Thứ Hai, 15 tháng 7, 2024

Bánh Quê – Ký Ức Tuổi Thơ Lan Toả Giá Trị Văn Hoá

Từ lâu, bánh quê (hay còn gọi là bánh dân gian Nam bộ) nhận được nhiều sự quan tâm của du khách bởi sự hấp dẫn đủ màu sắc, hương vị thơm ngọt. Hẳn tuổi thơ của rất nhiều người đều có ký ức về những món bánh bình dị này, trẻ em đến người lớn, ai cũng đã từng rất háo hức thưởng thức món bánh đậm đà vị quê hương. Trải qua bao thăng trầm, món bánh quê vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng mỗi người trước sự mới mẻ, đa dạng của các loại bánh hội nhập trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, thể hiện được những giá trị văn hóa của vùng đất, con người, giá trị văn hóa địa phương, phong tục trong cách ăn uống của người dân miền Tây nói chung và người Bến Tre nói riêng.

KỲ I: HƯƠNG VỊ VÀ SỰ ĐA DẠNG CHỦNG LOẠI BÁNH QUÊ

Bánh quê có đến hơn trăm loại, chỉ dùng những nguyên liệu đơn giản ở địa phương, qua sự sáng tạo trong cách chế biến làm ra nhiều loại bánh như: bánh cam, bánh tiêu, bánh chuối, bánh bò, bánh lọt, bánh da lợn, bánh còng, bánh cuốn ngọt, bánh cúng, bánh ít, bánh lá mơ nước cốt dừa, bánh chuối,…

Bánh dân gian thể hiện linh hồn xứ sở

Bến Tre là vùng đất trù phú, có số lượng dừa lớn nhất cả nước, về xứ sở dừa xanh, nhất định phải thưởng thức bánh quê vì đa số các loại bánh đều có thành phần nước cốt dừa, người dân thường sẽ cho nhiều nước cốt đặc, béo ngậy và thơm ngọt. Bánh quê tuy đơn giản, mộc mạc nhưng bánh được làm thủ công đòi hỏi sự khéo léo và tâm huyết để tạo ra được chiếc bánh quê ngon, đậm vị truyền thống.

Về Bến Tre nhất định phải thưởng thức món bánh lá mơ. Bánh làm từ gạo ngâm với nước, xắt nhuyễn lá rau mơ xay ra chung với gạo, dằn để lấy bột. Sau đó, trộn bột với một ít bột mì tinh, nước cốt dừa, nhào bột đến khi không dính tay là được. Lá dừa nước lựa lá bản to, không sâu, đem về cạo bỏ rốn và lau sạch, nắn bột lên lá dừa nước (có nơi dùng lá chuối, lá mít để nắn bánh), nhưng nhiều người khen bánh lá mơ ngon nhất khi được nắn bằng lá dừa nước, khi hấp lên tỏa ra hương thơm rất đặc biệt. Hấp khoảng 15-20 phút là bánh chín, khuấy nước cốt dừa đặc trên bếp để làm nước chấm ăn chung với bánh, thêm lá dứa (có nơi cho hành lá) để tăng thêm hương vị là hoàn thành xong món bánh.

Bánh lá mơ nước cốt dừa (Ảnh: B.T)

Hiện nay, trên Quốc lộ 57, hướng từ xã Tân Thành Bình đến xã Hoà Lộc (huyện Mỏ Cày Bắc), nhiều hộ dân bán loại bánh đặc sản này dọc hai bên đường phục vụ người dân và du khách, nhận được nhiều lời khen bởi vị thơm ngon, bánh hấp nóng thưởng thức tại chỗ cùng nước cốt béo ngậy.

Một món bánh ngon khó có thể bỏ qua tại Xứ Dừa có thể kể đến là bánh bò. Bánh được làm từ bột gạo, pha cùng nước cốt dừa và nước theo tỷ lệ vừa đủ, ủ kín qua đêm. Đặc biệt, người làm bánh sẽ cho thêm một ít nước cơm rượu để bánh lên men và có độ xốp trước khi bỏ vào khuôn đem đi hấp. Một số nơi muốn bánh thêm hấp dẫn, người dân sẽ cho nước lá dứa (lá nếp) tạo màu xanh, lá cẩm tạo màu tím, trái gấc cho màu cam, củ dền cho màu đỏ,… tuỳ vào điều kiện mà người làm bánh sáng tạo ra đủ loại màu sắc bắt mắt. Bánh chín thưởng thức với nước cốt dừa khuấy đặc. Bánh bò ngọt nhẹ, dai và thơm, nhiều màu sắc thưởng thức cùng nước cốt dừa béo ngậy khiến du khách thích thú.


Bánh các loại: bánh bò, bánh da lợn, bánh khoai mì nướng, bánh đúc
(Ảnh: B.T)

Một món bánh kì công có thể kể đến món bánh đúc lá dứa với sức hấp dẫn đặc biệt bởi vị ngọt, vị béo của nước cốt dừa, hương thơm ngào ngạt của lá dứa. Bánh đúc lá dứa là món quà quê đi vào ký ức tuổi thơ của biết bao đứa trẻ lớn lên dưới bóng dừa. Bánh đúc được biết đến là một món ăn có xuất xứ từ miền Bắc, theo hành trình mở cõi về phương Nam, qua quá trình lao động, người dân đã sáng tạo, khéo léo làm ra loại bánh bình dị nhưng lại đặc biệt thơm ngon. Món ăn kết hợp giữa bột gạo, lá dứa, nước cốt dừa. Bánh được làm từ gạo ngon ngâm qua đêm cùng với nước vôi trong (vôi ăn trầu) hoặc nước tro từ đêm trước. Qua hôm sau, gạo vo bằng nước sạch nhiều lần, cho nước xâm xấp, vừa đủ ngập phần gạo; rửa sạch lá dứa, xắt thật nhuyễn rồi cho luôn lá dứa vào xay cùng với gạo, trộn đều.

Phần kì công nhất khi làm bánh này chính là phần khuấy bột, cho bột vào khuấy bột liên tục, phải vừa canh lửa cho đều. Bột bắt đầu chín dần; cho phần bột ra xửng đã được thoa một lớp dầu dừa, để nguội. Tinh hoa của món bánh đúc lá dứa chính là ở phần nước đường và nước cốt dừa để dùng chung với bánh. Nước đường dùng chung món bánh đúc lá dứa gồm: nước cốt dừa, đường cát trắng, nước cốt gừng, bột mì. Khi đường tan hết vào trong nước cốt dừa và nước cốt gừng, vị béo, hương vị thơm lừng và sóng sánh thì đến lúc thưởng thức món bánh này. Bánh dai, giòn, thơm mùi lá dứa, dùng chung nước đường ngọt lịm, vị béo từ nước cốt khiến ai cũng mê mẫn.

Các món bánh quê thường được tìm thấy nhiều trong các chợ ở Bến Tre. Giữa hàng trăm loại bánh dân gian hiện nay, bánh quê luôn có một vị trí quan trọng trong lòng của người dân Bến Tre, bánh không chỉ để thưởng thước lúc nhàn rỗi mà còn là những ký ức tuổi thơ dường như đã cuốn mất từ dòng xoáy của nơi thành thị, giới thiệu cho bạn bè quê mình có sự phong phú về các loại bánh dân dã nhưng có một sức hút đặc biệt.

Bảo Trâm

Nguồn: https://bentretourism.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét