“Phó tổng tư lệnh quân Giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu như vậy tại lễ mít-tinh kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam (20/10/1930-20/10/1950).
Bà Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Năm 16 tuổi, bà tham gia cách mạng và năm 18 tuổi được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định với các nữ đại biểu dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua miền Nam lần thứ II (tháng 9-1967) - ảnh sưu tầm |
Năm 1946, vừa tròn 26 tuổi, bà là thành viên trong Đoàn cán bộ khu 8 vượt biển ra Bắc gặp Bác Hồ, báo cáo tình hình kháng chiến của tỉnh Bến Tre và Nam bộ để xin chi viện vũ khí. Bà đã chỉ huy chiếc thuyền chở đầy vũ khí về đến nơi an toàn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là chuyến tàu đầu tiên và đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng có trên 70 chuyến trong hành trình “Đoàn tàu không số” đường Hồ Chí Minh trên biển.
Năm 1960 bà là một trong những người lãnh đạo cuộc nổi dậy của nhân dân trong tỉnh, là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và là người chỉ đạo trực tiếp cuộc Đồng Khởi đợt 1 (17/01/1960) với nòng cốt là các chị em phụ nữ. Cuộc Đồng Khởi thắng lợi mở đầu cho cao trào Đồng Khởi trong toàn tỉnh Bến Tre và lan rộng ra cả miền Nam. Sau này Bác Hồ gọi đội quân của Nguyễn Thị Định là “đội quân tóc dài”.
Bà được Đảng và Nhà nước giao nhiều chức vụ quan trọng như: Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Khu 8; Hội trưởng Hội LHPN Giải phóng miền Nam; Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam và được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1974.
Sau ngày miền Nam giải phóng thống nhất đất nước, bà được phân công trọng trách như: Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch Hội LHPN VN; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước…
Bà qua đời ngày 26/8/1992. Năm 1995, bà được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ghi nhớ công lao to lớn của bà, tỉnh Bến Tre đã xây dựng Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm nơi quê hương của bà. Nơi đây là công trình kiến trúc nghệ thuật, vừa là khu lưu niệm nữ tướng, là công trình văn hóa thu hút nhiều lượng khách du lịch đến tham quan, tưởng niệm, ghi nhớ công ơn của bà.
Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định (ảnh sưu tầm) |
Tối 16/01/2020 vừa qua, tỉnh Bến Tre đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17/01/1960 - 17/01/2020), 100 năm Ngày sinh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Nữ tướng Nguyễn Thị Định (15/3/1920 - 15/3/2020).
Sân khấu hóa, tái hiện lại phong trào Đồng Khởi Bến Tre 60 năm trước (ảnh sưu tầm) |
Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội - bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cùng với kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre long trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Nữ tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nguyễn Thị Định - người con ưu tú của Bến Tre, quê hương Đồng khởi anh hùng.
Bí thư Tỉnh ủy - Phan Văn Mãi, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, phát biểu ôn lại truyền thống, tiếp tục khẳng định giá trị lịch sử của sự kiện Đồng khởi Bến Tre và tri ân đối với Nữ tướng Nguyễn Thị Định: “Khi nhắc đến phong trào Đồng Khởi năm 1960, chúng ta sẽ luôn nhớ đến đồng chí Nguyễn Thị Định, một trong những người lãnh đạo, linh hồn của cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre và phong trào Đồng Khởi ở miền Nam. Chính từ phong trào này, tên tuổi của đồng chí Nguyễn Thị Định đã gắn liền với phương thức đấu tranh đánh địch bằng ba mũi giáp công, đặc biệt là phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của phụ nữ, của đội quân tóc dài, gắn liền với phong trào chiến tranh du kích của nhân dân ta trong những năm tháng đánh Mỹ và thắng Mỹ xâm lược”
Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre rất tự hào về cô Ba, chị Ba, Anh hùng lực lượng vũ trang, Phó Tư lệnh quân giải phóng miền Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, người đứng đầu của phong trào Đồng Khởi Bến Tre năm 1960. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Định mãi được khắc ghi vào lịch sử đấu tranh hào hung của dân tộc, của quê hương, đất nước hôm nay và mai sau./.
Phương Thy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét