Mảnh đất ba dải cù lao Bến Tre cho con người muôn ngàn sản vật. Ngoài các loại cây ăn trái, cá tôm... đất còn cho các món ăn hết sức phong phú, độc đáo. Như đuông dừa, đuông chà là, đuông tầm vông... Đặc biệt có món mắm còng Châu Bình. Loại đặc sản này thì quả là không thể “đụng hàng” với bất kỳ loại thức ăn nào.
Họ nhà còng có rất nhiều, nhưng loài còng lửa để làm mắm chỉ xuất hiện mỗi năm một lần vào mỗi dịp mùng 5 tháng 5 (â.l). Xưa kia loại đặc sản này từng được chọn tiến vua nhà Nguyễn. Chừng năm mươi năm trước, ở Sài gòn có ngài bác sĩ Cò. Vị này dân Bến Tre “ghiền nặng” món mắm còng. Nên bệnh nhân nào đến điều trị, có mang theo keo mắm còng Châu Bình là ông miễn phí tất cả.
Xưa tới mùa còng hội, đêm xuống, dân Châu Bình quơ đèn đi bắt còng như trẫy hội. Mang về làm xong, rửa sạch là trộn muối đem ủ vào keo, hũ. Vài tuần, khi mắm ăn được là mang ra trộn với khóm chín, xắt cọng. Món này ăn với cơm nóng, cá kèo nướng vào ngày mưa dầm thì không gì bằng. Tiếc rằng món ăn này không còn vì cống đập Ba Lai ngăn mặn, loài còng này nay hầu như biến mất.
Những rừng dừa ở Bến Tre bạt ngàn. Từ đó cho ra con đuông dừa với số lượng vô kể. Cũng như đuông chà là, đuông tầm vông “ lũ phá hại” này đã góp phần làm nên những món ăn tuyệt hảo cho đất Bến Tre. Thấy lá dừa héo úa rất nhiều, ta hạ cây xuống, tìm bắt mấy chú đuông non trên củ hủ, ngâm muối chừng mươi phút cho chúng được tẩy sạch là đem ra rửa lại, lăn bột pha sẵn gia vị, đem chiên. Món này làm mồi nhậu thì ngon tuyệt. Bởi vị ngọt, thơm, béo của nó rất đặc trưng không lẫn vào bất kỳ món ăn nào. Nhiều nhà hàng ở Bến tre có trong thực đơn có món “độc chiêu” này nhằm phục vụ thực khách thích những món ăn lạ.
Bến Tre cũng có nhiều món ăn có nước cốt dừa hay nước dừa. Từ kẹo dừa, bánh canh dừa, bánh tráng dừa, bánh xèo, cháo dừa bánh lá dừa... đều có nước cốt dừa. Đặc biệt, món tép rang dừa ăn với cơm nếp là nhớ đời. Đa số thực khách đều cho rằng tép rang dừa phải chọn loài tép bầu mới thượng sách. Bởi tép bầu đeo một lượng trứng lớn. Khi kho sắc lại, lượng cốt dừa đọng ở trứng rất nhiều. Lại vỏ tép giòn hơn các loại tép khác nên vị béo, thơm hơn rất ấn tượng.
Tuy nhiên muốn có chão tép rang dừa thật ngon phải biết qua các khâu. Từ chọn tép bầu tươi, làm thật khéo để không bể, rớt trứng. Ta nạo dừa, pha nước ấm, vắt cốt cho vào chão, cho đường, muối, bột ngọt vào. Cho lửa riu riu đến khi sôi thì cho tép vào. Như vậy tép sẽ có màu trong và con tép không bị bủn. Hầu như các bà nội trợ Bến Tre nào cũng biết nấu món này. Nhất là lượng nước cốt vừa phải, vừa ngập con tép. Để khi chão tép rang dừa cạn dần không phải bị “ra dầu”, mất ngon. Đây là bí quyết khi ta thực hiện món ăn truyền thống này.
Ngoài những món ăn từ dừa nói trên, người dân Bến Tre còn kho cá, kho thịt heo cũng bằng nước dừa.
Thịt heo ba rọi kho Tàu với trứng vịt, tôm càng xanh (lột vỏ) mà thiếu đi nước dừa thì coi như mất đi một nửa cái sự ngon.
Ta chọn loại heo ba rọi da mỏng, vì đó là heo còn tơ, thịt mềm. Cùng với tôm thịt chắc và trứng vịt vỏ dày. Thịt ướp đường, muối, bột ngọt xong, đem phơi nắng một vài giờ, mỡ trong, nhìn rất bắt mắt. Đồng thời ta lột tôm tươi, trứng luộc sẵn, bốc vỏ, xâm cho thủng thật nhiều (để thấm nước dừa trong quá trình kho) để sẵn. Ta bắc nước dừa Xiêm lên đun sôi mới cho thịt vào. Thỉnh thoảng vớt bọt để thịt, nước được trong. Lửa riu riu để nước dừa thấm dần vào thịt. Tôm càng, trứng vịt cho vào sau. Cứ vậy là ta đun mãi, khi cạn nước là ta cho nước dừa vào tiếp, đến khi thịt mềm. Chạm đũa là từng thớ thịt bung ra rất hấp dẫn.
Nước thịt kho Tàu chấm với rau tươi, rau luộc đều ngon. Nhưng món chấm truyền thống là dưa giá. Món này đã được Việt hóa, nên ngày Tết hay giỗ chạp, nhiều gia đình nấu món này dâng cúng ông bà./.
Tác giả: Trác Thuyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét