Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

Cơ hội và thách thức khi ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động Du lịch

Việt Nam là một trong số các quốc gia có lượng người dùng internet tăng nhanh trên thế giới. Vào năm 2017, dân số Việt Nam khoảng 93,6 triệu người, đứng thứ 14 trong số những nước đông dân nhất thế giới. Lúc bấy giờ có khoảng 53% (50,05 triệu người) dân số đang dùng Internet, tăng 6% so với năm 2016; đồng thời có khoảng 46 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 48% dân số. Đối với du lịch, những năm gần đây công nghệ thông tin đã được đưa vào ứng dụng và đã làm thay đổi qui trình cung ứng dịch vụ du lịch tạo nên làn sóng trong cách điều hành, quản lý theo một tư duy mới.

Cách mạng Công nghệ 4.0 (Industry 4.0) được nhen nhóm từ đầu thế kỷ XXI nhưng cho đến nay mới thực sự bùng nổ. Nghiên về lĩnh vực kỹ thuật số: trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật internet (internet of things), lưu trữ và xử lý số liệu (Big Data); lĩnh vực vật lý: in 3D, vật liệu mới, robot cao cấp, xe tự lái, …cuối cùng là lĩnh vực công nghệ sinh học và năng lượng mới. Từ đó các công nghệ số, internet với mục đích biến thế giới thực thành một thế giới số, sự tự động hóa thông minh của máy móc tạo nên dữ liệu lưu trữ cực kỳ lớn. 

Đối với các quốc gia có tiềm năng kinh tế lớn, họ đã vạch ra hẳn chiến lược cụ thể: Nước Mỹ có “chiếc lược quốc gia về sản xuất tiên tiến”, Pháp có “Bộ mặt mới của công nghiệp nước Pháp”, Hàn Quốc có “Chương trình tăng trưởng của Hàn Quốc trong tương lai”, Trung Quốc có “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” và hiện nay Nhân Bản, một trong quốc gia ứng dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới có “Xã hội thông minh 5.0”,… Như  vậy, ta thấy được tầm quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 đối với các nước đang được chú trọng và là xu thế tất yếu, đề cao tính ứng dụng vào mục đích cụ thể để phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt có chương trình chiến lược dành riêng dựa trên những tiến bộ khoa học và công nghệ. 

Đối với ngành du lịch thì đây là một bước tiến mới trong việc điều hành, tìm kiếm thông tin. Thông qua mạng internet sẽ dễ dàng hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể lựa chọn, so sánh giá hay kết nối điểm đến,…Đặc biệt với cách mạng 4.0 được phủ sóng toàn cầu nên việc tương tác sẽ nhanh chóng hơn. Trong đó việc tạo ra các ứng dụng, truy cập tìm kiếm chỉ bằng thao tác vô cùng đơn giản. Chẳng hạn, du khách muốn biết thông tin về địa chỉ, khách sạn, vé máy bay, bản đồ hướng dẫn đường đi,… chỉ cần gõ thông tin nhận dạng bằng chữ viết hoặc nhận dạng qua giọng nói sẽ hiện lên nội dung cần tìm, thông qua các ứng dụng như: TripIt (ứng dụng đã từng được trao giải “Ứng dụng du lịch tốt nhất trên điện thoại” trong khuôn khổ giải thưởng Webby 2011) – chuyên lập kế hoạch cho chuyến đi cung cấp cho du khách những thông tin cơ bản về nơi sắp đến. Bên cạnh đó là những thông tin về các chuyến bay, khách sạn… giúp chúng ta lên kế hoạch tổ chức và sắp xếp cho chuyến đi một cách tốt nhất, quan trọng có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian để tận hưởng kỳ nghỉ hoàn hảo; TripCase - ứng dụng giúp cập nhật thông tin lịch trình các chuyến bay, có thể biết được chuyến bay nào bị hoãn để lên kế hoạch cho sự thay thế nhanh chóng. Bên cạnh đó, ứng dụng còn dễ dàng thêm ghi chú cho hành trình với lời nhắc nhở hoặc ý tưởng chi tiết cho chuyến đi…và còn rất nhiều ứng dụng tương tác khác như: facebook, Instagram,… 

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh, đây còn là cơ hội quảng bá với mức chi phí bỏ ra rất thấp nhưng mang lại hiệu quả cao bởi sự tương tác phản hồi không giới hạn không gian, thời gian, không còn ràng buộc tại một quốc gia nào đó mà còn ra nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp đã không ngừng nâng cao và khẳng định thương hiệu của mình và liên tiếp xây dựng những tour, điểm đến phù hợp với nhiều khách hàng, đồng thời có nhiều ưu đãi với khách hàng thân thiết. Đặc biệt, các doanh nghiệp du lịch đã biết tận dụng lợi thế từ du lịch trực tuyến để quảng bá các tour, điểm đến, đồng thời có những hình thức thanh toán đảm bảo, nhanh và tiện lợi cho khách hàng. Cụ thể hiện nay có các công ty lữ hành online thương hiệu toàn cầu như Agoda.com, booking.com, Traveloka.com, Expedia.com. Trong nước có các công ty kinh doanh du lịch trực tuyến như: Ivivu.com, chudu24.com, mytour.vn, tripi.vn, mytour.vn, gotadi.com, vntrip.vn…  Trong suốt quá trình này, tất cả các khâu cách mạng công nghiệp 4.0 đều tham gia tác động vào, trở thành cơ hội cho những ai biết nắm bắt và sở hữu.

Bên cạnh thuận lợi, ngành du lịch sẽ còn phải giải quyết nhiều bài toán đầy thử thách bởi bản chất thực sự của ngành du lịch mang tính dịch vụ rất cao, vừa vô hình lại vừa hữu hình. Qua đó buộc phải có sự tương tác giữa con người với con người. Du lịch thông minh theo một góc độ riêng thì nó vẫn bộc lộ tính chủ quan không thể cứ phụ thuộc vào máy móc là có thể hoàn thiện. Cụ thể nếu doanh nghiệp muốn điều tra, khảo sát nhu cầu của khách phải tìm hiểu kỹ về nhu cầu của người tiêu dùng, xem xu hướng hiện tại và trong tương lai,… Như vậy, các công nghệ lúc này sẽ đóng vai trò phương tiện. Ngoài ra, nếu kinh doanh du lịch trực tuyến là thế mạnh của nhiều doanh nghiệp thì cũng là điểm yếu của không ít doanh nghiệp khi chưa chú trọng đến phát triển lĩnh vực này do còn tồn tại những điểm yếu như: chất lượng các tour không đảm bảo, giá tour còn cao, không ổn định... Tuy nhiên nói như vậy không phải phủ định hoàn toàn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà cái chúng ta cần chính là phải nắm bắt được kỹ thuật công nghệ và ứng dụng quảng bá thật hợp lý. Muốn nắm bắt được công nghệ đầu tiên phải bỏ chi phí khá cao để đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thông tin; Đội ngũ nhân lực cụ thể là IT phải được tiếp cận, đào tạo tập huấn bài bản chuyên sâu từng lĩnh vực để ứng dụng cụ thể… và cái quan trọng đó chính là quá trình cập nhật thông tin, tương tác thật hoàn hảo, nhanh chóng, chính xác, chủ động tăng cường tính dự báo.

Như vậy, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động du lịch đã tạo nên nhiều cơ hội cũng như thách thức nhất là đối với ngành du lịch Bến Tre. Thời gian qua tỉnh Bến Tre đang hoàn chỉnh giao diện trang thông tin điện tử chuyên về du lịch nhằm thông tin, quảng bá hình ảnh du lịch đến với du khách. Đồng thời xúc tiến đầu tư các dự án mang tầm chiến lược, liên kết các tuyến điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, xây dựng bộ nhận dạng thương hiệu du lịch Bến Tre gắn liền với an toàn – thân thiện – chất lượng. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú được cấp sao lẫn các hộ kinh doanh loại hình homestay sẽ được hướng dẫn tham gia vào chương trình đặt phòng trực tuyến qua mạng… Tuy nhiên, một mặt chúng ta có đủ cơ hội để tiếp cận công nghệ nhưng lại hạn chế về ứng dụng thì lại hoàn toàn không làm chủ được công nghệ và chắc chắn việc điều hành công việc như bán tour, quảng cáo trực tuyến… lại chỉ gói gọn ở một phạm vi nhỏ hẹp. Chính vì vậy, để hòa mình vào xu thế toàn cầu, ngành du lịch phải chủ động hội nhập, đầu tư công nghệ, nhất là con người trong du lịch. Để từ đó phát huy tầm quan trọng của du lịch đối với kinh tế./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét