Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

Danh sách các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre

1. Danh sách cơ sở lưu trú đủ điều kiện phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre (tải tại đây).
2. Danh sách doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã được cấp phép (tải tại đây).
3. Danh sách doanh nghiệp lữ hành nội địa được cấp phép trên địa bàn tỉnh Bến Tre (tải tại đây).
4. Danh sách cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre (tải tại đây).

Thông báo Về việc không tổ chức Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ tại Khu du lịch Gò Tháp năm 2020

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng, để hạn chế tập trung đông người, đảm bảo an toàn vì sức khỏe của nhân dân, Ban Tổ chức Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ tại Khu di tích Gò Tháp xin thông báo:
  • Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ tại Khu di tích Gò Tháp (Rằm tháng 3 âm lịch) năm 2020 không tổ chức như định kỳ hàng năm.
  • Phần lễ Ban Hội hương Gò Tháp thực hiện nội bộ, theo nghi thức truyền thống tại đền thờ, không tổ chức mở cửa cho người dân vào cúng bái.
Ban Tổ chức Lễ xin thông báo đến nhân dân trong và ngoài tỉnh biết để không tham dự Lễ năm nay.
Tải thông báo tại đây.

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

Du lịch Bến Tre: Một thoáng thành phố của bóng dừa

Với lịch sử tồn tại trên 100 năm, thành phố Bến Tre đã chứng kiến biết bao thăng trầm qua các giai đoạn của tỉnh nhà và gắn bó với nhiều thế hệ người con Xứ Dừa. Ngày nay, diện mạo của thành phố Bến Tre đã thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ được những nét mộc mạc và bình dị. Thành phố Bến Tre đã và đang trở thành một điểm đến du lịch an toàn, thân thiện và thu hút nhiều du khách trong, ngoài nước.

Ngày 13/02/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 174 về việc công nhận thành phố Bến Tre là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bến Tre. Đây là niềm vui lớn của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong tỉnh nói chung, thành phố Bến Tre nói riêng. Là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Bến Tre, nằm trên cù lao Bảo chung với các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri, thành phố Bến Tre có hình tam giác và diện tích là 71,11km2.

Theo thống kê, lượng khách du lịch đến tham quan thành phố Bến Tre ngày càng tăng và dần chiếm được tình cảm của đông đảo du khách trong, ngoài nước bởi sự an toàn, trong lành của cảnh quan, môi trường cùng sự nhiệt tình, thân thiện và hiếu khách của người dân Xứ Dừa. Nếu năm 2017, du lịch tại thành phố Bến Tre thu hút được 323.750 lượt khách và tổng thu từ khách du lịch gần 264.250 tỷ đồng. Giai đoạn đến năm 2018, lượng khách tăng bình quân hàng năm đạt 21%/năm; doanh thu tăng bình quân đạt 25%/năm so cùng kỳ năm trước. Tính đến thời điểm ngày 01/11/2019, lượng khách đến thành phố Bến Tre đã đạt 409.312 lượt khách và tổng doanh thu từ khách du lịch gần 334 tỷ đồng. Đây là những con số rất ấn tượng và cho thấy tiềm năng du lịch tại thành phố Bến Tre là rất lớn.
Khách sạn Việt Úc đạt chuẩn 03 sao tại thành phố Bến Tre (ảnh: XTDL)
Hiện tại, thành phố Bến Tre có hơn 30 cơ sở lưu trú, trong đó có 01 khách sạn đạt chuẩn 04 sao (khách sạn Dừa - Bến Tre Riverside Resort), 02 khách sạn đạt chuẩn 03 sao (khách sạn Hàm Luông và khách sạn Việt Úc), 03 khách sạn đạt chuẩn 01 sao (khách sạn Đại An, khách sạn Sao Mai và khách sạn Oasis Kiwi) cùng nhiều homestay với phong cách rất gần gũi, chan hòa với thiên nhiên (Mười Nở, Ba Danh, Duyên Quê, Nguyệt Quế,…) và thành phố cũng chiếm gần 39% tổng số cơ sở lưu trú của toàn tỉnh Bến Tre năm 2019.
Đồng thời, thành phố Bến Tre còn đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch sinh thái mang đậm chất miệt vườn sông nước Xứ Dừa với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như: chèo thuyền, tát mương bắt cá, trải nghiệm một ngày làm nông dân, tham quan vườn cây ăn trái, tham quan vườn hoa, tham quan lò gạch; tìm hiểu cách làm đồ thủ công mỹ nghệ từ dừa,…; điển hình là các điểm du lịch nổi tiếng như: Lan Vương, Phú An Khang, Hạ Thảo, Vườn Xanh,…đã thu hút rất đông du khách. Đặc biệt là các du khách nước ngoài, chủ yếu là các thị trường đến từ châu Âu, Bắc Mỹ luôn chọn thành phố Bến Tre nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung làm điểm đến an toàn, chất lượng trong hành trình tham quan du lịch sinh thái bởi cảnh quan thiên nhiên nơi đây tươi đẹp, hiền hòa và bà con Xứ Dừa thì lại vô cùng hào sảng, chất phát.
Trải nghiệm tát mương bắt cá khi du lịch tại Bến Tre (ảnh: PAK)
Du lịch về thành phố Bến Tre, ngoài loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, các du khách sẽ còn có dịp được trải nghiệm nhiều loại hình du lịch khác như: du lịch tâm linh qua việc tham quan và cúng viếng tại các ngôi đình chùa có lịch sử lâu đời (chùa Viên Minh, chùa Viên Giác, chùa Bạch Vân, đình Phú Tự và cây cổ thụ Bạch Mai (được công nhận là cây di sản quốc gia), đình An Hội,…); du lịch tham quan làng nghề truyền thống (làng nghề dệt chiếu, làng nghề làm kẹo dừa, làng nghề thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu dừa,…); du lịch tham quan các công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử (Tượng đài Đồng Khởi, Tượng đài Trần Văn Ơn, Bảo tàng Bến Tre - Di tích Nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo (di tích cấp quốc gia), Tượng đài chiến thắng bên sông Bến Tre tại Công viên Hoàng Lam),…

Ngày nay, thành phố Bến Tre đã thay đổi diện mạo theo hướng hiện đại, văn minh. Các công trình giao thông, cầu đường luôn được tỉnh chú trọng và thường xuyên nâng cấp, tu bổ, cuộc sống của người dân Xứ Dừa tại trung tâm thành phố cũng ngày càng được cải thiện và sung túc hơn trước. Tuy nhiên, cảnh quan thiên nhiên vẫn giữ được những nét nên thơ, bình dị đúng với tên gọi “thành phố Xứ Dừa”. Dạo một vòng qua các con đường rợp bóng cây xanh mát như: Hùng Vương, Đại lộ Đồng Khởi, Lê Qúy Đôn,…các du khách sẽ rất dễ bắt gặp những hình ảnh quá đỗi thân thương, trìu mến đó là những khu chợ quê ven sông hay bờ hồ Trúc Giang thơ mộng nơi người dân địa phương mỗi sáng thông thả cùng tập thể dục và trò chuyện.
Một góc hồ Trúc Giang thơ mộng nhìn từ trên cao (ảnh: sưu tầm)
Du lịch tại thành phố Bến Tre còn hấp dẫn du khách qua những món ăn vô cùng đặc sắc, tinh tế vừa cầu kỳ lại vừa mộc mạc. Các du khách có thể dễ dàng thưởng thức các món ngon như: cơm trái dừa, gỏi củ hũ dừa tôm thịt, tép rang dừa, cá tai tượng chiên xù, gỏi bắp bò bông bần, cháo dừa nấm mối, lẩu mắm,…tại nhiều hệ thống nhà hàng, quán ăn của thành phố Bến Tre. Ngoài ra, các du khách trong, ngoài nước còn có thể mua được rất nhiều đặc sản tại nơi đây về làm quà cho gia đình và bạn bè như: bưởi da xanh - loại trái cây đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu năm 2005, đồng thời bưởi da xanh Bến Tre và dừa xiêm xanh Bến Tre cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý vào năm 2018 , bánh dừa, kẹo dừa, các loại mỹ phẩm từ dừa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm bằng dừa,…

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có du lịch. Tại thành phố Bến Tre nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung, các khu du lịch, các điểm du lịch, các nhà hàng, quán ăn,… luôn tích cực thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho người dân địa phương và các du khách. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre, ông Trương Quốc Phong cho biết: “Tất cả những đặc điểm về tự nhiên cũng như các giải pháp phòng dịch chặt chẽ của nước ta là cơ sở chứng minh du lịch Việt Nam, trong đó có Bến Tre là điểm đến an toàn cho du khách. Bến Tre với sản phẩm đặc trưng du lịch sinh thái sông nước gắn với nông nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường là lựa chọn tin cậy của du khách. Ngành du lịch cùng các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch chung tay thực hiện các giải pháp an toàn phòng dịch, chỉnh trang điểm đến và thực hiện các giải pháp kích cầu để tạo sự tin tưởng cho du khách”.

Thế nên, các khu du lịch, các điểm du lịch cùng nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành tại Bến Tre đã đồng loạt thực hiện nhiều chương trình kích cầu du lịch như: giảm giá phòng nghỉ, giảm giá tour du lịch, hỗ trợ khách hủy phòng không mất phí, tăng cường các biện pháp quảng bá, xúc tiến du lịch,…Hy vọng, ngành du lịch tại thành phố Bến Tre nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung sẽ ngày càng phát triển sau mùa dịch vì nơi đây vẫn luôn là điểm đến an toàn, chất lượng cho các du khách trong, ngoài nước./.
Tường Vi

Chuẩn bị tìm ra giải pháp an toàn kéo du khách trở lại Bến Tre

Có thể nói năm 2020 là một năm cực kỳ khó khăn cho nền kinh tế vừa nước mặn xâm nhập vừa dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến nhiều ngành, trong đó phải nói đến ngành du lịch chịu ảnh hưởng không nhỏ. Thường kỳ cứ vào những tháng đầu năm được xem như mùa thu hoạch hái ra tiền của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, điểm đến lúc nào cũng tấp nập khách đến tham quan. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, dự đoán trong 3 tháng tới, ước tính thiệt hại của ngành sẽ vào khoảng 5,9 - 7 tỉ USD do dịch Covid-19 gây ra. Việt Nam không đưa, đón khách từ vùng dịch, tạm dừng các lễ hội, hoạt động tại một số khu di tích, danh lam thắng cảnh; các thị trường quốc tế khác đang e ngại đến khu vực châu Á; người dân trong nước hạn chế đi du lịch. 

Trước tình hình ảnh hưởng chung của toàn ngành du lịch Việt Nam, sắp tới dự kiến sẽ có hàng loạt chương trình khuyến mãi, ưu đãi hấp dẫn dành cho du khách sau sự ra đời của liên minh kích cầu du lịch được thành lập bởi tổ chức Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhằm kích cầu du lịch khắc phục hậu Covid-19. Hiện tại theo kế hoạch trước mắt Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ chọn 4 tỉnh để triển khai, đó là: Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai chính thức được công bố vào 21/02/2020. Vì vậy, các ngành các cấp tỉnh Bến Tre phải tích cực chuẩn bị về nhiều mặt nhằm vực dậy các hoạt động phục vụ du khách đến tham quan. Trong đó, chính các doanh nghiệp du lịch sẽ đóng vai trò quan trọng, làm đầu mối, bên cạnh đó có sự hỗ trợ điều tiết từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể:

Đối với các doanh nghiệp du lịch
- Đề xuất một số chương trình kích cầu thúc đẩy du khách về Bến Tre trở lại. Chẳng hạn tour tham quan sông nước miệt vườn, về nguồn, nghỉ đêm nhà dân, các dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, ăn uống...  cần có hướng giảm giá phù hợp. Vì mấu chốt của đợt kích cầu cho khách sau dịch Covid-19 là môi trường, trong đó: về giá là quan trọng nhất, kế đến là vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự an ninh… Giá phải giảm sâu để có sức cạnh tranh trong cả nước, với tour trọn gói phải giảm tỉ lệ % phù hợp để có thể nhanh chóng thu hút khách. Để giảm giá tour không phải chỉ một mình công ty du lịch làm được mà phải có sự liên kết hàng loạt các bên liên quan như nhà hàng, khách sạn, khu mua sắm,… và của chính những người trực tiếp và gián tiếp tham gia vào hoạt đông du lịch. 

- Cần xác định kích cầu sau dịch bệnh khác với những chương trình khuyến mãi thông thường khác, phải đảm bảo tính an toàn về nguồn vốn đối ứng vì hiện tại chưa biết khi nào tình hình dịch bệnh ổn định trở lại. Vì vậy, chương trình kích cầu phải được đặt ra nhiều giải pháp, nhiều kịch bản khác nhau phù hợp với từng thời điểm triển khai với từng loại hình kinh doanh.

- Thị trường nội địa có quy mô lớn, tăng trưởng liên tục trong nhiều năm gần đây nên khả năng khai thác mang lại hiệu quả rất cao. Theo báo cáo tình hình hoạt động năm 2019 từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bến Tre đón được 1.882.025 lượt khách, trong đó khách nội địa là 1.085.839 lượt, tăng 22% so với cùng kỳ, vượt 15% so với kế hoạch. Bên cạnh đó mức chi trả ngày càng tốt hơn, phân khúc khách hàng có thể phát triển rất đa dạng. Đặc biệt, thị trường này có phản hồi rất tốt và nhanh với các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Nên chú trọng khai thác thị trường nội địa này vì đây sẽ là đối tượng những người đi du lịch đầu tiên khi dịch bệnh kết thúc. 
Du khách tìm hiểu sản phẩm du lịch tại Bến Tre (Ảnh sưu tầm)
- Khảo sát tìm kiếm thị trường khách quốc tế nhằm bổ sung vào thị trường truyền thống, chú ý các thị trường trọng điểm gần, kết nối đường bay thẳng đến Việt Nam: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và ASEAN; khai thác thị trường lớn, tiềm năng như Ấn Độ; tăng cường thu hút khách du lịch từ Bắc Mỹ, khai thác mạnh hơn thị trường Mỹ và Canada. Duy trì và mở rộng thị trường Tây Âu và Bắc Âu; tăng cường thu hút khách du lịch từ Nga và các nước Đông Âu.

- Đẩy mạnh mạng lưới thông tin xúc tiến quảng bá hiệu quả thông qua các kênh truyền thông, các ứng dụng bán hàng trực tuyến, tham gia các chương trình các sự kiện hội chợ, hội nghị… trong cụm liên kết và một số các tỉnh thành bạn. Sẵn sàng tham gia vào các hoạt động đồng hành cùng Hiệp hội du lịch Bến Tre, Hiệp hội du lịch đồng bằng sông Cửu Long.

- Cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc mở rộng, đa dạng hóa, làm mới các sản phẩm. Trong thời điểm nầy cần tập trung chỉnh trang điểm đến, trang thiết bị phục vụ du khách, đồng thời phát triển các sản phẩm có tính đặc thù theo phân khúc khách hàng, cũng như xây dựng các chương trình tuyến điểm tham quan kết nối các điểm đến ngoài tỉnh nhằm tạo ra nhiều lựa chọn cho du khách mỗi khi đến với Bến Tre. Cùng với đó, cần gắn kết các doanh nghiệp du lịch như lữ hành, cơ sở lưu trú, nhà hàng, vận chuyển, vui chơi giải trí, mua sắm, khai thác hiệu quả để tạo thành chuỗi sản phẩm đồng bộ. 

- Tổ chức và hướng dẫn qui trình trong trường hợp xảy ra dịch bệnh nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia du lịch trong việc ứng phó và giải quyết các tình huống ngoài mong muốn, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho khách khi đến Bến Tre.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước 
- Các cơ quan ban ngành tỉnh cần phải cùng nhau thống kê các thiệt hại xảy ra với ngành du lịch tỉnh nhằm có hướng hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp hoạt động cũng như có các ưu đãi cần thiết cho doanh nghiệp ngành du lịch đang chịu nhiều tổn thất vì dịch Covid - 19 như giảm thuế, giãn thuế, hỗ trợ ngân hàng giảm lãi suất vay đối với doanh nghiệp du lịch có nhu cầu.

- Khuyến khích các điểm đến quan trọng nâng cao và duy trì ở mức cao các tiêu chuẩn vệ sinh, môi trường thân thiện giữa người dân địa phương và khách du lịch, tránh phân biệt đối xử dưới mọi hình thức với bất kỳ nhóm người nào trong giai đoạn phục hồi và tiếp tục phát triển.

- Tập trung bổ sung kinh phí cho ngành du lịch để phát triển ngay bây giờ và cho những năm sau. Tạo điều kiện cho đơn vị xúc tiến tham gia các hoạt động liên kết, quảng bá hình ảnh điểm đến Bến Tre thật an toàn - thân thiện - chất lượng để du khách trong và ngoài nước biết đến.  

Chính vì vậy, chuẩn bị tốt công tác hậu Covid-19 cho ngành du lịch Bến Tre hoạt động nhộn nhịp trở lại rất cần những giải pháp cấp thời mang tính "an toàn" tuyệt đối, phải biết kết hợp với nhiều dự đoán, kịch bản phù hợp cho từng giai đoạn cụ thể. Doanh nghiệp không được nóng vội đưa ra những chiến lược kinh doanh chưa thật sự hoàn hảo, thiếu tầm nhìn bao quát. Có sự điều phối của các bên liên quan trong đó có Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch và phải xác định Bến Tre chính là nơi mà du khách lựa chọn là điểm đến an toàn./.
Thanh Tâm

Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre (HHDL) củng cố tổ chức tìm giải pháp kích cầu và phát triển du lịch

Ngày 02/3/2020 vừa qua, trong bối cảnh ngành du lịch chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, làm ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch; Ban chấp hành Hiệp hội Du lịch (HHDL) tỉnh đã họp triển khai các văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Tổng Cục Du lịch, HHDL Việt Nam và HHDL Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về việc ứng phó với dịch bệnh và có giải pháp kích cầu sau khi kết thúc dịch bệnh trên địa bàn cả nước. Đến tham dự cuộc họp có sự hiện diện của Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bến Tre - ông Trương Quốc Phong cùng 17 thành viên BCH HHDL và đại diện Báo, Đài địa phương để đưa tin. 
Quang cảnh cuộc họp BCH - HHDL tỉnh tại Điểm du lịch Phú An Khang
Chủ tịch HHDL tỉnh yêu cầu các thành viên doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, công ty lữ hành tập trung chủ động trong vệ sinh, phòng dịch, theo dõi tình hình diễn biến của dịch và tình hình khách đến, không phân biệt đối xử và theo dõi tình hình báo cáo kịp thời, bảo đảm an toàn cho cộng đồng. Các doanh nghiệp, công ty, khu, điểm du lịch cần củng cố lại công tác tổ chức và chất lượng sản phẩm, phối hợp kích cầu và quảng bá du lịch Bến Tre an toàn trong mùa dịch; quan tâm hơn về việc nâng chất lượng sản phẩm, thực hiện các hình thức ưu đãi phù hợp đối với du khách, chú trọng đối tượng là khách nội địa để duy trì hoạt động tốt. Các doanh nghiệp cũng có kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ về chính sách giảm thuế, giảm lãi suất, giãn thời gian thu nợ, thu thuế, giãn thời gian đầu tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh du lịch trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Hiệp hội kết nạp mới 13 hội viên, hiện có 95 hội viên chính thức, trong đó có 02 hội viên là tổ chức, 93 cá nhân và thành lập được 02 chi hội Du lịch trực thuộc (Châu Thành và Thạnh Phú) và 01 Câu lạc bộ Hướng dẫn viên Du lịch. Nhân dịp nầy, để hoạt động của HHDL tỉnh ngày đi vào hoạt động hiệu quả và có trách nhiệm; Ban chấp hành HHDL đã thống nhất củng cố tổ chức và thành lập thêm 4 ban chuyên môn gồm: 
1- Ban Vận động thành viên và Nghiên cứu xây dựng sản phẩm do ông Lê Chí Linh, Tổng GĐ công ty Cổ phần Du lịch Bến Tre - Trưởng ban;
2- Ban Tổ chức và Đối ngoại do ông Trần Bá Sanh, chủ Điểm du lịch Lan Vương - Trưởng ban;
3- Ban Tài chính và Thi đua Khen thưởng do ông Đào Văn Lộc, Chủ nhiệm nhà khách UBND tỉnh (NH-KS Hùng Vương) - Trưởng ban;
4- Ban Truyền Thông, Quảng bá Du lich do ông Võ Văn Phong - GĐ Công ty Du lịch C2T - Trưởng ban.
Ông Trương Quốc Phong - TUV - GĐ sở VHTTDL phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp BCH HHDL tỉnh
Để phát huy vai trò của Hiệp hội, Ông Trương Quốc Phong - TUV - GĐ Sở VHTTDL lưu ý một số nội dung mà cuộc họp đưa ra; HHDL cần triển khai cụ thể và tuyên truyền rộng rãi đến các thành viên trong Hiệp hội, nhất là tham gia xúc tiến, quảng bá cho du lịch Bến Tre về an toàn, thân thiện trong giai đoạn phòng chống và sau khi kết thúc dịch bệnh Vicod-19. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thể hiện tốt vai trò kết nối cùng nhau vượt khó ở giai đoạn nầy; quan tâm duy trì đoàn kết nội bộ; HHDL giữ vai trò là cầu nối mật thiết giữa chính quyền và doanh nghiệp, nắm bắt thông tin hai chiều để đề xuất kiến nghị với tỉnh, với Trung ương về những khó khăn trong phòng chống dịch và trong sự phát triển du lịch trong thời gian tới./.
Lê Luông

Còn thương rau đắng mọc sau hè

Đó là tên bài hát về loài rau mộc mạc đồng quê ở miền Tây Nam Bộ. Bến Tre mệnh danh là quê hương Xứ Dừa, dừa luôn có mặt trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân Bến Tre với các món đặc trưng về dừa trong ẩm thực. Ngoài ra, bà con nơi đây đã sáng tạo, kết hợp nhiều loại thực phẩm quê hương, tạo ra những món ăn mang hương vị đặc biệt mà không kém phần hấp dẫn, trong đó phải kể đến món cháo cá lóc rau đắng độc đáo, lạ miệng mà du khách ưa thích.

Người dân quê có câu “dưới sông có cá, trên bờ có rau” để thể hiện sự trù phú và sẵn có của vùng đất này. Cá lóc là loài cá nước ngọt gắn liền với đời sống của người dân ngay từ khi khai hoang mở cõi, làm được nhiều món ăn ngon, từ kho tiêu, kho tộ, hấp bầu, nướng trui, nấu canh chua, canh rau… nhưng trong ẩm thực phải kể đến cháo cá lóc rau đắng đất - loại rau đặc sản đắng tê đầu lưỡi nhưng có hậu ngọt khi ăn có vị thơm, rất phổ biến ở vùng đất Nam Bộ. Tại Bến Tre, món cháo cá lóc rau đắng đôi khi người dân bản địa để vào thêm nước cốt dừa cho thêm vị béo.
Cháo cá lóc rau đắng cốt dừa
Không cầu kỳ trong khâu chế biến, để làm được một món ăn mang linh hồn của quê hương được nhiều người biết đến cũng rất đơn giản. Nguyên liệu làm nên món cháo cá lóc rau đắng cốt dừa này vô cùng giản dị, dễ tìm; cá được bắt dưới mương ruộng; rau đắng được hái quanh vườn hay những bờ ruộng, một số gia vị như gừng, hành lá, ngò, tiêu, muối, nước mắm và đặc biệt là dừa. Nếu du khách muốn thử nghiệm vị béo của dừa thì thêm nước cốt dừa vào.

Cá lóc được nấu cháo phải là cá lóc đồng, làm sạch với rượu và gừng khi nấu sẽ không tanh, thịt dai, ngọt. Dừa khô đem nạo rồi vắt nước cốt thật đặc để riêng, phần nước dão cho vào nồi nấu chung với gạo đã được rang vàng. Cá lóc chín vớt ra trước, tiếp tục nấu đến khi cháo nhừ thì nêm gia vị cho vừa ăn. Khi cháo chín thì đổ phần nước cốt dừa đặc vào quậy đều, thêm hành lá, ngò và tiêu rồi đem xuống. Rau đắng được rửa sạch để dùng chung với cháo, loại rau này có thể dùng cả gốc lẫn ngọn, là vị thuốc phương Nam dùng để giải nhiệt; ăn cháo này giúp cơ thể mát và giải độc tốt.

Cháo nóng múc ra nghi ngút khói, thưởng thức cháo cùng với rau đắng sống, vị ngọt dai của cá, béo của nước cốt dừa hòa quyện vào hương thơm và vị đắng đặc trưng của rau vô cùng thơm ngon đặc biệt. Sau tết thì đây sẽ là món ăn hấp dẫn đánh tan dư âm vị thịt mỡ, giúp bồi bổ cơ thể.

Mùa nắng hay mùa mưa đều có thể thưởng thức món cháo dân dã, này tại quê hương Xứ Dừa. Thật ám áp khi cả nhà được sum họp bên tô cháo nóng vừa thơm ngon lại giàu dinh dưỡng. Món cháo cá lóc rau đắng cốt dừa ít nơi nào có, không cầu kì nhưng vẫn hấp dẫn bởi sự mộc mạc, mang nét riêng, làm nên sự độc đáo trong văn hóa ẩm thực Xứ Dừa thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến khám phá./.
Bảo Trâm

Đánh thức tiềm năng du lịch phía Nam thành phố Bến Tre

Thành phố Bến Tre được biết đến là thành phố loại II, là thành phố trẻ, năng động với nhiều loại hình du lịch đa dạng, vừa thành thị vừa nông thôn đầy hấp dẫn. Du lịch phía Nam thành phố Bến Tre gồm 03 xã: Mỹ Thạnh An, Nhơn Thạnh và Phú Nhuận đang ngày càng phát triển, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước bởi cảnh sắc thiên nhiên nên thơ, trữ tình cùng sự đôn hậu, hiếu khách của người dân địa phương.

Khu vực Nam thành phố Bến Tre được thiên nhiên ưu ái với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, những vườn trái cây, vườn dừa được bồi tụ phù sa quanh năm nên luôn xanh tốt, trĩu quả, khí hậu tại nơi đây cũng vô cùng mát mẻ, dễ chịu và trong lành. Lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất phía Nam thành phố Bến Tre, thật sự ấn tượng bởi cuộc sống sinh hoạt rất bình dị, dân dã và sự mộc mạc, hiếu khách của người dân địa phương.
Các du khách chụp ảnh lưu niệm tại điểm du lịch Hạ Thảo, xã Nhơn Thạnh
Từ trung tâm thành phố Bến Tre, chỉ cần băng qua cầu Bến Tre hoặc cầu Mỹ Hóa bằng đường bộ hay khởi hành từ bến tàu Hùng Vương xuôi theo dòng sông Bến Tre bằng đường thủy, chúng ta sẽ đến ngay các xã phía Nam thành phố Bến Tre với những hành trình khám phá du lịch đầy thú vị. Với lợi thế về địa hình, khí hậu và con người nên trong những năm gần đây, du lịch nam thành phố Bến Tre đã phát triển hoạt động du lịch sinh thái hấp dẫn như: đi thuyền trên sông, chèo xuồng trong rạch dừa nước ngắm nhìn những cánh bông bần lãng mạn, những rặng dừa nước hai bên bờ, xem người dân bắt cá, tham quan vườn cây ăn trái và thưởng thức trái cây tại vườn (bưởi da xanh, mận, ổi, sơri,…), tham quan lò kẹo dừa và dùng thử kẹo còn nóng hổi mới ra lò, giao lưu và nghe đờn ca tài tử, tham quan làng nghề dệt chiếu và mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ dừa,…

Năm 2019, toàn tỉnh Bến Tre có 47 điểm du lịch, gần 80 cơ sở lưu trú với hơn 1.000 phòng đạt chuẩn; trong đó thành phố Bến Tre có 09 điểm du lịch được công nhận thì phía Nam thành phố Bến Tre đã chiếm 08 điểm du lịch. Điều này cho thấy tiềm năng du lịch tại khu vực Nam thành phố Bến Tre là rất lớn và đang dần được khai thác đúng hướng, điển hình là các điểm du lịch nổi tiếng như: Lan Vương 2 (xã Phú Nhuận), Vườn Xanh (xã Phú Nhuận), Cái Cối (xã Phú Nhuận), Khu nghỉ dưỡng Mỹ An (xã Mỹ Thạnh An), Mười Lành (xã Nhơn Thạnh), Lò kẹo Thanh Thanh (xã Nhơn Thạnh), Ngọc Hưng (Nhơn Thạnh), Hạ Thảo (Nhơn Thạnh) cùng nhiều homestay như: Mười Nở, Hoa Dừa, Duyên Quê, Ba Danh, Bến Tre Farmstay, Nguyệt Quế, Hạ Thảo,…
Một góc cơ sở làm chiếu thủ công tại xã Nhơn Thạnh 
Các điểm du lịch tại phía Nam thành phố Bến Tre phù hợp để tổ chức các buổi hội trại, các buổi họp mặt, hội nghị, liên hoan văn nghệ quần chúng, cùng nhiều hoạt động hấp dẫn khác như: trải nghiệm mặc áo bà ba tham gia các trò chơi đồng đội trên sông nước, câu cá, bơi thuyền, đạp xe trên mặt nước, tham quan trang trại nuôi heo rừng lai, tham quan vườn hoa, tát mương bắt cá,…

Loại hình lưu trú tại đây rất được các du khách trong, ngoài nước yêu thích, đặc biệt là các du khách quốc tế bởi họ được trải nghiệm cuộc sống nơi miệt vườn dân dã, không chỉ lưu trú mà còn được tham gia làm các công việc hằng ngày cùng người dân địa phương như: chế biến món ăn, hái trái cây, trải nghiệm một ngày làm nông, tát mương bắt cá,…Tận dụng lợi thế khung cảnh thiên nhiên yên bình, tươi mát, các homestay tại Nam thành phố Bến Tre được thiết kế rất mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên, bao quanh là những vườn dừa xanh thẳm, phía trước lại có các khóm hoa, ao cá nhỏ,…khiến cho du khách luôn cảm thấy an yên, thư thái như rời xa những ồn ào, muộn phiền của cuộc sống. 

Năm 2019, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch phối hợp Phòng Quản lý đô thị thành phố Bến Tre đã lắp đặt 20 biển báo hướng dẫn, chỉ đường. Du khách có thể tự đi xe đạp (biking) trải nghiệm đường làng quê xứ dừa, tham quan các làng nghề, tiếp cận cuộc sống của người dân nơi đây. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến lưu trú và tham gia các hoạt động trải nghiệm tại địa phương. Đây là mô hình điểm và những hoạt động nằm trong Dự án xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (mô hình Homestay kiểu mới tại Bến Tre).
Chèo xuồng trong rạch dừa nước
Để phát huy hết các thế mạnh là cảnh quan thiên nhiên trong lành, chính quyền 03 xã Nam thành phố Bến Tre đã khẳng định hướng đi là khai thác và phát huy lợi thế về tài nguyên du lịch hiện có để phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường./.
Tường Vi

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nữ tướng Nguyễn Thị Định (15/3/1920-15/3/2020)

“Phó tổng tư lệnh quân Giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu như vậy tại lễ mít-tinh kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam (20/10/1930-20/10/1950).

Bà Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Năm 16 tuổi, bà tham gia cách mạng và năm 18 tuổi được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định với các nữ đại biểu dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua miền Nam lần thứ II (tháng 9-1967) - ảnh sưu tầm
Năm 1946, vừa tròn 26 tuổi, bà là thành viên trong Đoàn cán bộ khu 8 vượt biển ra Bắc gặp Bác Hồ, báo cáo tình hình kháng chiến của tỉnh Bến Tre và Nam bộ để xin chi viện vũ khí. Bà đã chỉ huy chiếc thuyền chở đầy vũ khí về đến nơi an toàn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là chuyến tàu đầu tiên và đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng có trên 70 chuyến trong hành trình “Đoàn tàu không số” đường Hồ Chí Minh trên biển.

Năm 1960 bà là một trong những người lãnh đạo cuộc nổi dậy của nhân dân trong tỉnh, là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và là người chỉ đạo trực tiếp cuộc Đồng Khởi đợt 1 (17/01/1960) với nòng cốt là các chị em phụ nữ. Cuộc Đồng Khởi thắng lợi mở đầu cho cao trào Đồng Khởi trong toàn tỉnh Bến Tre và lan rộng ra cả miền Nam. Sau này Bác Hồ gọi đội quân của Nguyễn Thị Định là “đội quân tóc dài”.

Bà được Đảng và Nhà nước giao nhiều chức vụ quan trọng như: Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Khu 8; Hội trưởng Hội LHPN Giải phóng miền Nam; Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam và được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1974.

Sau ngày miền Nam giải phóng thống nhất đất nước, bà được phân công trọng trách như: Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch Hội LHPN VN; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước…     

Bà qua đời ngày 26/8/1992. Năm 1995, bà được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ghi nhớ công lao to lớn của bà, tỉnh Bến Tre đã xây dựng Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm nơi quê hương của bà. Nơi đây là công trình kiến trúc nghệ thuật, vừa là khu lưu niệm nữ tướng, là công trình văn hóa thu hút nhiều lượng khách du lịch đến tham quan, tưởng niệm, ghi nhớ công ơn của bà.
Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định (ảnh sưu tầm)
Tối 16/01/2020 vừa qua, tỉnh Bến Tre đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17/01/1960 - 17/01/2020), 100 năm Ngày sinh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Nữ tướng Nguyễn Thị Định (15/3/1920 - 15/3/2020). 
Sân khấu hóa, tái hiện lại phong trào Đồng Khởi Bến Tre 60 năm trước (ảnh sưu tầm)
Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội - bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cùng với kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre long trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Nữ tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nguyễn Thị Định - người con ưu tú của Bến Tre, quê hương Đồng khởi anh hùng.

Bí thư Tỉnh ủy - Phan Văn Mãi, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, phát biểu ôn lại truyền thống, tiếp tục khẳng định giá trị lịch sử của sự kiện Đồng khởi Bến Tre và tri ân đối với Nữ tướng Nguyễn Thị Định: “Khi nhắc đến phong trào Đồng Khởi năm 1960, chúng ta sẽ luôn nhớ đến đồng chí Nguyễn Thị Định, một trong những người lãnh đạo, linh hồn của cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre và phong trào Đồng Khởi ở miền Nam. Chính từ phong trào này, tên tuổi của đồng chí Nguyễn Thị Định đã gắn liền với phương thức đấu tranh đánh địch bằng ba mũi giáp công, đặc biệt là phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của phụ nữ, của đội quân tóc dài, gắn liền với phong trào chiến tranh du kích của nhân dân ta trong những năm tháng đánh Mỹ và thắng Mỹ xâm lược”

Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre rất tự hào về cô Ba, chị Ba, Anh hùng lực lượng vũ trang, Phó Tư lệnh quân giải phóng miền Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, người đứng đầu của phong trào Đồng Khởi Bến Tre năm 1960. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Định mãi được khắc ghi vào lịch sử đấu tranh hào hung của dân tộc, của quê hương, đất nước hôm nay và mai sau./.
Phương Thy