“Con cá làm ra con mắm
Tình nghĩa vợ chồng thương lắm em ơi…”
Ca dao
Câu ca dao ấy đã đi vào cuộc sống dân dã, bình dị và là câu nói quen thuộc của biết bao thế hệ con người miền Tây quê tôi. Không biết con mắm đã có từ bao giờ, có lẽ từ cái thời khai thiên lập địa, từ lúc khai hoang mở đất mà vùng đất miền Tây Nam Bộ này đã được mệnh danh là “trên lúa dưới cá”.
Món lẩu mắm của Bến Tre, miền Tây quê tôi |
Từ con mắm, bà con miền Tây đã chế biến ra biết bao món ăn đậm đà, đặc sắc như: mắm kho, mắm chưng,… nhưng lẩu mắm vẫn là món ăn đặc trưng nhất bởi hương vị nồng nàn khó cưỡng. Miền Tây sông nước vốn được thiên nhiên ưu ái với khí hậu trong lành, sông ngòi kênh rạch nặng trĩu phù sa nên nguồn cá tôm luôn dồi dào. Đặc biệt, vào những mùa nước nổi, lượng cá, tôm, cua ở đây nhiều vô kể nên người dân đã lấy cá đem đi phơi khô hoặc ủ làm mắm để ăn dần. Từ xa, hương thơm quyến rũ của lẩu mắm đã làm tôi ngất ngây mà với những ai chưa từng ăn món này thì có lẽ sẽ rất dè chừng nhưng nếu được một lần nếm thử thì chắn chắn sẽ muốn ăn mãi không thôi.
Lẩu mắm miền Tây là một món ăn có sự kết hợp của rất nhiều nguyên liệu tùy theo sở thích của người ăn từ cá, tôm, mực, thịt, lươn,…đến vô vàng các loại rau dân dã ăn kèm như: bông súng, rau nhút, hẹ, rau muống, rau tai tượng, bông điên điển, giá, bắp chuối, bông so đũa,…Thế nên, món ăn này còn được mệnh danh là “món lẩu chiều người ăn” và tạo nên một nét đặc trưng trong ẩm thực của vùng sông nước Nam Bộ. Linh hồn của món lẩu mắm chính là nồi nước dùng, đầu tiên chúng ta phải chọn được loại mắm là mắm cá linh hoặc cá sặc. Sau đó, đem con mắm đi nấu cho thật rã ra rồi lọc bỏ phần xương; kế tiếp chúng ta phi thơm sả, hành tím rồi cho nước dừa vào nấu sôi và cho hết phần nước thịt mắm đã lọc xương vào; lúc này chúng ta có thể thêm vào nồi nước dùng các món ăn kèm như: cà tím, nấm rơm, lá me non, khổ qua, …và nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn để hương vị thật đậm đà. Khi nồi lẩu mắm bắt đầu sôi bùng lên, chúng ta có thể cho các loại thịt, cá, tôm, mực,…vào nồi cho chính; khi ăn, các loại rau ăn mà chúng ta thích sẽ đưa dần vào nồi lẩu và thưởng thức cùng với bún.
Trong những ngày mưa, được quay quần bên gia đình cùng với một nồi lẩu mắm thì thật là tuyệt vời, hương thơm ngào ngạt từ nồi lẩu bên không khí ấm cúng đậm tình quê sẽ khiến bao thực khách say lòng và không cưỡng lại được theo câu dân gian mà ông bà ta thường nói:
“Miếng rau đau miếng mắm
Miếng mắm lắm miếng cơm”./.
Tường Vi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét