Cách thành phố Bến Tre khoảng 50km, Thạnh Phú là huyện giáp biển của tỉnh Bến Tre. Nếu đi thêm 20 km từ Trung tâm huyện sẽ đến Cồn Bửng. Nơi đây không chỉ có những giá trị truyền thống về mặt lịch sử - văn hóa, thiên nhiên mang đậm vẻ đẹp hoang sơ mà còn có những làng nghề thủ công truyền thống, con người đôn hậu, tất cả đã tạo nên cho Thạnh Phú những tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch.
Xác định được tiềm năng và thế mạnh của Thạnh Phú trong việc phát triển du lịch, huyện đang kêu gọi đầu tư, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch trên địa bàn. Trong thời gian vừa qua, Thạnh phú đã đẩy mạnh phát triển du lịch, đề ra các giải pháp phát triển du lịch đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Sản phẩm du lịch của huyện ngày càng được đầu tư phát triển, chất lượng dịch vụ du lịch được nâng cao, đáp ứng thị hiếu của du khách như: du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch nghiên cứu văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề,… Ngoài ra Thạnh Phú có hệ sinh thái biển vô cùng hấp dẫn với các loại hải sản tươi sống, tạo sức hấp dẫn riêng cho du lịch của huyện cũng như của tỉnh. Cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đang phát triển về chất lượng và số lượng, cơ sở lưu trú được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu của du khách; tính đến thời điểm tháng 11/2019 đã có 07 cơ sở lưu trú với 102 phòng phục vụ du khách, Cồn Bửng hiện có 16 điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Du lịch biển Cồn Bững - Thạnh Phú (Ảnh: P.VHTT Thạnh Phú) |
Trên địa bàn huyện Thạnh Phú hiện đang có nhiều dự án được đầu tư với số vốn lên đến hàng trăm tỉ đồng. Dự án bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị Di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại hai xã Thạnh Phong và Thạnh Hải với tổng mức đầu tư 1.500 tỉ đồng, ở giai đoạn I hơn 80 tỉ đồng và hiện nay đang tiến hành giai đoạn II. Tôn tạo Bia di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam trên địa bàn xã Thạnh Phong được đầu tư 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện đã nâng cấp trải nhựa Quốc lộ 57 đoạn từ Cầu Ván (xã Giao Thạnh) đến ngã ba Cồn Chim (xã Thạnh Phong), đưa vào sử dụng đường từ Nghĩa trang Liệt sĩ Hồ Cỏ đến Cồn Bửng (xã Thạnh Hải), thông xe Cầu Ván nối liền các xã cánh trên của huyện với ba xã ven biển, đáp ứng được nguyện vọng của người dân địa phương và du khách khi đến tham quan tại biển Cồn Bửng.
Tuy nhiên, du lịch Thạnh Phú cũng gặp nhiều thách thức, khó khăn và hạn chế lớn. Tính đến thời điểm này, huyện chưa có các cơ sở vui chơi, giải trí đáp ứng nhu cầu của du khách. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ. Các sản phẩm du lịch chưa đa dạng, hấp dẫn và bị trùng lắp. Hoạt động du lịch Cồn Bửng chỉ tập trung tại ven biển và đất liền, không gian biển chưa khai thác đúng với tiềm năng hiện có. Các cơ sở lưu trú phần lớn có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu cao của du khách. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay. Tiến độ triển khai các dự án còn chậm, kết cấu hạ tầng còn kém do thiếu vốn đầu tư, …
Lễ hội Nghinh Ông tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Ảnh: P.VHTT Thạnh Phú) |
Vì vậy, huyện cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư phát triển, xây dựng sản phẩm du lịch, tạo ra nét đặc thù riêng để không bị trùng lắp nơi khác, khai thác tốt các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc tạo nên sản phẩm khác biệt qua các kỳ lễ hội: Lễ hội Nghinh Ông, viếng Miếu Bà Chúa Xứ…
Liên kết với người dân địa phương để phát triển, hướng đến sự đồng thuận, nâng cao nhận thức về du lịch, giải quyết việc làm cho người dân, xây dựng hình ảnh người dân Bến Tre luôn thân thiện, hiếu khách là ưu điểm để hướng đến sự quay lại của du khách. Đồng thời giáo dục môi trường cho người dân địa phương, bảo vệ tài nguyên biển trong tình hình biến đổi khí hậu có tác động đến du lịch tại địa phương.
Đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch biển, khai thác tốt không gian giữa đất liền và biển. Kêu gọi thu hút đầu tư, có chính sách khuyến khích thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng gần biển để phục vụ nhu cầu của khách du lịch cũng như kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Thực hiện tốt công tác quảng bá, xúc tiến thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khai thác bản sắc văn hóa địa phương trong việc quảng bá hình ảnh đất và người Bến Tre.
Tăng cường liên kết hợp tác du lịch với các địa phương lân cận tạo ra tuyến tour liên huyện như: Chợ Lách - Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú, Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, tour du lịch văn hóa - tâm linh trên địa bàn huyện …hoặc liên kết tour với các tỉnh lân cận: Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long,…Trong đó, xây dựng mỗi địa phương có sản phẩm du lịch đặc thù để không bị trùng lắp và nhàm chán.
Thạnh Phú là huyện đang có những tiềm năng nổi trội về du lịch. Nếu biết cách phát triển và sự đầu tư đúng đắn theo hướng bền vững thì Thạnh Phú sẽ là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch mỗi lần đặt chân đến Bến Tre./.
Bảo Trâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét