Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

Khơi dậy tiềm năng du lịch Mỏ Cày Bắc

Huyện Mỏ Cày Bắc nằm trên Cù lao Minh giữa hai nhánh sông Hàm Luông và Cổ Chiên cùng hai quốc lộ 57 và 60; vùng đất giao thoa giữa rừng dừa và xứ sở hoa kiểng, cây giống và trái cây của tỉnh Bến Tre.

Du lịch Mỏ Cày Bắc, bước đầu thu hút được một số du khách du khách nước ngoài tại xã Tân Thành Bình qua dịch vụ ngủ đêm nhà dân (homestay) và trãi nghiệm các tuyến sông nước bắt đầu từ Thành phố Bến Tre, tham quan, du thuyền xuyên qua huyện và kết thúc tại chợ nổi dừa - sông Thơm, Mỏ Cày Nam. Hay những làng nghề truyền thống và các khu thờ tự, tâm linh khác được kết nối qua các đường làng rợp bóng cây trái, hoa kiểng để đến Chợ Lách đã thu hút nhiều du khách và các nhà làm lữ hành quan tâm.

Vừa qua, thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 20/7/2017 của Tỉnh ủy Bến Tre thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ủy ban nhân dân huyện Mỏ Cày Bắc xây dựng Kế hoạch 363/KH-UBND ngày 07/3/2018 về phát triển tuyến du lịch Tân Thành Bình, Thạnh Ngãi và Phú Mỹ đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Ban chỉ đạo phát triển du lịch sinh thái huyện kết hợp với Ủy ban nhân dân 03 xã Tân Thành Bình, Thạnh Ngãi và Phú Mỹ, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch và các đơn vị lữ hành trong tỉnh tổ chức hội nghị trong ba ngày 6, 7 và 8/11/2018 triển khai và cụ thể hóa kế hoạch phát triển du lịch của từng địa phương trong thời gian tới thành tuyến du lịch liên tuyến và mở rộng ra 02 xã Thanh Tân và Tân Phú Tây. 

Tài nguyên du lịch huyện Mỏ Cày Bắc, cụ thể là 3 xã Tân Thành Bình, Thạnh Ngãi và Phú Mỹ cũng khá phong phú, đáp ứng yêu cầu kết nối tuyến du lịch tứ Thành phố Bến Tre đến huyện Chợ Lách rồi qua Vĩnh Long; cũng như kết nối về Mỏ Cày Nam đến Thạnh Phú và qua tỉnh Trà Vinh. Đây cũng là liên tuyến du lịch chính của huyện mà Ban chỉ đạo phát triển du lịch huyện kết hợp với Ủy ban nhân dân 03 xã Tân Thành Bình, Thạnh Ngãi và Phú Mỹ, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch và các đơn vị lữ hành trong tỉnh thống nhất triển khai và cụ thể hóa từ các làng nghề, hộ kinh doanh ăn uống, điểm tham quan tử các vườn cây trái, sông nước và đường quê thơ mộng và yên bình.

Một số điểm tham quan và tài nguyên du lịch:
- Xã Tân Thành Bình: Các cơ sở thu mua, chế biến dừa Vàm Nước trong, cơ sở làm chổi dừa Chợ Xép, làm tương hột Tân Thành Bình, các điểm dừng chân Quốc lộ 60, các điểm ngủ nhà dân homestay.
Chèo xuồng trong rạch (ảnh minh họa)
- Xã Thạnh Ngãi: Chùa Gia Hưng, Bến đò Thanh Tân - Thạnh Ngãi (ấp Gia Thạnh); Đình Tân Ngãi (ấp Tân Ngãi), Làng nghề hoa kiểng, Chùa Long Minh, Chợ Trường Thịnh (ấp Chợ Mới); Cơ sở làm đũa Hồ Văn Hoa (ấp Xóm Cối); Dịch vụ ẩm thực Thúy Lài, Cơ sở sản xuất kẹo dừa Mỹ Lan, HTX nông nghiệp ấp Chợ Cũ; Quán bánh xèo Sáu Gái, Đờn ca tài tử hộ ông Phạm Văn Màng, Vườn bưởi Tám Phấn.

- Xã Phú Mỹ: Chùa Dừa ấp Mỹ Sơn Đông, Chùa Phú Long; Khu lưu niệm giáo sư Ca Văn Thỉnh, Đình Thanh Long; Các làng nghề hoa kiểng - cây giống, vườn cây trái ấp Phú Thuận, Phú Thạnh; cơ sở làm bánh rau mơ lá mít, …
Làng nhề hoa kiểng - cây giống (ảnh minh họa)
Để phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, huyện Mỏ Cày Bắc tập trung tuyên truyền cho nhân dân về ý nghĩa, vị trí, vai trò của du lịch và phát triển du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh các dịch vụ du lịch tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống. Phối hợp với Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh quảng bá tiềm năng du lịch, tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch.

Du lịch Mỏ Cày Bắc, cụ thể là tuyến liên xã kết nối 3 xã đến Mỏ Cày Nam và Chợ Lách là tiềm năng phát triển đa dạng, phong phú. Các địa phương, các hộ dân và các đơn vị lữ hành cần tiếp tục liên kết và phát triển, tạo nhiều sản phẩm khác biệt để thu hút khách; từng bước đầu tư và củng cố hệ thống cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng này./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét