Hiện nay, Bến Tre có 43 di tích được xếp hạng trong đó có 16 di tích cấp quốc gia (có 02 di tích đã được Ủy ban nhân dân tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa xem xét cho lập hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt: Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu và di tích Đồng Khởi Bến Tre) còn lại là các di tích cấp tỉnh và Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát.
Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định |
Nhìn chung, di tích ở Bến Tre đa dạng về loại hình và được phân bố đều khắp các huyện, thành phố trong tỉnh duy chỉ có huyện Chợ Lách là chưa có di tích nào được xếp hạng. Tuy nhiên, qua kiểm kê di tích năm 2015, Ban Quản lý Di tích cùng với phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chợ Lách bước đầu phát hiện và thống nhất về ba công trình, địa điểm có đủ tiêu chí có thể đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh trong thời gian tới, đó là: Nhà bia Trương Vĩnh Ký (xã Vĩnh Thành), Nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Chợ Lách (xã Phú Phụng) và đình Phú Phụng (xã Phú Phụng). Các cấp chính quyền cùng với nhân dân nơi di tích tọa lạc đều ra sức chăm nom, bảo vệ. Các trường học cũng nhận chăm sóc một di tích gần trường và lồng ghép nội dung giới thiệu về di tích vào chương trình giáo dục nhất là các chương trình ngoại khóa đặc biệt là giới thiệu về các danh nhân mà ngôi trường mình vinh dự được mang tên. Việc này vừa giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay cũng vừa phát huy tính cộng đồng trong công tác giữ gìn di sản của cha ông. Mặc dù vậy, công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa của Bến Tre nếu không có nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa thì ngân sách tỉnh rất khó khăn, không thể trang trải được. Thế nên hệ thống đình, chùa, miếu nhiều nơi trong tỉnh được trùng tu, tôn tạo hoặc xây dựng mới, phần lớn là từ tiền đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh. Một số di tích quốc gia của Bến Tre đã được nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa đầu tư tu bổ, tôn tạo như Mộ Võ Trường Toản, đình Bình Hòa, Nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm) và khu mộ, … Đây là tín hiệu đáng mừng trong thời gian qua nhưng qua đó cũng bộc lộ những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là công tác vận động xã hội hóa còn chưa thật sự được quan tâm phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trong xã hội mà nguồn vốn ngân sách thì rất khó khăn chủ yếu tập trung cho phát triển kinh tế. Hơn nữa, nhận thức của các tầng lớp nhân dân và các ngành, các cấp chưa đồng đều và có phần còn chưa thật sự coi trọng di sản văn hóa của cha ông, các bậc tiền nhân đã dày công giữ gìn và truyền lại. Hơn nữa, nhiều di sản văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một mà nếu không có biện pháp để kịp thời bảo tồn thì khả năng biến mất sẽ rất lớn nhất là các di sản văn hóa phi vật thể.
Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu |
Hiện nay việc phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch ở Bến Tre chưa xứng tầm di tích vốn có chỉ có một số di tích thu hút được khách tham quan trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu như: Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định, Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu, Đồng Khởi Bến Tre, …. Có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan khiến việc phát huy giá trị di tích gắn với du lịch chưa thật sự khởi sắc. Về khách quan: do kinh tế khó khăn nên mọi người thắt chặt chi tiếu không đi tham quan, du lịch, nhiều di tích đường giao thông đến còn khó khăn, …. Về chủ quan: nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân và các cấp, các ngành chưa đồng đều, đầu tư cho di tích nói riêng và văn hóa nói chung chưa nhiều, quảng bá, giới thiệu di tích cũng chưa được các cơ quan chức năng đầu tư đúng mức, ….
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh Bến Tre tốt hơn gắn với du lịch bền vững trong tương lai, thiết nghĩ chung tá cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về di tíhc trên các phương tiện thông tin đại chúng nhất là các đài truyền thanh xã, phường nơi có di tích tọa lạc. Việc này mang lợi ích kép vừa góp phần làm cho chương trình truyền thanh thêm phong phú, đa dạng vừa giới thiệu về di tích, về lợi ích của công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích của cộng đồng. Bên cạnh đó cần dùng đến các hình thức quảng bá trực quan sinh động như: pano, băng rôn, áp phích, … giới thiệu về di tích ở nơi dễ nhận thấy nhất và đặc biệt phải gần di tích. Có thể kết hợp với các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh để tổ chức các tour đến di tích theo nhóm như: đình chùa, lịch sử cách mạng,… thì lợi ích sẽ càng được nâng cao hơn. Phải làm sao để mỗi người dân đều biết đến di tích của huyện mình hay chí ít cũng phải biết di tích ở xã mình. Nên chăng chúng ta lồng ghép giới thiệu về các di tích trong các cuộc họp của tổ dân phố, tổ nhân dân tự quản hay ấp, khu phố để mọi người đều biết về di tích, di sản văn hóa của cha ông để lại.
Ngành văn hóa nên có thể phối hợp với ngành giáo dục đưa ra công tác phối hợp đồng bộ như chăm sóc di tích, tuyên truyền về di tích trong các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, cắm trại, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di tích, danh nhân, … đặc biệt hiện nay toàn tỉnh đang ra sức thi đua để hoàn thành các tiêu chí để nâng chất xã văn hóa, xã nông thôn mới. Vì thế nên đưa việc giữ gìn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn mình quản lý như là một tiêu chí để công nhận xã nông thôn mới. Có như thế các cấp chính quyền và nhân dân nơi có di tích mới năng nổ hơn trong việc giữ gìn di sản của cha ông ta để lại. Trên hết là nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực quản lý của đội ngũ những người làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và cộng đồng dân cư nơi có di tích đặc biệt cần chú trọng công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Vì thế, việc ra đời luật Di sản văn hóa năm 2001 và được sửa đổi, bổ sung năm 2009 là một điều tất yếu. Thế nên, Điều 9 Luật di sản văn hóa đã khẳng định: Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khuyến khích tổ chức, các nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Di tích Đồng Khởi Bến Tre |
Trong thời gian tới, cùng với sự đi lên của kinh tế đất nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích sẽ được quan tâm đầu tư nhiều hơn từ nhà nước cho đến các tầng lớp nhân dân mà đặc biệt là công tác xã hội hóa trong tu bổ, phát huy giá trị di tích. Số lượng di tích được xếp hạng sẽ tăng lên theo thời gian nhất là sau khi cuộc kiểm kê di tích trong toàn tỉnh kết thúc trong năm 2015. Chúng ta sẽ có danh mục các di tích đủ tiêu chí xếp dạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, các di tích được đưa vào danh mục cần phải bảo tồn theo luật Di sản văn hóa. Bên cạnh đó việc kiểm kê di sản văn hóa phí vật thể cũng đang được tiến hành khẩn trương trên qui mô toàn tỉnh. Có thể thấy rằng hiện nay di sản văn hóa đã được quan tâm đầu tư nhiều hơn cả về diện lẫn về lượng. Vì vậy, hy vọng rằng với sự chung tay góp sức của cộng đồng thì công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với du lịch bến vững sẽ được nâng lên một tầm cao mới hứa hẹn mỗi di tích sẽ là một sản phẩm đặc biệt của du lịch thu hút nhiều du khách đến tham quan, thưởng lãm góp phần nâng cao giá trị của du lịch địa phương và làm phong phú thêm các loại hình du lịch trong tỉnh. Mục tiêu là sẽ xây dựng một môi trường văn hóa - du lịch đa dạng, phong phú với nhiều loại hình nhằm đưa kinh tế tỉnh nhà phát triển hơn trong thời gian tới. Cần quan tâm đầu tư cho quảng bá di tích trong các hội thảo, hội nghị, sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh, giới thiệu di tích đến với nhiều đối tượng hơn, quan tâm đầu tư cho nhiều di tích hơn bằng nhiều nguồn vốn, nhiều giải pháp khác nhau đặc biệt là đẩy mạnh công tác xã hội hóa./.
Trần Hoàng Huấn - Đặc san Văn hóa Bến Tre
Số 21, tháng 01/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét