Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Chắp cánh cho du lịch Ba Tri phát triển

“Bến Tre biển cá sông tôm,
 Ba Tri muối mặn, Giồng Trôm lúa vàng”.

Nếu ai đã một lần về thăm mảnh đất Ba Tri vùng đất biển với biết bao sản vật địa phương, hải sản biển, nơi nức danh với danh tửu “rượu Phú Lễ”, bánh phồng Phú Ngãi mang đậm hương vị quê nhà, nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo của làng nghề đan đát Phú Lễ và Phước Tuy thì sẽ nhớ mãi cái tình người, tình đất và tình quê hương xứ sở ở một vùng đất biển cuối nguồn dòng Ba Lai. 

Ba Tri quê tôi, miền đất thuộc cù lao Bảo của tỉnh Bến Tre, được thiên thiên ưu đãi, nguồn lợi kinh tế biển dồi dào, có lịch sử khai phá hình thành và phát triển khá lâu đời, cư dân sống chủ yếu bằng kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản là chính. Trải qua ngần ấy thời gian, mảnh đất này đã mang theo trong mình những giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, với những danh nhân đã làm nên những trang sử hào hùng cho đất nước như: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Tán Kế, Phan Ngọc Tòng,... Với một hệ thống các di tích văn hóa- lịch sử phong phú như: Khu tưởng niệm nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (An Đức - Ba Tri), Mộ và đền thờ nhà giáo Võ Trường Toản (Bảo Thạnh - Ba Tri), di tích cây Da Đôi (Tân Xuân - Ba Tri), di tích đình Phú Lễ (Phú Lễ - Ba Tri), di tích miếu thờ và mộ Lê Quang Quan (Tán Kế) ở Mỹ Thạnh - Ba Tri, di tích khu lưu niệm Đốc binh Phan Ngọc Tòng ở An Hiệp - Ba Tri, là điều kiện thuận lợi để Ba Tri phát triển loại hình du lịch về nguồn.

Bên cạnh đó, các làng nghề thủ công truyền thống cũng được người dân địa phương giữ gìn và lưu truyền từ đời này sang đời khác như: Làng nghề cá khô An Thủy, làng nghề sản xuất muối Bảo Thạnh, làng nghề đan đát và nấu rượu Phú Lễ, làng nghề bánh phồng Phú Ngãi,... đang ngày càng phát triển bền vững và vươn xa giữa nhịp sống hiện đại. Duy trì và gắn bó với nghề không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế gia đình mà còn là giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề để cho các làng nghề không bị mai một theo thời gian. Đây cũng là một tiềm năng lớn để Ba Tri phát triển loại hình du lịch làng nghề.

Vùng đất biển Ba Tri không có những vườn cây ăn trái trĩu quả như huyện Chợ Lách, không có “lung linh sông nước” như du lịch huyện Châu Thành, nhưng Ba Tri luôn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp mộc mạc của vùng đất biển, cái chân chất, thật thà của những con người đôn hậu, nghĩa tình. Với môi trường sinh thái biển trong lành, sự đa dạng sinh học cao, nhiều rừng đước, mắm, bần,…nơi quy tụ nhiều loại sinh vật biển, chim cò, các loại cá tôm, bò sát,… nên Ba Tri có nhiều điều kiện thuận lợi trong công việc bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng dương để phòng chống lũ lụt, xói mòn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Ba Tri còn có trên 20km đường bờ biển với nhiều bãi biển đẹp như: Bãi Ngao, cồn Tròn, cồn Hố, cồn Nhàn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch biển trong tương lai.

Bến Tre đang phát triển nhiều loại hình du lịch thu hút du khách: Du lịch sông nước miệt vườn, du lịch homestay, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch biển. Vì vậy, các công ty du lịch tại Bến Tre cũng đã tập trung khai thác các chương trình tham quan tại huyện Ba Tri như: Đưa du khách đi tham quan các di tích văn hóa- lịch sử, khám phá vườn chim Vàm Hồ, tham quan công trình kiến trúc nghệ thuật đình Phú Lễ, các bãi biển đẹp: Bãi Ngao, cồn Nhàn, cồn Hố, và thưởng thức hải sản biển tươi sống. Mặc khác, các doanh nghiệp này cũng đưa khách khám phá các làng nghề truyền thống của huyện để gắn kết giữa du lịch về nguồn với du lịch biển và du lịch làng nghề tạo nên sự đa dạng sản phẩm trong tour du lịch về Ba Tri.

Nói đến Ba Tri là nói đến vùng đất biển với những hào sản mà thiên nhiên đã ban tặng. Đến đây, du khách có thể tham gia vào lễ hội nghinh Ông Nam Hải được tổ chức vào trung tuần tháng 6 âm lịch hằng năm tại xã An Thủy, hòa cùng không khí sôi nổi háo hức của lễ hội, đây là một lễ hội mang đậm nét truyền thống văn hóa của cư dân miệt biển, cầu cho mưa thuận gió hòa, đánh bắt cá có một mùa bội thu, và trở thành một tín ngưỡng dân gian in sâu vào tâm linh của những người dân xứ biển này.

Cảm giác của biển luôn làm lay động lòng người viễn xứ, về Ba Tri mà du khách chưa đến Tiệm Tôm xem như là chưa đến Ba Tri. Cái địa danh này không biết có từ khi nào, nhưng nghe tên thì du khách cũng cảm nhận được nơi đây rất giàu tôm, cá. Về đây, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống làng quê của cư dân miền biển tại làng chài Tiệm Tôm thuộc xã An Thủy huyện Ba Tri, tham quan làng nghề cá khô An Thủy - Ba Tri, tham quan cảng cá Tiệm Tôm, ngắm nhìn cảnh biển, chợ sáng trên cảng với không khí nhộn nhịp. Hay đi dọc theo những con đường quê, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh từng phên cá được phơi khô với đủ các loại cá ngon như: Cá trích, cá ngừ, cá bạc má, mực, tôm, … Đúng là một vùng quê xứ biển, cái mùi thơm thoang thoảng của các loại cá khô như muốn níu chân du khách.

Đến cảng cá Tiệm Tôm, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những đoàn tàu ra khơi lúc bình minh, vươn ra đại dương mênh mông để trở về với những khoang thuyền đầy ắp cá, tôm. Lắng lòng giữa biển cả mênh mông, để cảm nhận những làn gió biển vi vu suốt ngày đêm, như những tiếng đàn, tiếng lòng của quê hương xứ biển, dừng chân tại một nhà hàng ven biển với không gian thoáng mát, du khách sẽ thưởng thức hải sản tươi sống với nhiều món đặc sản hấp dẫn như: tôm hấp nước dừa, mực nướng, sò huyết, nghêu hấp lá quế, cá đối nướng, cá ngát nấu canh chua bần,… Đặc biệt, du khách sẽ được thưởng thức món mắm còng Ba Tri nổi tiếng thơm ngon.
Lễ hội truyền thống văn hóa 1/7 tổ chức tại huyện Ba Tri đang là một trong những sản phẩm để phát triển du lịch
Cứ hẹn lại lên, từ ngày 01 - 03/7 hằng năm là Ba Tri sẽ nhộn nhịp vào mùa lễ hội. Trong thời gian này, du khách về thăm khu di tích nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sẽ được hòa mình vào không khí tưng bừng, rộn ràng của các hoạt động văn hóa, văn nghệ thuật của lễ hội truyền thống văn hóa 1/7 như: Liên hoan “Đờn ca tài tử” và hóa trang các nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, lễ dâng hương, hội thi mâm cơm ngày giỗ, mâm xôi ngày hội, và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao khác,… Đây là dịp để người dân vui chơi giải trí, giao lưu văn hóa, văn nghệ, ngâm thơ Lục Vân Tiên, tham gia vào nhiều hoạt động đa dạng, hấp dẫn. Đồng thời để giáo dục truyền thống văn hóa cho các thế hệ mai sau. 
Đình Phú Lễ - Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia là một trong những điểm đến hấp dẫn cho du khách khi về vùng đất biển Ba Tri
Ngược về xã Phú Lễ, du khách sẽ tham quan đình Phú Lễ với công trình kiến trúc độc đáo còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: Hoành phi, liễn đối, bao lam,…được sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Hằng năm, Đình là nơi tổ chức lễ cúng kỳ yên lớn và tiêu biểu của tỉnh. Ngoài ra, du khách không thể bỏ qua việc tìm hiểu về làng nghề nấu rượu và đan đát để chiêm ngưỡng các sản phẩm thủ công đẹp mắt, mà những nghệ nhân của làng nghề tạo ra như: Bung, giỏ, thúng, rổ,… Du khách cũng có thể tự tay làm nên một sản phẩm thủ công mà mình thích, để trải nghiệm cùng người nghệ nhân.
Du khách tham quan vườn chim Vàm Hồ, xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre
Cách Thị trấn Ba Tri khoảng chừng 15km, du khách sẽ đến với vườn chim Vàm Hồ, đây là một vườn chim tự nhiên với hàng ngàn cá thể cò, vạc. Ở Vàm Hồ, ngoài vũ điệu ngoạn mục của hàng ngàn cánh cò, cánh vạc, ngôn ngữ cũng có âm điệu đặc trưng của các loài chim hoang dã khác kết hợp với cây lá xào xạc như tiếng con chim cuốc gọi đàn giữa đêm hè tĩnh mịch, tiếng bìm bịp kêu như một điệp khúc gọi con nước lớn, nước ròng; tiếng chim vịt kêu chiều và nhiều loài chim nhỏ sống trong các lùm cây gần vực nước như cuốc ngực trắng, trích, cúm núm, chàng nghịch, bìm bịp, thằng chài, chẽo chẹt, bông lau, chèo bẻo đuôi cò, chim vịt…. Hiện tại, vườn chim Vàm Hồ đã có dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái nghĩ dưỡng, phát triển du lịch do công ty TNHH xuất nhập khẩu Hải Vân làm chủ đầu tư. Hy vọng, dự án hoàn thành và đưa vào khai thác thì sẽ thu hút du khách về đây nhiều hơn, tạo nguồn thu cho huyện, góp phần giải quyết việc làm và tạo sự bức phá trong lĩnh vực du lịch huyện nhà. 

Ba Tri còn đó rất nhiều điều thú vị mà du khách là người khám phá, quê tôi vùng đất biển chỉ có nắng gió, nhưng những hào sản mà thiên nhiên ban tặng thật sự là những món quà đầy ý nghĩa mà đất và con người Ba Tri dâng tặng cho du khách thập phương. Ba Tri không ồn ào, tấp nập nhưng nó có sức hấp dẫn kỳ lạ như “người con gái ngủ say” đang chờ du khách đánh thức; đang chờ các nhà đầu tư du lịch về đầu tư kinh doanh tại vùng đất đầy tiềm năng của Ba Tri./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét