Cùng đi theo sự phát triển du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và cả nước nói chung; Bến Tre tập trung phát triển từng bước để xây dựng thương hiệu Du lịch "Sinh thái sông nước Xứ Dừa" mang đặc trưng riêng của địa phương. Đây là sự cần thiết đặt ra nhằm phát triển du lịch bền vững cũng như góp phần thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông Trương Quốc Phong - TUV - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Đại sứ Du lịch Bến Tre (Hoa hậu trái đất 2018, Nguyễn Phương Khánh) ký kết hợp tác truyền thông, quảng bá du lịch |
Sinh thái núi rừng, sinh thái biển đảo, sinh thái sông nước, sinh thái miệt vườn,... rất phong phú và đa dạng, tuy nhiên sinh thái sông nước miệt vườn thì trùng lắp khá nhiều trên cả nước. Để tạo sự khác biệt, tạo điểm nhấn, cần xây dựng thương hiệu du lịch "Sinh thái sông nước Xứ Dừa" khác với sông nước các tỉnh trong khu vực ĐBSCL như: Sông nước Chợ nổi Cái Bè - Tiền Giang hay Chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ hoặc vùng nước nổi "Búp Sen Hồng" - Đồng Tháp, Sông nước miệt vườn Cù lao An Bình - Vĩnh Long,... . Bến Tre là một trong 13 tỉnh, thành vùng sông nước ĐBSCL, là vùng trũng, vùng nước nổi, vùng ngập mặn,... tất cả đều có sông nước. Bên cạnh đó trái cây miệt vườn, văn hóa bản địa,....đâu đâu cũng có; nhưng xây dựng thương hiệu để quảng bá đến du khách trong và ngoài nước biết đến để không còn quan điểm về ĐBSCL "đến một tỉnh - biết cả vùng",...
Bảy Hoa hậu của 7 nước trên thế giới trải nghiệm sinh thái sông nước Xứ Dừa |
Du lịch mang tính chất là ngành kinh tế tổng hợp, có tính xã hội hóa cao thì vị trí, vai trò của truyền thông lại càng trở nên quan trọng hơn trong việc quảng bá sản phẩm, định hướng phát triển và điều chỉnh hành vi của các bên liên quan trong lĩnh vực du lịch. Trước tiên việc nhận thức về truyền thông sẽ đem lại hiệu quả, lợi ích cho sự phát triển đó là vấn đề cơ bản trong quảng bá, giới thiệu thương hiệu cũng như giới thiệu tiềm năng du lịch của một đại phương. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu không phải một sớm một chiều mà phải cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng dân cư và của các nhà kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó nhận thức của cộng đồng là quyết định sự bền vững của sự phát triển thương hiệu.
Sau khi cầu Rạch Miễu bắt qua sông Tiền đã nối liền đôi bờ giữa Tiền Giang và Bến Tre; tiếp đến cầu Hàm Luông nối liền cù lao Minh và Bảo; rồi đến cầu Cổ Chiên nối Trà Vinh - Bến Tre giúp việc ngăn sông lụy phà không còn, tỉnh lẻ ngày nào đã liền mạch; ngành du lịch Xứ dừa có cơ hội phát triển từ đây. Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch ra đời đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch, Hiệp Hội Du lịch Bến Tre và Câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch Bến Tre cũng ra đời, nhiều hoạt động kết nối, tuyên truyền, quảng bá đã phần nào giúp cho du khách thập phương biết đến Bến Tre ngày nhiều hơn, từ đó, khách du lịch Bến Tre hàng năm tăng bình quân 13% so với cùng kỳ. Nếu nhìn lại ở năm 2010, lượng khách về với Bến Tre là 560.000 lượt thì đến năm 2015 đã lên đến 1 triệu lượt. Ba năm gần đây đạt một lượng khách khá lớn so trong khu vực (Năm 2016 đạt 1.153.075 lượt; năm 2017 đón 1.291.444 lượt; và năm 2018 đạt 1.574.128 lượt. Doanh thu từ khách du lịch: năm 2016 đạt 860 tỉ; năm 2017 đạt 1.057 tỉ; năm 2018 đạt 1.329 tỉ đồng) .
Với giai đoạn khoa học công nghệ bùng nổ; giai đoạn mà ngành du lịch phải cất cánh. Nếu nói về công nghiệp, nông nghiệp thì tỉnh ta là đất hẹp người đông và đến lúc nào đó không thể mở rộng sản xuất kinh doanh để đáp ứng yêu cầu cho cuộc sống trong thời đại mới, một thời đại phải so sánh, phải cạnh tranh để vươn lên theo các nước tiên tiến nói chung, các tỉnh - thành trên cả nước nói riêng; thì lúc đó chúng ta chỉ có con đường phát triển ngành công nghiệp không khói là bền vững. Từ quan điểm đó, nghị quyết của Tỉnh ủy cũng đưa ra lộ trình để du lịch phát triển thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2020 và trở thành mũi nhọn đến năm 2030.
Việc xây dựng thương hiệu chắc chắn rằng không phải riêng đơn vị nào hay cá nhân nào cả mà phải có sự đồng thuận, đồng hành cùng chia sẻ và cùng quảng bá chính cho thương hiệu của riêng mình để góp phần trong xây dựng thương hiệu du lịch "Sinh thái sông nước Xứ Dừa" chung của tỉnh Bến Tre. Hiện Bến Tre có 1 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao, 4 khách sạn 1 sao và 1 khu resort 3 sao cùng 87 khách sạn, nhà nghỉ đạt chuẩn với 1.741 phòng; 111 cơ sở ăn uống với 31.951 chỗ ngồi để đáp ứng với nhiều phân khúc thị trường khách du lịch đến Bến tre. Nhiều điểm tham quan du lịch được chỉnh trang và đầu tư mới, tính đến nay có 82 điểm tham quan du lịch và nhiều trạm dừng chân mua sắm; những công trình văn hóa, di tích lịch sử cũng được đầu tư, trùng tu để du khách tham quan; có trên 50 di tích cấp Quốc gia và cấp tỉnh, trong đó 2 di tích Quốc gia đặc biệt; hơn 20 làng nghề truyền thống cũng được bảo tồn gìn giữ và phát triển, đã góp phần phong phú cho sản phẩm du lịch Bến tre.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam khẳng định đặc thù của Bến Tre có rừng dừa lớn nhất thế giới và dòng sông lớn nhất thế giới bao phủ |
Du khách đến Bến Tre sẽ được cảm nhận mình đang đứng giữa dòng sông lớn nhất thế giới (sông MeKong một trong bảy dòng sông lớn nhất thế giới); được trải nghiệm trong rừng dừa lớn nhất thế giới (với diện tích trên 70 nghìn ha, chiếm gần 1/2 diện tích dừa cả nước mà các nước có dừa vẫn không có ruộng dừa lớn như vậy); đồng thời Bến Tre có trên 33 nghìn ha vườn cây ăn trái. Hệ thống sông nước chằn chịt với 3 hệ sinh thái (mặn, lợ và ngọt) phù hợp cho nhiều loại cây trái sinh sôi nẩy nở, cho trái sum suê bốn mùa (mùa nào trái ấy). Tiềm năng du lịch được thiên nhiên ban tặng một tài nguyên du lịch phong phú cho quê hương Xứ Dừa, là niềm tự hào của người dân Đồng Khởi. Để phát huy thế mạnh của tỉnh trong giai đoạn phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030; Bến Tre quyết tâm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù với thương hiệu du lịch "Sinh thái sông nước Xứ Dừa"./.
Lê Luông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét