Tiềm năng và lợi thế du lịch của Cụm liên kết 5 tỉnh phía đông Đồng bằng sông Cửu Long Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang và Long An đã được nhiều chuyên gia du lịch khẳng định.
Tài nguyên du lịch tự nhiên của cụm liên kết du lịch nằm trọn trong châu thổ đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống kênh rạch chằng chịt được điểm xuyến nhiều cù lao xanh tươi, vườn cây trái sum suê, đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Vùng đất rất đa dạng về sinh học, có lịch sử hào hùng hòa quyện vào văn hóa khẩn hoang Phương Nam, khí hậu ấm áp cùng cảnh quan thơ mộng và người dân thật thà, mến khách.
Sông nước Xứ Dừa xanh tươi, thơ mộng |
Nhưng, tài nguyên sông nước miệt vườn này vẫn chưa thực sự được đánh thức. Thường thì, các tỉnh chỉ chăm chút vào các tuyến du lịch nội tỉnh riêng lẻ, cục bộ và các doanh nghiệp cũng thiếu liên kết cùng phát triển. Sản phẩm du lịch từng tỉnh đơn điệu nên kém thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Công tác xúc tiến, quảng bá của các địa phương còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu. Cho nên, để cụm liên kết du lịch 5 tỉnh phía đông ĐBSCL phát triển, các tỉnh cần phải gấp rút hành động và liên kết toàn diện để thu hút du khách một cách hiệu quả.
Thứ nhất, cần bám sát và phát huy thế mạnh của từng tỉnh trong cụm, tạo sản phẩm đặc thù, điểm đến đặc trưng, kết nối sản phẩm liên tuyến, tạo điểm đến có sức hấp dẫn và khác biệt. Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, khôi phục, củng cố và phát triển làng nghề, kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án có quy mô và chất lượng cao. Các Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch các tỉnh trong cụm hợp tác toàn diện về quảng bá xúc tiến, in ấn ấn phẩm cụm và kêu gọi đầu tư du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, giá dịch vụ với qui chuẩn phục vụ du khách theo tiêu chuẩn du lịch được thống nhất trong các tỉnh nhằm giới thiệu các sản phẩm đặc thù của từng tỉnh mang tính hấp dẫn riêng và chất lượng phục vụ tốt nhất.
Thứ hai, bắt tay vào xây dựng liên tuyến điểm đặc thù và khác biệt. Chú ý các điểm đến nằm trên các trục du lịch của từng tỉnh để tạo tuyến liên kết hấp dẫn. Lấy du lịch sông nước miệt vườn, tham quan làng nghề truyền thống, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng ngập nước và di tích lịch sử làm chủ đạo. Bố trí sản phẩm du lịch hợp lý về không gian, thời gian, điều kiện tiếp cận. Lộ trình liên tuyến 6 tỉnh tham quan Khu du lịch Happy Land, nhà cổ Phước Lộc Thọ tại Long An, Chùa Vĩnh Tràng, trại rắn Đồng Tâm, chợ nổi Cái Bè - Tiền Giang, sông nước sinh thái xứ dừa Bến Tre, hoa kiểng cây giống Cái Mơn - Chợ Lách và các làng nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa, nghiên cứu văn hóa dân tộc Khmer tại Trà Vinh và các di tích lịch sử cách mạng, làng nghề, homestay Vĩnh Long. Ngoài ra, cần nghiên cứu thiết kế các tours 2 ngày/1 đêm hay 3 ngày/2 đêm để nối 2 hoặc 3 tỉnh với nhau nhằm tạo ra nhiều lựa chọn cho các hãng lữ hành và du khách.
Các điểm đến của các tỉnh trong cụm hiện nay thiếu hấp dẫn do phần lớn là khai thác trực tiếp từ thiên nhiên, dựa vào vườn cây, sông nước … có sẵn và chỉ bổ sung đầu tư một phần để hình thành điểm du lịch nhỏ, thiếu tính hấp dẫn. Cho nên, chúng ta cần quy hoạch và kêu gọi đầu tư du lịch cụm phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế của vùng ĐBSCL, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng, đường nối tỉnh lộ và quốc lộ với các sản phẩm du lịch đặc thù, điểm du lịch và khu vui chơi giải trí tổng hợp quy mô lớn, chất lượng cao tại các địa bàn có tiềm năng. Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, làng du lịch có sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo và có khả năng cạnh tranh cao.
Thứ ba là quảng bá tiềm năng và lợi thế điểm đến du lịch trên cả 3 cấp độ (Quốc gia, tỉnh, doanh nghiệp).
Liên kết quảng bá du lịch cụm 5 tỉnh duyên hải phía Đông ĐBSCL |
- Đối với cấp độ quốc gia, các tỉnh cần liên kết để tạo sức mạnh về nhân lực, tài lực, phối hợp với chương trình xúc tiến của Tổng cục Du lịch tham gia các sự kiện tầm cỡ quốc gia tại các vùng trọng điểm, trung tâm du lịch và thị trường các nước tiềm năng trong các kỳ hội chợ, triển lãm du lịch, các hội thảo và các Famtrip, roadshow… nhằm giới thiệu các sản phẩm du lịch cụm liên kết để nâng cao hiệu quả hoạt động, thu hút ngày càng nhiều các hảng lữ hành và du khách.
- Từng tỉnh cần xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá phù hợp với cụm liên kết và các địa phương ngoài vùng, đặc biệt là với TP.HCM và Cần Thơ là hai thị trường chính ở Phía Nam. Thống nhất phát triển sản phẩm đặc thù của riêng từng địa phương, hạn chế xây dựng các dịch vụ giống nhau, tránh cạnh tranh giảm giá. Đề ra quy chuẩn chung về chất lượng dịch vụ trong vùng, tạo uy tín và niềm tin cho du khách.
- Các Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch đồng hành cùng các doanh nghiệp, từng bước hướng dẫn họ hiểu hơn về tầm quan trọng của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Tạo điều kiện để họ tham gia các sự kiện du lịch trong và ngoài nước. Chú ý công tác đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn và chất lượng phục vụ trong kinh doanh.
Bốn là, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về du lịch. Tuyên truyền, giáo dục và thanh, kiểm tra các hoạt động đúng kế hoạch phát triển chung. Chú trọng công tác an ninh trật tự, bảo vệ môi trường. Phát triển sản phẩm du lịch mới đi đôi với việc nâng cao chất lượng các dịch vụ, khu vui chơi, giải trí để thu hút du khách ngày một đông hơn. Ban điều phối cần phối hợp với các hiệp hội du lịch các tỉnh thành lập tổ điều hành chung để định hướng và đánh giá các hoạt động du lịch của cụm. Từ đó, đưa ra các giải pháp cụ thể trong quảng bá, tiếp thị; thanh kiểm tra; chính sách giá và tiêu chuẩn phục vụ; chương trình đào tạo nguồn nhân lực đủ chuẩn để phục vụ du lịch, đảm bảo phát triển bền vững và cạnh tranh cao.
Họp trao đổi kinh nghiệm hoạt động du lịch Cụm 5 tỉnh phía đông ĐBSCL |
Năm là quan tâm đến vấn đề chia sẻ lợi ích trong cụm liên kết. Trên cơ sở phát triển du lịch bền vững, các hiệp hội du lịch cụm làm đầu mối và đồng hành cùng các doanh nghiệp du lịch điều tiết và phân chia lợi nhuận công bằng, rõ ràng và minh bạch.
Có thực hiện được các giải pháp trên thì chúng ta sẽ tạo ra thêm sản phẩm du lịch mới và có thể đưa du lịch cụm phía đông ĐBSCL trở thành ngành kinh tế quan trọng của mỗi địa phương; tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân; đảm bảo an ninh, quốc phòng và nâng cao vị thế ngành du lịch trên cơ sở khai thác có hiệu quả và bền vững những lợi thế về vị trí, tài nguyên của vùng cũng như góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho cả nước./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét