Vừa qua, Ban Văn hóa Xã hội - Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre (Ban VHXH) phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức giám sát việc thực hiện Luật Du lịch trong hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh từ ngày 20/1 đến 22/1/2016. Ban VHXH có Ông Lê Văn Em - Trưởng Ban làm Trưởng đoàn cùng với ông Bùi Văn Chương - Phó Ban và các thành viên; Sở VHTTDL có ông Trần Duy Phương - Phó Giám đốc Sở, ông Đỗ Minh Triết - Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch và ông Lê Văn Luông - GĐ Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tham gia cùng đoàn.
Cuộc khảo sát nhằm giám sát việc thực hiện Luật Du lịch ở ba lĩnh vực đại diện cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch gồm: lĩnh vực lưu trú đối với Công ty TNHH Khách sạn Việt Úc; lĩnh vực lữ hành đối với Công ty Cổ phần Du lịch Bến Tre và lĩnh vực kinh doanh điểm, khu du lịch đối với CTy TNHH Du lịch - Dịch vụ - Thương mại Cồn Phụng để nắm bắt tình hình hoạt động và nắm bắt tâm tư nguyện vọng chung của doanh nghiệp trong thời gian qua từ khi có Luật Du lịch ra đời đến nay; từ đó sẽ kịp thời tìm ra giải pháp về phát triển du lịch bền vững trong giai đoạn tập trung đưa kinh tế du lịch trở thành kinh tế quan trọng đến năm 2020 và những năm nối tiếp.
Quang cảnh buổi làm việc của đoàn Ban VHXH - HĐND tỉnh tại Công ty TNHH Khách sạn Việt - Úc |
Các doanh nghiệp đã báo cáo tình hình tổ chức hoạt động của đơn vị ba năm 2013, 2014, 2015. Kết quả thực hiện có nhiều thuận lợi khi áp dụng Luật trong kinh doanh du lịch, đồng thời cũng nêu lên một số khó khăn cần có sự can thiệp của các cấp, các ngành. Đoàn giám sát cũng lắng nghe một số ý kiến đề xuất của doanh nghiệp để chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp từng thời điểm phát triển cũng như theo tình hình thực tế từng địa phương.
Tất cả các doanh nghiệp đều nhận thấy chung rằng từ khi có Luật Du lịch đã tạo một hành lang pháp lý vững chắc; hình thành nên sự chuẩn mực cho từng loại hình dịch vụ; có qui định chi tiết về điều kiện kinh doanh, thể hiện rõ nét về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi vận hành ngày càng chuyên nghiệp và nề nếp hơn; tạo được động lực cho các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư mới và đầu tư thêm trong lĩnh vực kinh doanh du lịch; đồng thời cũng đảm bảo được quyền lợi của khách đi du lịch, giúp du khách đến Việt Nam ngày càng nhiều, trong đó có Bến Tre nói riêng.
Doanh nghiệp cũng đưa ra những khó khăn chung hiện nay, nhất là đầu tư hạ tầng du lịch chưa tập trung ưu tiên theo định hướng phát triển để kinh tế du lịch trở thành kinh tế quan trọng góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà; thiếu sự hỗ trợ về vốn để giúp doanh nghiệp hoạt động phát triển; đặc biệc là chưa tạo điều kiện khai thác hết tiềm năng du lịch hiện có của địa phương. Giá cả ngày càng cạnh tranh gây gắt làm cho chất lượng phục vụ giảm dần. Bến tàu du lịch chung để hoạt động thành khu vực tập trung chưa được đầu tư, dẫn đến các lữ hành đường dài không kết nối được lữ hành tại địa phương, còn hoạt động theo kiểu tự phát, độc lập, thiếu chuyên nghiệp, không mang tính bền vững. Qui định thu phí và lệ phí cho vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy tại các bến du lịch của doanh nghiệp (Đơn vị Cảng vụ) còn bất cập. Thu thuế dịch vụ hỗ trợ trong các khách sạn vẫn như dịch vụ kinh doanh riêng lẽ đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động kinh doanh. Thanh tra, kiểm tra đối với các lữ hành, các hướng dẫn viên còn nhiều bất cập trong việc kiểm tra danh sách đoàn khách lẽ, khách cơ quan hoặc hợp đồng lao động…
Đoàn giám sát đã giải trình và ghi nhận những khó khăn, những kiến nghị của các doanh nghiệp để có hướng phối hợp các ngành liên quan khắc phục những hạn chế, tháo gở những vướng mắc; đồng thời sẽ góp ý, kiến nghị Trung ương bổ sung phù hợp trong những kỳ chỉnh sửa Luật Du lịch sắp tới nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch hoạt động ngày càng tốt hơn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét