Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

Bến Tre kích hoạt du lịch nông nghiệp hữu cơ

Nông nghiệp hữu cơ là những phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, góp phần quan trọng để phục hồi, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên. Hiện trên thị trường các sản phẩm nông sản sản xuất theo hướng hữu cơ đang được rất rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Cùng với việc tạo ra sản phẩm có giá trị, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ cũng đang tạo ra những cơ hội cho ngành du lịch nông nghiệp phát triển. Và đây cũng là một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo, độc đáo và phù hợp với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần được quan tâm phát triển.

Bến Tre là một tỉnh thuần nông, nông nghiệp là ngành nghề mang lại thu nhập chính cho những người nông dân Xứ Dừa. Bên cạnh đó, phát triển du lịch Bến Tre cũng dựa trên tài nguyên nông nghiệp với các vườn cây ăn trái, trang trại miệt vườn, làng nghề truyền thống…góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có nhiều giá trị gia tăng, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống của vùng nông thôn.

Thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số  4573/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; cũng như Kết luận 359-KL/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn - Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hội Nông dân và Hiệp hội Du lịch họp bàn và đi đến thống nhất xây dựng mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch năm 2020 và định hướng đến năm 2025.
Quang cảnh buổi họp của các ngành liên quan như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh và Hiệp hội Du lịch tỉnh
Nhiều công việc mà nhóm du lịch nông nghiệp liên ngành cần nhanh chóng xây dựng là các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch và các mô hình phát triển du lịch - thủy sản. Theo kế hoạch, sau khi được các cấp lãnh đạo xét duyệt, đồng ý thì  từ đầu năm 2020, nhóm liên ngành sẽ khảo sát năm tuyến du lịch của tỉnh như: Tuyến du lịch sinh thái sông nước huyện Châu Thành; 03 xã Nam thành phố Bến Tre; tuyến Giồng Trôm - Ba Tri; tuyến Mỏ Cày Bắc - Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú; Bến Tre - Chợ Lách và đang mở rộng du lịch biển và sinh thái ngập mặn huyện Bình Đại. Tùy thế mạnh các vùng, nhóm thực hiện các mô hình du lịch nông nghiệp hữu cơ sẽ chọn trên mỗi tuyến du lịch 02 vườn dừa, 02 vườn bưởi da xanh, 02 vườn cây giống, hoa kiểng kết hợp các mô hình hòn non bộ - cá cảnh, câu cá trong ao nuôi, tháo nước mương vườn bắt tôm, cá, mô hình nuôi tôm trong ruộng lúa và dưới tán rừng…theo phương pháp nuôi trồng sạch, hữu cơ và bền vững.
Mô hình dưa lưới sản xuất theo quy trình nông nghiệp công nghệ cao tại Khu du lịch sinh thái vườn trái cây Phú An Khang - Tp. Bến Tre (ảnh đơn vị cung cấp)
Mục tiêu thực hiện là xây dựng các mô hình du lịch đặc thù, độc đáo; tạo cho du khách có cảm nhận thân thiện với con người và nền nông nghiệp an toàn; khẳng định thương hiệu trái cây, sản vật nông nghiệp Bến Tre; tăng thu nhập cho đối tượng tham gia các mô hình. Các sản phẩm du lịch nông nghiệp hữu cơ được ưu tiên chú ý là cơ cấu “5 cây - 3 con” (Cây dừa, bưởi, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng - cây giống và con bò, con heo, con tôm biển); cũng như phối hợp xây dựng mô hình trên các trục du lịch chính, phát triển các hộ đã và đang kinh doanh du lịch có tiềm năng phát triển và từ các địa chỉ nông dân sản xuất giỏi, tiêu biểu của tỉnh như: Ông Hội - vua dừa ở Châu Bình, Giồng Trôm; Ông Quận - vua bưởi  tại Giao Long, Châu Thành; Chị Nga vua hoa kiểng ở Vĩnh Thành, Chợ Lách;  Ông Nghĩa vua chôm chôm tại Tân Phú, Châu Thành…. Ngoài ra, phối hợp và tập huấn cho các hộ nông dân kỷ thuật canh tác bưởi da xanh, dừa… theo hướng thực hành nông nghiệp (Vietgap, Globalgap, hữu cơ…), tỉa cành, tạo tán theo phương pháp khai tâm, màng phủ bằng thảm xơ dừa, bao trái, kỹ năng ủ phân hữu cơ, hệ thống tưới, thảo dược phòng trừ sâu bệnh, trồng xen, nuôi xen (cá lóc, thác lác, tôm càng xanh, ốc bươu, lươn, ếch…); giúp nông dân thành thạo trong giới thiệu, hướng dẫn và phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm…

Nói chung, tạo ra sản phẩm có giá trị trên thị trường, an toàn cho người sử dụng thì việc phát triển nông nghiệp hữu cơ còn góp phần thúc đẩy du lịch ở Bến Tre cũng như các tỉnh trong cụm du lịch phía Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều chuyên gia du lịch đã khẳng định, sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiệu quả sẽ trở thành những điểm nhấn để khai thác du lịch. Và ngược lại, du lịch nông nghiệp sạch phát triển cũng sẽ góp phần tạo động lực cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ./.
Thanh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét