Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Sức sống mới của các điểm du lịch sinh thái Bến Tre

Bến Tre là một trong 13 tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích khoảng 2.360km2 và hơn 1,3 triệu dân sống dựa trên nền kinh tế nông nghiệp, được biết đến như là quê hương xứ dừa, vương quốc hoa kiểng, trái cây. Bến Tre không những có điều kiện để phát triển loại hình du lịch sinh thái mà còn thuận tiện cho du khách lưu lại và trãi nghiệm với xứ sở sông nước miệt vườn cùng người dân mộc mạc, phóng khoáng, hiền hòa và hiếu khách. 

Được hình thành từ sự bồi đắp của 4 nhánh sông: Sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên của hệ thống sông Mêkông với kênh rạch chằng chịt đổ ra biển Đông (65km bờ biển) hình thành 3 vùng sinh thái tự nhiên mặn, lợ và ngọt, tạo nên những cảnh quan đa dạng, độc đáo và hấp dẫn. Tiềm năng du lịch mang đậm tính văn hóa miệt vườn Nam Bộ với rừng dừa (63 nghìn ha, cho hơn 5 triệu trái dừa/năm) bao phủ; vườn cây ăn trái xum xuê (hơn 33 nghìn ha), nhiều vườn hoa kiểng rực rỡ sắc màu, các loại cây giống nổi tiếng. 

Những cù lao cấu thành tỉnh Bến Tre với nhiều màu mỡ, cây trái xanh tươi quanh năm, khí hậu trong lành như cồn Phụng, cồn Ốc, cồn Quy, sân chim Vàm Hồ; hệ rừng ngập mặn có đước, mắm, chà là, bần ở các huyện ven biển như: Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại... cũng là nét đẹp rất đặc trưng. Kết hợp trãi nghiệm chèo xuồng hay du ngoạn bằng xe ngựa, đạp xe ngắm cảnh làng quê xứ dừa và tiếp xúc với người dân địa phương thân thiện, hiếu khách; giao lưu đờn ca tài tử; homestay (cùng ăn, ở và sinh hoạt trong nhà dân). 

Đặc biệt, với hơn 20 làng sản xuất cây giống, hoa kiểng tại Chợ Lách và Mỏ Cày Bắc; trên 30 làng nghề tiểu thủ công nghiệp đặc trưng như: Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, làng chế biến kẹo dừa, thạch dừa, thực phẩm, mỹ phẩm chế biến từ dừa, sản phẩm lưu niệm làm từ dừa, làng nghề đan đát, làm lu, làm nón, làm chổi và trang trại nuôi ong lấy mật,... Tất cả đều là những điểm đến phong phú, hấp dẫn cho du khách tham quan và mua sắm. 
Du khách tham quan khu mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa
Ngoài khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên sông nước hoang sơ kết hợp ẩm thực xứ dừa độc đáo như cơm nấu trong trái dừa, tép rang nước cốt dừa, bí hầm dừa… từng làm mê hồn du khách, tạo nên ưu thế và sức hút du khách cho du lịch xứ dừa. Có thể khẳng định, Bến Tre là một trong số ít các tỉnh miền Tây Nam Bộ có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và nhân văn đặc biệt tốt so với các tỉnh khác.

Hoạt động du lịch sinh thái Bến Tre ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nuớc. Các khu, điểm du lịch, làng nghề, nhà hàng - khách sạn đã và đang tăng về số và chất lượng. Theo số liệu, năm 2010 Bến Tre có 45 điểm du lịch thì năm 2015 đã phát triển lên 65 điểm đón tiếp và đảm bảo phục vụ tốt cho du khách. Cụ thể như:

Châu Thành có 34 điểm du lịch (Forever Green resort 3 sao; 5 homestay tại Phú Túc, An Khánh, Tân Thạch và Quới Sơn; các nhà hàng sinh thái Cồn Phụng, Sông nước Miền tây, Diễm Phượng, Làng bè 3 cây dừa, nhà hàng thủy sản An Khánh, Tân Cồn Qui, nhà hàng Việt - Nhật…; và các làng nghề truyền thống và điểm du lịch sinh thái). Huyện Chợ Lách có 12 điểm du lịch sinh thái vườn cây trái, hoa kiểng, cây giống, khu bảo tồn ốc gạo, 06 điểm phục vụ homestay như Năm Hiền, Việt Hải, Jadin Du Mekong Hòa Nghĩa, Mai Thanh Vân, Đại Lộc, Tám Lộc và các làng nghề. Tuyến du lịch sinh thái mới và phát triển khá tốt ở Thành phố Bến Tre (11 điểm đến) do các nhà làm du lịch sáng tạo, làm mới một số sản phẩm như: Tham quan lò gạch, cơ sở chế biến trái dừa, làng nghề dệt chiếu, vườn bưởi da xanh, dừa dứa… Ngoài ra, còn có làng du lịch sinh thái Hưng Phong, cồn Long Thành - Sơn Phú ở Giồng Trôm, vườn chim Vàm Hồ - Ba Tri hay khu du lịch sinh thái biển Thạnh Phong, Thạnh Hải - Thạnh Phú… 
Du khách cùng tham gia sinh hoạt với người dân tại các điểm du lịch
Dù ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị, thiên tai trên thế giới, du khách tới Bến Tre trải nghiệm du lịch sông nước miệt vuờn và các làng nghề truyền thống kết hợp tìm hiểu đời sống sinh hoạt của nông dân qua các chương trình du lịch một ngày hoặc tour homestay ngủ nhà dân 2 ngày/1đêm đều tăng đều hàng năm. Nếu năm 2010 ngành du lịch đón 540.209 khách thì năm 2014 đã tăng gần gấp đôi và đạt được 904.000 lượt (393.700 khách quốc tế). Tổng thu từ khách du lịch đạt 993 tỉ đồng. Điều này minh chứng du lịch Bến Tre đã và đang phát triển đúng hướng và bền vững. Năm 2015, ngành du lịch Xứ Dừa khả năng Bến Tre thu hút 1 triệu lượt du khách. 

Tới đây, Bến Tre rất chú ý phát triển và bảo vệ môi trường du lịch bền vững, củng cố các điểm du lịch trải nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn (tác mương, bắt cá, làm nông dân xứ dừa, nghệ nhân ghép cây giống và hoa kiểng, sơ chế trái dừa, trồng rau, làm ruộng… ). Phối hợp, triển khai không gian du lịch cụm duyên hải phía đông ĐBSCL: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Long An lấy hệ thống sông rạch tạo thành sản phẩm cho du lịch sông nước miệt vườn, tham quan làng nghề truyền thống, di tích lịch sử, văn hóa dân tộc kết hợp văn hóa Khmer và các khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn, dựa trên tài nguyên, điều kiện tiếp cận và tính độc đáo, riêng biệt của từng tỉnh. 

Nhìn chung, du lịch sinh thái của tỉnh có sự tăng trưởng khá tốt và toàn diện từ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú, các điểm du lịch sinh thái đến số lượng du khách tham quan, nghỉ dưỡng. Với điều kiện tự nhiên và xã hội phong phú, giao thông thủy, bộ thuận lợi, những giá trị văn hóa nổi bật, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự nổ lực của toàn ngành cùng sự đồng thuận của nhân dân tỉnh nhà, Bến Tre chắc chắn sẽ còn phát triển du lịch sinh thái nhanh và bền vững hơn, đưa du lịch xứ dừa trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, tiến bước vững chắc cùng các tỉnh trong khu vực và cả nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét