Ngày kỷ niệm lần thứ 58 thành lập ngành Du lịch 09/7/1960 - 09/7/2018 năm nay diễn ra trong niềm phấn khởi xen lẫn tự hào và khí thế tưng bừng của toàn ngành Du lịch du lịch Việt Nam nói chung và du lịch tỉnh Bến Tre nói riêng khi mà toàn ngành đã được Đảng và Chính phủ quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng, cùng với những thành tựu, kết quả đáng ghi nhận.
Chặng đường 58 năm ngành Du lịch Việt Nam ghi dấu ấn quan trọng như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/01/2017 về việc phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Luật Du lịch (sửa đổi) được Quốc hội chính thức thông qua ngày 19/6/2017 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018; năm 2016 du lịch Việt Nam đón vị khách du lịch quốc tế thứ 10 triệu.... Theo đánh giá của các chuyên gia, du lịch Việt Nam đã có cải thiện nhất định về thứ bậc trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh về du lịch và lữ hành, từ thứ 75/141 quốc gia được đánh giá trong năm 2015 lên thứ 67/136 quốc gia được đánh giá trong năm 2017. Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP.
Du khách tham quan quy trình sản xuất kèo dừa thủ công truyền thống |
Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chương trình hành động số 22-CTR/TU để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị. Theo đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững. Theo Ông Trần Duy Phương - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bến Tre cho rằng: Mục tiêu phát triển du lịch là đa dạng hóa các loại hình du lịch dựa vào tiềm năng lợi thế về tự nhiên, văn hóa và con người. Phấn đấu đến năm 2020 đón và phục vụ 2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 47%. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng bình quân ít nhất 25% /năm, đưa ngành du lịch của tỉnh trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 8% đến 10% tổng nguồn thu của tỉnh. Để đưa ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng vào năm 2020, là phải tiếp tục triển khai đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, tỉnh phát triển đa dạng loại hình du lịch sông nước xứ dừa; nâng cao chất lượng phục vụ tất cả các dịch vụ, phục vụ cho ngành du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tạo tiền đề cho ngành du lịch phát triển như: Thành lập Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre lần I nhiệm kỳ 2018-2023 bầu Ban Chấp hành mới với 19 thành viên, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Điều lệ Hiệp hội du lịch tỉnh Bến Tre. Ngành cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch nhằm triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 4573/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tổ chức phối hợp nhiều hoạt động tại các địa phương huyện, thành phố như; tuần lễ văn hóa du lịch huyện Châu Thành, Thạnh Phú, Chợ Lách, giải quần vợt ngành du lịch, các lớp tập huấn về đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại một số địa phương có điều kiện phát triển du lịch và lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức quản lý nhà nước về du lịch cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh...
Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Hội Nghị |
Ngành du lịch tỉnh nhà đạt được một số kết quả khả quan như trên là do sự quan tâm lãnh chỉ đạo của các ngành các cấp, sự đồng hành và hỗ trợ trong công tác xúc tiến, quảng bá của Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng cơ sở kinh doanh, tổ chức nhiều loại hình, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch mới đưa vào khai thác nên lượng khách du lịch tăng cao so với cùng kỳ. Từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh Bến Tre đã đón 472.264 lượt khách du lịch, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có gần 200.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch đạt gần 342 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2017.
Với những kết quả đạt được ngành du lịch tỉnh nhà không ngừng cải thiện chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có và khai thác các sản phẩm mới như: Du lịch sinh thái sông nước xứ dừa, làng nghề, làng quê, văn hóa, tâm linh, ẩm thực, biển…Ngoài ra lãnh đạo ngành luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân về vị trí, vai trò rất quan trọng của ngành Du lịch và định hướng phát triển du lịch của tỉnh để mọi người cùng tham gia thực hiện. Đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch và tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch thông qua đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch và người lao động tham gia kinh doanh du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư có đủ điều kiện và năng lực tham gia đầu tư các dự án để phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách du lịch, nhất là tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét