Bến Tre được nhiều người biết đến với tên gọi "ba đảo dừa xanh", du khách phương xa ghé thăm Xứ Dừa không chỉ được tham quan sông nước, dạo quanh các vườn dừa, vườn cây ăn trái, mà nơi đây còn có những bãi biển mang nét nguyên sơ. Tỉnh Bến Tre có 65km đường bờ biển thuộc 3 huyện ven biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú. Do biển có nhiều phù sa nên nước biển không xanh như các bờ biển khác. Tuy nhiên, Bến Tre đang được khai thác phục vụ du lịch, tạo nên sự đa dạng sản phẩm và phát huy các tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh Bến Tre với tên gọi "Du lịch từ sông ra biển".
Huyện Ba Tri có đường bờ biển khai thác du lịch gồm bãi biển Cồn Hố (xã An Thủy) và Cồn Ngoài (xã Bảo Thuận). Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về việc ứng phó với biến đối khí hậu, huyện cho xây dựng tuyến đường từ ngã ba Cầu Ngang đến Cồn Ngoài dài khoảng 3,5km để phục vụ giao thông thuận tiện cho du khách đến bãi biển Cồn Ngoài trải nghiệm tắm biển, thưởng thức thủy hải sản. Bãi biển Cồn Ngoài cũng đang xây dựng bờ kè với kinh phí khoảng 41 tỷ đồng. Từ đó, huyện Ba Tri có cơ hội thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, ăn uống, khu vui chơi, mua sắm để kích cầu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Kết hợp với du lịch biển, Ba Tri có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa của huyện rất đa dạng và phong phú như: Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, di tích kiến trúc Đình Phú Lễ, Di tích nhà ông Nguyễn văn Cung và ngã ba cây Da Đôi,… cùng các làng nghề truyền thống như: làng nghề nấu rượu xã Phú lễ, làng nghề làm muối Bảo Thạnh, làng nghề khô xã An Thủy, làng nghề bánh phồng Phú Ngãi,…đang được nhiều du khách đến tham quan.
Biển Ba Tri (Ảnh: XTDL) |
Huyện Bình Đại cũng là một trong 3 huyện ven biển tại Bến Tre, cách thành phố Bến Tre khoảng 40km di chuyển bằng ô tô, ngoài những di tích văn hóa - lịch sử hiện có như: Khu lưu niệm Huỳnh Tấn Phát, Chùa Vạn Phước, Di tích Đình Tân Hưng và Mộ ông Huỳnh Văn Thiệu…. Huyện có hai xã Thừa Đức và Thới Thuận là địa phương phát triển du lịch biển. Về với nơi đây, du khách trải nghiệm bắt nghêu, mò sò huyết, câu cua… Riêng Cồn Chày Mười (xã Thới Thuận) du khách có thể chứng kiến một bờ đê ốc viết có một không hai trên biển Đông nầy. Bờ đê chắn sóng từ con ốc viết được sóng biển đưa từ ngoài khơi vào, qua thời gian, bờ đê ốc viết dài hơn 6km và cao khoảng 1,5m; đây là sản phẩm độc đáo, nếu khai thác và được đầu tư, chắc chắn nơi đây sẽ là điểm dừng chân lý thú cho du khách trong và ngoài nước.
Bờ đê ốc viết tại Cồn Chày Mười (Ảnh: Thanh Đồng - BĐK) |
Cách thành phố Bến Tre khoảng 60 phút đi bằng ô tô, biển Cồn Bửng thuộc xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú đang hấp dẫn nhiều du khách đến khám phá và thưởng thức hải sản tươi sống. Dự án bảo tồn, tôn tạo các giá trị Di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại hai xã Thạnh Phong và Thạnh Hải với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng đang triển khai giai đoạn II nằm trong quần thể khu du lịch Cồn Bửng, kết hợp Đền thờ Bà Chúa Xứ và Lăng Ông Nam Hải góp phần làm cho du lịch huyện Thạnh Phú phát triển đa dạng nhiều loại hình du lịch từ sông ra biển. Hạ tầng du lịch cũng được đầu tư nối liền các xã ven biển; trong đó, xã Thạnh Hải - Thạnh Phong được UBND tỉnh phê duyệt khu du lịch địa phương nhằm phát triển tốt du lịch từ sông ra biển của dãy Cù Lao Minh.
Biển Cồn Bửng - Thạnh Phú thu hút du khách tham quan tắm biển, thưởng thức hải sản tươi sống được chế biến tại chỗ (Ảnh: Phòng VHTT Thạnh Phú) |
Với những tiềm năng và lợi thế hiện có, ba huyện ven biển cần có những giải pháp để phát triển du lịch biển có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng của huyện như:
- Xây dựng sản phẩm du lịch biển bảo đảm tính chuyên nghiệp không trùng lắp sản phẩm giữa 3 địa phương để phát triển bền vững, hiệu quả cao. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, hợp tác, liên kết với các huyện liền kề, tạo nên tuyến, tour với nhiều loại hình du lịch, phù hợp nhu cầu và thị hiếu của du khách.
- Phát triển, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về kỹ năng, trình độ giao tiếp, ngoại ngữ; mở các lớp tập huấn chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức cho người dân làm du lịch, góp phần giải quyết việc làm tại địa phương.
- Triển khai các chính sách, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú ven biển đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, mua sắm, vui chơi, tham quan rừng ngập mặn và phát triển du lịch biển.
- Chú trọng công tác bảo vệ môi trường du lịch biển trong tình hình hiện nay, thích ứng biến đổi khí hậu trong giai đoạn nước biển dâng ngày càng cao để bảo vệ môi trường cho du khách và người dân địa phương.
- Đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch biển bền vững, kết hợp khai thác không gian biển, ven biển và đất liền./.
Bảo Trâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét