Tết năm nay du khách sẽ đến Bến Tre tìm hiểu những nét riêng của quê hương Xứ Dừa được Tổng cục Du lịch chọn một trong năm tỉnh đại diện về sông nước miệt vườn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đồng thời cũng là Một điểm đến - Năm địa phương gắn liền từ thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long.
Có người hỏi cù lao là gì? Cù lao là một cồn nổi lớn trên sông; cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa được bồi tụ từ bốn nhánh của dòng sông Cửu Long (MêKông) đổ ra biển Đông (sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên) hình thành nên tỉnh Bến Tre như một hình rẽ quạt. Trong ba cù lao nầy được phân chia địa phận hành chính gồm tám huyện và một thành phố, với diện tích 2.360km2, dân số toàn tỉnh có 1,3 triệu người.
Cầu Rạch Miễu bắt ngang sông Tiền nối liền tỉnh Tiền Giang - Bến Tre và cầu Hàm Luông bắt ngang sông Hàm Luông nối liền cù lao Minh và cù lao Bảo từ cuối thập niên đầu của thế kỷ XXI đến nay, du lịch Bến Tre khởi sắc bởi không còn là tỉnh lẽ hay tỉnh Cù Lao nữa và cơ hội du lịch sinh thái sông nước miệt vườn bắt đầu phát triển; tháng 5/2015 vưa qua, cầu Cổ Chiên đã nối liền Bến Tre - Trà Vinh theo tuyến Quốc lộ 60 bắt nguồn từ Tiền Giang đi Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng rồi nối liền Bạc Liêu, Cà Mau thành một tuyến, tạo nên đường huyết mạch mang chiến lược bền vững về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của các tỉnh cuối miền đất nước Việt Nam dọc theo biển Đông.
Với điều kiện đó, Bến Tre đã tiếp cận và thu hút khách du lịch thập phương đến tham quan, trải nghiệm nét hoang sơ thơ mộng đã làm say đắm lòng người, nhất là khách quốc tế đã thật sự quan tâm trong thời gian qua.
Thật vậy! Du khách từ miền Trung - Tây Nguyên hay miền Bắc Việt Nam hoặc du khách nước ngoài từ các Châu lục không khỏi nhạc nhiên khi về Bến Tre, một quê hương được mệnh danh là quê hương Xứ Dừa với một màu xanh bao phủ cả vùng trời. Địa danh nầy thường gọi với những mỹ từ dễ thương và quen thuộc như: “Xứ dừa”, “Quê dừa”, “Ba đảo dừa xanh” “quê hương Đồng Khởi” ai nghe cũng đều biết đó là Bến Tre, đã thể hiện qua bài hát “Dáng đứng Bến Tre” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có đoạn “Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió” đã ví lên nét đẹp của người phụ nữ miền Tây Nam Bộ, nói lên sự duyên dáng, thướt tha mà hiên ngang trong bom lửa vẫn sừng sững vươn mình để ngày nay Bến Tre có một môi trường sinh thái đầy thơ mộng.
Tìm hiểu quê hương Xứ Dừa trong tour du lịch “Năm địa phương - Một điểm đến” của cụm phía Đông duyên hải ĐBSCL (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long):
Bến Tre là tỉnh đồng bằng, có ba hệ sinh thái “mặn, ngọt, lợ” bởi nằm cuối nguồn sông MêKông, tiếp giáp biển Đông. Giao thông trong lãnh địa Bến Tre rất thuận tiện về đường bộ lẫn đường thủy, có hệ thống kênh rạch chằng chịt, giữ được nét nguyên sơ của miệt vườn, tạo ra tiềm năng du lịch sinh thái sông nước miệt vườn mang đậm tính Nam bộ, với trên 33.000ha vườn cây ăn trái xum xuê và là nơi sản xuất các loại cây giống, hoa kiểng lớn nhất nước để cung cấp ra cả nước và các nước lân cận. Đó là sản phẩm du lịch đặc thù kết hợp với cây Dừa của quê hương. Dừa là loại cây công nghiệp đặc trưng gắn liền cùng cuộc sống người dân Bến Tre từ bao đời nay, có diện tích gần 70.000ha, chiếm trên 1/3 diện tích dừa của cả nước.
Các điểm dừng chân tại Châu Thành chuẩn bị đón khách xuân |
Du xuân khám phá du lịch Cồn Phụng là điểm du lịch được công nhận “Điểm du lịch tiêu biểu” của ĐBSCL, nằm trên một cồn nổi giữa sông Tiền. Cồn Phụng là một trong quần thể tứ linh (Long - Lân - Qui - Phụng) gắn liền với trên 30 điểm tham quan trên 8 xã ven sông Tiền thuộc huyện Châu Thành - Bến Tre; du khách đi bằng xuồng máy lênh đênh trên sông Tiền, tham quan quần thể tứ linh, tham quan các mô hình nuôi cá bè trên sông, sản xuất kẹo dừa, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cây, vỏ, gáo trái dừa... ; lên xe ngựa chạy cọc cạch theo đường làng ngắm cảnh làng quê đang vui xuân ngày tết, chèo xuồng róc rách trong rạch nhỏ mà hai bên là những hàng dừa nước và những cây thủy liễu ra hoa, kết trái thật là thơ mộng, hữu tình như đánh thức niềm vui cho năm mới.
Tuyến Giồng Trôm, Ba Tri, du khách tìm hiểu đến nhiều loại dừa thì ghé qua Cồn Ốc thuộc xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, có trên hai mươi loại giống dừa khác nhau, đặc biệt là dừa dứa; sự sảng khoái khi ngụm vào cảm thấy thơm mùi lá dứa và mát dịu làm sao. Đến Giồng Trôm không thể bỏ qua cơ hội tham quan tìm hiểu về làng nghề “Bánh tráng Mỹ Lồng” “Bánh phồng Sơn Đốc” đây là loại bánh dân gian mà người dân nơi đây đã gìn giữ trên trăm năm tuổi. Đây cũng chính là những loại bánh truyền thống mà ông cha ta đã dùng cúng ông bà trong những ngày tết nguyên đán cổ truyền của dân Nam bộ. Gắn với làng nghề nầy có quần thể hệ thống di tích và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc như: Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu, Di tích Đình Phú Lễ, Đình Bình Hòa; Khu di tích cụ Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản… Khu tưởng niệm của Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Trung tướng Đồng Văn Cống,… Sân chim Vàm Hồ hay du ngoạn trên bãi biển Cồn Tròn, Cồn Hố cũng là một trải nghiệm vùng ngập mặn tại Ba Tri. Đây cũng là nơi trú ngụ của trên 500.000 con cò, vạc và các loài chim thú hoang dại khác.
Du xuân bằng xe ngựa tại Bến Tre |
Tour du lịch Biển: Gần đây, từ khi khu di tích “Đầu cầu vũ khí Bắc Nam” tại xã Thạnh Phong, Thạnh Hải - huyện Thạnh Phú được khởi công xây dựng công trình “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đường di tích đường Hồ Chí Minh trên Biển” vào cuối năm 2012 đến nay, rất nhiều du khách đã về tham quan và chiêm ngưỡng quang cảnh nguyên sơ của biển, đồng thời để thưởng thức những hải sản tươi sống nơi đây. Trong những năm qua, vào dịp tết Nguyên đán, du khách nội địa thường đến rất đông ở khu vực biển nầy để trải nghiệm ngọn gió chướng của biển thổi vào những khu rừng ngập mặn trong những tháng Đông - Xuân.
Trong tuyến du lịch Biển Thạnh Phú, ta sẽ có dịp ghé thăm khu di tích Đồng Khởi. Đây là di tích lịch sử cách mạnh cấp quốc gia, nơi mà đã nổi lên phong trào Đồng Khởi đầu tiên năm 1960 tại 3 xã (Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày Nam). Hoặc ghé chiêm ngưỡng ngôi nhà với lối kiến trúc cổ theo kiến trúc nghệ thuật của triều đình, đó là Nhà cổ Hương Liêm tại xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú cùng một số làng nghề truyền thống như làng nghề làm lu, làm nón lá, hay nổi tiếng bánh Dừa Giồng Luông.,…
Quý khách còn ở lại Thành phố Bến Tre trọn những ngày xuân, hãy tham quan vùng ven Thành phố hay còn gọi là Nam Thành phố. Nơi đây có nhiều sông, rạch chằng chịt và cảnh quan thiên nhiên rất hữu tình. Quý khách sẽ tham quan nhiều nghề truyền thống như: làm gạch thủ công, dệt chiếu, khai thác dừa, làm kẹo dừa, mức dừa, nuôi ong lấy mật, nghe đàn ca tài tử Nam Bộ… và sẽ thưởng thức nhiều món ăn đặc sản của Bến Tre.
Khách du xuân hãy một lần vui xuân trên mãnh đất “Ba đảo Dừa xanh”, người dân Bến Tre sẽ hân hoan chào đón và mến khách. Hy vọng sẽ có nhiều ấn tượng đẹp trong lòng quý khách sau khi chia tay “ba dải Cù Lao” tại cuối nguồn sông MeKong thân thương và thơ mộng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét