Bến Tre được biết đến là vùng đất trù phú với những vườn dừa bạc ngàn, những cánh đồng lúa bao la, bát ngát và những vườn trái cây sum suê, trĩu quả. Đến với Bến Tre, du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên trữ tình tại các điểm du lịch, tham quan hệ thống các di tích lịch sử lâu đời để tìm hiểu về đất và người Xứ Dừa mà còn được thưởng thức các món ăn thơm ngon, mang đậm chất miệt vườn dân dã.
Chè là một trong những món tráng miệng nổi tiếng và lâu đời tại Bến Tre. Du khách có thể tìm thấy rất nhiều loại chè tại nơi đây như: chè bắp, chè đậu xanh, chè chuối, chè bưởi,…và đa phần các món chè đều có nước cốt dừa để tạo nên hương vị quê hương thật độc đáo, đậm đà. Một trong những món chè có cái tên vô cùng mộc mạc, giản dị nhưng được kết hợp với nhiều nguyên liệu đa dạng và có phần cầu kỳ trong cách chế biến, đó chính là chè thưng.
Chè thưng nước cốt dừa |
Chè thưng nước cốt dừa là một món chè nổi tiếng của Bến Tre nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung. Món chè thưng được kết hợp với các nguyên liệu rất dễ tìm trong đời sống hằng ngày như: khoai lang tím, khoai lang vàng, khoai mì, đậu xanh đã bỏ vỏ, đậu phộng, hạt sen khô, bột khoai, bột báng, lá dứa, đường trắng và không thể thiếu một thành phần quan trọng là nước cốt dừa.
Đầu tiên, chúng ta phải ngâm vào nước khoảng 03 đến 04 tiếng cho mềm các nguyên liệu như: đậu xanh, đậu phộng, hạt sen, bột khoai, bột báng rồi vớt ra và rửa sạch lại. Sau đó, chúng ta cắt khoai lang tím, khoai lang vàng và khoai mì thành những khối vuông nhỏ sao cho vừa ăn; lá dứa thì đem đi rửa sạch và cắt khúc rồi cột lại thành bó.
Đến công đoạn chế biến, chúng ta nấu đậu xanh, đậu phộng, hạt sen sao cho chín mềm rồi vớt để riêng ra. Tiếp theo, chúng ta đặt nồi nước cốt dừa lên bếp và đun sôi rồi cho bó lá dứa vào, lúc này phải khuấy nhẹ đều tay để lá dứa tiết ra mùi thơm rồi vớt lá dứa ra ngoài. Sau đó, thêm đường vào nồi nước cốt dừa sao cho vừa đủ ngọt rồi cho khoai lang, khoai mì vào nấu đến khi chín mềm; khi khoai mềm, chúng ta cho tiếp phần bột báng, bột khoai vào nấu cùng đến khi hạt bột báng trong và nổi lên trên mặt nồi chè là được. Cuối cùng, chúng ta cho toàn bộ hạt sen, đậu xanh, đậu phộng vào nồi chè, khuấy đều trên lửa nhỏ và nêm nếm lại sao cho vừa ăn thì tắt bếp.
Nước cốt dừa được xem như linh hồn của món chè thưng, đây là nguyên liệu không thể thiếu và giúp cho chén chè trở nên béo thơm rất đậm đà. Ngày xưa, chè thưng còn được ví như một món ăn của nhà giàu vì có sự kết hợp của nhiều nguyên liệu và cách chế biến cũng hết sức tinh tế, cầu kỳ. Thế nên, chè thưng luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với những ai đã từng thưởng thức, đặc biệt là các thực khách thích ăn đồ ngọt thì chỉ muốn ăn mãi không thôi món chè này.
Du khách có dịp về thăm quê hương Đồng Khởi sẽ rất dễ tìm thấy để thưởng thức chè thưng tại các quán chè, quán ăn, nhà hàng,...Món chè này khi nấu xong thì có thể ăn nóng hoặc thêm đá vào làm chè lạnh cũng rất ngon, để đạt được yêu cầu thì chè thưng phải có sự kết hợp giữa sự mềm dẻo của khoai lang, khoai mì, độ dai của bột khoai, vị ngọt dịu nhưng không quá gắt kết hợp với vị béo ngậy của nước cốt dừa và một chút hương thơm dịu nhẹ của lá dứa.
Người dân Xứ Dừa thường nấu và thưởng thức chè thưng quanh năm, món chè này cũng rất được ưa chuộng để đãi khách vào các dịp đặc biệt như: đám cưới, đám giỗ, đám thôi nôi,…Trải qua biết bao năm tháng, hương vị của món chè thưng vẫn luôn được gìn giữ và làm say lòng biết bao thực khách. Món chè này còn chứa rất nhiều kỷ niệm tuổi thơ ở Xứ Dừa của biết bao thế hệ và dù có đi xa cách mấy thì người dân Bến Tre nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung vẫn luôn nhớ về chè thưng bởi đây chính là món chè đặc trưng của quê hương./.
Địa chỉ một số quán chè tham khảo tại thành phố Bến Tre:
- Bánh Flan số 14: 14 Đường Lê Quí Đôn, Phường 1;
- Quán Chè 71 Bến Tre: 89 Đường 30/4, Phường 4;
- Chè Tàu 79: 492B Đại Lộ Đồng Khởi, P. Phú Khương.
Tường Vi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét