Hiện nay, các tỉnh và thành phố đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch đã mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân. Nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp đã ra đời và trở thành những thương hiệu thu hút du khách như tuyến du lịch mùa lúa chín ruộng bậc thang ở Yên Bái, tham quan làng rau Trà Quế tại Hội An hay du lịch miệt vườn Nam bộ và miền Tây mùa nước nổi…Bến Tre là quê hương Xứ Dừa, du lịch nông nghiệp là hướng phát triển bền vững để xây dựng thương hiệu du lịch “Sinh thái sông nước Xứ Dừa”.
Ở Bến Tre, sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng đang phát triển và nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, hài hòa, có tác động tốt cho phát triển du lịch sinh thái bền vững. Theo xu thế chung, ngành du lịch Bến Tre cũng đã xây dựng một số điểm đến nhằm đáp ứng nhu cầu trãi nghiệm du lịch nông nghiệp Xứ Dừa như các tour du lịch tham quan khu dưa lưới Phú An Khang, thành phố Bến Tre; các vườn cây trái, hoa kiểng ở Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách; vườn dừa xen bưởi da xanh ở Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ cày Nam…; rẫy hoa màu, rau sạch nằm trên địa bàn huyện Ba Tri, vườn xoài tứ quý xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú và một số khu nuôi thủy hải sản (tôm, cua, nghêu, sò…) ở ba huyện biển. Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với UBND các huyện và một số đơn vị lữ hành cũng đang tổ chức khảo sát để tiến tới hình thành một số dịch vụ du lịch sinh thái làng quê, cộng đồng khác ở địa phương.
Đoàn khảo sát chương trình du lịch Thạnh Phú - sông Hàm Luông trên tàu Mekong Adventurer 4 sao |
Nông nghiệp hữu cơ có phát triển tốt thì du lịch sinh thái nông nghiệp mới có thể vượt qua những khó khăn về sản phẩm mới, độc đáo và phát triển bền vững. Thời gian qua, dù có chuyển biến tích cực nhưng du lịch kết hợp với nông nghiệp vẫn còn những khó khăn nhất định. Một số sản phẩm du lịch có kết hợp với ngành nông nghiệp tại Bến Tre hiện mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, chưa có nhiều dịch vụ hấp dẫn. Chi tiêu của du khách chủ yếu dành cho các dịch vụ ăn uống, phòng ở… Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm hữu cơ đến nay vẫn chưa mạnh do sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi quy trình sản xuất chặt chẽ với sự đồng nhất về chất lượng giữa sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ du lịch, chi phí cao, nên cả người dân lẫn doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn tham gia. Khó khăn kế đến là thay đổi nhận thức, thái độ, kỹ năng của những người nông dân, để từ những người sản xuất đơn thuần, họ có thể trở thành những người làm dịch vụ du lịch.
Nhìn chung, các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp Bến Tre còn manh mún, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Nhiều điểm du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nghèo nàn về dịch vụ, chất lượng thấp. Sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức tối thiểu. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất tại các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh và việc kết nối giữa ngành nông nghiệp, người dân trực tiếp sản xuất và doanh nghiệp lữ hành vẫn còn lỏng lẻo. Nếu khắc phục được những yếu kém này, các cơ sở du lịch nông nghiệp của tỉnh có thể tăng sức hấp dẫn đối với du khách.
Điểm du lịch sinh thái nông nghiệp - 2 Tươi (Thị trấn Giồng Trôm) |
Bởi vậy, để gắn kết quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và nông sản sạch với du lịch sinh thái đạt hiệu quả, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh nghiên cứu về điều kiện thổ nhưỡng, lợi thế của từng vùng, khu vực để tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng bản địa…Về lâu dài, ngành nông nghiệp và du lịch cần tăng cường phối hợp, liên kết chuỗi các sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp. Xây dựng quy chế phối hợp phát triển sản phẩm dịch vụ, du lịch sinh thái nông nghiệp, qua đó gắn kết phát triển nông nghiệp với khai thác tiềm năng du lịch ở từng địa phương. Việc xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp phải gắn với chất lượng dịch vụ để tạo được sản phẩm du lịch hấp dẫn. Bên cạnh đó, cần phải có sự liên kết chặt chẽ của các bên liên quan, từ doanh nghiệp lữ hành, nhà cung cấp dịch vụ đến cộng đồng cùng hợp sức đưa sản phẩm tiềm năng vào khai thác hữu hiệu. Có phát triển và kết hợp song song giữa sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và khai thác tiềm năng du lịch sinh thái mới trở thành sản phẩm độc đáo và bền vững giúp người dân địa phương làm giàu từ nền kinh tế du lịch nông nghiệp./.
Thanh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét