Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

Du lịch Xứ Dừa: Đẹp ngỡ ngàng sắc trắng Bạch Mai

"Đình Phú Tự nhớ về nguồn cội
Trồng Bạch Mai ghi dấu người xưa
Khí thiêng sinh hoa quý
Đất linh trổ người tài…"
Trích "Bạch Mai Bi Ký"

Đối với người dân Bến Tre, không ai là không biết đình Phú Tự và cây cổ thụ Bạch Mai. Ngày 13/02/2014, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Bến Tre (tỉnh Bến Tre) đã tổ chức lễ đón nhận quyết định công nhận cây Bạch Mai cổ là cây di sản quốc gia do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao tặng. Đây là niềm tự hào rất lớn vì cây cổ thụ Bạch Mai đã tồn tại trên 300 năm tuổi như một chứng nhân lịch sử cùng với người dân Xứ Dừa trải qua biết bao thăng trầm của thời cuộc.
Cây cổ thụ Bạch Mai tại đình Phú Tự 
Từ trung tâm thành phố Bến Tre, chỉ cách 4,4km và mất khoảng 10 phút đi xe máy là chúng ta có thể đến đình Phú Tự (thuộc ấp Phú Hào, xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre). Đình Phú Tự là một trong số những ngôi đình cổ lâu đời tại Bến Tre, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII; ngay từ bên ngoài, cổng đình hiện lên trước mắt du khách là một hình ảnh vô cùng cổ kính và nhuộm màu thời gian.

Khi bước vào giữa sân đình, chúng ta sẽ rất ấn tượng bởi cây cổ thụ Bạch Mai vô cùng to lớn; đây là họ mai mù u, thân cây sần sùi, cành lá vươn dài và xòe thành tán rộng đến mấy chục mét. Người dân địa phương rất quý trọng cây cổ thụ Bạch Mai và thường hay ưu ái gọi là "Thần Mai" hay "Danh mộc Bạch Mai". Ngay cả những người già trong vùng cũng không đoán được chính xác cây Bạch Mai đã có từ bao giờ mà chỉ biết rằng vào thời vua Minh Mạng, khi những người dân đầu tiên di cư đến vùng đất này để khai hoang mở đất và xây dựng đình làng thì cây cổ thụ Bạch Mai đã có.
Bia "Bạch Mai Bi Ký"
Trong những năm tháng chiến tranh vô cùng khốc liệt, đình Phú Tự từng là nơi trú ẩn của nhiều người dân trong vùng bởi bà con nơi đây tin rằng ngôi đình này rất linh thiêng và luôn có các vị thần linh che chở. Bên cạnh cây cổ thụ Bạch Mai là bức tượng "Bạch Mai Bi Ký" được dựng trên một con rùa bằng đá với ngụ ý: Từ lúc khai thiên lập địa, vùng đất Phương Nam này vẫn còn rất hoang sơ; sau đó, người dân Bến Tre đến đây mở đất lập làng và xem đây là nơi đất lành chim đậu; đình Phú Tự và cây cổ thụ Bạch Mai như những chứng nhân lịch sử để tưởng nhớ về nguồn cội tổ tiên, về những ngày tháng của buổi đầu sơ khai…

Cây cổ thụ Bạch Mai chỉ cho hoa một lần vào mùa xuân, độ khoảng từ rằm tháng giêng cho hết tháng hai âm lịch. Không giống như những giống mai vàng khác, cây Bạch Mai không cần phải lẩy lá mà vẫn ra hoa, những chùm hoa mai màu trắng và nhụy vàng với hương thơm thoang thoảng, dịu nhẹ trông vừa thanh tao lại vừa tinh tế vô cùng. Ban đầu, khi đến Tết Nguyên tiêu, những chùm nụ hoa màu xanh non sẽ bắt đầu nhú ra từ trong thân và cành rồi đến giữa tháng hai âm lịch hoa mai sẽ bung nở trắng xóa, chỉ với bốn cánh nhỏ xíu trắng tinh khôi mà lại thu hút rất nhiều ong bướm đến hút mật tạo nên một cảnh sắc vô cùng xinh tươi.
Hoa Bạch Mai trắng tinh khôi
Được biết từ người dân địa phương, cây Bạch Mai này không chiết cành được, không nhân giống được, thỉnh thoảng có cây con bứng về trồng vẫn không sống. Đây là cây linh thiêng của Đình nơi đây và phía sau đình còn có thêm một cây thị cổ ngoài trăm năm tuổi cũng đã góp thêm phần giá trị trong tín ngưỡng dân gian.

Ngày nay, đình Phú Tự và cây cổ thụ Bạch Mai không chỉ là điểm đến cúng bái của những người dân tín ngưỡng ở địa phương mà còn là một trong những điểm đến rất thu hút khách du lịch tại thành phố Bến Tre. Các du khách thập phương đến đây trước là để chiêm ngưỡng cây cổ thụ Bạch Mai trên 300 năm tuổi, sau là để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của đất và người Bến Tre. Hãy một lần đến thăm đình Phú Tự và cây cổ thụ Bạch Mai để cùng ôn lại những năm tháng hào hùng của Xứ Dừa thời khai hoang mở đất./.
Tường Vi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét