Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Cù lao Minh đa dạng điểm đến, điểm hẹn về nguồn

Bến Tre có 3 dãy cù lao (cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa). Huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú và Chợ Lách nằm trên vùng đất cù lao Minh. Trước đây qua cù lao Minh phải “lụy phà, lụy đò”. Năm 2010, cầu Hàm Luông khánh thành nối liền đôi bờ cù lao Minh và Bảo xuyên suốt một mạch giao thông bộ. Từ thành phố Bến Tre đến trung tâm huyện Mỏ Cày Bắc khoảng 20km, Mỏ Cày Nam 21km, Thạnh Phú 48 km và Chợ Lách 41 km.

Chẳng biết tự bao giờ ai cũng bảo hễ đi đâu “Thấy dừa thì nhớ Bến Tre”. Và cù lao Minh là vùng đất có diện tích trồng dừa lớn nhất tỉnh, xen lẫn những cánh đồng lúa, những ruộng mía, những vườn cây ăn trái và có cả một phần đất biển. Thiên nhiên đã ban tặng cho cù lao này hai dòng sông lớn: Hàm Luông và Cổ Chiên, đã ôm ấp, bao bọc, vun đắp phù sa qua nhiều thế kỷ, làm cho cây trái vùng này oằn sai trĩu quả, nhất là rừng dừa mãi mãi tốt tươi với những rặng dừa cao vút, rễ bám sâu vào đất mẹ, để dẻo dai trước bão giông, quật cường cùng con người trong đấu tranh và xây dựng. Từ đỉnh cầu Hàm Luông nhìn về hướng cù lao Minh ta sẽ thỏa sức ngắm nhìn với rừng dừa bạt ngàn xanh biếc đứng hiên ngang với những vườn cây ăn trái.

Về xứ dừa Bến Tre sang cù lao Minh ta có thể chọn tham quan, khám phá, trải nghiệm tại những điểm đến, điểm hẹn về nguồn như:

1. Di tích Căn cứ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định”:
Ảnh: TTXTDL
Di tích Căn cứ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định (hay còn gọi Y4, T4)  được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận cấp Quốc gia vào ngày 23/12/1995 và tọa lạc tại xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc. Vào tháng 6/1969, cơ quan lãnh đạo của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã chuyển về đóng tại đây, là vùng mới giải phóng, có địa hình rất hiểm trở, nhiều kênh rạch chia cắt, có nhiều vườn dừa liên tiếp che chắn, địch không thể hành quân bằng xe cơ giới, thiết giáp, kể cả việc dùng trực thăng đổ quân cũng bị nhiều hạn chế. Ở vòng ngoài là hành lang bảo vệ và đầu mối liên lạc, gồm các xã xung quanh như: Thành An, Hòa Lộc, Thạnh Ngãi, Phước Mỹ Trung. Để lưu giữ lại dấu tích của một thời chiến đấu gian khổ, hào hùng khu di tích này đang được phục hồi, mở rộng khoảng 02ha, với các hạng mục chính như: hầm ở và làm việc của ông Võ Văn Kiệt; nơi ở và làm việc của bộ phận cơ yếu, hầm cứu thương; hầm bí mật của các ông Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Trần Bạch Đằng…; nhà trưng bày các hiện vật lịch sử và các công trình liên quan khác. Công trình có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước đối với thanh thiếu niên. Và trở thành một trong những điểm về nguồn của các hoạt động dã ngoại và điểm đến du lịch của tỉnh.

2. Các điểm đến du lịch sinh thái Chợ Lách:
Đi theo tuyến QL 57 về hướng tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Long là huyện Chợ Lách. Thiên nhiên đã ưu đãi vùng này nước ngọt quanh năm và những vườn cây ăn trái oằn sai trĩu quả, cây giống và hoa kiểng xanh tươi tốt cả bốn mùa. Có lẻ vậy, mà Chợ Lách đang thu hút, hấp dẫn mọi người đến với nhiều điểm du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước. Đặc biệt, Chợ Lách còn nổi tiếng cả nước với “Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn” (Vĩnh Thành) và nhà thờ cổ Cái Mơn, là một trong những nhà thờ xưa và lớn nhất Nam bộ, được xây dựng vào năm 1872. Nhà bia tưởng niệm, ghi nhớ nơi sinh của nhà bác học Trương Vĩnh Ký cũng tại Cái Mơn, ông là người biết trên 20 ngoại ngữ, có 118 tác phẩm được xuất bản. Thú vị nhất ở vùng đất Chợ Lách là được tham quan, khám phá các làng nghề ghép cây giống, sản xuất hoa kiểng, thưởng thức đặc sản trái cây tại những vườn chuyên canh như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bòn bon, bưởi da xanh và nhiều loại cây ăn trái khác…
Vườn chôm chôm - ảnh sưu tầm
Hoa kiểng Chợ Lách - ảnh TTXTDL
Bia tưởng niệm nhà bác học Trương Vĩnh Ký - ảnh TTXTDL

Nhà thờ Cái Mơn - ảnh TTXTDL
3. Di tích Đồng Khởi và đình Rắn:
Di tích Đồng Khởi - ảnh TTXTDL
Có thể khẳng định đây là đểm hẹn về nguồn lý tưởng nhất. Từ thành phố Bến Tre qua cầu Hàm Luông theo quốc lộ 57, đến thị trấn Mỏ Cày Nam, rẽ trái khoảng 04km là đến khu Di tích Đồng Khởi. Hoặc có thể từ thành phố Bến Tre, vượt sông Hàm Luông đến tận trung tâm cái nôi Đồng khởi. Đến đây, du khách sẽ gặp những người dân đôn hậu, những con người đã "bám chặt quê hương", đã đứng lên "dựng những pháo đài" ở xã Định Thủy, nơi đã làm nên cuộc Đồng Khởi năm xưa trên đất xứ dừa. Di tích này được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhân di tích cấp Quốc gia vào ngày 07/01/1993. Và khu Di tích Đồng Khởi được xây dựng trên một diện tích 5.000 m2, gồm một trệt, một lầu. Trên nóc nhà là một ngọn lửa được cách điệu bằng bê tông cốt thép cao 12m, màu đỏ - biểu tượng của ngọn lửa Đồng Khởi cháy sáng mãi trên xứ dừa. Bên trong là những gian trưng bày những hiện vật, nhân vật, hình ảnh, biểu đồ, những vũ khí tự tạo để đánh địch …. Chung quanh ngôi nhà là những thảm cỏ xanh, sân rộng, những bồn hoa và cây cảnh, làm tăng thêm vẻ đẹp của khu di tích.

Ảnh từ Internet
Tại Định Thủy còn có đình Rắn, cũng là di tích lịch sử, nhưng còn ít người biết đến với huyền thoại đầy bí ẩn. Theo địa chí Bến Tre, năm Minh Mạng thứ 5 thì đình được nhận sắc phong. Vào thời đó đất đai ở đây còn hoang hóa mênh mông và nằm trên một khoảnh đất cao, vì thế rắn độc tụ hội rất nhiều, nhiều hang ăn sâu vào giữa đình. Khi thờ cúng, các chức việc trong đình phải lấy ván bao quanh miệng hang để tránh sự cố xảy ra, từ đấy có tên “Đình Rắn”. Nhiều người còn kể rằng, cũng nhờ có “ông rắn” mà bọn tề, ngụy, việt gian tối đến không bao giờ dám bén mảng tới nơi này. Nên kể từ sau Cách mạng tháng Tám, “Đình Rắn” là một trong những cơ sở cách mạng bí mật để hội họp, mít tinh. Lúc bấy giờ nữ tướng Nguyễn Thị Định là một trong những người thường xuyên lui tới đây để chỉ đạo phong trào cách mạng ở Miền Nam. Đến năm 1970, cuộc chiến càng lúc lan rộng, bom đạn Mỹ đánh phá ác liệt, đình gần như bị sập hoàn toàn nên cơ sở cách mạng ở đây được chuyển đi nơi khác.

Đến Định Thủy mọi người còn khám phá du lịch sinh thái “Vàm Nước Trong”, cửa ngõ đường thủy của huyện Mỏ Cày Nam nối với sông Hàm Luông. Với những vườn dừa rợp bóng, những bãi bờ hoang sơ tĩnh lặng, nơi đây đã từng ghi dấu những chiến công vang dội của những người anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đến đây, mọi người có dịp lai rai đặc sản mắm tép kẹp với thịt ba rọi luộc hoặc ăn với cá lóc nướng trui hay tôm, tép nướng; cá ngát nấu chua với bần dốt; bánh bột gạo rau mơ hấp; bánh xèo, bánh khọt pha với nước cốt dừa, thơm béo vô cùng. Điều du khách không thể bỏ qua là sự chân tình, mến khách, yêu thích văn hóa - văn nghệ của người dân Định Thủy, du khách cùng thưởng thức đờn ca tài tử và có thể giao lưu loại hình này bên dòng Hàm Luông thơ mộng rợp bóng dừa xanh.

4. Di tích lịch sử Chùa Tuyên Linh:
Ảnh tư liệu Bảo Tàng tỉnh
Rời Di tích Đồng Khởi, trở lại tuyến QL 57 đến “Di tích lịch sử Chùa Tuyên Linh” tọa lạc tại xã Minh Đức. Từ thị trấn Mỏ Cày Nam đến Chùa Tuyên Linh  khoảng 14 km, Chùa được xây dựng từ năm 1861 (Tân Dậu), dưới triều Tự Đức năm thứ 14. Năm 1930 nhân dịp chùa được trùng tu, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đổi tên Tiên Linh tự thành Tuyên Linh tự. Từ đấy chùa được gọi bằng tên mới “Tuyên Linh”. Nơi đây đã từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đáng chú ý như: vào khoảng cuối năm 1926, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã cùng một vị cao tăng của chùa Từ Đàm ở Huế ghé lại và tá túc tại chùa Tuyên Linh một thời gian. Cụ Phó bảng được sự bảo bọc, giúp đỡ của Hòa thượng Lê Khánh Hòa, trong thời gian lưu trú tại chùa, đã mở lớp dạy học, xem mạch, bốc thuốc cho nhân dân trong vùng. Và kể từ khi Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã động viên các nhà sư và tín đồ Phật giáo trong tỉnh tham gia vào các hoạt động cách mạng và kháng chiến. Hay trong những năm trước Đồng khởi, trong thế kìm kẹp khắc nghiệt của Mỹ, Diệm, chùa Tuyên Linh, vẫn là nơi có phong trào cách mạng mạnh. Các cơ quan Huyện ủy Mỏ Cày và Tỉnh ủy Bến Tre đã từng trú đóng tại đây trong sự đùm bọc của nhân dân và tín đồ đạo Phật giáo giữa những ngày khó khăn nhất của cách mạng. Di tích này đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận di tích Quốc gia ngày 20/7/1994.

Đến Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc du khách còn được hướng dẫn tham quan cơ sở sản xuất chỉ sơ dừa, se chỉ sơ dừa, dệt thảm sơ dừa… và cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ làm từ chất liệu dừa, sản xuất kẹo dừa…

5. Các điểm đến tại huyện Thạnh Phú:
Trên bản đồ tỉnh Bến Tre, huyện Thạnh Phú nằm ở cuối cù lao Minh, có bờ biển dài 25 km. Là một trong 03 huyện duyên hải của Bến Tre, Thạnh Phú được biết đến với những cánh đồng bằng phẳng xen kẽ những giồng cát và những dải rừng ngập mặn ven biển và cũng có nhiều tiềm năng, đang dần dần thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Điểm dừng chân đầu tiên trên mãnh đất này là ghé  thăm bia lưu liệm nơi làm lễ xuất quân của Tiểu đoàn 307 “đánh đâu được đấy - oai hùng biết mấy” của bộ đội ta trong thời kỳ chống thực dân Pháp ở xã Đại Điền (hay còn gọi là Giồng Luông).

Nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm) - ảnh TTXTDL
“Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm) và khu mộ” được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích cấp Quốc gia  vào ngày 14/4/2011. cũng ở xã Đại Điền. Những ai đã một lần đến thăm cũng không khỏi bỡ ngỡ khi đứng trước ngôi nhà cổ đẹp, bề thế của gia tộc họ Huỳnh. Dẫu trải qua hàng trăm năm, ngôi nhà vẫn còn mang nét đặc sắc của nhà cổ đồng bằng và cái lộng lẫy của gia chủ một thời sung túc. Chu vi nhà khoảng 100 m, bên trong có hoành phi sơn son thếp vàng và thành vọng chạm, lọng, với những họa tiết phong cảnh, vật “tứ linh” thật sống động; mái nhà lợp ngói âm dương, trên mỗi miếng ngói có in hình sinh hoạt dân gian như mục đồng cỡi trâu, con gà, con cua, bó lúa rất gần gũi với đời sống sinh hoạt của nông dân…. Tương truyền ngày ấy, khi những người thợ đầu tiên đến động thổ xây dựng ngôi nhà này, gia chủ mời họ ăn cam, rồi họ nhã hột gần đó, hột lên cây và đến khi cây cho trái cam đầu tiên thì ngôi nhà mới hoàn thành. Điều đó nói lên nhà đã xây dựng từ 7 – 10 năm mới hoàn thành.

Tại Thạnh Phú còn có “Di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam” tại xã Thạnh Phong, di tích này được Bộ Văn Hóa – Thông tin công nhận di tích cấp Quốc gia vào 23/12/1995. Về lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nơi đây đã ghi lại hai lần bộ đội Miền Nam vượt biển từ xã Thạnh Phong ra miền Bắc xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Đầu cầu tiếp nhận vũ khí tại xã Thạnh Phong gồm có Vàm Khâu Băng, cồn Bửng (hiện nay thuộc xã Thạnh Hải), cồn Lợi, cồn Lớn, địa điểm di tích này du khách trong và ngoài tỉnh có thể đi bằng đường bộ hoặc đường thủy rất thuận tiện. Hiện tại khu di tích này đang được mở rộng qui mô để thực hiện dự án “Bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường mòn Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre”. Khi dự án hoàn thành đây sẽ là điểm hẹn về nguồn và điểm đến du lịch rất lý tưởng.
Ảnh TTXTDL
Làng nghề đúc lu tại xã Hòa Lời - ảnh từ Internet
Ngoài ra, đến Thạnh Phú còn tham quan làng nghề truyền thống sản xuất lu chứa nước bằng chất liệu xi-măng tại xã Hòa Lợi. Nghề ở đây “Cha truyền con nối” và sản phẩm này cũng được tiêu thụ tại địa phương, một số tỉnh và xuất khẩu sang Campuchia. Hay ghé sang xã Mỹ Hưng tìm hiểu nghề chằm nón bài thơ Huế ở ấp Thạnh Hưng, do một người quê ở Huế về định cư tại đây gầy dựng. Bà con ở đây chằm nón rất khéo, nhiều người cho rằng nón chằm đẹp hơn thợ chằm nón lá ở Huế. Nón được chằm bằng lá cật phải mua tận Bến Cầu (Tây Ninh), còn vành nón được làm bằng tre của Thạnh Phú. Cứ thế, lá của Tây Ninh, vành của Bến Tre, người chằm nón ở Thạnh Hưng đã chăm chút, thổi hồn vào từng đường kim mũi chỉ khiến nón lá Mỹ Hưng càng nhìn càng dễ thương. Tại đây mọi người còn tận mắt chứng kiến sự khéo tay không chỉ có phụ nữ mà còn có cả nam giới. Trên thực tế nón lá cũng là một sản phẩm phục vụ cho khách du lịch. Duy trì được nghề chằm nón cũng là góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của dân tộc ta.

Không những tham quan nghề đúc lu, chằm nón, mà du khách còn được hướng dẫn đến xem làng nghề bó chổi bằng cọng dừa nổi tiếng ở Mỹ An, một nghề mà người dân nơi đây thường nói “nghề làm chơi mà ăn thiệt”. Tại đây, du khách sẽ tận mắt nhìn thấy sự khéo tay của những siêu sao bó chổi, trong một ngày có người đã bó được trên 100 cây chổi. Ở đây, nhà nào cũng đầy chổi, chổi bó rồi, chổi đang bó…, tiếng quay dây cước vào trục nghe rè rè, tiếng kêu ken két đầy ấn tượng, rồi đến tiếng xe máy chở nguyên vật liệu ra vào, khiến làng chổi càng thêm nhộn nhịp. Mỗi sản phẩm làm ra là một kỷ niệm thấm đẫm tình người, với biết bao niềm hy vọng tươi sáng của người dân hiền lành, chất phác ở một vùng quê sông nước xứ dừa luôn tin tưởng nghề này không bị mất đi và sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ.

Con đường làng xã Phú Khánh - Thạnh Phú (ảnh từ Internet)
Về phong cảnh, Thạnh Phú còn có con đường làng vào xã Phú Khánh có hàng cây – hàng cây cổ thụ rất đẹp, rất hữu tình. Hay du khách sẽ thư thái, thỏa sức ngắm nhìn những cách đồng lúa xanh mơn mởn xen với mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Hoặc về xã biển Thạnh Hải khám phá sự hoang sơ của bãi biển nơi đây, tham quan đền thờ 02 con cá Ông, mỗi con dài từ 22 đến 24m nặng hàng chục tấn và bộ xương sống của cá Ông vẫn còn lưu lại nơi đây. Hàng năm, cứ vào ngày lễ hội Nghinh Ông có hàng ngàn lượt du khách đến với các xã biển Thạnh Phú để tham quan. Hay rừng ngặp mặn Thạnh Phú nằm trong quần thể vùng bưng trũng, cũng là điểm để du khách khám phá những điều thú vị ở đó. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, rừng ngập mặn Thạnh Phú cũng là căn cứ địa hình của tỉnh, của lực lượng vũ trang tỉnh, miền, là đầu cầu tiếp nhận vũ khí chi viện từ Trung ương cho chiến trường Nam Bộ. Riêng rừng Thạnh Phú giữ vị trí đầu cầu tiếp nhận vũ khí của đường Hồ Chí Minh trên biển trong nhiều năm liền.

Điều vô cùng lý thú, nhất là cho những du khách thích phiêu lưu mạo hiểm, tìm hiểu thêm việc làm đáy hàng khơi của người dân Thạnh Phú tại Vàm Băng Cung –  Giao Thạnh. Hay ở qua đêm ở Thạnh Phong vào mùa ba khía hội,  có thể đi theo những ngư dân lành nghề bắt ba khía trong rừng ngập mặn. Vào những đêm tối, trời yên biển lặng, ba khía ra khỏi hang, chúng bám dày đặc vào thân cây mắm, cây cóc hay bò trên những bãi bùn ven bờ rạch, tha hồ bắt chúng vào giỏ. Hoặc theo người dân, ngồi trên những chiếc ghe nhỏ để len lỏi theo những con rạch nhỏ sâu trong rừng mắm, cóc, đước…và thưởng thức bản hòa tấu của một số loài chim, qua đó mà trải lòng mình trong chuyến du khảo về đất biển Thạnh Phú.
Ảnh từ Internet
Về ẩm thực không thể bỏ qua đặc sản truyền thống bánh dừa Giồng Luông nổi tiếng ở Thạnh Phú, một khi du khách đã thưởng thức rồi thì không thể nào quên bởi sự khéo tay của phụ nữ Đại Điền hay bì bún Giồng Luông cũng rất độc đáo. Hay Thạnh Phú cũng đã tận dụng hết những tiềm năng vốn có để nuôi trồng và khai thác thủy sản….Và Thạnh Phú ngày nay đã cũng được nhiều du khách biết đến qua những món hải sản như cua biển (cua gạch điều), tôm, sò huyết, nghêu, ba khía…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét