Thứ Năm, 3 tháng 5, 2018

Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu

Đó là chủ đề của Hội thảo Quốc tế diễn ra ngày 20/4/2018 tại TP.Cần Thơ. Hội thảo nhằm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 1 năm 2017 của Chính Phủ về phát triển du lịch bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu; đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi lễ ký kết bốn bên về Dự án "Phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu mà TP.Cần Thơ là Trung tâm".

Ủy ban nhân dân TP.Cần Thơ phối hợp với Tập đoàn tư vấn Quốc tế Boston Consulting Group (BCG) tổ chức Hội thảo nêu trên, với sự tham gia của nhiều chuyên gia của Tập đoàn BCG (ông Christopher Malone - Giám đốc toàn cầu về kinh tế phát triển bền vững, ông John Linquist - Cố vấn cấp cao của Tập đoàn, ông Jonatan Gomez - Chuyên gia của tổ chức du lịch thế giới - Liên Hợp Quốc (UNWTO)); Các chuyên gia Việt Nam về phát triển bền vững môi trường và hệ sinh thái khu vực ĐBSCL; chuyên gia lĩnh vực lữ hành và điều hành tour du lịch sông nước trong nước và thế giới; cùng sự tham dự của lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch 13 tỉnh thành ĐBSCL và nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch.
Ông John Linquist, Cố vấn cấp cao trong lĩnh vực du lịch của BCG
Hội thảo đã đánh giá và định hướng tầm nhìn mới cho du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu. Tọa đàm trao đổi và tổng hợp ý kiến các bên với sự góp ý của các chuyên gia về một số hướng giải pháp để thay đổi căn bản du lịch ĐBSCL. Qua đó làm cơ sở quan trọng giúp đơn vị tư vấn tiếp tục xây dựng và đề xuất hệ thống giải pháp tân tiến, hiện đại để phát triển du lịch mang tính kết nối vùng. 

Thực tại thì du lịch ĐBSCL còn vướng nhiều hạn chế nhất định trong kết nối giao thông; từng cụm du lịch ĐBSCL cần nâng cấp đáng kể. Trước mắt các chuyên gia đánh giá rằng cần phải phát triển đường bay, hoàn thành đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh với TP.Cần Thơ; xây dựng đề xuất giá trị và sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn và hiện đại; cải thiện, nâng cấp hệ thống lưu trú, đầu tư cơ sở lưu trú 3 đến 5 sao là điều cần thiết để thu hút khách du lịch đến với vùng và tăng thời gian lưu trú; khôi phục khả năng kết nối là nền tảng chính giúp tăng trưởng ngành du lịch; Giữ vững tài nguyên du lịch chủ chốt của vùng sông nước, vườn cây, tài nguyên hiện có làm chủ chốt sẽ là trụ cột để phát triển du lịch. Đặc biệt là cần xây dựng thương hiệu từng nơi trong vùng đưa lên bản đồ thế giới; Để thực hiện tầm nhìn và khai thác tiềm năng tối đa của khu vực cần phải đảm bảo tài chính và xây dựng cơ cấu chính sách thích hợp.

Du lịch Nông nghiệp là thị trường ngách đang nổi đối với du khách, liên kết chặt chẽ đối với du khách cũng là cần thiết và phù hợp với xu hướng hiện nay đối với vùng ĐBSCL mà các tỉnh cụm phía Đông cần khai thác. Ý nghĩa quan trọng đặt ra với chiến lược du lịch ĐBSCL là đề xuất giá trị rõ nét cho các phân khúc mục tiêu như xuất hiện hình ảnh trong tâm thức du khách khi đến với ĐBSCL với tư cách là điểm đến chủ đạo; tận dụng ưu thế tự nhiên để khai thác xu hướng chính như trải nghiệm văn hóa chân thực, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe,...; phát triển sản phẩm mang tính biểu tượng như thu hút du khách thông qua đầu tư vào tài sản và trải nghiệm chủ đạo, xây dựng các kế hoạch, lịch trình tổ chức các sự kiện và xây dựng nền tảng kỹ thuật số;....
Tọa đàm của các chuyên gia Du lịch tại Hội thảo
Các tài sản du lịch của ĐBSCL đang bị đe dọa bởi diễn biến của biến đổi khí hậu, bởi thế sinh thái trong phát triển du lịch cần được bảo tồn và phát huy tiềm năng như rừng dừa, rừng tràm, rừng ngậm mặn,... tất cả phát triển trong lĩnh vực du lịch cần dựa vào giá trị cảnh quan, dựa vào văn hóa bản địa, dựa vào lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng,... tất cả đều dựa trên nền tảng sông nước sinh thái. Những vấn đề đặt ra cần lưu ý là sông ngòi sinh thái không còn sử dụng được, không còn bơi lội được do lượng rác thảy lớn từ nông nghiệp, công nghiệp, từ sinh hoạt thường ngày cảu người dân, hay từ các công trình làm ngăn cản dòng chảy,...; rừng ngập mặn, bờ đê, bãi cát ...bị sạt lở nhiều do thiếu phù sa, do khai thác cát quá nhiều;... tất cả đã làm văn hóa sông nước bị bào mòn, những hoạt động sông nước giảm dần, trẻ em nông thôn không biết bơi, ghe xuồng ít dần ở vùng sông nước, thậm chí những chợ nổi bị chìm dần theo thời gian. Hiện tại còn được Chợ nổi Cái Răng, Chợ nổi Cái Bè và Chợ nổi Dừa Bến Tre đang nổi lên, cần gìn giữ và bảo tồn để phát triển du lịch tạo đặc thù cho ĐBSCL.

ĐBSCL phát triển du lịch trong biến đổi khí hậu lợi ích sẽ mang lại bền vững như giúp ĐBSCL trở thành một đồng bằng đẹp, trù phú, thịnh vượng, thoát nghèo; giúp thu hút đầu tư theo hướng công nghệ không khói thay gì đầu tư cho sản xuất; giúp tăng việc làm, tăng thu nhập sẽ giúp giảm thâm canh nông nghiệp, ít mẫn cảm hơn với biến đổi khí hậu; giúp nuôi dưỡng được những giá trị quan trọng về thiên nhiên, văn hóa. Vậy điều cần thiết là đa dạng hóa tăng dịch vụ du lịch, tăng chất lượng nông nghiệp, tích hợp du lịch vào các quy hoạch phát triển, các đề án án liên kết vùng như: Duyên hải phía Đông, Đồng Tháp Mười, Bán đảo Cà Mau hay Tứ giác Long xuyên./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét