Thứ Ba, 16 tháng 7, 2024

Cuộc thi sáng tác video clip giới thiệu du lịch Bến Tre năm 2024 và Cuộc thi ảnh đẹp du lịch Bến Tre năm 2024 trên Ứng dụng du lịch thông minh Bến Tre (App BenTre Tourism)

Xem chi tiết về thể lệ tại đây

Hướng tới lễ hội hoa - kiểng Chợ Lách năm 2025

Theo dự kiến, trước thềm Tết Nguyên đán 2025, từ ngày 8 đến 12-1-2025 sẽ diễn ra Lễ hội Hoa - Kiểng Chợ Lách với chủ đề “Sắc màu Chợ Lách”.


Du khách tham quan, chụp ảnh tại Làng hoa giấy tại ấp Lân Đông, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách

Đây là chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch kết hợp xúc tiến thương mại, dịch vụ, giải trí nhằm tôn vinh nghề trồng hoa, kiểng huyện Chợ Lách, phát huy giá trị kinh tế các sản phẩm từ hoa, kiểng địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế vườn, nghề trồng hoa kiểng gắn với Làng Văn hóa Du lịch và Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm - OCOP gắn với xây dựng hình ảnh địa phương.

Các hoạt động chủ yếu của lễ hội dự kiến được tổ chức tại quảng trường Trung tâm Hành chính huyện Chợ Lách, Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh huyện; Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre (cơ sở 2, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách), sân bóng đá Phú Sơn và phần đất K26, xã Phú Sơn.

Lễ hội Hoa - Kiểng Chợ Lách năm 2025 dự kiến sẽ có 18 hoạt động như: Tôn vinh nghề trồng hoa kiểng huyện Chợ Lách, Không gian trưng bày, triển lãm hoa, kiểng theo chủ đề, nghệ thuật xếp đặt, Tuyến đường check in (Huyện lộ 35 từ cầu Cái Mơn nhỏ đến cầu kênh Bảo Vàng, Huyện lộ 34 từ ngã Tư Út Na đến cầu Vàm Mơn - Khu vực Lò gạch cũ K26), Phiên chợ quê Làng hoa, kiểng Chợ Lách, hội thi sáng tạo bánh ngọt và pha chế thức uống từ trái cây Chợ Lách, các hội thảo về nâng cao chuỗi giá trị ngành hoa kiểng, kết nối giao thương sản phẩm hoa kiểng, ra mắt các chương trình tour du lịch trải nghiệm mới tại Chợ Lách, diễu hành xe hoa, trưng bày và chọi gà nghệ thuật, hội thi ảnh đẹp Hoa kiểng Chợ Lách, hội thi sinh vật cảnh huyện Chợ Lách, các trò chơi dân gian truyền thống, liên hoan giao lưu “Đờn ca tài tử” huyện Chợ Lách, chạy Marathon cung đường Làng Văn hóa và Du lịch Chợ Lách…

Hướng về lễ hội, hiện từ tháng 7-2024, UBND huyện Chợ Lách đã phát động nhân dân tham gia phong trào “Nhà nhà dọn dẹp vệ sinh tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp” và cuộc thi “Cổng đẹp. rào xanh”.

Tin, ảnh: Thanh Đồng

Nguồn: https://baodongkhoi.vn 

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2024

Món Ngon Từ Nước Dừa Bến Tre

Về Bến Tre, du khách bốn phương sẽ được thưởng thức loại nước mát lành tự nhiên mà không nơi đâu sánh được nhờ vào thổ nhưỡng nơi đây. Và ai đã phải lòng ẩm thực từ loại trái này rồi thì sẽ nhớ mãi về nó. Đó chính là tinh túy của trái dừa Bến Tre. Dừa tươi từ lâu đã được xem là một loại thức uống giải khát rất tốt cho sức khỏe và được nhiều người yêu thích. Từ cơm dừa, nước dừa, có thể chế biến ra những loại nước uống mát lành cho những ngày hè nóng nực và những món ăn thơm ngon hấp dẫn quanh năm.

Nước dừa được ví như là một loại nước thần kỳ mà tự nhiên đã ban tặng cho con người. Nước dừa vô cùng giàu chất dinh dưỡng, có thể nói đến đó chính là thành phần các chất điện giải, axit amin, các khoáng chất cùng hàng loạt các chất dinh dưỡng khác. Người dân Bến Tre đã kết hợp sáng tạo ra nhiều thức uống từ nước dừa, cơm dừa như nước dừa tắc, nước rau má dừa, sinh tố dừa, … cùng các món ăn mát lạnh như rau câu dừa tươi, thạch trái cây nước dừa, … Nước dừa tươi còn là một nguyên liệu kết hợp không thể thiếu để chế biến nên những món kho, món lẩu, … ngọt thanh tự nhiên vô cùng hấp dẫn như: cơm trái dừa, tôm hấp nước dừa tươi, cá bống kho nước dừa, gà quay nước dừa, thịt ba chỉ kho trứng nước dừa tươi, lẩu ngọt, lẩu chua, …


Nước dừa tươi Bến Tre (Ảnh: T.N)

Nếu có dịp về Bến Tre - Du lịch sinh thái sông nước Xứ Dừa, du khách không chỉ được trải nghiệm lại cảm giác yên bình miền quê, dạo quanh những khu homestay bình dị, được thả mình dưới những rặng dừa xanh, bên những dòng sông gió mát trong lành. Du khách còn được thưởng thức những bữa cơm đậm đà tình quê thanh bình ấm áp với cơm nóng cùng rất nhiều các món ăn từ dừa, trong đó có đặc sản phổ biến và thơm ngon tự nhiên tại Bến Tre đó là cá bống kho nước dừa.

Với hương vị đặc biệt, đặc sản cá bống kho nước dừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam - VietKings bình chọn vào Top món ăn đặc sản Việt Nam (2021-2022) và được giới thiệu trên các cổng thông tin điện tử của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings), Top Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Người Việt toàn cầu (VietWorld), các kênh truyền thông cùng các địa phương trên cả nước.

Để chế biến được món ăn ngon này, cần chuẩn bị nguyên liệu chính là dừa tươi và cá bống. Dừa tươi sẽ được bổ tách lấy nước cho vào tô. Để khử mùi tanh của cá bống thì sau khi làm cá xong cần chà xát cá với muối và chanh rồi rửa sạch, để ráo nước. Điều đặc biệt tạo nên đặc sản Bến Tre là món ăn này được kho với cá bống. Cá bống rất phổ biến ở Bến Tre, thường được bắt tự nhiên ở các mương rạch nhiều bóng râm bằng cách câu với mồi nhử hay đặt đục, đặt dớn, đặt lợp, … Tuy là loại cá dân dã nhưng thịt rất ngon, ngọt tạo nên nét riêng biệt và là món ăn quen thuộc gắn bó với đời sống của bà con Xứ Dừa từ xưa đến nay.


Cá bống dừa tự nhiên, tươi ngon (Ảnh: sưu tầm)

Cách chế biến món này cũng rất đơn giản, ướp cá bống với nước mắm, nước màu dừa, hành, tỏi, hạt nêm, … Sau 30 phút, cá ướp xong được cho vào nồi đất và bắt đầu đun lên. Lúc này có thể cho vào nồi một ít dầu ăn trộn đều. Đun đến khi thịt cá săn lại, cho tiếp vào nồi một ít tóp mỡ, như vậy cá sẽ chín đều hơn và nhìn món ăn rất đẹp mắt. Đặc biệt khi chế biến món cá bống kho, nếu chuẩn bị được dụng cụ nấu là chiếc ơ đất (tộ, nồi đất) thì cá kho nước dừa sẽ đậm vị hơn.


Cá bống kho nước dừa đang sôi trên bếp thơm lừng (Ảnh: T.N)

Công đoạn tiếp là cho ớt, tiêu hạt vào nồi đất để tạo mùi vừa cay cay, vừa thơm. Khoảng 15 phút sau thì cho nước dừa xiêm vào ngập mặt cá để cá thấm nước dừa. Ngày nay, để thuận tiện cho việc chuẩn bị nguyên liệu chế biến, có thể mua sản phẩm nước dừa tươi đóng hộp tiện lợi, ngon chuẩn vị Bến Tre như: Vietcoco, Cocoxim, Delta coco. Khi cho nước dừa vào, lửa cần được giảm xuống riu riu, nêm nếm gia vị lại cho vừa ăn và nấu thêm 10 phút nữa cho tới khi nồi cá còn xâm xấp nước là nhấc xuống, nồi cá kho còn sôi li ti nóng hổi bóc khói là thưởng thức ngay.


Cá bống kho nước dừa màu đẹp, mùi vị đậm đà thơm ngon (Ảnh: T.N)

Món cá bống kho nước dừa với mùi vị thơm lừng đánh thức mọi giác quan, thịt cá săn chắc, màu đẹp, ăn lại ngon, không hề có chút mùi tanh nào của cá, không chỉ cá tươi ngon mà nước kho cá cũng rất đậm đà. Món ăn sẽ càng thêm ngon khi ăn kèm với cơm nóng và các loại rau vườn như: kèo nèo, đọt nhãn lòng, chuối sống, bắp chuối non, đậu rồng, bông súng, … để chấm với nước cá, ngon, chân chất, dân dã, càng ăn càng kích thích vị giác. Ngoài ra, cá bống kho nước dừa ăn với cháo trắng và rau củ luộc cũng rất hấp dẫn.


Cá bống kho nước dừa càng thêm ngon khi ăn kèm với cơm nóng và các loại rau vườn (Ảnh: T.N)

Món cá bống kho nước dừa sẽ giúp cho bữa cơm mỗi gia đình thêm phần phong phú hơn. Hãy về Bến Tre và thưởng thức những đặc sản ẩm thực Xứ Dừa mang đậm nét dân dã đặc trưng nơi đây, đặc biệt là đừng quên thưởng thức đặc sản cá bống kho nước dừa, một trong những món ăn đậm vị ngọt lành của cá đồng tươi, bữa cơm hòa chung với những tiếng cười vui vẻ, sẽ giúp du khách càng ăn càng ngon cơm và càng thương mến Bến Tre./.

Thanh Nhã

Về Bến Tre Thưởng Thức Ốc Len Xào Dừa

Ẩm thực không chỉ là nhu cầu đơn thuần của du khách mà còn là trải nghiệm được mang lại từ những chuyến đi với đậm nét địa phương và gây ấn tượng trong lòng mỗi du khách. Bến Tre hiện đang đẩy mạnh việc phát triển du lịch và cũng là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách khi nhắc đến văn hóa bản địa cũng như ẩm thực hấp dẫn tại địa phương.

Có thể nói, các món ăn ở Bến Tre dường như đa phần đều có sự góp mặt của dừa. Ngoài kẹo dừa, bánh dừa… được nhiều du khách biết đến, Xứ Dừa còn có những trải nghiệm mới lạ về ẩm thực, mỗi món ăn tuy mộc mạc, dân dã kết hợp từ những nguyên liệu có sẵn ở địa phương nhưng hương vị lại rất ấn tượng. Trong số đó, có một món ăn được đông đảo du khách yêu thích mỗi khi có dịp ghé đến đó chính là món ốc len xào nước cốt dừa.

Ốc len có thân hình dạng xoắn ốc đặc trưng, lớp vỏ cứng cáp, màu nâu đậm, kích thước không quá lớn, phần đầu to, đuôi nhọn. Loài ốc này thường sinh sống ở các cánh rừng ngập mặn hay những bãi bồi ven biển, sinh sôi phát triển tự nhiên và bám chặt trên những thân cây dọc theo bờ. Ốc len còn sống thì phần thịt có màu đỏ, sau khi được chế biến thì sẽ chuyển sang màu xanh ngọc, hương vị cuốn hút nên đã trở thành một trong những món đặc sản của ẩm thực Xứ Dừa.


Ốc len (Ảnh: M.C)

Ngoài là món ăn ngon, nhiều du khách vẫn không biết rằng ốc len lại có giá trị dinh dưỡng rất cao, ốc len cung cấp cho cơ thể chất béo, protein, canxi, sắt, vitamin. Thịt ốc giúp cho cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng. Do đó, ốc len thường được người dân địa phương chế biến thành nhiều món ăn như: ốc len xào sả ớt, ốc len xào me, ốc len rang muối… tuy nhiên trong số đó thì ốc len xào nước cốt dừa vẫn là ngon nhất.

Vào những ngày đầu mùa mưa (cuối tháng 4, đầu tháng 5 Âm lịch) là thời điểm các loại ốc xuất hiện khá nhiều ở ven sông, những bãi bồi ven biển hoặc trên thân cây dừa nước. Lúc này, người dân địa phương sẽ bắt ốc len về để chế biến. Trước khi nấu, ốc sẽ được ngâm qua đêm hoặc nếu ăn ngay thì sẽ ngâm trong nước vo gạo hoà với ớt để ra hết chất bùn, nhớt, sau đó đem đi rửa sạch và chặt bỏ phần đuôi ốc. Tiếp theo khâu tẩm ướp rất quan trọng, cần phải đảm bảo đầy đủ các gia vị như ớt, tỏi, sả, muối, đường và nước mắm thì mới tạo nên mùi vị đặc trưng rất riêng của món ăn. Đặc biệt, linh hồn của món ăn chính là phần nước cốt dừa sánh đặc.

Phi thơm tỏi, sau đó cho ốc đã ướp gia vị vào rồi xào gần chín tới, cho phần nước cốt dừa đổ vào chảo ốc len đã xào chín trước đó rồi nêm nếm gia vị vừa miệng. Cuối cùng, cho thêm rau răm, ớt tươi và để lửa nhỏ, đợi nước cốt dừa thấm vào từng con ốc thì tiếp tục đảo đều tay cho đến khi món ăn sánh lại thì tắt bếp.

Món ăn hoàn thành được bày trí ra đĩa, hương thơm nồng của ớt, sả và nước cốt dừa khiến bụng ai cũng thổn thức. Thưởng thức ốc len xào nước cốt dừa, du khách sẽ cảm nhận được vị béo đậm đà, vị ngọt thơm kết hợp với vị cay the tạo nên sức cuốn hút khó tả. Những du khách đã từng có trải nghiệm qua món ăn này thì chắc hẳn sẽ không thể nào quên được mùi vị hấp dẫn của ốc len xào nước cốt dừa Bến Tre.


Ốc len xào dừa (Ảnh: M.C)

Ốc len xào nước cốt dừa là một món ăn dân dã, mộc mạc, mang đậm hương vị đặc trưng của Xứ dừa gắn liền với đời sống của con người nơi đây. Hè này, nếu chưa biết du lịch đến nơi nào thì hãy nghĩ ngay đến Bến Tre bởi vì ngoài những sản phẩm du lịch phục vụ du khách, Bến Tre còn có những món ăn đặc trưng của quê hương xứ dừa khiến cho du khách không thể nào quên được.

Minh Chương

Bánh Quê – Ký Ức Tuổi Thơ Lan Toả Giá Trị Văn Hoá

Từ lâu, bánh quê (hay còn gọi là bánh dân gian Nam bộ) nhận được nhiều sự quan tâm của du khách bởi sự hấp dẫn đủ màu sắc, hương vị thơm ngọt. Hẳn tuổi thơ của rất nhiều người đều có ký ức về những món bánh bình dị này, trẻ em đến người lớn, ai cũng đã từng rất háo hức thưởng thức món bánh đậm đà vị quê hương. Trải qua bao thăng trầm, món bánh quê vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng mỗi người trước sự mới mẻ, đa dạng của các loại bánh hội nhập trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, thể hiện được những giá trị văn hóa của vùng đất, con người, giá trị văn hóa địa phương, phong tục trong cách ăn uống của người dân miền Tây nói chung và người Bến Tre nói riêng.

KỲ I: HƯƠNG VỊ VÀ SỰ ĐA DẠNG CHỦNG LOẠI BÁNH QUÊ

Bánh quê có đến hơn trăm loại, chỉ dùng những nguyên liệu đơn giản ở địa phương, qua sự sáng tạo trong cách chế biến làm ra nhiều loại bánh như: bánh cam, bánh tiêu, bánh chuối, bánh bò, bánh lọt, bánh da lợn, bánh còng, bánh cuốn ngọt, bánh cúng, bánh ít, bánh lá mơ nước cốt dừa, bánh chuối,…

Bánh dân gian thể hiện linh hồn xứ sở

Bến Tre là vùng đất trù phú, có số lượng dừa lớn nhất cả nước, về xứ sở dừa xanh, nhất định phải thưởng thức bánh quê vì đa số các loại bánh đều có thành phần nước cốt dừa, người dân thường sẽ cho nhiều nước cốt đặc, béo ngậy và thơm ngọt. Bánh quê tuy đơn giản, mộc mạc nhưng bánh được làm thủ công đòi hỏi sự khéo léo và tâm huyết để tạo ra được chiếc bánh quê ngon, đậm vị truyền thống.

Về Bến Tre nhất định phải thưởng thức món bánh lá mơ. Bánh làm từ gạo ngâm với nước, xắt nhuyễn lá rau mơ xay ra chung với gạo, dằn để lấy bột. Sau đó, trộn bột với một ít bột mì tinh, nước cốt dừa, nhào bột đến khi không dính tay là được. Lá dừa nước lựa lá bản to, không sâu, đem về cạo bỏ rốn và lau sạch, nắn bột lên lá dừa nước (có nơi dùng lá chuối, lá mít để nắn bánh), nhưng nhiều người khen bánh lá mơ ngon nhất khi được nắn bằng lá dừa nước, khi hấp lên tỏa ra hương thơm rất đặc biệt. Hấp khoảng 15-20 phút là bánh chín, khuấy nước cốt dừa đặc trên bếp để làm nước chấm ăn chung với bánh, thêm lá dứa (có nơi cho hành lá) để tăng thêm hương vị là hoàn thành xong món bánh.

Bánh lá mơ nước cốt dừa (Ảnh: B.T)

Hiện nay, trên Quốc lộ 57, hướng từ xã Tân Thành Bình đến xã Hoà Lộc (huyện Mỏ Cày Bắc), nhiều hộ dân bán loại bánh đặc sản này dọc hai bên đường phục vụ người dân và du khách, nhận được nhiều lời khen bởi vị thơm ngon, bánh hấp nóng thưởng thức tại chỗ cùng nước cốt béo ngậy.

Một món bánh ngon khó có thể bỏ qua tại Xứ Dừa có thể kể đến là bánh bò. Bánh được làm từ bột gạo, pha cùng nước cốt dừa và nước theo tỷ lệ vừa đủ, ủ kín qua đêm. Đặc biệt, người làm bánh sẽ cho thêm một ít nước cơm rượu để bánh lên men và có độ xốp trước khi bỏ vào khuôn đem đi hấp. Một số nơi muốn bánh thêm hấp dẫn, người dân sẽ cho nước lá dứa (lá nếp) tạo màu xanh, lá cẩm tạo màu tím, trái gấc cho màu cam, củ dền cho màu đỏ,… tuỳ vào điều kiện mà người làm bánh sáng tạo ra đủ loại màu sắc bắt mắt. Bánh chín thưởng thức với nước cốt dừa khuấy đặc. Bánh bò ngọt nhẹ, dai và thơm, nhiều màu sắc thưởng thức cùng nước cốt dừa béo ngậy khiến du khách thích thú.


Bánh các loại: bánh bò, bánh da lợn, bánh khoai mì nướng, bánh đúc
(Ảnh: B.T)

Một món bánh kì công có thể kể đến món bánh đúc lá dứa với sức hấp dẫn đặc biệt bởi vị ngọt, vị béo của nước cốt dừa, hương thơm ngào ngạt của lá dứa. Bánh đúc lá dứa là món quà quê đi vào ký ức tuổi thơ của biết bao đứa trẻ lớn lên dưới bóng dừa. Bánh đúc được biết đến là một món ăn có xuất xứ từ miền Bắc, theo hành trình mở cõi về phương Nam, qua quá trình lao động, người dân đã sáng tạo, khéo léo làm ra loại bánh bình dị nhưng lại đặc biệt thơm ngon. Món ăn kết hợp giữa bột gạo, lá dứa, nước cốt dừa. Bánh được làm từ gạo ngon ngâm qua đêm cùng với nước vôi trong (vôi ăn trầu) hoặc nước tro từ đêm trước. Qua hôm sau, gạo vo bằng nước sạch nhiều lần, cho nước xâm xấp, vừa đủ ngập phần gạo; rửa sạch lá dứa, xắt thật nhuyễn rồi cho luôn lá dứa vào xay cùng với gạo, trộn đều.

Phần kì công nhất khi làm bánh này chính là phần khuấy bột, cho bột vào khuấy bột liên tục, phải vừa canh lửa cho đều. Bột bắt đầu chín dần; cho phần bột ra xửng đã được thoa một lớp dầu dừa, để nguội. Tinh hoa của món bánh đúc lá dứa chính là ở phần nước đường và nước cốt dừa để dùng chung với bánh. Nước đường dùng chung món bánh đúc lá dứa gồm: nước cốt dừa, đường cát trắng, nước cốt gừng, bột mì. Khi đường tan hết vào trong nước cốt dừa và nước cốt gừng, vị béo, hương vị thơm lừng và sóng sánh thì đến lúc thưởng thức món bánh này. Bánh dai, giòn, thơm mùi lá dứa, dùng chung nước đường ngọt lịm, vị béo từ nước cốt khiến ai cũng mê mẫn.

Các món bánh quê thường được tìm thấy nhiều trong các chợ ở Bến Tre. Giữa hàng trăm loại bánh dân gian hiện nay, bánh quê luôn có một vị trí quan trọng trong lòng của người dân Bến Tre, bánh không chỉ để thưởng thước lúc nhàn rỗi mà còn là những ký ức tuổi thơ dường như đã cuốn mất từ dòng xoáy của nơi thành thị, giới thiệu cho bạn bè quê mình có sự phong phú về các loại bánh dân dã nhưng có một sức hút đặc biệt.

Bảo Trâm

Nguồn: https://bentretourism.vn