Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch trực tuyến tại Bến Tre

Dịch vụ trực tuyến là công nghệ liên quan quan đến internet, đã có tác động đến ngành du lịch một cách đầy bất ngờ do sức ảnh hưởng cực kỳ lớn đến sự lựa chọn và đưa ra quyết định cho du khách khi lựa chọn điểm đến, khách sạn, nhà hàng,… bao gồm giá cả. Chính vì thế, làm chủ dịch vụ trực tuyến thông qua nền tảng internet sẽ trở thành một thành phần không thể bỏ qua cho chiến lược phát triển du lịch trong thời gian sắp tới. 

Trước xu thế nền công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tỉnh Bến Tre đang rất chú trọng ưu tiên đưa sự linh hoạt của công nghệ vào hoạt động lĩnh vực du lịch. Lấy lợi thế về hệ sinh thái độc đáo hội tụ ba yếu tố: ngọt, mặn, lợ tạo nên sự đa dạng sinh học về giống loài, bên cạnh đó “văn hóa xứ dừa” luôn tạo nên điểm nhấn thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đây sẽ là cơ hội thuận lợi để Bến Tre quảng bá hình ảnh và thông tin đến nhiều du khách, hứa hẹn tạo ra nhiều bước đột phá về dịch vụ trực tuyến. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn mang lại nhiều khó khăn tiềm ẩn kèm theo nhiều rủi ro kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch.

Thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho thấy trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm các thông tin về du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần. Trong đó, mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt. Năm 2019, Việt Nam sở hữu 61 triệu người dùng Internet, trung bình người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng Internet trên thiết bị di động như điện thoại thông minh (smartphone). Vào những tháng du lịch hè cao điểm, số lượt tìm kiếm có thể lên đến 8 triệu lượt, một con số vô cùng ấn tượng. Tại báo cáo của Google và Temasek, quy mô Du lịch trực tuyến Việt Nam sẽ đạt 9 tỷ USD vào năm 2025. Theo đó, các OTAs (đại lý du lịch trực tuyến) thương hiệu toàn cầu như Agoda.com, booking.com, Traveloka.com, Expedia.com (bao gồm Trivago.com, hotel.com) đang độc chiếm thị trường Việt Nam, với 80% thị phần. 

Thuận lợi
- Nhìn vào bức tranh tổng quát, năm qua ngành du lịch của Việt Nam đang phát triển vượt bậc. Điển hình như: Điểm đến hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019… Đây là những giải thưởng rất đáng tự hào, góp phần khẳng định vị thế du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Riêng Bến Tre, qua các năm đều nằm trong top điểm đến tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể lượng khách doanh thu qua các năm đều có sự gia tăng ổn định, ngành dịch vụ du lịch trực tuyến ngày càng được đầu tư với nhiều hình thức đa dạng. Theo thống kê, Bến Tre đã và đang thực hiện tốt các khâu quảng bá hình hình rộng rãi qua các website và nhiều trang mạng xã hội khác như youtube, facebook, … ngoài ra còn có một số trang fanpage như: Du lịch Bến Tre, Bến Tre Quê Tôi,… hoạt động rất hiệu quả. 

- Hầu hết các doanh nghiệp du lịch Bến Tre đã chủ động tham gia vào các website du lịch OTAs nước ngoài như agoda.com, booking.com, expedia.com,… giới thiệu lượng lớn các sản phẩm phong phú kèm thông tin cụ thể về thời điểm, giá cả, dịch vụ trên website của họ. Tạo sự bình đẳng và cơ hội cạnh tranh cho các doanh nghiệp thông qua các tiện ích trực tuyến như đặt chỗ, đặt chuyến, đổi, xuất vé và thanh toán. 

- Đã bắt đầu chú ý đến nhân sự công nghệ thông tin, đặc biệt chú trọng khâu ứng dụng phát triển rất tốt. Các nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch, homestay… từng bước tham gia sâu vào du lịch trực tuyến bằng việc chuyển đổi số, số hóa dữ liệu. Việc số hóa sẽ giúp thống nhất khối dữ liệu du lịch khổng lồ đang tản mát để các thành phần cùng khai thác, qua đó tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ du lịch nhờ khả năng cá nhân hóa xu hướng, nhu cầu của du khách. Số hóa hệ thống dữ liệu du lịch không chỉ giúp chủ động cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu về điểm đến của du khách. Thông qua thiết bị thông minh hướng tới đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quảng bá.

- Không tham gia vào bán hàng trực tuyến tuy nhiên về phía quản lý nhà nước chuyên trang du lịch cũng góp phần đưa hình ảnh và truyền tải nội dung chính thống, đảm bảo nhu cầu tra cứu, tìm kiếm thông tin du lịch của du khách nhanh chống đặc biệt là các sự kiện góp phần thu hút chú ý lượng người theo dõi, độ tin cậy cao như: http://dulich.bentre.gov.vn, http://svhttdl.bentre.gov.vn.

Khó khăn 
- Nền tảng công nghệ đã hỗ trợ rất nhiều cho phát triển du lịch Bến Tre. Các công ty du lịch đều hướng tới để có công cụ tốt nhất, hỗ trợ khách tìm được sản phẩm, dịch vụ nhanh nhất. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ vấn đề du lịch trực tuyến nên vẫn còn nhiều người quan điểm sai lệch chỉ đơn thuần xây dựng một trang mạng xã hội, một ứng dụng trên di động hay website là đã làm chủ công nghệ. Mà còn phải tính đến nhiều yếu tố làm sao đó để thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm, tham gia tương tác để nhiều người cùng biết đến.

- Còn nhiều doanh nghiệp trong tỉnh vẫn chưa nắm bắt và tận dụng được những cơ hội làm ăn trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. Còn thụ động trong việc tiếp cận thị trường trực tuyến nên chưa khai thác tối đa nguồn khách nhất là nguồn khách quốc tế. 

- Việc thực hiện số hóa hoàn toàn các dữ liệu du lịch tại Bến Tre cần phải có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều ngành khác như: an ninh, vận tải, y tế, thương mại… Sản phẩm du lịch được hợp thành bởi một chuỗi cung ứng dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng tới khu vui chơi giải trí, điểm tham quan… nên việc thu thập thông tin chưa đồng bộ.

- Việc quảng bá sản phẩm còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa quan tâm nhiều đến loại hình quảng bá trực tuyến. Một số địa phương cũng đã có đầu tư website riêng tuy nhiên để đáp ứng thông tin về mục đích tìm kiếm cho du khách còn hạn chế. Mặt khác, các thông tin còn nghèo nàn, thiếu đổi mới, chưa tương tác phản hồi từ khách du lịch nên không thu hút được nhiều lượng truy cập cũng như sự quan tâm của đối tượng khách mới.

- Hiện nay, tỉnh Bến Tre nói chung và các tỉnh khách nói riêng vẫn còn lúng túng về quy định du lịch trực tuyến nên gây khó khăn trong quản lý và hướng dẫn. Bên cạnh đó, công tác đào tạo dành riêng cho lực lượng công nghệ vừa đáp ứng chuyên môn công nghệ vừa thỏa các điều kiện nghiệp vụ du lịch rất yếu và thiếu. Nguồn vốn đầu tư công nghệ còn khiêm tốn, chưa dám mạnh dạng thay đổi hình thức kinh doanh nên chưa khai thác được nguồn khách trực tiếp bán hàng trực tuyến.

- Sân chơi dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch với hy vọng tạo sự đổi mới trong hoạt động kinh doanh du lịch tại Bến Tre vẫn chưa có nên việc trao đổi thông tin còn rời rạc, chưa tạo được mối quan hệ liên kết giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp, quản lý nhà nước với doanh nghiệp và người dân những người gián tiếp tham gia vào hoạt động du lịch với doanh nghiệp. 

Từ những nhận định thuận lợi và khó khăn hiện nay, đặt biệt trong năm 2020 dự đoán sẽ là năm khó khăn cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng khi nền kinh tế đang có dấu hiệu giảm sút do dịch bệnh đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Điều này chắc chắn nhu cầu về đi du lịch sẽ giảm về lượng khách cũng  như doanh thu. Tuy nhiên, không vì vậy mà ngành du lịch chịu dặm chân tại chỗ mà ngay bây giờ chính là thời gian để cùng nhau tìm hướng đi mới mà ở đó công nghệ từ dịch vụ trực tuyến sẽ đóng vai trò tiên phong tạo nên bước đột phá đầy ngoạn mục:

- Tại diễn đàn du lịch trực tuyến trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội đã cho thấy 71% du khách quốc tế tới Việt Nam tham khảo thông tin điểm đến trên internet và 64% đặt chỗ, mua dịch vụ trực tuyến. Điều này cho thấy, thói quen tiêu dùng của du khách đang phụ thuộc nhiều vào công nghệ và đây chính là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch dễ dàng nắm bắt nhu cầu thật sự của du khách, từ đó cung cấp sản phẩm đúng, trúng tới từng đối tượng khách hàng mục tiêu. Song song đó, qua tìm hiểu khách du lịch thường bắt đầu nghiên cứu hành trình du lịch của mình qua thiết bị di động và Google chính là công cụ tìm kiếm ưa thích. Như vậy, các doanh nghiệp du lịch cần chú trọng vào việc mang lại những trải nghiệm trực tuyến, đặc biệt là trên thiết bị di động để thu hút du khách.

- Việc chuyển đổi số hóa các dữ liệu du lịch đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và lâu dài của nhiều thành phần dựa trên nền tảng công nghệ thông minh và thống nhất. Công việc này đòi hỏi nhiều nhân lực, vật lực; song thách thức hơn là khi có được hệ thống thông tin số trong tay, làm thế nào để quản lý và sử dụng một cách hiệu quả nhất, giúp các doanh nghiệp du lịch Bến Tre vận hành trơn truôn thì vấn đề đặt ra là phải có người làm đầu tàu kết nối và chịu trách nhiệm điều tiết. Một cách hiểu khác số hóa không có nghĩa là chỉ tổng hợp, chuyển đổi các thông tin du lịch lên môi trường số mà còn là số hóa cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá du lịch…

- Xúc tiến xây dựng bản đồ số về du lịch thông minh. Sự phổ biến của smartphone đã kết nối không gian toàn cầu. Nhờ vậy, khi đi du lịch đến một vùng đất xa lạ, nhất là đối với du khách nước ngoài đến Bến Tre, thay vì họ phải mang theo bản đồ giấy, cẩm nang, sổ tay hướng dẫn du lịch cồng kềnh, thì bản đồ du lịch số được thiết kế với những địa danh giới hạn trong phạm vi trong tỉnh thì chỉ với vài thao tác nhỏ trên chiếc smartphone sẽ giúp du khách tìm được điểm cần đến một cách nhanh chóng với độ chính xác cao. Việc xây dựng bản đồ số sẽ gia tăng tiện ích rất nhiều cho du khách, đồng thời các doanh nghiệp du lịch cũng có thêm công cụ để tăng cường thông tin quảng bá chi tiết về các sản phẩm, dịch vụ của mình.

- Luật Du lịch sửa đổi năm 2017 đưa ra quy định, cơ quan quản lý về du lịch phải có trách nhiệm hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch. Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng nêu rõ yêu cầu đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh. Ðây chính là những định hướng quan trọng để các ban, ngành chức năng sớm có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển du lịch trực tuyến ở Bến Tre, đồng thời khuyến khích, bảo vệ quyền lợi của những công ty du lịch hoạt động dịch vụ trực tuyến. Hỗ trợ quy định cụ thể về du lịch trực tuyến, những chính sách hỗ trợ về vốn, định hướng quy hoạch phát triển...

Tóm lại, phát triển dịch vụ du lịch trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số là cơ hội để tăng trưởng du lịch, cung cấp nhanh và nhiều thông tin, các dịch vụ đa dạng, hấp dẫn thu hút du khách. Ngoài ra, còn tạo cơ hội cho tất cả mọi người có thể tham gia, người cung cấp dịch vụ có thể bán được nhiều sản phẩm hơn và người sử dụng có thể tận dụng được các dịch vụ tốt hơn. Nhìn lại những thuận lợi và khó khăn trên, du lịch Bến Tre cần và sẽ làm nhiều hơn nữa nhằm mang lại các dịch vụ tiện ích, hướng đến xu thế hội nhập công nghệ toàn cầu./.
Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét