Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

Phát triển loại hình du lịch tâm linh tại Bình Đại - Bến Tre

Vừa qua, ông Trần Duy Phương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Ủy ban nhân dân huyện Bình Đại, phòng Văn hóa và Thông tin và phòng Nội Chính huyện có buổi làm việc cùng Ban Trị sự chùa Vạn Phước với sự tiếp đón của Đại Đức Thích Phước Chí, Thầy Phước Đạt và Thầy Phước Khai,... để thống nhất các hoạt động dịch vụ phục vụ du khách đến hành hương cũng như khách tham quan nơi Tu thập tại Chùa Vạn Phước - Thị trấn Bình Đại. Qua buổi trao đổi được sự đồng thuận của Ban Trị sự Chùa cùng chính quyền địa phương và ngành Văn hóa - Du lịch trong phát triển du lịch địa phương tại Bình Đại với loại hình du lịch tâm linh kết hợp du lịch sinh thái biển làm điểm nhấn cho sự phát triển du lịch địa phương trong việc triển khai thực hiện đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.
Buổi trao đổi cùng Ban Trị sự chùa Vạn Phước. Ông Trần Duy Phương- PGĐ Sở VHTTDL (thứ 2 từ trái sang); Đại Đức Thích Phước Chí - Trụ trì chùa Vạn Phước (thứ 3 từ trái sang)
Bến Tre là tỉnh nằm cuối cùng của dòng hạ lưu sông MêKông, qua bốn cửa sông (sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên), từ đó hình thành tỉnh Bến Tre từ ba dải cù lao giáp biển, với chiều dài bờ biền là 65km. Huyện Bình Đại là một trong ba huyện ven biển thuộc tỉnh Bến Tre, có địa hình gần như xung quanh là sông nước; Đông giáp Biển, Bắc giáp cửa sông Tiền, Nam giáp cửa sông Ba Lai, Tây giáp huyện Châu Thành. Bình Đại là vùng đất thiêng, có nhiều tài nguyên du lịch mà được thiên nhiên ban tặng, có nhiều sản phẩm du lịch mang tính tâm linh như Lễ hội Nghinh Ông là một lễ hội lớn nhất trong ba huyện biển được tổ chức hàng năm vào tháng 6 âm lịch; đây là lễ hội thu hút nhiều du khách tham dự, đặc biệt là đối với Ngư dân bản địa các các nơi. Chùa Vạn Phước cũng là một trong những ngôi chùa lớn và đẹp, có kiến trúc và quang cảnh thu hút nhiều du khách đến hành hương và tham quan.
Một góc kiến trúc của Chùa Vạn Phước
Bình Đại là một vùng đất xứ biển, xung quanh là cây ngập mặn và những vuông tôm công nghiệp, lại có ngôi chùa khang trang được xây dựng nơi đầm lầy đầy cây dại; Chùa Vạn Phước do Đại đức Thích Phước Chí xây dựng và trụ trì, chùa được xây dựng từ năm 2000 tại ấp Bình Chiến, thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, ngôi chùa tràn ngập ánh đạo vàng làm lộng lẫy một góc trời Đông duyên hải với khuôn viên rộng 80.000m2, cách Thị Trấn Bình Đại 2km trên đường ra biển, đã góp phần trong việc thu hút khách du lịch đến với vùng đất biển nầy. Thời gian từ năm 2010, phật tử đến tu thập thật đông, cũng như du khách khách thập phương đến hành hương và chiêm ngưỡng ngày càng nhiều, nhất là khách từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, có đoàn đến vài trăm khách. Hiện nay lượng khách đến Chùa Vạn Phước trong những ngày thứ 7, chủ nhật hay những ngày rầm cũng khá đông, đặc biệt là những ngày rầm lớn như tháng giêng, tháng bảy và tháng mười hay những ngày tết Nguyên Đán cổ truyền lượng khách hàng ngàn lượt mỗi ngày.

Kiến trúc tổng quan chùa gồm cổng Tam quan với cặp rồng vàng chầu, khu chánh điện, khu vực tượng Bồ tát Quán Thế Âm, khu vực tượng Đức Phật Thích Ca ngồi dưới gốc bồ đề, nhà làm việc, phòng khách, phòng thuốc Nam từ thiện, nhà ăn chay dành cho du khách đoàn, bảng công đức và bàn thờ Tổ quốc với chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, … Đặc biệt có tượng phật Di Lặc cao 12,45m, nặng khoảng 99 tấn do điêu khắc gia Thụy Lam tạo tác hoàn thành ngày 29/1/2010. Những tảng đá lớn được phật tử đưa về cúng đã tạo thành núi đá, cảnh quan xung quanh đều bố trí đá mồ côi phối cảnh chung hoa kiểng, cây xanh đã tạo nên một cảm giác gần như quên đi một vùng xứ biển hoang vu, đầm lầy; với những vườn hoa lan, những vườn cây trái sum suê như xoài, bưởi da xanh, vườn rau sạch, không gian hoa, kiểng... đã làm cho du khách không còn nghĩ mình đang ở xứ mặn,.... Tất cả những kiến trúc trên được phối hợp hài hòa với các khuôn viên trong sân chùa làm bắt mắt cho du khách khi đến tham quan. Một điều ngạc nhiên hơn nữa là nơi tu hành không sát sinh nên không dùng bất cứ loại thuốc diệt trừ sâu, bọ, côn trùng hay phân hữu cơ khác nhưng cây vẫn tươi tốt.
ĐĐ. Thích Phước Chí và điêu khắc gia Thụy Lam (Sưu tầm)
Hiện tại Chùa đang tiến hành thi công Chánh điện lớn để thay thế Chánh điện ban đầu với qui mô khá lớn. Trong tương lai gần, Chùa sẽ là nơi Tu thập hội tụ phật tử bốn phương quy ngưỡng và thu hút nhiều du khách hành hương, chiêm bái Phật, đồng thời thu hút du khách đến tham quan. Vạn Phước sẽ là sản phẩm du lịch với loại hình du lịch tâm linh góp phần cho sự phát triển du lịch sinh thái "Sông nước Xứ Dừa" nói chung và huyện Bình Đại nói riêng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét