Nhìn bao quát Cồn Đất ấp An Bình xã An Hiệp (Ba Tri) giống hình rẽ quạt, nằm giữa sông Hàm Luông hơi chếch về hướng Tây, cách đất liền khoảng 15 phút phà. Cồn Đất có diện tích tự nhiên khoảng 374 ha bao bọc xung quanh bởi 02 loại cây bần và đước, với khoảng 250 hộ gia đình, trên 1000 nhân khẩu. Ngoài điện, hệ thống giao thông, nước ngọt, viễn thông còn khó khăn chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Ấp có 01 nhà văn hóa hơn 100 chỗ ngồi, 01 trạm y tế, 01 phòng học mẫu giáo và 01 trường tiểu học từ lớp 01 đến lớp 04, lớp 05 học sinh phải qua đất liền học. Sản xuất chủ yếu nuôi tôm, trồng lúa nhưng hiệu quả chưa cao. Mức sống của người dân mức thấp, hộ nghèo chiếm trên 23%.
Tìm hướng đi lên cho Cồn Đất, Đại hội Đảng bộ xã An Hiệp nhiệm kỳ 2020-2025 quyết định chọn phát triển du lịch. Đây là quyết định đúng đắn, phù hợp với chủ trương chung của tỉnh và huyện. Vấn đề đặt ra ở đây là Cồn Đất phát triển loại hình sản phẩm du lịch nào cho phù hợp và cách làm sao cho du lịch phát triển. Chính vì lẽ đó mà vừa qua, Sở VHTTDL, UBND huyện cùng với địa phương có chuyến khảo sát thực tế tại Cồn Đất (ấp An Bình). Qua khảo sát, Đoàn thống nhất nhận định Cồn Đất xã An Hiệp có điều kiện phát triển được du lịch loại hình trãi nghiệm kết hợp homestay.
Thứ nhất, về điều kiện tự nhiên, Cồn Đất giống các Cồn ở Đồng bằng Sông Cửu Long đã phát triển được du lịch như Cồn Chim, xã Hòa Minh (Trà Vinh). Thứ hai, về ẩm thực, Cồn Đất có các món ăn: cá nấu canh chua bầu, cá bông lau, cá út, ba khía. Thứ ba, Cồn Đất có liên quan nhiều đến giai thoại người cõng Vua Gia Long Nguyễn Ánh lánh nạn trốn truy đuổi quân Tây Sơn, "Tích xưa kể chuyện cụ Trần - Cõng chúa Nguyễn Phước ra vào Hàm Luông"; Lang lại Đại Tướng quân "Rái cá lội rạch cứu Vua - Lang lại Đại tướng ghi danh Công thần"; cây Thủy Liễu (cây bần) "Muốn ăn mắm sặc bần chua - Về Cù lao đất món Vua đã thèm"; mối quan hệ sui gia giữa Ông Thái Hữu Kiểm (ông già Ba Tri) với ông Trần Văn Hạc (người cõng Vua Gia Long trốn quân Tây Sơn…). Hiện mộ Ông Hạc, miếu thờ Lang lại Đại Tướng quân hiện hữu trên cồn.
Tuy nhiên, để phát triển được du lịch cộng đồng ở Cồn Đất An Hiệp cần phải lập Đề án cụ thể. Trước mắt phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế xã hội, về hiệu quả và lợi ích du lịch mang lại cũng như các thách thức đặt ra.
Tranh thủ các nguồn lực đầu tư sớm hoàn thành đường giao thông từ UBND xã đến Bến Phà, đường trục ấp cù lao, đầu tư hệ thống cấp nước ngọt sinh hoạt, quy hoạch phân vùng sản xuất xây dựng mô hình nuôi tôm, cá, cua, khu câu cua, cá và các trò chơi dân gian để phục vụ khách du lịch tham quan. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh huyện khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ công nhận di tích mộ Ông Trần Văn Hạc, miếu thờ Lang lại Đại Tướng quân.
Tổ chức tập huấn, tham quan các mô hình du lịch cộng đồng tại các tỉnh ĐBSCL, vận động nhân dân trồng cây, hoa, cải tạo vườn nhà, chọn từ 5-10 hộ dân có điều kiện xây dựng mô hình phát triển du lịch để nhân rộng khi có điều kiện.
Kỳ Vương
Nguồn: https://dulich.bentre.gov.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét