Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

CỒN THÀNH LONG ĐẦY TIỀM NĂNG DU LỊCH

Cồn Thành Long thuộc xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, diện tích tổng cộng là 305ha, có 470 hộ gia đình với hơn hai ngàn người dân sinh sống. Cuộc sống nơi đây đa phần là nông nghiệp và chăn nuôi; sau khi cầu Cổ Chiên đi vào khánh thành thì Cồn Thành Long không còn cảnh cheo leo, heo hút nữa mà trở thành nơi đến lý tưởng cho những nhà đầu tư du lịch nơi đây.
Một trong những vườn dừa đẹp hiện hữu trên mãnh đất Thành Long
Vừa qua, tôi được đi khảo sát cùng lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch do ông Trần Duy Phương - PGĐ Sở làm trưởng đoàn, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre cùng doanh nghiệp du lịch tỉnh; phối hợp với lãnh đạo huyện Mỏ Cày Nam do ông Nguyễn Việt Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện và lãnh đạo các phòng, ban liên quan đã tiến hành khảo sát cồn Thành Long. Cuộc khảo sát nhằm định hướng quy hoạch phát triển du lịch nơi đây, cũng như nhằm kêu gọi các nhà đầu tư du lịch, các Hãng Lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của vùng sông nước Xứ Dừa.

Cồn Thành Long cũng như những cồn khác nổi lên trên các nhánh sông Cổ Chiên, Hàm Luông, Ba Lai và sông Tiền (4 dòng hạ lưu sông MêKông đi qua lãnh địa Bến Tre). Tuy nhiên Cồn Thành Long được nhà nước đầu tư bao đê ngăn mặn cũng như ngăn triều cường để đảm bảo phát triển nông nghiệp trong thời gian qua. Hiện cây trái nơi đây (đặc biệt là dừa) với một màu xanh trong sự phát triển tốt tươi trên mãnh đất phù sa do dòng sông MêKông (một dòng sông lớn nhất thế giới, chảy qua 6 nước từ thượng nguồn đến cửa biển) bồi đắp mà những cồn khác không thể sánh bằng.
Đường nông thôn rộp bóng dừa của xứ Cồn
Thật bất ngờ khi đã được đặt chân đến cồn Thành Long huyện Mỏ Cày Nam với những tài nguyên thiên nhiên hiện hữu. Những vườn dừa đẹp nối tiếp rồi tiếp nối; những lối đi tham quan quanh co trong phạm vi Cồn thật đẹp của vùng quê Xứ Dừa; những ao cá da trơn mà người dân nơi đây nuôi thật qui mô (42ha ao cá); có hệ thống bao đê xung quanh cồn tạo lối tham quan toàn cảnh dễ dàng; có lăng Ông Thủy tướng (Ngự Nam Hải); có Miếu bà, đặc biệt là có người dân chất phác, hiền hòa, mến khách.

Huyện ủy huyện Mỏ cày Nam đã cho chủ trương phát triển du lịch nơi đây và các phòng, ban chức năng tham mưu UBND huyện lập quy hoạch phát triển để mời gọi đầu tư với những hạng mục như: Trạm dừng chân phục vụ khách du lịch; bến xe khách du lịch; bến tàu du lịch; xây dựng phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch homestay; xây dựng các dịch vụ phục vụ du khách đến tham quan trên các tuyến đường làng bằng xe, đạp, xe điện hoặc xe Blamro; xuồng chèo trong rạch nhỏ; các trò chơi giải trí phù hợp với vùng sông nước nơi đây như câu cá, câu tôm, lưới cá, tát mương bắt cá, các trò chơi dân gian truyền thống,... .

Tiềm năng phát triển tốt với những tài nguyên thiên nhiên ban tặng như trên; với cơ hội phát triển khi Cồn Thành Long là nhịp cầu của cầu Cổ Chiên; tiếp giáp Quốc lộ 60; là tâm điểm giữa Tp. Trà Vinh và Tp. Bến Tre; Nếu đường thủy trên tuyến liên tỉnh khi khai thác sản phẩm du lịch tại Mỏ Cày Nam như chợ nổi Dừa trên sông Thơm, làng nghề khai thác dừa, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, các di tích lịch sử cách mạng,... sau đó di chuyển ra sông Cổ Chiên đến cồn Thành Long là trung điểm để tiếp tục hành trình qua Trà Vinh nghiên cứu Văn hóa dân tộc Khơ Me với một thành phố Cây Cổ Thụ tuyệt đẹp có một không hai. 

Với sự chung tay của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương, sự đồng hành cùng doang nghiệp du lịch, sự liên kết phát triển du lịch tiểu vùng của Cụm liên kết phía Đông đồng bằng sông Cửu Long, sự quan tâm của các Hãng Lữ hành, đặc biệt là sự chú ý của các nhà đầu tư du lịch,... hy vọng Cồn Thành Long là nơi đến lý tưởng khi du khách đặt chân đến Bến Tre quê hương sông nước Xứ Dừa nói riêng và đến Đồng bằng sông Cửu Long nói chung./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét