Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

Du lịch Bến Tre thích ứng với tình hình xâm nhập mặn

Từ cuối năm 2019 và sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, tình hình xâm nhập mặn tại Bến Tre diễn biến ngày càng gay gắt, xâm nhập sớm và sâu hơn mọi năm. Hiện tại, độ mặn trên các sông chính đang vượt mức hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015-2016. Ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất sinh hoạt của người dân, gây thiệt hại kinh tế rất lớn trong đó ngành du lịch sẽ không thể tránh khỏi các tác động ngoài mong muốn.
Người dân đối mặt với hạn mặn tại Bến Tre (Ảnh: sưu tầm)
Dự báo của ngành chức năng tỉnh Bến Tre, trong thời gian tới, mặn gay gắt, xâm nhập sâu và duy trì ở mức rất cao. Theo đó, trong tháng 3/2020, độ mặn 4‰ có khả năng xâm nhập sâu cách cửa sông khoảng 87km, độ mặn 1‰ bao trùm toàn bộ tỉnh Bến Tre (Theo bản tin dự báo độ mặn từ ngày 17 đến ngày 27/03/2020). Hiện sông Hàm Luông và sông Cửa Đại không còn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân. Một số hộ dân tự ý xuống giống lúa vụ 3 gần như bị thiệt hại hoàn toàn. Hồ Kênh Lấp (huyện Ba Tri) - hồ nhân tạo trữ nước ngọt lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long có sức chứa gần 1 triệu m3 nước, với vốn đầu tư 85 tỷ đồng cũng bị nhiễm mặn trên 2‰. Trong khi đó, huyện Chợ Lách là địa phương nằm cách xa biển nhất của tỉnh Bến Tre, nhưng cũng đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn, mặn. Độ mặn đo được trên nhiều tuyến sông và kênh rạch trên địa bàn huyện Chợ Lách đạt mức rất cao từ 4 - 6%.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết: Thực hiện Nghị quyết 120, tỉnh Bến Tre sẽ tập trung cho các dự án quản lý nguồn nước, thủy lợi, cống phục vụ cơ cấu lại, phát triển kinh tế bền vững.

Ngành du lịch Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng là một ngành rất đặc thù, dễ bị tổn thương nhất bởi lẻ hầu hết các hoạt động khai thác du lịch đều phụ thuộc vào tài nguyên sẵn có. Với bờ biển dài trên 65km, ít chịu ảnh hưởng của bảo lũ tuy nhiên hằng năm Bến Tre đều chịu ảnh hưởng của tình hình xâm nhập mặn. Trong 5 năm trở lại đây diễn biến lại vô cùng thất thường không theo qui luật, đây là một trong các dấu hiệu cho thấy sự biến đổi khí hậu đang dần diễn ra và đang tiến gần hơn so với các kịch bản dự báo. Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến cơ sở hạ tầng du lịch, hoạt động lữ hành và đặc biệt là tài nguyên du lịch, yếu tố nền tảng cho phát triển du lịch.

Thế mạnh hiện nay tỉnh Bến Tre đang đầu tư và là chiến lược trọng tâm phát triển là loại hình du lịch sinh thái, một trong các loại hình du lịch dựa hoàn toàn vào tự nhiên. Chính vì vậy trước tình hình xâm nhập mặn đang diễn ra, sắp tới ngành du lịch Bến Tre cần hướng đến các giải pháp nhằm giảm thiểu tác hại ngoài mong muốn cũng như thích ứng với hạn mặn, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, tăng cường bảo vệ tài nguyên vừa đáp ứng nhu cầu của du khách:

Đầu tiên, quy hoạch các khu điểm du lịch phải căn cứ vào kịch bản dự báo nước biển dâng, tình hình xâm nhập mặn, các yếu tố ổn định địa chất, địa mạo một cách cụ thể, phù hợp với quy hoạch hệ thống đê bao. Vị trí các khu, điểm du lịch được lựa chọn trên cơ sở khoa học, phù hợp với đặc điểm tự nhiên của địa phương, có hệ thống thoát nước mặt hoàn chỉnh. Xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch (giao thông, cơ sở lưu trú, các điểm vui chơi giải trí...) cần tính đến thích ứng với biến đổi khí hậu, thiết kế thích nghi với biến động của thời tiết, chống chọi và đảm bảo an toàn trước nước biển dâng.

Mặt khác các điểm hoạt động du lịch sinh thái cần hướng tới mô hình thân thiện và hài hòa với thiên nhiên xanh. Quy hoạch hệ thống bến đỗ, bến neo đậu các phương tiện vận chuyển khách cần thiết kế phù hợp và gắn kết với không gian du lịch. Phát triển các loại hình du lịch thân thiện với môi trường, ít rủi ro như: Du lịch văn hóa, du lịch tham quan - nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - cộng đồng… Thay đổi cơ cấu mùa vụ theo từng loại hình du lịch để khai thác tối đa thời gian có khí hậu thuận lợi trong năm. Định hướng khai thác các loại hình du lịch mới, tổ chức các tour du lịch mới phù hợp với điều kiện mực nước biển dâng. Mở rộng thêm các tour du lịch vào chương trình thực tế như: du lịch khám phá vùng đất ngập mặn, du lịch tìm hiểu và nghiên cứu hệ sinh vật, du lịch tìm hiểu cách người dân thích ứng trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống…

Ngoài ra cần nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý trong lĩnh vực du lịch về ảnh hưởng tình hình xâm nhập mặn; Xây dựng hành lang pháp lý nhằm thực hiện các chiến lược, kế hoạch ứng phó rõ ràng; Đẩy mạnh sự hợp tác và điều phối nội vùng, liên vùng trong quản lý để cập nhật thông tin, số liệu liên quan đến nước biển dâng.

Đồng thời tại cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch, lồng ghép chuyên đề đào tạo, bồi dưỡng về nội dung xâm nhập mặn và chủ động ứng phó. Nhờ đó, nâng cao nhận thức cho đội ngũ lao động du lịch về xâm nhập mặn nói chung, chủ động trong những biến động bất thường của thời tiết gây ra.

Tiến hành hình thành khu dự trữ nước ngọt tại 03 vùng ven biển như Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú vừa đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho cộng đồng địa phương vừa kết hợp các mô hình tham quan sinh thái, các ứng dụng công nghệ về nuôi trồng thủy hải sản, giống cây trồng…

Quan trọng không kém là việc nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương và khách du lịch về tính tất yếu phải ứng phó với tình hình xâm nhập mặn. Tổ chức rộng rãi các chương trình, chiến dịch tuyên truyền về tác động của hạn mặn đến đời sống cũng như kêu gọi khách du lịch, cộng đồng địa phương tham gia vào các chương trình do Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở ban ngành phát động với mục tiêu bảo vệ môi trường trước những tác động của BĐKH: Giờ trái đất, tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, trồng cây xanh, trồng rừng phòng hộ ven biển, vứt rác đúng nơi quy định. Nhằm giữ môi trường xanh, sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu trong hoạt động phát triển du lịch tỉnh nhà.
Phương Thy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét