Cụm từ “du lịch tâm linh” chỉ mới xuất hiện thưa thớt thời gian gần đây trên mặt báo của giới nghiên cứu văn hóa, của những người làm công tác quản lý du lịch... Tuy nhiên nó đã “có mặt” từ lâu, khi con người có nhu cầu nội tại nhằm thỏa mãn thế giới nội tâm, bởi đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thúc giục họ. Ở Bến Tre, suốt chiều dài lịch sử cho thấy người dân ở đây có một đời sống tinh thần, đời sống tâm linh, tín ngưỡng rất phong phú. Nên có rất nhiều đình, chùa, nhà thờ… tạo điểm du lịch văn hóa và du lịch tâm linh cho những ai đến đó để hành trì các lễ nghi, tu tập, không thiếu không gian thoáng đãng, yên tĩnh cho con người giao hòa với thiên nhiên.
Bạch Vân Ni tự ở Tp Bến Tre |
Khách du lịch khi qua cầu Rạch Miễu tới địa phận huyện Châu Thành (Bến Tre) muốn đi thăm đình làng sẽ có đến những hai ngôi đình cổ được công nhận Khu di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia. Đó là đình Tân Thạch và đình Tiên Thủy có lối kiến trúc độc đáo, đặc trưng của đình làng Nam Bộ. Ở xã Quới Sơn của huyện này có ngôi chùa Hội Tôn Cổ Tự thành lập năm 1740, thuộc chùa cổ nhất ở Bến Tre có trên 300 năm tuổi. Ta đi đường bộ đến đó rất thuận tiện. Ngoài ra, Châu Thành còn có Tòa thánh Cao đài Châu Minh mới xây dựng lại gần đây, rất tầm vóc. Ngay ở trung tâm Tp. Bến Tre cũng có nhiều điểm cho khách dừng lại thăm thú, hay thắp nén hương vọng tưởng thần linh, Phật tổ, đức Chúa trời... Như Tòa thánh Cao đài Ban chỉnh đạo Bến Tre, chùa Bạch Vân, chùa Viên Giác hay đình An Hội… Nếu khách từ Tp. Bến Tre xuôi theo đường tỉnh 885 về huyện biển Ba Tri điểm trước tiên là ghé qua đình Phú Tự. Ngoài vãng cảnh đình, khách sẽ thưởng ngoạn cây bạch mai hơn 300 năm tuổi, vừa mới được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Và đi thêm chừng vài km nữa sẽ tới đình làng thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng ở Mỹ Thạnh, Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định, tọa lạc tại xã Lương Hòa, Giồng Trôm cách đó cũng không xa. Nơi đây khuôn viên rộng 13.000m2, trưng bày rất nhiều hiện vật của vị Nữ tướng lừng danh này. Đến trung tâm huyện Giồng Trôm, có ngôi đình Bình Hòa. Ngôi đình cổ này được phong sắc thần năm Tự Đức ngũ niên (1852). Nhưng khởi công xây dựng từ năm 1812, năm 1825 mới hoàn thành. Cũng được cấp bằng chứng nhận Khu Văn hóa lịch sử cấp Quốc gia năm 1993. Gần đây Giồng Trôm có thêm Khu nhà thờ Trung Tướng Đồng Văn Cống ở xã Tân Hào. Mỗi ngày càng đông thêm những người ngưỡng mộ đến thắp hương, viếng ngôi đền vị tướng tài ba này. Cùng với nhà thờ La Mã được qui hoạch phát triển du lịch. Riêng La Mã là một trong ba điểm đến hành hương của đạo công giáo Việt Nam. Giồng Trôm còn có nhà thờ họ Trương. Ngôi từ đường này ban đầu do vua Minh Mạng cho người xây cất để thờ phụng Phó tướng Long Vân hầu Trương Tấn Bửu. Vị tướng lừng danh này từng dẹp giặc Tàu ô ở biển Quảng Yên (Quảng Ninh) đến những ba mươi sáu lần. Và, ông cũng từng được giao nhiệm vụ cùng với Chánh tướng Lê Văn Duyệt cai quản cả Miền Nam. (Từ Bình Thuận xuống tới Hà Tiên). Nếu du khách đến Ba Tri thì càng thỏa mãn hơn với gần mười điểm du lịch tâm linh. Từ viếng lăng mộ Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, rồi đến viếng ngôi từ đường của dòng họ Thái Hữu. Nơi đây thờ tự cụ Thái Hữu Kiểm, tức “ông già Ba Tri”, với huyền tích đi bộ ra triều đình Huế để kiện tụng, nằm bên đường mang tên Thái Hữu Kiểm. Ở thị trấn Ba Tri có ngôi Chùa Ông đường bệ, trầm mặc bên đường lớn luôn luôn như thể muốn mời khách ghé qua. Nếu khách xuôi ra hướng biển đến xã Bảo Thạnh viếng mộ đại học sĩ Phan Thanh Giản cũng không xa lắm. Gần phần mộ cụ Phan có phần mộ của Nhà giáo lớn của đất Nam Bộ Võ Trường Toản. Nơi đây có một không gian rất yên bình rất đặc trưng của làng quê Việt Nam, từ con đường làng đến bờ tre, giồng cát. Và, Ba Tri cũng là nơi sản xuất ra loại rượu đế Phú Lễ nổi tiếng. Đồng thời xã Phú Lễ còn có ngôi đình cổ nổi tiếng với nhiều giai thoại về lịch sử đấu tranh giữ nước. Phú lễ có làng nghề đan đát truyền thống hàng mấy trăm năm luôn luôn phát triển. Hay về Tân Xuân thăm Di tích Cây da đôi. Nơi thành lập Đảng đầu tiên của tỉnh Bến Tre. Đồng thời xứ Ba Tri có ngôi chùa Kim Cang Cổ Tự ở xã Tân Thủy, cách trung tâm huyện chừng non 10km. (Dân gian còn gọi nôm na là chùa Đất Sét hay chùa Mục Đồng) rất đặc biệt, độc đáo. Vì ngôi chùa này có hơn hai mươi tượng Phật đều được các nghệ nhân dân gian sáng tác từ đất sét và các loại gỗ quí, có tuổi đời gần ba trăm năm.
Dải cù lao Minh của Bến Tre có ba huyện giáp với Vĩnh Long, Trà Vinh bởi con sông Cổ Chiên, cũng không ít nơi cho du khách tìm đến. Phía Bắc dải cù lao này có Khu nhà bia học giả Trương Vĩnh Ký. Nơi con người thiên tài này được sinh ra đời, nằm bên rạch Cái Tắc thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách. Và cũng ở nơi này có ngôi nhà thờ Thiên chúa giáo được xây dựng từ năm 1730. Qua nhiều lần xây dựng lại rồi trùng tu đến nay nhà thờ thuộc loại lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Hay về Mỏ Cày có khu Di tích Đồng Khởi ở xã Định Thủy để tìm hiểu, tưởng niệm về những con người làm nên cuộc Đồng khởi vang dội ở Bến Tre vào năm 1960. Đặc biệt hơn ở Mỏ Cày có ngôi chùa Phật Tuyên Linh. Nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm 1927 - 1929 trên bước đường bôn ba vì vận nước đã từng ở ngôi chùa này. Bên cạnh, Mỏ Cày còn có ngôi chùa cổ Trà Nồng, sách địa chí Bến Tre từng có hình ảnh và ghi chép, giới thiệu. Gần chùa Trà Nồng có ngôi chùa Soi Ếch (Sãi Ếch). Hai ngôi chùa này có nhiều huyền thoại, du khách đến đây sẽ tìm hiểu thêm. Cũng tuyến đường này khách đến biển Thạnh Phong trù phú. Nơi đón con tàu không số đầu tiên năm 1946 chở vũ khí từ ngoài Bắc vào Nam để chi viện cho chiến trường thời chống Mỹ. Và nơi này đang tồn tại tượng đài lưu niệm sừng sững ở Cồn Tra, minh chứng cho tinh thần bất khuất của người dân Bến Tre nói riêng của nhân dân cả nước nói chung trong cuộc đấu tranh giữ nước vĩ đại. Và còn, còn rất nhiều di tích cho du khách khi cần tìm đến để chiêm bái, tịnh tâm, thư giãn trong chuyến về xứ dừa với những con người giàu lòng hiếu khách và chân thành luôn mở rộng vòng tay thân ái.
Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định - H.Giồng Trôm Bến Tre |
CTV. Anh Thuyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét