đêm nhằm thu hút du khách. Một trong những chương trình tham quan và có thể điều chỉnh theo tích chất từng đoàn khách hay từng đơn vị lữ hành hợp tác đưa khách:

Ngày 1: Đón khách tại thành phố Bến Tre, khởi hành đi Mỏ Cày Nam, tham quan Nhà truyền thống Đồng khởi, tìm hiểu Đội quân tóc dài và phong trào Đồng Khởi năm 1960. Thưởng thức mức dừa, nước dừa tươi, trái cây … Chèo thuyền trong rạch dừa nước. Tham quan lò kẹo dừa Tuyết Phụng, trải nghiệm chợ nổi dừa, nơi buôn bán, giao thương về dừa; các hoạt động sản xuất, chế biến dừa, chỉ xơ dừa hai bên bờ sông Thom. Nghỉ đêm Coco homestay trong vườn dừa. Đối với tuyến du lịch này, du khách có thể tùy chọn, mở rộng tham quan Làng Văn hóa Du lịch huyện Chợ Lách (cây giống, hoa kiểng và nhiều loại trái cây xứ nhiệt đới); hoặc về Khu du lịch sinh thái ngập mặn huyện Thạnh Phú (biển Cồn Bửng, di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển, nhà cổ Huỳnh Phủ, xã Đại Điền…).

Ngày 2: Khởi hành đi Trà Vinh theo Quốc lộ 60, qua cầu Cổ Chiên. Đi xe đạp hoặc xe tuktuk quanh Làng Văn hóa - Du lịch Ao Bà Om (di tích cấp quốc gia), Bảo tàng Văn hóa Khmer, Chùa Âng, xem những điệu múa và nhạc ngũ âm truyền thống của người dân Khmer, làng nghề làm mũ, mão hay giả cốm dẹp. Hòa nhập cuộc sống đời thường và thưởng thức dừa sáp…; Ngoài ra, du khách có thể tiếp tục tham quan thêm tuyến du lịch sinh thái vườn cây ăn trái Cù lao Tân Quy, các vườn dừa sáp huyện Cầu Kè và các homestays mang bản sắc dân tộc Khmer mộc mạc, hiếu khách; hoặc chọn trãi nghiệm điểm du lịch nông nghiệp cộng đồng Cồn Chim xã Hòa Minh, huyện Châu Thành.

Trong sự tương đồng của Đất và Người giữa hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh thì văn hóa, tài nguyên du lịch có nhiều nét độc đáo và đặc sắc riêng mà nhiều tỉnh không có được. Việc liên kết sản phẩm du lịch của hai tỉnh tạo sản phẩm mới được nhiều công ty lữ hành đón nhận và ký kết khai thác. Sự đoàn kết, đồng thuận giữa bốn nhà: Chính quyền, công ty Lữ hành, du khách và người dân làm du lịch sẽ ngày càng thúc đẩy sự phát triển hợp tác du lịch liên tỉnh và tạo cho Cụm du lịch phía đông ĐBSCL trở thành điểm đến hấp dẫn du khách hôm nay và  mai sau./.
Thanh Sơn

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2020

Cồn Ốc - Tiềm năng du lịch của Xứ Dừa Bến Tre

Cồn Ốc được thiên nhiên ưu đãi cảnh quan sông nước hữu tình, rừng dừa xanh thẳm, với một bộ sưu tập các loại dừa phong phú, cùng làng nghề đan giỏ cọng dừa truyền thống và các cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa. Vì vậy nơi đây hứa hẹn sẽ là một trong những địa điểm du lịch mang đến những trải nghiệm đặc biệt cho khách du lịch khi đến xứ dừa Bến Tre; các hoạt động như: trải nghiệm tát mương bắt cá, mò tôm càng nuôi quảng canh, đi xuồng trong rạch nhỏ, đi xe đạp tham quan vườn dừa, vườn trái cây và đặc biệt là ẩm thực với các món ăn đặc sản như tôm luộc nước dừa, các món ăn chế biến với sự kết hợp nguyên liệu từ dừa,… sẽ làm hài long quý khách.

Cồn Ốc là một địa danh thuộc xã Hưng Phong - Giồng Trôm là một trong những cồn nổi trên sông Hàm Luông. Đến với Cồn Ốc, quý khách như được tìm về với sự ngọt ngào của đất, của tình người tha thiết như người con xa quê nay được trở về với quê hương yêu mến. Xứ đảo với biết bao vẻ đẹp dịu dàng, như tấm thảm xanh trải dài xuôi theo dòng sông Hàm Luông thơ mộng. Cồn Ốc nối liền với cồn Long Thành thuộc xã Sơn Phú bằng một cây cầu bê tông đã kết nối hai cồn, giúp rút ngắn thời gian di chuyển bằng đường thủy từ TP. Bến Tre đến Cồn khoảng10km. Nếu đường bộ khoảng 12km là đến bến phà qua Hưng Phong để qua cồn, nên việc phát triển du lịch trên một tuyến khép kín đầy hấp dẫn.
Vẻ đẹp thơ mộng của Cồn Ốc khi chụp từ trên cao (ảnh cắt từ clip)
Hưng Phong bao bọc bởi sông, rạch và các loại cây thủy sinh như bần, dừa nước và các vườn cây ăn trái; đặc biệt là tập hợp trên 20 giống dừa ở mảnh đất này, là nơi cư ngụ của "Vua Dừa Tám Thưởng". Khí hậu nơi đây thoáng mát, có hai mùa rõ rệt, phù sa từ sông bồi đắp cho vùng đất nơi đây, giúp cây trái xanh tươi, thiên nhiên ôn hòa, mát mẽ.

Đến Cồn Ốc du khách sẽ được kể mẫu chuyện về Mẹ Kế (Trần Thị Kế), một người mẹ cả cuộc đời dành cho chồng cho con, cho cách mạng với câu nói đanh thép trước mặt quân thù khi bị điều tra, khai thác: "Chồng con tao ở trong tim tao, chúng bây mổ ra mà kiếm".

Với một tài nguyên thiên nhiên ban tặng và tài nguyên du lịch đầy hứa hẹn đã cho thấy Cồn Ốc có nhiều tiềm năng du lịch. Nơi đây là điểm thuận lợi về đường thủy lẫn đường bộ; là trung tâm để nối kết tour, tuyến dễ dàng như: TP. Bến Tre xuống đường thủy về đường bộ hay ngươc lại; từ Hưng Phong nối tiếp hành trình đi tuyến về nguồn của Giồng Trôm, Ba Tri hay nối tuyến qua Định Thủy - Mỏ Cày Nam, nơi đã diễn ra cuộc Đồng Khởi 17/01/1960 và hiện nay là khu Di tích Quốc gia đặc biệt. Từ đây du khách tiếp tục trải nghiệm biển Thạnh Phú hay Chợ nổi Dừa hoặc về vùng Trái cây Cái Mơn - Chợ Lách.

Cùng với sự mong mỏi ước ao làm du lịch của các hộ dân nơi đây như gia đình ông Phan Văn Hy có 40 công dừa và trái cây; bà Đặng Thị Bé có 20 công dừa và trái cây, Công ty Gò Đáng, Công ty Lan Vương; gia đình ông Tám Thưởng,... tất cả đều muốn làm du lịch từ khi Hưng Phong có đề án phát triển du lịch trên nhiều năm trước. Huyện Giồng Trôm đã lập đề án phát triển du lịch Cồn Ốc và đang kêu gọi đầu tư về hạ tầng du lịch, cũng như xây dựng sản phẩm du lịch trên mảnh đất này.

Xác định được thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái cồn Hưng Phong, trong thời gian qua lãnh đạo tỉnh, huyện và địa phương cùng các cơ quan quản lý du lịch đã đẩy mạnh thực hiện một số công việc cho dự án phát triển du lịch sinh thái ở Hưng Phong như: Tổ chức nhiều hội thảo phát triển du lịch, tổ chức các chuyến khảo sát mô hình du lịch cộng đồng, qua đó đã mời chuyên gia xây dựng đề án phát triển du lịch Cồn Ốc năm 2019. Bên cạnh đó, được sự đồng tình ủng hộ của người dân bản địa, cũng như các cấp, ngành, với tâm huyết đầu tư phát triển du lịch sinh thái nơi đây. Từ đó thấy được Cồn Ốc sẽ sớm trở thành địa điểm du lịch đầy hứa hẹn.

Với những tiềm năng sẵn có cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ, hợp tác trong và ngoài huyện, tin rằng trong thời gian không xa, huyện Giồng Trôm sẽ có những bước đột phá trong phát triển du lịch, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện nói riêng và du lịch Bến Tre nói chung, là điểm đến lý tưởng cho du khách khám phá du lịch sông nước miệt vườn Bến Tre, với những nét đẹp văn hóa truyền thống và cảnh đẹp thiên nhiên đủ để níu chân những ai đến đây./.
Phương Thy

Khám phá vẻ đẹp bình dị tại vùng biển Bình Đại Bến Tre

Như các bạn đã biết, Bình Đại là một trong ba huyện tại Bến Tre nằm gần biển. Nhờ nằm trên dải cù lao An Hóa mà nơi đây có nhiều lợi thế về giao thông thủy cả giao thông bộ. Về với vùng biển Bình Đại, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ và trải nghiệm những nét đẹp văn hóa tại mảnh đất yên bình

Biển Thừa Đức Bình Đại - Nét đẹp bình dị của mảnh đất Bến Tre

Đường đi tới biển Bình Đại

Nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh hơn 137km, để có thể tới đây các bạn hãy ra bến xe miền Tây mua vé xe khách đi Bến Tre. Sau đó từ thành phố Bến Tre, các bạn có thể tham khảo tuyến đường sau đây.
Bản đồ đường đi tới vùng biển Bình Đại (Ảnh ST)
Đi theo tuyến đường Nguyễn Huệ, Huỳnh Tấn phát và Cầu Ba Lai đến Tỉnh lộ 883/TL883/ĐT883 tại Giao Long. Sau đó đi tiếp Tỉnh lộ 883/TL883/ĐT883 đến Bình Thới. Khi đến cửa hàng vật liệu xây dựng Hai Hùng thì các bạn chếch sang phải vào ĐH40 qua Trường tiểu học Bình Thới. Chạy xe khi nào tới vòng xuyến thì đi theo lối ra thứ 3 vào Tỉnh lộ 883/TL883/ĐT883 là tới bãi biển Bình Đại

Du lịch Bình Đại Bến Tre
Vui chơi thỏa thích tại biển Bình Đại (Ảnh ST)
Do là một huyện nằm gần biển cho nên công việc của người dân Bình Đại chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Và gắn liền với nghề truyền thống này ở Bình Đại còn có nghề đóng ghe rất nổi tiếng của cánh thợ vùng Thới Thuận.
Vi vu biển Bình Đại (Ảnh ST)
Đến với biển Bình Đại, du khách sẽ được tận hưởng không gian mát mẻ từ những hàng dừa đung đưa theo gió trải dài trên bờ biển. Nước biển thì trong xanh, bờ cát trắng mịn cho bạn thoải mái chạy nhảy vui đùa.
Vẻ đẹp bình dị của vùng biển Bình Đại (Ảnh ST)
Quanh bờ biển cũng có nhiều hoạt động vui chơi giải trí diễn ra thu hút rất nhiều du khách tham gia như lướt sóng, thả diều, bóng chuyền, bóng đá bãi biển,… Nếu bạn yêu thích bầu không gian yên tĩnh thì hoạt động câu cá, câu mực sẽ rất phù hợp đấy.
Vẻ đẹp bình dị của vùng biển Bình Đại (Ảnh ST)
Ngoài việc vui chơi thỏa thích tại bãi biển ra, du khách còn được khám phá và trải nghiệm cuộc sống bình dị. chất phác của những người dân Bình Đại. Mỗi buổi sáng sớm đi bộ dọc bờ biển Bình Đại, ngắm những tia nắng ló rạng sau hàng cây dừa báo hiệu một ngày mới yên bình bắt đầu giống như chính khung cảnh nơi đây vậy.

Ẩm thực vùng biển Bình Đại
Thưởng thức hải sản tươi ngon tại biển Bình Đại (Ảnh ST)
Du lịch biển Bình Đại tận hưởng những đặc sản thơm ngon (Ảnh ST)
Như đã nói ở trên, vì là một huyện gần biển nên hải sản rất tươi ngon. Những món hải sản nổi tiếng ở đây như cua, ghẹ, tôm,… đều được chế biến theo những công thức đặc trưng của vùng khiến món ăn trở nên ngon và hấp dẫn hơn.
Dưa hấu Cửa Đại (Ảnh ST)
Ngoài hải sản ra, du khách còn được nếm thử những trái cây ngon tại Bình Đại. Trong đó phải kể đến bí đỏ Giồng Giếng (Thạnh Phước), mãng cầu Thới Thuận,… Đặc biệt là dưa hấu Cửa Đại từng được bằng khen trong các hội chợ.

Những địa điểm tham quan gần biển Bình Đại Biển Thừa Đức
Vẻ đẹp hoang sơ tại bãi biển Thừa Đức (Ảnh ST)
Bắt ngao cùng người dân tại biển Thừa Đức (Ảnh ST)
Đây được xem là một trong những bãi biển đẹp và hoang sơ nhất Bến Tre. Cứ vào dịp nghỉ cuối tuần thì bãi biển này đón một lượng du khách không nhỏ tới vui chơi. Do cái tên du lịch biển Bình Đại Bến Tre vẫn còn khá mới và chưa quen thuộc lắm với nhiều người cho nên lượng khách đến đây vẫn còn khá ít. Tuy nhiên bạn hãy cứ đến thử đây một lần để thấy được hết vẻ hoang sơ mộc mạc của biển Thừa Đức.

Đình Tân Hưng
Du lịch đình Tân Hưng Bến Tre (Ảnh ST)
Đình Tân Hưng là một trong những địa điểm du lịch tâm linh được nhiều du khách lựa chọn khi tới mảnh đất Bình Đại. Đình được chia làm 3 gian với lối kiến trúc cổ, cột đình được sơn son thếp vàng đẹp mắt. Mỗi gian đều được thờ một vị thần liên quan đến đời sống của người dân và các vị Thành Hoàng làng. Phần trên mái đình thì được lợp theo kiểu âm dương gạch đất sét nung nên giữ nguyên được màu sắc vốn có. Nếu bạn có dịp tới tham quan và du lịch Bình Đại Bến Tre nhớ đừng bỏ qua điểm này nhé.

Cống Ba Lai
Tham quan cống Ba Lai Bến Tre (Ảnh ST)
Đây là một hạng mục thủy lợi được xây dựng để phục vụ cho đời sống con người như sử dụng tưới tiêu, giữ ngọt và ngăn mặn cho khoảng 90.000ha đất nông nghiệp. Cống có lối thiết kế khá đẹp mắt và khung cảnh ở đây hoành tráng lắm đó nha bạn. Ngoài ra, tại địa điểm này du khách có thể tham quan trại nuôi cá sấu, heo rừng và mô hình nuôi cá lóc bông ven sông Ba Lai nữa.

Nghỉ ngơi tại biển Bình Đại
nghỉ ngơi tại các khách sạn Bến Tre (Ảnh ST)
Trích nguồn: https://www.xaluan.com

Phát triển tiềm năng du lịch Biển Bến Tre

Bến Tre được nhiều người biết đến với tên gọi "ba đảo dừa xanh", du khách phương xa ghé thăm Xứ Dừa không chỉ được tham quan sông nước, dạo quanh các vườn dừa, vườn cây ăn trái, mà nơi đây còn có những bãi biển mang nét nguyên sơ. Tỉnh Bến Tre có 65km đường bờ biển thuộc 3 huyện ven biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú. Do biển có nhiều phù sa nên nước biển không xanh như các bờ biển khác. Tuy nhiên, Bến Tre đang được khai thác phục vụ du lịch, tạo nên sự đa dạng sản phẩm và phát huy các tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh Bến Tre với tên gọi "Du lịch từ sông ra biển".

Huyện Ba Tri có đường bờ biển khai thác du lịch gồm bãi biển Cồn Hố (xã An Thủy) và Cồn Ngoài (xã Bảo Thuận). Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về việc ứng phó với biến đối khí hậu, huyện cho xây dựng tuyến đường từ ngã ba Cầu Ngang đến Cồn Ngoài dài khoảng 3,5km để phục vụ giao thông thuận tiện cho du khách đến bãi biển Cồn Ngoài trải nghiệm tắm biển, thưởng thức thủy hải sản. Bãi biển Cồn Ngoài cũng đang xây dựng bờ kè với kinh phí khoảng 41 tỷ đồng. Từ đó, huyện Ba Tri có cơ hội thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, ăn uống, khu vui chơi, mua sắm để kích cầu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Kết hợp với du lịch biển, Ba Tri có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa của huyện rất đa dạng và phong phú như: Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, di tích kiến trúc Đình Phú Lễ, Di tích nhà ông Nguyễn văn Cung và ngã ba cây Da Đôi,… cùng các làng nghề truyền thống như: làng nghề nấu rượu xã Phú lễ, làng nghề làm muối Bảo Thạnh, làng nghề khô xã An Thủy, làng nghề bánh phồng Phú Ngãi,…đang được nhiều du khách đến tham quan.
Biển Ba Tri (Ảnh: XTDL)
Huyện Bình Đại cũng là một trong 3 huyện ven biển tại Bến Tre, cách thành phố Bến Tre khoảng 40km di chuyển bằng ô tô, ngoài những di tích văn hóa - lịch sử hiện có như: Khu lưu niệm Huỳnh Tấn Phát, Chùa Vạn Phước, Di tích Đình Tân Hưng và Mộ ông Huỳnh Văn Thiệu…. Huyện có hai xã Thừa Đức và Thới Thuận là địa phương phát triển du lịch biển. Về với nơi đây, du khách trải nghiệm bắt nghêu, mò sò huyết, câu cua… Riêng Cồn Chày Mười (xã Thới Thuận) du khách có thể chứng kiến một bờ đê ốc viết có một không hai trên biển Đông nầy.  Bờ đê chắn sóng từ con ốc viết được sóng biển đưa từ ngoài khơi vào, qua thời gian, bờ đê ốc viết dài hơn 6km và cao khoảng 1,5m; đây là sản phẩm độc đáo, nếu khai thác và được đầu tư, chắc chắn nơi đây sẽ là điểm dừng chân lý thú cho du khách trong và ngoài nước.
Bờ đê ốc viết tại Cồn Chày Mười (Ảnh: Thanh Đồng - BĐK)
Cách thành phố Bến Tre khoảng 60 phút đi bằng ô tô, biển Cồn Bửng thuộc xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú đang hấp dẫn nhiều du khách đến khám phá và thưởng thức hải sản tươi sống. Dự án bảo tồn, tôn tạo các giá trị Di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại hai xã Thạnh Phong và Thạnh Hải với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng đang triển khai giai đoạn II nằm trong quần thể khu du lịch Cồn Bửng, kết hợp Đền thờ Bà Chúa Xứ và Lăng Ông Nam Hải góp phần làm cho du lịch huyện Thạnh Phú phát triển đa dạng nhiều loại hình du lịch từ sông ra biển. Hạ tầng du lịch cũng được đầu tư nối liền các xã ven biển; trong đó, xã Thạnh Hải - Thạnh Phong được UBND tỉnh phê duyệt khu du lịch địa phương nhằm phát triển tốt du lịch từ sông ra biển của dãy Cù Lao Minh.
Biển Cồn Bửng - Thạnh Phú thu hút du khách tham quan tắm biển, thưởng thức hải sản tươi sống được chế biến tại chỗ (Ảnh: Phòng VHTT Thạnh Phú)
Với những tiềm năng và lợi thế hiện có, ba huyện ven biển cần có những giải pháp để phát triển du lịch biển có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng của huyện như:

- Xây dựng sản phẩm du lịch biển bảo đảm tính chuyên nghiệp không trùng lắp sản phẩm giữa 3 địa phương để phát triển bền vững, hiệu quả cao. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, hợp tác, liên kết với các huyện liền kề, tạo nên tuyến, tour với nhiều loại hình du lịch, phù hợp nhu cầu và thị hiếu của du khách.

- Phát triển, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về kỹ năng, trình độ giao tiếp, ngoại ngữ; mở các lớp tập huấn chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức cho người dân làm du lịch, góp phần giải quyết việc làm tại địa phương.

- Triển khai các chính sách, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú ven biển đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, mua sắm, vui chơi, tham quan rừng ngập mặn và phát triển du lịch biển.

- Chú trọng công tác bảo vệ môi trường du lịch biển trong tình hình hiện nay, thích ứng biến đổi khí hậu trong giai đoạn nước biển dâng ngày càng cao để bảo vệ môi trường cho du khách và người dân địa phương.

- Đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch biển bền vững, kết hợp khai thác không gian biển, ven biển và đất liền./.
Bảo Trâm

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

Ngọt thơm bánh lá rau mơ Xứ Dừa

Nhắc đến Bến Tre, người ta hay nói đến sự trù phú về tự nhiên, con người dựa vào thiên nhiên để sống, do vậy món ăn của người dân nơi đây gắn liền với các thực phẩm đến từ thiên nhiên một cách thuần túy. Ngoài những bữa ăn chính, bà con nơi đây còn làm ra các món bánh để ăn lúc rảnh rỗi. Món bánh đặc trưng ở Xứ Dừa có thể kể đến là bánh lá rau mơ nước cốt dừa với hương vị bình dị, mộc mạc, được người dân và nhiều du khách đến Bến Tre yêu thích vì hương vị đặc biệt khó tả của loại bánh nầy.
Bánh lá rau mơ chấm nước cốt dừa Bến Tre 
Du khách thưởng thức món bánh lá rau mơ, ai nấy cũng đều cho rằng chỉ có ở Xứ Dừa mới đạt được độ béo ngậy của nước cốt dừa hơn bánh rau mơ ở nơi khác. Để làm món bánh này đầu tiên đem gạo ngâm với nước, sau đó xắt nhuyễn lá rau mơ, đem xay ra chung với gạo, dằn để lấy bột. Sau đó, trộn bột với một ít bột mì tinh, nước cốt dừa, nhào bột đến khi không dính tay là được. Lá dừa nước lựa lá bản to, ít sâu, đem về cạo bỏ rốn và lau sạch, nắn bột lên lá dừa nước, có nơi dùng lá chuối, lá mít để nắn bánh nhưng nhiều người khen bánh lá rau mơ ngon nhất khi được nắn bằng lá dừa nước vì khi hấp lên tỏa ra hương thơm rất đặc biệt. Để bánh được ngon, ngoài việc nêm gia vị vừa đủ, lúc để bánh vào hấp thì nước phải thật sôi. Hấp bánh trong 15-20 phút là chín, mở nắp nồi ra là một mùi thơm ngào ngạt, mùi của lá rau mơ hòa quyện với lá để nắn bánh tạo sự hấp hẫn cho món bánh, sau khi bánh chín thì gỡ bánh ra khỏi lá. Cuối cùng khuấy nước cốt trên trên bếp để làm nước chấm ăn chung với bánh, cho ít bột mì tinh để nước cốt sánh lại, nêm đường và muối cho vừa ăn, thêm lá dứa để tăng thêm hương vị, sau đó đem xuống và cho phần nước cốt nhất vào, khuấy đều là có một phần nước chấm béo ngậy thơm ngon để ăn với bánh.

Bánh có màu xanh lơ đẹp mắt, độ dai của bánh và hương vị thơm ngọt đậm đà hòa cùng nước cốt béo ngậy thơm đậu phộng và lá dứa; đây là hương vị quê hương, của biết bao kỷ niệm tuổi thơ mà mỗi lần xa quê là lại nhớ. Khi có dịp rảnh rỗi hay có con cháu đi học xa nhà về quê. Cả nhà lại sum họp làm món bánh lá rau mơ, mỗi người một việc, ai cũng cười nói, cha mẹ ông bà nói chuyện vui về những ngày xưa thuở khẩn hoang, bọn trẻ con thì giành nhau miếng bánh mình thích. Cả nhà quây quần bên nhau ăn bánh, nói ăn bánh là ăn chơi chứ thật ra mỗi lần ăn là phải ăn cho no bụng mới thôi. Khi lớn lên dù ở đâu thì món bánh này vẫn là món bánh quê hương, bánh tuổi thơ trong mỗi người con Bến Tre xa xứ.

Ngày nay, mặc dù mức độ phổ biến của món bánh ít nhiều bị giảm lại trước sự đa dạng của nhiều loại bánh lạ mắt khác, thế nhưng đối với người dân Xứ Dừa thì đây vẫn là một trong những loại bánh thân thương gợi nhớ biết bao kỷ niệm tuổi thơ khó mà quên được. Mời bạn về thăm Bến tre quê tôi, ăn thử một lần bánh lá rau mơ chấm nước cốt dừa để thưởng thức cái hương vị đặc trưng của Xứ Dừa mà không nơi nào có được./. 
Bảo Trâm