Bến Tre là tỉnh cù lao, được hình thành từ 4 nhánh hạ lưu của dòng sông MêKông gồm các cửa sông: Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên hình thành nên 3 dải cù lao (Minh, Bảo và An Hóa); với diện tích 2.322 km2; địa lý hành chính gồm 8 huyện và 1 thành phố, trong đó có 3 huyện ven biển (Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú) sở hữu 65 km bờ biển. Đây là biển phù sa từ chín cửa sông của hai nhánh (Sông Tiền và sông Hậu) được gọi là sông Cửu Long. Một vùng đất phù sa thiên nhiên ban tặng, sông ngòi chằng chịt kết hợp với những tài nguyên nhân văn cùng người dân hiền hòa - mến khách... đã hòa quyện, kết hợp nhau giúp cho du lịch từ sông ra biển tại Bến Tre có nhiều khởi sắc.
Bến Tre chạy dài theo chiều dòng sông Cửu Long gần 100 km từ hướng thượng nguồn đổ ra biển, mang hình rẽ quạt; có 3 vùng sinh thái (mặn, lợ và ngọt); chịu ảnh hưởng bởi hai mùa rõ rệt trong năm là mùa mưa và mùa nắng. Là tỉnh của vương quốc trái cây nên phù hợp với nhiều loại cây trồng và cung cấp trái cây quanh năm với mùa nào trái ấy; đặc biệt là dừa đã có mặt trên mảnh đất cù lao nầy và đi cùng người dân Bến Tre từ bao đời nay. Cây dừa không biết có từ bao giờ trên đất Bến Tre mà đến hôm nay lại mang danh quê hương Xứ Dừa! không ai biết và cứ truyền hỏi nhau theo lời thơ ngọt ngào, êm dịu và mông lung:
Dừa ơi dừa! Dừa bao nhiêu tuổi?
Mà lá tươi xanh mãi tới giờ?
Tôi nghe gió ngàn xưa đang gọi
Xào xạc lá dừa hay tiếng gươm khua...
Bài thơ "Dừa ơi" của nhà thơ Lê Anh Xuân đã viết vào đầu năm 1966. Lúc bấy giờ nhà thơ cảm nhận....
Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi: Dừa có tự bao giờ?
Nội nói lúc nội còn con gái
Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân,...
Với hơn 70.000 ha diện tích dừa trên mảnh đất Bến Tre đã phủ một màu xanh của dừa khắp ba dải cù lao; chiếm gần 1/2 diện tích dừa cả nước đã cho thấy rằng rừng dừa Bến Tre là rừng dừa lớn nhất thế giới vì những nước có dừa vẫn không có ruộng dừa lớn như thế (Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ).
Kết hợp với sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); Bến Tre không ngoại lệ là đặc thù chung của vùng sông nước; tuy nhiên với đặc thù riêng của quê hương Xứ Dừa gắn với sông nước là điều khác biệt. Do vậy du lịch "Từ Sông ra Biển" là nét mới của du lịch miền Tây Nam bộ mà miền Trung, miền Bắc không có. Bến Tre đang khai thác lợi thế nầy để phát triển du lịch đặc thù vùng ĐBSCL; đây là vốn có của Bến Tre mà ông cha đã gìn giữ, lưu truyền trên 300 năm để ngày nay nét văn hóa nầy, quang cảnh nầy đã trở thành cơ hội cho du lịch Bến Tre phát triển bền vững với thương hiệu Du lịch "Sinh thái Sông nước Xứ Dừa".
Biển Cồn Bửng - Du khách trải nghiệm biển phù sa |
Lê Luông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét