Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020

Châu Thành - Tiềm năng của du lịch “sinh thái sông nước Xứ Dừa”

Châu Thành là một trong 08 huyện của tỉnh Bến Tre, phía Đông giáp với huyện Bình Đại, phía Đông Nam giáp với thành phố Bến Tre, phía Tây và Nam giáp với sông Hàm Luông ngăn cách với huyện Chợ Lách và huyện Mỏ Cày Bắc, phía Bắc giáp với sông Tiền ngăn cách với thành phố Mỹ Tho của tỉnh Tiền Giang. 

Nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa nên khí hậu tại huyện Châu Thành quanh năm ôn hòa và ít chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Ngoài ra, với lợi thế về địa hình đồng bằng tương đối thấp và bằng phẳng cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt qua sự bao bọc của 03 nhánh sông: Tiền, Ba Lai, Hàm Luông đã làm cho nơi đây có những điều kiện vô cùng thuận lợi để vừa canh tác nông nghiệp vừa phát triển du lịch.

Đa dạng các điểm du lịch sinh thái sông nước Xứ Dừa
Huyện Châu Thành chỉ cách trung tâm thành phố Bến Tre khoảng 09 km đường bộ, khi đến nơi đây du khách sẽ vô cùng ngạc nhiên, thích thú qua khung cảnh nên thơ, trữ tình và đậm chất Xứ Dừa. Với những thế mạnh mà thiên nhiên đã ưu ái, Châu Thành chào đón du khách bằng những cánh đồng lúa bao la, những vườn dừa xanh thẳm bạc ngàn, những vườn cây ăn trái tươi tốt, trĩu quả; tất cả đã góp phần làm nên những sản phẩm du lịch vô cùng đa dạng nhưng vẫn giữ được nét chân chất của miệt vườn Nam Bộ.

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 47 điểm du lịch, gần 80 cơ sở lưu trú với hơn 1.000 phòng đạt chuẩn; trong đó huyện Châu Thành có 29 điểm du lịch chiếm khoảng 62% tổng số điểm du lịch của tỉnh. Điều này cho thấy tiềm năng du lịch tại huyện Châu Thành là rất lớn và đang dần được khai thác đúng hướng, điển hình là các điểm du lịch như: Forever Green Resort, Cồn Phụng, Quới An, Quê Dừa, Làng Bè, Quê Ta, Làng Xanh, Vườn Dâu, Diễm Phượng, Năm Thành,…

Khi cầu Rạch Miễu được khánh thành vào năm 2009, du lịch tại huyện Châu Thành đã và đang từng ngày phát triển bởi đây là huyện cửa ngỏ của tỉnh Bến Tre tiếp giáp với tỉnh Tiền Giang. Thương hiệu “Du lịch sinh thái sông nước Xứ Dừa” đang dần được khẳng định, lan tỏa và tập trung nhiều ở 08 xã ven sông Tiền như: Quới Sơn, Tân Thạch, An Khánh, Phú Túc, Phú Đức, Tân Phú, Tiên Long và Tiên Thủy. Đặc biệt, các sản phẩm du lịch miệt vườn tại huyện Châu Thành cũng ngày càng phong phú, được du khách rất ưa chuộng nhất là du khách quốc tế, điển hình như: trải nghiệm một ngày làm nông với các hoạt động tưới cây, bắt tôm, bắt cá, chế biến các món ăn dân dã cùng người dân địa phương; nghe đờn ca tài tử; thưởng thức trái cây và uống trà mật ong; tham quan các lò kẹo dừa; đi thuyền trên sông; chèo xuồng trong rạch dừa nước; đi xe ngựa qua các con đường làng rợp bóng dừa…Tất cả đã mang đến cho du khách những kỷ niệm khó quên, vô cùng mộc mạc nhưng lại đậm chất Xứ Dừa.
Sân chín Rồng tại Cồn Phụng
Tại Châu Thành, Cồn Phụng là một trong những điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long, tọa lạc tại ấp Tân Vinh, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành. Đến nơi đây, du khách sẽ được thưởng ngoạn công trình kiến trúc độc đáo của Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam như: sân chín Rồng, tháp Hòa Bình, nhà truyền thống,…và trải nghiệm những hoạt động du lịch miệt vườn hấp dẫn; hàng năm, nơi đây đón hơn 500.000 lượt khách du lịch, trong đó khoảng 20% là khách quốc tế”.

Ngoài ra, huyện Châu Thành nói riêng và Bến Tre nói chung còn tự hào khi có khu nghỉ dưỡng cao cấp Forever Green Resort được khai trương vào năm 2013. Đạt tiêu chuẩn 03 sao, do công ty TNHH Thương mại Lô Hội đầu tư trên diện tích 21 hecta với tổng số vốn hơn 50 triệu USD, Forever Green Resort vô cùng đẳng cấp, sang trọng và thật không ngoa khi nói rằng nơi đây như một “hòn ngọc xanh” nằm trọn trong lòng vùng đất trù phú của huyện Châu Thành, Bến Tre.

Đồng thời, những điểm du lịch mới đi vào hoạt động cuối năm 2019 tại huyện Châu Thành cũng đã tạo được nhiều ấn tượng với du khách, điển hình là Nghênh Xuân Farmstay tọa lạc tại Lộ Thơ, ấp Phước Lễ, xã Thành Triệu, huyện Châu Thành. Đến nơi đây, du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên miệt vườn thoáng mát, thưởng thức nhiều món ăn ngon và các loại trái cây dân dã như: bưởi da xanh, dừa xiêm, gỏi bưởi, lẩu mắm,…
Một góc Nghênh Xuân Farmstay
Nâng cao hiệu quả trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch
Du lịch đang là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre. Riêng Châu Thành là một huyện được thiên nhiên ưu ái với nhiều lợi thế, đang từng ngày đổi mới. Tuy nhiên để du lịch phát triển bền vững cần có một số giải pháp sau: 

Tăng cường quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng: Ngày nay, các phương tiện truyền thông có vai trò rất lớn trong chiến lược marketing của doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Các điểm du lịch tại Châu Thành nên đẩy mạnh việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông trên mọi hình thức như: internet (google search, website, forum,...), truyền hình, báo chí, mạng xã hội (facebook, instagram, youtube, twitter, zalo, mail,…), điện thoại trực tiếp,…để góp phần truyền tải các thông điệp, những sản phẩm, dịch vụ,…đến các khách hàng hiện tại lẫn khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước.

Ngoài ra, các điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch nên xây dựng cho mình một hình ảnh thật chuyên nghiệp qua việc thiết kế bộ nhận dạng thương hiệu riêng (biểu tượng, khẩu hiệu, đồng phục,…) để tạo ấn tượng sâu sắc, giúp các khách hàng dễ nhớ và cũng là để thuận tiện cho việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần phải tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch hằng năm như: các lễ hội, các chương trình xúc tiến du lịch diễn ra trong và ngoài tỉnh bởi đây là những cơ hội vô cùng quý báu để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và giới thiệu thương hiệu của mình. 

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố góp phần thành công cho các điểm du lịch. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thực tế cũng như trong tình hình du lịch phát triển hiện nay cần phải có: kỹ năng mềm, kỹ năng phục vụ khách hàng, kỹ năng quản lý và đàm phán; linh hoạt trong các chính sách việc làm, thu nhập, bảo hiểm,…để đảm bảo cuộc sống cho người lao động; cần chú trọng việc thu thập các ý kiến, phản hồi của khách hàng để góp phần cải thiện các dịch vụ tại điểm du lịch; tổ chức các buổi đánh giá về thái độ, kỹ năng phục vụ của nhân viên để nâng cao tinh thần học hỏi và kịp thời khắc phục những sai sót trong quá trình phục vụ,…

Huyện cần tăng cường liên kết các cấp, các ngành để gia tăng nguồn lực và quan tâm việc xúc tiến quảng bá du lịch là điều tiên quyết. Các điểm du lịch tại Bến Tre nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung nên tăng cường liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp khác để nâng cao hiệu quả cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Đồng thời, các điểm du lịch cũng cần liên kết với các cấp chính quyền địa phương, các ngành liên quan để kịp thời nắm bắt những thông tin hữu ích nhằm phục vụ tốt nhất không chỉ cho việc kinh doanh tại doanh nghiệp mình mà còn cho nền kinh tế chung của tỉnh./.
Tường Vi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét