Ba dãy cù lao xanh giữa bốn bề sông nước của dòng Tiền giang, Ba Lai, Hàm Luông và sông Cổ Chiên hiền hòa, ngày đêm bồi đắp nên Xứ Dừa xinh đẹp với nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn đã và đang thu hút du khách gần xa.
Nhìn trên bản đồ Việt Nam, Bến Tre có vị trí địa lý rất thuận lợi, nằm rất gần và giữa 2 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (cách 80km) và Cần Thơ (120km); trên trục đường du lịch qua các tỉnh duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long như: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh. Nơi có điều kiện rất lớn từ nguồn tài nguyên do thiên nhiên ban tặng là cảnh quan sông nước, vườn cây, du lịch sinh thái miệt vườn, những giá trị văn hóa nhân văn và từ các làng nghề truyền thống của người nông dân phóng khoáng, hiền lành, hiếu khách.
Tài nguyên du lịch Xứ Dừa là những vùng quê bình yên thích hợp cho du lịch sinh thái miệt vườn mà người dân Bến Tre, thời gian qua, tập trung khai thác du lịch sông nước ở khu vực 8 xã ven Sông Tiền, huyện Châu Thành; khu vực 3 xã phía nam của thành phố Bến Tre; khu vực hoa kiểng và cây trái Cái Mơn - Chợ Lách. Ngoài ra, chương trình du lịch đường bộ cũng rất hấp dẫn, du khách có thể du ngoạn, thưởng lãm cảnh quan thiên nhiên, xóm làng, vườn dừa, rẫy hoa màu trên những cung đường du lịch đến các điểm di tích nổi tiếng khu đền thờ và mộ Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản, khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định, di tích Đồng khởi hay di tích đường Hồ Chí Minh trên biển của tỉnh Bến Tre.
Qua cảm nhận của nhiều du khách đến tham quan, thì hiện nay, cụm cù lao Long, Lân, Qui, Phụng và các xã ven sông Tiền có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách đó là khu du lịch Cồn Phụng, làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ làm đồ lưu niệm và gia dụng từ cây dừa, các nhà hàng vườn cây, sông nước; các hoạt động của nông dân cùng du khách tát mương, chèo xuồng; đạp xe trên đường làng, thưởng thức đờn ca tài tử trong vườn cây trái hay trên du thuyền ngắm cảnh sông nước miệt vườn…đã làm mê hồn du khách đến du lịch, tham quan, trải nghiệm. Du lịch trên xe ngựa qua các làng quê, du khách còn ghé nhiều hộ dân làm kẹo dừa truyền thống và thưởng thức trái cây đặc sản theo mùa như bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng… Ngoài ra, du khách cũng còn nhiều lựa chọn ở các tours sông nước 3 xã phía nam thành phố Bến Tre để được biết thêm về vườn dừa dứa, các cơ sở chế biến dừa, làng dệt chiếu Nhơn Thạnh hay lò gạch Phú Hưng. Một chương trình tham quan rất được ưa chuộng, một sản phẩm du lịch mới khác lạ mà chỉ có ở Bến Tre, đó là du thuyền tham quan chợ nổi mua bán các sản phẩm từ dừa ở 2 bên bờ sông Thơm (Mỏ Cày Nam); trãi nghiệm tại các hộ tư nhân sản xuất chỉ xơ dừa và tiếp tục di chuyển bằng xe theo quốc lộ 57 tham quan vương quốc cây trái, hoa kiểng nổi tiếng của Bến Tre nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung.
Du khách nước ngoài thưởng ngoạn bằng xe đạp trên đường làng |
Song song với phát triển du lịch sông nước miệt vườn, Bến Tre – Xứ Dừa - còn phát triển mạnh du lịch về nguồn, du lịch tìm hiểu, học tập về di tích lịch sử văn hóa, di tích danh nhân với khoảng 16 di tích cấp quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh…, nghệ thuật hát sắc bùa, đờn ca tài tử Nam bộ cùng nhiều làng nghề truyền thống như: Bánh tráng Mỹ Lồng - Bánh phồng Sơn Đốc, nghề làm hủ tiếu Mỹ Thạnh, kẹo dừa, đan đát Phú Lễ, Phước Tuy, làm nón, bó chổi, chỉ xơ dừa…có thể nói, đây là nguồn tài nguyên du lịch phong phú và quý báu chứa đựng nhiều giá trị nhân văn của tỉnh nhà để quảng bá đến du khách. Thời gian qua, Bến Tre có gần 20 đơn vị lữ hành quốc tế và nội địa đã khám phá và khai thác các loại hình này, và ngày càng thu hút du khách đến tham quan. Năm 2015, tổng khách du lịch đạt 1.000.000 lượt, tăng 10,62%. Trong đó: khách quốc tế đạt 440.000 lượt, tăng 11,76%; khách nội địa 560.000 lượt, tăng 9,74%. Thu từ khách du lịch 2015 đạt 700 tỉ đồng, tăng 24,56%. Nhìn chung, Du lịch có những bước phát triển, từng bước hình thành được chuổi giá trị của ngành, tăng dần lượng khách trong nước và quốc tế. Cơ sở hạ tầng du lịch từng bước hoàn thiện và đồng bộ, thu hút đầu tư và thúc đẩy cộng đồng dân cư tham gia hoạt động kinh doanh du lịch.
Để du lịch Bến Tre tiếp tục phát triển và trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, ngoài việc triển khai Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới và Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” của Bộ VHTT&DL; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; Đề án phát triển Thương mại - Dịch vụ và du lịch giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2025 về lĩnh vực du lịch; thực hiện Đề án phát triển du lịch xã Thạnh Phong và xã Thạnh Hải huyện Thạnh Phú. Tiếp tục thực hiện Chương trình liên kết phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Bạc Liêu…; vận động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch triển khai các hoạt động liên kết đã ký với các tỉnh, thành trong khu vực; tiếp tục thực hiện Chương trình kích cầu du lịch và Chương trình xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chỉ tiêu năm 2016, doanh thu du lịch 860 tỉ đồng. Lượng du khách tăng 15% đạt 1.150.000 lượt khách (quốc tế: 500.000 lượt; nội địa: 650.000 lượt).
Muốn thực hiện đạt chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đặt ra cho ngành du lịch Bến Tre thời gian tới cần dựa trên thế mạnh hiện có để tạo thêm sản phẩm đặc thù, ấn tượng cho du khách như tham quan, trải nghiệm cuộc sống cộng đồng gắn với những giá trị của cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa, lưu trú tại nhà dân (Homestay), tìm hiểu văn hóa sông nước, tìm hiểu chuyên đề nông nghiệp dừa, cây trái và hoa kiểng. Khai thác có hiệu quả du lịch gắn tìm hiểu di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, danh nhân, lễ hội dân gian, nghệ thuật đờn ca tài tử. Củng cố và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống được công nhận, nổi tiếng, đặc sản xứ dừa, thuận tiện giao thông và gần khu, điểm du lịch để phục vụ du lịch.
Đờn ca tài tử Nam bộ (Di sản phi vật thể thế giới) |
Tác động, hổ trợ nhà đầu tư hoàn thành các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch, sớm đưa vào hoạt động. Tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án du lịch có qui mô khá và hiện đại. Tổ chức hội thảo về chuổi giá trị Ngành du lịch, để thúc đẩy dịch vụ du lịch từng bước vươn lên trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, dịch vụ, nguồn lao động; mở rộng khu, điểm du lịch nhằm nhu cầu ngày càng cao của du khách. Ngoài ra, cần củng cố mối liên kết cụm du lịch phía đông đồng bằng sông Cửu Long “5 địa phương 1 điểm đến” (Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và long An); xây dựng chiến lược liên kết, quảng bá, xúc tiến du lịch với các thị trường trọng điểm qua những hoạt động, sự kiện về du lịch cấp vùng và quốc gia, qua đó tranh thủ giới thiệu hình ảnh du lịch Bến Tre với bạn bè trong và ngoài nước, nhằm đưa du lịch xứ dừa phát triển một cách bền vững./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét